Trên blog này có nhiều bài về trí tuệ cảm xúc nhưng đã viết từ khá lâu rồi; đến nay mình đọc thấy cũng không ổn. Mình sẽ làm hẳn một chuỗi entry về chủ đề này vì nhận thấy đây là nội dung rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống mỗi người. Cũng giống như chỉ số thông minh IQ, chỉ số vượt khó AQ thì chỉ số cảm xúc EQ cũng có thể rèn luyện được.
Chỉ số Trí tuệ cảm xúc EQ là khả năng chúng ta quản lý cảm xúc để đạt các mục tiêu trong cuộc sống cũng giống như chỉ số thông minh IQ là khả năng quản lý tư duy để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Hiểu đơn giản vậy còn thì khái niệm về nó rất nhiều, mỗi tác giả sẽ có cách định nghĩa khác nhau.
Chúng ta hãy bắt đầu từ các nội dung cơ bản.
1.Tầm quan trọng của quản lý cảm xúc
Bất cứ lúc nào chúng ta cũng đang có một cảm xúc nào đó cũng giống như bất cứ lúc nào chúng ta cũng đang nghĩ về một cái gì đó. Cảm xúc sinh ra suy nghĩ mà suy nghĩ sinh ra cảm xúc, hai cái này hòa trộn với nhau tồn tại trong chúng ta bất cứ lúc nào trừ lúc thiền 🙂
Chúng ta luyện tập tư duy logic để có thể điều khiển các suy nghĩ theo hướng có lợi. Con người khác con vật ở suy nghĩ vì vậy họ làm ra các tòa nhà chọc trời, máy bay, tàu hỏa, ô tô, sách vở, máy tính, điện thoại, âm nhạc, lấy nhau rồi li dị và các quán ăn nhanh.
Không phải con vật không có suy nghĩ mà là nó không chủ động điều khiển được chính suy nghĩ của chúng. Vì không điều khiển được nên nó không sử dụng được suy nghĩ đó tạo ra những thứ giống như con người. Một người đi ô tô, một người đi xe đạp; người xe đạp đã đi chậm rồi mà lại còn không biết điều khiển nên cứ dậm chân loanh quanh tại chỗ.
Con người có cảm xúc nhưng trình độ điều khiển cảm xúc của con người không tốt bằng . Đa số chúng ta buông thả theo dòng chảy cảm xúc mà ít khi nghĩ tới việc điều khiển nó giống như đã điều khiển các suy nghĩ. Con vật cũng có cảm xúc; chắc chắn nó cũng biết vui, buồn, tức giận, …nhưng tương tự như với suy nghĩ, nó không có ý thức điều khiển.
Trong một quán nhậu, khi một ai đó cầm dao đâm thằng ngồi cạnh chỉ vì nó liếc đểu thì thường được ví đó là hành động thú tính. Hành động đó bản chất là bị cảm xúc chi phối (giống như con thú để mặc cho cảm xúc và suy nghĩ điều khiển hành vi) vì nếu dùng suy nghĩ anh ta sẽ không đánh đổi cả đời chỉ cho một vài phút yêng hùng. Cảm xúc thúc đẩy ta theo hướng có lợi là cảm xúc tốt; ngược lại nó là một cảm xúc xấu. Cảm xúc xấu ngáng đường phát triển của chúng ta; chúng ta phải học cách quản lý nó để tiến tới thành công.
Khi bạn đang vô cùng buồn đau, ví dụ như con mèo cưng bị mất trộm, bạn có suy nghĩ là mình cần chủ động vượt qua cảm xúc đó hay là thường sẽ chìm đắm trong sự đau thương đó cho tới khi tự cảm xúc đó nguôi ngoai dần theo thời gian? Tại sao chúng ta không chấm dứt cảm xúc đó ngay cái ngày con mèo bị mất trộm mà lại để mất cả tháng đau buồn vì đằng nào thì con mèo cũng đã mất mà? Phải chăng nếu chấm dứt ngay ta sẽ cảm thấy có lỗi với nó hay vì một lý do nào khác khiến ta cứ để mặc cảm xúc đó?
