Ngày 8/4/2018, Uber chính thức ngừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. 2 tuần trước đó, Grab đã sử dụng nhiều kênh để gặp gỡ các tài xế Uber nhằm thuyết phục họ chuyển sang dùng Grab. Vì nhà đã mất, hầu hết tài xế Uber sẽ buộc phải chuyển sang Grab cho dù họ phải làm lại từ đầu, tất cả điểm thưởng, đánh giá,…đều sẽ như người mới gia nhập Grab.
Thật đáng tiếc cho Uber, Uber xuất hiện sớm hơn Grab trên thế giới và vào Việt Nam cũng sớm hơn. Sớm đến mức mà người ta gọi Uber như tên gọi chung cho taxi công nghệ giống như người ta dùng Lavie để gọi chung nước uống đóng chai. Thất bại của Uber xứng đáng trở thành một Case Study trong kinh doanh.
Khi Grab thâu tóm Uber hàng loạt lo ngại nổi lên. Từ thế phải cạnh tranh với Uber giờ Grab có thể tập trung cạnh tranh với Taxi truyền thống. Người ta lo ngại các khuyến mại sẽ ngày càng ít đi và tiền chiết khấu ngày càng cao lên. Lo ngại tới mức mà Singapore và Philippines đã yêu cầu ngừng việc sát nhập giữa Uber và Grab để điều tra xem việc này có vi phạm luật cạnh tranh không
Cũng nhờ sự kiện này mà ta mới biết rằng Việt Nam có Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng. Cục đã hỏi và Grab đã trả lời rằng thị phần kết hợp của Grab và Uber thấp hơn 30%; Cục trả lời là Grab chưa chứng minh được hãng không độc quyền. Theo logic thì đơn vị buộc tội phải chứng minh Grap có tội, chứ không thể ngược lại là Grab phải chứng minh mình vô tội
Đây là dịp tốt để chúng ta tìm hiểu thị trường cạnh tranh không hoàn hảo.
Kinh tế học phân chia làm hai loại thị trường, thị trường cạnh tranh hoàn hảo và thị trường cạnh tranh không hoàn hảo.
Trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo, giá trao đổi hàng hóa là cân bằng của cung và cầu. Khi lượng cung tăng thì giá có xu hướng giảm, khi lượng cầu tăng thì giá có xu hướng tăng. Khi lượng cung tăng quá cao khiến cho các nhà cung cấp cạnh tranh nhau giảm giá tới mức thấp hơn cả giá sản xuất thì nhà nước đưa ra giá sàn, bắt bên cung phải bán cao hơn một mức giá nào đó. Khi lượng cầu tăng quá cao khiến cho giá tăng vượt quá sức chịu đựng của bên mua thì chính phủ đưa ra giá trần bắt các nhà cung cấp phải bán thấp hơn một mức giá nào đó.
Nếu tất cả hàng hóa đang lưu thông trên thế giới hiện nay đều đang trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì thật tuyệt vời. Chiếc Iphone bạn mua sẻ rẻ hơn rất nhiều hiện nay, ai ai cũng sẽ có iphone 10 giắt túi. Apple cũng không chịu thiệt vì lợi nhuận trên mỗi sản phẩm ít đi nhưng họ bán được cả tỷ cái.
Nhưng con người ai chẳng muốn làm ít ăn nhiều, tối thiểu hóa rủi ro nên họ chọn phương án an toàn là làm sao lợi nhuận trên mỗi đơn vị nhiều nhất có thể. Các DN đều cố gắng gia nhập vào thị trường cạnh tranh không hoàn hảo.
Thị trường cạnh tranh không hoàn hảo bao gồm:
- Cạnh tranh độc quyền
- Độc quyền tập đoàn
- Độc quyền (bán hoặc mua)
<1> Cạnh tranh độc quyền
Cạnh tranh độc quyền là hướng đi chủ đạo của các doanh nghiệp. Họ cố gắng tạo ra một sự khác biệt nào đó trong sản phẩm/dịch vụ cho một phân khúc cụ thể nào đó để từ đó có thể định giá cao hơn giá chung của thị trường.
