Tổng hợp bể bơi Hà Nội 2014

12
8674
Rate this post

Tổng hợp các bể bơi đã trực tiếp bơi:

1. Bể bơi Mỹ Đình:

– Bể ngoài trời: 55.000 đ + 4000 đ gửi xe ; không mất tiền gửi đồ.

– Có bề vầy cho trẻ em bên cạnh bể ngoài trời : 45.000 đ

– Bể trong nhà: 100.000 đ; bắt đầu mở cửa từ 1/6/2014 đến hết tháng 8. Anh em nên thử bơi bể này một lần cho biết vì cảm giác bơi rất thích.

 

20140612_075248Bể trong nhà và ngoài trời nước đều rất trong, sạch. Bể sâu đều vì vậy loại được các đ/c đi vầy nước; cho dù bể có đông nhưng bơi cũng khá thoải mái.

Chỗ tắm tráng đẹp, có nhạc nhẹ rất thư giãn.

Kích thước bể tiêu chuẩn 50mx25m

Cách gửi đồ: có tủ khóa, cầm khóa, có người trông.

Mặc dù có ghi ca nhưng không phân ca thực; bơi hết giờ thì về.

2. Bể Học viện kỹ thuật quân sự

Giá vé : 40.000 + gửi xe 3000đ; không mất tiền gửi đồ ( năm 2003 mình bơi ở đây giá vé là 6000đ/ca; 10 năm trôi qua giờ đã 40k)

Bể đóng cửa vào 25/10/2015

Bể nằm ở tầng 2, nước trong. Tuy nhiên bể rất đông do xung quanh mới mọc lên nhiều khu đô thị mới. Bể này thích hợp cho đi vầy nước; không thích hợp để bơi, phù hợp đi ngắm các em xinh tươi.

Chỗ tắm tráng rộng, nước mạnh.

Kích thước bể tiêu chuẩn 50m x 25m

Cách gửi đồ: có tủ khóa, cầm khóa, có người trông.

Mặc dù có ghi ca nhưng không phân ca thực; bơi hết giờ thì về.

3. Bể Bách khoa

Giá vé: 40.000 đ + gửi xe 3000đ + 3000 đ gửi đồ

Bể đông, đặc biệt là đầu mùa; tuy nhiên bể vắng dần khi sinh viên về nghỉ hè.

Nước khá bẩn do không có hệ thống lọc tuần hoàn. Nước xanh lè có lẽ là đặc trưng của bể bách khoa. Cơ bản là bể không có sự đầu tư tu bổ nào trong ít nhất 10 năm qua do là bể trực thuộc nhà trường.

Kích thước bể tiêu chuẩn dài 50m, rộng khoảng 9 làn. Bể nằm ở tầng 1, một bên là khán đài, một bên là chỗ tập Tenis.

Sáng từ 5h30 tới 7h30; chiều từ 16h30 tới 19h30. Không phân ca.

Cách gửi đồ : có một người khóa, đưa khóa và trông. Khá an toàn.

 

4. Bể Hapulico

Nằm dưới tầng hầm của tòa nhà Hapulico. Bể dài khoảng 54m nhưng lại tách đôi ra một bên 25m và một bên 22m; ở giữa khoảng 4m làm cao lên để cho trẻ con bơi.

Giá vé 120.000 người lớn; cư dân Hapu là 60.000.

Giá vé 2016: 180.000 người lớn; 150.000 trẻ em ( Chát nhất vịnh bắc  bộ so với một bể trong nhà bình thường)

Nước trong, hơi mặn, bể sâu nhất khoảng 1,7m

Bể này không phù hợp với bơi thường xuyên do giá vé đắt, bể không phải tiêu chuẩn, khá đông. Bể nằm trong tầng hầm nên không khí cũng khá ngột ngạt.

Cách gửi đồ là mỗi người có một khóa tủ; khả năng an toàn đồ không cao do tủ đặt ngay trong phòng thay đồ, không có người trông.

Không phân ca.

5. Bể Thành Công

Giá vé năm 2014: 45.000 đ; gửi xe 5000 đ; gửi đồ 5000 đ (năm 2013 giá vé là 35k)

Bể mở cửa từ 5h30 tới 8h sáng và từ 15h00 tới 19h00 chiều; không phân ca.

Bể dài tiêu chuẩn 50m khoảng 8 làn bơi. Nằm trên tầng 2 có view ra hồ Thành Công, tầng 1 là khu tập thể hình.

Nước trong, không có nhiều mùi clo. Buổi sáng vắng nên có thể bơi thoải mái; buổi chiều chắc chắn rất đông vì khu thành công có mật độ dân cư lớn.

Cách gửi đồ: có tủ khóa, cầm khóa, không có người trông. Trên bể có các giá để đồ; nếu không có đồ gì quý thì có thể để ở trên đó.

