Thấu hiểu chính mình

0
4828

Nhân có xem nội dung khóa học Quản trị chính mình và xem video clip của Giản Tư Trung thuyết trình trong ngày hội nhân lực 2013, có cảm hứng viết lên entry này.

Con người vốn là một đối tượng rất phức tạp, có lý trí nhưng chủ yếu hành động phi lý trí. Thế nên một chỉ số quan trọng trong kinh tế vi mô là “Niềm tin của người tiêu dùng” lại vô cùng quan trọng. Tình hình kinh tế thực chất có thể thực sự yếu nhưng nếu như người tiêu dùng có niềm tin thì họ sẽ vẫn hăng say tiêu dùng và vì vậy vẫn cứ có tăng trưởng.

Trong Marketting, thương hiệu là yếu tố sống còn. Thương hiệu cũng chỉ đơn giản xuất phát từ suy nghĩ của người tiêu dùng về một sản phẩm nào đó. Một suy nghĩ tốt chưa chắc đã phải do bản thân sản phẩm hay dịch vụ tốt mà đơn giản chỉ là họ nghe người ta nói nhiều quá, có những cái họ chưa từng sử dụng để cảm nhận nhưng trong tâm trí họ nó vẫn là một thương hiệu tốt.

Vốn quý nhất của người Nhật Bản là tư tưởng chiến binh Samurai, chiến đấu hết mình, trung thành vì chủ. Hàn quốc có thể nổi lên, có các thương hiệu vượt qua Nhật Bản nhưng về lâu dài còn lâu mới đủ tư cách sánh với Nhật bản. Trung Quốc cũng vậy.

Hôm nay có một bài báo trên vnexpress đăng tin về việc đánh nhau giữa bảo vệ và công nhân trên nhà máy đang xây dựng của Samsung tại Thái Nguyên. Giả sử những thông tin đăng tải về nguyên nhân là đúng và đủ (mà điều này hiếm khi xảy ra với báo chí mạng) thì nguyên nhân cũng chỉ vì công nhân không đeo thẻ nên không được qua cổng; muốn qua cổng, bảo vệ không cho nên đánh nhau. Lý do đánh nhau không phải là “không đựoc vào cổng” mà đơn giản là cái tôi của mỗi người quá lớn cộng với tính vô kỷ luật vốn đã là thương hiệu của người lao động Việt Nam.

Thủ tướng Chu Dung Cơ của Trung Quốc có một bài “Hiểu đời” rất hay nhưng chắc không ai có thể có nổi một bài “Hiểu người” vì mỗi người chúng ta đều đang vận hành theo những nguyên tắc phi lý trí; đặc biệt là người Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hiểu người khó nhưng hiểu chính mình cũng khó không kém. Ta là ta ấy thế mà nói thật là ta như thế nào thì quá nửa chúng ta không hiểu hết được.

Trong con người ta có phần Người và phần Vật; chúng điều chỉnh suy nghĩ của chúng ta. Phần Người khuyên bảo chúng ta hành xử theo đạo lý, pháp lý; phần Vật khuyên bảo chúng ta hành xử theo các thói quen vốn dĩ đã có từ thời chúng ta còn là người vượn.

Tôi nghĩ cơ bản là chúng ta luôn vận hành tự nhiên theo phần Vật vì khi hành xử theo phần người là chúng ta đều đang đi ngược quy luật và vì vậy phải cố gắng và phải trả giá.

Xét về ngắn hạn phần Vật cho chúng ta sự sung sướng, nhàn hạ ở hiện tại nhưng nó rất có hại cho dài hạn. Bạn có thể ngủ và chơi cả ngày, bạn thư giãn ở hiện tại nhưng rõ ràng là không có lợi cho dài hạn. Và về dài hạn bạn sẽ phải trả giá.

Cũng như vậy, những cơn nóng giận ở hiện tại thường đưa tới những hành động sai lầm phải nuối tiếc trong tương lai.

Ai trong chúng ta, kể cả bậc vĩ nhân thì cũng đều tồn tại phần Vật; khác biệt là trong số hai kẻ đó, ai là kẻ chiến thắng, Phần Người hay phần Vật? Chúng ta thực sự đang bị cái gì chi phối mỗi hành động hàng ngày? Nếu không tĩnh tâm mà suy nghĩ thì rồi một lúc nào đó tỉnh ngộ ra thì đã muộn.

Trong những sai khiến của phần Vật thì có những sai khiến rất dễ nhận ra nhưng cũng có những sai khiến vô cùng khó nhận ra và khó kiểm soát.

