Nếu trượt đại học, thì phải làm gì?

1
7652
Rate this post

Năm nay (2014) có khoảng 1,4 triệu hồ sơ đăng ký dự thi Đại học, Cao Đẳng trong đó chỉ tiêu tuyển sinh là 600.000. Cho dù muốn hay không thì sẽ có ít nhất 50% thí sinh sẽ trượt vào đại học hay cao đẳng.

Các em từ khi lọt lòng bố mẹ, lớn lên trong vòng tay bố mẹ, rồi đi học từ nhà trẻ tới lớp 12. Việc học đã là việc quen thuộc duy nhất mà các em vẫn làm trong 15 năm qua, rồi bỗng nhiên không được học nữa. Tiếp tục ở nhà một năm để sang năm lại thi, mà không biết có thi đỗ không; số vị thi bốn năm liền không phải là hiếm.

Tất cả những vị thành công về kinh tế, các vị bác học thành công trên con đường học vấn tới các vị làm xã hội đều lặp đi lặp lại mỗi khi mùa thi đến rằng đại học không phải là con đường duy nhất, còn rất nhiều các con đường khác có thể đi. Nhưng thực tế chúng ta có thể thay đổi được quan điểm này để đừng tạo áp lực lên các em được không?

1. Áp lực từ xã hội

Các em còn lệ thuộc vào gia đình, gia đình các em thuộc về một dòng tộc nào đó, xung quanh nhà các em có các vị hàng xóm tốt bụng, bố mẹ các em làm ở một công ty nào đó, ông bà thì đang sinh hoạt trong hội phụ lão.

Tất cả các vị xung quanh chẳng có trách nhiệm gì với cuộc sống của các em nhưng lại tạo lên một áp lực rất lớn tới gia đình em từ đó lên chính đôi vai của các em. Làm sao có thể con ông hàng xóm đỗ đại học mà con mình lại học trung cấp, khi về quê phải ăn nói làm sao chẳng nhẽ lại bảo là con mình trượt đại học ở nhà? Tới công ty thì con cấp dưới mình đỗ đại học, con mình thì trượt.

Tất cả những người đó chẳng quan tâm gì tới gia đình các em cũng như gia đình em chẳng quan tâm tới con cái gia đình bên cạnh. Ấy thế mà nó tạo lên một sự ràng buộc kéo dằng cả dân tộc chúng ta. Con ta, cháu ta phải đỗ đại học, phải đi học đại học không phải vì lợi ích của chúng nó mà vì danh dự của ta, họ tộc ta.

Rất nhiều những quyết định của chúng ta bị lệ thuộc vào suy nghĩ của những người quanh ta. Thay vì lo cho ta thì ta lại đi lo cho việc không biết hàng xóm sẽ nghĩ sao. Xã hội phương tây văn minh ở chỗ là việc nhà ai là của nhà đấy, còn ở ta thì cứ có việc gì to nhỏ xảy ra là thể nào ra đầu ngõ cũng có mấy bà ngồi lê đôi mách đang bàn tán sôi nổi cứ như là việc nhà mình. Nói chung quảng bá các quan hệ là tốt nhưng chỉ nên với số lượng vừa đủ vì càng nhiều thì bạn càng chịu nhiều áp lực từ họ.

Giả sử như việc học đại học không phải là việc gì ghê gớm, không học là việc rất bình thường thì dám chắc rất nhiều gia đình đã cho phép con em mình đi theo các con đường vừa đúng với sức lực của các em. Dù đi trên con đường nào ta vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc.

2. Vai trò định hướng của Bố mẹ

Bố mẹ các em là những người đi trước nên chắc chắn hiểu rõ làm thế nào để tồn tại trong cái xã hội này. Tuy nhiên bố mẹ các em luôn muốn trì hoãn việc để con em vào đời “quá sớm”. Họ biết rằng bằng đại học chẳng là gì nhưng họ vẫn muốn con em mình chín chắn hơn, già dặn hơn, thậm chí hưởng thụ cuộc sống dài hơn trước khi bước vào những tháng ngày vất vả mưu sinh tới cuối đời.