Ví dụ như lĩnh vực giáo dục phổ thông, hầu hết chúng ta cho con mình đi học trường công. Trường công có mức giá rất dễ chịu, nó là mức giá chung của toàn thị trường. Giả sử như có một doanh nghiệp nào đó định mở một trường tiểu học chẳng hạn. Nếu họ làm trường của họ giống như trường công về mọi thứ (cơ sở vật chất, giáo viên, giáo trình,…) thì họ sẽ phải để học phí bằng hoặc thấp hơn trường công. Nếu muốn để giá cao hơn họ phải tạo ra sự khác biệt. Khi đó họ có thể định giá cao hơn giá chung của thị trường, họ đã gia nhập vào thị trường cạnh tranh độc quyền.
Mặt hàng nào cũng vậy, có sản phẩm phổ thông cho đa số mọi người và có những sản phẩm giá cao hơn chỉ dành cho một nhóm người có những đặc điểm cụ thể nào đó.
<2> Độc quyền tập đoàn
Độc quyền tập đoàn là thị trường trong đó chỉ có vài hãng lớn. Ví dụ như trong biểu đồ dưới, Viettel, Mobiphone, Vinaphone đã chiếu tới 95% thị phần. Trước khi có Viettel xuất hiện thì mức độ độc quyền tập đoàn lớn hơn nhiều. Sau khi có Viettel thì mức độ giảm xuống nhưng vẫn là dạng độc quyền tập đoàn.
Trong độc quyền tập đoàn, các công ty lớn có thể ngồi kín với nhau thỏa thuận cùng nhau định giá, phân chia thị trường,…
Trong trường hợp tránh các công ty nhỏ với lợi thế nhỏ gọn phá bĩnh, các tập đoàn có thể vận động chính sách đưa ra các quy định ngăn chặn. Ví dụ như gần đây khi Bộ TTTT đưa ra quy định không được tặng quá 20% cho mỗi lần nạp tiền có thể đoán là do các cty lớn vận động.
<3>Độc quyền bán
Độc quyền bán là có 1 cty độc chiếm toàn bộ hoặc phần lớn thị trường. Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn hình thức này ở độc quyền bán và độc quyền mua.
Việc cố gắng để gia nhập vào thị trường độc quyền không phải là việc xấu. Chính động cơ cố gắng làm sản phẩm tốt hơn (để bán giá cao hơn) đã giúp cho mức sống của tất cả gia tăng. Con người ngày nay cùng một lượng tiền sẽ mua được giá trị sử dụng nhiều hơn cũng lượng tiền đó trong quá khứ. Một người ở lớp trung lưu ngày nay còn sướng hơn một vị vua thời xưa.
Nếu như các DN đều không muốn làm sản phẩm tốt hơn (phù hợp hơn) để bán giá cao hơn thì người ta sẽ không quan tâm tới việc cải tiến sản phẩm, chỉ làm sao hướng tới việc sản xuất rẻ hơn.
Sức mạnh độc quyền
Các doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo cạnh tranh với nhau bằng giá, họ tối đa hóa lợi nhuận bằng cách sản xuất tới đơn vị hàng hóa mà tại đó giá bán hàng hóa đó (Doanh thu biên) đúng bằng chi phí sx ra hàng hóa đó (Chí phí biên).
Các doanh nghiệp độc quyền không theo nguyên tắc đó, họ vẫn tối đa hóa lợi nhuận tại điểm mà giá bán ra cao hơn chi phí biên. Cao hơn bao nhiêu tùy thuộc vào sức mạnh độc quyền; càng mạnh thì độ chênh lệch càng cao. Gọi chi phí biên là Pmc, giá bán là P thì sức mạnh độc quyền L = (P-Pmc)/P.
Theo trình tự, doanh nghiệp độc quyền bán sẽ có sức mạnh nhất, sau đó đến độc quyền tập đoàn và cuối cùng là cạnh tranh độc quyền.
Câu hỏi đặt ra : Grab sau sát nhập thuộc loại độc quyền nào?
Trước khi Uber vào Việt Nam, thị trường taxi (truyền thống) là dạng độc quyền tập đoàn. Chỉ có hai cái tên nổi bật lên là Mai Linh và Vinasun trong đó thị phần của Vinasun gấp đôi Mai Linh.
Người đi taxi chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Và chắc bạn cũng đã từng trải qua giai đoạn các hãng taxi tăng giá vô tội vạ, khi giá dầu tăng thì cước tăng nhưng khi giá dầu giảm thì cước không giảm. Tôi nhớ hồi đó báo đài ầm ĩ, năn nỉ ỉ ôi, nhưng các hãng taxi vẫn không giảm giá. Đó mới gọi là độc quyền thể hiện bởi sức mạnh độc quyền định giá cao hơn rất nhiều so với chi phí biên. Hồi những năm 2012-2014 giá cho mỗi Km vào khoảng 14.000 tới 15.000đ. Ngày hôm nay, nếu bạn ra ngoài đường sẽ thấy taxi in giá từ 10.000 tới 12.000 đồng.
