Chỉ số vượt khó AQ (P5: Thay đổi để tốt hơn)

10
7502

Chúng ta thành công nhờ thói quen và thất bại cũng vì thói quen.  Thói quen cũng là thứ chúng ta ít quan tâm nhất vì thực hiện theo thói quen mang lại cho ta sự an toàn, làm khác đi so với thói quen sinh ra lo lắng, sợ hãi. Chỉ thỉnh thoảng trong đời vì một sức ép nào đó khiến chúng ta làm khác rất nhiều so với thói quen, với những thứ thường làm. Nếu cuộc sống cứ bình lặng, mọi thứ đều có vẻ đang ổn thì ít khi chúng ta nghĩ tới việc từ bỏ hay hình thành một thói quen nào đó. Luôn luôn có sự biện minh để không phải thay đổi.

Tìm động lực thay đổi

Nhìn lại đời mình chắc chắn mỗi người chúng ta đã có lúc làm một cái gì đó quên thời gian, lúc nào cũng nghĩ tới nó, ngủ cũng mơ tới nó. Đó có thể là tham gia một môn thể thao mới, có cô người yêu mới, có cô vợ mới, có cái xe mới. Những thứ mới mẻ thường cuốn hút ta ( và khi nó trở nên “cũ”, ta sẽ chán nó)

Đánh bạc cũng có sức cuốn hút cao, Tại sao? Vì ta nghĩ rằng mình có thể thắng bạc; cầm một đống tiền về nhà; ta nghĩ ta thuộc nhóm ngoại lệ, người may mắn. Cứ thử vào sòng bạc bạn sẽ thấy mình tiêu tới đồng tiền cuối cùng mà lúc nào cũng hừng hực khí thế; thậm chí hết tiền còn vay tiền với hy vọng sẽ thắng. Hy vọng thắng giúp ta phấn chấn quên ăn quên ngủ (và cố mãi không thấy thành quả, ta sẽ nản lòng)

Một người leo núi đứng trước 2 ngọn núi; một là đơn giản và hai là rất thách thức. Họ sẽ chọn ngọn núi thách thức vì nó sẽ kích thích cảm xúc của anh ta hơn rất nhiều so với ngọn núi đơn giản. Suy cho cùng nếu bạn hàng ngày đã có thể chạy 21km thì việc hôm nay chạy 21km chẳng mang lại cho bạn một chút cảm xúc tự hào gì, nhưng nếu đó là cự ly 100km thì đó là việc khác. Nếu bạn có thể nâng quả tạ 50kg thì bạn chẳng việc gì tới phòng tập chỉ để nâng quả tạ 20kg; chẳng có cảm xúc gì khi nâng quả tạ 20kg (mặc dù với người khác họ có thể sướng phát điên lên được); nhưng nếu hôm đó bạn có thể nâng được quả tạ 55kg thì bạn sẽ rất phấn chấn tự hào (mặc dù cảm thấy mệt hơn). Những thách thức giúp con người ta cảm thấy mình sống có ý nghĩa, giúp mình biết phải đi về đâu, giúp khẳng định bản thân trước những người xung quanh. Khi một thứ gì đó không còn là thách thức nữa ta cần có mục tiêu thách thức tiếp theo.

Khởi nghiệp kinh doanh cũng vậy, cảm xúc được gây dựng lên một mô hình kinh doanh có thể khiến cho những người khởi nghiệp làm không biết mệt cho dù không được một đồng lương nào. Ý nghĩ rằng mình đang trong quá trình tạo ra một cái gì đó lớn lao, khác biệt, làm thay đổi hẳn một cái gì đó,…là nguyên nhân tạo ra trạng thái làm việc như vậy. Khi mọi thứ đã vào nếp ta dễ bị mất đi sự hứng khởi của những ngày đầu khởi nghiệp. 

Có nhiều thực tế về ông bố bà mẹ, ngày đi làm kiếm tiền, tối về chăm con trong bệnh viện chỉ để mong duy trì sự sống cho đứa con của mình. Trong họ như có một sức đẩy buộc họ phải vượt qua mọi khó khăn vì lúc đó họ sợ mất đi người yêu thương của mình. Khi chúng ta sợ mất đi một cái gì đó quan trọng với bản thân mình, chúng ta có thể hành động quên sợ hãi. Chỉ khi ta nhận ra mình sắp mất một cái gì đó quan trọng, ta mới hành động để cố gắng giữ lại.

