Trong một tập thể, khi một ý kiến nêu ra ngay lập tức được sự ủng hộ hoàn toàn hoặc là cũng có thắc mắc nhưng yếu ớt, hoặc một cuộc bỏ phiếu mà 100% người về một phía thì có tốt không? Liệu đó có phải là dấu hiệu của sự đoàn kết? của một sự thống nhất cao độ?
Khi ta gần như mặc nhiên đồng ý với những thứ xung quanh ta mà không hề phán xét hoặc không bao giờ suy nghĩ ngược lại thì đó có phải là ta đang thuận theo tự nhiên, là có ích cho chính chúng ta?
Câu trả lời là không. Một tập thể mà bất cứ vấn đề gì nêu ra đều nhận được sự ủng hộ cao thì hoặc là tất cả đều tiến về phía trước hoặc là tất cả cùng đang lùi về phía sau. Ngược lại một cuộc họp nảy lửa không có nghĩa là nó thể hiện tính thiếu đoàn kết trong nội bộ mà nó là cơ hội để cho tập thể đó suy nghĩ nhiều chiều nhằm lựa chọn ra cách tốt nhất.
Trong cuốn “Quốc gia khởi nghiệp” có nói tới một trong những bí quyết thành công của người Israel đó là văn hóa phản biện. Văn hóa phản biện được nuôi dưỡng trong một công ty tới mức mà bất cứ ai cho dù là nhân viên cấp thấp nhất cũng có thể đứng lên tranh luận với một vị tổng giám đốc, không có phân biệt thứ bậc khi tranh luận. Tương tự ngoài chiến trường, một người cấp bậc thấp hơn có thể không theo lệnh của cấp trên khi cần. Văn hóa này kích thích việc khởi nghiệp, không ai phản đối những người nghĩ khác.
Ở Việt Nam thì ngược lại, văn hóa phản biện cấp quốc gia cũng chỉ mới hình thành vài năm gần đây. Ở cấp công ty, sếp bảo gì cấp dưới cấm cãi, cãi thì bảo bất nghĩa. Ở nhà thì bố mẹ nói gì con cứ làm thêm; ngược lại thì bảo bất hiếu. Ở trường thì thầy cô bảo có sai cũng không được có ý kiến, nếu không thì bảo không tôn sư, bất kính. Trong một dòng họ thì thứ bậc càng được sắp xếp một cách ngay ngắn nhằm đảm bảo rằng mọi thứ phải có “tôn ti trật tự”. Văn hóa Việt Nam không nuôi dưỡng tinh thần phản biện.
Điều này làm cho những người muốn khởi nghiệp vừa gặp khó khăn về nhận thức của chính bản thân vừa gặp khó khăn về dư luận. Cứ làm cái gì khác đi một tí là thể nào cũng có một tập thể những người dỗi hơi thuyết phục bằng được là đừng có làm, cứ như tiền và cuộc sống của mình là của họ.
Tư duy phản biện hay còn gọi là tư duy phê phán khác hoàn toàn với phá đám hay bàn lùi. Người bàn lùi thì là bàn ngược nhưng chẳng qua là để thỏa mãn cái tôi cá nhân chứ không phải vì tập thể. Kiểu những câu thế này :
” Tôi thấy rằng ý kiến của anh rất hay nhưng có một cái gì đó không ổn” (nhưng tôi không rõ là cái gì không ổn)
“Tôi cho rằng cái chúng ta đạt được không xứng đáng với tiềm năng” (nhưng nếu cho tôi làm lại thì tôi không biết cách nào có thể làm tốt hơn mà tiềm năng là gì tôi cũng không rõ)
“Tôi cho rằng cách làm này của chúng ta sẽ không đi đến đâu” (nhưng tôi không biết lý do và tôi cũng chưa tìm ra cách làm khác)
Người có tư duy “bàn lùi” ngay lập tức sinh ra ý kiến ngược lại với số đông. Nếu người ta bảo rẽ phải thì mình bảo rẽ trái, nếu người ta bảo rẽ trái thì mình bảo rẽ phải. Có nghĩa là họ chỉ muốn khẳng định rằng ý kiến của mình là quan trọng để thỏa mãn cái tôi mà không xuất phát từ mục tiêu cao cả nào đó.
