Bộ tài chính đang dự thảo thay đổi chính sách thuế, đây là dịp rất tốt để chúng ta kiểm nghiệm các lý thuyết kinh tế học và thực tế đang diễn ra.
Entry này bàn về việc chính phủ sử dụng thuế để điều chỉnh hành vi tiêu dùng của người dân.
Trong entry trước ta thấy, khi chính phủ tăng thuế giá trị gia tăng sẽ vấp phải những khó khăn sau:
- Người dân phản đối vì họ sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn cho cùng hàng hóa trước đó. Người càng nghèo thì kêu càng to và vì dân ta còn nghèo nên bộ tài chính sẽ phải rất vất vả để vượt qua dư luận nếu muốn nó được ban hành.
- Doanh nghiệp cũng sẽ hơi phản đối vì nó khiến cho tổng lượng hàng hóa tiêu thụ ít đi, ảnh hưởng tới kinh doanh của họ.
- Các nhà hoạch đính chính sách thì lo lắng tổng cầu của nền kinh tế sụt giảm dẫn tới suy thoái. Họ cũng lo mức sống người nghèo sẽ bị giảm sút.
- Các nhà chính trị thì lo nhân dân bất mãn, nhưng họ cũng lo nợ công chính phủ đang ngày một phình to nếu không được giải quyết.
Phía dưới là mô hình tiêu dùng-tiết kiệm của một cá nhân. Ta có thể hiểu rằng doanh nghiệp cũng do một hoặc một tập hợp các cá nhân làm chủ nên hành vi của họ cơ bản cũng có thể quy về mô hình hành vi cá nhân.
Tiêu dùng = Thu nhập – Tiết kiệm
Hàm tiêu dùng là y= ax + b
Trong đó b là tiêu dùng tự định, khoản tiêu dùng không phụ thuộc vào thu nhập, cho dù bạn thu nhập có là bao nhiêu thì cũng vẫn phải chi. x là thu nhập và y là chi tiêu. a là chi tiêu cận biên, là khoản chi tiêu thêm khi thu nhập tăng thêm 1 đơn vị.
Thói quen tiêu dùng
Khi thu nhập của một người tăng từ 1 triệu lên 100 triệu thì điều gì sẽ diễn ra ?
Trước hết người này đã có thói quen tiêu dùng từ quá khứ, không dễ gì một lúc mà có thể tăng chi tiêu lên gấp 100 lần tương ứng với thu nhập được. Về dài hạn anh ta sẽ học cách tiêu nhiều hơn từ đó chi tiêu của anh ta tăng dần, lý tưởng nhất là tới mức tiết kiệm như ban đầu.
Khi thu nhập 1 triệu thì anh tiết kiệm 100 nghìn tương ứng với 10%; nay thu nhập 100 triệu thì anh tiết kiệm 10 triệu, cũng tương ứng với 10%; hoặc vẫn tiết kiệm được 1 triệu như cũ.
Ngoài ra nếu đó là thu nhập đột xuất do quà tặng, thừa kế,….khiến cho thu nhập chỉ tăng đột biến trong tháng đó thì sẽ có hai tình huống xảy ra. Người trước đó đã có thói quen tiết kiệm thì sẽ để lại gần như toàn bộ cho tiết kiệm, chỉ mua vài cái kẹo mút tự thưởng cho bản thân. Người có thói quen tiêu pha hết số tiền kiếm được trước đó thì cũng sẽ tiêu hết số tiền đột xuất đó.
Tiêu dùng cũng như mọi hoạt động khác của con người, nó có thói quen được hình thành mà không dễ có thể thay đổi. Vì vậy khi chính phủ đánh thuế tiêu dùng thì không hẳn là người dân bớt tiêu dùng đi mà họ để lại tiền tiết kiệm ít hơn.
Nếu điện thoại iphone 8 có mức thuế VAT tăng thêm 5% thì có ảnh hưởng gì tới quyết định mua của bạn không? Thực tế Samsung Note 8 cũng sẽ tăng một mức tương tự vì vậy so sánh tương đối giữa giá Samsung note 8 và Iphone 8 không có gì thay đổi cả.
Giả sử một cân thịt lợn bị tăng thêm 5% vì thuế thì bạn có mua ít đi không? Do thịt bò, gà cũng tăng tương ứng nên so sánh tương quan giữa các loại thịt thì chẳng có gì thay đổi cả. Bạn sẽ không mua ít đi vì lượng thay đổi quá nhỏ; chỉ khi bạn mua một tấn thịt một lúc mới thấy sự khác biệt.
Giả sử giá nhà tăng thêm 5% vì thuế thì bạn có ngừng mua nhà không? Vì tất cả các ngôi nhà đều tăng giá nêu bạn chỉ có hai lựa chọn, mua hoặc không mua, chứ không có lựa chọn mua căn nhà khác.
Nói chung tăng thuế sẽ tác động nhiều tới mức tiết kiệm của người dân hơn là giảm hành vi tiêu dùng của họ.