Bể Thành công 17/8/2014 sẽ đóng cửa, khá sớm so với rất nhiều bể khác.

 

6. Bể bơi bốn mùa Đặng Tiến Đông:

Giá vé mùa Hè: 60.000 đ; giá vé mùa đông 80.000. Có một bể nhỏ bên cạnh bể to.

Giờ mở cửa: từ 5h sáng tới 21h tối; mở liên tục không phân ca. Rất thích hợp cho bơi mùa đông.

Kích thước bể 25m dài.

Bể nước trong; phù hợp bơi mùa đông vì mùa hè rất đông người bơi. Tuy nhiên bể mở cả ngày nên nếu bạn bơi tránh vào các giờ cao điểm của buổi chiều (từ 5h tới 7h) thì cơ bản là bơi thoải mái.

Cách gửi đồ: có tủ khóa, cầm khóa, không có người trông. Tuy nhiên bên ngoài bể có chỗ để, tự trông, khá an toàn.

 

7. Bể bơi bốn mùa Khách sạn Bảo Sơn

Giá vé 90k/người lớn; miễn phí gửi xe, nằm trên tầng 2 góc phía sau khách sạn Bảo Sơn. Cứ đâm thẳng vào KS hỏi mấy ông trông xe là các ông ý chỉ đường.

Bể là hai vòng tròn nối với nhau; chỗ dài nhất là 20m, nước sạch. Nói chung bể này chỉ để bơi chơi chứ không bơi luyện tập được. Muốn bơi luyện tập thì phải bơi vòng quanh ven bể, khá bất tiện vì đường cong của bể rất lớn. Ưu điểm của bể này nước rất ấm và mở quanh năm.

Không phân ca.

8. Bể bơi trong trường Amsterdam mới (đi cổng sau)

Chiều dài bể khoảng 20 tới 25m; chiều rộng khoảng 15m. Bể đông do chung quanh không có nhiều bể bơi. Không thích hợp để bơi.

Giá vé không nắm được vì gửi xe mất 5000 vào trong nhìn thấy cái bể bơi trong một cái phòng bé tí cùng lúc nhúc người nên quay ra đi Hapulico thử nghiệm luôn. Bể như vậy giá vé chắc cùng lắm 50k là cùng.

 

9. Bể bơi phụ nữ trên đường Thụy Khuê

Giá vé 120k; chiều dài bể khoảng 20m, mở cửa từ sáng tới 10h. Đáy bể trải thảm nhựa rất kém pro. Nói chung mấy bể bơi quanh đây giá vé đắt chỉ phù hợp đi ngắm bể.

 

 10. Bể bơi học viện hành chính quốc gia Hồ chí minh

Nếu đi từ đường Hoàng Quốc Việt thì rẽ trái vào Nguyễn Phong Sắc kéo dài, đi qua học viện thì rẽ phải một đoạn sẽ tới.

Bể kích thước 18x50m, chiều sâu từ 1,2m tới 2m. Giá vé 40.000đ, gửi xe 4000đ, gửi đồ đặt cược 10k nhưng không mất tiền. Trông đồ khá an toàn vì tủ đồ có khóa để ngay trên bể bơi.

Giờ mở cửa: sáng từ 5h30 tới 8h; chiều từ 16h tới 20h riêng chủ nhật thì từ 15h tới 20h.

Nước khá trong, nằm ở tầng 1; nhược điểm: 1,2m khá nông vì thông thường các bể nông nhất cũng phải 1,4m tới 1,6m.

 11. Bể bơi Olympia Tăng bạt Hổ

Đây là bể bơi bốn mùa xây dựng trên nền của bể bơi Tăng Bạt Hổ hồi xưa, bắt đầu khai trương từ tháng 7/2014.

Giá vé: 70k/1 lượt + 3000đ gửi xe + gửi đồ phải cạc 50k nhưng không mất tiền; giờ bơi từ 5h30 tới 20h30. Vé tháng dùng 70 ngày (30 lượt bơi): 1.5tr.

Update giá vé bơi đông 23/9/2014: 80k/lượt; vé tháng 1,8 tr; vé năm 11tr. Hôm nay 23/9 đã thấy có nước nóng.

Update giá bơi mùa hè 2015: 90K người lớn, 70k trẻ em, vé gửi xe 4000đ/lượt. Với giá vé mới này thì Tăng Bạt Hổ đã gia nhập vào bể bơi có giá vé cao, thậm chí còn cao hơn cả bể Sao Mai trên Hồ Tây.

Mới thành lập nên cái gì cũng mới, chỗ tắm lịch sự có nước nóng. Nước không được trong và có mùi clo, nền bể và hoa văn hơi quê.

