Chắc hẳn bạn đã biết tới các sự kiện ồn ào liên quan tới xuất xứ gần đây của Asanzo, Sunhouse, Kangaroo,.. và chắc hẳn cảm thấy nghi ngờ đối với các thương hiệu nổi tiếng khác mang nhãn Made in Vietnam như Rạng Đông, ô tô Vinfast,…
Bài viết này sẽ trình bày các vấn đề về xuất xứ
- Tại sao lại muốn “Made in Vietnam”
- Để nhận được ưu đãi trong thương mại quốc tế:
Việt Nam hiện đang nằm trong rất nhiều các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Mỗi hiệp định này sẽ có biểu thuế cho hàng xuất nhập khẩu qua lại mỗi nước khác nhau. Doanh nghiệp sẽ chọn xuất xứ Việt Nam khi họ thấy nó có lợi về mặt thuế xuất.
Mỗi hiệp định cũng sẽ có quy định về “xuất xứ” của sản phẩm để được hưởng ưu đãi. Ví dụ với hiệp định thương mại xuyên thái bình dương CPTPP thì một hàng hóa được coi là có xuất xứ CPTPP khi:
Một hàng hóa có xuất xứ Việt Nam chưa chắc được hưởng CPTPP nếu nó không đáp ứng được điều kiện nguyên liệu đầu vào. Ví dụ như ngành dệt may xuất khẩu sử dụng tới 50% vải từ TQ, 18% từ Hàn quốc, 15% từ Đài Loan. Muốn hưởng ưu đãi ngành may sẽ phải mua vải từ một trong các nước CPTPP.
Trung Quốc đang có chiến tranh thương mại với Mỹ trong đó Mỹ áp thuế tới tận 25% rất nhiều mặt hàng. Một hàng hóa xuất xứ TQ sẽ phải chịu mức thuế này nếu muốn xuất khẩu vào Mỹ vì vậy họ phải tìm cách vòng qua nước khác để chuyển xuất xứ. Điều này thể hiện trong việc mức xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2018.

Trong bản tin thời sự tối ngày 28/6 khi đưa tin về cuộc gặp bên lề hội nghị G20 giữa ông Trump và TT Việt Nam thì có nhắc đến việc Việt Nam sẽ xử lý vấn đề xuất xứ nhằm tránh một nước thứ ba tận dụng. Trước đó vài ngày thì báo đài cũng đưa tin ông Trump cảnh báo Việt Nam về tình hình xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ. Như vậy Việt Nam phải bằng cách nào đó giải quyết vấn đề hàng TQ đội vỏ Việt Nam để xuất sang Mỹ. Asanzo bị đưa vào diện điều tra thời gian qua có thể không phải lý do này vì Asanzo có xuất vào Mỹ đâu; đó có thể chỉ đơn giản là cạnh tranh giữa các công ty.

Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Thương mại Mỹ ngày 2/7/2019 cho biết họ sẽ áp thuế cao tới 456% đối với một số sản phẩm thép được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc), sau đó chuyển sang Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
Cơ quan này cho biết họ đã phát hiện có một số sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cuộn cán nguội được sản xuất tại Việt Nam nhưng sử dụng chất nền có nguồn gốc từ Hàn Quốc hoặc ĐàiLoan
Cơ quan này cũng cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã tìm thấy các sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam sử dụng chất nền có nguồn gốc từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan nằm trong danh mục thuế chống phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.
Được biết, từ tháng 12/2015 Mỹ áp thuế lên các sản phẩm thép Hàn Quốc, và từ tháng 2/2016 lên thép Đài Loan. Từ những thời điểm đó đến tháng 4/2019, các lô thép chống ăn mòn và thép cán nguội Mỹ nhập từ Việt Nam đã tăng lần lượt 332% và 916% so với kỳ liền trước đó.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết các cuộc điều tra đã được họ tiến hành theo yêu cầu của các doanh nghiệp là MT.AS tại Mỹ của ArcelorMittal SA’s, Nucor Corp NUE.N, United States Steel Corp X.N, Steel Dynamics Inc STLD.O, California Steel Industries, và AK Steel Corp.