Những trạng thái đó mang yếu tố cảm xúc, nó khiến cho con người làm việc quên mệt mỏi, thường mang lại những kết quả xuất sắc. Khi họ muốn thời gian trôi chậm thì dường như nó trôi quá nhanh và khi họ muốn nó trôi nhanh thì dường như mỗi phút như một thế kỷ. Cảm xúc thực sự mạnh mẽ nếu như ta biết điều khiển nó; cảm xúc là bạn của ta nếu ta biết sử dụng nó đúng mục đích.

Hầu hết chúng ta đều tò mò trước cái mới vậy hãy làm mới cái cũ trước khi nó quá cũ để có thể làm mới. Nếu công việc đã quá nhàm chán thì hãy xem có cách nào có thể làm mới nó lên không ví dụ như làm nó với một cách mới (hiệu quả hơn). Còn nếu bó tay rồi thì chuyển việc khác.

Hầu hết trong chúng ta thích đối mặt với các thách thức vừa phải; vậy hãy chủ động chọn cho mình thách thức để vượt qua thay vì đợi cuộc sống hay sếp của bạn ném cho bạn thách thức (thường vượt nhiều so với khả năng). Thấy công việc gì phù hợp và mình có thể cố gắng đạt được thì chủ động chọn giống như bạn chủ động chọn đỉnh núi để leo.

Ai cũng muốn thành công trong sự nghiệp, hạnh phúc trong gia đình, có một cuộc sống viên mãn. Những thứ đó muốn đạt được phải có hy sinh; có ai cho không ai cái gì đâu và chẳng có cái gì tự nhiên từ trên trời rơi xuống. Sở dĩ ta ham đánh bạc vì ta nghĩ rằng mình dễ dàng thắng, cái thắng dường như ngay trước mắt, nhưng đã có người thắng thì phải có người thua và người thua gấp cả ngàn lần số người thắng . Thành quả đạt được tỷ lệ thuận vào mức độ liều khi chọn mục tiêu và mức độ nỗ lực để đạt tới nó. Nếu giỏi đạt được trong 1 năm; nếu kém giỏi thì 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm. Cái bạn đạt được không phải là ở vạch về đích mà là cảm xúc trong tiến trình tới đích. Tạo ra thật nhiều giá trị nhưng không cảm thấy mệt mỏi.

Chúng ta có nhiều thứ quý giá như thời gian, sức khỏe, vợ/chồng, bố/mẹ, con cái ( những cái này thì ai cũng có). Sau đó là những tài sản như nhà cửa, ruộng vườn, máy bay xe đạp, ô tô xe máy, điện thoại, máy tính, quần áo,..Ta thường sợ mất đi tài sản dễ nhìn thấy như nhà cửa ô tô, xe máy,… vì nó rất dễ thấy. Những thứ quý giá như thời gian, sức khỏe, bố/mẹ, vợ/chồng, con cái… lại ít quan tâm vì ta nghĩ là hiển nhiên phải có; thực tế là những thứ quý giá đó vẫn đang hao mòn đi theo thời gian một cách từ từ khiến ta không nhận ra.

3 giai đoạn của thay đổi

Giai đoạn cũ: 

Khi chúng ta cảm thấy mọi thứ đều “bình thường”, không có gì mới, ngày hôm nay diễn ra giống ngày hôm qua thì đó là ta đang yên vị trong một hiện trạng. Sự ổn định lặp đi lặp lại mang cho ta cảm giác an toàn, cuộc sống trôi qua thật yên bình. Hầu hết cuộc đời chúng ta sẽ ở trong trạng thái “ổn định” kiểu như vậy.

Hiện trạng này có 3 xu hướng: 1.Tiến lên; 2.Đi ngang và 3.Đi xuống.

