Sự đồng cảm
Khi dẫm phải mảnh thủy tinh, bạn có 2 option; option 1 để cho cơ thể tự cầm máu, tự lành vết thương và option 2 bôi thuốc sát trùng, dùng băng y tế dán lên vết thương. Tất cả các loài động vật đều theo option 1; nó có thể dùng vài tiểu xảo để dùng nguồn lực bên ngoài nhưng cơ bản vẫn là nguồn lực tự thân. Nhờ vậy, theo năm tháng động vật ngày càng thích nghi trong khi con người cùng với sự tiến bộ của y học lại càng ngày càng yếu đi. Khi bị bệnh (hoặc bất cứ vấn đề nào nói chung) chúng ta có xu hướng luôn tìm một phương thuốc từ bên ngoài để chữa trị (Hình như đây là thói quen chung cho mọi vấn đề cho dù đó có là cái gì đi nữa).
Nhưng chúng ta gần như không có phương thuốc từ bên ngoài để chữa lành cảm xúc mà chủ yếu để tự cơ thể chữa lành (thời gian sẽ chữa lành mọi nỗi đau). Đối với cảm xúc chúng ta dùng hoàn toàn option 1 và không thể nhờ cậy được vào bên ngoài; đặc biệt ở Việt Nam việc đi khám tâm thần, nhờ tư vấn tâm lý không được thịnh hành; nếu có nỗi đau thì mỗi người hãy gặm nhấm và tự xử lý nó.
Càng lệ thuộc vào bên ngoài bạn càng yếu bên trong và càng ngày càng mất sự tự chủ
Khi ta đau thể xác thì tinh thần khó vui, cảm xúc mệt mỏi, chán nản. Khi có nỗi đau tinh thần thì thể xác cũng không khỏe được, chẳng thiết gì ăn uống, chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực; tự thể xác sẽ gục ngã. Tra tấn tù binh về mặt cảm xúc nhanh khiến người ta chết hơn nhiều so với tra tấn về mặt thể xác. Thể xác (sức khỏe) và tinh thần (cảm xúc) có mối quan hệ qua lại với nhau mà sự phát triển cân bằng là cả hai phải khỏe.
Dẫm phải thủy tinh thì chắc chắn là đau rồi, đó là nỗi đau hữu hình nhìn thấy, cảm thấy một cách rõ ràng. Nhưng đa phần nỗi đau thể xác đều nhìn thấy được một thời điểm nó sẽ chấm dứt trừ khi mắc bệnh hiểm nghèo. Nỗi đau tinh thần (cảm xúc) thì vô hình, chẳng biết đau chỗ nào, nó lại rất mạnh mẽ có thể đốn ngã một người khỏe mạnh nhất. Thường nỗi đau cảm xúc dai dẳng (vì ko có thuốc đặc trị), không rõ lúc nào sẽ chấm dứt.
Nếu bạn còn trẻ chưa từng hiểu thế nào là nỗi đau tinh thần thì có thể đọc cuốn “Phía cuối con đường” hoặc search trên mạng. Nỗi đau của một bà mẹ có con mắc bệnh ung thư; sống cùng con từ lúc bị bệnh tới khi con ra đi. Nỗi đau đó chắc là tột cùng của sự đau đớn, đau đớn hơn nhiều so với chính việc bà mẹ bị ung thư. Nhưng nó cũng thể hiện năng lực của con người trong việc tự chữa lành nỗi đau; khi gặp nỗi đau tinh thần, con người mới thấy họ có những sức mạnh tiềm ẩn. Tận cùng nỗi đau tinh thần có thể là cái chết mà cũng có thể là một sự giải thoát khi con người tim ra mục đích sống; hai lựa chọn tùy thuộc vào mỗi người.
Khi bạn buồn, bạn biết mình buồn; khi vui thì sẽ biết mình đang vui. Ta hiểu là ta đang ở trạng thái cảm xúc gì. Đó gọi là nhận thức được các cảm xúc phát sinh trong con người mình. Để hiểu mình đang ở trạng thái cảm xúc gì chỉ cần chịu khó quan sát lắng nghe bản thân.