Tôi nghĩ kết quả của phần Vật tệ hại nhất là sinh ra một cái “Tôi” quá lớn.

Từ khi sinh ra chúng ta đã được sống trong một môi trường đầy tự hào của một dân tộc chíến thắng cả đế quốc và thực dân. Chúng ta được củng cố hàng ngày rằng dân tộc ta là một dân tộc thông minh, là một dân tộc không bao giờ trùn bước trước khó khăn,….

Nếu như cái này cộng với một môi trường kinh tế, chính trị, xã hội tốt thì không sao; nhưng vì tất cả đều tệ hại nên nó thành một điểm yếu của chúng ta. Ra đường chỉ cần thấy đối phương tỏ ra không tôn trọng một tí là sừng cổ lên, và đánh nhau, rồi có thể dẫn tới cả án mạng.

Ở nhà thì vợ chồng không nhường nhịn nhau; ai cũng muốn phải là nhất; ai cũng muốn được tôn trọng, chẳng ai nhường ai, đâm ra sinh ra cãi nhau, đánh nhau, bỏ nhau.

Trong môi trường công ty; mình nghĩ mình quan trọng, không có mình thì công ty khó tồn tại. Tất nhiên tôi ý thức được từ rất lâu rồi là nếu có vắng tôi thì trái đất vẫn cứ quay, mặt trời vẫn cứ mọc từ đằng đông đều đặn vài tỷ năm nữa và đương nhiên công ty vẫn cứ tồn tại.

Mọi đối tượng trong thế giới này nghe có vẻ liên kết với nhau theo kiểu không có đất làm sao có cây, không có thực vật làm sao có động vật,…nhưng thực ra nếu một cái mất đi thì tự nhiên, xã hội sẽ tự động điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới. Thế giới này chắc chắn sẽ không sụp đổ nếu thiếu một cá nhân, một tập thể hay toàn bộ loài người đi chăng nữa.

Cái tôi quá lớn còn sinh ra rất nhiều tật xấu khác như hưởng thụ cá nhân, không kiểm soát được cảm xúc, hành xử theo kiểu mình là cái rốn của vũ trụ, chủ quan duy ý chí,..

Giải pháp cho việc này là giảm cái tôi xuống; giảm cái tôi xuống không có nghĩa là trở thành người tự ti; mà đơn giản là giảm tầm quan trọng của chính mình, giảm đòi hỏi, giảm kỳ vọng nhưng vẫn hiểu mình đang thực sự ở đâu và mình đáng được hưởng những gì. Cái này luôn luôn khó vì sở trường ngụy biện của chúng ta luôn được dịp mang ra sử dụng trong những tình huống kiểu này.

Giảm cái tôi xuống sẽ giúp chúng ta luôn ở trạng thái học hỏi người khác, tiếp nhận những ý kiến khó nghe của người khác về mình. Chẳng ai có thể học được thêm bất cứ cái gì khi nghĩ mình đã biết đủ, mình giỏi nhất, mình thiên tài.

Tri thức nhân loại là vô cùng; biết càng nhiều càng sâu sẽ giúp ta phân định rõ cái nào đúng cái nào sai, cái nào nên làm cái nào không nên làm. Xây dựng cho mình một nền tảng văn hóa vững chãi cộng với chuyên môn giỏi là điều kiện cần và đủ nếu muốn có thành công lâu dài.

Thấu hiểu chính mình là biết được cái “tôi” của ta đang ở đâu. Biết tật xấu nổi bật của ta là gì; biết ta đang hành xử theo những thói quen chủ đạo nào, biết điểm tốt của ta là gì, biết nền tảng văn hóa của ta đang ở đâu,… Tóm lại là đặt ta về đúng vị trí của ta một cách khách quan nhất.

Các bước tiếp theo của Quản trị cuộc đời là nếu ai muốn nghiên cứu , có đầy trên mạng:

– Xác định hoài bão, lẽ sống: không phải những thứ to tát mới đáng làm hoài bão. Chỉ cần bạn đừng gây hại cho ai thì đã là tốt lắm rồi.

– Chiến lược cuộc đời: Làm sao để đạt tới hoài bão 🙂

– Xác định năng lực cốt lõi: ta thực sự giỏi cái gì

– Xác định giá trị cốt lõi hay còn gọi là nguyên tắc sống: Cái ta sẽ không bao giờ vi phạm trong cuộc sống. Nó là nguyên tắc sống nằm trong đạo lý.

 

Nhưng quan trọng nhất, nếu như không hiểu mình thì cũng như con thuyền giữa dòng để cho ngoại cảnh tác động hàng ngày mà thôi.

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here