Các ông bố bà mẹ càng thành công thì càng có nhiều lựa chọn đường đi cho con cái. Các ông bố bà mẹ ngèo thì thường chỉ có một con đường đó là học đại học hoặc là tự đi làm kiếm sống ngay. Các ông bố bà mẹ cũng mắc tội là ít chuẩn bị tâm lý cho con cái. Vì muốn các con mình có đủ quyết tâm để thi đỗ, các ông bố bà mẹ thường thể hiện để cho con cái thấy rằng mình rất kỳ vọng, tin tưởng. Còn như tâm lý nếu thi trượt thì phải nghĩ như thế nào, làm ra sao thì bố mẹ chẳng đả động gì, dẫn tới việc khi con cái trượt đại học thì có đứa quẫn tới mức tự tử.

Điều đúng đắn nhất các ông bố bà mẹ nên làm là chuẩn bị các phương án sẵn có bàn bạc với con cái để con cái yên tâm, không bị áp lực tâm lý.

3. Lỗi của nhà tuyển dụng

Nhà tuyển dụng cũng có lỗi rất lớn. Lúc nào họ cũng ra rả  là sinh viên ra trường chẳng biết gì phải đào tạo lại nhưng họ lại không tuyển học sinh mới tốt nghiệp phổ thông ngay cả những vị trí đơn giản nhất. Yêu cầu phải có bằng đại học là yêu cầu tiên quyết cho hầu hết các vị trí.

Tại sao một vị trí chỉ cần có trình độ trung cấp lại đòi hỏi bằng đại học? vì sinh viên mới ra trường thừa mứa, chọn một người có bằng đại học sẽ yên tâm hơn là chọn một người có bằng trung cấp với ít hơn 2 năm học.

Đòi hỏi của một sinh viên mới ra trường chẳng khác gì trung cấp; thậm chí thạc sỹ còn học ngược trung cấp thì rõ ràng nhà tuyển dụng là nên chọn đại học rồi. Nếu như người có bằng đại học đòi lương gấp đôi so với bằng trung cấp thì nhà tuyển dụng sẽ phải xem xét kỹ là thực sự anh ta có cần bằng đại học không hay là chỉ cần bằng trung cấp là quá đủ rồi. 11111.truot dai hoc

4. Thị trường lao động không tuân theo quy luật

Trong số các lực lượng làm tăng giảm tổng cầu lao động thì nhà nước chiếm một tỷ trọng rất lớn, ở nhiều vùng nông thôn thì đó là con đường duy nhất cho những người muốn thoát khỏi con trâu với cái cày. Thế nhưng lực lượng này hoạt động theo một cơ chế trên giấy tờ thì rất bài bản và khoa học nhưng thực tế thì lại tệ. Thế mới sinh ra cái việc con ông cháu cha, ai mà có bố mẹ giữ chức vụ to trong khối nhà nước thì cứ gọi là yên tâm thi đại học, ra trường kiểu gì cũng sẽ có việc làm. Còn nếu không học đại học thì phải nói thật là chức bố mẹ có to tới mấy thì cũng rất khó để đưa con đi xa.

Các lực lượng còn lại tạo nên tổng cầu là các doanh nghiệp tư nhân, trong đó thì 99% là doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ quản trị lao động theo cách thiếu chuyên nghiệp, thậm chí là lợi dụng, bóc lột người lao động. Doanh nghiệp vừa và lớn thì có hệ thống tuyển dụng tốt và luôn đòi hỏi tối thiểu ở đầu vào là có bằng đại học.

Các lực lượng tạo lên tổng cầu lao động nếu cứ đưa ra yêu cầu vừa đúng với đòi hỏi của công việc, đừng coi bằng đại học là yêu cầu tối thiểu thì tự nhiên sẽ có nhiều cánh cửa hơn cho các em học sinh tốt nghiệp phổ thông được lựa chọn.

5. Nền kinh tế èo uột

Một đất nước nông nghiệp có bờ biển kéo dài. Nông, lâm, ngư nghiệp không đòi hỏi phải học hành gì nhiều; chỉ cần có các cán bộ khoa học chỉ bảo là chúng ta có thể làm theo và thừa sức làm giàu. Thế nhưng sau bao năm với mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp thì con trâu vẫn đi trước cái cày, các tàu đi biển vẫn cứ là tàu gỗ, cá hoặc chết hàng loạt hoặc bị ép giá đầu ra.

Nông nghiệp của ta dậm chân tại chỗ vì vậy mà không giúp được nông dân thoát ngèo. Từ đó sinh ra trong đầu các vị bố mẹ nông dân là chỉ có một con đường học hành thi cử để được ngồi bàn giấy; làm nông nghiệp vừa vất  vả vừa vẫn ngèo.

