Cuốn 7 thói quen của người thành công có lẽ là cuốn sách đáng để trên kệ sách nhà bạn nhất. Nó bao gồm:
- Luôn chủ động
- Luôn bắt đầu từ mục tiêu
- Ưu tiên cho điều quan trọng nhất
- Tư duy cùng thắng
- Lắng nghe để thấu hiểu rồi được hiểu
- Đồng tâm hiệp lực
- Rèn luyện bản thân
7 thói quen thành đạt được viết rất cô đọng nhưng vẫn dầy cộp; mình cũng đã có tóm tắt trên trang web này. Tuy nhiên mình nghĩ cuốn sách đó có khi chỉ khi bạn đang sở hữu thói quen đó bạn đọc mới thấy thấm; còn nếu chưa thì cho dù có hiểu cũng rất khó để xây dựng các thói quen đó.
Một cách tiếp cận khác mình nghĩ sẽ dễ thực thi hơn có tại cuốn Tốc độ của niềm tin – The speed of trust. Đây là cuốn sách mình mua từ năm 2013, đã nhiều lần muốn viết nhưng cũng giống như cuốn 7 thói quen của người thành đạt, rất khó tóm gọn một cuốn sách đầy kiến thức như vậy.
Cho tới hiện nay, nhận thấy Xây dựng niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của mỗi người và cũng dễ áp dụng nên mình sẽ viết về chủ đề này. Nội dung trong loạt entry này viết dựa trên ý tưởng của cuốn sách mà không phải chép ra nên nó sẽ có ích đối với cả người đã đọc và chưa đọc.
Mục lục:
Hệ thống niềm tin
Niềm tin có có hai góc độ, góc độ bạn tin người khác và góc độ người khác tin bạn. Mức độ “tin tưởng” của hai góc này có thể có định lượng giống hoặc khác nhau.
Hệ thống niềm tin trong bạn sẽ bao gồm nhắm tới các đối tượng sau:
1. Niềm tin với chính bản thân
Chúng ta hơn các loài động vật khác ở khả năng tự nhận thức, tự đánh giá về bản thân, cảm nhận về bản thân. Chúng ta làm chủ bản thân một cách có ý thức mà không phải là một dạng phản xạ được hình thành qua nhiều thế hệ. Nhưng đánh giá bản thân một cách khách quan rất khó vì hoặc chúng ta theo hướng yêu chiều bản thân hoặc theo hướng khắc nghiệt với bản thân.
Tôi có niềm tin vào bản thân ở lĩnh vực này nhưng không ở lĩnh vực khác vì ở mỗi lĩnh vực tôi có năng lực và những thành quả khác nhau. Mỗi người đều tồn tại trong một nhóm nào đó nên có thể đánh giá mình ở đâu trong nhóm đó. Tôi có tin rằng mình là một người chồng, người cha, người con tốt không? Tôi có đang làm tốt hơn so với thằng cha hàng xóm hay bất cứ những ai mà tôi biết không? Tôi có tin rằng mình là một học sinh, sinh viên, một lao động tốt không? Thấp hơn hay cao những người bên cạnh tôi? Nếu thấp hơn thì tôi có đang trong một kế hoạch nào đó để cải thiện bản thân hay chỉ đã chấp nhận sự thấp kém đó?
Khi bạn trưởng thành tới mức nào đó bạn sẽ có đủ khách quan để đánh giá bản thân. Nếu như chúng ta xây dựng niềm tin từ cơ sở vững chắc của chính nội tại thì niềm tin đó sẽ giúp ích cho sự phát triển. Nếu như niềm tin vượt quá xa so với năng lực thực sự dễ dẫn tới những mục tiêu quá sức; lúc làm sẽ hụt hơi. Nếu niềm tin lại thấp hơn lại dẫn tới tự ti, đưa ra các mục tiêu quá thấp dẫn tới kết quả nhận được cũng thấp.
Nói chung bạn nên hướng tới việc xây dựng cho mình một bộ niềm tin về bản thân cao thông qua việc phát triển bản thân. Lấy ví dụ như bạn có niềm tin sức khỏe của mình không tốt; bạn có thể lập kế hoạch để tập tành, rồi bạn thấy mình khỏe lên, hình thành niềm tin mới là bạn “có sức khỏe”. Nó khác với việc bạn chỉ xây dựng niềm tin là “mình khỏe” rồi chẳng làm gì cả; hiện trạng không đổi.
