Kế hoạch tài chính gia đình (P1: là gì? )

2
6627

Trong dịp tết cũng kịp ngâm cứu xong cuốn này. Đây là cuốn sách do một tác giả nước ngoài không phù hợp lắm với đặc thù Hộ gia đình tại Việt Nam nhưng cũng có vài thông tin hữu ích để học hỏi.

DSC_1407

1. Về thẻ tín dụng

Mấy năm gần đây thẻ tín dụng được các ngân hàng chào mời rất kinh. Các lợi ích bao gồm tiêu tiền trước trả tiền sau với công nợ không lãi ít nhất là 45 ngày; được giảm % khi mua hàng ở một số cửa hàng, mua hàng online, thanh toán khi đi nước ngoài…Nghe rất là hấp dẫn, vậy thì túm lại có nên có một vài cái thẻ tín dụng không?

Câu trả lời là “không”, lý do:

– Khi chúng ta dùng thẻ chúng ta có xu hướng tiêu pha hoang tàn hơn. Cái này đúng với mọi loại hình thức không dùng tiền mặt. Khi ta cầm tiền mặt khi chi ra ta sẽ cân nhắc hơn, khi ta dùng thẻ dường như chẳng có vấn đề gì vì tiền mặt trong túi vẫn thế. Theo thống kê thì khi dùng thẻ chúng ta có xu hướng tiêu xài hơn 70% so với khi dùng tiền mặt.

– Ngân hàng cho ta công nợ 45 ngày không lãi suất nhưng các ngày sau đó thì lãi suất lại cao gấp đôi so với ta vay thông thường. Cộng với khoản phí duy trì thẻ hàng năm, phí sms, chi phí ít nhất 5% nếu rút tiền mặt ở cây ATM, chi phí phụ thu ở một số điểm chấp nhận thẻ… thì ngân hàng sẽ lợi đủ đường. Dám chắc là tới 100% những người dùng thẻ đều không thanh toán đầy đủ trong vòng 45 ngày kể từ ngày phát sinh vì nhiều lý do khác nhau, chủ yếu là quên.

Thế nên bước đầu tiên trong Kế hoạch tài chính gia đình là phải chấm dứt dùng mọi loại thẻ tín dụng. Việc này rất có ý nghĩa đối với dân Mỹ hay châu âu vì họ có thói quen tiêu dùng trước trả tiền sau rất lớn.

 

2. Về thẻ ATM

Hiện tại đa phần trong chúng ta đều được trả lương qua thẻ. Hầu hết dùng đến đâu thì rút đến đó mà quên mất rằng lãi suât ngân hàng  của các tài khoản đó đều theo lãi suất không kỳ hạn, có nghĩa là chưa tới 1%/ năm. Trong khi đó lãi suất có kỳ hạn hiện nay ít nhất là 7,9%. Mỗi tài khoản có một ít tiền, một ngân hàng có hàng nghìn nghìn tài khoản, dồn lại thì số tiền cũng không phải ít, ngân hàng sẽ được hưởng lợi lớn từ khoản tiền này.

Ngân hàng thường dấu nhẹm khoản lãi này và luôn kêu ca về thu không đủ bù chi phí duy trì cây ATM. Vì vậy nhiệm vụ của chúng ta bước tiếp theo là tối thiểu hóa tài khoản nhận lương (hoặc bất cứ tài khoản nào đang chịu lãi suất không kỳ hạn). Số tiền rút ra có thể đầu tư bằng nhiều cách, sẽ nghiên cứu sau.

Trích từ infotv “Cũng theo Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/12/2012, cả nước có hơn 42 triệu tài khoản tiền gửi thanh toán của các cá nhân với số dư tài khoản tại các nhà băng trị giá hơn 85.000 tỷ đồng. Hàng chục nghìn tỷ đồng này chỉ được hưởng lãi suất tối đa 2% một năm tại các nhà băng. Hiện lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn cao nhất vẫn là 8% một năm.”