Cách đây hơn 20 năm khi taxi còn hiếm, muốn đi taxi bạn phải gọi số tổng đài. Sau đó thì taxi đi đầy đường chỉ trừ khi bạn gọi xe 7 chỗ còn lại thì cứ ra đứng ngoài đường mà vẫy. Và giờ phần mềm gọi xe xuất hiện thì bản chất cũng giống như trước đây bạn gọi số tổng đài + một vài lợi ích khác.
Grab nếu như là một hãng taxi thông thường như Mai Linh thì nó có thể cấu kết với Vinasun và Mai Linh để thỏa thuận về các chính sách bán hàng, phân chia nhau thị phần cùng nhau hưởng lợi. Cơ bản là chẳng có gì diễn ra, chỉ là thêm một con hổ vào trong một cánh rừng đang có sẵn hai con hổ. Nhưng tại sao Vinasun lại kiện Grab và cố gắng ngăn cản sự phát triển của Grab? Vì Grab quá mạnh, Vinasun hay Mai Linh không đủ tư cách để ngồi cùng bàn mà đàm phán. giống như Vietnamobile không đủ tư cách để đàm phán với Vietel vậy.
Theo như số liệu của phó TGĐ Vinasun thì sau sát nhập, Grab có 78.000 chiếc trong khi toàn bộ taxi truyền thống chỉ có 20.000 chiếc. Có nghĩa là Grab đã chiếm 78% số lượng xe có thể suy ra là tương ứng với 78% thị phần. Với thị phần lớn như vậy, Grab có thể tận dụng được lợi thế về quy mô, họ có thể giảm biên lợi nhuận tới mức mà Vinasun hay Mai Linh không cạnh tranh nổi. Hãng taxi truyền thống không trụ được chết đi chỉ còn lại Grab. Theo đúng lý thuyết này, trong tương lai, Grab sẽ trở thành hãng độc quyền. Nếu xem bài độc quyền bán bạn sẽ biết rằng 1 trong 4 lý do để một doanh nghiệp độc quyền bán đó là quy mô. Cách đây 15 năm, Microsoft cũng bị kiện chống độc quyền và phải tốn rất nhiều tiền để không ai nhắc tới nữa.
Hãy cùng tưởng tượng ngày mà Grab độc quyền
Vào một buổi sáng đẹp trời của 2 năm nữa, bạn mở mắt ra và nhận ra rằng mình chỉ có một cách duy nhất để gọi taxi đó là Grab. Grab lúc đó đã độc quyền bán, họ sẽ hành xử ra sao?
Họ không thể tăng giá trên mỗi Km quá một mức cố định nào đó vì cao quá mức này thì taxi truyền thống sẽ trỗi dậy. Giả sử chi phí cho mỗi km là 6000 đồng, giá đi Grab lúc đó là 12.000 đồng -> Lợi nhuận gộp trên mỗi km là 6000/12.000 = 50%. 50% này được chia cho người lái xe và Grab. Grab bằng thế độc quyền của mình sẽ cố gắng chiếm phần lớn nhất có thể, ví dụ như 30% chẳng hạn. Người thiệt ở đây phần lớn là cánh lái xe hơn là người đi xe.
Grab có thể đưa ra các gói phí với các ưu đãi khác nhau; phí chiết khấu lại cho Grab càng cao thì càng nhiều quyền lợi. Ví dụ như thứ tự nhận cuốc sẽ là từ người có gói đóng phí nhiều tới gói đóng phí thấp hay vì khoảng cách hay là điểm uy tín. Lúc đó lái xe hoặc phải đóng phí cao để nhận cuốc nhiều hoặc là đóng phí thấp và thỉnh thoảng mới nhận cuốc.