Tư duy phản biện hay tư duy phê phán cùng là cùng một ý nghĩa như nhau. Nhưng chữ “phê phán” thường mang nghĩa tiêu cực. Chữ “phản biện” dùng đúng hơn.
Theo tôi Tư duy phản biện (Critical Thinking) có thể tách làm hai:
– Tư duy tự phản biện
– Tư duy phản biện ngoại cảnh.
Tự phản biện là tự mình phản biện những ý nghĩ, hành động của chính bản thân mình. Con người ta có xu thế phê phán người khác chứ ít khi tự phê phán chính mình. Khi trong đầu ta phát sinh một ý kiến ta có xu thế bảo vệ ý kiến đó thay vì tự mình đào đi đào lại ý kiến đó để nó ngày càng tốt hơn.
Khi ta quyết định làm cái gì đó ít khi ta tự đặt câu hỏi “Điều đó có đáng làm không?”, “Nếu làm điều đó thì sẽ ảnh hưởng tới ai?”, “Đây có phải cách làm tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại?”
Khi một ai đó phản biện ý kiến của ta thì ta có xu thể chống lại trước khi suy nghĩ kỹ về ý kiến của họ.
Đại loại chúng ta tự xây dựng một cơ chế tự bảo vệ chính mình chống lại ngoại cảnh cũng như chống lại chính những ý kiến của chúng ta.
Tư duy phản biện ngoại cảnh là việc tiếp nhận những thông tin ngoại cảnh một cách nhiều chiều, không dễ dãi.
Người có tư duy phản biện có những khả năng sau đây:
– Khả năng quan sát : Quan sát ở đây không phải chỉ là nhìn mà phải là hiểu. Mỗi người có một trình độ khác nhau trong việc “nhìn hiểu” cũng tương tự như “Nghe” và “Nghe hiểu”, “Đọc” và “Đọc hiểu”. Kết quả của quan sát là ta hiểu được bản chất đằng sau vẻ bề ngoài của sự vật, hiện tượng.
Tư duy phản biện bắt nguồn tự việc mỗi sự vật hiện tượng đều có tính hai mặt. Tư duy phản biện giúp nhìn mặt mà ít người thường nhìn.
– Luôn luôn tò mò và đi tìm kiếm câu trả lời: Sau khi hiểu được bản chất ta bắt đầu nhìn nó dưới nhiều góc độ khác nhau. Lúc này các câu hỏi sẽ rất có ích đặc biệt là câu hỏi Tại sao? Làm thế nào? Quan trọng là bạn phải hướng ngược lại so với xu thế chung. Nếu chỉ đặt câu hỏi mà không chủ động đi tìm câu trả lời thì bạn sẽ được xếp vào loại đa nghi, phá đám, bàn ngược.
– Luôn nghi ngờ: đặc biệt là sự vật hiện tượng đó bạn mới gặp lần đầu. Một phát ngôn từ người mà bạn thiếu tin tưởng đương nhiên sẽ phải được soi xét kỹ hơn so với một người mà bạn đã hoàn toàn tin tưởng.
– Có tư duy logic: Tư duy logic là khả năng kết nối các mắt xích tưởng như chẳng có liên kết gì với nhau. Tư duy logic và tư duy phản biện không phải là một mà là bổ trợ cho nhau. Không có tư duy logic thì bạn cùng lắm chỉ đặt ra được câu hỏi chứ khó tự tìm ra câu trả lời. Ngược lại việc sở hữu tư duy phản biện khó hơn nhiều so với tư duy logic.
– Khả năng tự loại “cái tôi” ra khỏi khung cảnh: Khi đánh giá một vấn đề nào đó bạn phải coi bản thân như một anh A nào đó không phải là chính mình. Nếu không chúng ta sẽ dễ bị cảm xúc chi phối. Đây chính là rào cản lớn để có tư duy phản biện và biến nó thành có ích cho chính bản thân.