Tham khảo thêm: http://infotv.vtv.vn/ngan-hang-tai-chinh/tin-tuc/77312-the-ngan-hang-it-khach-moi

3. Về tiêu diệt hết các khoản nợ

Dân mình thường là có đến đâu mua tới đó ít khi vay nợ mua như dân nước ngòai nên cũng ít dính vào việc này. Nhiệm vụ cụ thể là phải liệt kê ra tòan bộ các khoản nợ hiện có của gia đình : nợ bạn bè, nợ mua nhà, nợ mua xe….Sau khi liệt kê ra các khoản nợ thì sắp xếp theo thứ tự lãi suất giảm dần, kết hợp với thời hạn trả nợ để lập ra kế hoạch cụ thể của việc trả nợ.

 4. Về tiêu dùng

Nguyên tắc tối thượng trong kế hoạch tài chính gia đình là không được tiêu bằng hoặc hơn tồng thu. Bản thân tôi thấy rất rõ điểm này, lương tăng đến đâu tiêu hết đến đó. 1 triệu cũng hết mà vài chục triệu cũng hết, tháng nào cũng như tháng nào, chẳng để dư ra khoản nào, kể các khoản bất thường kiểu thưởng tết thì sau vài tháng sau tết là kiểu gì cũng hết.

Có mấy nguyên nhân chính cần loại bỏ như sau:

– Thói quen tiêu hết những gì mình có: thói quen này là của tất cả mọi người, nhiều khi đi cửa hàng chủ yếu nhằm mục đích giết thời gian nhưng thế quái nào về tới nhà cũng phải xách một đống. Hay khi ta có một khoản tiền lớn thường ta sẽ nghĩ cách tiêu cho bằng hết như mua xe, mua máy tính,….

– Mua những cái không dùng ngay: có người bảo mình mua ô tô, mình thì cố cũng mua được nhưng không biết mua xong thì để làm gì. Nguyên tắc của chúng ta là 1. Không chạy theo thằng bên cạnh: có nghĩa là thấy hàng xóm có cái gì thì nhất thiết mình phải có và 2. Không mua tiêu sản: xe cộ, thiết bị CNTT.. là những đồ mất giá nhanh nhất chưa kể chi phí nuôi nó cũng không rẻ.

Vì vậy trong sách có nhắc chúng ta là không mua mới, không thay thế những thứ không cần.

5. Về phải có khoản dự phòng

Trong entry trước có nói tới việc là 100% trong chúng ta kiểu gì thì kiểu cũng sẽ gặp một hoặc một vài sự kiện khủng hoảng lớn trong đời. Bên cạnh việc chuẩn bị về năng lực đối phó thì tiền rất quan trọng. Rất nhiều gia đình tái nghèo cũng chỉ vì lý do này. Vì vậy sau khi 1. Tiêu diệt hết các khoản nợ 2. Chấn chỉnh thói quen mua sắm thì bước thứ 3 là phải tích lũy một khoản nhất định phòng ngừa cho tương lai.

Ít nhất thì chúng ta phải luôn có khoản có giá trị bằng 3 tháng thu nhập của gia đình nếu như công việc của ta khá ổn định. Nếu công việc của ta mang tính bất ổn cao, tìm việc khó thì việc có một khoản bằng 6 tháng thu nhập là rất quan trọng. Hãy thử tượng một ngày đẹp trời ta bị mất việc, ta sẽ kiếm đâu tiền để duy trì cuộc sống gia đình trong thời gian ta chưa có khoản thu nhập mới? khi tìm được việc thì ta cũng chỉ có 80% lương, lương đó có lẽ thấp hơn thu nhập cũ trong khi có thể gia đình đang có thói quen tiêu dùng của thu nhập cũ.

Đối với các khoản dự phòng lớn hơn thì ta sẽ tiêu dùng trong tiền tích lũy, sẽ nói tới ở phần cuối entry này.

6. Về bảo hiểm

Kinh doanh bảo hiểm là kinh doanh trên nỗi sợ, càng làm khách hàng sợ thì càng bán được nhiều bảo hiểm. Kinh doanh bảo hiểm cũng là loại hình siêu lợi nhuận, thế nên mới có nhiều công ty bảo hiểm đến thế. Vẫn biết là xác xuất nhận bảo hiểm là ít, nhưng nếu vấn đề xảy ra chúng ta không có bảo hiểm thì sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy tối thiểu chúng ta phải có 1. Bảo hiểm y tế 2. Bảo hiểm tai nạn giao thông 3. Bảo hiểm thất nghiệp và 4. Bảo hiểm nhân thọ.