Trong một buồi chiều thu mưa bụi, ngồi trong quán cafe quen thuộc ngắm mưa rơi, buồn mang mác khi nhớ tới thủa còn cắp sách tới trường. Cái nỗi buồn đó mang lại cho ta sự “khoái cảm”, bạn thích được chìm đắm trong nó. Mặc dù nó là cảm xúc tiêu cực nhưng ta lại thích nó.
Khi vừa bỏ người yêu, bạn chìm đắm trong nỗi buồn gọi là Thất tình. Thất tình bao gồm một tập hợp cảm xúc phức tạp giống như tình yêu vậy. Trí óc bạn chạy nhảy giữa các kỷ niệm trong quá khứ, những tương tượng trong tương lai khiến cho cảm xúc thay đổi theo. Cảm xúc đó tiêu cực, bạn hoàn toàn ý thức được là nên chấm dứt nhưng bạn không chấm dứt nó ngay, thường phải để thời gian nguôi ngoai. Phải chăng bản thân trạng thái thất tình cũng mang lại cho bạn một niềm vui nào đó ngầm phía dưới mà bạn không nhận ra.
Một cảm xúc tiêu cực cũng mang lại “khoái cảm” giống như một cảm xúc tích cực. Vì nó mang lại “khoái cảm” ngầm phía dưới nên bạn không thực sự muốn thay đổi nó. Không phải ta muốn có cảm xúc tiêu cực mà khi có cảm xúc tiêu cực ta thường không chủ động chấm dứt nó.
Ví dụ khác, thằng lớp bên vừa nhìn người yêu bạn đắm đuối, cơn giận của bạn đã lên tới đỉnh điểm vì đây là lần thứ n rồi, bạn sợ nó tấn công và cướp mất người yêu bạn, bạn chỉ muốn đâm cho nó một phát. Cơn tức giận đó rõ ràng bạn biết rằng sẽ gây ra mất ngủ, tóc thêm vài sợ bạc và thằng lớp bên sẽ chẳng bị sao. Nhưng tại sao bạn vẫn muốn chìm đắm trong cơn tức giận đó? Trong cơn tức giận bạn nghĩ ra các hình phạt cho nó và cảm thấy sung sướng vì được trả thù (trong tưởng tượng).
Bạn hãy dừng lại vài phút và suy nghĩ về một trạng thái tiêu cực nào đó trong quá khứ. Tôi cá là trong sâu thăm bạn có lý lẽ để không chấm dứt cảm xúc tiêu cực đó ngay tức thời khi nó vừa sinh ra. Cả cảm xúc tiêu cực và tích cực đều mang lại những khoái cảm mà khi ta đắm chìm trong một loại cảm xúc nào đó quá lâu sẽ hình thành nên thói quen cảm xúc. Chính vậy mới hình thành những người có tư duy tích cực và tư duy tiêu cực; những người mà bạn không hiểu tại sao họ có thể sống trong trạng thái tiêu cực lâu tới vậy; không phải họ không nhận ra mà họ có lý lẽ để tiếp tục trạng thái đó. Bạn đừng mất công giải thích cho họ trạng thái tiêu cực đó là xấu mà cần tìm ra lý lẽ tại sao họ lại muốn ở trạng thái đó.
Trong phim về chúa nhẫn có rất nhiều các trận chiến hoành tráng. Hãy thử tưởng tượng trong một cuộc chiến mặt đối mặt khi mà quân đội một bên hoảng sợ và bên kia thì bừng bừng khí thế; đội quân nào sẽ chiến thắng? Khi người lính lo sợ họ sẽ cầm vũ khí không chặt, động tác không dứt khoát, lúc nào cũng chỉ muốn rút lui. Cảm xúc lo sợ dẫn tới hành vi tương ứng và kết quả tương ứng; nhưng cũng với người đó mà cảm xúc tự tin phấn khích thì kết quả sẽ khác. Khi bạn đứng lên thuyết trình; nếu ở cảm xúc sợ hãi thì giọng nói run, cử chỉ không tự nhiên và chẳng nghĩ được gì để nói; ngược lại thì sẽ khác.
Một người khởi nghiệp muốn thành công họ phải kiểm soát được sự sợ hãi của mình vì nếu họ không làm được điều đó thì chắc chẳng thể khởi nghiệp nổi. Kiểm soát được nỗi sợ chứ không phải là không hề sợ hãi. Chúng ta không trốn tránh cảm xúc; chúng ta chỉ học cách quản lý cảm xúc.