Rồi dạo gần đây khi TQ đặt dàn khoan 981 ở vùng biển nước ta thì chính phủ mới thực sự quan tâm tới ngư nghiệp. Các chính sách hỗ trợ không thể không tốt hơn từ việc hỗ trợ đóng tàu tới bảo hiểm cho tàu và người trên tàu. Nếu như chúng ta có thể làm điều này cách đây dăm năm thì chắc kinh tế biển của chúng ta đã giúp rất nhiều người thoát ngèo mà không cần phải đi học đại học.

6. Chương trình học phổ thông quá chi tiết

12 năm học chẳng nhẽ chưa đủ hay sao mà lại phải ngồi mài ghế thêm 4 năm nữa làm gì? 12 năm học chúng ta nhồi nhét vào đầu các em những gì mà khi tốt nghiệp các em gần như con số không về mọi mặt, đặc biệt là kỹ năng sống gần như không có.

Nếu như 12 năm thực sự mang lại cho người ta những điều có ích thì học sinh tốt nghiệp phổ thông sẽ đủ trường thành để bắt tay ngay vào công việc chứ không phải hao tổn công sức, trí lực đi thi đại học. 4 năm học đại học các em không tạo ra của cải vật chất gì cho xã hội mà chỉ là tác nhân tổng cầu cho các ngành như giáo dục, quán nước vỉa hè, nhà trọ bình dân, mại dâm hè phố…

Hãy tưởng tượng mỗi năm ta mất tới 2,4 triệu con người x 8 giờ làm việc x 22 ngày x 12 giờ công. Số giờ công đó ta có thể làm rất nhiều việc để theo kịp với các nước láng giềng.  

7. Trốn nghĩa vụ quân sự

Đây có lẽ là ám ảnh lớn nhất. Giá như cứ như Singapore nghĩa vụ quân sự là bắt buộc cho tất cả mọi người thì vấn đề lại khác, đằng này ở Việt Nam có một cách để không phải đi bộ đội nghĩa vụ đó là đi học. Thậm chí học xong đại học mà vẫn lo phải đi bộ đội thì học tiếp thạc sỹ nữa cho chắc. Bản thân nghĩa vụ là không sai. sai ở đây là nó có các ngoại lệ và thời gian nghĩa vụ kéo dài tới 18 tháng.

Nếu như bạn trúng đại học hay không trúng đại học thì cũng cứ phải đi nghĩa vụ quân sự 12 tháng thì bạn chẳng có lý do gì phải đi thi đại học chỉ vì tránh nghĩa vụ quân sự. Thật là rất mặc cảm khi mà bạn bè mình đang thu lượm tri thức ở giảng đường đại học thì mình đang tiêu phí thời gian để đi bộ độ cho dù bộ đội cũng rèn ta được nhiều đức tính tốt.

 

Các vấn đề trên là các vấn đề của người lớn; còn đối với mỗi cá nhân các em thì có lẽ nên theo trình tự sau:

1. Trượt đại học không có gì là to tát

Vì đối với các em việc học đang là việc duy nhất quan tâm nên các em thấy nó ghê gớm chứ thực ra thi trượt đại học không có gì là nghiêm trọng. Nhiều em quẫn trí đến độ tự tử thì quá vô lý; đóng cửa tự dằn vặt mình khóc lên khóc xuống cũng chẳng để làm gì.

Việc trượt đại học chỉ là một rủi ro nhỏ trong cuộc đời của các em mà thôi. Có rất nhiều những sự việc ghê gớm khác mà các em sẽ phải đương đầu trong tương lai. Ngoài ra rất nhiều người không học đại học mà vẫn thành công chứng minh rằng ai giỏi thì dù không học đại học vẫn cứ thành công; ai mà đã dốt thì có học đại học hay thạc sỹ thì cũng cứ thất bại. Nếu tố chất của các em là người giỏi thì việc thành công về tài chính hay tinh thần chỉ là vấn đề thời gian.

Đặc biệt nhất là phải ngẩng cao đầu mà đi, đừng xấu hổ nếu ai đó hỏi em là trúng trường nào? cứ nói thằng là mình đã trượt đại học, rồi các em sẽ thấy việc đó rất nhẹ nhàng.

Đầu tiên hãy chấp nhận rằng mình đã trượt đại học và việc cần nghĩ là làm gì tiếp theo đây?