Niềm tin sẽ gia tăng khi chúng ta có liên tiếp “thắng lợi” và sẽ sụt giảm khi có liên tiếp “thất bại”
Xây dựng niềm tin bằng cách đặt ra các mục tiêu vừa đủ để đạt được cho tới khi bạn đủ niềm tin để dám đặt ra các mục tiêu lớn. Nếu như bạn đang gặp một loạt các thất bại khiến cho niềm tin vào bản thân sụt giảm về mức thấp thì phải kiên nhẫn xây dựng lại từ đầu.
2. Niềm tin của bạn vào người thân
Người thân gần nhất là gia đình bao gồm con cái, anh em, bố mẹ, ông bà. Đối với mỗi người này bạn sẽ có niềm tin khác nhau. Giờ bạn có thể chọn một ai đó trong gia đình và nghĩ về 5 đặc điểm nổi bật nhất của họ.
Ví dụ nếu bạn tin rằng anh ý rất mạnh khỏe thì bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về sức khỏe của anh ta. Nếu bạn cho rằng chồng bạn là người lăng nhăng thì bạn sẽ rất lo lắng mỗi khi anh ta vắng nhà; ngược lại thì cho dù anh ta đi qua đêm bạn vẫn yên tâm. Nếu bạn tin rằng con bạn rất lười học bài thì bạn sẽ luôn phải nhắc nhở nó học bài; ngược lại bạn có thể để mặc nó tự học..
Niềm tin của bạn vào ai đó tất nhiên không phải vô căn cứ mà nó được xây dựng từ cả quá trình bạn tương tác với họ. Không bỗng nhiên mà bạn lại cho rằng ông chồng là người lăng nhăng. Ở vị trí là ông chồng nếu ông ta muốn xây dựng niềm tin trong bạn rằng ông ta là người chung thủy thì phải có các hành động, lời nói cụ thể trong một thời gian dài chứ không phải cố gắng thuyết phục bạn bằng lời nói.
Đối với con bạn, niềm tin rằng cậu ta lười học cũng phải xuất phát từ sự trải nghiệm của bạn hoặc cũng có thể bạn nghĩ là bọn trẻ con đều vậy cả. Việc bạn cần làm là xem niềm tin của mình có đúng không; nếu đúng vậy thì việc cần làm là thay đổi thói quen của cậu ta từ chỉ học khi bị nhắc thành học khi thấy tự mình cần phải học. Thay đổi thói quen vất vả nhưng bạn chỉ làm một lần thay vì phải làm vô số lần khi chỉ tác động vào hành vi.
Khó có thể làm gì nhất đó là niềm tin vào những người lớn hơn mình; ví như niềm tin vào bố mẹ. Chúng ta khó bảo bố mẹ thay đổi cái gì đó để niềm tin trong bản thân thay đổi theo hướng tích hơn. Cái bạn có thể làm là hiểu đúng về hoàn cảnh mà bố mẹ bạn ra quyết định. Ví dụ như bố bạn không cho bạn đi chơi về muộn không phải anh ta là người gia trưởng mà do có thể anh ta lo bạn không tránh được cám dỗ ngoài kia. Việc bạn làm là thay đổi niềm tin của bố bạn về bạn thay vì cố thuyết phục ông ý rằng ông ý đã quá nghiêm khắc với bạn.
3. Niềm tin vào đồng nghiệp, bạn học
Chúng ta sống ở hai nơi nhiều nhất đó là nhà và công ty/trường học. Ở công ty/trường học chúng ta có đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới. Ở trường học chúng ta có bạn học, thầy cô giáo.
Va chạm ở trường học cơ bản là không có nhiều; bạn thích chơi với ai thì chơi với người đó để trở thành bạn thân; học lực của bạn thế nào là do bạn. Còn ở công ty thì khác, kết quả bạn làm ra có sự kết hợp với người khác, phụ thuộc vào người khác; và bạn buộc phải chơi với người nào đó vì công việc đòi hỏi phải thế.
Giờ hãy nghĩ về công ty nơi bạn làm việc, đó có phải là nơi ngập tràn niềm tin không? Nhà quản trị nào cũng muốn nhân sự đầy ắp niềm tin vào công ty, niềm tin với nhau vì như vậy công việc sẽ thuận lợi, ít có hiểu lầm va chạm. Thực tế thì con người rất vị kỷ vì vậy ở công ty có bao nhiêu mối quan hệ giữa người với người thì ở đó ẩn chứa từng đó sự phức tạp.