Đa phần trong chúng ta đã đi làm thường có 3 loại bảo hiểm đầu. Bảo hiểm nhân thọ thì khác, đây là hình thức nhận bảo hiểm khi ta đi tong. Trong sách nói thì ta không nên mua bảo hiểm nhân thọ dạng có tích lũy (đa phần các gói bảo hiểm hiện nay đều theo hình thức này). Bảo hiểm nhân thọ có tích lũy có nghĩa là tới ngày đáo hạn ta vẫn nhận lại được tiền chứ không phải là mất hẳn.

Sách bảo là nên tách hai loại hình này ra là Bảo hiểmTích lũy. Làm ví dụ con số cho dễ hiểu:

Ví dụ như xác xuất để một người đang sống tự nhiên chết trong một năm nào đó (do già, bệnh tật, tai nạn,…) khoảng 0,1% ( ví dụ thế).  Giả sử như chi phí mua bảo hiểm là 1 đồng/ năm; số tiền nhận được khi sự kiện bảo hiểm xảy ra là 100 đ ; tỷ lệ chi phí/ số tiền nhận là 1%. Công ty bảo hiểm sẽ ăn lãi là = 1%- 0,1% = 0,9%.  Khi tham ra bảo hiểm nhân thọ có tích lũy ta nhận lãi khoảng 4%/năm; trong khi đó lãi suất có kỳ hạn của ngân hàng là 8% năm. Như vậy thì công ty bảo hiểm chẳng cần làm gì, chỉ cần gửi số tiền của người bảo hiểm vào ngân hàng là cũng ăn ít nhất là 3%/ năm.

Lý thuyết là thế nhưng mà một điểm yếu trong chúng ta là khả năng tích lũy tiền không được tốt, nhất là với thời gian dài với số tiền nhỏ mỗi lần vì vậy tôi vẫn đăng ký tham gia mua bảo hiểm ngay khi đọc xong chương này trong khi có một đồng chí bảo hiểm đã thuyết phục dòng dã cả năm 2012 mà tôi chẳng mua. Với thời gian tham gia từ 1/2/2013, số tiền đóng mỗi tháng là 900 nghìn, đóng 15 năm liên tục, các năm sau không phải đóng nữa. Tới năm 79 tuổi, nếu chưa chết thì tôi nhận được 1 tỷ đồng 😛 tha hồ tiêu sài; hy vọng lúc đó còn sống. Tất nhiên là bên bảo hiểm cũng cho hủy giữa chừng, nhưng mà ai dại gì vì xác xuất chết  khi càng lớn tuổi càng cao.

7. Về tích lũy

Đây là bước gần cuối  trong Kế hoạch tài chính gia đình. Ở bước trước ta đã mua bảo hiểm và có khoản dự phòng nho nhỏ bằng 3 tháng lương. Điều đó chưa đủ vì bảo hiểm cũng chỉ chi trả một phần khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Rất nhiều thuốc không có trong danh mục bảo hiểm hoặc có nhưng bác sỹ bảo ” dùng loại này tốt hơn” :P. Các bệnh nan y thì rất nhiều loại thuốc không có trong danh mục, bảo hiểm lúc đó chỉ chi trả tiền phòng bệnh (không phải phòng dịch vụ), các loại thuốc truyền, thuốc tiêm bổ hàng ngày.

Vì vậy khoản tích lũy dự phòng 3 tháng chỉ là để giải quyết những thứ rủi ro nhỏ còn thì đối với rủi ro lớn bên cạnh bảo hiểm thì ta vẫn phải có khoản tích lũy lớn. Ở bước này chúng ta cần xác định rõ ràng chúng ta có bao nhiêu tiền trong một khoảng mốc tương lai nhất định. Khoản này căn trên tổng thu nhập và tổng chi phí trong một giai đoạn.