20140821_124534

Vào mùa đông thì bể lạnh hơn so với các bể trong nhà khác vì bể quá rộng và cách nhiệt với bên ngoài kém hơn.20140821_124537

 

12. Bể bơi bốn mùa Vạn Bảo (khu ngoại giao đoàn)

Mới khai trương tháng 9/2014. Bể nằm trong khu thể thao của ngoại giao đoàn cổng 73 Vạn Bảo.

Chiều dài bể 25m và chiều rộng là 12m

Mở cửa từ 6h tới 22h. Giá vé người lớn 120.000 đ; giá vé trẻ em 100.000 đ

be boi van bao

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

13. Bể bơi Nemo tòa nhà vinaconnex Khuất Duy Tiến ( Cạnh Thăng Long Number One của Viglacera) (2016)

Mới khai trương 7/5/2016. Là bể ngoài trời có bạt che. Chiều dài 25m, rộng khoảng 3 làn bơi, bể muối ăn điện phân. Có một bẻ nhỏ cho trẻ con vầy nước bên cạnh.

Bể không phân biệt cư dân trong và ngoài chung cư của Vinaconext. Giá vé người lớn 60.000đ, trẻ em 40.000 đ. Mở cửa từ 5h30 sáng tới 21h30 tối.

Bể chủ yếu thích hợp cho trẻ con đi bơi chơi.

14.Bể bơi Nhà văn hóa quận Thanh Xuân (2016)

Nằm ở ngã tư Lê văn Lương và Khuất Duy tiến. Bể bao gồm 1 bể người lớn có chiều dài 50m ngoài trời, một bể trẻ em nhỏ có mái che. Bể người lớn bị phân ra làm 6, nước rất nông để phục cho trẻ con vầy nước mùa cao điểm nên rất không thích hợp cho những ai đến để bơi.

Thời gian mở cửa : 5h30 tới 8h; 16h tới 19h.

Giá vé: 30.000 trẻ em; 40.000 người lớn.

 

Chia sẻ kinh nghiệm bơi:

Mong muốn của người đi bơi là bơi được nhanh và lâu. Muốn đạt mục tiêu này ta chỉ cần nắm vài nguyên tắc sau:

– Biết đâu là lực đẩy chính: bơi ếch lực đẩy là chân, bơi trườn sấp lực đẩy là tay. Tay trong bơi ếch là phụ, chân trong bơi trườn sấp là phụ.

– Giảm tối đa lực cản nước là nguyên tắc chính: khi đẩy lên phía trước phải giảm tối đa tiết diện cản nước. Với bơi trườn sấp thì tay và đầu sẽ tạo mũi nhọn rẽ nước, người phải nghiêng khi lướt (xem các video bơi và đề ý điều này).

– Phân bổ sức hợp lý: vung chây tay nhanh và mạnh không đồng nghĩa với bơi nhanh. Khi đạp chân ếch thì hai tay phải khép tạo góc nhọn. Khi quạt tay trườn sấp thì tay còn lại phải vươn lên phía trước, nghiêng đầu và một ít ở vai để tạo góc nhọn. Khi cảm thấy lực đẩy chậm lại mới chuyển sang động tác tiếp theo đừng chuyển ngay động tác khi vẫn còn lực lướt phía trước.

– Thở đúng: khi vận động mạnh sẽ cần nhiều oxy vì vậy thở sai sẽ làm bạn mệt rất nhanh. Yêu cầu đặt ra là khi bạn nhô đầu lên thì phải hít được nhiều oxy nhất. Do vậy khi đang trên đường trồi lên bạn đẩy hết khí ra bằng mũi, khi ở trên mặt nước thì dùng bụng để hít vào bằng mồm. Chú ý là bụng nở ra chứ không phải ngực nở ra khi hít.

– Khi bơi trườn sấp thì toàn bộ người phải song song với lòng bể. Muốn vậy thì hơi phải hít đầy để nổi phần thân, chân vẫy nhẹ để nổi nốt chân. Lực tay quạt chỉ để đẩy người phía trước chứ không phải lực tay quạt giúp người nổi. Tương tự bơi ếch thì chân là lực đẩy phía trước, tay vẫy là để trồi đầu; đừng giao nhiệm vụ cho chân là giúp người nổi lên.

– Bao nhiêu nhịp quạt tay thì mới nghiêng người để thở trong trườn sấp? Bơi thi đấu thì chỉ một chu kỳ là người ta thở, bơi chậm thì có thể 2, 3 chu kỳ mới thở một lần. Lý thuyết thì càng ít trồi lên thì bơi sẽ càng nhanh hơn vì không mất lực cản do trồi lên. Thực tế thì nếu bạn giải quyết được lực cản nước thì việc thở nhiều hay ít không ảnh hưởng tới tốc độ.

