Khó khăn có nhiều cấp độ từ việc muỗi đốt tới bệnh nặng hiểm nghèo; có khó khăn có thể dự báo và có khó khăn đến bất ngờ. Giống như chúng ta hàng ngày học hành nâng cao trình độ, tập luyện để gia tăng sức khỏe nhằm có một sự nghiệp tốt hơn, một cuộc sống tốt hơn thì việc gia tăng năng lực vượt khó cũng là việc phải làm.
Có thể thấy khó khăn đối với người này lại là muỗi đốt inox với người khác. Cùng là chạy 42km nhưng đứa thì hoàn thành giống như một buổi đi dạo; đứa thì vật vã khập khễnh lết về đích; tệ hơn nữa còn kết thúc cuộc đời giữa đường; tất cả là do năng lực; mà năng lực có được từ rèn luyện. Việc chuẩn bị cho mình một năng lực vượt khó trước khi mà khó khăn đến cũng tương tự như vậy. Rủi ro ngẫu nhiên đến với mình thì đành chịu nhưng những thứ có thể dự đoán trước mà không chịu chuẩn bị thì đó rõ ràng là lỗi của mình.
Mục lục:
Quản trị khó khăn
Tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta vào bất cứ lúc nào luôn có một khó khăn nào đó. Mức độ ta quan tâm đến nó, tìm cách giải quyết nó chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố thời gian, có nghĩa là yếu tố cấp bách. Việc khó mà ở xa cho dù ta biết rằng một lúc nào đó sẽ trở thành cấp bách thì ta tìm cách tránh nó; đúng hơn là trì hoãn nó cho tới khi nó trở thành cấp bách.
Ví dụ như bạn biết mình có vài cái răng sâu và biết chắc rằng một lúc nào đó trong tương lai sẽ phải đi nha sỹ nhưng bạn trì hoãn vì sợ đau khi tiêm thuốc …giảm đau, phải khoan đục khoét,…Khi cái răng đau bạn buộc phải đến nha sỹ hoặc cố gắng chịu đựng tới khi cái răng đó tạm nghỉ việc hành hại. Bạn đợi đợt đau sắp tới trong lo lắng, nó thường sẽ đau hơn đợt đau trước đó; giá bạn giám đương đầu giải quyết ngay khó khăn đó một lần.
Chính vì vậy, bản thân khó khăn cũng phải được quản trị tốt. Chúng ta quản lý nó, phân loại nó, tìm cách giải quyết nó,…. cũng giống như ở công ty bạn có một danh sách công việc cần làm và cũng cần kỹ năng quản lý công việc vậy. Để tránh bỏ xót cần phải có phương pháp thống kê, có thể lấy từ tâm bạn đổ ra xung quanh.
Theo hướng lấy mình làm trung tâm, trước hết nhìn chính mình xem mình đang có khó khăn gì không theo thời gian và cấp độ (xem phân loại khó khăn phía dưới). Sau đó tới những người có liên quan tới ta theo hướng mở rộng ra ngoài như vợ con, ông bà, họ hàng, hàng xóm,…Lớp ngoài cùng là xã hội, tất nhiên xã hội thì có nhiều vấn đề lắm; chú yếu là cách bạn đối xử với nó chứ không thể giải quyết nó. Xã hội cũng có thể bao gồm cả công ty bạn đang làm; và ở công ty cũng có những khó khăn nằm trong tầm ảnh hưởng của bạn và những khó khăn buộc bạn phải sống chung với nó.
Hoặc có thể thống kê theo 3 nhóm như trong entry xác lập mục tiêu tôi đã làm đó là Cá nhân, Gia đình và Công việc. Hoặc theo các vai trò mà mình đang nắm giữ ở gia đình là con, là bố/mẹ, là ông/bà, là cô/chú; ở công ty là nhân viên kỹ thuật/..; ngoài xã hội là công dân, là học viên trong một khóa học, là thành viên của một hội,…
Kết thúc bước này bạn sẽ có một danh sách khó khăn. Có thể là ghi vào các ô trong biểu đồ trên hoặc theo dạng bảng excel liệt kê. Làm sao để dễ dàng nhìn, dễ dàng tiếp cận.
Tôi hy vọng rằng bạn gia tăng khả năng quản trị khó khăn, để giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát nhằm chỉ còn những khó khăn mang tính ngẫu nhiên. Và khi có một khó khăn cấp độ nghịch cảnh ngẫu nhiên xuất hiện thì mạnh mẽ vượt qua nhờ đã được chuẩn bị đầy đủ vũ khí.
Phân loại khó khăn
Có những khó khăn bạn biết chắc chắn là nó sẽ kết thúc vào một thời điểm xác định ví dụ như hôm tết tôi bị đau răng và đi chữa răng; tôi biết chắc vấn đề này sẽ được giải quyết mặc dù cấp độ đau rằng rất kinh khủng. Bị con ong đốt giữa mũi, bị đuổi việc, mất tài sản,…. Tóm lại bạn biết chắc rằng nó sẽ kết thúc. Nó thuộc nhóm I và II.