Tuổi tác có ảnh hưởng tới tốc độ chi tiêu ?
Quan điểm kinh tế học cho rằng người tiêu dùng hành động vì lợi ích bản thân. Đứng trước một lựa chọn phải ra quyết định họ sẽ theo hướng có lợi nhất cho họ. Vì vậy khi ý thức được rằng khi chết đi chẳng mang gì theo được thì họ có xu thế ít tiết kiệm hơn.
Giống như việc bạn mua một thẻ chơi game với giá 1.000.000 đồng để chơi các trò chơi ở một trung tâm game. Bạn sẽ có xu hướng tiêu sạch số tiền trong thẻ đó trước khi rời trung tâm đó, đặc biệt là khi biết mình sẽ không bao giờ quay lại chỗ này.
Vậy về lý họ sẽ kiếm tiền vừa đủ và xu hướng càng về già tiêu càng ác, đặc biệt là khi sắp toi. Người ta kiếm tiền bằng cách bán thời gian, sức khỏe của họ; khi kiếm tiền ít đi thì có nghĩa rằng họ có nhiều thời gian hơn để hưởng thụ cuộc sống thay vì vật vã làm những việc mình không thích hàng ngày.
“Kiếm tiền vừa đủ” sẽ ngày càng là xu thế mạnh vì con người có xu thế ngày càng ích kỷ hơn. Dân số già hóa ở các nước có mức sống cao như Nhật và Bắc Âu là một ví dụ, họ thích hưởng thụ hơn là đẻ con và chăm sóc chúng.
Còn chi tiêu ngày càng ác hơn thì không chắc chắn lắm. Về già con người sẽ tốn nhiều tiền hơn để chăm sóc sức khỏe. Thói quen tiêu dùng của họ hình thành cả cuộc đời vì vậy không dễ một lúc mà vứt một đống tiền đi du lịch nước ngoài, ăn những món ăn đắt tiền. Cơ bản lúc đó có muốn phá đời thì sức khỏe cũng có giới hạn. Ngoài ra động lực để lại tài sản cho con cháu cũng rất lớn sẽ khiến họ không tăng tiêu pha khi càng già.
Con người cảm nhận hạnh phúc một cách tương đối
Nếu bạn đang ở trong một khu biệt thự cao cấp của Vincom, bạn sẽ cảm thấy happy nếu nhà của bạn to hơn nhà hàng xóm, bạn sẽ cảm thấy kém vui hơn khi nhà mình nhỏ hơn cho dù giá nhà của bạn đã vài chục tỷ rồi.
Chúng ta dùng so sánh tương đối (mà không phải tuyệt đối) để cảm thấy thỏa mãn hay không thỏa mãn. Xe mình xịn hơn, áo mình đẹp hơn, nhà mình to hơn, mình ăn hiệu sang hơn, con mình học giỏi hơn, vợ mình đẹp hơn, chồng mình đẹp trai hơn, lương mình cao hơn….Nếu như tất cả người dân đều tăng hay giảm mức sống ở những mức % như nhau thì họ sẽ không cảm thấy hạnh phúc hơn hay kém hạnh phúc hơn.
Khi mức giảm của họ từ mức chấp nhận được xuống mức không thể chấp nhận thì mức độ thỏa mãn của họ mới có sự giảm rõ rệt. Việc bạn ăn đã no và ăn no thêm sẽ khác với việc ăn vừa đủ và đói bụng.
Vậy, nếu thuế tiêu dùng tăng đều 2% cho toàn bộ hàng hóa thì người dân sẽ mua ít đi (nếu phải mua ít đi) một lượng như nhau và vì vậy họ sẽ không cảm thấy kém hạnh phúc hơn. Đối với những người cận nghèo, ở giữa nằn ranh giới của đói và vừa đủ thì sẽ rất nhậy cảm, chính phủ có thể tăng trợ cấp để giải quyết việc này, đằng nào tiền thuế thu được từ họ cũng ít vì tiêu dùng của họ ít.
Chính phủ có thể đánh thuế tiêu dùng lũy tiến giống như đánh thuế thu nhập lũy tiến?
Hiện chúng ta đánh thuế thu nhập theo lũy tiến ( từ 4tr->6tr: 5%; 6->9tr: 10%; 9->14tr: 15%; 14->24tr: 20%; 24tr->44tr:25%; 44->84tr: 30%; >85tr: 35%). Điều này giúp giảm gánh nặng thuế của người nghèo, phân chia thu nhập trong xã hội nhằm giảm bất bình đẳng.
Thuế thu nhập lũy tiến xét góc độ kinh tế học sẽ làm người ta ít muốn kiếm nhiều tiền hơn ở các điểm biên. Ví dụ lương bạn đang 84 triệu thì bạn sẽ muốn giữ nguyên 84tr hơn là lên trên 85tr vì bạn phải đạt được mức lương khoảng 90tr mới có thu nhập sau thuế bằng với thu nhập khi còn ở mức lương 85 triệu.
