Quản trị kinh doanh (P6: Rủi ro khi thực hiện quyết định)

0
6724
5/5 - (11 votes)

Rủi ro là những sự kiện không mong muốn xảy ra mang lại thiệt hại trong quá trình thực hiện. Các sự kiện rủi ro đến từ chủ quan cũng như khách quan.

Trong quá trình xây dựng một toà nhà, một người công nhân do bất cẩn rơi từ trên cao xuống chết có thể làm đình chỉ cả dự án. Đó là một rủi ro có thể gọi tên nhưng không thể dự báo, người ta chỉ biết rằng sự kiện đó có thể xảy ra nhưng không thể dự báo lúc nào nó sẽ xảy ra. Đây hoàn toàn là một sự kiện xấu xảy ra do chủ quan.

Trong quá trình xây dựng toà nhà đột nhiên thị trường nhà đất đóng băng, giá nhà giảm mạnh ảnh hưởng tới mục tiêu lợi nhuận của Dự án. Dự án bị đình chỉ do chủ đầu tư thiếu vốn. Đó cũng là một sự kiện có thể gọi tên nhưng không thể dự báo, người ta chỉ có thể biết được mức độ ảnh hưởng của sự kiện tới Dự án nhưng không thể dự báo lúc nào nó sẽ xảy ra và với mức độ nào. Đây là một sự kiến xấu xảy ra do khách quan.

Mỗi một quyết định có thể dẫn tới các rủi ro khác nhau. Ví dụ như việc đi ô tô riêng từ Hà nội đi Hải phòng có thể mang lại sự tự chủ nhưng có thể có rủi ro bị công an phạt vì phạm lỗi giao thông mà nếu đi bằng xe khách sẽ tránh được.

Mặc dù mỗi quyết định đều ần chứa rủi ro nhưng mức độ rủi ro có thể phân chia như sau:

– Một quyết định dẫn tới phá sản doanh nghiệp:

Thông thường đó là các quyết định mang tính chiến lược cấp công ty. Quyết định sai lầm này thường xuất phát từ việc dự báo không chính xác ví dụ như dự báo rằng sản phẩm A sẽ được thị trường chấp nhận vì vậy đầu tư mọi nguồn lực vào đó nhưng sau đó lại không được chấp nhận. Dự báo rằng sản phẩm B đang ở giai đoạn tăng trưởng trong khi nó đang bước vào giai đoạn cuối của bão hoà,…

– Một quyết định dẫn tới thiệt hại nhiều hơn là được lợi:

Xuất phát từ việc dự báo chi phí và lợi ích không đầy đủ. Doanh nghiệp dự tính sản phẩm sẽ mang lại doanh thu là 100 đ vì vậy chấp nhận bỏ ra chi phí 90 đồng nhưng thực tế doanh thu chỉ có 80 đồng.

– Một quyết định mà rủi ro xảy ra không thể dự báo

Một quyết định có thể dự báo nhưng vì đánh giá xác xuất xảy ra thấp nên người quyết định bỏ qua hoặc có thể người ra quyết định không nhận biết được là có rủi ro đó. Một rủi ro không thể dự báo mang lại các thiệt hại ở rất nhiều cấp độ khác nhau và thường là mang yếu tố khách quan.

Ví dụ như cho dù bạn đi trên đường rất cẩn thận nhưng vẫn có thể gặp tai nạn không may do một cái ô tô mất lái tại dúng thời điểm đó. Bạn không thể kiểm soát được nguyên nhân trong trường hợp này, chỉ là không may mà thôi.

Thông thường chúng ta có thể tìm cách tránh xa môi trường nơi mà tần xuất xuất hiện các rủi ro không thể dự báo cao hơn bình thường. Ví dụ nếu như bạn thường xuyên phải di chuyển trên đường quốc lộ từ nhà tới công ty thì xác xuất gặp rủi ro một chiếc ô tô mất lái cao hơn là bạn di chuyển trong nội thị.

 

Một rủi ro xuất hiện phụ thuộc vào ba nguyên nhân chính 1. Mức độ đầy đủ và chính xác của thông tin, 2.Năng lực dự báo và 3. Vấn đề có nghiêm trọng hóa theo thời gian?

1. Rủi ro tỷ lệ thuận với mức độ đầy đủ và chính xác của thông tin

Mong muốn của người ra quyết định là luôn muốn có đủ thông tin nhưng có những thông tin không thể thu thập được hoặc thu thập với chi phí lớn. Ví dụ DN luôn muốn tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh xem họ mạnh ở điểm nào, họ có bao nhiêu nhân sự và trình độ ra sao,..Nhưng những thông tin đó là cực khó để có được.

Khi có thông tin rồi thì nếu thông tin đó không chính xác hoặc việc phân tích không đúng có thể ảnh hưởng tới mức độ rủi ro gặp phải. Ví dụ như việc nghiên cứu chỉ ra rằng mức giá 14.000đ là khách hàng sẵn sàng chấp nhận nhưng thực tế khách hàng chỉ chấp nhận mức giá 10.000đ. DN sx ra sản phẩm A có chi phí bình quân là 9000 đ và bán ở mức giá 14.000 vì nghĩ rằng khách hàng sẽ chấp nhận.

Giá vàng đang ở mức 48tr/lượng; bạn có 10 lượng vàng mua cách đây 1 tháng với giá 45tr. Bạn cần ra quyết định là nên bán hay tiếp tục giữ. Lúc này dữ liệu bạn có tương đối đủ nhưng đó chỉ là dữ liệu chưa qua xử lý, dữ liệu này đòi hỏi phải được phân tích để trở thành thông tin thứ cấp nhằm giúp ra quyết định. Chất lượng phân tích sẽ quyết định tới thông tin có được làm thay đổi hoàn toàn quyết định.

quan tri kinh doanh p6- ra quyet dinh Thông tin càng đầy đủ, càng chính xác thì rủi ro càng ít. Thông tin càng thiếu, càng kém chính xác thì càng nhiều rủi ro.

