Hoàn thiện bản thân ( P12: Trở thành nhà lãnh đạo)

8
13259

Có thể bạn sẽ thắc mắc là cả đời tôi chắc gì đã được cất nhắc lên làm lãnh đạo thì học để trở thành nhà lãnh đạo làm gì? Thực ra là ai trong chúng ta cũng đều là nhà lãnh đạo, ít nhất thì chúng ta cũng lãnh đạo chính chúng ta hoặc lãnh đạo gia đình.

Quản lý và Lãnh đạo

Mỗi ngày bạn ra hàng nghìn các quyết định. Có quyết định thì mới có hành động, quyết định là kết quả của suy nghĩ. Nếu không có quyết định mà vẫn có hành động thì là bạn đang hành động trong vô thức.

Trong các quyết định mà bạn đưa ra thì có những quyết định không quan trọng kiểu như sáng nay ăn gì, nên đi lên phòng làm việc bằng thang máy hay thang bộ, có nên gọi điện cho anh A không, có nên đạp cho vợ một cái vì trông ngứa mắt không :)….Cũng có những quyết định quan trọng kiểu như có nên yêu cô B hay không, có nên cưới cô C hay không, có nên học MBA hay không, nên nhảy việc hay ở lại phấn đấu, nên mua cái ô tô hay để tiết kiệm,…..

Các hoạt động ra quyết định đó gọi là họat động quản lý. Quản lý là việc ra các quyết định. Năng lực quản lý là khả năng ra các quyết định đúng và nhanh.

Để hiểu quy trình ra quyết định bạn học về kỹ năng ra quyết định. Để quyết định đúng được các vấn đề ngày càng lớn, bạn tập tành thể thao, đọc sách, tham gia các khóa học chuyên sâu,…Túm lại là gia tăng kiến thức, kỹ năng của mình.

Trong các bộ phim về chiến tranh, trước mỗi cuộc chiến sống còn các vị tướng thường có một bài diễn văn ngắn khích lệ tướng sỹ. Bạn xem phim mà cũng thấy phấn chấn hơn hẳn huống hồ là binh sỹ. Hoạt động đó gọi là Lãnh đạo. Việc anh ta quyết định là nên giáp lá cà hay đánh du kích gọi là hoạt động quản lý.

Hôm qua, bạn quyết định là sáng nay sẽ dậy sớm đi bơi. Sáng nay bạn mở mắt ra rồi ngủ tiếp, quyết định mặc dù đúng nhưng không được thực hiện. Để quyết định đó được thực hiện bạn phải cần tới hoạt động lãnh đạo. Lãnh đạo liên quan tới yếu tố cảm xúc, nó khiến cho bạn mở mắt, ra khỏi giường và đi bơi.

Để dậy sớm bạn đặt đồng hồ báo thức, để sẵn quần áo phải mặc ở đầu giường, để chậu nước bên cạnh để sáng dậy là rửa mặt ngay, nhắc vợ gọi dậy,….Các hoạt động đó gọi là lập kế hoạch nhằm thực hiện quyết định.

Hoạt động lãnh đạo trong trường hợp này có thể là việc vẽ ra viễn cảnh về một ngày bạn có cái bụng 6 múi. Hoặc có thể dậy sớm bạn sẽ giúp bạn có một ngày dài hơn để làm được nhiều việc hơn. Tựu chung là việc nghĩ tới kết quả khiến cho bạn trở nên hưng phấn và gia tăng cam kết sẽ thực hiện quyết định đó.

Thông thường thì khi cơ thể vừa thức dậy thì lý trí rất yếu, ta bị thói quen chi phối. Lúc đó thậm chí ta còn chẳng buồn nghĩ tới cái bụng sáu múi nữa.

