Trải nghiệm VMM100KM 2020: https://chienluocsong.com/trai-nghiem-vietnam-mountain-marathon-100km-2020-mot-cai-ket-co-hau/

Sau một thời gian tạm dừng viết blog vì cái sự nghiệp chạy chọt, bắt đầu viết lại thấy bí ý tưởng ghê gớm. Trong đầu loanh quanh chỉ có mấy việc: Làm sao công việc đang làm tốt hơn, làm sao để dành nhiều thời gian cho gia đình hơn và làm sao để chạy lâu hơn :P.

Đang đọc cuốn Wild (hoang dã), trước đó thì đọc cuốn Born to Run (sinh ra để chạy); toàn các chủ đề về chạy cả nên các ý tưởng về chủ đề chạy rất nhiều trong khi các ý tưởng về các chủ đề khác thì ít tới đáng thương. Entry này thôi cố gắng viết nốt về chủ đề chạy rồi thì khép lại cho xong, đỡ phải vấn vương trong đầu.À bạn nhớ đọc cuốn born to run vì nó là cuốn sách truyền cảm hứng vô đối.

Cả hai cuốn Wild và Born to Run đều nói về những người mà họ có các mục tiêu phi vật chất rất không phù hợp với con người hiện đại. Nhân vật chính trong Born to Run mong ước tổ chức được cuộc thi của những nhà vô địch chạy đường dài trong quá khứ ( bộ lạc Tarahumara) và những nhà vô địch chạy đường dài thời hiện đại. Cuộc thi diễn ra chỉ 1 ngày nhưng để chuẩn bị cho nó anh đã phải bỏ ra rất nhiều công sức thậm chí nguy hiểm tới mạng sống khi phải chạy đi chạy lại giữa các điểm với quãng đường rất dài.

Nhân vật trong cuốn Wild thì gặp nghịch cảnh, không hiểu về mình và cô ý quyết định một việc không giống ai là đi bộ trên đường mòn Pacific Crest Trail dài 1800 km trải dài theo chiều dọc của nước Mỹ, trải qua các thể loại khí hậu trên con đường mòn dành cho người đi bộ rộng không quá 60 cm.

Cả hai nhân vật trong hai cuốn đều không dư dả về tiền bạc. Nhân vật nữ của Wild luôn phải đối mặt với việc tiết kiệm từng đồng xu cuối cùng trong ví. Họ không có tiền và những việc họ làm cũng không mang lại tiền.

Nếu ai bảo bạn rằng thế giới mà bạn đang trải qua hàng ngày là lồng ghép của vô số thế giới khác nhau, bạn có tin không? Thực tế đúng là vậy, cũng con đường đó, công viên đó, công ty đó, cũng sự kiện đó,…nhưng mỗi người cảm nhận khác nhau tùy thuộc vào hiện trạng và nhu cầu của mỗi người.

Trong cuốn “Đời thay đổi khi ta thay đổi” có đưa ra một lập luận mà tôi thấy rất đúng. Khi bạn hoặc vợ bạn đang có bầu, ra ngoài đường bạn sẽ thấy rất nhiều người có bầu. Ngược lại thì dường như những người có bầu đã biến mất. Thực tế những người có bầu tại mỗi giai đoạn không thay đổi nhiều nhưng do đó không phải là cái bạn quan tâm nên bạn không nhìn thấy.

Nếu bạn cỡ 25 tuổi chưa lập gia đình bạn sẽ thấy bọn học sinh tự nhiên biết đâu mất mặc dù 1/3 dân số là bọn học sinh. Chúng nó không biến mất, đơn giản là bạn không quan tâm tới chúng mà thôi. Khi bạn đi làm, chúng nó đã tới trường và khi bạn về nhà thì chúng nó đã ở nhà rồi.

Nếu hiện trạng của bạn cực thiếu thốn thì nhu cầu của bạn là kiếm tiền. Tất cả những người thiếu tiền đang khao khát kiếm tiền sẽ giống nhau về một số hành vi nào đó. Tương tự, một người cực giàu kiếm thêm tiền không phải cái bắt buộc thì thế giới quan của họ cũng có nhiều điểm giống nhau. Hai loại người này nhìn nhận thế giới ở hai thế giới quan khác hẳn nhau. Vì nhìn thấy khác nhau nên hành vi của họ cũng khác nhau, dẫn tới kết quả cũng khác nhau.