Khi xem một bộ phim ví dụ như “Bản danh sách của Schindler”, “Cuộc sống tươi đẹp” bạn sẽ có các cảm xúc giống như các nhân vật trong phim; bạn có thể khóc, buồn, lo lắng, tự hào, tức giận,…đó gọi là sự đồng cảm. Bạn “cảm xúc” được “cảm xúc” của người khác.
Một bộ phim được làm ra luôn được trình bày để đặt người xem vào trong khung cảnh với đầy đủ từ khi bắt đầu tới khi kết thúc vì vậy đồng cảm với nhân vật trong phim rất dễ. Hầu hết chúng ta có thể cảm nhận được cảm xúc của các nhân vật trong phim mặc dù ở cấp bậc khác nhau.
Tương tự như xem phim, đọc truyện cũng giúp phát triển sự đồng cảm rất tốt. Một cuốn truyện dài đòi hỏi đọc trong vài tuần, vài tháng; ta có thể vẫn còn ngẫm nghĩ tới nó giữa những lúc không đọc. Một cuốn truyện cũng tương tự như phim có đầy đủ mọi tình tiết để bạn hiểu từ A tới Z, nhờ vậy bạn dễ dàng đồng cảm.
Nhưng với một con người ở ngoài đời thì rất khác, ta rất khó để đặt được mình vào đúng khung cảnh của họ, không có bộ phim nào vắn tắt về cuộc đời họ cho ta xem. Ngay cả chính vợ hay chồng của bạn, sống với nhau rất lâu mà có khi bạn còn chẳng đồng cảm nổi huống hồ các đối tượng khác như đồng nghiệp, bạn bè, người lạ ngoài đường. Ta dễ dàng đồng cảm với một hoàn cảnh éo le chỉ thông qua một bài viết không tới 1 trang A4 nhưng với một người cụ thể thì lại cực khó, cực cực khó.
Phải cần rất nhiều công sức để hiểu khung cảnh của họ nên thường chúng ta bỏ qua vì vậy không đồng cảm được. Lấy ví dụ nếu bạn là một giáo viên, có một học sinh trong lớp rất cá biệt. Những hành động cá biệt của học sinh đó đều có nguyên nhân sâu xa nào đó ẩn đẳng sau mà đòi hỏi phải mất thời gian và công sức tìm hiểu thì mới có thể đồng cảm được và sau đó có thể thay đổi học sinh đó. Hành động không có sự đồng cảm có nghĩa là không quan tâm tới cảm xúc của đối tượng, sẽ không thể hiện được sự tôn trọng từ đó không giải quyết được vấn đề. Liệu một giáo viên có vì mục đích thay đổi một con người mà dành thời gian tâm sự với đứa trẻ, tới nhà nó hỏi han bố mẹ nó? Những giáo viên như vậy không nhiều nhưng họ đã thầm lặng làm thay đổi bao nhiêu số phận.
Dạy con cũng vậy; ta cần phải đồng cảm với nó; cảm nhận cảm xúc của nó và tôn trọng cảm xúc đó. Từ đó mới có thể có những hành động dạy bảo tương ứng. Thường ta sẽ không tôn trọng cảm xúc của đứa trẻ theo kiểu mặc kệ mày cảm thấy gì, muốn gì; đây là việc phải làm vì tao là người đi trước, tao biết cái gì nên làm cái gì không nên làm. Vì làm như vậy nên sinh ra thái độ phản kháng của đứa trẻ vì nó cảm thấy nó không được tôn trọng.
Rèn luyện sự đồng cảm
Như có trình bày ở trên thì ta dễ dàng đồng cảm nếu như có ai đó giúp nhìn rõ toàn bộ khung cảnh. Thậm chí họ còn mô tả chính xác cảm xúc của nhân vật; và chẳng khó gì để ta hiểu cảm xúc đó và cảm xúc như cảm xúc của nhân vật. Nếu bạn khóc khi xem một bộ phim cảm động thì nó chẳng chứng minh rằng bạn có mức độ đồng cảm cao. Tuy nhiên cũng ối người không khóc, họ có thể chẳng có cảm xúc gì hoặc khả năng kiểm chế cảm xúc của họ tốt hơn bạn.
