Liên quan tới nguyên nhân chúng ta sẽ có hai trường hợp chính:
Trường hợp 1: Kết quả đã tồn tại và ta hỏi nguyên nhân nào sinh ra kết quả này.
Trường hợp 2: Kết quả chưa tồn tại và ta hỏi cần làm gì để kết quả đó xảy ra.
Ví dụ cho trường hợp 1:
Tại sao lại có biểu tình lớn tại Hồng Kông? Tại sao Trung quốc lại đưa dàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam? Tại sao cái bánh xe không hình vuông mà lại hình tròn? Tại sao Mỹ lại tổ chức không kích IS?
Tại sao chánh thanh tra Hồng Kông tự sát ? Tại sao Hào Anh lại đuổi bố mẹ ra khỏi nhà ?
Nhân nói tới sự kiện Hào Anh, nhiều người chỉ chú tâm vào sự kiện mang tính chất trái luân thường đạo lý mà quên mất một chân lý là Mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân. Theo nguyên tắc nhân quả thì ta gieo nhân nào ta gặp quả đó vì vậy hầu hết các trường hợp nguyên nhân xảy ra một sự kiện không hay lại bắt nguồn từ chính nạn nhân của sự kiện đó.
Ví dụ cho trường hợp 2:
Công ty chúng ta cần phải làm gì để đạt doanh số 10 tỷ ? hay nói cách khác để kết quả 10 tỷ xảy ra thì cần làm gì? (kết quả của những thứ ta làm sẽ khiến ta đạt 10 tỷ doanh số)
Làm sao tôi có đủ tiền để mua ngôi nhà này? hay để kết quả mua được nhà xảy ra thì tôi cần làm gì? (Kết quả của những tôi làm sẽ khiến tôi mua được nhà)
Làm sao tôi có thể đi tới Hải phòng trong vòng 2 giờ? hay là để đi được tới Hải Phòng trong hai giờ thì tôi cần làm gì ?
Khi bàn tới nguyên nhân ta thường nói tới một kết quả đã xảy ra và thường thì kết quả này là kết quả không mong muốn. Vì vậy, ta tìm nguyên nhân nhằm ngăn chặn nguyên nhân xảy ra từ đó ngăn chặn kết quả tiếp tục xảy ra trong tương lai.
Ngoài ra cũng có những câu hỏi tại sao về sự tồn tại khách quan của một sự vật hiện tượng nhưng chủ yếu để ta làm rõ khái niệm, sự vận động của nó mà thôi. Ví dụ tại sao cái bánh xe không hình vuông mà hình tròn? Tại sao trái đất lại quay quanh mặt trời? Tại sao lại có mưa?
Khi nói tới một kết quả trong tương lai thì thường đó là kết quả tích cực, ta mong muốn nó xảy ra. Vì vậy, ta tìm các nguyên nhân nhằm tìm cách để nguyên nhân xảy ra từ đó kết quả xảy ra.
Cẩn thận với cách đặt câu hỏi:
Chúng ta có Tại sao (Why) để hỏi về nguyên nhân một thứ xảy ra ví dụ Tại sao chúng ta cần tập thể dục thường xuyên? Tại sao anh lại học cao học? Tại sao trái đất hình tròn? Trước đây có hẳn một bộ sách mười vạn câu hỏi tại sao chỉ để liệt kê và trả lời các câu hỏi dạng này.
Chúng ta có Cái gì (What) để khái niệm một sự vật/hiện tượng nào đó. Ví dụ Quản trị là gì? WTO là gì? Danh sách đó có những gì? Trong cái hộp này có cái gì?
Chúng ta có Thế nào (How) để hỏi rõ sự vận động của sự vật/hiện tượng. ví dụ Cái xe này vận hành như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể di chuyển từ Hà Nội tới Hải phòng mà mất có 2 giờ? Chúng ta sẽ đạt doanh số mục tiêu như thế nào? Công ty này vận hành như thế nào? Cái máy tính này nguyên lý hoạt động như thế nào?
Cùng một mục đích hỏi ta có thể xây dựng các mệnh đề dùng câu để hỏi khác nhau:
Tại sao anh lại làm việc này? Anh làm việc này để làm gì?
