Tư duy logic (P9: Ta là ai? )

13
12530
4.9/5 - (9 votes)

Entry này bắt nguồn từ kiến thức của 8 entry qua, sẽ hơi lấn sân sang Lập trình ngôn ngữ tư duy một chút.

Bây giờ nếu như ai đó đặt ra câu hỏi “Bạn là ai?” thì bạn sẽ trả lời như thế nào? Câu hỏi này cũng rất hay có trong các buổi phỏng vấn xin việc, hãy tóm tắt trong vài câu mô tả Bạn là ai?

Đầu tiên bạn sẽ giới thiệu về tên tuổi, nơi ở sau đó bắt đầu mô tả về hình dáng và tính cách. Tiếp theo đúng bài bạn sẽ nói điểm mạnh và điểm yếu, sở thích cá nhân, thành tích đạt được trước đây. Đó là nếu ta có sự chuẩn bị trước và trả lời theo đúng như những gì mà người phỏng vấn muốn nghe; còn thì nếu thành thật mà trả lời thì cũng không đơn giản tẹo nào.

Chúng ta sẽ bất ngờ rằng những gì chúng ta nghĩ về mình hóa ra là đều từ người khác nói với chúng ta. Người càng ít hiểu về mình thì càng lệ thuộc vào cách hiểu của người khác về mình mà rất ít người trong chúng ta có hiểu về chính bản thân mình.

Mô hình tổng thể ở phía dưới, quy trình diễn giải như sau:

Bạn có một thực tại khách quan gọi là A. Người ngoài nhìn bạn và cảm nhận là B. Người đó mô tả với bạn cái B của họ nhưng bạn lại hiểu rằng C. Cuối cùng thì A được cho là C.

tu duy logic p9- ta la ai

Khi một người gặp bạn, ngay lập tức họ sẽ hình thành một bộ mô tả về bạn. Họ quan sát bạn, so sánh với chuẩn của mình thế nào là đẹp rồi họ đưa ra nhận xét rằng bạn có đẹp không, có thông minh không, có vui tính không,…. 10 người bạn gặp có người nói bạn đẹp và có người bảo bạn không đẹp, giả sử như có 8 người bảo rằng bạn đẹp thì bạn sẽ tự hình thành suy nghĩ bạn là người đẹp.

Tương tự, nếu như hầu hết những người chơi với bạn bảo rằng bạn là người thân thiện thì bạn sẽ hình thành suy nghĩ rằng mình là người thân thiện.

Điều quan trọng là 10 người bạn gặp sẽ có cảm nhận rằng bạn đẹp hay không đẹp nhưng không phải ai cũng nói cho bạn biết suy nghĩ của họ. Theo suy nghĩ thì có 7 người cảm nhận rằng bạn đẹp và 3 người cho rằng bạn không đẹp. Nhưng 7 người suy nghĩ rằng bạn đẹp không nói với bạn điều đó, 3 người còn lại thì nói ra suy nghĩ của họ. Theo góc nhìn của bạn thì 100% người nói với bạn đều cho rằng bạn không đẹp -> bạn không phải là người đẹp.

10 người bạn gặp có những chuẩn mực so sánh hoàn toàn khác nhau về mọi thứ, chẳng ai giống ai cả. Chuẩn mực đẹp, thông minh, thân thiện, năng động,….tất tần tật đều khác nhau.

Có chuẩn mực chung cho việc này không? 

Thế nào là đẹp? có phải đẹp là tỷ lệ khuôn mặt theo đúng một con số nào đó. Cơ thể đẹp có phải là có số đo ba vòng 90:60:90. Mà một người đẹp có cần phải toàn bộ đẹp hay là chỉ cần khuôn mặt đẹp là đủ?

Tương tự, thế nào là người thông minh? Thế nào là người năng động? Thế nào là người có tư duy tích cực? Thế nào là người yêu đời? Thế nào là người thân thiện? Thế nào là người tình cảm?

