Mê tín và niềm tin

0
6653

Mấy hôm nay trên mạng ầm ĩ vụ bà nội nghi can trong sát hại cháu gái vì ông thầy bói bảo rằng cháu bé là nghiệp chướng của gia đình. Tin này hẳn sẽ gây ra sự không thể hiểu nổi của tất cả chúng ta. Sức mạnh của niềm tin phải lớn như thế nào để khiến một người bà bình thường về tâm thần có thể giết người mà lại giết chính đứa cháu nội của mình.

Nếu có thể sở hữu sức mạnh niềm tin đó hẳn tôi và bạn có thể làm bất cứ việc gì. Niềm tin có thể chữa lành bệnh, có thể cải lão hoàn đồng, có thể biến những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua thành đơn giản. Có niềm tin mạnh mẽ như vậy thì …vết muỗi đốt ở chân chẳng là cái gì.

Bất cứ một lãnh đạo doanh nghiệp to nhỏ nào đó chắc sẽ phải mong ước mình có thể tạo ra một dạng niềm tin mạnh mẽ như vậy để khiến cho bọn dưới quyền làm việc không biết mệt mỏi, bảo gì làm lấy cho dù đó có là đâm đầu vào đống gạch.

Niềm tin xuất phát từ tín ngưỡng là mạnh mẽ nhất. Ở bên trung đông có những anh đánh bom cảm tử, sẵn sàng tử vì đạo. Trong chiến tranh chống Mỹ, có vị sư Thích Quảng Đức đã tự thiêu để phản đối Mỹ. Đạo nào cũng có những tấm gương những con người sẵn sàng chết để bảo vệ niềm tin tín ngưỡng của mình. Chính phủ nào cũng sợ nhất tôn giáo; họ sẽ cố gắng sống chung, nếu không được họ sẽ cố gắng đàn áp.

Năm 1946 khi đất nước còn thiếu vũ khí, đội cảm tử quân sẵn sàng cầm bom ba càng lao vào xe tăng địch. Trong thế chiến thứ hai, phi công nhật lái máy bay cảm tử Kamikaze sẵn sàng lao máy bay vào tàu Mỹ. Dạng niềm tin đó gọi là lý tưởng, sẵn sàng chết vì lý tưởng. Thực ra niềm tin tôn giáo cũng có thể xếp vào dạng này, họ có lý tưởng phục vụ chúa hay một vị cứu thế nào đó. Nhưng rõ ràng lý tưởng bảo vệ tổ quốc không thể xếp vào niềm tin tôn giáo được nên ta vẫn nên phân tách ra.

Từ tuần trước nổi lên đề xuất thay đổi chữ quốc ngữ của Giáo sư Bùi Hiển. Ông đã có 40 năm mặc cho sự ngăn cản của gia đình và mọi người xung quanh nghiên cứu cách cải tiến Tiếng Việt. Ngay cả bây giờ khi bị ném đá tơi tả, ông vẫn quyết tâm đi tới cùng chân lý. Niềm tin của ông này xếp vào dạng đam mê. Cấp độ đam mê thấp hơn lý tưởng vì không ai sẵn sàng chết vì đam mê nhưng xếp cao hơn so với niềm tin thông thường.

Vì đam mê bạn có thể nhịn ăn nhịn mặc, làm việc vất vả quần quật,…Cái đích bạn nhắm tới là một viễn cảnh nào đó; đó có thể là một bộ chữ quốc ngữ chuẩn mực không khó học giống như ông Bùi Hiển, đó cũng có thể là một doanh nghiệp nào đó khi bạn đang khởi nghiệp, cũng có thể là niềm đam mê chinh phục chị em ..Bất cứ một mục tiêu nào đó có vẻ bất khả thi mà ta đang theo đuổi và theo đuổi đã lâu không mệt mỏi đều xếp vào đam mê.

Cách đây chục năm có trường hợp của thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Bác quay video lại cảnh thi cử lôm côm ở Hà Tây quê lụa để tố cáo với mong muốn (như có nói ra) là làm trong sạch nền giáo dục nước nhà. Sau sự kiện đó bác vẫn tiếp tục đấu tranh, tố cáo,….bất chấp con cái bị chuyển trường, gia đình bị đe dọa, đồng nghiệp tẩy chay, thậm chí bị nửa xã hội lên án vì tỷ lệ tốt nghiệp đang là 99% xuống đâu còn hơn 60%. Hành động của bác Khoa là một dạng lý tưởng, cũng có thể là một Đôn Kyhôtê xứ Mantra,.. chẳng biết được. Một người phi lý trí ý, hâm đơ, khùng khùng cũng có thể có niềm tin cháy bỏng sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho một mục đích nào đó. Thầy Khoa thuộc dạng niềm tin lý tưởng hay dạng niềm tin của Đôn Kyhôtê thì mặc kệ bác ý, nhưng niềm tin xuất phát từ sự ngu dốt, điên khùng từ chất kích thích là hoàn toàn có thật.