Giống như doanh nghiệp chúng ta phải đặt ra mức tích lũy đủ lớn để có động lực giảm chi phí và tăng doanh thu. Khi có một mốc tiền cụ thể chúng ta sẽ tự nghĩ ra nhiều cách kiếm tiền ví dụ như làm thêm ngoài công việc chính chẳng hạn. Ý lớn nhất trong “think and grows rich” cũng bảo chúng ta điều này, cần có một mục tiêu tiền cụ thể, mọi thứ cứ thế mà theo.

Lập kế hoạch chi tiêu là việc cần làm quan trọng trong bước này vì để thu nhập thêm thì khó nhưng để giảm chi thì dễ hơn. Chúng ta cần lập ra bảng chi tiêu bao gồm các khoản chi lớn trong 1 tháng bao gồm các khoản sau:

– Thực phẩm gia đình

– Chi cá nhân mỗi thành viên ( xăng xe, ăn uống)

– Chi duy trì công cụ sản xuất ( chi sửa chữa nhà, chi sửa chữa bảo trì các phương tiện trong nhà,…)

– Giáo dục cho con cái

– Các hóa đơn có tính chu kỳ: điện, nước, điện thoại, internet, đổ rác

– Chi trả nợ từng phần (nếu có)

– Chi nộp phí bảo hiểm (nếu có)

– Tách vào tích lũy học đại học của con ( nếu như dự định cho con du học)

– Dự phòng phí

Sau khi dự tính được  các khoản chi tiêu, kết hợp với tổng thu nhập ta sẽ có khoản tích lũy hàng tháng. Chúng ta có thể làm ngược lại bằng cách xác định khoản sẽ tích lũy được mỗi tháng (từ mục tiêu tiền tích lũy) để từ đó tối thiểu hóa các khoản chi phí biến đổi. Khi đã có kế hoạch chi tiêu thì ta sẽ ít bị chi khoản không cần thiết hơn.

8. Về đầu tư

Khi có đã có một khoản tiền thì chúng ta làm gì? câu trả lời của sách là đầu tư để làm sao phải lớn hơn lạm phát. Lạm phát của chúng ta có lúc lên 2 con số, nhưng trong tương lai có lẽ dao động quanh 8%, 8% này cũng bằng với 8% lãi ngân hàng vì vậy trên lý thuyết là nếu chúng ta gửi ngân hàng thì chúng ta sẽ có lãi thực âm do tốc độ mất giá của đồng tiền. Vậy đầu tư vào đâu để vừa an toàn lại vừa có lãi lớn hơn lạm phát ? Sách bảo là đầu tư vào các quỹ tương hỗ, các công ty có cổ tức ổn định.

Chứng khoán của ta thì đang phọt phẹt, cổ tức hàng năm có khi còn âm nhưng chắc là cũng phải có công ty có cổ tức > lạm phát. Vì vậy sách bảo là phải tìm ra các công ty đó để đầu tư.

Mở rộng thêm thì khi có tiền ta có mấy kênh đầu tư chính 1. Vàng 2. Ngoại tệ 3. Nhà đất 4. Chứng khoán 5. Tự doanh. Các kênh đầu tư này của ta hiện nay khá tệ, quá nhiều rủi ro. An toàn nhất thì hiện nay trong bối cảnh VN thì nên quay lại bảo toàn đồng vốn bằng biện pháp bất đắc dĩ nhất là gửi ngân hàng đặc biệt là khi ta không có nhiều kiến thức về các kênh đầu tư để tránh mất thêm tiền.

Kết lại entry này bằng một nguyên tắc trong cuốn Cha giàu cha nghèo hay là Think and grow rich thì phải. Nguyên tắc nói là khi ta có càng nhiều tiền hơn thì tiền có xu hướng tìm đến ta nhiều hơn. Nguyên tắc này quan trọng bởi vì ta sẽ tự hỏi trong đầu là nếu theo các bước trên mỗi tháng tôi tích lũy nhiều lắm 1 triệu, thì 1 năm được 12 triệu, chẳng thấm vào đâu vì vậy chẳng tích lũy làm gì cho mệt, được đâu hay đó. Nguyên tắc này bảo ta là cứ tích lũy đi, bằng cách nào đó khi ta có tiền, tiền sẽ tự tìm tới ta nhiều hơn.

Comments

comments

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here