– Bơi không được giật cục: Toàn bộ quá trình vận động trong một chu kỳ hay chuyển tiếp giữa hai chu kỳ phải trôi chảy. Làm sao đó để các vận động diễn ra một cách tự nhiên liên tục, đừng dùng sức đổi hướng lực. Khi nào bạn cảm thấy lực tác động nhẹ nhàng mà người vẫn cứ trôi về phía trước một cách liên tục với tốc độ đều thì khi đó là đúng.

– Lộ trình rèn luyện: Theo trình tự đầu tiên bạn sẽ phải tham gia một khóa học khoảng 10 buổi để biết bơi ếch. Sau khi học xong thì việc rèn luyện là do bạn chủ động theo ý thức. Thông thường bạn nên bắt tay ngay vào tập bơi xa, đừng cố gắng bơi cho chuẩn mới bơi xa. Sau quá trình bơi xa nhiều cơ thể bạn sẽ tự điều chỉnh sao cho thích hợp với việc bơi xa từ đó động tác sẽ chuẩn dần.

– Bơi xa: Tương tự như các môn thể thao cần sức bền khác, bơi cũng có các ngưỡng cần vượt qua đó là 200m, 500m và 1000m.

+ Đầu tiên bạn cần hoàn thiện lượt bơi 50m rồi nghỉ 3 phút lại bơi tiếp 50m.

+ Sau khoảng 10 buổi bạn nâng lên bơi 100m rồi nghỉ 3 phút rồi lại bơi tiếp 100m.

+ Sau 10 buổi tiếp cố gắng đạt tới 200m rồi nghỉ. Biện pháp là 100m rồi 200m rồi lại 100m xen kẽ nhau; nhớ là thời gian nghỉ không được quá 3 phút vì nếu không sẽ làm giảm tác dụng.

+ 200m là ngưỡng đầu tiên, khi bơi tới 200m bạn sẽ rất mệt chỉ muốn nghỉ nhưng lúc này nếu bạn bơi thêm được 50m tới 250m thì bạn đã vượt qua được ngưỡng, cảm giác lại có thể bơi tiếp. Tới 500m thì tạm thời ngừng lại và bắt đầu lặp lại xen kẽ nhau 100m, 200m, 500m.

+ Sau khi cảm thấy đã có thể quen, bạn bắt đầu vượt qua 500m, tới 550m thì bạn đã vượt ngưỡng và bắt đầu thấy có thể bơi tiếp thoải mái. Thông thường tại giai đoạn này bạn sẽ dễ dàng đạt ngay tới 1000m. Tới 1000m là ngưỡng tiếp theo, nếu tiếp tục tới 1050m thì bạn có thể bơi tới 1500m dễ dàng.

Thời gian để bơi mỗi 100m trung bình mất khoảng 2,5 phút; 1000m đòi hỏi thời gian là 25 phút. Ngoài ra bơi dài thường người ta sẽ bơi trườn sấp vì tốc độ bơi trườn sấp nhanh gấp đôi tốc độ bơi ếch mà không mệt như bơi ếch. Nếu bơi ếch, để hoàn thiện 1000m bạn mất ít nhất cũng phải 50 phút.

Thông thường mỗi buổi bơi 60 phút thì trình tự là : 100m-100m-200m-200m-400m-1000m. Bơi quen rồi như tôi thì 100m-2.000m trong khoảng 50 phút.

Hiện trên facebook có group của những người thích bơi đường dài. Phương pháp bơi chính được anh em tập luyện là  Total Immersion

Tên group: Bơi đường trường – Distance Swimmers . Anh em nào có chung niềm đam mê thì có thể tìm và gia nhập vào nhóm.

Comments

comments

12 COMMENTS

    • Tùy thuộc vào bạn ở đâu để lựa chọn cho hợp lý thôi. Giá vé thông thường hiện nay là 60k/lượt nếu mua vé tháng và 80k nếu mua lẻ (Bể đặng tiến đông, tăng bạt hổ, định công,…). Các bể trong khách sạn hoặc gần khu đông dân cư nhà giàu thì tối thiểu phải 120K/lượt. Tới hết tháng 12 khi trời rất rét thì thường các bể sẽ nghỉ tới hết tết âm lịch.

    • Bốn mua Định công anh chưa bơi nhưng mùa trước có gặp ông bơi ở đó bảo là có vé tháng; chỉ là không rõ bao tiền. Hiện nay giá phổ biến của vé tháng bể bốn mùa là 1,8tr/30 buổi.
      Khoảng tháng 12/2013 bể Đặng Tiến Đông đóng cửa anh có ra bể Định Công nhưng bể này cũng đóng cửa nên không bơi được. Hóa ra các bể bốn mùa trừ bể trong các khách sạn đa phần sẽ đóng cửa vào giai đoạn tháng 12 và tháng 1 do trời quá lạnh.

  1. Anh có biết bể nào mùa đông gần khu cầu giấy, từ liêm, keangnam không ạ? em ở gần svđ mỹ đình ạ. Em cảm ơn anh!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here