Cần phân biệt giữa Nhà lãnh đạo và hoạt động lãnh đạo. Lãnh đạo khi ở dạng động từ thì nó được mô tả như ở trên. Khi ở dạng danh từ chỉ người thì ta thường hiểu theo thói quen rằng đó là giám đốc công ty. Giám đốc công ty có hoạt động lãnh đạo chiếm phần lớn và bản thân anh ta cũng ra các quyết định trong quản lý.

Khi bạn không thể đọc hết một cuốn sách, từ bỏ một khóa học giữa chừng, từ bỏ việc thực hiện đạt tới một mục tiêu nào đó, nói 10 làm chỉ tới 7 đã thỏa mãn thì đó là vì bạn không để tâm tới phát triển khả năng lãnh đạo bản thân.

 

Làm sao để gia tăng năng lực lãnh đạo bản thân? Thử tiếp cận theo cách ngược lại: Chúng ta lãnh đạo bản thân kém khi nào?

1. Khi không có mục tiêu hoặc quên đi mục tiêu cần đạt

Muốn thực hiện được một quyết định kiểu như sáng dậy sớm đi bơi đòi hỏi bạn phải nghĩ rộng hơn rất nhiều so với chính hoạt động đó. Kết quả của việc dậy sớm đi bơi là gì? Kết quả này sẽ giúp bạn đạt tới kết quả gì, đến lượt kết quả này sẽ giúp bạn đạt tới kết quả nào nữa?

Khi bạn không biết quyết định nên làm gì trong một tâm trạng mệt mỏi thì đó là lúc chúng ta lâm vào bế tắc. Nếu bạn cố gắng ra quyết định đúng nhưng thiếu động lực thì quyết định đó sẽ không được thực hiện. Nếu bạn cố gắng lạc quan trong khi không có một quyết định đúng thì chỉ là sự trì hoãn cho tới lần bế tắc tiếp theo.

Để không rơi vào trạng thái này đòi hỏi bạn phải có một mục tiêu đủ xa. Nếu như bạn có một mục tiêu tại thời điểm t trong tương lai thì khoảng thời gian giữa hiện tại cho tới thời điểm t đó bạn sẽ luôn biết mình phải làm gì.

Khi ra hiệu sách bạn quyết định mua và đọc một cuốn sách A. Lúc đó lý do bạn đưa ra quyết định đó có thể rất mờ nhạt:

– Nó là cuốn sách in đẹp.

– Nó là cuốn sách nổi tiếng

– Nó là cuốn sách ở trang bìa có những nhận xét tích cực của những người nổi tiếng.

– Cuốn sách nói về vấn đề bạn đang quan tâm.

– Cứ mua về rồi một lúc nào đó sẽ đọc tới.

– Giá rẻ

– Chỉ còn một vài cuốn cuối cùng.

Khi bạn về tới nhà thì các lý do này cũng mờ nhạt dần. Cuốn sách không còn đẹp nữa vì bạn đã ngắm nghía nó quá đủ, rất thích hợp để trang trí giá sách.

Bạn chỉ ra quyết định mua sách và đúng là bạn đã thực hiện được. Nhưng mua sách để làm gì thì bạn không chỉ rõ.

 

Khi mục tiêu của bạn rõ ràng và đủ lớn thì bạn rất hưng phấn thực hiện. Nhưng cũng có lúc mục tiêu này bị lãng quên khiến bạn không còn hứng thú nữa. Rất nhiều công việc lúc khởi đầu chúng ta rất hưng phấn nhưng lúc thực hiện lại chán nản, mệt mỏi.

 

2. Thiếu tầm nhìn

Khi quyết định cầu hôn với cô A, lý do của bạn có thể là:

– Xinh

– Lùn nhưng duyên

– Sôi nổi

– Đa cảm hay khóc

– Cô ấy yếu đuối, cần một người mạnh mẽ như bạn

Khi cưới cô ý về rồi thì các lý do trên bắt đầu mờ nhạt dần. Ngắm mãi thì cũng hết cảm giác xinh. Đa cảm hay khóc giờ đây trở thành thảm họa. Bạn tự hỏi Tại sao mình lại lấy cô ý nhỉ?