Thế giới khách quan có một nhưng tồn tại rất nhiều thế giới quan nằm chồng chéo lên nhau.

Nhân vật trong Wild quyết định đi bộ dọc đường mòn Pacific Crest Trail vì cô nghĩ rằng sẽ có nhiều khoảng thời gian trống để suy nghĩ về bản thân mình, để hiểu mình. Trên con đường đó cô luôn từ chối đi với người khác vì muốn có những khoảng riêng tư. Thực tế lại rất khác, thời gian chủ yếu của cô là đối mặt với sự đau đớn, mệt mỏi, sợ lạc đường, đói khát, bẩn thỉu, gấu,.. Nhưng không sao, khi đến tới đích sau 3 tháng cô ý sẽ có câu trả lời mặc dù không nghĩ nhiều về nó.

Trong cuộc đời mỗi người, bạn sẽ lần lượt trải qua các thế giới khi hiện trạng thay đổi. Khi lấy vợ, khi có con, khi kinh tế dư dả hơn, khi về hưu, khi đã già,… Xuyên suốt đó nếu bạn là một người chạy bộ, bạn chắc chắn sẽ có sức khỏe, có những trải nghiệm rõ ràng hơn trong mỗi thế giới trên từng bước chân. Để khi về già bạn có nhiều thứ để nhớ tới trong quãng đời đã trải qua.

Từ khi tham gia bộ môn chạy đường trường tôi thấy mình có nhiều thay đổi; nhận thấy rằng thế giới có rất nhiều thứ cần làm mà không liên quan tới tiền giống như nhân vật trong Born to Run. Tôi thích những buổi tối cuối tuần chạy xuyên đêm trên các con đường , những con người ngạc nhiên với bộ đồ chạy lòe loẹt của tôi, những ngôi nhà vụt qua hai bên khi xuyên qua các hẻm nhỏ, không gian tĩnh lặng của buổi đêm, cảm giác điên rồ khi chạy trong mưa rào khi đa số mọi người đều trú mưa, … Cảm thấy mình khác với con người của ban ngày, thực hiện một việc khác với đa số những người khác, có vẻ giống với tổ tiên loài người, những người chỉ có nhu cầu đủ ăn và an toàn tính mạng.

Mỗi thế giới đều có mặt tốt đẹp của nó. Nếu bạn chậm chạp chạy qua nó, bạn sẽ thấy mọi thứ rõ ràng hơn, cảm nhận được vẻ đẹp của nó. Bạn vụt qua nó là khi dành hầu hết thời gian cho tivi và smartphone. Chạy bộ không phải một môn thể thao đơn thuần, nó là một tôn giáo.

Trải nghiệm Vietnam Mountain Marathon 100km 2020 – Một cái kết có hậu

Trải nghiệm 70km của VMM 2018

Có 4 sự kiện liên quan tới chạy bộ của tôi đó là năm 2015 hoàn thành 21km đầu tiên tại Song Hong Half marathon, 2016 hoàn thành 42km đầu tiên tại Long Bien Marathon, 2017 hoàn thành 42km đường núi đầu tiên tại VMM 2017 và năm nay, 2018 hoàn thành một ultra trail đầu tiên với 70km tại VMM2018. Nếu hôm qua còn không dám nghĩ tới 100km thì hôm nay đã bắt đầu nghĩ tới 100km của VMM 2019. Tại sao chạy đường núi mang tính ngược đãi cơ thể, không hề có phần thưởng vật chất nào thậm chí còn rất tốn kém mà người ta cứ đâm đầu vào. Thực sự chẳng biết trả lời thế nào vì mỗi người mỗi ý, kể ra đây chia sẻ với mọi người cũng để năm tới khỏi quên.

