Thông minh tài chính (P10 : Lý thuyết trò chơi)

4
10251
5/5 - (14 votes)

Nếu bạn muốn thắng một trò chơi nào đó thì đầu tiên bạn phải biết luật chơi sau đó mới tính tới việc rèn luyện để chơi giỏi. Ai tham dự môn thể thao nào đó chắc đều hiểu điều đó.

Bóng đá là một ví dụ. Đầu tiên mỗi đội đều phải biết là lúc nào họ thắng vì nếu không biết rõ thì có khi họ đá về lưới mình. Sau đó họ phải biết quá trình đó phải tuân thủ luật lệ gì, lúc nào thì việt vị, khi nào thì phạm lỗi, hình phạt cho mỗi lỗi là gì. Sau đó họ sẽ phải mất rất nhiều thời gian để rèn luyện thể lực, kỹ thuật và cả kiểm soát được cảm xúc.

Trong quá trình bạn đi tới mục tiêu tự do tài chính, bạn sẽ phải tham dự rất nhiều trò chơi. Trò chơi là một người làm thuê, trò chơi chi tiêu và tiết kiệm, trò chơi gửi tiền vào ngân hàng, trò chơi trên thị trường tiền tệ, bất động sản, vàng, chứng khoán..

Mỗi một môi trường, mỗi một thị trường có những quy định về khi nào bạn thắng, có những luật lệ riêng của nó. Chúng ta đa phần đều sống với trò chơi làm thuê nên hiểu khá rõ về nó. Cần phải mang lại giá trị cho doanh nghiệp thông qua các công việc hàng ngày nhờ đó DN trả lại cho bạn thu nhập. Càng mang lại giá trị thì lương càng cao, mà càng có khả năng giúp những người khác mang lại giá trị thì càng có khả năng thăng tiến trong nghề nghiệp.

Trong quá trình làm việc để có thu nhập đó bạn phải tuân thủ nội quy công ty, tuân thủ văn hóa doanh nghiệp, tuân thủ môi trường kinh doanh, tuân thủ pháp luật,….Không tuân thủ đúng luật chơi bạn bị trả giá.

Mở doanh nghiệp, đầu tư trên thị trường ngoại hối, thị trường vàng, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán,… mỗi loại cũng có luật chơi riêng của nó. Tất nhiên hiểu luật chơi sau đó trở thành người thắng cuộc còn đòi hỏi sự rèn luyện, nhưng nhớ rằng nếu bạn không hiểu trò chơi mà đã bắt tay vào chơi thì chẳng có hy vọng nào cả. Nó cũng giống như tình huống thực tế, tôi có 200 triệu mua vàng tại thời điểm A, cầm giữ kệ mọi sự biến động với suy nghĩ đơn giản rằng giá vàng sẽ tăng về dài hạn, tới thời điểm B khi rất cần tiền mặt bán ra thì lúc đó giá vàng đang ở điểm thấp hơn cả thời điểm mua. Tôi đã thua trò chơi đó vì không hiểu về luật chơi của nó.

Một vận động viên luyện tập hàng ngày trong nhiều năm chỉ để nhằm tới một mục tiêu thắng trong một vài lần thi đấu. Còn chúng ta, những vận động viên bất đắc dĩ, chạy trên con đường tài chính thì chỉ tập tí chút trước thi đấu, đặt cược tiền trong nhiều năm tích lũy với hy vọng có thể thắng. Buồn thảm thay.

Loại trò chơi:

Ngồi buổn rủ thằng bạc đánh bạc, tạm đặt tên cho thằng bạn là Lượm. Tôi có 1 triệu, Lượm cũng có 1 triệu. Chúng tôi đánh bạc cả ngày, bạn biết ai thắng không? Khó mà đoán được nhưng bạn biết chắc chắn rằng tổng số 2 triệu đó không đổi. Tôi thắng thì Lượm thua mà Tôi thua thì Lượm thắng, cho dù thế nào thì tổng đó cũng vẫn 2 triệu cho dù chúng tôi có đánh ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Đó là trò chơi có tổng bằng không, có người thắng thì chắc chắn phải có người thua. Nếu Lượm thắng 500.000 đ thì có nghĩa rằng tôi đã thua 500.000 đ và ngược lại.