Một dạng niềm tin mãnh liệt khác xuất phát từ thái cực ngược hoàn toàn so với lý tưởng đó là sự Trả thù. Trả thù là việc ta muốn ai đó phải trả giá cho những gì họ làm cho ta bất chấp rằng việc người đó có bị trả giá hay không cũng chẳng ảnh hưởng tới ta. Kết quả của việc trả thù không rõ ràng nhưng người có mối thù sẵn sàng mất thêm chi phí, thậm chí mạng sống chỉ để cho người đó phải trả giá.

Niềm tin xuất phát từ sự trả thù cũng mãnh liệt không kém so với lý tưởng mặc dù một cái xuất phát từ tiêu cực một cái từ tích cực. Quân tử trả thù 10 năm chưa muộn, sự trả thù không đơn giản chỉ là cảm xúc nhất thời giống như việc bạn nổi khùng lên rồi sau đó lại thấy ân hận. Niềm tin từ ham muốn trả thù kéo dài ngay cả khi người chủ của nó trong trạng thái rất lý trí.

Niềm tin xuất phát từ sợ hãi là dạng tình huống như của bà nội nghi can giết cháu ở trên. Có báo nói rằng bà ý giết cháu vì tin rằng nếu cháu bà sống thì bà ý sẽ chết. Sợ chết nên mới làm thế; niềm tin này thấp hơn tín ngưỡng vì người ta có thể chết vì tín ngưỡng mà.  Sợ hãi có nhiều cấp độ khác nhau; sợ hãi không có gì là sai, sai là vì sợ hãi khiến ta hành động không tốt cho bản thân và người khác.

Hoàn thiện bản thân (P11: Kiểm soát cảm xúc sợ hãi)

Có một thứ tình cảm mà tại nơi đó niềm tin cũng rất mãnh liệt đó là quan hệ mẫu tử. Một bà mẹ sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì con cái thậm chí cả mạng sống. Niềm tin đó thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả tín ngưỡng trừ những người thuộc dạng phát cuồng vì tôn giáo (Nếu một tôn giáo nào đó đi ngược lại tình cảm mẫu tử thì đó không thể là một tôn giáo chính thống). Nếu bố mẹ cho rằng một cái gì đó cần làm để mang lại sự tốt đẹp cho con cái hơn thì họ sẵn sàng làm. Các hãng sữa, các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế,….hay khai thác niềm tin này; khơi dậy niềm tin trong các bậc cha mẹ rằng sản phẩm/dịch vụ mình đang cung cấp sẽ mang lại sự tốt đẹp hơn cho bọn trẻ.

Lãnh đạo doanh nghiệp khó tạo ra cấp độ ở mức tín ngưỡng, cũng khó tạo ra ở cấp độ lý tưởng nhưng họ vẫn rất cần niềm tin của nhân viên. Họ sẽ cố gắng khơi dậy niềm tin để cho nhân viên làm việc chăm chỉ ngày đêm, cố gắng nỗ lực không ngừng.

Khi nhân viên tin rằng mục tiêu A là mục tiêu phải đạt thì sẽ tốt hơn nhiều so với họ nghĩ trong đầu rằng mục tiêu đó là không cần thiết. Khi không xây dựng được niềm tin vào phải đạt mục tiêu A thì người quản trị buộc phải dùng biện pháp quản lý hành chính. Một công ty càng nhiều quy định hành chính thì là một dấu hiệu cho thấy họ càng yếu trong khâu tạo niềm tin.

Tạo niềm tin thực ra bản chất chính là chức năng Lãnh đạo của nhà quản trị. Câu hỏi trong bài này đặt ra là làm thế nào để một nhà quản trị có thể xây đựng một niềm tin mạnh mẽ như niềm tin tín ngưỡng chẳng hạn?

Bác Hồ, Gandhi, Nelson Mandela,… và gần đây như Barack Obama, lãnh tụ tối cao ở Triều Tiên,…. gợi ý ta cách mà một lãnh đạo tạo ra niềm tin với quy mô rộng. Ở một quy mô rộng tới mức mà nhân viên nhìn thấy mặt lãnh đạo cũng đã hiếm rồi thì khó có thể dùng các biện pháp lãnh đạo đơn thuần như khuyến khích động viên trực tiếp, làm tấm gương,….Biện pháp của họ bằng truyền thông thần tượng hóa vị lãnh đạo.

Giống như chúa Jesu, thực tế chẳng có ai ngày nay đã từng gặp; chủ yếu những người theo đạo và thực sự sùng đạo chỉ nghe tới chúa qua các câu chuyện kể. Các vị thánh khác cũng thế, có ai đã gặp trực tiếp chưa hay chỉ nghe kể? Niềm tin tín ngưỡng cũng thế, toàn là nghe kể lại mà ít khi có ai trực tiếp xem. Thậm chí có xem trực tiếp giống như xem lên đồng cũng chỉ là xem được một góc của con voi, phần còn lại của con voi đều là từ các câu chuyện mà ra.

