Hoàn thiện bản thân (P3: Những gì đang cản trở chúng ta ?)

4
9958

<Bổ sung chỉnh sửa ngày 17/2/2019>

Hôm nay tình cờ đọc một bài viết trên blog Góc nhìn Alan. Bài viết có tiêu đề “Những gì cản trở tiềm lực Việt Nam”. Đọc lướt qua bài viết vì dù sao những cái đó cũng không phải mới mẻ gì đối với một người già như mình  nhưng cũng đủ để có ý tưởng cho bài viết này.

Ai trong chúng ta nếu tâm thần không bất ổn thì đều muốn có thật nhiều tiền, đều muốn làm rạng danh gia đình và tổ tông, đều muốn được làm những gì mình yêu thích,…túm lại ham muốn rất nhiều. Nhưng cái gì đang cản trở chúng ta đạt được cái ta muốn ? Tìm được câu trả lời chưa chắc đã giúp ta đạt được cái mình muốn nhưng ít ra thì cũng biết những rào cản trên con đường ta đang đi là gì.

1. Không tạo đủ động lực cho mình

Bình thường thì 7h sáng bạn mới mở mắt. Bỗng nhiên hôm nay bạn có cảm hứng là sáng mai sẽ dậy 5 giờ sáng để tập thể dục nhằm củng cố sức khỏe.

Sáng hôm sau với khí thế hừng hực, bạn dậy vào lúc 5h khi trời còn tối đen, giữa cái lạnh thấu sương để bước ra ngoài đường, chạy một vòng  quanh công viên. Ngày tiếp theo có còn là 5h không? Câu trả lời đa số là không. Bạn sẽ tìm ra đủ các thứ lý do:

Tạo ra phương án thay thế:

– Không cần thiết phải dậy sớm đến thế, 6h là được.

– Không cần thiết phải tập thể dục buổi sáng, chuyển sang buổi chiều.

Tạo ra lý do để không nên dậy sớm

– Dậy sớm phải đi ngủ sớm nếu không sẽ thiếu ngủ, sức khỏe còn kém đi ý chứ.

– Sương sớm buổi sáng rất nguy hiểm có thể bị ốm

– Buổi sáng đi làm cứ buồn ngủ vì sáng dậy sớm.

Phủ định lý do dậy sớm ban đầu

– Mình vẫn còn khỏe chán, thôi để lúc nào sức khỏe yếu mà có nhiều thời gian rảnh hơn thì đi tập thể dục.

– Buổi sáng xe cộ đi lại cũng vẫn nhiều, không khí không trong lành như mình tưởng. Mình cũng không có cảm giác thư giãn gì cả vì không gian vẫn cứ ồn ào.

 

Làm cái gì cũng vậy nếu không làm thật tốt khâu tạo động lực thì sẽ rất dễ bỏ cuộc. Động lực ta tạo từ hai phía, lực đẩy vào kéo.

Lực kéo: Nghĩ tới cái ta sẽ có được khi đạt được mục tiêu

Lực đẩy: phải tạo cảm hứng ngay trên con đường đi tới mục tiêu. Bạn phải yêu thích mỗi bước đi của bạn thì bạn mới đi lâu và đi xa được; nếu mỗi bước đi của bạn đều như cực hình thì khó mà đi được lâu.

Kỹ thuật tạo động lực để Hoàn thiện bản thân sẽ bàn tới ở entry sau.

2. Tính cẩu thả

Mỗi con dân Việt Nam sinh ra trên cái đất nước này đều chịu ảnh hưởng của bộ ghen do mấy nghìn năm cha ông ta để lại đó là nền văn hóa lúa nước và nền thi cử trọng văn thơ.

Cẩu thả là việc ta chấp nhận một công việc ở chuẩn thấp với nhiều nguyên nhân khác nhau. Do mọi sự kiện đều xâu chuỗi vào nhau nên một mắt xích có chuẩn thấp sẽ tạo ra các mắt xích sau cũng có chuẩn thấp và dẫn tới kết cục xấu.

Muốn tới thành công thì phải loại hoặc hạn chế tác hại của tính cách này.

3. Tính kỷ luật

Một tính cách khác cũng là di sản của cha ông. Không tuân theo quy định chung và không tuân theo những quy định của chính mình đề ra.

Một người có tính kỷ luật kết hợp với một mục tiêu đúng đắn không thành công mới là lạ.

4. Quản trị cảm xúc kém

Cứ thử đọc các comment hay status về một sự kiện nào đó là có thể thấy ngay là nhiều người đang hành xử theo cảm xúc một cách bừa bãi. Đếch nghi gì nhiều, ý kiến comment cho sướng đã.

Hôm nay tình cờ đọc một bài viết về việc ông bố mặc áo phao cho đứa con mang tới nhà ngoại đốt. Kết quả là đứa bé bỏng 86%. Tất nhiên là ta không thể biết được hết hoàn cảnh dẫn tới tình huống đó nhưng hành động đó rõ ràng là một hành động trong lúc tức giận muốn trả thù.

