Quản trị chiến lược (P3: Chiến lược cạnh tranh theo Michael Porter)

16
64503

Quản trị chiến lược (P1: là gì? )

Quản trị chiến lược (P2: Chiến lược cấp đơn vị KD chiến lược SBU)

———————————————————————————————————————–

Chiến lược cạnh tranh là gắn với đơn vị kinh doanh chiến lược SBU. Nếu như công ty chúng ta là một SBU thì đó cũng chính là chiến lược của công ty.

Phân biệt các định nghĩa có liên quan:

– Cạnh tranh: là sự đấu tranh dành giật giữa các đối thủ về khách hàng (thị trường) và các nguồn lực. Đặc điểm của cạnh tranh là 1.liên tục 2.Cường độ gia tăng theo thời gian và 3. Phạm vi ngày càng mở rộng.

Ngày xưa cạnh tranh ở địa phương, ngày nay cạnh tranh trên phạm vi toàn thế giới.

Ngày xưa cạnh tranh ít vì ít công ty, ngày nay cạnh tranh nhiều do nhiều công ty.

Ngày xưa các nguồn lực còn nhiều, ngày này các nguồn lực khan hiếm đòi hỏi phải tranh dành mới có được.

– Cường độ cạnh tranh: Mỗi ngành, mỗi khu vực có cường độ cạnh tranh khác nhau. Cường độ cạnh tranh ám chỉ mức độ dành giật giữa các đối thủ biến đổi phụ thuộc vào quan hệ Cung-Cầu.

– Đối thủ cạnh tranh: là các doanh nghiệp cùng bán sản phẩm có tính thay thế sản phẩm của ta trong cùng một thị trường.

Ngày xưa đối thủ nằm trong địa phương, ngày nay đối thủ có thể là một công ty ở bên kia trái đất.

– Năng lực cạnh tranh: là khả năng duy trì và mở rộng thị phần của Doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh được tạo bởi năng lực cạnh tranh của sản phẩm, kênh phân phối, tài chính, uy tín, thương hiệu, ..

Năng lực cạnh tranh của sản phẩm được quyết định bởi các yếu tố Chiến lược của sản phẩm, giá cả, sự đa dạng về chủng loại mẫu mà của sản phẩm.

– Lợi thế cạnh tranh: khi theo đuổi chiến lược cạnh tranh thành công doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh. Ví dụ nếu doanh nghiệp theo chiến lược cạnh tranh chi phí thấp thì doanh nghiệp sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh là giá sản phẩm rẻ hơn so với đối thủ.

Theo Michael Porter có 3 chiến lược cơ bản như sau:

1. Dẫn đầu về chi phí

Giải pháp của DN là giảm tối đa chi phí để có được giá bán thấp hơn đối thủ. Muốn có chi phí thấp thì DN phải tận dụng 1.Lợi thế của sự học hỏi và 2.Lợi thế về quy mô.

Để có thể tăng quy mô có nghĩa là tăng số lượng bán ra DN sẽ bán ở phạm vi rộng có nghĩa là gộp các phân khúc thị trường nhỏ vào thành phân khúc lớn. Ví dụ thay vì tạo ra các loại mỳ cho mỗi sở thích khách hàng thì chỉ tạo một loại mì mà khách hàng nào cũng có thể chấp nhận. Nhờ vậy thay vi chỉ tập trung phục vụ 10 khách hàng thì nay họ hướng tới phục vụ 100 khách hàng.

Do lặp đi lặp lại sản xuất một sản phẩm nên DN sẽ liên tục cải tiến quy trình; nhân sự sẽ thành thạo hơn,… làm cho năng suất lao động tăng lên.

Trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì DN buộc phải theo hình thức này.

2. Khác biệt hóa

Mục đích của chíến lược khác biệt hóa là để tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng việc tạo ra sản phẩm/dịch vụ có sự khác biệt mà sản phẩm đối thủ không có trong khi khách hàng coi trọng và sẵn sàng trả tiền cao hơn để mua.

Khác biệt hóa đến từ 1.Chất lượng 2. Đổi mới và 3.Thích nghi với khách hàng.

