Chính phủ nên đánh Thuế thu nhập hay Thuế tiêu dùng ?

0
10081

Ngày hôm qua 14/9/2017, phòng thương mại Việt Nam VCCI có tổ chức hội thảo với các doanh nghiệp về dự thảo thay đổi chính sách thuế của bộ tài chính ở TP HCM. Ngày hôm nay VCCI cũng tổ chức một buổi hội thảo tương tự cho các DN miền bắc. Quan trọng và ồn ào nhất vẫn là vụ thuế giá trị gia tăng VAT từ 10% lên 12%.

Mục đích của chính phủ cho dự thảo thuế hiện tại:

  • Tăng nguồn thu cho ngân sách.
  • Tăng hoặc không làm ảnh hưởng tới đầu tư xã hội.
  • Không làm tăng bất bình đẳng (nếu có thể)
  • An sinh xã hội đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội.

Câu hỏi đặt ra, trong hai loại thuế là Thuế thu nhập và Thuế tiêu dùng thì chính phủ nên đánh vào đâu cho hiệu quả?

Thuế tiêu dùng là thuế rất dễ thống kê, phát sinh khi ai đó tiêu dùng một hàng hóa/dịch vụ nào đó. Ưu thế khi đánh vào thuế tiêu dùng là khiến người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi tiêu thụ hàng hóa. Họ có thể chi tiêu ít đi và để dành cho tiết kiệm nhiều hơn.

Chúng ta nhớ công thức Tiết kiệm = Thu nhập – Chi tiêu

Khi người dân tiết kiệm họ sẽ gửi ngân hàng hoặc là đầu tư vào một cái gì đó sinh lời. Nếu tiền được gửi vào ngân hàng thì ngân hàng sẽ cho ai đó vay để đầu tư. Tóm lại tiền tiết kiệm sẽ dùng để đầu tư tạo ra giá trị vật chất hoặc tinh thần nào đó có lợi cho xã hội.

Chúng ta sẽ thắc mắc là Chi tiêu nhiều cũng giúp ích đó chứ vì khi tiêu dùng một hàng hóa/dịch vụ nào đó thì sẽ kích thích lĩnh vực đó phát triển. Không có tiêu dùng thì làm sao có sản xuất. Khi bạn mua một cái áo mới thì công ty may bán được một cái áo, giúp cho một vài lao động nào đó không bị thất nghiệp và có thêm thu nhập. Khi họ có thu nhập họ có thể mua chính hàng hóa hay dịch vụ mà bạn đang bán.

Tuy nhiên Chi tiêu lại bao gồm hàng trong nước và hàng nhập khẩu. Nếu bạn tiêu dùng hàng trong nước thì tốt nhưng nếu tiêu dùng hàng nước ngoài thì không mang lại lợi ích nào cho đất nước. Một vài ai đó ở nước ngoài sẽ không bị thất nghiệp và có thu nhập, chắc ít có khả năng họ dùng thu nhập thêm đó để mua hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Thuế tiêu dùng có thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt,….Chính phủ có thể điều chỉnh tăng giảm các loại thuế trong nhóm thuế tiêu dùng này để điều phối hành vi tiêu dùng của người dân từ đó kích thích một lĩnh vực nào đó họ muốn ưu tiên.

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế đánh vào khoản thu trước chi tiêu

Thu nhập khả dụng = Thu nhập – Thuế thu nhập.

Bất chấp bạn tiêu dùng thế nào thì cứ phải nộp một khoản tiền cho nhà nước cái đã. Đối với cá nhân thì chính phủ đưa ra các mức đóng thuế theo lũy tiến tăng dần nhằm không hoặc đánh thuế ít ở người nghèo và đánh thuế nhiều hơn ở người giàu (những người có thu nhập cao hơn).

Thuế thu nhập cá nhân tăng thì sẽ làm giảm thu nhập khả dụng của người dân, cũng ảnh hưởng tới khả năng mua của họ. Mua một hàng hóa rẻ với túi tiền ít hoặc mua một hàng hóa đắt với túi tiền nhiều hơn, lựa chọn nào?

Có thể thấy thuế thu nhập cá nhân cực kỳ khó thống kê. Ví dụ như giảm trừ gia cảnh hiện nay, cả bạn và vợ bạn có thể cùng thống kê người phụ thuộc là bố mẹ bạn, chẳng có phần mềm tập trung nào của chính phủ giúp loại bỏ sự trùng lặp này. Ngoài ra thu nhập của bạn không chỉ đến từ một nguồn mà đến từ nhiều nguồn khác nhau. Tính riêng lẻ thu nhập mỗi nguồn thì bạn không phải chịu thuế nhưng tính tổng các nguồn có khi bạn phải chịu thuế, cơ quan thuế sẽ không thể phát hiện ra trừ khi đơn vị tổ chức thuê bạn buộc phải thống kê lao động, tiền lương,..

Theo quy định thuế thu nhập cá nhân hiện hành thì các cá nhân có nguồn thu nhập từ nhiều nguồn sẽ phải tự kê khai thuế. Khi bạn có một nguồn thu nhập từ tổ chức A, tổ chức này sẽ có “trách nhiệm” giữ lại một khoản thuế tạm thu nhập cá nhân. Tới cuối năm khi thống kê thấy rằng tổng thu nhập chưa tới mức chịu thuế thì bạn kê khai thuế để nộp cho cơ quan thuế nhằm lấy lại tiền thuế “tạm thu” trước đó.

