Hôm nay trên vietnamnet có tựa bài “Tiền đồng có còn mất giá?”. Rồi từ mấy hôm trước, hôm nào trên chuyên mục thời sự cũng nói về vấn đề này. Nội dung chủ yếu là khen ngợi sự nhanh nhạy của ngân hàng nhà nước trong việc phản ứng với việc phá giá đồng nhân dân tệ. Các bài báo cũng chỉ nhấn mạnh đến lợi ích hạn chế hàng nhập khẩu và khuyến khích xuất khẩu. Có bài báo còn mạnh miệng rằng đây là cơ hội để chúng ta thóat khỏi tình trạng nhập siêu từ TQ.
Vậy tóm lại thì dân đen như chúng ta là được hưởng lợi hay là hưởng hại?
Để hiểu sâu vấn đề chúng ta sẽ xây dựng mô hình kinh tế từ đơn giản tới thực tế:
Xét trong một nền kinh tế đóng với một mặt hàng rau muống.
Giả sử Việt Nam không giao thương gì với bên ngoài. Mọi thứ đều tự cung tự cấp. Để thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa trong nước nhà nước phát hành ra tiền đồng. Nếu như để thị trường tự quyết định thì sau một thời gian điều chỉnh, giá các mặt hàng sẽ có xu hướng dao động quanh một mốc nào đó. Ví dụ như một mớ rau giá 1000 đồng.
Vài ngày vừa qua thời tiết khô hạn khiến cho sản lượng rau muống sụt giảm, cung không đủ cầu. Một số người dân sẵn sàng trả giá cao hơn để có rau muống ăn vì vậy một mớ rau muống tăng lên thành 2000 đồng. Giá được quyết định bởi cung cầu.
Khi nhà nước tăng cung tiền thì tình trạng cũng tương tự. Cho dù sản lượng rau muống vẫn giữ nguyên nhưng giá rau muống sẽ tăng lên. Tuy nhiên tốc độ tăng và mức độ tăng giá không thể như với tình huống biến động sản lượng rau muống được.
Xét trong một nền kinh tế mở có giao thương với TQ
Một mớ rau muống tại chợ Tân Thanh có giá 1000 đ. Cũng mớ rau muống đó tại chợ Bằng Tường có giá là 1 nhân dân tệ (CNY). Như vậy quy đổi ngang sức mua thì 1 CNY = 1000 đ. Giả sử như tỷ giá mà chính phủ hai nước quy định cũng đang ở mức 1 CNY = 1000 VNĐ hay 1 VNĐ = 0,001 CNY thì mọi thứ diễn ra bình thường.
Lúc này khi sản lượng rau muống tại Tân Thanh sụt giảm và tăng dần lên mức 2000 đ/mớ thì lái buôn sẽ mang rau muống từ Bằng Tường (vẫn đang có giá là 1 CNY) sang bán tại Việt Nam. Ban đầu anh ta sẽ bán được với giá 2000 đ; anh ta thu được 2 CNY; lợi nhuận gấp đôi so với việc anh bán ở Bằng Tường (giả sử là chi phí vận chuyển, thuế má không đáng kể)
Tuy nhiên vì có rất nhiều người nghĩ như anh ta nên sẽ có rất nhiều người bê rau muống sang Tân Thanh. Giá rau muống sẽ giảm dần tới mức khoảng 1.200 đ/mớ. Giá rau muống tại Bằng Tường cũng không còn là 1 CNY nữa mà cũng tăng lên khoảng 1,2 CNY/mớ.
Đột nhiên vào ngày 11/8 Chính phủ TQ giảm giá CNY so với USD khiến cho CNY cũng bị giảm tương đối với VNĐ. Giả sử mức mới giờ là 1 CNY = 950 đ. Lúc này thì nếu thương lái mang rau muống sang bán ở VN thì anh ta sẽ được lợi hơn trước. Cụ thể nếu trước đây anh mua trong nước 1 CNY/mớ và sang VN bán được 1000 đ thì nay anh ta vẫn bán được 1000 đ nhưng khi quy đổi ra CNY anh ta được khoảng 1,05 CNY. Lợi nhuận tăng thêm 5%. Anh ta có thể dùng 5% này để giảm giá bán rau muống xuống nhờ vậy rau muống của anh ta sẽ cạnh tranh hơn rau muống của Việt Nam.