Tiến lên khi chúng ta đang giữ những thói quen tốt mang tính chất phát triển liên tục như thói quen đọc sách hàng ngày, tập thể thao hàng ngày, xây dựng niềm tin với những người xung quanh, …Đi ngang và đi xuống khi mà sự phát triển của ta không thay đổi nhanh bằng sự phức tạp của ngoại cảnh. Ví dụ như môi trường làm việc sẽ ngày một đòi hỏi trình độ cao hơn trong khi ta học không kịp hoặc thậm chí không học gì. Môi trường kinh doanh ngày một cạnh tranh cao nhưng công ty chúng ta thì vẫn hoạt động giống như năm trước và nhiều năm trước nữa.

Giai đoạn quá độ

Hiện trạng thay đổi tại A khi có một sự kiện không được ta đoán trước xảy ra buộc ta phải thay đổi như bệnh tật, vợ bỏ, bị đuổi việc, bị tai nạn…. (Một sức ép từ bên ngoài). Hoặc một thay đổi trong nhận thức khiến ta tự xác định mình phải thay đổi (động lực từ bên trong).

Thường một sự kiện xảy ra là do tích tụ của nhiều yếu tố trong một thời gian dài. Sếp không tự nhiên ngày hôm nay gọi ta ra cho nghỉ việc. Bệnh thì có từ lâu trước đó rồi chẳng qua giờ mới phát hiện ra và có thể do một nguyên nhân từ 5 năm trước. Vợ không tự nhiên mà bỏ và nợ không tự nhiên mà tới.

Tốt đẹp nhất là ta chủ động thay đổi tại A thay vì một sự kiện bên ngoài ép phải thay đổi. Sự chủ động sẽ giúp bạn sắp xếp được các nguồn lực, thay đổi khi còn có thể thay đổi được. Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh mà. Cái gì đột xuất thường sẽ rất ghê rợn; và ta khó có thể chống lại được mà không phải đổ cơ số máu.

Rồi bỗng nhiên một ngày đẹp trời ta buộc phải vượt qua một đỉnh núi. Nếu như có được sự luyện tập tốt ở phía trước thì giai đoạn leo núi có thể rút ngắn và đỡ đắng cay hơn. Nếu trước đó chưa từng đi bộ quá vài km thì giai đoạn này sẽ kéo dài và đầy khổ cực.

Từ A tới B, là giai đoạn tìm hiểu định hình vấn đề đang gặp phải, tìm các phương án và thử nghiệm. Nếu A tới B quá dài có thể khiến ta sợ hãi và cố gắng quay lại hiện trạng cũ (nếu có thể).

Từ B đã có một số chiến thắng nho nhỏ, thấy được con đường rõ ràng hơn và tình hình bắt đầu tốt lên. Trước khi bằng đỉnh cũ A thì vẫn có những nghi ngờ, thắc mắc rằng những gì ta cố gắng là vô ích. Càng có khả năng chịu đựng giỏi thì càng có khả năng vượt qua giai đoạn quá độ để tới C (hiện trạng mới).

Giai đoạn mới

Một giai đoạn mới không hẳn sẽ tốt hơn giai đoạn cũ nhất là những thiệt hại đột ngột. Ví dụ như bị mắc bệnh hiểm ngèo, một hiện trạng mới chỉ đơn giản là một sự ổn định kéo dài khi vượt qua giai đoạn chữa trị, nó không tốt hơn thời điểm ta còn chưa phát hiện ra bệnh.

Đối với tình huống ta nghĩ mình phải thay đổi và quyết định thay đổi thì nên theo phương pháp của cuốn “Vĩ đại do lựa chọn“. Ta cần bắn những phát đạn nhỏ trước khi dành toàn lực bắn phát đạn lớn. Những viên đạn nhỏ giúp ta tìm ra con đường phù hợp trong khi nguồn lực không bị thiệt hại đáng kể nếu phát đó thất bại.

Sách: Vĩ đại do lựa chọn (P2: Đi lên bằng những bước nhỏ)

Khi chúng ta chủ động thay đổi và thành công trong thay đổi thì hiện trạng mới luôn tốt hơn hiện trạng cũ. Chúng ta ai cũng nhận ra điều đó nhưng khó khăn nằm ở giai đoạn quá độ. Giai đoạn này dài và hay phải tự mình mày mò do đặc điểm con người và hoàn cảnh mỗi người mỗi khác nhau. Giống như người leo núi, với sự chuẩn bị kỹ càng (hiểu về mình và ngọn núi mình phải vượt qua) thì ta sẽ vượt qua được ngọn núi này.