VMM có các cự ly dài 100km, 70km, 42km và 21km. Các cự ly ngắn hơn sẽ trùng với cự ly dài hơn vì vậy về lý thuyết là tôi sẽ am hiểu được 42km đường chạy vì năm trước đã tham gia rồi, còn lại 30km đầu tiên là chưa có kinh nghiệm. Nhưng 70km sẽ khác 42km ở áp lực thời gian, với 42km bạn có thể nhàn nhã nhưng với 70km là không thể.

Xuất phát của 70km là tại Topas lúc 4h ngày 22/9 vì vậy chúng tôi phải khởi hành từ trung tâm Sapa lúc 2h30 sáng bằng xe đưa đón của ban tổ chức. Do tình hình bão lũ nên quãng đường đi từ trung tâm sapa tới Topas mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Khi gần tới topas, có lẽ là 3h45 thì chúng tôi bắt gặp một vài người 100km chạy ngược chiều với xe chủ yếu là tây. Cự ly 100km xuất phát lúc 22h40′ tối hôm trước 21/9, như vậy đã có người hoàn thành 30km đầu tiên trong 5 tiếng.

Lúc đến Topas đã gần 4h và có nhiều người ở đó rồi, xe của chúng tôi còn may hơn xe phía sau vì khi xuất phát được khoảng trăm mét thì có xe chở vận động viên đi ngược chiều lại, họ sẽ xuất phát muộn hơn chúng tôi một vài phút nhưng do tính theo chip nên thời gian xuất phát sẽ được bù trừ. Nhưng đó là trên bảng kết quả; còn thực tế tại các cut off time, người ta coi như là xuất phát cùng thời điểm hết. Thật quá oan ức nếu bạn xuất phát chậm 10 phút và bị dừng ở COT vì đến chậm 10 phút.

( Từ đây chuyển nhân xưng cho tình cảm 

Xuất phát -> CP1: 0-> 12km

Ngay khi xuất phát mình đã chạy nhanh vì ý thức được rằng nếu không được ở nhóm đầu thì cần phải chạy ở nhóm giữa vì chạy ở nhóm cuối sẽ rất áp lực về tâm lý, mặt khác chắc chắn khi leo núi hay xuống núi thì đa phần sẽ là đường một người đi, ta sẽ phải sắp hàng mà đi vì vậy ông chạy nhanh cũng như ông chạy chậm. Ít nhất sau hơn 1 tiếng chạy thì đám đông mới dãn ra đủ để tốc độ của bạn không bị ảnh hưởng bởi người khác. Ngoài ra cũng quên việc giữ sức đi, cần phải nhanh ngay từ đầu vì càng về sau để chạy nhanh hơn bù đắp cho thời gian chạy chậm trước đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi cơ thể đã mệt mỏi. Tất nhiên nhanh là nhanh so với mình thôi chứ ối người chạy chậm còn nhanh hơn mình chạy nhanh.

6km đầu tiên trôi qua khá êm ả, đoàn người giống như thợ mỏ với đèn trên đầu đều ý thức được quãng đường phía trước vì vậy đều chạy trong im lặng để giữ sức. 5,5km tiếp theo khi về tới Check Point 1 nhìn lại sơ đồ rất nhiều người mới ngạc nhiên cứ nghĩ mình phải vượt được qua một đỉnh núi rất cao. Cảm nhận lúc đó là đường rất dốc cả lên và xuống chỉ cho 1 người đi, xung quanh tối đen người sau chỉ nhìn chân người đi trước mà dẫm vào đúng chỗ đó. Nếu đi một mình chắc không dám nhưng do nằm nhóm giữa nên cứ theo chân người phía trước còn chân mình thì đã có người phía sau soi đèn. Di chuyển lúc đó là tự động, không kịp nghĩ cái gì.

5,5km đó được tô điểm bởi một khung cảnh chạy qua cây cầu treo qua con suối lớn với xung quanh một trường cảnh rộng hoang dã với rừng cây và núi, chỉ có ánh trăng sáng, tiếng nước chảy. Khi chạy qua cầu thì đoàn người đã dãn ra khá nhiều vì vậy ta càng cảm thấy mình nhỏ bé và có lẽ đó là trải nghiệm đẹp nhất của những người chạy 70km (tôi nghĩ rằng 100km sẽ có nhiều cảnh đẹp hơn vì họ chạy đêm nhiều hơn chúng tôi những hơn 5 giờ).