Cảm xúc là một đối tượng của kỹ năng lãnh đạo, người quản lý sử dụng kỹ năng lãnh đạo để tác động vào cảm xúc của thuộc cấp giống như vị tướng khích lệ tướng sĩ trước khi ra trận. Chúng ta nên học cách điều khiển cảm xúc của mình để có một cuộc sống tốt và một sự nghiệp thành đạt.
Học cách điều khiển cảm xúc cũng giống như học các kỹ năng ví dụ như gõ 10 ngón chẳng hạn; ban đầu sẽ khó khăn nhưng dần dần khi đã giỏi lên ta sẽ thấy oh mai gót, cũng bõ công tập luyện đấy chứ.
Hiểu về vận hành của cảm xúc
Cái này tôi vận từ tôi thôi, chẳng từ sách vở nào cả. Cảm xúc sinh ra từ 2 nguồn chính:
- Suy nghĩ về một sự kiện ở tương lai (hoặc quá khứ): ví dụ như con bé con học hành thế này không biết cuối năm có lên lớp được không, thằng lớn dạo này mải đánh điện tử hy vọng không ham mê như ….thằng bố nó hồi trước, nhỡ năm tới bị đuổi việc thì lấy gì nuôi con, Con mèo ở nhà chuyên leo lên ban công nhìn xuống đường chẳng may rơi xuống thì sao, tình hình chiến tranh thương mại Mỹ Trung có vẻ căng thẳng khéo lại có chiến tranh thế giới thứ 3,…
- Sự kiện đột ngột không được dự báo trước xảy ra ngay ở hiện tại: đờ mờ vừa đá vào cái bàn đầu gối đau điếng mai có chạy được không, thằng kia vào sau mà được phục vụ trước trong khi mình mốc mặt đợi chưa thấy mang đồ ăn ra, việc nhiều quá biết làm việc gì trước đây, vợ lại có ý kiến khác khi mình đề cập tới phương pháp dạy con, con mèo vừa cào một vết chảy máu ở mông, cái vòi nước bị hỏng,…
Vậy tạm coi cảm xúc tồn tại ở hai dạng, dài hạn và ngắn hạn. Cảm xúc trong dài hạn thường xuất hiện khi nghĩ tới một sự kiện trong tương lai xa. Ví dụ như bạn phải thi đại học vào 4 tháng tới, việc thi đại học này ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời nên bạn sợ mình thi trượt dẫn tới cảm xúc lo lắng thường trực nơi bạn. Trạng thái lo lắng này xuất phát từ việc phải thi đại học, càng gần tới ngày đó cấp độ lo lắng càng tăng.
Tối hôm qua bạn đã đi gặp một người bạn mới, cô ý thật xinh xắn; ngay khi vừa gặp mặt bạn đã quên béng về cái kỳ thi đó và chỉ có sự bồi hồi sung sướng âm ỉ. Sáng nay khi niềm vui gặp gỡ đã lắng xuống thì sự lo lắng lại trỗi dậy. Lo lắng là cảm xúc dài hạn; còn niềm vui tối qua chỉ là cảm xúc nhất thời, ngắn hạn.
Nếu như bạn học rất giỏi, cảm thấy tự tin sẽ vượt qua kỳ thi đại học dễ dàng thì sẽ không sợ và từ đó cũng không lo lắng. Ngược lại còn cảm thấy mong chờ tới lúc thi đại học vì bạn sẽ trúng tuyển hẳn 3 trường danh tiếng, sẽ được bạn bè thán phục, được bố mẹ nở mày nở mặt tặng cho cái nhà riêng. Bạn không sợ nó mà còn mong nó tới, bạn vui sướng khi nghĩ tới nó.
Cùng là thi đại học nhưng người thì lo lắng, người thì vui sướng.
