Phi lý trí (P6: Sự trì hoãn)

2
6710

Trì hoãn là việc từ bỏ mục tiêu dài hạn để hưởng cái lợi trước mắt. Bạn quyết tâm là tháng này phải giảm 2kg. Bạn bắt đầu với sự lạc quan, 2 ngày trôi qua bạn đã giữ được mình trước các cám dỗ của đồ ăn thức uống. Tới ngày thứ ba khi ý chí đã bắt đầu nguội đi một tí trong khi các cám dỗ vẫn xung quanh. Bạn quyết định lùi mục tiêu giảm hai cân tới tháng sau và hưởng thụ sự sung sướng. Đó là sự trì hoãn.

Một người hành động có lý trí sẽ thấy ngay là cần phải tuân thủ mục tiêu đã đặt ra. Khi chúng ta quyết định trì hoãn thì lúc đó lý trí của chúng ta không hoạt động hoặc quá yếu ớt để bảo vệ mục tiêu.

1. Trì hoãn trong công việc

Sự trì hoãn trong công việc mang tính phổ biến. Đã gọi là công việc thì thường là phải có sự cố gắng và sự hy sinh nhất định của chúng ta. Nếu bạn không phải vĩ nhân thì kiểu gì bạn cũng không thích công việc bạn có, giả sử như ban đầu bạn thích công việc bạn đang làm thì rồi bạn cũng chán ghét nó, không có cái gì được trả tiền mà không đòi hỏi sự cố gắng.

Đã không thích tại sao còn làm? vì thỏa cái đam mê của mình, cảm thấy sung sướng khi mình đã làm một cái gì đó khó khăn, để khẳng định mình, để có tiền.

Người ta không thể không làm việc ngay cả khi người ta đã thừa tiền để sống hết cuộc sống hiện tại. Cứ thử một tháng bạn không có công việc gì để làm mà xem, bạn sẽ thấy cuộc sống thật vô nghĩa. Phải có cái gì đó để lo nghĩ thì cuộc đời mới có ý nghĩa; vô lo vô nghĩ thì sẽ rất nhàm chán.

Tiến trình công việc mà bạn trải qua trong đời gọi là sự nghiệp của bạn. Ai đi làm thì cũng muốn có một sự nghiệp thành công cả về tiền bạc lẫn công danh. Để thành công về sự nghiệp thì cũng chẳng phải bí quyết dấu kín gì. Ví dụ hãy nói tiếng anh thành thạo, hãy học thật nhiều về cái lĩnh vực bạn đang làm, hãy nhận càng nhiều việc càng tốt cho dù bạn không được trả công xứng đáng.

Nhưng tại sao chúng ta vẫn không thành công được mặc dù rất muốn? Nếu như mỗi ngày ta chỉ cần học 3 từ mới thì chỉ 2 năm vốn từ của ta cũng đã kha khá, nếu mỗi ngày luyện nghe 30 phút, tham gia câu lạc bộ tiếng anh để luyện nói thì cũng chỉ mất 2 năm là ta đã có thể đạt được chỉ tiêu này rồi. Ta không thực hiện được vì ta trì hoãn

Công việc trong trung hạn như mỗi tháng, mỗi tuần hay mỗi ngày cũng luôn bị trì hoãn. Mặc dù ta biết rằng kiểu gì ta cũng sẽ phải làm nó nhưng ta cứ hy vọng rằng thời gian sẽ tự nó giải quyết vấn đề. Ta sống trong tâm trạng bất an vì công việc đó cứ treo lơ lửng trên đầu chúng ta. Nếu trong tuần này phải ăn con cóc thì hãy ăn ngay ngày hôm nay thay vì sống trong suy nghĩ về sự ghê sợ phải ăn con cóc tới hết tuần và ngày thứ bảy ta vẫn phải ăn con cóc. ( trích Eat the frog)

Ta biết rằng người thành công sự nghiệp sẽ có thu nhập cao và vì vậy sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề tiền bạc mà ta đang gặp phải hàng ngày; nó cũng giải quyết sự ổn định công việc nhưng ta không cưỡng lại được các lợi ích ngắn hạn trước mắt. Đó là sự phi lý trí của trì hoãn trong công việc

2. Trì hoãn trong cuộc sống

Cuộc sống cũng có rất nhiều khó khăn mà ta phải trải qua. Điển hình như vấn đề sức khỏe; ta thừa biết là sức khỏe không phải là vô hạn, nếu luyện tập thể thao đều đặn thì ta sẽ khỏe mạnh, sẽ ít bệnh tật, sẽ có năng suất làm việc tốt hơn.