Các dạng khác biệt hóa có thể là 1.Công dụng; 2. Kiểu dáng; 3. Cải tiến; 4. Dịch vụ đi kèm

Công ty vẫn có thể bán ở thị trường rộng nhưng tạo ấn tượng trong đầu khách hàng về có các sản phẩm chất lượng hơn hẳn đối thủ như đối với Honda, Sony,..

Sản phẩm liên tục đổi mới đặc biệt là sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh, ô tô, xe máy,…

Công ty sẽ chia khách hàng ra nhiều phân khúc để sản phẩm/dịch vụ của mình thỏa mãn đầy đủ nhu cầu khách hàng phân khúc đó.

Hai dạng khác biệt hóa:

– Khác biệt hóa phía trên: DN đưa ra một sản phẩm độc đáo được khách hàng đánh giá cao nhờ vậy bán giáo cao hơn bình thường. Chi phí để tạo cho sự cao hơn phải thấp hơn chi phí tăng thêm.

– Khác biệt hóa phía dưới: DN loại bỏ một số tính chất nào đó mà khách hàng đánh giá không cao nhờ vậy có thể giảm được chi phí. Chi phí giảm được phải lớn giá bán bị giảm.

Rủi ro khi theo đuổi khác biệt hóa:

– Khách hàng không đánh giá cao sự khác biệt

– Giá bán quá cao, không xứng đáng với sự khác biệt

– Khách hàng không được truyền thông để nhận biết sự khác biệt.

– Chi phí tạo ra khác biệt lớn hơn giá bán.

3. Chiến lược tập trung hóa

Công ty chỉ tập trung phục vụ cho một phân khúc thị trường rất nhỏ. Tại phân khúc này công ty sẽ thực hiện kết hợp với chi phí thấp hoặc khác biệt hóa.

Lợi thế của công ty theo chiến lược này là họ rất hiểu khách hàng, các công ty khác khi nhảy vảo phân khúc này hoặc là sẽ không thể chịu nổi giá bán đó hoặc không thể tạo ra sự khác biệt mới để chiếm khách hàng. Các công ty lớn có tiềm lực cũng sẽ không buồn tấn công vào phân khúc nhỏ đó vì không bõ công.

Không theo chiến lược nào thì không có chiến lược mà cũng không thể theo cả ba chiến lược vì mỗi chiến lược đòi hỏi cách thức làm khác nhau.

 

Các phương án kết hợp:

quan tri chien luoc p3 1Quy mô rộng có nghĩa là SBU hướng tới thị trường rộng. Khi DN theo chiến lược dẫn đầu về chi phí thấp ở một quy mô rộng thì nhược điểm là khó cạnh tranh với các DN có chiến lược tập trung vào các phân khúc xác định (tạo lên thị trường) vì vậy phải là doanh nghiệp lớn mới có thể áp dụng chiến lược này.

1. Chiến lược chi phí thấp quy mô rộng hay cũng có thể gọi là Chiến lược giá thấp trên toàn bộ thị trường

Điều kiện: Giá thấp phải là quan trọng đối với lượng lớn khách hàng trên thị trường

Năng lực công ty đòi hỏi:

+ Phải tận dụng được lợi thế về quy mô,

+ Có khả năng thiết kế, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm được tiêu chuẩn hóa (càng nhiều loại thì quản lý phức tạp, chi phí cao).

+ Có khả năng duy trì lợi thế về lâu dài.

2. Chiến lược khác biệt hóa quy mô rộng hay còn gọi là Chiến lược khác biệt hóa trên toàn bộ thị trường

Điều kiện: Các đặc điểm khác biệt (chất lượng, mẫu mã, dịch vụ,…) là quan trọng đối với hầu hết khách hàng trên thị trường. Các nhu cầu phải đồng nhất để tránh phân đoạn thị trường.

Năng lực công ty đòi hỏi:

– Tổ chức công ty cho phép phục vụ toàn bộ thị trường

– Khả năng xây dựng lợi thế cạnh tranh trên toàn bộ thị trường

– Có khả năng duy trì, bảo vệ lợi thế về lâu dài.

3. Chiến lược chi phí thấp quy mô hẹp hay còn gọi là Chiến lược giá thấp trên một phân khúc thị trường

Điều kiện: Phân khúc phải tạo dựng từ những khách hàng đều coi trọng giá thấp

Năng lực công ty đòi hỏi:

– Tổ chức công ty hợp lý để phục vụ cho chi phí thấp

– Khả năng xây dựng lợi thế về giá trên phân khúc đó.