- Để nhận các ưu đãi là hàng trong nước
Chính phủ không thể cấm người dân dùng hàng nước ngoài vì làm vậy là trái với thông lệ quốc tế, mà cũng trái với quy luật kinh tế thị trường. Chính phủ chỉ khuyến khích người dân dùng hàng trong nước thông qua truyền thông, mở các hội nghị/triển lãm thúc đẩy tiêu dùng hàng trong nước, áp dụng mức thuế ưu dãi cho hàng trong nước, miễn/giảm thuế xuất khẩu cho hàng Việt Nam xuất khẩu, ưu đãi thuê đất nhà xưởng,…
Nếu một cái nồi cơm điện Asanzo được coi là sản xuất tại một nhà máy trong một khu công nghiệp nào đó thì cái nhà máy đó sẽ được hưởng lợi về miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất,..Nhưng nếu nó “made in china” thì đương nhiên sẽ không thể được miễn giảm thuế rồi. Nếu một doanh nghiệp vừa sản xuất trong nước vừa nhập hàng hóa về bán thì làm sao biết được doanh thu nào đến từ hàng trong nước và doanh thu nào đến từ hàng nước ngoài để mà có chính sách thuế tương ứng.
Sunhouse là một thương hiệu mạnh với bao bì sản phẩm đều rất chuẩn mực. Màu sắc nhận diện thương hiệu của Sunhouse là đỏ và xanh da trời đậm rất bắt mắt; khác hẳn với màu xanh lá cây nhạt của Kangaroo (khá mờ nhạt). Sunhouse sở dĩ dính phốt vì trên một số sản phẩm ghi nhãn “Made in china” nhưng lại dãn nhãn Hàng Việt Nam chất lượng cao. Nếu là “Thương hiệu Việt Nam chất lượng cao” thì chẳng ai nói gì; đây có lẽ là một lỗi trong quản trị hơn là cố tình. Tin tức về Sunhouse có thể có liên quan tới việc tổ chức chứng nhận “Hàng việt nam chất lượng cao”.
- Giá trị thương hiệu “made in…”
Thương hiệu nào có giá trị nhất trong con mắt người tiêu dùng Việt Nam? Chắc chắn là “Made in Germany”. Cùng là một loại hàng nhưng nếu xuất xứ từ Đức thì có quyền định giá cao hơn gấp đôi so với xuất xứ từ TQ mà vẫn bán được.
Thương hiệu nào thấp nhất trong con mắt người tiêu dùng Việt Nam? Không cần bàn cãi, đó là “Made in China”. “Made in China” là thương hiệu thấp cùng cực (Tại VN) tới mức mà nếu có hai sản phẩm một xuất xứ từ Trung Quốc và một từ Lào thì chắc người tiêu dùng sẽ chọn từ Lào. Đây là cảm nhận vì vậy người dân mỗi vùng, mỗi quốc gia, mỗi giai đoạn sẽ có cảm nhận khác nhau. Nó khác với giá trị thương hiệu quốc gia được đo đạc bởi rất nhiều yếu tố khác nhau
Xuất xứ sản phẩm là một yếu tố trong tập hợp các yếu tố quy định việc khách hàng có mua hàng hay không và mua với giá bao nhiêu nên việc quyết định xuất xứ hàng hóa sẽ là một ý tưởng mà DN phải nghĩ tới; còn thực hiện hay không còn căn vào lợi ích và chi phí nữa. Có các cách sau:
- Nhập hàng từ TQ về rồi dán nhãn xuất xứ mong muốn. Đối với khách hàng cá nhân thì không bao giờ họ yêu cầu chứng nhận xuất xứ C/O vì vậy làm sao lé được cơ quan thuế, quản lý thị trường là được.
- Nhập hàng từ TQ về rồi nhét vào nhà máy giả vờ là có sản xuất, lắp ráp phức tạp để đủ điều kiện chứng nhận Made in Viet Nam.
- Xuất hàng qua nước thứ ba ví dụ như Đức chẳng hạn; đáp ứng các điều kiện xuất xứ của Đức để có thể ghi nhãn Made in Germany; đàng hoàng xuất về Việt Nam.