Nhưng số người tập thể thao đều đặn là ít. Có rất nhiều lý do cho sự trì hoãn này ví dụ như đi làm về muộn quá phải nấu cơm rồi lại còn phải dạy con học bài, rồi thì cũng tới giờ đi ngủ. Sáng thì không dậy được sớm, hoặc dậy sớm thì phải chuẩn bị cho con đi học,…

Cho các sự hưởng thụ cuộc sống cũng không hề đơn giản. Ta muốn một chuyến du lịch dài ngày tới đảo Phú quốc, hay quần đảo Maldives để quên hết sự đời. Nhưng ta sẽ không bao giờ có thời gian, nhất là khi đã có con cái.

Ta cũng hiểu rằng con cái ta rồi sẽ lớn lên, tuổi thơ của chúng sẽ đọng lại trong trí óc chúng mãi mãi, ta muốn dành nhiều thời gian chơi với con cái, tham gia các hoạt động của nhà trường với chúng. Nhưng ta luôn có lý do cho sự trì hoãn, không lần này ta hứa lần sau, rồi thì bọn trẻ lớn lên và ta chẳng còn cơ hội nữa cho dù muốn trả với bất cứ giá nào.

effective-time-management-charts-personal-pie

3. Người bán hàng phản ứng thế nào với sự trì hoãn của chúng ta?

Trì hoãn là việc rời quyết định từ thời điểm A sang thời điểm B của khách hàng, và thường đó là quyết định mua hàng. Khách hàng trì hoãn có thể là vì họ chưa cảm thấy chắc chắn giữa lợi ích và chi phí. Lúc này người bán phải tìm cách giúp khách hàng ra quyết định mau chóng vì nếu không thì sau khi ra về đầu óc họ sẽ tỉnh táo hơn, khả năng quay lại mua hàng sẽ không cao.

Họ sẽ dùng chính đòn bẩy thời gian để ngăn sự trì hoãn: Thưa ông, chương trình khuyến mãi chỉ kéo dài tới hết ngày hôm nay.

Họ dùng đòn bẩy về sự khan hiếm: Thưa ông, hiện tại cửa hàng của chúng tôi chỉ còn có 3 sản phẩm này thôi ạ. Khi hết chúng tôi có thể phải mất 1 tháng để nhập hàng về.

Tâm lý bầy đàn: một số người lao vào mua vừa khiến KH cảm thấy yên tâm hơn vừa khiến họ bất an vì hình như hàng không còn đủ cho tất cả mọi người.

Họ dùng cảm giác mang ơn: săn đón từ cửa, tặng thằng con đi cùng quả bóng bay, chơi đùa và khen nó đẹp trai. Bạn khó mà cưỡng lại việc phải quyết định mua hàng để trả ơn.

Sếp của chúng ta chống lại sự trì hoãn của chúng ta thông qua lịch báo cáo nghiêm ngặt theo các mục tiêu đã vạch ra sẵn. Khi tâm lý của chúng ta là nước đến trên mới nhảy thì thay vì đặt nhiều mục tiêu lớn trong dài hạn họ sẽ đặt các mục tiêu con với khoảng thời gian thực hiện nhỏ.

Có bao giờ chúng ta chuẩn bị được đủ?

Một trong những lý do trì hoãn là chúng ta muốn có nhiều thời gian hơn để đảm bảo rằng chúng ta đã sẵn sàng để thực hiện công việc đó một cách tốt nhất. Bạn phải chuẩn bị một buổi thuyết trình vào 7 ngày tới, cho tới trước ngày thứ 6 bạn ước gì có thêm thời gian để chuẩn bị kỹ hơn. Nếu như cho bạn 30 ngày thì ngày 29 bạn có ước có thêm thời gian không? câu trả lời là bạn vẫn cứ ước. Nếu cho bạn hẳn 1 năm thì sao?  thì cái thời điểm 1 năm – 1 ngày đó bạn vẫn ước sao có thêm thời gian.

Không bao giờ là sẵn sàng để làm bất cứ việc gì đó là quy luật luôn luôn đúng. Nếu bạn định học cái gì đó, tập một môn nào đó, đưa con cái đi chơi,… thì hãy thực hiện ngay ngày hôm nay, nếu có thể được thì ngay khi bạn vừa có quyết định là “sẽ” làm cái gì đó. Bạn sẽ thấy công việc tiến triển thấy rõ nếu bạn hình thành cho mình thói quen này.

 

Comments

comments

2 COMMENTS

  1. Hay quá anh. Em có đọc qua cuốn Phi lý trí, mà thấy lang mang quá. Đọc bài của anh, vừa gần gũi và ngắn gọn đủ để hiểu và suy ngẫm. 🙂

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here