Đứng trước mặt bạn là vợ/chồng, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác,…, Làm sao có thể đồng cảm với họ? Muốn đồng cảm bạn phải hiểu những gì họ đã trải qua và hiểu họ đang nghĩ gì. À mà đồng cảm để làm gì nhỉ?
Đồng cảm sẽ giúp bạn:
- Có được niềm tin của họ: Để đồng cảm thật lòng được đòi hỏi rất nhiều nỗ lực; nếu bạn làm được điều đó thì họ sẽ đánh giá cao bạn, từ đó củng cố niềm tin trong trí óc họ. Niềm tin giúp gắn kết tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng; niềm tin giúp một người tìm tới bạn mua hàng với giá đắt hơn thằng bên cạnh, niềm tin giúp cho thế giới không có chiến tranh nóng lẫn lạnh, niềm tin giúp giảm chi phí trong kinh doanh nhờ cắt giảm các chi phí bảo lãnh, hệ thống kiểm soát, các quy trình,…
- Tránh và giải quyết vấn đề: Chỉ khi đồng cảm bạn mới có thể đưa ra phương thuốc đúng, một giải pháp đúng, một câu giao tiếp đúng. Nó giúp cho suy nghĩ được đúng nhờ vậy hành động đúng. Bạn có thể chiêm nghiệm điều này ở bất cứ đâu từ khi mở mắt buổi sáng tới khi đi ngủ buổi tối; từ ngoài đường vào công ty, từ gia đình tới ngoài xã hội. Chỉ cần có tiếp xúc người – người là sẽ có liên quan tới cảm xúc; cảm xúc dẫn dắt mọi suy nghĩ. Con người thực sự quá phức tạp, đôi khi họ hành động chẳng phải họ nghĩ như vậy là đúng mà có khi chỉ là chút tự ái, sĩ diện…
Bạn chắc đã biết tới 7 thói quen của người thành đạt của Stephen R. Covey, thói quen thứ 5 chính là sự thấu hiểu. Giống như một bác sỹ khám bệnh cho bệnh nhân, anh ta phải hiểu rõ bệnh nhân mắc bệnh gì rồi mới có thể kê đơn thuốc. Nhưng trong cuộc sống hay công việc chúng ta lại có xu hướng kê đơn thuốc còn trước khi nghe bệnh nhân trình bày về bệnh. Ta chỉ muốn nói, được khuyên bảo (để thỏa mãn nhu cầu tự trọng) chứ ít khi chịu nghe.
Muốn đồng cảm ta phải lắng nghe, phải kiên nhẫn nghe họ trình bày, không đượt ngắt lời, và phải hiểu những gì họ nói trong khung cảnh của họ.
Kịch bản của sự thiếu lắng nghe để từ đó đồng cảm như thế này:
Ví dụ 1:
A : Cuộc sống của mình thật vất vả, chồng mình thường đi nhậu về rất muộn. Anh ta…
B: <ngắt lời> Mình hiểu bạn, thật là khó khăn, bạn thật vất vả
A: Mình không rõ nguyên nhân tại đâu, trước anh ta đâu có thế. Trước anh ta…
B: <ngắt lời> Bạn thử ngồi lại nói chuyện thẳng thắn với anh ta việc này xem. (đưa ra thuốc chữa ngay cả khi chưa nắm được bệnh)
Ví dụ 2:
A: Mình mới mở một quán ăn nhỏ. Công việc khá thuận lời nhưng thực sự quá căng thẳng.
B: Đúng rồi, làm dịch vụ vất vả lắm. Bạn phải thức khuya dậy sớm, rồi quản lý nhân sự, quản lý tài chính rất phức tạp…. (có lẽ họ không cần bạn làm rõ khó khăn của họ)
A: Không mình không có ý đó, những thứ đó không gây khó khăn cho mình
B: à, thế là do bạn đã không còn đủ thời gian dành cho gia đình đúng không. Hồi xưa mình cũng từng như vậy..<một thôi một hồi kể nể về ngày xưa>
Ví dụ 3:
A: Sao bạn trông buồn vậy?