Nếu xét lợi ích người tiêu dùng đơn thuần thì rõ ràng là người tiêu dùng sẽ được lợi vì anh ta có thể mua rau muống rẻ hơn trước đây. Kể cả anh ta không sử dụng rau muống TQ (hàng nhập khẩu) mà dùng rau muống VN (hàng trong nước) thì anh ta vẫn được lợi vì hàng trong nước để cạnh tranh được cũng phải giảm giá theo.
Nếu xét trên tổng thể nền kinh tế thì khác:
– Thương lái TQ mang hàng vào VN bán thu được VNĐ. Anh ta quy đổi VNĐ đó ra USD và mang về TQ -> Chúng ta bị mất USD. Thực tế việc nhập khẩu là do một công ty nào đó ở VN mua hàng từ nước ngoài bằng tiền USD.
– Rau muống tại VN buộc phải giảm giá để cạnh tranh khiến cho doanh nghiệp không có lợi nhuận dẫn tới phá sản.
– Các doanh nghiệp xuất khẩu khi thấy đô la có xu hướng tăng lên thì sẽ không bán đô cho ngân hàng. Các nhà đầu cơ cũng thu mua đô la. Đồng USD càng khan hiếm thì VNĐ càng bị mất giá trước USD.
Nếu như việc giảm giá tiền đồng tốt như vậy thì sao không phá giá VNĐ ngay từ đầu?
Thực tế là tỷ giá mà ngân hàng đang ấn định theo USD hiện nay không phản ánh đúng thực tế giá trị thực của đồng tiền. Nhưng việc giảm giá VNĐ có rất nhiều tác động tiêu cực đòi hỏi phải cân đối với lợi ích:
– Nợ công nước ngoài sẽ tăng thêm tương ứng với việc giảm giá.
– Tác động vào tâm lý của người dân. Người dân sẽ có xu hướng hạn chế chi tiêu hơn khiến cho tổng cầu nền kinh tế suy giảm -> sản xuất suy giảm.
– Một số hàng nhập khẩu là thiết yếu không có sản phẩm thay thế trong nước. Ví dụ như biệt dược, máy móc công nghệ cao.
– Rất nhiều hàng trong nước sản xuất bằng nguyên liệu ngoại nhập, máy móc ngoại nhập, nhân công người nước ngoài -> chi phí tăng -> giá tăng -> lạm phát.
Chúng ta thấy rằng trong 10 ngày qua thì tỷ giá với USD đã tăng từ 21.840đ/usd lên mức 22.420đ/usd ~ 2,65%
Rất nhiều nước như TQ, VN đều dùng đô la Mỹ để ấn định tỷ giá đồng tiền nước mình. Khi NHNN điều chỉnh tỷ giá USD thì tỷ giá với các đồng tiền các nước khác cũng sẽ biến đổi theo. Ví dụ một đô la Singapore trước đó là 15.824 thì nay thành 16.083. Nhưng người ta ít quan tâm tới tỷ giá với đồng tiền khác vì đô la Mỹ vẫn được coi là đồng tiền giao dịch quốc tế.
Tóm lại khi VNĐ bị giảm giá thì chắc chắn sẽ kéo theo lạm phát. Lạm phát tăng mà thu nhập không tăng thì mức sống bị giảm đi. Thời gian qua báo đài nhấn mạnh tới mặt tích cực cũng là vì muốn lấn át đi mặt tiêu cực của vấn đề.
Lạm phát không chỉ ảnh hưởng tới hàng tiêu dùng nhanh hàng ngày mà còn ảnh hưởng tới hàng hóa mang giá trị khác như nhà đất, vàng bạc, …
Cho mình hỏi cái nghe: nếu như 1 VND = 1 USD thì sao nhĩ?. “Dân thủy sản thôi”. hì. thanks
Quy định tỷ giá trao đổi giữa hai loại đồng tiền của hai nước phụ thuộc vào hàng hóa trung gian. Ví dụ như ở Mỹ 1 USD mua được 1 bát phở, ở VN 25000 đồng mua được bát phở giống y hệt -> 1 USD = 25.000 đồng
Ngoài ra tỷ giá còn phụ thuộc vào chính sách của chính phủ từng thời kỳ là tăng hay giảm so với giá trị thực để kích thích xuất/nhập khẩu. Ví dụ TQ duy trì một đồng nhân dân tệ yếu để kích thích xuất khẩu.