Tới CP1 lúc 6h15p, như vậy hoàn thành 12km đầu tiên trong 2 tiếng 15 phút. Nhìn trên sơ đồ bạn sẽ thấy cut off time đầu tiên là ở CP3 với mốc thời gian là 11h00. Như vậy tôi còn hơn 4 tiếng nữa để hoàn thành 18km tiếp theo. Khi ở nhà đã nghe nói là CP3 sẽ giết rất nhiều người vì vậy đây là mối lo đầu tiên. 70km khác với 42km là ở chỗ đó, các Cut Off time.

CP1 -> CP2: 12 -> 22 km

Từ điểm xuất phát tới CP1 mặc dù dốc nhưng không quá mệt có lẽ do chạy trong trời mát và do bị cuốn theo đám đông nên đỡ mất sức. Lấy nước, cởi giầy rũ sỏi đá rơi vào rồi bắt đầu khởi hành, tổng thời gian ở CP1 khoảng 5 phút.

Từ CP1, người chung quanh đã thưa thớt hơn nhiều. Kinh nghiệm chạy 42km năm trước cho thấy là càng về sau thì người càng giãn ra và không tránh khỏi việc chạy một mình xung quanh không còn ai.

Trên sơ đồ, từ Cp1 tới Cp2, 10km pha trộn nhiều thể loại đường từ đường bê tông, đường đất, băng qua các khe suối nhỏ. Đâu cỡ khoảng ở km thứ 15 mình đã bị chuột rút. Chạy road cho dù 42km cũng không bao giờ bị chuột rút nhưng chạy trail chân thường xuyên phải bước cao để trèo lên hoặc phải đặt chính xác chân vào một tảng đá ở khá xa nên phải với. Chuột rút là không tránh khỏi nhưng mình không nghĩ lại bị sớm như thế vì đây mới là km thứ 15. Nghĩ lại năm trước chạy 42km cũng bị chuột rút hình như ở km thứ 20, sau đó còn ngồi ngâm chân vào nước lạnh bên bờ suối rất đẹp gần tiếng đồng hồ, lãng mạn thật. Chuột rút lúc đó là đang ở đường bằng, nằm vật ra đất và rất đau, có một anh đi qua giúp bẻ chân lên, rồi có cô tây đi qua hỏi thăm, đúng là tinh thần runner thật đáng quý. Tất nhiên mình không bê bết như năm trước vì năm nay đã thủ theo Salopas giảm đau dạng xịt. Sau khi xịt cảm giác lạnh buốt lan tỏa ngay lập tức và bắt đầu đứng dậy đi một lúc thì cảm giác lấy lại như bình thường. Mừng như bắt được vàng, tiếp tục chạy tới CP2,

Tới CP2 lúc đó là 8h06, trời đã nắng, như vậy 10km đã tốn mất gần 2 giờ. Tổng thời gian di chuyển lúc này đã là hơn 4 giờ, như vậy chỉ còn 8km tới CP3 trong khi còn những gần 3 giờ. Áp lực thời gian lúc này đã giảm xuống. Tại CP2 phát hiện ra gân bàn chân trái phía gần ngón cái đau nhức có triệu chứng đau lên dần, có lẽ do buộc dây giầy chặt tại nút thắt vị trí đó nên tạo áp lực lên chân. Khi chạy ngắn mọi thứ sẽ ok cho dù bạn làm sai nhưng khi chạy dài chỉ một sai lầm nhỏ cũng để lại hậu quả lớn. Nới dây giầy, xịt salonpas nhưng nói chung vết đau đó đi tới tận lúc về đích nhưng về sau không quan tâm nữa vì nếu lúc nào bạn cũng đau chỗ đó thì mãi rồi cũng quen, mỗi bước chân mà không thấy đau chỗ đó mới là lạ.