Một cô gái có thể yêu thích một anh chàng luộm thuộm với suy nghĩ sao anh ý dễ thương thế. Cô gái cũng có thể yêu một anh chàng săm trổ đầy mình, sẵn sàng chém giết, ra đường không sợ ai. ..nhưng có lấy hay không thì phải quyết định trong lý trí.

vision
Càng cao bạn càng nhìn rộng hơn

Vấn đề chung ở đây là ta thiếu tầm nhìn đủ xa. Ta chỉ nhìn những ưu điểm trước mắt và nghĩ rằng mọi thứ cứ mãi như vậy mãi mãi. Đây là điển hình cho việc vừa quản lý kém, vừa lãnh đạo kém.

 

 

 

 

3. Không dám mạo hiểm

Hồi còn mới tập tọe biết bơi tôi quyết định là sẽ phải bơi vượt Hồ tây. Hồi đó các hồ ở Hà Nội còn rất sạch, việc bơi sông hồ là hết sức bình thường. Hăm hở tới nơi nhìn thấy bờ bên kia mờ xa, sợ hãi, quay về.

riskGiả sử như tôi có khả năng bơi vượt hồ tây và Quyết định trên là đúng thì vấn đề nằm ở đâu? Vấn đề nằm ở chỗ tôi không dám mạo hiểm.

Bạn nhìn thấy thành công của người khác và muốn lấy đó làm tấm gương học hỏi. Khi bắt tay vào thực hiện bạn mới thấy rằng mọi thành công đều phải có rủi ro. Người thành công là người chấp nhận rủi ro. Họ biết rằng cho dù có chuẩn bị tốt tới đâu, có các quyết định đúng tới đâu thì họ vẫn có thể thất bại.

Thông thường khi ra một quyết định nào đó ít khi ta nhìn thấy hết được các khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện. Các khó khăn xuất hiện khi một số tác nhân nào đó cùng xảy ra một lúc. Việc xảy ra hay không xảy ra mang tính ngẫu nhiên cao mà bạn không thể dự đoán được hết được.

 

4.Thiếu niềm tin vào chính mình

Bạn tin sếp bạn khi nào? Khi anh ta nói gì làm đấy, và khi các hành động, lời nói của anh ta là nhất quán.

Bạn tin bạn khi nào? Khi luôn thực hiện được những gì bạn nói và khi các hành động, lời nói của bạn đều dựa trên một số nguyên tắc rõ ràng.

Bạn quyết định là sáng mai phải dậy sớm với suy nghĩ rằng mình sẽ khó mà thực hiện được thì bạn sẽ không thể làm được.

 

Bạn quyết định mở một quán ăn thật hoành tráng mà trước đó chưa từng thành công ở một quán ăn nhỏ nào thì cũng cầm chắc thất bại.

niem tin 1Rất khó để bạn thực hiện được một việc lớn khi bạn không thực hiện được thành công một việc nhỏ. Chúng ta hay cố gắng tỏ ra là người đáng tin với người khác nhưng lại không quan tâm tới việc gia tăng niềm tin đối với chính chúng ta.

 

5. Dễ dàng thỏa mãn

Ưu điểm của dễ thỏa mãn là dễ dàng hạnh phúc. Con người càng nhiều ham muốn thì càng kém hạnh phúc hơn do khó khăn trong việc thỏa mãn. Khác biệt chỉ là người có mục tiêu lớn khi thỏa mãn họ hạnh phúc hơn là người thỏa mãn với mục tiêu nhỏ

Nếu sếp bạn chỉ có một mục tiêu là doanh số năm sau bằng so với năm trước thì công ty cũng sẽ không có bước phát triển nào cả. Tương tự, nếu như bạn chỉ có ham muốn thu nhập, năng lực năm nay bằng với năm trước thì bạn sẽ không có thay đổi nào. Vấn đề ở đây là bên ngoài mọi thứ đều thay đổi theo hướng xấu đi, khi bạn đứng yên thì có nghĩa là bạn đang giật lùi một cách tương đối.