Con người phải có cảm xúc nhưng nếu để cảm xúc dẫn nối trong mọi hành động thì cầm chắc thất bại. Mỗi người có một trình độ quản lý cảm xúc khác nhau vì vậy tỷ lệ giữa những quyết định phi lý trí và quyết định có lý trí khác nhau.

hoan thien ban than

5. Cái tôi quá lớn hoặc quá nhỏ

Cái tôi quá lớn thì chẳng thể tiếp thu được cái gì mà cái tôi quá nhỏ thì cũng chẳng đủ tự tin hứng được cái gì.

Người Việt Nam ta có bằng cấp, có chức vụ một chút là bắt đầu như bố của thiên hạ, như ta là đỉnh cao của vinh quang. Lúc ở dưới đáy bùn đen thì coi mình chẳng ra gì, chẳng làm được cái gì cho ra hồn từ những cái nhỏ nhất.

Bài viết 4 thói quen của người thành đạt nói khá rõ về việc này.

6. Thiếu kỹ năng quản lý tài chính

Thu nhập của mỗi người không phải là bất biến, nó biến thiên mang tính chu kỳ. Bạn phải nắm được chu kỳ thu nhập của mình để chi ra một cách hợp lý.

Tiền không mua được hạnh phúc nhưng thiếu tiền chắc chắn không thể hạnh phúc. Đây là kỹ năng yếu chung của tất cả chúng ta.

Bài viết chiến lược tài chính cá nhân

7. Lãng phí thời gian

Sử dụng thời gian tối ưu là tham vọng của tất cả mọi người nhưng đây cũng là di sản để lại của nền văn minh lúa nước. Chúng ta đa phần không quản lý thời gian tốt bao gồm:

– Không biết cái gì xứng đáng để ta dành thời gian.

– Không phân bổ thời gian hợp lý giữa các việc phải làm.

– Không làm một việc vào đúng thời điểm.

– Dành thời gian để sửa chữa thay vì dành thời gian để chuẩn bị và làm cho tốt.

Thời gian là nguồn lực hữu hạn một đi không trở lại. Sử dụng thời gian không tốt còn tội lỗi hơn là sử dụng tiền không tốt.

Entry về quản lý thời gian

8. Ghen tức với người hơn mình

Bạn có thể học hỏi được từ ai? Người kém hơn mình hay người giỏi hơn mình? Tất nhiên là bạn có thể học hỏi được từ cả hai nhưng đảm bảo rằng bạn học từ người giỏi hơn bạn nhiều hơn là người kia.

Thay vì tìm hiểu tại sao người ta thành công, học hỏi những kiến thức của người đó thì ta lại đi nói xấu, chê bai người đó. Mặt khác, ta lại có xu thế hướng tới người kém hơn ta vì cảm giác được người đó tôn trọng. Điều này chẳng khác việc bỏ chỗ sáng đi tìm chỗ tối.

9. Tâm lý đám đông rất mạnh

Dân trí thấp kéo theo tâm lý đám đông ở Vn vô cùng lớn. Nếu có một đám đông xúm lại bạn cũng sẽ cố mà chen vào. Nếu người ta đổ xô đi mua hàng giảm giá thì bạn cũng phải đi. Nếu đám đông hùa vào chửi mắng hay ca ngợi thì bạn cũng chửi mắng hay ca ngợi mà chẳng hiều đầu cua tai nheo thế nào.

Trong khoảng thời gian này có sự kiện người dân đổ xô đi thay bằng lái xe vì sợ bằng giấy sẽ không có giá trị và sẽ không thể đổi được bằng mới. Người ta khổ sở xếp hàng, chen lấn rồi không quên nhấc máy lên khuyên nhủ bạn bè người thân mau đi đổi bằng.

Hành xử theo đám đông tại Việt Nam là một hành động tự sát nhưng nhiều người lại mắc phải. Bạn không nhất thiết phải chạy ngược phía với đám đông; bạn chỉ cần đứng lại và quan sát đám đông, suy nghĩ và tự chọn cho mình một con đường.

Bài viết về Tâm lý bầy đàn

10. Tính bảo thủ

Anh giỏi bảo thủ thì có khi làm được việc lớn, người ta gọi anh ta là kiên định. Còn người dốt bảo thủ là cứ giữ khư khư lấy cái quan điểm của mình thì gọi là ấu trĩ. Anh ta bảo vệ quan điểm ngay cả khi biết mình sai nhưng không muốn thay đổi quan điểm vì nếu thay thì hóa ra là mình dốt à?

Nếu bạn nhắc một người trên xe khách không được hút thuốc thì thể nào anh ta cũng quắc mắt lên bảo là Kệ mẹ tôi. Nếu bạn bảo ai đó phải xếp hàng thay vì chen lấn thì họ sẽ phớt lờ bạn. Nếu bạn góp ý về một công việc nào đó cho một người bảo thủ thì họ sẽ không nghe hoặc sẽ chỉ trích bạn.