Hành trang của một người chạy đường dài rất nhiều vì vậy thường họ sẽ liệt kê từ chân lên đầu hoặc từ đầu tới chân; bao gồm: Mũ có che tránh nắng vào gáy, đèn đeo đầu, kính đeo mắt, vest đựng nước và đồ (vest thường có túi nước phía sau dòng ống nước ra phía trước để uống), áo, áo mưa giấy (nếu dự định khả năng mưa hoặc trời lạnh cần giữ nhiệt) 2 gậy, đồng hồ GPS đo quãng đường, bao che tay, găng tay, cố định đầu gối, quần, tất, giầy. Dinh dưỡng bao gồm nước, nước điện giải (vì các neutron thần kinh giao tiếp bới nhau bởi các xung điện), muối, gel bổ sung năng lượng, đồ ăn nhẹ khác tùy mỗi người).

Đương nhiên tại CP2 cũng lấy đầy túi nước 1,5l phía sau, rời CP2 được gần 200m mới phát hiện quên mũ. Tại đây có một quyết định sáng suốt là quay lại lấy; nếu chỉ vì tiếc vài phút thì có lẽ đã fail với cái trời nắng gắt như vậy. Thực ra sapa năm nay nóng hơn năm trước là cảm nhận dễ nhận thấy, trời nắng hầu hết thời gian, chỉ khi đi vào bóng râm mới đỡ mà bóng râm cũng không có nhiều. Và cũng nhận thấy là đầu óc đang có vẻ chậm chạp hơn, quên đồ là đặc sản gần như runner nào cũng trải qua vì đồ thì nhiều đầu óc thì càng chạy càng ù lì hơn.

Cp2 -> CP3 : 22 -> 30km; cut off time 11h.

Lúc này là hơn 8 giờ vì vậy đội 42km đã xuất phát được 30 phút (họ xuất phát lúc 7h30). Họ sẽ giúp cho đoạn đường kế tiếp sau CP3 trở nên be bét bùn lầy. Kỷ niệm của 8km từ Cp2 đến Cp3 lại là chuột rút, lần này chuột rút ở chỗ rất nguy hiểm vì một bên là vực thoải khá sâu vầ một bên là vách núi. Rất may kịp quay lại nằm ôm viên đá đợi chuột rút đỡ lại bước tiếp, lần này thì không phải xịt salopas vì xịt thì ở sau lưng muốn lấy ra phải tháo túi. Lúc này khá nản vì thấy 30km đầu chân cẳng đã có vấn đề rồi, chuột rút ở chân trái và chân phải cũng có dấu hiệu sắp chuột rút. Tới CP3 vào lúc 10h04′; 8km này đã tốn 2 giờ nhưng quan trọng là đã về sớm hơn cut off time của CP3 gần 1 giờ.

CP3 -> CP4: 30 -> 42km

Nghỉ ở CP3 khoảng 15 phút vì 42km phía trước chính là 42km của năm trước, đây là kinh nghiệm quý báu vì cho dù bạn có được người khác truyền kinh nghiệm nhưng không trực tiếp trải qua thì cũng chẳng nhớ được lâu.

Từ CP3 tới CP4 đoạn đầu trên hình là đổ dốc, dốc này được tô điểm bởi đường bùn trơn trượt bởi vài trăm ông 42km cầy trước đó nên nếu không có gậy cứ xác định là trượt máng trong công viên nước

Không có gậy có lẽ mình đã thất bại vì ích lợi của nó, cái này có lẽ là điểm lấy được sự đồng thuận nhất của các runner, không có gậy xác định là không thể về được đích.

Rời CP3 được đôi cây thì phát hiện ra một sự thật đau lòng, là đã quên túi muối ở chỗ nghỉ CP3. Quay lại đương nhiên là không được với con dốc kia. Còn những 42km phía trước mà không có muối thì chắc toi. Nói tới muối thì phải nói tới dinh dưỡng trong chạy. Thức ăn mang theo bên mình là khoảng 16 túi gel, cứ mỗi 45 phút là gặm một túi; song song với đó là muối được chứa trong con nhộng giống như một viên thuốc. Gel có nhiều vị khác nhau như cafe, hoa quả,… giúp chuyển hóa thành năng lượng đủ để hoạt động trong khoảng 45 phút; như vậy cứ gần 1 giờ là cần phải gặm một túi. Muối giúp bổ sung chất điện giải, giúp giảm khả năng chuột rút và đầu óc tỉnh táo. Mỗi tiếng cũng cần phải uống 1 viên muối. Không có muối thực sự là thảm họa, lúc đó vừa chạy vừa chỉ muốn khóc vì hận một sai lầm nhỏ có thể ảnh hưởng tới kết quả không về được đích.