Nhưng độc quyền bán chỉ có thể đối với dạng độc quyền nhờ chính sách của nhà nước. Luôn luôn sẽ có kẻ bắt chước và họ sẽ bằng mọi cách để lôi kéo khách hàng về với ứng dụng của mình. Sẽ có một vài hãng khác cũng cung cấp dịch vụ như Grab, đó có thể là Vinasun hay Mai Linh của quá khứ. Nếu lái xe cảm thấy bất mãn họ có thể chuyển sang sử dụng dịch vụ của Vinasun. Nếu số lượng người dùng Vinasun tăng lên thì lợi ích nhờ quy mô của nó tăng lên nhờ vậy sức cạnh tranh sẽ mạnh hơn. Một lợi thế của Vinasun hay Mai Linh, họ là doanh nghiệp trong nước, họ có thể khích lệ tinh thần yêu nước cũng như đánh mạnh về việc chuyển lợi nhuận về nước của Grab. Vinasun cũng đã từng làm điều này bằng cách dán khẩu hiệu lên xe taxi truyền thống về việc nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước nhưng họ làm không tốt, gây tác dụng ngược.
Vì taxi chỉ tập trung ở các thành phố lớn nên các hãng cạnh tranh cũng có thể tập trung vào một thành phố để đánh bật Grab. Giống như Vietnamobile chỉ tập trung hầu hết ở Hà Nội để cạnh tranh với các ông lớn. Các ông lớn phải trải trạm BTS ở khắp cả nước trong khi Vietnamobile chỉ tập trung trạm BTS ở thành phố lớn. Nếu bạn chẳng có việc gì phải đi khỏi thành phố thì việc dùng Vietnamobile là lựa chọn thông minh hơn Viettel. Mai Linh có thể tập trung vào thị trường Đà Nẵng, làm thật tốt, rót nhiều tiền vào để trở thành số 1; sau khi có đủ kinh nghiệm thì áp dụng cho các TT khác nếu có thể.
Hôm nay 19/4, hiệp hội taxi đề xuất với chính phủ là biển số taxi chuyển sang màu vàng để dễ quản lý. Mục đích cuối cùng chỉ là làm sao xe Grab cũng phải như taxi truyền thống. Nếu quy định này được thực hiện thì một lợi thế quan trọng của Grab sẽ mất đi. Xe Grab sẽ phân biệt với xe của người dân thông thường, sẽ không đi được vào đường cấm taxi, người lái xe grab sẽ mất đi cái quyền chỉ cần tắt phần mềm Grab là lại giống như người thường.
Có đầy sự mâu thuẫn trong tình huống Grab
Trong entry Grab-Cuộc chiến trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo tôi có phân tích rằng Grab tạo ra vô số người bán và vô số người mua bằng rào cản gia nhập và thoát khỏi ngành rất thấp, nó hội tụ điều kiện đầy đủ một thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Grab tạo ra một thị trường cạnh tranh hoàn hảo nhưng chính nó có tiềm năng trở thành hãng độc quyền.
Chúng ta thấy đầy mâu thuẫn, khó mà phân tích cho rõ được. Nhưng mô hình nào thì mô hình cái quan trọng cuối cùng là mang lại lợi ích gì.
Đối với người đi xe: tôi nghĩ rằng trường hợp tệ nhất cũng không tệ bằng việc taxi truyền thống thao túng thị trường như thời gian qua.
Đối với người lái xe: Nếu họ không chịu được nhiệt thì có thể chuyển nghề khác. Số lượng lái taxi sẽ điều chỉnh tăng giảm rồi thị trường sẽ tới mức cân bằng nơi mà lái xe taxi cảm thấy chấp nhận được.
Đối với xã hội: taxi truyền thống phải chạy tà tà quanh thành phố đón khách. Lái xe Grab ngồi yên một chỗ, giúp giảm ùn tắc và ô nhiễm.
Đối với chính phủ: Chính phủ có thể thu thuế thu nhập, thuế VAT dễ dàng hơn là taxi truyền thống vì Grab quản lý bằng phần mềm. Taxi truyền thống không thể quản lý được.
Chúng ta để ý Grab bike không hề bị đả kích mà chủ yếu là Grab taxi. Không hề có doanh nghiệp kinh doanh xe ôm, cũng không có hiệp hội xe ôm nên chẳng ai kiện Grab bike cả. Lái xe ôm truyền thống có thể gia nhập Grab và kiếm được nhiều tiền hơn là ngồi một chỗ ăn may. Taxi có sự tổ chức thành doanh nghiệp và hiệp hội vì vậy tất cả các đả kích với Grab taxi chẳng qua là cố gắng bảo vệ miếng ăn của mình mà thôi.
Bạn không thể ngăn chặn xu thế, bạn chỉ có thể làm chậm nó.