– Có khả năng duy trì lợi thế chi phí trong thời gian dài.

 

4. Chiến lược khác biệt hóa quy mô hẹp hay còn gọi là Chiến lược khác biệt hóa trên một phân khúc thị trường

Điều kiện: Phân khúc phải được tạo dựng từ những khách hàng có sự đồng nhất tương đối về nhu cầu. Sự khác biệt mà DN hướng tới phải là quan trọng đối với khách hàng.

Năng lực công ty đòi hỏi:

– Tổ chức công ty hợp lý để phục vụ cho sự khác biệt

– Khả năng xây dựng lợi thế cạnh tranh trên phân khúc đó

– Có khả năng bảo vệ lợi thế cạnh tranh về lâu dài.

 

 

Phân biệt các phương pháp

Ma trận các yếu tố bên trong (IFE – Internal Factor Evaluation Matrix)

Mục đích: dùng để phân tích điểm mạnh điểm yếu của doanh nghiệp

Cách thức: xác định các yếu tố (tiêu chí) quan trọng, cho điểm các yếu tố dựa vào so sánh với chuẩn ngành hoặc công ty đối thủ được lựa chọn. Tính tổng điểm để so sánh với tổng điểm của đối thủ.

Ma trận các yếu bên ngoài (EFE – External Factor Evaluation Matrix)

Mục đích: dùng đề phân tích cơ hội và nguy cơ bên ngoài, từ đó xác định khả năng tận dụng cơ hội và phòng tránh nguy cơ của DN.

Cách thức: xác định các yếu tố (tiêu chí) quan trọng, cho điểm tầm quan trọng các yếu tố và mức độ phản ứng của DN

Ma trận SWOT

Mục đích: phân tích điểm mạnh điểm yếu của DN, phân tích  cơ hội và thách thức bên ngoài. Từ đó xây dựng chiến lược thông qua các cặp S-O, S-T, W-O, W-T.

Cách thức: xác định các tiêu chí quan trọng trong DN. Thông thường để không bỏ sót, chúng ta dùng phân tích chuỗi giá trị. Xác định các tiêu chí quan trọng bên ngoài ảnh hưởng tới DN, có thể dùng phân tích PEST để bổ trợ.

Thông qua mục đích và cách thức xây dựng có thể phân biệt như sau:

– Ma trận EFE, IEF là một ảnh chụp để biết bạn đang mạnh hay yếu tương đối so với đối thủ, bạn có đang tận dụng tốt cơ hội cũng như phòng tránh được các nguy cơ không.

– SWOT giúp cho ta xây dựng chiến lược ngắn hạn (kết hợp điểm mạnh với cơ hội), trung hạn ( kết hợp điểm yếu với cơ hội), phòng chống nguy cơ (kết hợp điểm mạnh với nguy cơ), nhìn ra các điểm chết (kết hợp điểm yếu với nguy cơ).

– Cả hai phương pháp đều phải cho điểm, muốn cho điểm chuẩn đòi hỏi phải biết thông tin về đối thủ. Có những ngành dễ dàng thu thập thông tin như ngành bất động sản, cũng có những ngành rất khó thu thập thông tin như các ngành tiêu dùng tuy nhiên ở VN hiện cũng có các công ty bán thông tin thị trường chuyên nghiệp.

 

Ma trận BCG giúp doanh nghiệp đa ngành có nhiều SBU thực hiện các chiến lược của mỗi SBU với nguồn lực có hạn thông qua vòng đời của SBU. Giả sử như doanh nghiệp chỉ có một SBU thì vẫn có thể phân tích BCG để quản lý sự thay đổi. Giúp DN vượt qua sự phá sản để bước vào chu kỳ mới.

 

Tóm lại nếu mục đích của ta là để xây dựng chiến lược thì ta dùng SWOT. Nếu mục đích của ta là biết ta đang ở đâu thì dùng IEF, EEF. Nếu giúp DN biết ở đâu trong chu kỳ sống của DN để có phản ứng tương ứng thì dùng BCG.

