Đã là thống kê thì đầu tiên các định nghĩa phải rõ ràng và cùng chung cách hiểu. Các chỉ tiêu thống kê cùng tiêu thức càng không rõ ràng thì càng nhiều sai số, dẫn tới số liệu càng không chính xác:
Ví dụ:
– Thống kê về tổng thu nhập trung bình của một hộ gia đình trong năm 2013 của một phường.
Câu trên tưởng đơn giản những rất dễ mỗi người hiểu một kiểu:
+ Thu nhập: Phải là toàn bộ các khoản thu bao gồm cả các khoản chuyển nhượng như trợ cấp, biếu tặng, thừa kế. Nếu cán bộ đi hỏi mà chỉ ghi vào các khoản thu nhập từ tiền lương thì sẽ không đủ.
+ Thời gian là từ 0h ngày 1/1/2013 tới 24h ngày 31/12/2013. Chỉ tính các khoản phát sinh thu nhập trong khoảng thời gian này.
+ Hộ gia đình cũng phãi định nghĩa rõ; một người ở độc thân cũng là một hộ gia đình.
+ Trong 1 “phường”: đây là về địa lý vậy thì những người tạm trú, tạm vắng; di chuyển đi và tới trong kỳ thì tính như thế nào?
+ “Trung bình”: ở đây được hiểu là trung bình cộng; có nghĩa là cộng tổng thu nhập chia cho số hộ dân có trong phường.
Hoặc gần đây nổi lên đánh giá xếp hạng thứ bậc giáo dục của PISA và trình độ tiếng anh của người Việt Nam. Cả hai xếp hạng này của Việt Nam đều cao hơn so với một số nước mà chúng ta nghĩ là thấp hơn. Cao hay thấp là do dùng chỉ số gì để đo và đo như thế nào. Muốn cho người ta tin tưởng rằng thống kê này là chuẩn thì phải chứng minh được các tiêu thức, cách thức thống kê là đáng tin cậy.
Vì vậy để đảm bảo mọi số liệu thống kê và cả cách tính được định nghĩa thống nhất trên toàn thế giới thì mỗi tổ chức quốc tế sẽ đưa ra các hướng dẫn của mình; chủ yếu đến từ Liên hợp quốc (UN) và Ngân hàng thế giới (WB).
Tuần trước nước nhà có tổ chức một hội nghị trong đó xem xét có nên thay đổi cách tính các chỉ số vĩ mô như GDP, CPI,.. cho phù hợp với Việt Nam không. Câu trả lời rất đơn giản là nếu ta tính theo cách của ta chỉ dùng để tự sướng mà thôi còn thì không thể so sánh với các nước khác được do cách tính khác nhau. Không so sánh được thì căn cứ đâu bảo ta đang tới gần họ hay căn cứ đâu để các nước đánh giá Việt Nam khi đầu tư, cho vay,…
Như đã trình bày tại entry trước thì thống kê là có trong tất cả các ngành từ kinh tế tới xã hội. Trong thống kê kinh tế thì các lĩnh vực sau được thống kê:
1. Thống kê tài khoản quốc gia
2. Thống kê nguồn nhân lực sản xuất
3. Thống kê kết quả sản xuất
4.Thống kê mức sống dân cư
Trong một lọat entry về Kinh tế học chúng ta thấy từ vĩ mô tới vi mô có rất nhiều các chỉ số; vậy chỉ số nào là quan trọng, chỉ số nào bắt buộc phải tính toán, chỉ số nào dùng để tham khảo,….Chúng ta sẽ lần lượt được hệ thống lại thông qua chủ đề Thống kê kinh tế này.
Tài khoản thống kê quốc gia:
Tài khoản thống kê quốc gia SNA (System of National Accounts) là hệ thống thông tin kinh tế bao gồm các tài khoản kinh tế, bảng thống kê, các khái niệm,…, các quy tắc hạch toán thống nhất trên phạm vi toàn cầu do Liên hiệp quốc xây dựng. Điều đó có nghĩa là các chỉ số như GDP có định nghĩa và cách tính như thế nào đều có chuẩn quốc tế.
Giai đoạn trước 1975 thì Miền Bắc theo “Hệ thống bảng cân đối vật chất MPS” là hệ thống của các nước xã hội chủ nghĩa áp dụng; còn Miền Nam theo SNA. Dễ dàng nhận thấy là MPS chắc chắn sẽ khác biệt so với SNA bởi cả cách định nghĩa các khái niệm cũng như mô hình tính toán.