2. Có nhiều cách học.

Học hỏi là điều kiện tiên quyết để thành công trong tiền bạc và tinh thần. Rất nhiều người chỉ học khi đang ngồi ớ lớp học, tốt nghiệp ra trường thì cũng kết thúc luôn việc học. Học liền tù tì nhưng thỉnh thoảng mới học không bằng mỗi ngày học một ít mà đều. Tự học vì vậy rất quan trọng, học đại học chỉ là cách học mang tính thụ động dành cho người không có khả năng tự học. Nếu không đi học mà năng lực có thăng tiến hàng ngày thì đó mới là người giỏi. Vì vậy hãy luyện cho mình một thói quen tự học thật tốt.

3. Học kết hợp đi làm

Nếu các em ham học đại học để muốn trải nghiệm đời sinh viên thì cũng không nhất thiết tốt nghiệp Trung học rồi đi học đại học ngay. Có nhiều người đi làm vài ba năm rồi mới bước chân vào giảng đường đai học. Đại học giờ cũng có năm bảy loại, có rất nhiều loại không cần thi đầu vào nặng nhọc. Ăn thua nhau là năng lực khi ra trường chứ không phải mình tốt nghiệp trường nổi tiếng hay không.

Các em nên đi học trung cấp; trong thời gian này tìm hiểu chính mình xem ngành nghề nào là phù hợp với mình nhất. Học trung cấp chỉ khoảng 1,5 tới 2 năm, sau khi ra trường hãy xin đi làm thợ. Các công ty từ lớn đều nhỏ đều nhìn vào năng lực làm việc để thăng tiến mà họ không quan trọng bằng cấp. Cứ thử hỏi một ông sếp là nhân viên nào đó của ông ta có trình độ gì thì gần 100% là không rõ, nhưng nếu hỏi năng lực của mỗi người như thế nào thì ông ý nắm trong lòng bàn tay.

Điều tối kỵ trong giai đoạn này là lựa chọn các công ty quy mô thợ quá lớn. Khi số lượng thợ lớn các em sẽ rất khó để thể hiện mình cho cấp quản lý nhận ra năng lực của mình. Hãy lựa chọn quy mô công ty nhỏ, với công ty nhỏ các em sẽ học được rất nhiều thứ xung quanh và cũng rất dễ để thể hiện mình để cấp quản lý biết tới.

4. Xin tư vấn từ bố mẹ

Sau cú sốc các ông bố bà mẹ sẽ dần dần bình tâm lại. Trước đó họ chỉ có một con đường cho cón cái họ nhưng giờ họ buộc phải nghĩ xem con mình nên đi trên con đường nào. Mặt tích cực là bố mẹ các em có trải nghiệm sống nên biết cái nào tốt cái nào dở. Mặc tiêu cực có thể xảy ra đặc biệt là với các ông bố bà mẹ có cuộc sống thất bại là họ dễ chỉ dẫn cho con mình đi trên đúng con đường mà họ đã đi, con đường dẫn tới thất bại của họ.

Tốt nhất là hãy coi tư vấn của bố mẹ chỉ như là một trong những lời khuyên. Lựa chọn thực hiện như thế nào các em phải tập hợp thông tin nhiều chiều rồi hẵng đưa ra quyết định.

5. Lựa chọn bạn bè tốt mà chơi

Tâm lý chung khi ta trượt đại học là ta cũng tìm những người trượt đại học như ta để mà chia sẻ nỗi buồn. Điều đó chẳng có gì sai nhưng quan trọng là phải chọn bạn mà chơi. Đừng chơi với những đứa tối ngày lêu lổng vì chắc chắn nó sẽ phá hoại đời các em.

Hãy chơi với những đứa ngoan, có trí làm giàu, có trí tuệ cảm xúc tốt; túm lại phải lựa chọn những đứa có tư duy tích cực mà chơi cùng. Hoặc nếu không thể thì tự chủ trên con đường mình đi, thà không có bạn còn hơn là có bạn xấu.

Bạn bè thường xuất hiện ở nhà bên cạnh, ở chỗ làm, ở chỗ tập thể dục,…Các ông bố bà mẹ có điều kiện luôn chọn một nơi ở có dân trí cao là vì vậy. Vì vậy các em nên chọn những môi trường tốt để tồn tại trong đó, cơ hội gặp bạn bè tốt sẽ cao hơn. Ví dụ ở nơi học chắc sẽ có nhiều đứa tốt hơn là ở quán bi a.