Ngồi nhà bài bạc cũng buồn, để đổi không khí chúng tôi di chuyển ra hàng trà đá. Cô chủ quán xinh đẹp không cho chúng tôi ngồi không, chúng tôi phải uống một cái gì đó, uống hết thì lại phải ăn một cái gì đó. Là người văn minh, tôi và Lượm thống nhất là ai ăn thì người đấy phải trả tiền. Bạn chắc cũng không đoán được ai thắng ai thua nhưng bạn biết chắc chắn một điều rằng tổng số tiền của tôi và Lượm đã không còn cố định 2 triệu nữa, nó sẽ giảm dần theo thời gian chúng tôi ngồi ở đó. Đó là trò chơi có tổng âm, nơi xuất hiện thêm tình huống rằng cả tôi và Lượm đều thua, số tiền mỗi người có được thấp hơn số tiền 1 triệu ban đầu. Nếu chúng tôi đánh đến vô cùng thời gian thì sẽ có thêm một kết quả có thể xảy ra là cả tôi và Lượm đều không còn xu nào.

Khi chúng tôi đánh bạc với nhau, nhiều người cuốn hút vào hoạt động … văn minh đó nên xúm tới xem. Càng ngày càng nhiều người tới xem khiến cho chúng tôi cảm thấy rất không thoải mái. Để hạn chế người xem chúng tôi quy định vé cho 1 ván xem là 10.000 đ. Chúng tôi chia đôi số tiền đó mỗi người được 5000đ. Vì chúng tôi chỉ có 10 chỗ ngồi xung quanh nên cứ khi số người xếp hàng bên ngoài tăng thì chúng tôi lại tăng vé, khi số người đợi xem ít hoặc còn thừa chỗ chúng tôi giảm vé. Chúng tôi đã tham dự vào trò chơi có tổng lớn hơn không, sẽ có thêm tình huống cả hai đều thắng, có hơn 1 triệu (số tiền ban đầu).

Quay lại với trò chơi có tổng bằng không. Tôi và Lượm xuất phát điểm chỉ có 1 triệu đồng. Chỉ sau hơn 1 giờ thì tôi đã thắng toàn bộ 1 triệu của Lượm, tôi đã có tổng 2 triệu đồng. Lượm nghĩ tới những đứa con đói ăn đợi ở nhà, anh muốn tiếp tục thử vận may của mình, anh ta vay tôi 1 triệu, để làm bằng chứng cho giao dịch vay anh ta đưa tôi một tờ giấy trên đó ghi rằng anh ta nợ tôi 1 triệu. Chúng tôi đã sản xuất ra “tiền” từ không khí, giờ chúng tôi có tổng là 2 triệu tiền mặt + 1 tờ giấy có giá 1 triệu = 3 triệu.

Lượm lại tiếp tục thua và anh ta lại phải vay tôi tiền. Chừng nào tôi còn tin vào khả năng trả nợ của Lượm thì tôi còn cho anh ta vay và tổng tiền vẫn cứ tiếp tục tăng lên; luôn luôn có 2 triệu tiền mặt và số còn lại là giấy ghi nợ. Thực tế có thể Lượm chẳng có xu nào ở nhà, anh ta hoàn toàn không có khả năng trả nợ. Một lúc nào đó tôi nghi ngờ khả năng trả nợ của Lượm mà đòi tiền nợ thì có thể Lượm sẽ tung hê tất cả và quỵt nợ. Lúc đó hẳn tôi sẽ đau lòng lắm và hứa với lòng mình sẽ không cho hắn vay hoặc bất cứ ai vay.

Tôi thì lo nghĩ làm sao để đòi nợ, Lượm thì lo nghĩ làm sao để vay thêm tiền. Để thoải mái cả hai, chúng tôi nhờ một người làm vai trò đó tạm gọi là Ngân hàng. Anh ta sẽ cho Lượm vay tiền và tự tìm cách quản lý tiền đó. Ngân hàng rất muốn Lượm vay nhiều tiền vì anh ta sẽ thu thêm lãi trên mỗi khoản vay, anh ta có thể cho Lượm vay dưới chuẩn có nghĩa là giá trị thế chấp thấp hơn nhiều so với số tiền anh ta vay. Giả định là ngân hàng lúc đầu không có xu nào, để anh ta cho Lượm vay 1 triệu thì anh ta sẽ vay tôi 1 triệu và trả lãi suất. Ngân hàng vay tôi với lãi suất 6%, còn cho lượm vay với lãi 10%.

Tôi, Lượm và ngân hàng cùng nhau tạo ra tiền trong mỗi vòng quay. Tôi ngày càng có thêm tiền (tiền mặt và giấy ghi nợ của ngân hàng), ngân hàng ngày càng có thêm tiền từ chênh lệch lãi suất, Lượm ngày càng phải vay nhiều. Rồi một ngày đẹp trời Lượm quỵt nợ, ngân hàng có một cục nợ xấu.