Câu trả lời là không có chuẩn mực chung. Không có một mô tả rõ ràng cho các khái niệm trên. Như mấy bài trước có đề cập tới thì khi các khái niệm đã không đồng nhất thì khó nói được chuyện gì cho ra ngô ra khoai. Anh A bảo cô kia đẹp, anh B thì bảo cô kia xấu; hai anh cãi nhau chẳng có hồi kết.

Giả sử có một chuẩn mực chung về cái đẹp, bạn đáp ứng đầy đủ tiêu chí, bạn đẹp. Giờ nếu như hầu hết người gặp bạn cho rằng bạn xấu thì bạn có thể có tự tin cho rằng mình đẹp không?

Ngược lại, giả sử theo chuẩn mực đẹp thì bạn xấu. Nhưng hầu hết người bạn gặp đều khen bạn đẹp thì chắc chắn bạn sẽ hình thành niềm tin rằng bạn là người đẹp.

Ta cũng biết rằng suy nghĩ sẽ dẫn tới hành vi. Đôi khi một cảm nhận sai mang lại kết quả tốt. Ví dụ như bạn nghĩ rằng mình đẹp vì nhiều người bạn bảo thế. Đẹp thì sẽ dẫn tới tự tin. Tự tin sẽ thể hiện ra từ dáng đi tới cách nói chuyện, tóm lại tới toàn bộ hành vi. Nhờ vậy bạn sẽ tỏa ra một Khí chất lôi cuốn người khác và khiến bạn kiếm được một ông chồng tốt, một công việc tốt, những người bạn tốt. Tôi đã gặp rất nhiều đáng nhẽ bình thường rất xấu nhưng chính phong thái tự tin của họ làm cho họ rất lôi cuốn.

tu duy logic p9- ngoai canh toi ket qua

Ngược lại, nếu bạn cho rằng bạn xấu (mặc dù bạn đẹp) thì bạn sẽ tự ti. Tự ti trong mọi hành vi. bạn dễ chấp nhận một ông chồng tệ hại vì bạn cho rằng mình không xứng đáng được một ông chồng tốt hơn. Bạn chấp nhận một công việc tệ hại vì xấu thì chỉ được thế. Tự bạn đánh giá mình thấp thì người khác sẽ đánh giá bạn thấp. Tự mình không yêu mình thì ma nó yêu.

Như vậy suy nghĩ sai nhưng theo chiều hướng tích cực có lợi hơn là suy nghĩ đúng theo chiều hướng tiêu cực.

tu duy logic p9- suy nghi dan toii hanh vi

Suy nghĩ dẫn tới hành vi, hành vi tạo thói quen, thói quen quyết định sự thành công của mỗi người.

Không phải trường hợp nào ta cũng thành công với suy nghĩ sai theo hướng tích cực. Vì nghĩ rằng mình là người thông minh, bạn lao vào công việc đòi hỏi sự thông minh. Vì nghĩ rằng mình là người năng động nên bạn xin vào vị trí kinh doanh, vì nghĩ rằng mình phải làm to, lương phải cao bạn từ chối các công việc lương thấp.

Chúng ta nên nhìn nhận mình như thế nào?

Mô hình hình thành nên câu trả lời “Ta là ai?” có nguyên lý đơn giản nhưng hoạt động một cách khách quan bên ngoài bạn. Tôi nghĩ có cách khác để biết mình là ai:

1. Chúng ta biết mình là ai thông qua kết quả thực tế:

Nếu bạn giải quyết công việc nhanh gọn, có nhiều sáng kiến thì tự bạn cảm thấy là mình thông minh mà không cần sếp bạn phải bảo bạn rằng bạn là người thông minh.

Nếu bạn soi gương và tự bạn thấy rằng mình đẹp thì cũng hãy tự nhận rằng mình đẹp vì cái này có sai cũng chẳng chết ai.