Chi phí cao thì rủi ro thấp mà chi phí thấp thì rủi ro cao. Trong tất cả các cách thì bản chất hàng hóa không hề thay đổi. Cách nào thì cái nồi vẫn là cái nồi ban đầu không đổi. Sản phẩm càng khó định giá chất lượng càng dễ làm theo cách này. Người giàu khoái hàng từ các nước như Đức, Ý, Pháp, Mỹ, Nhật,…Không giàu thì thích ít nhất cũng phải từ Hàn quốc. Tùy thuộc vào việc DN định vị mình ở phân khúc nào mà có thể lách xuất xứ tương ứng để tối đa hóa lợi nhuận.
2.Quy định của chính phủ về xác định xuất xứ hàng hóa
Xuất xứ hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế vì vậy các hiệp định thương mại đa phương, song phương luôn quy định. Nếu một hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi từ FTA nào thì nó phải đáp ứng FTA đó (Điều 5 thông tư 05/2018/TT-BCT).
Hàng hóa muốn xác nhận xuất xứ sẽ có 2 nhóm:
- Hàng hóa xuất xứ thuần túy hoặc sản xuất toàn bộ tại một nước, vùng lãnh thổ.
- Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước.
Nhóm 1 bao gồm nông hải sản, tài nguyên thiên nhiên được khai thác tại nước, vùng lãnh thổ đó. Những hàng hóa này có được nhờ khai thác đánh bắt, chế biến, nuôi trồng. Đặc trưng của nhóm này là dạng tiêu dùng nhanh, dễ xác định xuất xứ. Dạo gần đây hẳn bạn nghe nói việc EU yêu cầu cá xuất khẩu vào EU phải truy xuất rõ ràng nguồn gốc xuất xứ; điều này dẫn tới việc các tàu đánh bắt cá phải được lắp thiết bị định vị.
Nếu một quả táo được thu hoạch tại cây trồng tại Trung Quốc thì nó có xuất xứ TQ; nhưng nếu được xuất sang Mỹ, được hợp thức hóa thông qua một nông trại nào đó xác nhận rồi chuyển về Việt Nam thì nó có xuất xứ Mỹ. Vì vậy ngay cả loại hàng hóa thuần túy này cũng có thể lách được xuất xứ nhưng vì chi phí sẽ cao hơn do khâu bảo quản, vận chuyển.
Đa phần các hàng hóa ngày nay được cấu thành từ nhiều thành phần sản xuất từ các quốc gia khác nhau, vì vậy đa phần sẽ thuộc về nhóm 2. Theo điều 2 nghị định 31/2018/NĐCP thì “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.
Vậy chẳng nhẽ nhập một cái nồi từ TQ về rồi đóng hộp tại VN thì nó có xuất xứ VN? Tại điều 6 thông tư 05/2018/TT-BCT hướng dẫn nghị định 31/2018/NĐCP có quy định đối với hàng hóa nhóm 2 trong đó có tiêu chí Tỷ lệ phần trăm giá trị ( viết tắt là LVC)
Tỷ lệ Phần trăm giá trị LVC được tính theo công thức:
Trị giá FOB là giá ghi trên hợp đồng xuất khẩu, là giá giao tại cảng bên xuất khẩu. Giá CIF là giá giao tại cảng bên nhập khẩu. Nếu hàng hóa đó bán trong nước mà không xuất khẩu đi nước khác thì đó là giá xuất xưởng (EXW). Ví dụ như với hàng hóa máy tính
Hai công thức tính theo (1), hoặc tính theo (2). Bản chất LVC chính là tỷ lệ nội địa hóa. Tỷ lệ này thường tối thiểu 30%. Có nghĩa là hàng hóa có LVC ≥ 30% thì được công nhận là xuất xứ Việt Nam và được cấp chứng nhận xuất xứ C/O nếu như nộp đơn xin xác nhận. Quy định LVC rất chi tiết cho từng loại hàng hóa tại phụ lục của thông tư 05/2018/TT-BTC của Bộ công thương ban hàng ngày 3/4/2018 quy định về Xuất xứ hàng hóa.