Khi đọc hay tiếp xúc với những người thành đạt bạn sẽ thấy họ đều có những đòi hỏi cao tới mức vô lý (trong mắt bạn). Khởi nghiệp, Bin Gates không bán bản quyền hệ điều hành DOS trọn gói cho IBM mà là bán bản quyền cho từng máy tính mà IBM bán ra. Ở địa vị của bạn có thể bạn sẽ bán trọn gói để thu ngay về một mớ tiền; nếu Bin Gates tư duy theo cách này thì cũng không có Microsoft ngày nay.

6. Không giữ trạng thái sức khỏe tốt

Có thể điều này là thừa nếu như bạn đang độ tuổi 20. Bạn chỉ thấy sức khỏe là quan trọng khi càng già.

Rất khó tồn tại một bộ óc sáng suốt trong một cơ thể bạc nhược. Việc bạn cần làm là chăm sóc cái ô tô khi nó còn mới, nếu bạn chăm sóc cái ô tô khi nó sắp hỏng thì chi phí nhiều mà hiệu quả thấp.

Các quyết định trong một công ty khỏe mạnh sẽ có khả năng được thực hiện tốt hơn so với một công ty yếu đuối. Yếu đuối đối với một công ty đó là văn hóa công ty yếu, hệ thống quản trị yếu, năng lực nhân lực yếu, năng lực tài chính yếu.

 

7. Thiếu chuyên nghiệp

Bước vào bất cứ một quán ăn nào bạn cũng có thể nhận xét được là nhân viên phục vụ ở đây có chuyên nghiệp hay không. Mặc dù rằng một nhân viên phục vụ không làm món ăn kém ngon đi nhưng bạn vẫn thấy khó chịu.

Chuyên nghiệp thể hiện ở hai yếu tố 1. Hình thức và 2. Hành động

Bạn có thấy các giám đốc công ty thường ăn mặc rất lịch sự không? Giám đốc hiểu rằng nhân viên sẽ quan sát họ. Nhân viên sẽ cảm thấy tin tưởng hơn.

Bạn có thấy là giám đốc công ty cũng tỏ vẻ rất lắng nghe khi bạn nói mặc dù có thể anh ta không thực sự quan tâm? Nó sẽ giúp tạo cảm giác trong nhân viên rằng họ được tôn trọng.

Bạn có thấy các vị giám đốc cũng rất thích kể chuyện phiếm, chẳng liên quan gì tới công việc. Thực ra nó chỉ là con đường vòng giúp bạn dễ tiếp thu hơn.

Bạn có thấy là các hành động của họ đều rất dứt khoát; luôn ở trạng thái biết rõ rằng mình đang làm gì.

Những người có địa vị càng cao thì họ càng quý trọng thời gian nhưng họ vẫn cứ làm vậy vì đó là hoạt động mang tính biểu tượng, là một hoạt động lãnh đạo, là một nhiệm vụ mà họ phải làm.

Tương tự đối với cá nhân chúng ta. Chúng ta nên ăn mặc đẹp, sạch sẽ. Các hoạt động của ta phải mạch lạc, dứt khoát, nhanh,.. như thể chúng ta biết rõ chúng ta phải làm gì.

 

Khả năng lãnh đạo người khác

Khi nào bạn thực hiện theo các quyết định của người khác?

TH1:  Khi họ có quyền ra lệnh đối với bạn ví dụ như bố mẹ với con cái, cấp trên với cấp dưới.

TH2: Khi bạn phục họ. Mặc dù bạn không bắt buộc phải thực hiện nhưng bạn tin rằng việc thực hiện theo sẽ có lợi trực tiếp hoặc gián tiếp cho bạn hơn là không.