Nói chung nên lựa chọn các đỉnh núi nhỏ (các thay đổi nhỏ) để dần dần tích tụ được một đỉnh núi lớn (một thay đổi lớn).

Trong văn hóa công ty đã có văn hóa thay đổi

Khẩu hiệu của Vingroup là “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”; ngay trong khẩu hiệu đã tồn tại một văn hóa liên tục thay đổi để tốt hơn. Nhân sự khi vào Vin hiểu rằng sẽ phải luôn luôn cố gắng; trái với quy luật thông thường là qua giai đoạn thay đổi sẽ tới giai đoạn ổn định. Câu khẩu hiệu đã giúp sàng lọc bớt nhân sự không phù hợp nộp đơn đặc biệt là những vị trí quan trọng.

Nhân sự trong một công ty khởi nghiệp luôn làm việc quên mình khi bắt đầu vì nếu không nó sẽ bị đào thải ngay lập tức. Sau một thời gian, khi họ có được thành quả thì thường cảm thấy thỏa mãn và giảm dần mức độ quyết liệt, chấp nhận thử thách cái mới. Rất nhiều người khởi nghiệp bị mắc ở cái bẫy là trước khi gọi được vốn thì làm tốt, sau khi gọi được vốn thì bắt đầu ngủ quên trên chiến thắng; tìm cách tiêu tiền thay vì dùng tiền một cách hiệu quả.

Một  tổ chức AQ cao bao gồm lãnh đạo, quản lý cấp trung và nhân viên có AQ cao. Những người AQ cao sẽ nhanh chóng chấp nhận “phải thay đổi” sau đó rút ngắn và giảm độ sâu “giai đoạn quá độ”. Cấp càng cao thì AQ càng phải cao vì họ là người hoạch định ra các mục tiêu và kế hoạch. Dấu hiệu của AQ thấp là “từ chối thay đổi”, “né tránh phải thay đổi”.

Giống như một nhóm leo núi, nếu số người sẵn sàng leo núi nhiều hơn so với người cắm trại thì nhóm sẽ tiến về phía trước; ngược lại thì những người cắm trại sẽ buộc những người leo núi tốt nhất phải ở lại trong lều của họ. Về lý thuyết ta có thể nhìn vào những lãnh đạo cấp cao, văn hóa công ty, văn bản lưu hành trong công ty,..để xác định được công ty đó có mức độ AQ dạng nào.

Tóm lại một doanh nghiệp nên suy nghĩ xây dựng cho mình thành công ty có AQ cao vì môi trường kinh doanh đang thay đổi hàng ngày. Thay đổi kém có nghĩa là sức cạnh tranh sẽ ngày càng kém đi cho dù công ty có một khởi đầu thuận lợi tốt tới mấy. Chỉ cần chịu khó xem thời sự, bản tin tài chính hàng ngày ta cũng sẽ dễ dàng nhận thấy việc thành hay bại của một công ty ngày nay có khi chỉ trong chốc lát; một mô hình KD mới xuất hiện, một chính sách mới của nhà nước, bảo hộ thương mại….

Đứng ở vị trí cá nhân, chúng ta cũng nên rà soát lại các thói quen của mình bằng cách thống kê việc mình làm hàng ngày. Nếu thói quen đó không giúp bạn tiến về phía trước thì có nghĩa là hiện trạng của bạn có thể đang đi xuống. Tích lũy các thói quen tốt sẽ là mục đích hướng tới của bạn.

Sách: Vĩ đại do lựa chọn (P3: Các nguyên tắc đơn giản và bất biến)

Comments

comments

10 COMMENTS

  1. Sáng nay em mới dậy sớm để chạy. Hành trình thay đổi để tốt hơn bắt đầu! Hy vọng vẫn giữ được động lực để có ngày gặp thầy ở một cuộc thi marathon nào đấy trong tương lai. Cám ơn thầy vì tất cả ạ.

Leave a Reply to Anonymous Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here