Sau thống nhất 1975 tới 1988 thì cả nước áp dụng MPS vì đơn giản là cả nước đã theo một thể chế duy nhất. Từ 1989 tới nay thì Việt Nam theo SNA. Mặc dù vậy, do nước ta theo một đường lối rất đặc thù nên không thể áp dụng hoàn toàn SNA mà áp dụng từng phần và hiện giờ vẫn còn đang hòan chỉnh.
Trong SNA, các khái niệm quan trọng sau được làm rõ như sau:
– Sản xuất: Là quá trình sử dụng lao động và máy móc thiết bị của các đơn vị thể chế để chuyển những chi phí là vật chất và dịch vụ thành sản phẩm là vật chất và dịch vụ khác. Các hàng hóa và dịch vụ phải có khả năng bán trên thị trường hoặc có khả năng cung cấp cho đơn vị thể chế khác có thu tiền hoặc không thu tiền.
Có khả năng bán là một tiêu chí quan trọng, các hàng hóa dịch vụ tự sản tự tiêu thì không được tính ví dụ như tự trồng rau cải thiện, làm nội trợ,…Lý do không tính là mặc dù đúng đó là quá trình tạo ra hàng hóa và dịch vụ thật nhưng lại không trao đổi nên không thể tính được giá trị của hàng hóa đó, không tính được thì không thống kê được.
– Thường trú: Một đơn vị thể chế được gọi là thường trú trên lãnh thổ nghiên cứu nếu đơn vị đó có trung tâm lợi ích kinh tế là trụ sở làm việc, nơi sản xuất hoặc nhà ở, hoạt động sản xuất, giao dịch kinh tế tại đó với thời gian lớn hơn 1 năm.
Như vậy nếu một người nước ngoài tới Việt Nam làm việc lớn hơn 1 năm thì sẽ trở thành đơn vị thường trú của Việt Nam. Người Việt Nam đi ra nước ngoài lao động > 1 năm thì trở thành đơn vị thường trú tại nước đó trừ đối với học sinh đi du học, người bệnh đi chữa bệnh vì hoạt động đó không có thu mà chỉ có chi.
– Lãnh thổ kinh tế của một quốc gia: bao gồm lãnh thổ địa lý chịu sự quản lý của chính phủ mà ở đó dân cư, hàng hóa, vốn được tự do lưu chuyển. Lãnh thổ kinh tế của một quốc gia bao gồm toàn thể các đơn vị kinh tế thường trú của quốc gia đó.
Nếu chúng ta mang tiền, hàng đi loanh quanh Việt Nam thì được nhưng nếu bước chân ra khỏi lãnh thổ sang nước khác thì phải qua hải quan Việt Nam và qua hải quan của nước tới.
Các đại sự quán của nước khác đóng tại Việt Nam mặc dù thuộc lãnh thổ Việt Nam nhưng theo quy ước lại thuộc đơn vị thường trú của nước đó. Ví dụ đại sứ quán Pháp tại Việt Nam thì thuộc về đơn vị thường trú của Pháp. Đại sứ quán Trung Quốc to đùng cạnh tượng đài Lê Nin là của Trung Quốc.
Các định nghĩa trên là rất quan trọng; nó sẽ quyết định tới độ chính xác của các kết quả tính toán rất lớn. Cho đến hiện nay chúng ta vẫn gặp các vấn đề về tổng GDP các tỉnh không bằng GDP chung; lý do về mặt kỹ thuật bao gồm:
– Cùng một doanh nghiệp hai tỉnh cùng tính dẫn tới trùng lặp. Nguyên nhân do không phận định rõ thường trú và không thường trú.
– Theo phương pháp chi tiêu thì GDP tính theo tiêu dùng; có nghĩa là tính theo cầu. Nếu doanh nghiệp cung cấp hàng hóa ở tỉnh A nhưng người mua thì lại ở tỉnh B; nên chi cục thống kê của cả hai tính sẽ dễ bị tính trùng.
– Tính không đúng trong kỳ thống kê; một số hàng hóa quá trình sản xuất kéo dài nhiều năm như xây lắp. Kết thúc mỗi năm thì sẽ thống kê theo dạng hàng bán thành phẩm; vì vậy sẽ xuất hiện tính trùng lặp.
Trong thực tế thì các nước không tính GDP của tính mà chỉ tính GDP của cả nước. Nếu có tính GDP của tỉnh thì họ dùng chỉ số GRP; trong đó tính chi tiết hơn nhiều.