Có những khó khăn mang tính vĩnh viễn không có thời điểm kết thúc ví dụ như bệnh không thể chữa khỏi, bị cái sẹo giữa mẹt không thể xóa, gánh một khoản nợ không có khả năng trả,…Nó thuộc nhóm III và IV.
Trục hoành thể hiện thời gian ảnh hưởng của khó khăn là ngắn, dài hay vĩnh viễn.
Khó khăn càng khó giải quyết, có mức độ lây lan càng cao thì càng ảnh hưởng cao (tới cuộc sống của ta). Ví dụ như bạn bị đuổi việc đột xuất, việc này ảnh hưởng tới mức sống của gia đình ngay lập tức, tiếp đó mâu thuẫn giữa vợ chồng bạn do bạn cảm thấy chán nản, …..dần dần cuộc đời xuống dốc không phanh. Tất nhiên nếu bạn AQ cao bạn sẽ giới hạn vấn đề đó lại đơn giản là tìm việc mới càng sớm càng tốt; ngược lại bạn buông xuôi và để nó giống như căn bệnh lây lan ra mọi lĩnh vực.
Phân loại khó khăn sẽ giúp bạn biết cách đối xử với các khó khăn, biết việc nào là quan trọng cần ưu tiên giải quyết trước, đâu là gốc của vấn đề, ngăn chặn đám cháy lan. Và hơn nữa, có nhiều vấn đề có thể dự báo trước đòi hỏi bạn phải khẩn trương hành động ngay ngày hôm nay như sức khỏe sẽ xuống dốc dần theo độ tuổi tăng lên, đòi hỏi năng lực hoàn thành công việc bất kỳ sẽ ngày một tăng theo thời gian,…
Quy trình vượt khó
-
Cảm xúc và phản ứng theo bản năng
Khi một vấn đề xảy ra dù ở cấp độ nào thì cảm xúc sẽ ngay lập tức chi phối suy nghĩ của chúng ta.
Ví dụ:
Sếp giao bạn phải đi công tác nước ngoài 1 tháng giải quyết một vấn đề bất thường và bạn là người rất ghét đi công tác. “Mình không muốn đi công tác; mình rất ghét phải xa gia đình” -> “Sếp đối xử không công bằng, tại sao cứ việc khó lại tới tay mình trong khi thu nhập của mình chẳng hơn người khác là bao” -> “Không được, mình sẽ gặp và nói nghỉ việc; sếp sẽ phải giữ mình bằng cách cử người khác” -> ” Nhưng nếu sếp cho mình nghỉ việc thật thì sao, mình sẽ thất nghiệp” -> “Mình sẽ không kiếm được việc làm tốt như thế này ngay được, mình sẽ thất nghiệp dài hạn; gia đình mình sẽ sống ra sao” -> “Giá mình có chuẩn bị từ trước cho chuyện này; giá mà mình không nộp đơn vào đây; giá mà mình có nhiều tài sản thừa kế hơn,..” -> “Sao ông trời đối xử bất công với mình thế? Mình là người tốt mà đâu đáng phải như thế này”.
Với tâm trạng mệt mỏi bạn bước về nhà; vợ bạn lao ra bảo là con bị viêm họng cần di khám bác sỹ ngay; như đổ thêm dầu vào lửa: “Thôi xong, sao mọi việc lại xảy ra cùng lúc thế này” -> “Vợ mình đúng là không biết thương mình; sao không giúp mình” -> “Giá mà cô ý biết vun vén cho gia đình hơn” -> “Giá mình không lấy cô ấy”. Và cơn ho sộc tới ” hình như mình bị ốm, nhục quá đời thế là hết”.
Bạn thấy thực ra chỉ có 2 vấn đề xảy ra đều có giới hạn thời gian ảnh hưởng và có mức độ ảnh hưởng thấp không có tính lây lan. Việc đi công tác có bắt đầu và có kết thúc rõ ràng, con ốm thì đi khám bác sỹ và nó cũng sẽ khỏi.
Vì vậy bước đầu tiên khi xuất hiện khó khăn là phải ngăn chặn sự lây lan của suy nghĩ do cảm xúc gây ra; luôn luôn nó sẽ hướng theo những sự kiện tệ hại dần; biến một con kiến thành con voi. Giống như khi có cháy thì phải cô lập đám cháy trước tiên, phải cô lập các khó khăn (cho dù có xảy ra cùng lúc) về đúng bản chất của nó; không được để đám cháy lây lan tới mức độ cuối cùng bạn không thể kiểm soát nổi.