Làm thế nào anh tới được đây? Anh tới đây bằng cách gì?
Làm sao để phòng KD đạt được mục tiêu doanh số 10 tỷ? Chúng ta cần làm gì để đạt doanh số mục tiêu 10 tỷ? Làm thế nào ta có thể đạt được mục tiêu doanh số 10 tỷ?
Khi dùng Tại sao (Why) câu trả lời thường là một mệnh đề mô tả rõ ràng nguyên nhân.
Khi dùng Thế nào (How) ta thường ám chỉ tới phương tiện, cách thức. Cái cách làm cho B xảy ra.
Khi dùng Cái gì (What) câu trả lời thường chỉ là một danh từ (một sự kiện/sự vật). Liệt kê ra các A để có B.
Chúng ta đi tới gốc của vấn đề bằng cách liên tục đặt câu hỏi
Tại sao xe khách lao xuống vực? Do xe bị mất phanh.
Tại sao xe bị mất phanh? Do phanh không đảm bảo chất lượng mà chưa được thay mới.
Tại sao không thay mới phanh xe đúng hạn? Do không có tiền, do không có sổ theo dõi thay thế, do người bảo trì chủ quan.
Như vậy muốn trong tương lai không còn vụ xe khách lao xuống vực vì lý do mất phanh thì phải có tiền cho việc thay phanh cũng như phải có sổ theo dõi định kỳ việc thay. Ngoài ra cũng cần nâng cao nhận thức của người bảo trì về tầm quan trọng của phanh xe an toàn.
Tại sao anh không tập thể dục hàng ngày? Vì tôi không có thời gian.
Tại sao anh không có thời gian? Vì tôi có quá nhiều việc cần làm.
Tại sao anh lại có quá nhiều việc cần làm? Vì tôi khó dứt điểm được công việc khiến cho công việc dang dở rất nhiều.
Tại sao anh không thể dứt điểm được các công việc? Vì tôi thiếu tính quyết đoán.
Vậy để anh này có thời gian tập thể dục hàng ngày thì cần phải giúp anh ta giải quyết được điểm yếu “Thiếu tính quyết đoán”.
Tất nhiên là có nhiều nguyên nhân cho một kết quả chứ không đơn giản quan hệ 1:1 như ví dụ trên nhưng về nguyên tắc thì cách làm nó là thế. Để giải quyết được vấn đề tận gốc, ta phải đi tìm nguyên nhân gốc của vấn đề.
Tại sao anh đói? Vì tôi thiếu thức ăn.
Tại sao anh thiếu thức ăn? Vì tôi không có việc nào làm ra tiền?
Tại sao anh không kiếm việc làm? Vì không ai nhận tôi vào làm.
Tại sao không ai nhận anh vào làm? Vì tôi không đủ kỹ năng làm việc.
Như vậy nếu ta chỉ dừng ở mức cho tiền để anh ta mua thức ăn thì sẽ không giải quyết được vấn đề tận gốc. Anh ta sẽ tiếp tục đói khi hết tiền. Chúng ta chỉ có thể giải quyết được vấn đề bằng cách đào tạo nghề để anh ta có thể kiếm được việc làm từ đó có tiền để không bị đói.
Vậy đặt câu hỏi why tơí khi nào? Thế nào nguyên nhân gốc rễ
Mình nghĩ là đến khi mà nguyên nhân đã rõ ràng và có thể thực hiện được. Một kết quả thường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chứ ít khi là quan hệ 1-1, phát triển nguyên nhân càng về sau thì sẽ là cấp số nhân lên. Rất dễ bị mất đi mục đích ban đầu, giải quyết những chuyện đâu đâu. Thường người ta dừng tối đa ở 5 lần hỏi Why.
V.D
Em cũng biết phương pháp này, trong chuyên nghành Quản Tri Chất Lượng của e nói rất rõ. Phương pháp 5whys cũng như 5w1h được áp dụng khá nhiều ạ. Bài a chia sẽ rất hay!
cảm ơn em; loanh quanh cũng chỉ mấy phương pháp thôi mà; quan trọng là ứng dụng nhiều thì thành giỏi.