Tóm lại chúng ta có 3 loại trò chơi:

  • Trò chơi có tổng bằng không : Bản chất là tiền từ người này sang túi người khác. không có tình huống Thắng – Thắng mà cũng không có tình huống Thua-Thua; chỉ có tình huống Thắng-Thua
  • Trò chơi có tổng âm : Số tiền cứ hao hụt dần theo thời gian hay sau mỗi lần chơi. Sẽ có tình huống tất cả người chơi đều thua (Thua – Thua) bên cạnh tình huống Thắng-Thua.
  • Trò chơi có tổng dương: Số tiền tăng dần theo thời gian hay lần chơi. Xuất hiện thêm tình huống tất cả người chơi đều thắng (Thắng – Thắng)

Thực tế một trò chơi luôn có cả dòng vào lẫn dòng ra. Tổng vào ra đó bằng không, âm, dương ta có các loại trò chơi khác nhau.

Như trong ví dụ trên chúng tôi vừa phải trả tiền cho bà chủ quán trà đá vừa thu được vé của người xem. Một doanh nghiệp vẫn phải bỏ ra chi phí để tạo ra sản phẩm và vẫn có khách hàng mua sản phẩm để tạo ra thu nhập vào.

 

Tất cả các thị trường vàng, bất động sản, ngoại hối, chứng khoán và các thị trường hàng hóa nói chung đều thuộc vào một trong các kiểu chơi trên. Khi bạn tham gia vào trò chơi có tổng dương bạn có cơ hội thắng nhiều hơn so với trò chơi có tổng âm hay bằng không. Câu hỏi “Làm sao để là người chơi thắng cuộc? ” sẽ khác nhau ở mỗi kiểu chơi. Chúng ta sẽ tìm hiểu dần ở các entry sau.

Comments

comments

4 COMMENTS

  1. Hi anh Dũng,

    Bài viết này của anh thật dễ hiểu. Cách anh viết giống như anh dạy một đứa trẻ về những khái niệm cơ bản của kinh tế.

    Để nắm rõ được bản chất, và chia sẻ được như trên, anh Dũng có cách tiếp cận, đào sâu vào bản chất vấn đề như thế nào ạ.

    Em tin anh Dũng có thể không thành tỷ phú đô la nhưng nếu những kiến thức này được truyền đạt đến đời con, đời cháu thì sẽ tạo ra gia sản lớn. (Nghĩ vui)

  2. Cũng may mắn em được biết website này. Cám ơn anh về bài viết, giúp em có định hướng hơn.
    Em biết khi làm thuê sẽ có nhiều rủi ro, và mình mãi ko thể như thế được. Em có tìm hiểu về lĩnh vực đầu tư. và đang đã đầu tư về vàng, ngoại hối. Nhưng cũng đã mất hết số vốn ban đầu. em cảm thấy mất phương hướng. Mở 1 doanh nghiệp riêng em chưa đủ khả năng.
    Anh có thể cho em xin lời khuyên về kênh đầu ngoại hối được không . em cảm ơn anh!

    • Dear em;

      Không biết em tìm hiểu về lĩnh vực đầu tư lâu chưa và đã mất bao nhiêu rồi. Đây là kênh vô cùng khó thắng, giống như khi em vào casio đánh bạc ý, nhìn thì dễ ăn nhưng cứ đánh là thua. Có thể đánh nhỏ thì thắng nhưng với lòng tham tăng lên thì đánh lớn lại thua.

      Nếu em cảm thấy mình thông minh hơn 80% những nhà đầu tư trên sàn thì hẵng tham gia. Nếu cảm thấy chưa thì cứ học hỏi; cơ hội luôn luôn còn đó chỉ có tiền là thiếu thôi. Tiền do làm thuê mồ hôi nước mắt mới có được chứ có phải nhặt được đâu.

      Anh chắc em cũng chỉ mới bước chân vào lĩnh vực đầu tư nên kinh nghiệm, kỹ năng và cả sự kỷ luật còn thiếu. Nên tập trung vào công việc em đang làm, cho dù đó có là làm thuê, kế hợp trau dồi với các kỹ năng. Khi cảm thấy chắc thắng hãy lên sàn. Khi em già khú đế rồi vẫn có thể lên sàn cơ mà, đừng vội để mà nướng tiền.

      V.D

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here