Đồ thị Thông tin thể hiện rằng càng về sau thì thông tin thu thập được càng khó khăn hơn. Đồ thị rủi ro thể hiện rằng càng về sau lượng thông tin thu thập thêm càng kém ảnh hưởng hơn, có nghĩa là rủi ro cận biên giảm dần.

Để có đủ thông tin và thông tin chính xác thì đòi hỏi chi phí và thời gian. Tuy nhiên ta sẽ bàn tới sau này ở điểm là không phải lúc nào ta cũng có nhiều thời gian phục vụ cho việc ra quyết định.

Người ra quyết định phải lựa chọn điểm dừng tại nơi mà thông tin có được có thể ra quyết định có rủi ro nếu xảy ra thì cũng có thể chấp nhận được. Điểm cân bằng là điểm mà chi phí cho việc thu thập thêm 1 đơn vị thông tin bằng với chi phí phải bỏ ra để xử lý rủi ro phòng tránh được nhờ 1 đơn vị thông tin đó.

 

2. Năng lực dự báo

Có tới 80% vấn đề mà ta gặp phải đều tự nó giải quyết theo thời gian mà không cần bất cứ hành động nào của chúng ta. Đúng hơn đó không phải vấn đề nhưng vì thiếu thông tin nên ta đã coi đó là vấn đề và cố gắng giải quyết nó.

Có những sự kiện xảy ra ta cho rằng đó là rủi ro nhưng thực ra nó lại là cơ hội. Nếu ta biết điều chỉnh hành động kịp thời, nhìn nhận sự kiện rủi ro ở góc độ tích cực ta sẽ có thể biến vận rủi thành vận may.

Đôi khi chúng ta chỉ cần thay đổi chuẩn so sánh thì một vấn đề sẽ không còn là vấn đề nữa. Ví dụ như hàng xóm của ta rất hay làm ồn trong khi tiêu chuẩn của ta là hàng xóm phải yên tĩnh; đó là vấn đề mà ta phải giải quyết. Nếu chuẩn bây giờ là cho dù  ta ở đâu trên cái thành phố chật hẹp này thì cũng khó tránh khỏi tiếng ồn, ta hãy thoải mái và quên nó đi. Thay vì bực tức khi nghe tiếng ồn, bạn trở nên bình tĩnh và dần dần không còn để ý tới nó nữa. Một vấn đề đã được giải quyết nhờ thay đổi chuẩn.

Nếu như bạn cho rằng chồng bạn phải có mặt ở nhà trước 17h30 thì việc anh ta về lúc 18h00 rõ ràng là vấn đề. Nếu bạn thay đổi chuẩn là 18h00 thì vấn đề đã được giải quyết. Việc thay đổi chuẩn nhờ vào việc bạn xem xét lại tính khả thi của việc thực hiện theo chuẩn.

Cực đoan thì giống như AQ. Khi người ta chửi AQ ban đầu AQ cũng lao vào đánh để giải quyết vấn đề tư cách bị xâm phạm và để lần sau người ta không chửi nữa. Nhưng sức người có hạn sau vài lần không thành công, AQ chuyển sang hướng phân tích dữ liệu sai lệch, khi nghe chửi AQ suy luận ra là nó chửi bố nó chứ không phải chửi mình. Sau một thời gian thì người ta chẳng buồn chửi AQ nữa và vấn đề đã được giải quyết.

20% còn lại đòi hỏi người ra quyết định phải có những quyết định đúng đắn nếu không vấn đề sẽ không được giải quyết. Lúc này người ra quyết định phải dự báo được tất cả các tình huống khi mà quyết định này được ban hành ra. Thông thường kèm theo một bản kế hoạch luôn là là một Bản quản lý rủi ro trong đó có dự kiến tất cả các tình huống xấu có thể xảy ra, các cách phòng tránh rủi ro và các hành động sẽ thực hiện khi rủi ro xảy ra để giảm thiểu thiệt hại.

3. Vấn đề có trở nên nghiêm trọng hóa theo thời gian?

Trái lại với tình huống một vấn đề tự nó giảm nhẹ đi tới biến mất theo thờii gian thì là vấn để trở nên nghiêm trọng hóa theo thời gian.

Ví dụ như bạn gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, giải pháp ở đây là phải tập chạy mỗi ngày 30 phút nhưng bạn cứ chần chờ mãi mà chưa quyết định lúc nào thì bắt đầu. Sức khỏe của bạn ngày càng nghiêm trọng và có khi trong tương lai việc tập chạy lại không còn phù hợp nữa.

Một doanh nghiệp gặp một sự kiện khủng hoảng thông tin cụ thể là trên facebook lan truyền một tin tức về một khách hàng đã phát hiện trong một hộp sữa của hãng có nhiều sinh vật kỳ lạ. Thời gian càng trôi đi thì vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do số lượng người biết nhiều lên và khách hàng càng trở nên bức xúc hơn. Lúc này DN phải phản ứng càng nhanh càng tốt, nếu còn mất thời gian họp hành xin phương án thì  có khi khi ra giải pháp thì khách hàng đã quay đi hoàn toàn rồi và khi trong đầu khách hàng đã bị ám ảnh bởi một hình ảnh xấu thì cho dù có đính chính thì cũng không thể thay đổi.

Như vậy cũng giống như mọi hành động khác việc ra quyết định cũng phải có một mục tiêu chót về mặt thời gian để tránh việc chúng ta sa lầy vào tìm kiếm thông tin.

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here