Một người có thu nhập cao thường họ đạt tới một trình độ nhận thức nào đó mà ngoài tiền lương thì còn nhiều yếu tố tinh thần khác tác động tới mức độ hiệu quả của họ. Ví dụ họ làm vì muốn thể hiện mình, muốn được người khác tôn trọng, muốn nổi trội hơn hẳn so với đám đông,….
Một người có thu nhập ở mức trung bình và thấp thì càng coi trọng tiền lương. Lúc này những người xung quanh như họ quá nhiều, rất khó để nổi trội trước đám đông vì vậy cố thêm một tí cũng không làm họ khác biệt hơn so với người khác.
Chính phủ đánh thuế % tăng dần giống như việc ông bố đánh thằng bé nhẹ hơn thằng lớn vì thắng bé ít chịu đòn tốt bằng thằng lớn. Cả hai thằng đều cảm nhận đau như nhau.
Liệu chính phủ có thể đánh thuế chi tiêu cũng lũy tiến không? Mua càng nhiều thì thuế càng cao. Mức bắt đầu đánh thuế là mức vượt lên trên mức sống cơ bản. Ví dụ như định mức mua gạo 10kg/người tháng đánh thuế 10%; nếu mua từ 10 tới 15kg thì thuế 12%. Cũng giống như thu tiền điện bây giờ, càng sử dụng nhiều điện thì giá càng tăng.
Mua cái ô tô đầu tiên thuế 10%, cái thứ hai 12%,… Mua cái nhà đầu tiên thuế 10%, cái nhà thứ hai 12%, cái nhà thứ ba 15%,….
Cưới vợ đầu tiên đánh thuế 0%, cưới vợ thứ hai đánh thuế 20%, cưới vợ thứ ba đánh thuế 50% để giảm …ly hôn. (đùa thôi)
Như vậy người nghèo thì không bị ảnh hưởng và người giàu khi muốn cuộc sống tốt hơn so với bình thường thì phải nộp thuế. Cũng giống như tình huống phía thu nhập, họ có khả năng chịu đau tốt hơn vì vậy hãy đánh họ đau hơn so với người nghèo.
Ngoài cách thức tiếp cận theo từng mặt hàng, chính phủ có thể đánh thuế trên tổng chi tiêu của một cá nhân. Ta có công thức Chi tiêu = Thu nhập – Tiết kiệm. 31/12 hàng năm người dân sẽ kê khai tổng thu nhập trong năm của họ, tổng tiết kiệm của họ; chính phủ sẽ tính được tổng chi tiêu, không cần biết người đó tiêu gì.
Tiết kiệm được tính bằng tiền gửi ngân hàng, nếu người dân mua vàng thì cũng gọi là chi tiêu. Tính thu nhập thì trước nay chính phủ vẫn đang tính để có thể đánh thuế thu nhập rồi. Khi có tổng chi tiêu, chính phủ tính ra các mức thuế phải đóng tăng dần theo các nấc giống như với thuế thu nhập. Việc đánh thuế tiêu dùng lũy tiến sẽ khiến người dân bớt tiêu dùng hơn để dành cho tiết kiệm.
Chính phủ có thể đánh thuế trên khoản tiết kiệm không ?
Trước đây hình như cũng đã đề xuất đánh thuế trên khoản tiết kiệm hoặc là đánh thuế trên số lãi thu được của tiền gửi tiết kiệm rồi. Khi đó người dân phản đối vì tiền gửi tiết kiệm bản chất là lãi âm vì lạm phát lúc đó còn lớn hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Khi chính phủ đánh thuế trên khoản tiết kiệm thì người dân sẽ có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn (giống như tình huống đánh thuế trên tiêu dùng). Hoặc họ sẽ tìm các hình thức đầu tư khác mà chính phủ không đánh thuế hoặc không quản được ví dụ như đánh hụi, mua vàng bạc châu báu nhẫn kim cương,…
Vì các chính phủ đều khuyến khích việc nhân dân tiết kiệm vì vậy thường là tránh các loại thuế này. Ngoài ra hiện tại chính phủ đã đánh thuế thu nhập, đánh thuế tiêu dùng, lại còn đánh thuế tiết kiệm nữa thì quá là vắt kiệt sức dân. Nếu chính phủ đánh thuế tiết kiệm thì họ phải giảm hoặc bỏ một trong hai loại thuế (tiêu dùng hoặc thu nhập), làm như vậy không khả thi lắm.
Túm lại, quyết định đánh thuế như thế nào cũng giống như người nông dân vừa muốn con gà mình sống và khỏe vừa muốn có thịt gà ăn. Mỗi hôm xẻo tí thịt vừa đủ để nó hồi phục còn hơn là xẻo nhiều quá khiến nó lăn quay ra chết. Việc quyết định thuế đánh vào thu nhập, tiêu dùng hay tiết kiệm thì bản chất là quyết định chỗ thịt nào cần xẻo, chính phủ không thể tồn tại mà không có thịt được.