Trong loạt bài về Hoàn thiện bản thân, tôi đã trình bày lại theo cách hiểu của mình về 4 thói quen trong cuốn “7 thói quen của người thành đạt” bao gồm:
2. Bắt đầu từ mục tiêu đã được xác định
3. Ưu tiên cho điều quan trọng nhất
4. Tổng hợp 3 thói quen đầu và mô thức tương thuộc
Còn 3 thói quen còn lại : 1.Lắng nghe và thấu hiểu; 2. Đồng tâm hiệp lực và 3. Học hỏi phát triển, đã mấy lần tôi bắt đầu viết mà không sao hoàn thiện được để public. Nguyên nhân chủ yếu là khó có thể viết ngắn gọn và dễ hiểu hơn.
“Thói quen thứ 8” ra đời sau cuốn “7 thói quen của người thành đạt“. Cũng giống như cuốn đầu tiên, đây cũng là một cuốn cũng khó đọc không kém. Có thể rằng ta hiểu được từng dòng nhưng khi ghép lại thành một tổng thể thì lại trở nên khó hiểu hoặc hiểu nhưng chẳng biết áp dụng như thế nào.
Cuốn “Thói quen thứ 8” có độ dày bằng cuốn “7 thói quen của người thành đạt” cũng đủ cho ta thấy tính phức tạp của nó rồi.
Ngay ở những trang đầu của cuốn sách tác giả cũng đã đề cập tới việc người đọc cần phải làm sao để có thể áp dụng vào thực tế được. Đó là hãy truyền đạt tới người khác và hãy thực hành ngay khi có thể. Do vậy không phải là tôi hiểu rồi tôi mới viết lại mà tôi sẽ hiểu trong quá trình viết các entry về chủ đề này. Giống như các bạn, hãy đọc với tâm thế phải truyền đạt cho người khác. Nghĩ tới giúp người tự nhiên sẽ giúp được mình.
Con người chúng ta hành động vì muốn thỏa mãn nhu cầu. Hãy nhớ chẳng có ai hành động mà không nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó. Do vậy, người ta có thể điều khiển người khác thông qua việc cấy một nhu cầu nào đó vào trong tâm trí họ. Bản chất của Marketing là tìm ra vấn đề mà khách hàng gặp phải, tạo ra sản phẩm A để giải quyết vấn đề đó, quảng cáo, PR,… để cấy vào đầu óc khách hàng rằng A sẽ giải quyết vấn đề của họ. Họ sẽ tới và mua sản phẩm A.
Có nhiều mô hình về phân loại nhu cầu để giúp ta không bị loạn giữa mê cung các nhu cầu, Tháp nhu cầu Maslow là nổi tiếng nhất. Đây là một cách khác để phân loại.
Con người chúng ta được cấu thành từ bốn phần: 1.Thể chất; 2.Tinh thần; 3.Trí tuệ và 4.Cảm xúc (tâm hồn). Mỗi phần này có những năng lực và nhu cầu khác nhau.
Ngay lúc này đây bạn có thể cảm nhận được sự tồn tại của 4 yếu tố này nhưng khó biết là đang ở cấp độ nào nếu không được thử thách.
Nó tương ứng với các chỉ số đo:
- Chỉ số Thể chất PQ (Physical Quotient)
- Chỉ số Trí tuệ IQ ( Intelligent Quotient)
- Chỉ số Cảm xúc (Tâm hồn) EQ (Emotional Quotient)
- Chỉ số Tinh thần SQ ( Spiritual Quotient)
Cũng giống như việc bạn có thể luyện tập để nâng được các mức tạ cao hơn thì cả 4 yếu tố đều có thể luyện tập để lên các mức cao hơn.
Bốn yếu tố này có các nhu cầu tương ứng tạo nên bốn nhóm nhu cầu chính của con người:
1. Nhu cầu về thể chất
Rất nhiều phần trong cơ thể ta hoạt động một cách tự động nằm ngoài ý thức mà chỉ khi bị bệnh ta mới hiểu được ý nghĩa của chúng. Đó là tim, thận, gan, phổi, bạch cầu, hồng cầu,… Bất cứ khi nào chúng ta đau một cái gì đó chúng ta cố gắng để cho nó trở lại bình thường; còn khi ở trạng thái bình thường ta ít quan tâm.
Có nhiều nhu cầu khác dễ dàng ý thức được, đó là nhu cầu hít thở, ăn, uống để duy trì hoạt động của thể chất.