 

Comments

comments

16 COMMENTS

  1. Chiến lược là ẩn giấu khỏi đối thủ nhìn thấy, vậy bản thân nó không thể hiện mà chỉ thể hiện bằng hành động. Bởi vậy khi ta phân tích hành động coi chừng bị lừa vdu đừng tưởng TLan huề Malay là cho TLan yếu, họ giấu bài và thực hiện CThuật che giấu rất tốt.

    • Lý thuyết thì đơn giản nhưng thực tế thì có vố số cách và đã gọi là chiến lược thì luôn phù hợp với lợi thế cạnh tranh của DN. Những DN lớn đặc biệt có niêm yết trên sàn chứng khoán thì họ show hết. Vấn đề là đối thủ biết thì làm được gì.

      • Khi quân Ngụy show hết CL để đánh quân Ngô trong trận Xích Bích, quân Ngô đã liên kết với quân Thục. Tào Tháo vẫn tự tin với CL mình đúng cho đến khi “cơn gió chướng” quét sạch quân Ngụy bằng hỏa công. CL ta thấy chỉ là tảng băng nổi che khuất phần chìm phía dưới thiệt bự và đầy bất định.

        • Bản thân việc công khai chiến lược cũng là một phần trong chiến lược rồi 🙂 Anh nghĩ vậy. Hoặc chủ của nó quá tự tin rằng đối thủ không làm gì được hoặc là muốn đánh lạc hướng lừa đối thủ.

          • Việc công khai chiến lược chỉ là bị bắt buộc (để cổ đông kiểm soát) vì không có công ty nào đủ tự tin nói rằng đối thủ của mình là không có trọng lượng và họ luôn sợ ẩn khuất bóng dáng “thiên nga đen” luôn rình rập mà họ hoàn toàn bất lực trước nó (ví dụ đùng 1 cái Mỹ và TQ lao vào chiến tranh thương mại, trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết cả). Do đó phần công khai chỉ là hình thức bắt buộc cho có, chung chung đại khhái, tung hỏa mù, mục đích làm cho đối thủ không biết đường mà lần. Giống như phải họp báo sau và trước trận đấu, huấn luyện viên Park và cầu thủ đại diện của VN đều nói chung chung làm cho chúng ta cũng không biết đâu là thiệt đâu là giả 🙂 Cái ta đem ra bình loạn chỉ là dấu vết của nó (CL), chỉ có “lý lẻ là ở kẻ chiến thắng”

            • Mỗi công ty hay mỗi người hay mỗi quốc gia đều có chiến lược khác nhau. Thực ra việc áp dụng chiến lược cũng chỉ giúp đạt được tối đa khả năng chiến thắng trên lý thuyết nếu môi trường ngoài đang diễn ra đúng theo dự đoán, còn nếu đối thủ hay môi trường ngoài có chiến lược tốt hơn, mình không lường hết được hoặc quá khác biệt với những gì mình đã tính thì chân lý vẫn chỉ thuộc về người thắng cuộc. Những nội dung trên của Dungiso đều mang tính chất lý thuyết mà việc áp dụng vào thực tế đến đâu đều là tài năng của mỗi cá nhân hay của mỗi doanh nghiệp hay quốc gia để đạt được những gì họ cần.

  2. Theo bài này thì các chiến lược trong đây là những doanh nghiệp có khả năng cung ứng dịch vụ hoặc tạo ra được sản phẩm. Nhưng nếu với các doanh nghiệp lấy sản phẩm của các doanh nghiệp khác thì mô hình này được ứng dụng như thế nào. Ví dụ lấy các mặt hàng giày thể thao từ các nhà máy sản xuất bên Quảng Châu – Trung Quốc.

    • Dear Huy,

      Nếu một DN lấy hàng từ DN khác và bán lại thì đó là công ty thương mại (phân biệt với cty sản xuất). Công ty thương mại sẽ lựa chọn sản phẩm có đối tượng phù hợp với lợi thế của công ty thương mại.

      Lấy ví dụ đối tượng thế mạnh của công ty thương mại nhắm tới là khách hàng bình dân (giả sử có các cửa hàng bán lẻ ở các khu công nghiệp, các trường đại học) thì sản phẩm họ chọn phải phù hợp với đối tượng khách hàng đó. Công nhân, sinh viên chỉ cần giá rẻ, không cần khác biệt.