Tóm lại bảo thủ giống như cốc nước đầy; không thể rót thêm được cái gì vào cốc nước đầy. Điều đó cũng có nghĩa là giết chết khả năng hoàn thiện bản thân mình.

11. Rào cản cuối cùng là lười học

Không, thực ra người Việt rất chăm học ít nhất là tới năm cuối cùng đại học. Sau đó thì họ sẽ xếp mọi thứ vào tủ, tất cả kiến thức nhận được sau thời điểm này là các tin tức chém giết, trộm cắp, cướp bóc, tiểu thuyết tình cảm và một ít kiến thức thu lượm được trong công việc hàng ngày.

Thiếu ham muốn học cộng với thiếu kỹ năng học tập khiến chúng ta ngu dốt. Ngu dốt là cội nguồn của tất cả các rào cản ở trên.

 

11 rào cản này đa phần chúng ta mắc phải không nhiều thì ít, tất nhiên trong đó có cả tôi. Ngoài các rào cản chung thì mỗi người cũng có những rào cản mang đặc trưng riêng như trải nghiệm không tốt thời trẻ, tính bi quan, ngại thay đổi, thiếu sức khỏe,…

Ghi chú ( 04/12/2014)

Việc hoàn thiện bản thân cũng như lập chiến lược của một công ty đòi hỏi phải trọng tâm vào một cái gì đó. Nếu như ta cố gắng hoàn thiện tất cả cùng lúc thì sẽ không đủ nguồn lực.

Bạn phải biết là cái gì đang quyết định tới công việc, cuộc sống của bạn để ưu tiên thực hiện trước. Cái gì bạn thấy có vấn đề hoặc là điểm mạnh của bạn nhưng chẳng giúp ích gì cho bạn thì để sau.  Cái gì dễ thực hiện và có thể thực hiện ngay thì thực hiện trước; cái gì khó thực hiện và mất nhiều thời gian thì để sau

Trong những thứ bạn định hoàn thiện, có những thứ là cốt lõi, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân ví dụ như việc sử dụng thời gian. Bạn phải xác định để ưu tiên điều chỉnh trước.

Trong những thứ bạn muốn hoàn thiện, có những thứ mà quanh bạn ai cũng có (nhưng bạn chưa có) và những thứ rất khan hiếm. Hoàn thiện những cái đa phần mọi người có giúp bạn không lạc lõng giữa đám đông, thực hiện những thứ độc đáo giúp bạn nổi bất giữa đám đống.

Mọi thứ xung quanh bạn liên tục thay đổi. Cái hôm nay bạn phấn đấu, ngày mai có thể không còn giá trị nữa vì vậy bạn phải xác định cái gì là bất biến để ưu tiên.

Comments

comments

4 COMMENTS

  1. Chào anh Dũng. Theo em thấy còn thiếu một trở ngại rất lớn nữa: Thói quen suy nghĩ tiêu cực, bi quan. Đây cũng là một hệ quả của lười học.

  2. Tôi không đồng ý với nhận định: “Ai trong chúng ta nếu tâm thần không bất ổn thì đều muốn có thật nhiều tiền, đều muốn làm rạng danh gia đình và tổ tông, đều muốn được làm những gì mình yêu thích” trong bài viết trên vì không chính xác, bởi vì, không phải tiền hay danh vọng hay sơ thích là giá trị hướng tới duy nhất của tất cả mọi người… và nó không logic với một số bài viết khác của chính tác giả…

    • Dear Thủy;

      Cảm ơn em đã có ý kiến phản biện. Về câu này có thể do trong bài này anh muốn nhấn mạnh nên hơi thậm xưng. Ngoài ra anh phát biểu là trên số đông, vì bàn về cá biệt thì mỗi người một ý.

      Xét về nhu cầu (theo đánh giá số đông) thì đã có hẳn sơ đồ Tháp nhu cầu Maslow trong đó:
      – Bậc 1: nhu cầu sinh học ( ăn, uống, …)
      – Bậc 2: nhu cầu an toàn
      – Bậc 3: nhu cầu xã hội (thành viên của một tập thể)
      – Bậc 4: nhu cầu được mọi người tôn trọng
      – Bậc 5: nhu cầu tự khẳng định

      Cho dù em phát biểu ra bất cứ nhu cầu nào thì nó cũng sẽ thuộc vào 1 trong 5 bậc này. Không hẳn là thỏa mãn nhu cầu bậc 1 rồi mới có thể có nhu cầu bậc 2. Con người ta đều một lúc có cả 5 nhu cầu này nhưng mức độ coi trọng của mỗi người sẽ khác nhau.

      cảm ơn em.

Leave a Reply to dungiso Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here