Trường hợp 1 là sự bắt buộc bằng vũ lực theo động lực 2.0 (Cây gậy và củ cà dốt). Không thực hiện theo thì bị phạt, thực hiện theo thì được thưởng. Ngoài mặt thì bạn có thể vâng dạ sẽ thực hiện nhưng lại tìm cách không phải thực hiện. Nguyên nhân xuất phát từ việc bạn thấy rằng quyết định đó là không đúng, không có lợi cho bạn, không tin tưởng người ra quyết định.

Vì vậy một người ở vị trí trưởng phòng có thể đơn thuần chỉ dùng chức năng quản lý mà không có hoạt động lãnh đạo. Khi anh ta không còn ngồi ghế đó nữa thì anh ta sẽ không thể bắt ai phải làm theo ý anh ta nữa.

Trường hợp 2 là sự tự nguyện, chính là hoạt động lãnh đạo. Nếu như bạn thực hiện một quyết định của người khác trong tình huống không bị ép buộc thì chứng tỏ người đó đang sử dụng tài lãnh đạo của mình. Một người không có vị trí chức danh gì cả vẫn có thể gây ảnh hưởng tới người khác bằng khả năng lãnh đạo của mình.

Công thức chung trong kết hợp giữa lãnh đạo và quản lý khi muốn hoàn thành một việc cụ thể:

Bước 1: Bạn quyết định sẽ làm việc A, ví dụ như sẽ học kỹ năng bán hàng.

Bước 2: Làm rõ nội dung khái niệm. Kỹ năng bán hàng bao gồm những kỹ năng nhỏ nào.

Bước 3: Tìm ra nguyên nhân tại sao phải làm việc đó. Kỹ năng bán hàng sẽ giúp chúng ta điều gì trong cuộc sống hay công việc? Cần phải dành nhiều thời gian tại bước này để củng cố niềm tin rằng việc này thực sự đáng làm, bắt buộc phải làm. Nếu thấy nguyên nhân không đủ lớn thì từ bỏ việc thực hiện vì nếu thực hiện thì bạn sẽ bỏ dở giữa chừng. Viết các nguyên nhân ra giấy.

Bước 4: Lập kế hoạch thực hiện công việc. Bao giờ bạn sẽ học xong kỹ năng bán hàng? “học xong” được hiểu là như thế nào? Bạn sẽ học bằng những cách nào? Bạn sẽ dành bao nhiêu nguồn lực cho nó (thời gian, tiền bạc).

Bước 5: Bắt tay vào thực hiện và định kỳ đọc lại nguyên nhân bạn làm việc này.

Bước 6: Nhanh chóng biến những hoạt động mang tính lặp đi lặp lại thành thói quen. Nếu như lần nào hành động bạn cũng phải đấu tranh xem có nên làm hay không thì rồi tới lúc bạn sẽ không làm khi động lực dần yếu đi.

Nếu muốn lãnh đạo bản thân một cách bài bản:

Nhiệm vụ của lãnh đạo trong một công ty có thể phân ra làm hai nhóm. Nhóm các hoạt động chiến lược và nhóm các hoạt động hàng ngày. Bạn có thể chỉ cần quan tâm tới các hoạt động hàng ngày thông qua việc tránh các sai lầm lãnh đạo kém ở trên.

 

Bước 1: Xây dựng sứ mệnh, tầm nhìn cho bản thân

– Bạn tồn tại là vì cái gì? Gia đình, đất nước, tiền bạc, hưởng thụ. Ví dụ: Tôi sẽ giúp đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu :). Tôi sẽ giúp con cái của tôi có một nền tảng vững chắc khởi đầu tốt cho cuộc sống chúng nó.

– Mục tiêu của bạn 20 năm tới là gì? Ví dụ tôi sẽ tự chủ  tài chính và có thể làm những thứ mình thực sự yêu thích.

Bước 2: Xây dựng chiến lược

– Điểm mạnh và yếu của tôi là gì? Chiến lược của bạn phải ưu tiên dựa trên điểm mạnh chứ không phải cố gắng lấp đầy các điểm yếu.