2. Nhu cầu về trí tuệ:
Ai trong chúng ta chẳng muốn thông minh hơn để có thể giải quyết những vấn đề phức tạp hơn. Thời đại này là thời đại của tri thức; càng ở cấp bậc cao của trí tuệ bạn càng được người ta trả lương cao hơn. Ai cũng hiểu điều đó vì vậy ai cũng muốn ngày một giỏi lên.
Khi một ai đó khen kết quả ta tạo ra, ta cảm thấy vui sướng vì đó là cách mà trí tuệ của ta được người khác công nhận. Khi ta học thêm được một cái mới ta cảm thấy mình như có giá trị hơn.
3. Nhu cầu về cảm xúc (tâm hồn)
Một đứa trẻ lớn lên trong tình yêu của bố mẹ và những người xung quanh sẽ hình thành trong mình một xúc cảm tương tự với những người khác. Ngược lại, một đứa trẻ lớn lên trong sự cay độc, ganh ghét thì cũng sẽ trở thành một người như vậy khi lớn lên.
EQ hiện còn được đánh giá cao hơn cả IQ. Khách hàng mua hàng của bạn không phải vì bạn hiểu biết hơn mà vì bạn làm họ cảm thấy yêu mến hơn. Yêu mến xuất phát từ cảm xúc tốt trong bạn. Một người chứa trong mình những cảm xúc xấu khó làm người khác tin tưởng cho dù anh ta có kỹ năng kiến thức giỏi tới đâu.
4. Nhu cầu về tinh thần
Chúng ta muốn các việc mình làm đều mang lại một ý nghĩa nào đó. Khi bạn nỗ lực để đạt một cái gì đó bạn cảm thấy con người mình có giá trị hơn.
Rất nhiều hoạt động khó khăn thậm chí nguy hiểm trong tiến trình nhưng người ta vẫn cứ làm vì khi tới đích ta cảm thấy mình đã sống có ý nghĩa, đã để lại một “di sản”. Một người leo núi trèo lên đỉnh núi, một người đi trên dây giữa hai tòa nhà chọc trời không dây bảo hiểm, một người thức khuya dậy sớm để xây dựng và duy trì một doanh nghiệp,…
Đỉnh cao của nhu cầu tinh thần là mong muốn tìm được mục đích sống của mình. Trường hợp nữ chiến sĩ công an từ chối ung thư để sinh con là một ví dụ điển hình. Thực tế bố mẹ nào cũng sẵn sàng hy sinh vì con cái, đó là thiên chức tự nhiên trong mỗi chúng ta. Thiên nhiên tạo ra nhu cầu đó nhằm đảm bảo sự tồn tại mãi mãi của mỗi giống nòi.
Nhu cầu tinh thần đương nhiên sẽ là nhu cầu cao nhất là nền tảng cho các nhu cầu khác. Nó sinh ra lòng tự trọng để ta sẵn sàng nhịn đói thay vì ngửa tay xin người qua đường. Nó khiến anh phi công lái máy bay rơi ở Hòa Lạc cố tránh khỏi khu dân cư thay vì tìm cách thoát thân. Nó khiến cho nam sinh ở Đô Lương hy sinh thân mình để cứu 6 em nhỏ. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều tấm gương hy sinh vì người khác khi search trong google.
Sau nhu cầu về tinh thần là nhu cầu về cảm xúc. Nó thể hiện bằng việc bạn sẵn sàng sống trong một gia đình đầy ắp tình yêu thương hơn là trong một gia đình giàu có nhưng mọi người không quan tâm tới nhau. Tình yêu thương có sẵn trong mỗi chúng ta. Nó khiến chúng ta khóc khi đọc về những câu chuyện cảm động. Nó khiến ta vui sướng khi hoàn thành được một công việc khó cho dù chẳng được đồng nào.
Sau nhu cầu về cảm xúc là Trí tuệ. Nó khiến cho bạn bỏ những giờ giải trí để ngồi ở lớp học. Nó khiến bạn phát điên vì vui sướng khi tìm ra được một lời giải cho một vấn đề hóc búa nào đó. Nó giúp bạn cảm thấy thỏa mãn khi có thể nhìn ra nhiều thứ mà người khác không nhìn được.
Nhu cầu bậc thấp nhất là về thể chất nhưng nó lại mang tính cấp bách ngay lập tức vì vậy ta hay bị cuốn vào. Tới bữa ăn ta cần phải ăn; ăn no rồi thì phải ăn ngon; ăn ngon rồi thì phải ăn ngon hơn nữa. Nhưng ta có thể dùng sức mạnh của ý chí thuộc yếu tố của tinh thần để có thể tồn tại qua bữa trưa đơn giản vì nhu cầu tinh thần nằm phía trên nhu cầu thể chất.
