Chủ đề này đã có quá nhiều trên blog này rồi nhưng người ta khi càng … già thì càng chiêm nghiệm được thêm vì vậy cũng muốn bổ sung và chỉnh lý.
Con người ta cảm thấy khi hạnh phúc khi nào? Khi một nhu cầu nào đó được thỏa mãn. Nhu cầu có thể là vật chất hoặc tinh thần, có thể từ bé như ngắm cảnh hoàng hôn tới lớn như tậu được cái nhà to. Có thể là vừa mới xảy ra hoặc có thể xảy ra lâu rồi nhưng ngồi ngẫm lại thấy hạnh phúc.
Không có nhu cầu cũng có nghĩa là không có thỏa mãn nhu cầu và đương nhiên là cũng không thể cảm thấy hạnh phúc. Con người ta chỉ hết nhu cầu khi đã chết còn thì còn sống là còn nhu cầu, có thể nhiều nhu cầu một lúc hoặc là một nhu cầu mới xuất hiện khi một nhu cầu cũ được thỏa mãn.
Mải chạy theo thỏa mãn nhu cầu nên đôi khi con người ta chẳng có thời gian mà tận hưởng hạnh phúc của một nhu cầu được thỏa mãn.
Người ta bảo hạnh phúc là đường đi chứ không phải đích đến. Đường đi cũng là một tập hợp các đích đến nho nhỏ. Vì vậy thưởng thức từng nhu cầu được thỏa mãn chính là thưởng thức hạnh phúc ngay trên đường đi.
Càng lên cao nhu cầu càng khó được thỏa mãn. Một người đói ăn có thể đạt được nhu cầu có một cái bánh mỳ khá dễ dàng. Một tỷ phú tìm nhu cầu và thỏa mãn sẽ khó hơn nhưng họ lại có phương tiện quan trọng là tiền để thỏa mãn các nhu cầu mà cần phải có tiền.
Một người hạnh phúc không mất thời gian giải trình tại sao hạnh phúc. Nếu một người nói chuyện với bạn liệt kê ra các nguyên nhân khiến anh ta hạnh phúc thì có khả năng cao là chính anh ta cũng đang tự thuyết phục mình rằng mình là người hạnh phúc. Hạnh phúc là tự thân cảm nhận; nếu tự thân không cảm nhận thì không thể hạnh phúc.
Ở đời không ai được tất hoặc mất tất; luôn có một cái gì đó đạt được và cái gì đó không đạt được. Bất cứ thời điểm nào con người ta cũng khó có thể toàn vẹn, nhìn lên, nhìn xuống, nhìn hai bên mà tự cho rằng mình không mất gì. Nếu ta đợi mọi thứ toàn vẹn để rồi mới hạnh phúc thì chẳng bao giờ đạt được hạnh phúc.
Hạnh phúc cũng có nhiều cấp độ. Một nhu cầu càng mất công sức để thỏa mãn thì khi đạt được lại càng hạnh phúc. Vì vậy người ta thường đặt ra những mục tiêu to tát để khi đạt được thì có niềm hạnh phúc lớn, nhưng bên cạnh đó người ta cũng không quên đặt ra các mục tiêu nhỏ dễ dàng đạt hơn nhằm nuôi dưỡng tinh thần trên con đường đạt tới mục tiêu lớn.
Con người ta sống từ khi nguyên thủy đã theo bầy đàn vì vậy thích phán xét người khác. Con người ta chẳng ai toàn vẹn, ai cũng có một hoàn cảnh sống, một tính cách khác nhau đừng mất công đánh giá người ta thông qua chuẩn của chính mình. Đừng đưa ra các điều luật kiểu như “đáng nhẽ họ phải,….”. Một nhu cầu để thỏa mãn phụ thuộc vào người khác thì khó xảy ra lắm.
Được và mất mang tính chất tương đối. Tưởng được thực ra là mất; tưởng mất thực ra là được. Cuộc đời hư hư thực thực, hãy coi mọi thứ xảy ra là có quy luật; tuân theo quy luật đó về mặt tinh thần nhưng hành động để làm cho tình thế tốt hơn mới là việc nên làm.
Đôi khi ngồi ngẫm nghĩ cũng có thể biến một sự việc tưởng như tệ hai thành một việc tốt đẹp từ đó cảm thấy hạnh phúc. Mọi thứ đều có hai mặt, có suy nghĩ luôn hướng tới cái tốt, cái thiện sẽ làm lòng nhẹ nhõm, cảm giác hạnh phúc dễ đạt.
Đời người như làn khói, xuất hiện rồi mất đi. Cả cuộc đời con người cứ trăn trở mình đến từ đâu, mình sinh ra để làm gì và mình sẽ đi về đâu. Vất vả thế để làm gì? nếu như có một ai đó chịu trách nhiệm điều phối việc này thì chắc mong muốn duy nhất của họ là ta sống được hạnh phúc giống như ta sinh ra con cái ta và muốn chúng hạnh phúc vậy. Đó là mục đích sống; xác xuất bao nhiêu % để sinh ra là một con người thay vì một con kiến hay một giống loài khác? Khó khăn đến vậy sao lại còn lãng phí cuộc đời này.