Bàn về động lực (P1: Động lực nội tại)
Bàn về động lực (P2: Từ động lực 1.0 tới động lực 3.0)
Bàn về động lực (P3: Mặt trái của mục tiêu trong tạo động lực)
Bàn về động lực (P4: Đặt mục tiêu trong tạo động lực)
Chúng ta đều biết là kết quả đạt được lớn hay nhỏ phụ thuộc vào gieo nhân. Muốn có thành công lớn thì phải cố gắng lớn; cố gắng nhỏ dẫn tới thành công nhỏ. Con đường đi tới thành công có thể khác nhau do cách người ta lựa chọn hướng và cách đi nhưng nói chung đều phải có trả giá.
Động lực là cái thúc đẩy ta hành động, kết quả của nó phải là năng suất. Nếu động lực mà không mang lại năng suất thì cũng có nghĩa là không có động lực vì không có sự khác biệt gì. Năng suất sẽ giúp ta tới đích nhanh hơn, giúp ta tận dụng cơ hội tới tốt, nó giúp cho ta cảm thấy công việc trở nên đơn giản hơn. Về công sức bạn vẫn phải bỏ ra nhưng bạn có thể tận hưởng được hương vị trên đường đi.
Con người ta làm việc vì tiền thì là động lực ngoại sinh, con người ta làm việc vì yêu thích rồi cũng sẽ mang lại tiền. Cả hai kết quả đều mang lại tiền nhưng một cái Tiền ở vế điều kiện còn một cái tiền ở vế kết quả.
Tiền giúp nuôi sống gia đình, đảm bảo an toàn cho gia đình nhờ vậy thúc đẩy ta làm việc. Cho dù có gắn kết với tình mẫu tử thì trường hợp này nó vẫn là động lực ngoại sinh. Nó sẽ khiến ta chỉ chăm chăm hướng tới tiền và vì vậy có thể hạ thấp bản thân, tâm lý kém thỏai mái, ít quan tâm hơn tới các ảnh hưởng khác, và vì vậy có nhiều rủi ro ở dài hạn.
Động lực nội sinh sinh ra từ sự tự chủ. Sự tự chủ không tự nhiên mà có, nó bắt nguồn từ Niềm tin. Niềm tin được tạo ra từ hai yếu tố 1. Năng lực và 2. Thái độ phù hợp.
Niềm tin bao gồm 3 cấp bậc 1. Tự tin: niềm tin vào chính mình 2. Niềm tin của đồng nghiệp và 3. Niềm tin của xã hội. Không có 1 thì đừng nói tới 2, không có 1 và 2 thì cũng đừng bàn tới 3.
Khi nào ta có quyền quyết định được làm cái gì, làm như thế nào, làm với ai và làm khi nào? Khi cấp quản lý tin tưởng bạn có đủ năng lực để giải quyết vấn đề, có sự kỷ luật tốt để đảm bảo hoàn thành công việc đúng hạn mà không cần kiểm soát.
Có khoảng 34% tổng số người trong lực lượng lao động là đang làm công ăn lương. Nhỏ như vậy là vì tỷ lệ làm nông nghiệp của chúng ta nhiều .
34% tương ứng khoảng 15tr lao động làm thuê hiện có khoảng 90% là mắc vào cái vòng luẩn quẩn “Hãy cho tôi tự chủ tôi sẽ làm tốt” trong khi tôi vẫn chưa làm tốt ngay cả khi chịu sự quản lý. Nó đại loại với câu “hãy trả lương tôi cao tôi sẽ làm tốt”. Trong mọi trường hợp thực tế thì bạn phải thể hiện được vế “thì” trước khi muốn đạt được vế “nếu”.
Thế nên ngay khi chúng ta đang phải dùng động lực ngoại sinh để thúc đẩy công việc thì chúng ta phải cố gắng xoay vế lại. Đại loại từ “nếu lương cao thì tôi sẽ làm tốt” thành “nếu tôi làm tốt thì lương sẽ cao”. “Nếu tôi tìm được việc ổn định thì tôi sẽ cố gắng học tập rèn luyện để làm tốt công việc đó” thành “Nếu tôi học tập rèn luyện để làm tốt công việc hiện tại thì tôi sẽ ổn định về công việc lâu dài”. Tuy nhiên, vì là động lực bên ngoài nên có nhiều yếu tố bên ngoài chúng ta không kiểm soát được, không phải cái gì cũng có thể làm thế này.
Một điểm cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho ta đó là thói quen, thói quen bắt nguồn từ tiềm thức; một số có thể thay đổi một số thì không (xem thêm :Quyền quyết định). Một công ty muốn lấy động lực bên trong mỗi nhân viên để thúc đẩy thì quá trình tuyển dụng cũng đã phải rất cẩn thận đo đếm kỹ lưỡng. Hoặc là công ty đó phải tự quảng cáo mình như một công ty dùng động lực nội tại, nơi người ta có thể tự chủ kiểu như Google, Microsoft,… để từ đó lôi cuốn những người như vậy.
Cũng không phải ai cũng thích sự tự chủ. Rõ ràng phải ra các quyết định làm cái gì, làm như thế nào, làm ở đâu, làm với ai trong khi phải chịu trách nhiệm về kết quả công việc là đau đầu hơn so với việc chỉ đâu đánh đấy.
Một công ty dùng động lực nội tại để thúc đẩy có cung cách quản trị khác hẳn với một công ty dùng động lực ngoại sinh. Thường những công ty này phải là những công ty mà Sáng tạo là yếu tố sống còn, chính vì vậy nó thường là các công ty Công nghệ. Một công ty loại 2 muốn chuyển đổi sang loại 1 thì cơ bản là bất khả thi vì có quá nhiều thứ phải thay đổi theo, trong đó yếu tố văn hóa doanh nghiệp là cái ăn vào máu thịt không dễ mà thay đổi.
Một đất nước cũng như một công ty. Lãnh đạo giỏi là phải thúc đẩy người dân tự hành động thay vì phải hành động .Trung quốc có “chủ nghĩa dân tộc cao”, mỗi người dân đều mong muốn đất nước trở nên hùng cường, trở thành bá chủ kể cả điều đó không có lợi cho nước khác, nhờ vậy mà họ có được như ngày nay. Một đất nước hơn 1 tỷ dân như một đoàn tàu tốc hành, không dùng động lực nội tại điều khiển thì làm sao có thể đi đúng được đường ray.