Sang vì vợ, giàu vì bạn; hãy nhớ thà không có bạn còn hơn là có bạn mà suốt ngày nó rủ đi chơi (không phải vì nó muốn mình đỡ buồn mà vì nó thích đi chơi).

6. Nhớ viết nhật ký

Ghi lại các cảm xúc của người trượt đại học. 5 năm nữa hãy xem lại đoạn đó, đảm bảo quá nửa các em sẽ thấy rằng việc trượt đại học quả là một sự kiện may mắn trong đời mình. Sở dĩ có điều này là vì cái gì cũng có hai mặt, chẳng có cái gì là tốt 100% mà cũng chẳng có gì là xấu 100%. Đừng nhìn người trúng đại học vài ba trường là may mắn; có khi đó là điều không tốt đối với họ. Quy luật này chỉ tiếc là thường người ta phải trải nghiệm qua rồi mới có thể nhận ra, rất ít người trong cơn hoạn nạn mà cảm thấy mình may mắn kể cả khi đã sống quá nửa đời người.

7. Về vấn đề đi bộ đội

Hiện thời gian đi bộ đội nghĩa vụ vẫn đang là 18 tháng và có khả năng sẽ điều chỉnh xuống còn 12 tháng trong tương lai. 18 tháng cũng đồng nghĩa với 2 năm không thể ôn thi đại học, chủ yếu thời gian này để rèn luyện thể lực và đức tính khá quan trọng là tính kỷ luật.

Mỗi một phường đều có một anh cán bộ chịu trách nhiệm liên quan tới nội dung này. Mỗi năm mỗi phường sẽ được Bộ chỉ huy quân sự phụ trách cái phường đó giao chỉ tiêu là bao nhiêu người. Anh ta sẽ lên một danh sách những người dự kiến gọi nhập ngũ.

Danh sách này sẽ được gửi cho bộ chỉ huy quân sự để tiến hành khám tuyển xem có đủ sức khỏe để đi nghĩa vụ không.

Tiêu chí để đánh giá anh này chính là số lượng và chất lượng của thanh niên nhập ngũ nên lý thuyết thì nên cho mấy bố vô công rồi nghề, nghiện ngập đi nhưng nếu như toàn mấy bố này thì sẽ mất mặt vì vậy cho dù phường của ta có nhiều đối tượng như vậy thì chưa chắc ta đã không bị sờ tới.

Tốt nhất là chịu khó lân la tạo quan hệ với anh này để có trước thông tin. Nhưng nói chung đi nghĩa vụ cũng không phải quá tệ; đức tính kỷ luật mà rèn được thì rất quan trọng cho tương lai.

Tóm tắt các bước

1. Chấp nhận hiện thực: cho dù có làm gì thì cũng không thể thay đổi được hiện thực là bạn đã trượt đại học.

2. Tìm phương án cho 2 năm tới sẽ học gì, làm gì: Có mục tiêu sẽ giúp bạn không mất niềm tin và thấy cuộc đời đáng sống.

3. Bắt tay ngay vào thực hiện: Thời gian rảnh rỗi là môi trường tốt để phát sinh các ý nghĩ, hành động tiêu cực.

Tham khảo thêm bài 7 điều cần làm khi mất phương hướng

Comments

comments

1 COMMENT

  1. Du học Y Khoa? Tại sao không?
    ‪#‎Liemg‬‬ là một chương trình ‪#‎DOUBLE_SUCCESS‬‬ hỗ trợ các bạn :
    ? Học Y khoa tại Trung Quốc – cái nôi của ĐÔNG Y, và Poland – có nền TÂY Y hiện đại bậc nhất thế giới.
    ? Bằng Y khoa kép được công nhận trên toàn cầu
    ? Đủ điều kiện tham dự kì thi cấp chứng chỉ hành nghề của Mỹ trong thời gian học và kì thi cấp chứng chỉ hành nghề của Ba Lan vào năm 6
    ? Có cơ hội được luân chuyển lâm sàng tại Mỹ trong khoảng thời gian 2 năm cuối chương trình
    ? Có cơ hội đạt được chứng chỉ hành nghề quốc tế và tiếp tục học nâng cao hoặc cơ hội nghề nghiệp tại khu vực liên minh Châu Âu và Mỹ
    ? Cơ hội trải nghiệm hai nền văn hóa Trung Quốc và Châu Âu
    ? 64 Nguyễn Đình Chiểu quận 1
    ☎ 08 6291 6204
    Các bạn sẽ được tư vấn miễn phí trong giờ làm việc nhé 😉

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here