– Có cơ hội gì ở xung quanh thích hợp với điểm mạnh của tôi không? Để trả lời câu hỏi này đòi hỏi bạn phải có kiến thức nhất định về kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam và hiểu biết về một số ngành nghề gần gũi với điểm mạnh của bạn.

Bước 3: Xây dựng giá trị cốt lõi

– Tôi tin vào cái gì? tôi tin rằng nếu cố gắng nỗ lực hàng ngày tôi sẽ đạt được cái tôi muốn.

– Nguyên tắc hành xử của tôi là gì? Ví dụ trung thực, nhiệt tình, không bỏ cuộc. Việc này sẽ giúp các hành động của bạn mang tính nhất quán cao.

Bước 4: Xây dựng mục tiêu 1 năm, 3 năm, 5 năm

Tham khảo bài Hoàn thiện bản thân (P4: Tạo động lực)

Bước 5: Củng cố nguồn lực:

– Các kỹ năng nào tôi sẽ phải học? ví dụ kỹ năng quản lý thời gian, quản lý tài chính cá nhân, giao tiếp, đàm phán,…

– Các kiến thức nào tôi sẽ phải tìm hiểu?

Bước 6: Xây dựng phương pháp nhắc bản thân không quên sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu

Xây dựng đã khó mà giữ để nó luôn là cảm hứng giúp bạn vượt qua các khó khăn còn khó hơn. Bạn sẽ ghi nó ra giấy, công bố cho mọi người biết, sử dụng một phần mềm hỗ trợ, ….Mỗi người sẽ có một cách riêng, nếu không coi trọng bước này bạn sẽ nhanh chóng quên đi.

Bước 7: Hành động theo nguyên tắc thành công nhỏ là tiền đề cho thành công lớn

Đầu tiên bạn phải đưa ra mục tiêu mà bạn chắc chắn sẽ làm được. Sau đó nâng dần mức độ thử thách lên. Liên tục thành công sẽ giúp bạn hình thành trong đầu rằng bạn có thể làm được những gì bạn muốn.

 

Các quan điểm sai lầm trong lãnh đạo bản thân bạn cần tránh:

1. Cho rằng giữa đúng và sai phải rõ ràng:

Một thứ có thể đúng với người khác nhưng sai so với bạn. Ví dụ như một học sinh lớp 1 không thể làm toán lớp 5 nhưng bạn thì có thể.

Hội chém lợn có thể phản cảm so với người này nhưng không đối với người khác.  Việc chúng ta cần làm là chấp nhận tính đa dạng.

2. Bảo thủ

Không dám nhận mình đã sai trước mặt người khác.

3. Chỉ thích những người giống mình

Rất khó nhìn vấn đề ở nhiều phương diện khi mà mọi người đều giống nhau. Khi một ai đó phát biểu trái ý bạn thì hãy bình tĩnh suy nghĩ.

4. Máy móc

Lập ra một lịch trình cụ thể và cứng nhắc làm theo mặc dù hoàn cảnh khách quan bên ngòai thay đổi.

5. Để cảm xúc dẫn dắt quá nhiều

Lãnh đạo sử dụng nhiều tới công cụ cảm xúc nhưng cảm xúc cũng có hai mặt. Khi quá hưng phấn bạn dễ mất lý trí. Khi quá bi quan bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội.

6. Lo lắng, quan tâm tới những thứ ngoài tầm với

Chiến tranh với trung quốc, nền kinh tế bất ổn, người dân miền núi không có cầu qua sông, Mỹ tâm mặc áo ngực mầu gì,….

7. Không giúp đỡ người khác, chỉ quan tâm tới bản thân

8. Chỉ quan tâm tới tiểu tiết

9. Coi mọi thứ mình không làm được đều là bất khả thi.

 

Làm sao để lãnh đạo được người khác?

Họ phải tin rằng quyết định của bạn là đúng đắn. Việc thực hiện theo quyết định sẽ có lợi trực tiếp hay gián tiếp cho họ.