Sự phát triển của nhân loại là theo chiều ngược : Thỏa mãn tinh thần -> Thỏa mãn tâm hồn -> Thỏa mãn trí tuệ -> Thỏa mãn thể chất. Tổ tiên chúng ta thỏa mãn nhu cầu tinh thần; còn chúng ta ngày nay lại theo đuổi việc thỏa mãn nhu cầu thể chất là chính. Tuy nhiên sau một thời gian thỏa mãn thể chất họ mới nhận thức được ý nghĩa của các nhu cầu trên vì vậy lại đi ngược lại lên trên.
Bạn để ý là các cặp đôi đến với nhau thuần túy là tình yêu thông qua sự hòa hợp về tinh thần và tâm hồn thường bền lâu hơn rất nhiều so với việc đến với nhau vì anh hay chị kia tài giỏi hay nhiều tiền. Đến với nhau ở nhu cầu cao thì lâu dài sẽ thỏa mãn ở nhu cầu thấp; nhưng nếu đến với nhau ở nhu cầu bậc thấp rất khó để thỏa mãn được nhu cầu bậc cao về dài hạn. Tạo hóa tạo ra khái niệm Tình yêu cũng có cái lý của nó. Nó giải thích tại sao các nhân vật nổi tiếng đến với nhau nhanh mà chia tay cũng nhanh.
Một tổ chức đặt yếu tố tinh thần, cảm xúc lên trên thường sẽ tạo ra sự gắn bó tốt hơn là một tổ chức chỉ coi trọng hai nhu cầu phía dưới.
Trong một tổ chức, nếu mỗi nhân viên được thỏa mãn nhu cầu ở bậc nào thì sẽ phát triển ở mức độ tương ứng:
- Anh ta được trả lương công bằng ( với chính anh ta và với người khác)
- Được mọi người tôn trọng ý kiến, được hướng dẫn dạy bảo (thỏa mãn về trí tuệ)
- Được mọi người yêu mến, tôn trọng (thỏa mãn về cảm xúc)
- Giá trị của anh ta làm ra được mọi người công nhận (thỏa mãn tinh thần).
Khi một nhu cầu cho yếu tố nào đó không được thỏa mãn anh ta sẽ bị giảm dần cấp độ của yếu tố đó.
Khi không ai tôn trọng ý kiến, anh nói ra chẳng ai nghe thì anh hình thành thói quen không nghĩ ngợi nhiều để đưa ra ý kiến riêng, không còn muốn học hỏi để có thể có được ý kiến ngày càng tốt hơn, người ta bảo gì anh làm lấy. Dần dần năng lực trí tuệ của anh bị giảm sút tới mức mà thực sự là anh không còn có thể đưa ra các ý kiến có giá trị nữa.
Khi người ta không quan tâm tới việc anh cảm thấy như thế nào thì anh không còn muốn biểu hiện cảm xúc ra bên ngoài nữa; anh dửng dưng với những thứ xung quanh. Năng lực cảm xúc của anh vì thế mà cũng ngày một kém đi.
Khi người ta yêu thương anh, anh mới có thể xây trong mình lòng yêu thương với những người khác. Bạn đồng cảm với những người gặp những cảnh ngộ đáng thương, một phần vì đó là tố chất sẵn có trong con người bạn, một phần vì bạn đã từng trải qua những tình huống mà bạn nhận được sự thương cảm của những người khác. Tình yêu với đồng loại sẽ không thể được hình thành trong một xã hội mà vốn đã không có tình yêu rồi.
Như vậy chúng ta lại đi tới bài toán quả trứng và con vịt. Được thỏa mãn nhu cầu mới có thể gia tăng năng lực nhưng năng lực phải đủ thì mới được thỏa mãn nhu cầu. Người bình thường sẽ loanh quan trong vòng tròn không thoát ra được. Người thành công là người bất chấp việc không thỏa mãn nhu cầu để gia tăng năng lực.
Anh ta tiếp tục giúp đỡ người khác ngay cả khi không được trả ơn, thậm chí gặp phiền toái.
Anh ta tiếp tục học hỏi cho dù ý kiến của anh ta không được người khác tôn trọng.
Anh ta tiếp tục làm việc hiệu quả ngay cả khi không được trả công xứng đáng.
Anh ta tiếp tục tin vào mục đích sống của mình mặc dù chẳng nhận được kết quả như kỳ vọng.
Phần 2: Bốn năng lực của con người