Giả sử chính phủ quy định rằng 1 VNĐ = 1 USD thì người dân sẽ ồ ạt đổi sang USD. Nhưng vì những người nắm giữ USD không chấp nhận điều đó nên họ không bán ra. Trên thị trường chợ đen người ta vẫn cứ đổi 1 USD = 25.000 đồng cho dù chính phủ quy định 1 USD = 1 VNĐ. Tất nhiên nó còn ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu nữa. Nếu chính phủ làm vậy tất xã hội sẽ loạn.
Có một cách khác đó là đổi tiền. Chỉnh phủ in ra tiền mới quy định 25.000 đồng tiền cũ đổi được 1 đồng tiền mới. Nếu tiền trong ngân hàng thì tự động chia cho 25.000; nếu ai có tiền mặt thì đi đổi trực tiếp theo tỷ lệ. Lúc này 1 VNĐ = 1 USD nhưng bản chất chẳng có gì thay đổi. Hồi xưa có 1 triệu trong túi thì nay có 40 đồng trong túi. Hồi xưa mua 1 bát phở mất 25.000 đ thì nay mua một bát phở hết 1 đồng. Nhưng nếu làm theo cách này thì rất tốn kèm và phức tạp, lợi ích thì chẳng thấy đâu.
Trang này cũng hay hay nên thảo luận cho vui nha. Bạn nói “khó khăn vượt qua khỏi năng lực tối đa nhất”, nó vậy chưa là vấn đề cần trả lời. Tôi thấy sơ sơ đội ngũ nắm bắt công nghệ nguồn – Việt kiều – cái mà VN cần để chuyển sang giai đoạn mới, hầu như chưa được phát huy. Tôi cũng có làm chút chút công nghệ tôi biết, người trong nước khó mà nắm được công nghê nguồn như Việt Kiều, mà đã được giao cờ phất mấy chục năm nay ở các nước phát triển, được nắm bắt rất sâu công nghệ. Về công nghệ, tôi thấy VN rất may mắn có Việt Kiều….nhưng chưa được phát huy!
Hi bạn,
anh em trao đổi trên cơ sở nâng cao hiểu biết thôi. Trao đổi cũng vui.
Về nguồn lực Việt Kiều mình sẽ không thể hiểu sâu bằng bạn được, mình chỉ có ý kiến đặc sệt trên lý thuyết thôi.
Tại sao Việt Kiều lại quay trở lại làm tại Việt Nam?
– Vì lòng yêu nước
– Vì thằng chột làm vua xứ mù. Về VN mặc dù còn nhiều vấn đề về môi trường kd nhưng dù sao cũng phải cạnh tranh ít hơn, miếng bánh thị trường còn nhiều,…
– Vì môi trường sống, đặc biệt là những người có tuổi thơ lớn lên ở các làng quê VN.
Đồng tiền VNĐ giảm giá tác động gì tới họ? (vì chúng ta đang bàn tới vấn đề này mà)
– Khi VNĐ giảm giá tương đối so với các đồng tiền khác, ví dụ như đồng Bạt của Thái chẳng hạn thì việc đặt nhà máy ở VN để sx hàng hóa xuất khẩu sẽ rẻ hơn là đặt nhà máy ở Thái Lan -> Trên lý thuyết là VNĐ càng giảm giá thì càng thu hút đầu tư.
– Chi tiêu ở VN sẽ rẻ hơn một cách tương đối so với chi tiêu ở nước ngoài. Trước đây cầm 1 USD vào VN có thể mua được 1 mớ rau thì nay có thể mua được 1,1 mớ rau. -> Mức sống sẽ trở nên cao hơn nếu như người ta thu nhập tính theo USD hoặc là VNĐ nhưng ở mức cao.