Làm sao để họ tin?

– Bạn có uy tín: trong lịch sử các lần ra quyết định của bạn thì số quyết định đúng nhiều áp đảo 😛

– Bạn chứng minh rằng quyết định của bạn là đúng và họ thực sự tâm phục khẩu phục.

– Bạn là người có thể tin tưởng: Họ tin rằng bạn sẽ không làm điều gì xâm phạm tới lợi ích của họ

– Bạn là người có trình độ: năng lực chuyên môn của bạn tốt và họ cảm phục bạn. Một người thợ hàn giỏi dễ dàng bảo các thợ hàn khác trong nhóm làm theo cách của anh ta.

– Có đam mê lớn: đam mê của bạn truyền cho họ khiến họ cũng cảm thấy phấn khích. Kiểu này như Bác Hồ hay Ghandi.

– Khi có vấn đề xảy ra trước hết nhận lỗi về mình mà không đổ lỗi cho người khác: điều này giúp cho người khác cảm thấy an toàn nếu có vấn đề xảy ra.

– Đi đầu trong các khó khăn: bạn nhận lấy công việc khó, công việc dễ hơn cho người khác.

 

Bất mãn kẻ thù nguy hiểm

Bạn biết là mỗi hành động của chúng ta đều có lý do, lý do đó được gọi là động lực. Mỗi ngày bạn dậy sớm, đi làm vất vả cũng là để kiếm tiền về nuôi sống bản thân và gia đình. Cao cả hơn nữa thì là để khẳng định bản thân mình trước gia đình và những người xung quanh; được cống hiến cho đời.

Một CEO trong công ty thực hiện các quyết định mang tính quản lý và thực hiện các hành động mang tính biểu tượng nhằm thúc đẩy mọi người hành động. Bản thân anh ta với năng lực và trách nhiệm của mình cho rằng một việc A cần phải được thực hiện. Tuy nhiên một người dưới quyền có năng lực và trách nhiệm thấp hơn rất nhiều sẽ không nhìn nhận rằng công việc A phải làm, vì anh ta không kết nối được giữa kết quả khi làm A với lợi ích của chính bản thân mình.

Nhu cầu càng ở mức thấp trong tháp nhu cầu của Maslow thì tầm nhìn càng bị bó hẹp.

Khi thấy khó khăn để đạt được một nhu cầu nào đó chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh xung quanh. Hành động này sinh ra một trạng thái vô cùng nguy hiểm đó là “Bất mãn”.

Bất mãn sẽ gây ra năng suất lao động kém.

Khi bạn bất mãn với công ty vì một nguyên nhân nào đó ví dụ không được trả lương xứng đáng, bạn sẽ rời bỏ công ty đó. Vì hầu hết nguyên nhân thực chất là đến từ chính bạn nên khi tới công ty khác bạn sẽ lại tiếp tục lâm vào hoàn cảnh tương tự, lại bất mãn. Bạn sẽ còn tiếp tục bất mãn cho tới khi bạn nhận ra rằng mình đã bỏ nỡ nhiều cơ hội mà không thể lấy lại được.

Trong gia đình, đôi khi bạn bất mãn với vợ hay chồng của mình. Đáng nhẽ cô ta phải nghĩ, nói, làm như cái cách mà bạn cho rằng phải như vậy nhưng cô ta lại nghĩ, nói, làm ngược lại. Thông thường bạn hoặc im lặng hoặc tiếp tục thuyết phục cô hay anh ta làm theo ý bạn. Nhưng anh hay cô ta lại cho rằng họ làm đúng, bạn làm mới sai.

Nguyên nhân vì ai trong chúng ta cũng có xu hướng đổ lỗi cho người xung quanh thay vì nhìn nhận chính bản thân mình. Anh hay cô ta sẽ cho rằng phải làm như anh hay cô ta đang làm mới là đúng, còn bạn là đang làm sai.