Tỷ lệ hiệu quả giảm dần khi số lượng người phải phối hợp với nhau tăng lên là do ảnh hưởng của niềm tin giữa các mối quan hệ phức tạp hơn là chính. Để gia tăng niềm tin người quản trị phải hướng toàn bộ vào một mục tiêu cao cả chung thay vì để cho các niềm tin tự nảy nở.
Giỡ hãy nghĩ về một đồng nghiệp bất kỳ, tốt nhất là người bạn thường xuyên phải va chạm, bạn tin anh ta là người thế nào? Tiếp tục nghĩ vào một vài người nữa. Và giờ bạn sẽ thấy bạn có xu hướng lựa chọn công việc làm với một ai đó tương ứng với niềm tin của bạn.
Việc này có thể hiểu đơn giản như sau:
- Khi hỏng điều hòa bạn sẽ không gọi cô bạn thân tới sửa vì bạn tin rằng cô ý không biết sửa. Bạn sẽ gọi thợ sửa điều hòa vì đó là nghề của họ, bạn tin rằng họ có thể sửa.
- Bạn tin là anh A sửa máy tính rất giỏi vì vậy bạn thích nhờ anh A sửa máy tính hơn là anh B (cái anh mà bạn có ấn tượng khá xấu khi lần gần đây nhờ anh ý sửa hoặc có ái đó bảo với bạn rằng anh ý chẳng biết gì về máy tính đâu).
- Bạn tin là anh C thuyết trình giỏi nhất trong nhóm vì vậy ban sẽ muốn anh C thực hiện bài thuyết trình quan trọng sắp tới. Nhưng bạn có thể không cho C vay tiền khi C vay vì bạn không tin là anh ta sẽ trả tiền cho bạn.
- Bạn tin rằng D là người trung thực nên bạn tin lời D nói ngay, trong khi cũng nội dung đó với E bạn lại không tin đó là thực.
Điều gì xảy ra nếu như bạn tin rằng anh ta không biết sửa máy tính nhưng vẫn phải đưa máy tính cho anh ta sửa? Bạn sẽ tìm cách trì hoãn đưa, tìm cách nhanh chóng để đi tới kết luận rằng anh ta không sửa được nhằm chuyển cho người khác. Với việc không muốn hợp tác thì cho dù anh ta có thực sự sửa được thì cũng tốn nhiều thời gian. Đó là lý do niềm tin càng cao thì việc sẽ càng trôi chảy.
4. Niềm tin vào xã hội
Xã hội Việt Nam là một tập hợp các cá nhân riêng lẻ kết hợp lại có chung một quốc tịch Việt Nam. Mỗi cá nhân trong xã hội đóng một vai trò trong gia đình và trong xã hội. Ví dụ ở gia đình bạn là “người con” và ở xã hội bạn có thể là “thợ làm bánh mỳ”
Ngoài những niềm tin với các đối tượng trong gia đình và tại công ty/trường học thì tất cả những đối tượng còn lại tập hợp thành một niềm tin xã hội của bạn. Các niềm tin này cũng sẽ ảnh hưởng tới cách bạn cư xử trong môi trường đó ví dụ như quán ăn, bệnh viện, đường xá, cơ quan nhà nước,….
Môi trường ngoài Nhà và Cơ quan/trường học rất đa dạng nhưng thời gian bạn hiện diện trong đó ít. Sẽ là tốt nếu như những niềm tin này giúp cuộc sống của bạn dễ chịu và ngược lại tùy thuộc vào việc bạn coi trọng nó như thế nào. Ví dụ như bạn có thể rất bất mãn đối với cái nhà nước này; nào là độc đảng, tham ô tham nhũng, chạy chức chạy quyền, ….Nghĩ đến nó là bạn đã thấy ức chế rồi; nhưng với người khác thì họ chẳng cảm xúc gì. Cùng một khách quan nhưng phản ứng của 2 người là khác nhau dẫn tới cảm xúc của họ khác nhau.
Niềm tin xã hội có thể gọi bằng tên khác là thế giới quan của bạn; cách bạn nhìn thế giới xung quanh. Chắc chắn thế giới quan của mỗi người mỗi khác nhau từ đó hình thành nên các suy nghĩ và hành động khác nhau.
Bạn không có đủ khả năng để thay đổi được các đối tượng trong xã hội mà chỉ có thể điều chỉnh niềm tin của mình cho phù hợp với vị trí của bản thân mình, làm sao đó để bạn có thể sống thoải mái.
Post sau: vai trò của niềm tin và xây dựng niềm tin
hay