B: Mình vừa gặp một việc rất buồn
A: ừ mình biết mà, cuộc sống giờ thật khó khăn. Bạn nên cố gắng chăm chút bản thân, mọi nỗi buồn rồi sẽ qua thôi. ( người kia chắc sẽ không thấy là bạn cảm thông với nỗi buồn của họ)
Ví dụ 4:
A: Mình dạo này nhiều việc quá, làm sao có thể làm hết được từng đó việc, công việc thật quá áp lực
B: Ừ mình cũng thấy dạo gần đây công việc có vẻ nhiều lên, chán quá. (họ đâu cần thêm một người cũng than như bạn?)
Các tình huống này chắc bạn gặp hàng ngày. Ta đoán bệnh thay vì để bệnh nhân nói mà đôi khi riêng việc kiên nhẫn nghe họ nói thôi cũng đã khiến họ cảm thấy bạn tôn trọng họ rồi. Sau đoán bệnh ta đưa ra phương thuốc trị bệnh như một chuyên gia.
Tình huống thứ 4 là chỉ là cho thêm củi vào lò, chẳng giải quyết mẹ gì cả. Nếu như anh thực sự đồng cảm với họ anh phải có giải pháp giúp họ.
Cậu chuyện sẽ khác nếu như ta tạm thời ngắt dòng suy nghĩ của chính mình mà tập chung vào câu chuyện của họ
Tình huống của ví dụ 1:
A : Cuộc sống của mình thật vất vả, chồng mình thường đi nhậu về rất muộn.
B: <ánh mắt chăm chú lắng nghe; đặt mình vào tình huống của A; đặt câu hỏi mở>. Ồ mình nhờ là hồi xưa anh ta luôn về nhà đúng cơ mà; có chuyện gì thế?
A: Mình không rõ nguyên nhân tại đâu, nhưng mọi thứ thay đổi kể từ khi anh ý chuyển sang công việc mới. Anh ta giải thích là công việc đòi hỏi phải vậy.
B: <cần làm rõ và theo hướng giải quyết vấn đề thay vì làm trầm trọng thêm vấn đề>. Biết đâu công việc thực sự đòi hỏi vậy, anh ý có giải thích rõ không?
A: Anh ý giải thích là ….
Khi một ai đó tâm sự với bạn có nghĩa là họ tin bạn và có khi nhu cầu của họ chỉ là giải tỏa tâm lý mà không cần bạn kê đơn thuốc. Nếu một vấn đề được nhìn từ nhiều góc độ với sự khơi gợi của bạn thì có khi họ tự sẽ tìm thấy giải pháp.
Quá trình giao tiếp thì ngôn ngữ cử chỉ trong đó có nét mặt đóng vai trò rất quan trọng. Kết hợp giữa nét mặt và lời nói để hiểu chính xác ý nghĩa lời nói của họ. Mặt khác bạn phải thể hiện rằng mình thực sự quan tâm tới câu chuyện thay vì thỉnh thoảng lại nhìn đồng hồ.
Phương cách tốt nhất để đồng cảm
Muốn đồng cảm được bạn phải đặt được mình vào vị trí của họ. Có nghĩa là bạn phải tưởng tượng mình là họ; các nỗi buồn của họ cũng là nỗi buồn của mình. Bạn phải sống trong khung cảnh đó, tự khắc sẽ có cảm xúc như họ. Làm vậy thực quá tốn công sức, thường bạn phải thực yêu mến , quý trọng họ,..Nói chung, bạn cần có mục tiêu thực sự cao cả mà không phải cố gắng đồng cảm để mưu lợi cá nhân. Khi cố gắng đồng cảm, bạn cần quên cái tôi đi, quên đi mình tài giỏi như thế nào, quên sự thành công của bản thân.