Để thay đổi quan điểm của người khác là rất khó khăn.

Bài học ở đây là nếu có một tảng đá ở giữa đường đi mà bạn không thể di chuyển  thì hãy nghĩ ra cách để vượt qua nó thay vì chỉ đứng mà đổ lỗi cho tảng đá.

Ai trong chúng ta ít nhất thì cũng đang Lãnh đạo và Quản lý chính bản thân mình, gọi chung là Lãnh đạo bản thân. Nếu tách chúng ta ra làm hai người độc lập, một người lãnh đạo và một người là nhân viên thì câu hỏi đặt ra là “Làm sao để nhân viên làm việc hiệu quả nhất?”.

Thế nào là hiệu quả nhất?

Là cùng một khoảng thời gian ta thu được nhiều giá trị ròng nhất. Giá trị đó có thể là về tinh thần hoặc vật chất.

Ví dụ bạn có một buổi tối đi chơi với người yêu thì chắc chắn bạn sẽ phải lập kế hoạch dự kiến từ trước khi cuộc đi chơi bắt đầu. Mục tiêu của kế hoạch đó là làm sao cho hai bạn có được khoảng thời gian tuyệt vời nhất với số tiền ít nhất. Tương tự khi bạn có 1 ngày chủ nhật rảnh rỗi thì chắc chắn bạn sẽ nghĩ tới việc làm sao để có một ngày chủ nhật thoải mái nhất về tinh thần với chi phí thấp nhất.

Mở rộng ra, ai trong chúng ta cũng muốn sống một cuộc sống đáng sống. Câu hỏi trở thành “Làm sao để ta có cuộc sống đáng sống nhất?”.

Câu trả lời là khi chúng ta ý thức được vai trò lãnh đạo bản thân của chính mình.

Quay trở lại giả định: Chúng ta sẽ tách chính mình ra làm hai người độc lập nhau. Một người là Lãnh đạo và một người là Nhân viên.

Lanh dao

Tôi dùng “Chức năng Lãnh đạo” nhằm tránh hiểu nhầm nó sang danh từ “Lãnh đạo”.

Ông Lãnh đạo của ta thực thi 2 chức năng như sau:

Chức năng Lãnh đạo: Ông tạo động lực cho ta khi làm một cái gì đó.

Chức năng Quản lý: Ông ta chỉ ta phải làm gì, làm lúc nào, làm như thế nào. Nhắc nhở ta khi tới lúc phải làm gì đó, xem xét lại kết quả ta làm ra.

Ông Lãnh đạo phải xác định 1.Tầm nhìn; 2.Đam me; 3. Kỷ luật và 4. Lương tâm. Tham khảo bài Thói quen thứ 8.

Comments

comments

8 COMMENTS

  1. Cám ơn Anh Dũng đã chia sẽ. Kiến thức rất bổ ích và có thể áp dụng được ngay.

  2. Bài viết của anh rất ý nghĩa với cuộc sống của em và nhiều người trẻ.
    Cám ơn anh đã giành thời gian và tâm huyết để viết ra web này. Mong anh luôn khỏe mạnh và hạnh phúc.
    Hi vọng có được 1 lần mời anh cafe miễn phí. ^^.
    Trân trọng.

  3. Series “Hoàn thiện bản than” của Dungiso quả that là quá chat lượng. Đã đọc rất nhiều sách cũng như bài viết về PTBT, nhưng phải dành cho series này 1 sự ngưỡng mộ lớn lao.

    Cảm ơn tác giả vì kiến thức và sự tâm huyết. Chúc mọi điều tốt đẹp và hy vọng sẽ có duyên gặp gỡ.

  4. Làm thế nào để viết được một bài viết như thế này vậy anh? Em thật sự rất may mắn khi đọc được nó, em chỉ muốn nói rằng “Giá như em được đọc nó sớm hơn, cảm ơn anh rất nhiều – anh Dũng”.

Leave a Reply to dungiso Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here