Nếu gọi sự kiện thi đại học là sự kiện A thì còn nhiều sự kiện ở xa hơn mà khi nghĩ tới nó sẽ sinh ra các cảm xúc tương ứng (phù hợp với con người bạn). Xa nhất chắc là sự kiện chết, chúng ta ai cũng sợ chết cả nhưng rõ ràng là ta chỉ thực sự sợ chết khi mà gần tới cái sự kiện đó. Bạn có thể sợ hãi từ giờ tới lúc chết hoặc bạn có thể sợ trước thời điểm chết; giống nhau cả, vì đều sẽ chết. Ví như hồi còn học sinh ngơ ngơ ngác tôi cũng sợ chết lắm, sợ nhiều hơn bây giờ, mà rõ ràng đáng nhẽ giờ tôi phải sợ hơn chứ vì cũng đi gần nửa đời người rồi mà.
Sự kiện càng ở gần thì càng ảnh hưởng mạnh mẽ nên cảm xúc của con người. Ví dụ cái áo đẹp của bạn bị mắc vào một cái đinh gây ra lỗ thủng lớn. Bạn cảm thấy bực tức, tiếc nuối, lo lắng,….cảm xúc đó mạnh mẽ lấn át mọi cảm xúc khác nhưng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn; chỉ vài giờ, một ngày hoặc vài ngày bạn sẽ quên sự kiện đó và không còn cảm xúc về nó nữa
Trưa nay, bạn vào quán ăn và gọi một bát phở; sau đó 1 phút một người khác cũng vào quán và gọi bát phở. Người bán hàng mang bát phở ra cho người đến sau; và sau đó 5 phút mới tới bạn. Bạn cảm thấy bất mãn vì rõ ràng là người gọi trước phải được phục vụ trước. Bạn bực tức chỉ muốn quát cho người bán hàng một trận; nhưng bạn không để ý là cũng có một người vào trước bạn nhưng cũng bị phục vụ sau như bạn, dường như sự kiện đó không làm anh ta bực tức chút nào. Bạn và anh ta lựa chọn các cảm xúc khác nhau với cùng một sự kiện.
Chúng ta ta rút ra một kết luận là cùng một sự kiện thì con người có quyền lựa chọn cảm xúc . Nếu như các cảm xúc tích cực giúp ích cho bạn thì bạn nên làm sao đó để cảm thấy vui vẻ, phấn chấn khi được giao một dự án bất khá thi, bị vợ đạp vào mặt, bị thằng hàng xóm liếc đểu, bị chen hàng, bị thằng đằng sau đâm vào làm móp xe, bị rách cái áo mới, mặt nổi mụn, tăng cân,… (thực ra tôi cũng không chắc lắm về việc nếu bị vợ đạp vào mặt có vui vẻ được không nhưng tôi dám chắc là tôi sẽ không hề buồn đau tẹo nào cho những thứ còn lại)
Một kết luận thứ hai đó là bạn nên có một sự kiện trong tương lai mà khi nghĩ tới nó bạn quên hết những vất vả ở hiện tại. Sự kiện càng tạo cảm xúc tích cực mạnh mẽ càng tốt. Nếu không rất có thể bạn sẽ liên tục nhảy qua nhảy lại giữa cảm xúc ngắn hạn và dài hạn; đại loại là cảm xúc thất thường, không mang tính ổn định vì không có sự kiện tương lai để làm ổn định. Những đứa đang yêu rất có lợi thế; chỉ cần nghĩ tới tối nay được gặp người mình yêu là nó quên hết cả những vất vả, nỗi buồn hiện tại.
Ví dụ như tôi sẽ có một cuộc thi chạy vào tháng 9 mà mỗi khi nghĩ tới nó tôi thấy những vất vả trong tập luyện ở hiện tại rất đáng; buộc phải làm vậy nếu như không muốn fail cuộc thi đó. Khi nghĩ tới nó gần như ngay lập tức trong tôi hình thành sự phấn khích mong chờ và sau đó là lo lắng nếu như mình không hoàn thành bài tập ngày hôm nay.
Đương nhiên rồi, chúng ta có thể suy nghĩ về một sự kiện trong quá khứ để sinh ra cảm xúc tương ứng. Khác biệt là khi nghĩ về tương lai ta dự đoán còn khi nghĩ về quá khứ ta đã có một sự kiện thực sự xảy ra. Ví dụ tuần trước bạn làm mất cái xe mà mỗi khi nghĩ về nó bạn thấy buồn ghê gớm. Nhưng nói chung ta nên hướng tới tương lai để đạt tới các mục tiêu trong tương lai; cái gì đã xảy ra rồi thì chẳng thay đổi được vì vậy nghĩ về nó cũng vô ích.