      Ví dụ như siêu thị Big C cũng là mua đi bán lại. Họ theo chiến lược giá rẻ, chọn phân phối các sản phẩm bình dân giá rẻ. Mỗi chủng loại có rất ít sự lựa chọn. Khách hàng của họ cũng là khách hàng bình dân. Siêu thị Lottemart thì lựa chọn khách hàng trung lưu, mỗi chủng loại sản phẩm đều có nhiều lựa chọn; cùng một nhãn hiệu Big C sẽ rẻ hơn Lotte nhưng khách của lotte không quan tâm tới điều đó.

      Thế giới di động, cửa hàng viettel, cửa hàng FPT, Nhật Cường mobile, Hoàng Hà mobile,… cùng đều là phân phối cả nhưng mỗi thằng lại theo một nhóm đối tượng khách hàng nhất định.

      Giữa sản xuất và thương mại chỉ khác nhau ở điểm “khâu sản xuất” sở hữu của doanh nghiệp hay thuộc một DN khác. Nếu em định lấy giầy thể thao từ Quảng Châu thì trước đó em sẽ phải xác định mình sẽ theo chiến lược nào, giả rẻ nhất hay là có sự khác biệt để bán giá cao hơn. Từ đó em mới chọn được loại giày sẽ nhập vì giầy rất đa dạng từ giá rẻ tới rất đắt, em không thể nhập cứ mỗi loại vài đôi đươc.

      V.D

  3. tác giả có thể cho mình biết hình các phương án kết hợp lấy từ sách hay nguồn từ đâu ạ ?

    • Dear bạn;
      Từ cuốn Chiến lược cạnh tranh của Michael Porter và cuốn Quản trị chiến lược của ĐH KTQD.Cuốn đầu bạn có thể mua ở hiểu sách; cuốn thứ hai có thể mua ở trên Đinh Lễ hoặc đối diện ĐH KTQD (đường Trần Đại Nghĩa)

      Ngoài ra cũng lấy lặt vặt một ít từ kiến thức tác giả nên cũng sẽ có khác biệt về nội dung trình bày.

      Thanks

  4. Mình có trả lời tại phần cuối của entry. Quan trọng là ta phải biết rõ ta cần làm gì sau đó biết mỗi phương pháp dùng để làm gì. Từ đó mới lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với DN của mình.
    Trân trọng.

  5. Tác giả có thể hướng dẫn tôi thế nào là phương pháp lượng hóa trong phân tích môi trường không? có người đó là pp ma trận BCG, SWOT, người khác nói dùng IEF, EFE… Tôi mới tiếp cận môn học này nên nhiều thứ còn chưa rõ. rất mong được tác giả hướng dẫn. Xin chân thành cám ơn. Trân trọng

    • Phương pháp có thể nhiều nhưng nó đều xoay quanh một nguyên tắc chính thôi. Các phương pháp chỉ khác nhau ở khả năng chúng ta không bị bỏ xót hay giúp ta dễ dàng nhận biết. Thông thường sẽ là kết hợp của các phương pháp lại với nhau, các phương pháp sẽ bổ trợ cho nhau.

      Trân trọng.

      • cám ơn thông tin của bạn rất nhiều. nhưng bạn có thể cho biết cụ thể hơn là áp dụng phương pháp nào không . tôi đang nhầm lẫn không biết khi nào dùng EFEFFE, IFE, khi nào dùng SWOT, BCG…

        Cám ơn bạn rất nhiều

        • Phổ biến nhất là SWOT áp dụng cho các đơn vị kinh doanh (SBU), còn BCG là áp dụng cho DN đa ngành rồi bạn. IFE với EFE không phổ biến lắm.
          v.d

          • Thế này ạ
            GIAI ĐOẠN 1: THU THẬP THÔNG TIN
            Ma trận EFE ,Ma trận CPM, Ma trận IFE
            GIAI ĐOẠN 2: PHÂN TÍCH VÀ XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC
            SWOT, SPACE,BCG,GE,IE,GSM
            GIAI ĐOẠN 3: QUYẾT ĐỊNH CHIẾN LƯỢC
            Ma trận hoạch định chiến lƣợc trên cơ sở định lƣợng (QSPM)

Leave a Reply to dungiso Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here