Như vậy tivi Asanzo muốn dán nhãn “Made in Vietnam” thì nó phải đáp ứng tỷ lệ tối thiểu 30% như công thức trên. Nếu Asanzo xuất khẩu sang Mỹ thì nó có thể xin chứng nhận xuất xứ C/O với cũng các điều kiện trên trong đó các tỷ lệ này thường sẽ làm cam kết từ nhà cung cấp. Khi Asanzo xuất khẩu sang Mỹ (nếu nó làm vậy) thì nó phải điền một bộ giấy tờ để xin xác nhận xuất xứ C/O từ hải quan khi làm thủ tục xuất khẩu trong đó các giấy tờ chứng minh đều là tự khai. Cơ quan Hải quan sẽ dựa vào các giấy tờ này để cấp C/O; chỉ khi có vấn đề họ mới đi kiểm tra các số liệu trên giấy tờ có đúng không. Đó gọi là hậu kiểm vì nếu kiểm tra trước (tiền kiểm) thì sẽ rất tốn thời gian.
Đa phần các thủ tục hành chính nếu việc kiểm tra tốn thời gian, chi phí thì đều theo phương thức hậu kiểm ví dụ như doanh nghiệp tự kê khai thuế nộp cho cơ quan thuế; sau một vài năm cơ quan thuế mới tiến hành quyết toán thuế một lần.
Trước thời điểm Intel mở nhà máy tại Việt Nam (để có CPU xuất xứ Việt Nam) thì toàn bộ các linh kiện máy tính đều thuộc hàng nước ngoài (nhóm 2 trong công thức trên). Lúc đó, để có máy tính thương hiệu Việt Nam như máy tính Thánh Gióng, máy tinhs CMS, máy tính FPT Elead thì doanh nghiệp sẽ phải tìm cách tăng (1) lên trên 30% bằng cách sản xuất vỏ máy tính (Case) trong nước, chi phí nhân công, chi phí máy móc lắp ráp, chi phí nhà xưởng, vận chuyển,…và cả lợi nhuận. Doanh nghiệp có thể đặt lợi nhuận 10% và khai báo các chi phí còn lại 21% để vượt qua con số tối thiểu 30%.
Vậy nếu Sunhouse nhập về toàn bộ linh kiện của một cái nồi cơm điện và lắp ráp tại Việt Nam thì có thể dán nhãn Made in Vietnam cho cái nồi cơm điện đó? Không, tại điều 9 của Nghị định 31/2018/NĐCP có quy định về công đoạn gia công chế biến đơn giản thì không được xét đến khi xác nhận xuất xứ. Nồi liêu xoong chảo thì lại càng không thể làm diều đó trừ khi họ nhập về để trong kho rồi cũng sản xuất % nhất định và trộn lẫn vào nhau coi như là đều SX tại VN.
3.Chứng nhận xuất xứ C/O
DN xin xác nhận xuất xứ C/O là nhằm mục đích cho hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi hoặc theo yêu cầu phía bên mua hàng. C/O này có thể được cấp bởi :
- Cơ quan hải quan khi DN làm xuất khẩu theo Form E hướng dẫn tại thông tư 05/2018/TT-BTC
- Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam: Thủ tục cấp C/O
Nếu tự doanh nghiệp làm chứng nhận xuất xứ C/O cho chính sản phẩm của mình thì sẽ không có giá trị pháp lý.
Tóm lại “made in Vietnam” không có nghĩa rằng hàng hóa được cấu thành từ toàn bộ đầu vào tại Việt nam mà nó chỉ cần đáp ứng % nhất định thường tối thiểu 30%.
Tài liệu tham khảo:
- Thông tư 05/2018/TT-BTC ngày 3/4/2018 hướng dẫn nghị định 31
- Nghị định 31/2018/NĐCP ngày 8/3/2018 QUY ĐỊNH CHI TIẾT LUẬT QUẢN LÝ NGOẠI THƯƠNG VỀ XUẤT XỨ HÀNG HÓA
[…] entry trước “Made in Vietnam hiểu thế nào cho đúng“, mình có đề cập về quy định thế nào là Made in Vietnam, nhưng đó là cho […]
Bài viết rất chi tiết và khách quan. Đọc page của anh đã nhiều năm, ngày nào cũng ghé đọc qua đọc lại nhiều lần, đây là lần đầu tiên em bình luận. Cảm ơn anh với các bài viết vừa hay vừa dễ hiểu.
cảm ơn em!
Vinfast cũng như asanzo anh ơi. Chỉ là họ đẳng cấp hơn thôi
đẳng cấp hơn hẳn ý chứ. Làm mấy cái nồi cơm điện thì chán dẹp đi là xong. Làm ô tô cái gì cũng khuếch đại lên cả nghìn lần 😛