Đoạn này tôi muốn bạn chủ động quan sát cảm xúc của mình, nghĩ về những cảm xúc trong quá khứ để từ đó phát hiện ra cảm xúc của mình từ đâu mà sinh ra. Chúng ta cần phải hiểu nó từ đâu sinh ra thì mới kiểm soát được nó; mỗi người sẽ có một bộ các lý do khác nhau do đặc điểm, hoàn cảnh sống mỗi chúng ta khác nhau.
Sau khi xem xét bạn sẽ thấy rằng bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn cảm xúc, chấm dứt nó, hình thành nó, kéo dài hay thu hẹp nó. Chúng ta cần ổn định cảm xúc trong dài hạn từ đó không bị những sự kiện ngắn hạn ảnh hưởng tới cảm xúc của mình.
Những yếu tố hình thành lên cảm xúc và mức độ cảm xúc.
Sau 20 năm, bạn gặp lại người bạn học cũ; con người đó khác hoàn toàn so với con người trong trí tưởng tưởng; bạn cảm thấy thực sự ngạc nhiên. Một cái gì đó khác biệt so với kỳ vọng tạo ra cảm xúc ngạc nhiên; ngạc nhiên đó có thể thể hiện bằng niềm vui vì mừng cho những thành tựu của bạn, có thể bằng nỗi buồn vì thấy bạn vất vả không được như mình tưởng tượng. Tùy thuộc vào việc bạn kỳ vọng như thế nào mà mang tới trạng thái cảm xúc có thể trái ngược hẳn nhau
Thằng hàng xóm lại vứt rác sang nhà bạn; đây là lần thứ 3 rồi; lần đầu bạn chỉ hơi bực mình và có sang nhắc nhở thằng đó, lần 2 bạn tức giận và đây là lần thứ 3, cơn giận của bạn lên tới cực điểm; bạn đang hành hạ nó trong … suy nghĩ, bạn tưởng tượng có thể băm vằm nó, nhục mạ nó, ngủ với…vợ nó. Nhưng vì trông nó quá đô con nên tất cả chỉ ở trong suy nghĩ; giá mà bạn có ông bạn xã hội đen nào đó hoặc giá mà bạn đô con hơn thằng đó. Bạn mất ăn mất ngủ về ý nghĩ muốn trả thù. Cấp độ tức giận có xu hướng tăng dần theo số lần lặp lại và mức độ tăng giảm của sự kiện. Tức giận sinh ra lo lắng, buồn bã, sợ hãi.
Lấy vợ là quyết định mang tính rủi ro rất cao; chẳng may bạn lấy phải cô vợ suốt ngày chê bạn là vô dụng, đếch làm được gì ra hồn, cứ thấy bạn làm cái gì là phải lao vào chê cho bằng được. Từ yêu thương, bạn chuyển sang căm ghét vì cô ta làm tổn thương trái tim mong manh dễ vỡ của bạn. Sự căm ghét cứ lớn dần theo thời gian, theo số lần cô ta làm tổn thương bạn. Rồi thì tới đỉnh điểm là thù địch, bạn không thể sống nổi nếu cô ta còn ở bên cạnh; cần phải … treo cổ cô ta lên, à không, cần phải ly dị cô ta. Ta căm ghét một thứ gì đó, một ai đó hoặc chính bản thân ta khi nó tệ hơn rất nhiều so với cái ta muốn.
Căm ghét khác với Tức giận. Tức giận là cảm xúc nhất thời có xu hướng giảm đi khi sự kiện qua đi; còn căm ghét là cảm xúc dài hạn ổn định ngay cả khi sự kiện khiến phát sinh cảm xúc đó qua đi. Ví dụ:
– Trump căm ghét việc nước Mỹ luôn bị đối xử không công bằng khi giao thương với các nước khác.
– Trump tức giận rời cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Hà Nội.
Các cảm xúc của bản thân chúng ta xuất phát chủ yếu từ so sánh giữa cái chúng ta muốn nhận được và cái chúng ta thực sự hoặc có thể nhận được. Anh A có thể thóa mạ người ăn xin mà người ăn xin không tức giận nhưng cứ thử với một người nào khác ăn mặc lịch sự trên đường mà xem.