Như vậy là bên cạnh những nỗ lực trong cải cách môi trường KD ở VN + với đồng VNĐ giảm giá + môi trường KD ở nước ngoài ngày càng khắc nghiệt thì có thể sẽ thu hút được lực lượng Việt Kiều.
Nhưng mặt trái của đồng tiền giảm giá là gì?
VNĐ giảm giá lúc này là do phản ứng tình thế của NHNN. Giả sử một năm sau khi mọi thứ ổn định hơn, NHNN quyết định tăng giá VNĐ thì sao? Lúc đó các doanh nghiệp xuất khẩu có thể đang lãi thành lỗ. Trong khi đó việc rút ra khỏi ngành lại quá tốn kém do nhà xưởng, máy móc, nhân công,… -> nhà đầu tư nói chung sẽ sợ điều này xảy ra vì vậy chưa chắc họ đã đầu tư theo đúng logic của việc giảm giá VNĐ.
Chính sách của VN thay đổi rất nhanh từ việc các chính sách về công nhận sở hữu cá nhân, chính sách tiền lương, chính sách điều chỉnh kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực,…..Còn rất nhiều khó khăn mà Việt kiều phải suy nghĩ cẩn thận.
Mình vẫn nghĩ là chúng ta như người chạy bộ đã đang phải vác nặng rồi, giờ lại vác thêm vài chục cân nữa.
Không đồng ý lắm với bác vì bác giả sử 1 điều chưa chuẩn ở VN là “rau chỉ có chừng đó bó thôi”. Cần phải căn cứ thêm 1 nhân tố nữa là năng lực sản xuất còn dư thừa, tiềm năng phát triển còn ẩn mình. Nhưng vì sao nó lại dư thừa lại ẩn mình? Có cần khơi thông nó không? Khơi thông bằng cách nào? Ngược lại với bác, theo tôi, việc phá giá đồng tiền có ý nghĩa lớn là ở định lại nợ công thực tế, để thấy rằng áp lực nợ công thực là lớn hơn số hạch toán kế toán, tạo sức ép phát triển mạnh mẽ hơn.
Năng lực sản xuất dư thừa xuất phát từ việc người ta không muốn hoặc không thể sản xuất thêm. Giá quá rẻ sx thêm chỉ có lỗ nên người ta không sản xuất nữa. Công nghệ, công cụ dụng cụ, năng lực quản trị kém khiến người ta dù muốn nhưng cũng không thể sản xuất thêm.
Ngược lại với dư thừa là phát triển nóng giống như Trung quốc vừa qua. Khi năng lực sản xuất của anh chỉ là 10 sản phẩm/ giờ nhưng anh lại cố ép lên tới 12 sản phẩm/ giờ thì các rủi ro sẽ từ từ hình thành tới một lúc nào đó sẽ vỡ. Ví dụ như vấn đề môi trường, khoảng cách giàu nghèo, tài sản bị thổi vượt ra khỏi giá trị thực.
Trung quốc giảm giá nhân dân tệ song song với thực hiện nới lỏng tiền tệ để tiếp tục kích thích sản xuất, xuất khẩu trong nước (tiếp tục tự ép mình phát triển nóng). Việt Nam thì khác, Việt Nam đang không phát triển nóng mà phát triển dưới năng lực thực. Phản ứng của TQ là chủ động, phản ứng của VN là bị động theo.
Sau khi TQ phá giá đồng tiền thì mọi việc trở nên tồi tệ hơn vì ảnh hưởng của vấn đề tâm lý. Việt Nam cũng vậy, nếu như tiếp tục chạy theo cuộc đua giảm giá NDT thì ảnh hưởng tới tâm lý người dân đặc biệt là những người có tiền. Giảm giá đồng tiền không có nghĩa là họ bán đô để tích VNĐ mà họ càng mua đô do lo ngại tiền đô sẽ còn tăng giá hơn nữa. Vấn đề giờ không phải là vấn đề kỹ thuật nữa mà là vấn đề tâm lý.
Giảm giá về sát giá trị thực đồng ý là sẽ giúp tạo ra sức ép phát triển mạnh mẽ hơn nhưng khi khó khăn vượt qua khỏi năng lực tối đa nhất có thể thì vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn. Giống như người đã ốm rồi còn bị ép chạy vài chục km, chỉ có ốm thêm.