Từ CP3 tới CP4 năm trước, chặng đầu tiên của 42km mình cũng đã mắc một sai lầm là sử dụng túi nước lần đầu tiên. Do lắp ống hút nhựa vào túi đựng 1,5l không chuẩn dẫn tới không hút được nước lên. Lúc dừng lại tháo ra lắp lại thì đổ hết nước. Lần đó suýt fail, may mà khi chạy qua một làng dân tộc mua được đầy túi chè tươi.

Trong túi lúc này còn khoảng 20 hạt điều, hạt điều có vỏ mặn nên hy vọng rằng nó có đủ muối. Nốc ít hạt điều rồi đối mặt với thử thách leo núi từ CP3 tới CP4. Đường từ CP3 tới CP4 12km có đặc điểm là rộng về hai bên, bạn có thể di chuyển thành hàng ngang mà không phải đợi những người khác giống như con dốc độc đạo nhưng cơ bản là bạn không phải làm thế vì thông minh nhất là dẫm đúng vào bước chân người đi trước để lại. Vì khi xuất phát từ CP3 thì đội 42km đã đi trước đó được 1 giờ 30 phút mà đội 70 chỉ có lác đác vài người nên bạn cứ một mình một đường tùy theo sức của mình. CP3 tới CP4 là dốc và cứ lượn quanh các dãy núi, cảnh rất đẹp nhưng chẳng hơi đâu mà ngắm, mình cũng chỉ chụp một bức ở đây. Trên sơ đồ bạn sẽ thấy CP3 tới CP4 giống như răng cưa sẽ đè bẹp hầu hết ý chí các runner 42km. Nhưng nói chung sẽ không ai bỏ cuộc ở chặng này.

CP3 tới CP4 dài và chạy giữa trưa với quãng đường 12km nên nhiều người đã thiếu nước, mặc dù đổ đầy túi 1,5l ở CP3 nhưng có lẽ mình đã hết nước khi còn cách CP4 2km. Lần này cũng gặp may là sáng suốt dừng lại ở quán ven đường (vốn cực kỳ hiếm), nếu cái quán đó chỉ xa thêm 500 m chắc cũng tạch. Tu 1 lon bò húc vì lúc này cần phải bổ sung muối, chẳng biết bò húc có muối không nhưng có còn hơn không. Mua thêm 2 chai lavie đổ vào bình vì thừa còn hơn thiếu. Nhiều người dừng ở đây, người uống nước cam, người uống coca.

Đến CP4 lúc 13h40 phút; hoàn thành 12km này mất 3 tiếng 40 phút (đến CP3 lúc 10h04′). Lúc này mới nghe loáng thoáng dân tình nói là CP5 có cut off time là 15h30′. Ở nhà không để ý chuyện này vì chỉ quan tâm tới CP1.

CP4 -> CP5: 42-> 48km; cut off time: 15h30′

Lại nốc một lon bò húc, cần phải hoàn thành 6km tiếp theo với thời gian gần 2 giờ; thời gian có cũng không phải ít nhưng không thể chủ quan. Đặc sản của đoạn CP4 tới CP5 là chạy qua bản làng, ruộng lúa bậc thang, các con suối,…Cảnh đoạn này nói chung là đẹp nhưng vì sức ép của cut off time nên mọi người đều cắm cúi chạy. Đoạn này mình hoàn thành sớm hơn cut off time chỉ 12 phút, tới CP5 lúc 15h18′.