Anh B mua căn nhà 20 tỷ và anh C mua căn nhà 2 tỷ; hai anh sẽ có những mong muốn khác hẳn nhau từ đó sinh ra cảm xúc hài lòng hay không hài lòng về căn nhà.
Đặt ra một tiêu chuẩn cao sẽ kéo ta về phía trước nhưng nó cũng sẽ khiến ta khó tính hơn, khó hài lòng hơn, khó thỏa mãn hơn, khó vui vẻ hơn và từ đó khó hạnh phúc hơn.
Lấy ví dụ bạn đang cảm thấy rất bất mãn với công ty vì mức lương nhận được (thấp hơn kỳ vọng hoặc thấp hơn thằng bên cạnh) trong khi công việc thì nhiều ( nhiều hơn so với khối lượng mà bạn muốn mình đảm nhận). Sự bất mãn mang lại cảm xúc chán ghét, chán nản, mệt mỏi, lo lắng, bất an,…
Sự bất mãn này sinh ra bởi hai tiêu chuẩn chính mà bạn đặt ra bao gồm 1.Thu nhập và 2.Khối lượng công việc. Hai tiêu chuẩn này hình thành lên có thể một cách chủ động có lý trí thông qua thu thập thông tin rồi phân tích mà cũng có thể là do nó vào trong tâm trí lúc nào bạn cũng không biết.
Tóm lại với một sự kiện ngắn hạn xảy ra đột xuất không báo trước ví dụ như bị một thằng liếc đểu thì ta có xu hướng hình thành suy nghĩ theo bản năng. Bản năng này được hình thành do việc lặp đi lặp lại cùng một hình thái cảm xúc (ở nhiều cấp độ khác nhau) cho một nhóm các sự kiện tương đồng.
Ví dụ nếu một người lao vào đâm chết một người vì cái liếc đểu thì họ cũng sẽ làm tương tự nếu ai đó dẫm vào chân mà không xin lỗi, đâm vào xe họ, vứt rác sang nhà họ, nỡ tính thiếu tiền cho họ,…
Một cảm xúc xuất hiện từ một sự kiện trong quá khứ hoặc tương lai xa thường xuất hiện từ sự so sánh có lý trí nơi ta sợ hãi, lo lắng khi không đạt được cái ta muốn. Ta muốn tiến hành dự án một cách thành công nhưng ta sợ không hoàn thành vì năng lực của ta khả năng sẽ không thực hiện được. Ta lo sợ bị thất nghiệp vì có việc làm sẽ giúp khẳng định bản thân và cũng có tiền nuôi gia đình, ta sợ bị tai nạn giao thông trên đường vì ta muốn an toàn khi về nhà.
Entry này bạn cần phải nhớ là điều khiển cảm xúc cũng giống như điều khiển cái ô tô vậy thôi. Nếu chú ý quan sát và luyện tập cảm xúc, dần dần chúng ta sẽ điều khiển nó thành thạo, giúp ích cho các mục tiêu trong cuộc sống. Ngay bây giờ hãy cảm nhận:
- Bạn đang vui hay đang buồn? Tại sao lại vui và tại sao lại buồn?
- Nghĩ về một cảm xúc nào đó trong ngày, cảm xúc đó hình thành từ sự kiện nào? Trong quá khứ cảm xúc đó được hình thành từ sự kiện nào? Điểm chung của các sự kiện đó là gì; có phải có quy luật trong hình thành cảm xúc đó?
- Nghĩ về một sự kiện trong tương lai và quan sát cảm xúc hình thành tương ứng. Tiếp tục nghĩ tới một sự kiện khác mang lại cảm xúc trái ngược, cảm xúc mới như thế nào? Có phải bạn đã không còn cảm xúc kia không hay là trong bạn đang tồn tại hai cảm xúc đồng thời tương ứng với hai sự kiện.
- Hãy tưởng tượng ra một tình huống nào đó không có thật ví dụ bạn đếch có người yêu nhưng tưởng tượng có một cô gái thật đẹp tới ôm và thơm bạn; cảm xúc có hình thành tương ứng không? Nghĩ tới một tình huống tưởng tượng có cảm xúc trái ngược. Cuối cùng bạn sẽ thấy cảm xúc bản chất không có tính ổn định và rất dễ để điều khiển.