Chúng ta có yêu con chúng ta không? Tất nhiên là có rồi nhưng chúng ta rất khó dạy con của mình. Vì ta dạy nó với suy nghĩ rằng ta là bố mẹ nó, là người biết nhiều hơn nó, là người hiểu nó, là người nuôi nó, là người đẻ ra nó,… vâng, ta đặt cái tôi của mình cao như vậy thì làm sao có thể đồng cảm; để cho con trẻ tôn trọng mình, lắng nghe và hành động theo những gì mình muốn.
Tương tự khi ta nhận thức rằng ta giỏi hơn họ, hạnh phúc hơn họ,…thì ta rất khó để sống trong câu chuyện của họ. Hoặc ngược lại ta nghĩ rằng ta còn khổ hơn họ, kém hơn họ và câu chuyện của ta còn tồi tệ hơn họ thì ta cũng sẽ không lắng nghe. Nói chung là phải quên cái tôi đi.
Để rèn luyện khả năng đồng cảm không gì bằng việc thực hành. Trước hết hãy thực hành với vợ/chồng/người yêu/bạn của chính mình. Không cần biết trước đây bạn giao tiếp như thế nào, giờ chỉ lắng nghe và đặt các câu hỏi khơi gợi; dùng cái đầu để tượng tượng ra khung cảnh thay vì đoán họ sẽ nói gì tiếp theo. Khi nào bạn cảm thấy mình như họ thì chứng tỏ bạn đã có được sự đồng cảm. Khi có được sự đồng cảm thì mọi vấn đề nếu có sẽ được giải quyết.
Mặt trái của đồng cảm
Để đồng cảm được phải bỏ ra rất nhiều công sức; nếu như ai bạn cũng cố gắng đồng cảm với họ thì dần dần bạn sẽ sống trong cảm xúc của người khác mà quên đi cảm xúc của riêng mình. Khi nhìn thấy một hoàn cảnh éo le bạn buồn đau; khi nhìn thấy một người hạnh phúc, bạn vui vẻ; khi nhìn thấy một sự kiện gây bức xúc, bạn tức giận. Bạn nhẩy giữa các cảm xúc cua những người mà bạn gặp. Vậy rõ ràng là nếu có võ thì chỉ nên áp dụng khi cần thiết.
Đồng cảm cũng sẽ khiến bạn bỏ quên lý trí; bạn hành động theo cảm xúc để làm vơi đi sự khổ đau của người khác nhưng có khi lại làm tăng sự khổ đau đó lên. Bạn nghi rằng mình đang làm một việc tốt nhưng đó lại là việc không nên làm.
Bạn cần quản lý được sự đồng cảm của bản thân; hiểu rõ ai là người mình cần giúp đỡ, cần gắn kết, cần gia tăng niềm tin. Gia đình bạn, những người thân của bạn, bạn bè, đồng nghiệp của bạn là những người bạn nên quan tâm và dành thời gian cho đồng cảm. Phung phí cảm xúc cho người lạ cũng tốt nhưng sẽ không mang lại giá trị gì cả cho bạn. Hãy tưởng tượng bạn là tâm của vòng tròn với các vòng tròn đồng tâm nơi mà người càng quan trọng với bạn thì càng ở vòng tròn gần bạn.
Khi bạn đồng cảm với một người và bạn hành động theo sự đồng cảm đó ví dụ như cho tiền người ăn xin vì lòng thương cảm. Nhưng sau đó bạn phát hiện rằng người ăn xin đó chỉ là giả vờ bệnh tật để được người ta cho tiền, bạn cảm thấy mình bị lừa dối và bạn sẽ cảnh giác, tạo rào cản cảm xúc. Rồi đến khi một tình huống thật sự cần đồng cảm thì lại không đồng cảm nổi.
Cảm xúc đúng lúc đúng chỗ thể hiện năng lực trí tuệ cảm xúc của bạn. Hãy nhớ rằng bản chất của con người là muốn người khác lắng nghe, hiểu mình; bạn chỉ cần sẵn lòng làm điều đó là được. Học kỹ năng giao tiếp không phải là học cách nói mà là học cách nghe; muốn nghe được thì nói ít đi.