CP5 -> CP6: 48->55km; cut off time : 17h30′

Như vậy tới CP5 là đã hoàn thành 48km; và giờ mới là thử thách, 7km của dốc đường bê tông tới CP6. Dốc liên miên bất tuyệt, không có khái niệm chạy ở đây, chỉ đi bộ lên thôi, bất kể là ai. Lúc này mới hiểu thế nào là zombie đi trên đường. Những con người lặng im nhìn nhau chẳng buồn nói, cứ cắm cúi đi một đoạn rồi lại đứng rồi lại đi một đoạn. Tới CP6 lúc 17h06′ và trên đồng hồ thì gần 57km nhưng trên sơ đồ thì là km thứ 55. Vâng, mang tiếng là cự ly 70km nhưng cự ly đúng phải là 72km vì có 42km trùng với đội 42km mà; còn cự ly 100km thì đúng là 104 thì phải. Cp5 tới CP6 là nỗi ám ảnh, và rất nhiều người đã phải dừng cuộc chơi tại đây vì không đạt cut off time 17h30′ hoặc vì quá đau chân với nỗi ám ảnh cả đời về những con dốc.

CP6 -> CP7: 55 ->62 km

Tới CP6 đã hoàn thành 55km trên lý thuyết và còn 15km phía trước với check point 7 ở km thứ 62 ngay chân núi bạc (silver stone) hùng vĩ. Đó là lúc tới CP7 mới nhìn biểu đồ, chứ ở CP6 mình đã nhầm là đang ở chân núi bạc rồi. Làm cho 7km đổ dốc tiếp theo cứ tự hỏi sao mãi chẳng thấy chỗ dốc lên ám ảnh của năm trước nhỉ. Nói tới đổ dốc mọi người có thể nghĩ rằng sướng, nhưng chẳng sướng hơn leo dốc là mấy. Có thể nhanh hơn lúc leo lên nhưng sức tàn phá khớp gối cứ là vô đối nhất là với những người thiếu kỹ năng như mình. Kinh nghiệm đổ dốc là nếu có đường đất thì phải chọn đường đất cho êm chân, đổ đường nhựa phản chấn rất lớn.

Vừa chạy vừa tự hỏi hay là năm nay ban tổ chức cắt đi cái núi bạc, cứ đổ dốc thế này là về đích, mừng mở cờ trong bụng. Tới CP7 lúc 18h50′ mới ngã ngửa là đang ở chân núi bạc. Nếu ai không biết núi bạc là gì thì cứ thử chạy 21km thôi cũng sẽ được trải nghiệm thế nào là nỗi ảm ảnh của runner. Từ CP6 tới CP7 là 7km, mất 1 giờ 50 phút. Nói chung anh em thấy thời gian cứ tính bằng tiếng nhưng đối với người chạy thì cảm nhận về thời gian không nhậy tới thế, 1 tiếng đối với họ có thể chỉ bằng 20 phút lúc đang tỉnh táo thôi. Đầu óc lúc đó chậm kết hợp vào việc tập trung vào đường chạy, đây là ưu thế tốt chứ đầu óc lúc nào cũng tỉnh táo cảm nhận từng giây trôi qua thì thời gian dài quả là lê thê.

CP7 -> finish: 62 -> 70km

Giờ là lúc đối mặt với Silver Stone với khoảng 2km leo lên và 5km quanh co đổ dốc. Đèn pin treo đầu đã được lắp vì lúc này trời đã tối đen, năm trước mình leo núi bạc khi trời còn sáng, năm nay thì trời đã tối, nhục thật. 2km dốc lên này bạn sẽ phải tốn gần 40 phút cho mỗi km, nó có những đoạn dốc tới mức bạn đếch hiểu tại sao mình lại trèo qua được lúc đã tỉnh táo. Còn lúc đó đầu óc ngu muội rồi cứ thế mà tiến thôi chứ chẳng nghĩ được gì.

Núi bạc rất nguy hiểm đến tính mạng theo đúng nghĩa đen vì leo dốc đã nguy hiểm nhưng đi ven núi một bên là vực một bên là núi trong đêm tối đen mò mẫm với những người đầu óc đã kém nhậy cảm thì cực kỳ nguy hiểm. Mặc dù là trải nghiệm lần 2 nhưng phải nói là rất hãi, lúc nào cũng phải cố gắng tỉnh táo để không phí phạm mười mấy tiếng cố gắng trước đó (lúc đó chỉ tiếc thời gian cố gắng từ sáng chứ không nghĩ nhiều tới việc lao xuống đó thì chắc gì đã còn sống mà tiếc).