– Kỹ năng ra quyết định: ra quyết định là một quy trình bao gồm: 1.Gọi tên vấn đề, 2. Tìm kiếm các đối tương liên quan tới vấn đề, 3. Tìm nguyên nhân, 4. Tìm giải pháp, 5. Tổ chức thực hiện. Khi bạn phát ngôn ra là “chúng ta nên làm thế này” thì trong đầu bạn phải hình thành đầy đủ các thông tin trong tiến trình ra quyết định rồi. Nó sẽ giúp cho ý kiến của bạn chặt chẽ và có thể tiếp tục tương tác với người khác.
Đặc trưng của một ý kiến phản biện:
Ý kiến phản biện thường là của thiểu số vì đơn giản nếu nó của đa số thì đó là ý kiến chính thống rồi. Người có tư duy phản biện thường đưa các ý kiến trái ngược với suy nghĩ thông thường của nhóm đó. Gộp lại thì dấu hiệu của một ý kiến phản biện là nó là của thiểu số và nó phải không giống với những ý thông thường của nhóm đó, tổ chức đó.
Giá trị của ý kiến phản biện
Ý kiến phản biện có giá trị rất lớn quyết định tới sự thành bại của tổ chức thậm chí là sự tiến bộ của loài người. Bất cứ một ý kiến nào mới lạ mới ra đời đều trước hết là bị đám đông vùi dập, khi ý kiến đó đã tự chứng minh được từ thực tế thì nó mới dần được chấp nhận.
Nếu như bạn là người dẫn dắt tổ chức bạn phải nhìn thấy giá trị của những ý kiến phản biện. Nó không khiến tổ chức thất bại mà chính những ý kiến phản biện sẽ giúp tổ chức tránh khỏi các rủi ro không đáng có, nó giúp thúc đẩy sự cải tiến và sáng tạo. Nếu người quản lý chỉ thích những người lúc nào cũng vâng dạ thì sẽ không thu hút được những người phản biện.
Tôi nghĩ rằng đứng về thứ bậc thì tư duy phản biện phải nằm ở đỉnh cao là sự sáng tạo, mặc dù nó không phải là sáng tạo nhưng nó là chất xúc tác cho sáng tạo.
Để luyện tập Tư duy phản biện bạn phải hội đủ những điều kiện ở trên:
- Luyện khả năng quan sát
- Luôn tò mò và tìm kiếm câu trả lời
- Luôn nghi ngờ
- Luyện Tư duy logic
- Khả năng tự loại cái tôi
- Kỹ năng ra quyết định.
Bài viết rất hay, xúc tích, cô đọng và dễ nhớ.
Cám ơn anh
Thanks
bạn có thể giới thiệu vài cuốn sách nói về tư duy phản biện không? cảm ơn bạn.
Tư duy phản biện nó chỉ là một nguyên lý trong cách nghĩ, nếu thường xuyên áp dụng sẽ thành thói quen trong cách nghĩ, không cần phải đọc sách đâu.
Cho em hỏi: tư duy phản biện có cần thiết trong lĩnh vực kinh doanh, hay chỉ phù hợp với lĩnh vực tâm lý học thôi ạ?
Rất quan trọng trong kinh doanh em ạ.
Các bạn có thể rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện của mình ngay tại trang web: https://toituduy.net . Trang web là tập hợp các bài giảng trong khóa học online trên edX, Triết học và tư duy phản biện (META101x) của trường Đại học Queensland danh giá ở nước Úc. Khóa học không giới thiệu đến các bạn quá nhiều lý thuyết ghê gớm mà dẫn các các bạn rèn luyện (thực hành ngay) kĩ năng tư duy của mình thông qua việc tìm hiểu các vấn đề triết học nổi cộm và học cách lập luận của các triết gia nổi tiếng.
Trang web không truy cập được anh ơi.
Tôi có thể gởi đăng một bài viết phản biện, chống lại thuyết tương đối chăng?
Nguyễn Giang Thành
thanhgn@Hotmail.com
Trước mắt anh có thể gửi mail bài viết về email chienluocsong.com@gmail.com để em đăng lên với tác giả là anh.
Cảm ơn anh.
Cám ơn bài viết của anh, rất hữu ích
^^! cảm ơn về bài viết. tôi đang cố học cách trở thành người tư duy phản biện, nhưng có vẻ mình vẫn là trẻ chưa đứng vững ~~