Áp dụng mô hình này, các doanh nghiệp siêu lớn, những vị lãnh đạo phải được thần thánh hóa. Thần thánh hóa chẳng khó tẹo nào, miễn là vị lãnh đạo đó đừng có tệ quá là được. Dăm ba câu chuyện từ bé xé ra to, nhắc đi nhắc lại trên phương tiện truyền thông, thế coi như là xong. Hệ thống nhân viên cứ là tin sái cổ, khi họ có niềm tin rằng mình đang phục vụ một vị thánh, được thực hiện các ý chỉ của một vị thánh thì các khó khăn chỉ là muỗi trên đường đi

Dạo này chủ tịch FPT ông Trương Gia Bình ít khi được nhắc tới nên ta thấy thương hiệu FPT dường như yếu đi hơn so với công chúng (cái thời của tôi, ông ý được nhắc tới hàng ngày). Ông Phạm Nhật Vượng ngược lại được nhắc tới thường xuyên đều đặn nên ta thấy thương hiệu Vingroup cũng nổi lên như cồn. Thực ra trách nhiệm của các ông lãnh đạo những tổ chức lớn không phải là đưa ra quyết định hàng ngày hay các quyết sách chiến lược gì to tát mà là trách nhiệm trở thành … một vị thánh. Miễn ông là vị thánh thì sẽ có người giúp ông hoạch định chiến lược, ra quyết định.

Đối với những lãnh đạo công ty tầm trung thì khó khăn trong định vị là một vị thánh. Lúc này họ sẽ phải định vị mình gần với người thường hơn, kiểu như một vị tướng chẳng hạn. Võ Nguyên Giáp, Khồng Minh Gia Cát Lượng, Mark Zuckerberg…..là những vị tướng thiên tài. Người ta thích được phục vụ cho các vị tướng trăm trận trăm thắng; họ sẽ có niềm tin rằng quyết sách của anh ta hoàn toàn đúng đắn và sẽ làm theo. Lãnh đạo doanh nghiệp tầm trung nên định mình là một vị tướng như vậy. Một vị tướng xuất phát từ áo vải đi lên từ bàn tay trắng, có những quyết sách đúng đắn,…

Dạng định vị này tất nhiên vẫn có thể dùng truyền thông nhưng không nên lạm dụng. Do công ty ở quy mô tầm trung nên sự hiện diện trước dân thường của ông ta thường xuyên hơn; dễ bị lộ những thứ không đúng, tạo ra sự phản tác dụng.

Một doanh nghiệp lớn có thể định vị lãnh đạo cấp cao nhất là thánh còn các ông dưới là tướng.

Một doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khi mà lãnh đạo rất gần dân. Ông ta làm gì, ăn gì, ngủ nghỉ ra sao dân nắm được hết thì khó mà không bột gột lên hồ được. Lúc này ông sẽ phải tạo niềm tin từ người dân theo lẽ thông thường vẫn hay làm:

  • Là một tấm gương rõ ràng ngay trước mắt khiến cho người dân (nhân viên) thấy được để có niềm tin rằng mình đang phục vụ một người xứng đáng.
  • Vẽ ra viễn cảnh tươi sáng, kiểu như bánh vẽ ý. Bánh vẽ phải khiến cho người dân thấy được mình đang làm một công việc ý nghĩa, đóng vai trò quan trọng để một tổ chức đạt được viễn cảnh. Viễn cảnh này thường phải rất nhân văn; doanh số nghìn tỷ không gọi là viễn cảnh vì người dân chẳng thấy nó có ích lợi gì đối với mình. Viễn cảnh như một công ty làm thay đổi thế giới, giúp cuộc sống người dân tiện nghi hơn, giúp môi trường không bị ô nhiễm,….Hoặc gắn với vật chất hơn là 5 năm nữa công ty sẽ lên sàn chứng khoán, là công ty đứng đầu ngành to nhất quả đất.
  • Đe dọa đuổi việc, giảm lương, phạt,….Người dân có niềm tin rằng nếu mình không làm nghiêm chỉnh thì sẽ bị phạt. Hoặc ngược lại bằng lương tăng, thưởng theo dự án,…

Doanh nghiệp nước ta chỉ có vài cái dạng vừa còn lại toàn nhỏ với siêu nhỏ nên nói chung ta vẫn phải nghiên cứu các biện pháp lãnh đạo dạng tình thế để tạo niềm tin nho nhỏ; tạo dạng niềm tin kiểu như tín ngưỡng, lý tưởng, đam mê,…là dành cho các chú voi và khủng long.

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here