Cuối cùng thành quả được đền đáp, đỉnh Silver Stone đã tới, ban tổ chức cũng rất lãng mạn khi bố trí đàn ca sáo nhị ở đây. Nếu là ban ngày thì cảnh sẽ vô cùng đẹp, năm trước mình dừng ở đây rất lâu ngắm cảnh nhưng năm nay tối đen chỉ mát chứ cũng chẳng nhìn thấy gì. Chắc hẳn đội 42km ai cũng sẽ dừng ở đây lâu.

Đổ dốc thì cũng như mọi con dốc khác khi bạn nhìn trên biểu đồ. Đã tới đây thì tất cả đều sẽ về được đích thôi. Mình về đích lúc 21h42′, mất 17 tiếng 42′ xếp thứ 140 cách một anh Việt Nam về nhất chỉ có … 8 tiếng Cảm giác khi về đích luôn để lại ấn tượng cho bất cứ người chạy nào. Khi bạn hoàn thành một mục tiêu khó khăn sau cả ngày nỗ lực, khi những tiếng vỗ tay của người hai bên đường và khi cái medal finish đã lủng lẳng ở cổ thì đó là lúc bạn nhận thấy có một cái gì đó được hình thành trong tâm hồn. Các runner đường trường có một khí chất rất đặc trưng mà tôi nghĩ những người không chạy hoặc tập một môn thể thao khác sẽ không giống vậy. Đó là sự điềm tĩnh vì họ trải qua quá nhiều tiếng tĩnh nặng chỉ với nội tâm, sự nhiệt tình không vụ lợi vì họ đã trải qua tinh thần tương thân tương ái của runner trên đường chạy, kiên trì vượt khó thì khỏi phải nghĩ ..và rất nhiều đức tính tốt khác. Tất nhiên bên cạnh một thói quen xấu là họ dành quá nhiều thời gian cho … chạy  Để luyện tập cho 70km tôi đã phải dành hầu hết các buổi trưa trong tuần và buổi tối thứ 7 mỗi tuần của 1 năm qua cho chạy. Để luyện 100km thì bạn sẽ phải trả giá gấp rưỡi như thế.

Chốt lại một câu “Rất đáng”. Đó sẽ là trải nghiệm cả đời không thể nào quên.

Kể rông dài vậy chứ 100km của 2019 thực không dám mơ. Đó là sự đày đọa cơ thể và lý trí nhưng cũng thấy tiềm năng của con người thật không cùng. 3 năm trước leo cầu thang 4 tầng còn thở hồng hộc, bơi mấy trăm mét còn không nổi. Nếu bạn cho rằng mình không có khiếu chạy thì nên nghĩ lại vì thực ra bản chất là bạn có dám hy sinh hưởng thụ trước mắt cho một mục tiêu dài hay không thôi. Mà thực ra cũng chẳng phải hy sinh gì lắm đâu, chạy dài cho dù có là đường road là một loại hưởng thụ. Vâng là một loại hưởng thụ vì ngoài kia có rất nhiều người giờ này vẫn đang chạy.

Ảnh: Topas có bể bơi tràn giúp các vđv thư giãn khi về đích chủ yếu cho các cự ly < 42 km về đích khi trời còn sáng ( Sapa).

Xuất phát của 100KM: phụ nữ cũng không ít. Một nửa trong số hơn 100 người thi 100km sẽ phải bỏ cuộc giữa đường. Người về đích cuối cùng của cự ly 100km mất suýt soát 24 giờ.

Cự ly 70km thì có hơn 200 người thi với 166 người về được đích. Người về muộn nhất cũng mất hơn 18 giờ ( Cut off time về đích là 22h30 ( 18 giờ 30 phút)).

Comments

comments

4 COMMENTS

  1. mình cũng thích chạy lắm từng chạy 10km dưới 1h nhưng từ khi bị giãn dây chằng đầu gối thì chịu thua đành bỏ lâu lâu chạy 2, 3km cho vui.

Leave a Reply to Đinh Cao Trí Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here