Chúng ta sẽ tiếp tục tại các entry sau.
Hi anh, trong bài e có thấy đề cập đến cảm xúc tức giận. Vậy làm thế nào để có thể kiểm soát được bản thân khi tức giận? Bản thân em là 1 người khá cục tính, nhiều khi tức lên là không thể kiểm soát đc. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới các mối quan hệ trong công việc. Dù rất cố gắng nhưng em vẫn chưa tìm ra cách
Theo em thì:
Muốn có chỉ số cảm xúc cao và nhạy bén thì trước cần có và giữ được một tinh thần lạc quan.
Và muốn có một tinh thần lạc quan thì cần tác động vào 2 yếu tố:
Bên trong: Luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn; không đỗ lỗi hay trách nhiệm cho người khác.
Bên ngoài: Chỉ nên chơi với những người bạn tích cực, xem và nghe đọc những thông tin tích cực.
Em thấy các cụ xưa thường nói “bệnh từ miệng vào họa từ miệng ra” là vậy.
Đúng là như vậy em ạ. Với những người bản chất đã lạc quan thì họ dễ dàng nhìn thấy cơ hội trong thách thức; chủ động hướng tới những tin tích cực va cực kỳ không thích chới với những người bi quan. Với những người không có tư duy tích cực thì họ luôn nhìn thấy thách thức ở mọi nơi và từ đó trùn bước trong hành động. Bảo thay đổi cách nghĩ là cực khó vì vậy cứ mặc kệ sự lo sợ, chán nản; cứ hành động; dần dần hành động mang lại kết quả làm thay đổi cách nghĩ từ đó thay đổi cách tư duy.
Ví dụ như sếp giao một công việc khó; có thể trong đầu xuất hiện sự chán nản nhưng ngăn dòng suy nghĩ đó lại ngay và cứ thực hiện thật tốt.
VD
Cho em xin phép hỏi thêm một chút về giao tiếp:
Yếu tố văn hóa có ảnh hưởng tới chất lượng cuộc giao tiếp ko? Có phải là yếu tố quyết định cuộc giao tiếp ko?
Em thấy người bắc mình thường sĩ diện cao, ngay cả bản thân em nhiều lúc cũng vậy. Vậy mình cần giao tiếp và xây dựng mối quan hệ với mọi theo hướng như nào là tốt nhất?
Rất cảm ơn anh.
Dear em;
Phong cách giao tiếp thì có nhiều; phụ thuộc vào vùng miền, trình độ văn hóa; nhưng chất lượng giao tiếp thì có 1. Một cuộc giao tiếp được gọi là chất lượng khi cả hai đều cảm thấy hài lòng, mỗi người đều đạt mục đích giao tiếp của mình.
Ví dụ như A gặp B với mục đích tìm hiểu vấn đề nào đó; khi kết thúc buổi giao tiếp anh ta thỏa mãn. Mặt khác B là người làm rõ vấn đề cũng cần thỏa mãn mục đích riêng của anh ý như là lòng tự trong được nâng lên, cảm thấy hài lòng vì giúp được người khác,…
Với những cuộc gặp không có mục đích rõ ràng thì việc hai bên hài lòng vừa khó mà vừa dễ. Khó vì cả hai phải tìm được một chủ đề chung để nói; dễ vì cả hai đều không có kỳ vọng vì vậy “được nói” cũng đã là tốt rồi.
Việc xây dựng mối quan hệ với mọi người thì phụ thuộc vào mục tiêu của mình là để làm gì. Định hướng chung là:
– Vì người đối diện chứ không phải vì mình.
– Phù hợp với con người mình vì nếu cố gắng làm khác hẳn đi thì ta sẽ không duy trì được lâu, sự gượng gạo sẽ thể hiện ra bên ngoài.
– Rõ ràng mục tiêu trong mỗi cuộc giao tiếp là gì; có sự chuẩn bị trước nội dung.
Dần dần giao tiếp nhiều sẽ nâng cao khả năng giao tiếp em ạ.
Vâng, em cảm ơn anh đã chia sẻ.
Chúc anh và gia đình luôn mạnh khỏe.