Nếu bạn luôn giúp đỡ người khác trong những lúc khó khăn thì chắc bạn là người tử tế.

Nếu mọi người đều thích chơi với bạn thì chắc bạn là người dễ gần.

Càng trải nghiệm nhiều người ta càng có nhiều dữ liệu để chứng tỏ mình là ai. Càng trẻ càng ít trải nghiệm thì càng mù mờ về bản thân.

2. Bạn của bạn, họ là ai?

Thông thường người ta dễ cuốn hút những người có cùng thế giới quan. Hãy nhìn những người bạn hay chơi cùng. Họ như thế nào thì khả năng cao bạn cũng như thế. Người hiền lành không thể chơi chung lâu dài với người cục cằn, người năng động không chơi thân với người hướng nội, kẻ lưu manh không chơi được với người tử tế.

Nếu nhóm chơi của bạn đều là những người có ham muốn làm giàu một cách chính đáng thì đó quả là may mắn. Nếu bạn bè của bạn là những người mỗi chiều, mối tối cà phê, rượu với nhau thì chia buồn với bạn.

3. Từ quá khứ

Quá khứ đã qua không nên tiếc nuối nhưng quá khứ có thể nói cho bạn biết tương lai bạn sẽ đi về đâu.

Có những thất bại do ngoại cảnh nhưng nếu gặp những thất bại mang tính lặp đi lặp lại thì chắc chắn vấn đề là từ chính bạn. Liên tục khởi nghiệp, liên tục thất bại. Liên tục đổi việc với cùng lý do. Liên tục gặp rắc rối,….

Tìm nguyên nhân gốc sẽ giúp bạn phá vỡ vòng lặp.

Còn một điểm nữa cũng quan trọng là người ta ít khi nói ra đúng cái họ nghĩ. Nếu họ nghĩ rằng bạn xấu thì hoặc họ không nói ra hoặc họ sẽ nói bạn dễ thương, hoặc xấu nhưng có duyên 😛

Một người mới gặp bạn vài lần có đủ tư cách nhận xét bạn không? Một người theo trường phái tiêu cực có thể nhận xét bạn tích cực được không? Một người quá lạc quan một cách ngây thơ có thể đặt bạn đúng vị trí không?

Cái gương mà chúng ta soi vào quá nhiều lệch lạc vì vậy chúng ta nên tự cảm nhận về chính mình. Mỗi chúng ta đều có điểm mạnh, điểm yếu; những thứ bên ngoài đều có cơ hội và thách thức. Tìm cơ hội mà phù hợp với điểm mạnh của bạn sẽ mang lại thành công cho bạn.

Comments

comments

13 COMMENTS

  1. Cảm ơn tác giả đã có những bài viết dễ hiểu, bổ ích cho mình nhận ra được khá nhiều lỗi mà mình gặp phải ạ.

  2. Vậy khi b không chơi với ai , cô độc vì một mình , lạc lõng khi đông người trải qua quá khứ mà xung quanh làm bạn tổn thương chỉ có GĐ là điểm tựa thì b sẽ sống ntn?

    • Mỗi người sinh ra một tính cách + môi trường lớn lên tạo nên con người của hiện tại. Con người đó giống như một thành phẩm đã xuất xưởng; chỉ có thể chỉnh sửa thành phẩm đó một ít chứ không thể thay đổi toàn bộ. Cái ít đó là cái gì? b cần suy nghĩ và nỗ lực thay đổi nếu không sẽ không ai bỏ tiền ra mua b. b cần hiểu rằng b phải tự mình thay đổi, không phụ thuộc vào gia đình; còn coi gia đình là điểm tựa có nghĩa là b vẫn đang có tâm lý dựa vào người khác.

  3. Cám ơn tác giả . không biết có in thành sách không nếu có chắc chắn mình sẽ mua.. Mình đọc hết các phần và cảm thấy thực sự các bài viết rất hợp với từ “chiến lược sống”

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here