Nếu bạn chỉ có một nguồn thu nhập từ một công ty thì công ty đó thường sẽ kiêm luôn việc kê khai thuế và nộp thuế. Các doanh nghiệp nước ngoài rất nghiêm túc tuân thủ còn các doanh nghiệp trong nước thì giống như thuế thu nhập doanh nghiệp, có vô vàn cách thức để khiến cho bạn không tới mức phải nộp thuế.

Theo Kinh tế học, thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ khiến người ta làm ít hơn. Chẳng có lý gì tôi phải làm việc nhiều hơn để có thu nhập cao hơn trong khi càng cao thì càng phải chi trả nhiều thuế cho nhà nước. Quan điểm của kinh tế học thì con người có tính vị kỉ vì vậy họ sẽ hành động theo hướng có lợi nhất cho họ. Trong thực tế thì ngoài quyết định mang tính lý trí con người còn vận hành theo cảm xúc nữa. Vì vậy tăng thuế thu nhập cá nhân chưa chắc đã khiến con người dừng làm việc khi họ tới một mức thu nhập nào đó.

Thuế thu nhập doanh nghiệp là đánh trên lợi nhuận thuần của doanh nghiệp.

Thuế thu nhập DN = tỷ lệ thuế x ( Doanh thu – Chi phí)

Chính phủ cho rằng khi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nhân sẽ có nhiều tiền hơn để tái đầu tư hoặc họ sẽ dám khởi nghiệp hơn sau khi đặt bài toán lỗ lãi lên bàn cân. Nhờ vậy sẽ có nhiều việc làm mới được tạo ra, tăng thu nhập cho người dân.

Quan điểm của Trump khi ứng cử tổng thống là giảm thuế thu nhập DN cũng là nhằm tăng số việc làm nhưng thực tế sẽ không như vậy.

Ở VN để giảm thuế thu nhập phải nộp họ tìm cách tăng chi phí hợp lý. Doanh nghiệp phải bỏ tiền ra mua hóa đơn, nuôi một bộ máy cồng kểnh để hợp thức hóa các khoản chi phí hợp lý đó. Tỷ lệ thuế càng cao thì DN càng cố gắng để giảm lợi nhuận thuần bằng cách tăng chi phí. Chính vì vậy trong hệ thống kinh tế phức tạp của VN có những giao dịch ảo thực tế không xảy ra nhưng vẫn được ghi nhận.

Giảm thuế thu nhập DN có thể có ưu điểm là DN sẽ giảm mức độ… trốn thuế của họ, DN không phải mất không chi phí để hợp thức hóa chi phí, tổng thuế thu được có thể không giảm vì DN để phần lợi nhuận chịu thuế của mình cao hơn.

Thuế thu nhập DN không ảnh hưởng nhiều tới quyết định khởi nghiệp hay mở rộng đầu tư của DN trừ khi đó là DN FDI, DN lớn có kiểm toán chặt chẽ…Các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ có con bài tăng chi phí vì vậy tỷ lệ thuế tăng từ 20% lên 25% cũng không ảnh hưởng tới quyết định của họ. Ngược lại nếu tỷ lệ thuế từ 20% giảm xuống 18% cũng vậy.

Thực tế cho dù thuế thu nhập hay thuế tiêu dùng thì cứ tăng là người ta không thích rồi. Người giàu kêu khi chính phủ tăng thuế thu nhập vì họ chịu nhiều nhất, họ ít kêu khi tăng thuế tiêu dùng vì cả làng phải chịu, họ cũng chỉ phải chịu khi tiêu dùng mà thôi.

Người nghèo kêu khi chính phủ tăng thuế tiêu dùng vì họ sẽ phải trả giống như người giàu phải trả. Họ ít kêu khi tăng thuế thu nhập vì thu nhập của họ còn lâu mới tới mức đóng thuế. Tăng thuế thu nhập DN cũng không ảnh hưởng gì tới họ.

Chính phủ đứng ở thế khó. Khi tăng thuế thu nhập họ vấp phải sự phản đối của DN mà đại diện là VCCI. Khi tăng thuế tiêu dùng thì họ vấp phải sự phản đối của đa số người dân vì dân ta còn nghèo. DN cũng có thể phản đối vì lượng tiêu dùng ít đi sẽ ảnh hưởng tới doanh thu của họ. Giữa hai sự lựa chọn có vẻ như tăng thuế thu nhập DN sẽ dễ được sự chấp thuận hơn nhiều so với tăng thuế tiêu dùng.

Nếu chính phủ được quyết mà không quan tâm nhiều tới dư luận thì họ thích thu thuế tiêu dùng vì :

  • Thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt là các loại thuế rất dễ thống kê. Bên bán là Doanh nghiệp có hệ thống kê khai thuế theo tiêu chuẩn nhà nước, chịu trách nhiệm thu hộ thuế này.
  • Thuế tiêu dùng điều chỉnh hành vi của người dân theo hướng tiết kiệm phục vụ cho đầu tư thay vì chi tiêu vô tội vạ.
  • Thuế thu nhập cực khó thống kê đối với thu nhập cá nhân, những người không hề có chuyên môn và có vô số cách khác nhau để lách thuế.
  • Thuế thu nhập làm giảm động lực kiếm tiền của DN và người dân.

Sách: Donald Trump – Đã đến lúc phải cứng rắn (P3: Chính sách thuế )

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here