Đây rõ ràng là bước cực khó và là bước quan trọng nhất; vấn đề càng trầm trọng, càng ảnh hưởng kéo dài thì càng khó vượt qua. Tùy thuộc vào cách bạn rèn luyện tại bước này mà ngăn chặn được sớm tới đâu; kỹ thuật tốt nhất là đánh lạc hướng, hướng suy nghĩ vào một việc nào đó bận rộn nhằm ngăn chặn dòng suy nghĩ.
Ví dụ khi cảm xúc đang có vấn đề tôi sẽ vác giày đi chạy; có thể 5km, có thể 10km mà cũng có thể 21km hoặc nhiều hơn. Khi chạy mồ hôi ra, hơi thở dồn dập; yếu tố vật lý và lý trí sẽ được củng cố để lấn át cảm xúc. Ngược lại, khi có vấn đề bạn nằm trong chăn, đảm bảo 100% các dòng suy nghĩ được cảm xúc thúc đẩy sẽ như bệnh dịch khiến bạn mất ngủ. Tệ hơn nữa là cố gắng quên nó đi bằng một hành động gây hại về dài hạn như nhậu nhẹt, chơi bời đàn đúm. Trong quá trình đó việc tìm giải pháp là bất khả thi vì tư duy logic rất yếu lúc đó. Bạn cứ tưởng mình đang tư duy logic nhưng không phải, chỉ là các ý tưởng lộn xộn.
Mỗi người cần lựa chọn cho mình một phương thức để ngăn chặn cảm xúc và nhớ rằng đừng có hành động gì khi mà cảm xúc còn đang chi phối. Thủ trong mình một môn thể thao ưa thích là điều bạn phải làm.
Nói chung đa số chúng ta sẽ dừng tại bước này mặc kệ cho cuộc đời đưa đẩy; vết thương tụ thành mủ rồi chết bất đắc kỳ tử. Rèn luyện là tại bước này; cảm xúc xảy ra khi gặp nghịch cảnh là đương nhiên, cứ thả lỏng nó đừng cố chống lại làm gì nhưng phải có ý thức giới hạn thời gian càng ngắn càng tốt.
2. Tư duy phân loại
Sau khi cảm xúc trôi qua; giờ tới lượt lý trí làm việc. Ta cần phải phân loại vấn đề này thuộc dạng gì theo hai tiêu chí: 1.Thời gian ảnh hưởng và 2.Mức độ ảnh hưởng như giải thích ở đầu entry này. Một vấn đề sẽ kết thúc vào một mốc cụ thể hay đó là một vấn đề cả đời người? Mức độ nghiêm trọng, tính lây lan ảnh hưởng của vấn đề sẽ tới đâu ? Liệu ta có thể cô lập, ngăn chặn nó không hay đó nằm ngoài chủ quan của ta?
Thường thì Phúc bất trùng lai, Họa vô đơn trí. Cái họa thường đến dồn dập; khi bạn đang mông lung lo nghĩ về một vấn đề nào đó là lúc bạn chểnh mảng công việc có thể bị đuổi việc, có thể bị tai nạn do bất cẩn trên đường, bệnh tật phát sinh từ tâm trạng lo nghĩ. Bình tĩnh phân loại và cô lập; hãy nghĩ tới tình huống xấu nhất và chấp nhận nó; thay vì nghĩ tới tình huống “giá mà không xảy ra” và so cứ so sánh với nó để mà dằn vặt bản thân.
3. Cảm xúc lựa chọn thái độ
Rõ ràng là cảm xúc trôi qua sẽ vòng lại tiếp tục đánh úp bạn. Bạn sẽ lặp đi lặp lại cái vòng luẩn quẩn của bước 1 và bước 2 rồi đưa ra phương án vớ vấn thà không làm gì còn hơn. Nhiệm vụ tại bước này là bạn phải chốt được cảm xúc rằng đây là vấn đề có thể vượt qua chỉ cần bạn cố gắng; nếu không thể giải quyết triệt để thì có thể giảm nhẹ nó để vẫn tiếp tục sống tốt nhất có thể. Thái độ lạc quan thì cho dù thực tế bạn bạn chẳng thay đổi được gì cũng rất quan trọng. Cùng là nhặt được phong bì 100 nghìn, người thì vui cả ngày, người thì thấy nó bình thường, người thì đau khổ giá mà trong đó có nhiều hơn.
Khó khăn của bạn cho dù thế nào có thể cũng chưa là gì so với khó khăn mà người khác đã/ đang gặp phải. Phải so sánh với những người gặp tình huống trầm trọng hơn để thấy mình vẫn còn may chán.
Lùi lại nhìn rộng ra toàn cảnh xem khó khăn này nằm đâu trong tổng thể, hướng tới mục tiêu lớn hơn để thấy khó khăn này chỉ là thứ đương nhiên sẽ đến, muốn tới đích thì sớm hay muộn cũng phải vượt qua nó.
Nhìn rộng thêm ra rằng đời bạn cũng chỉ khá hơn …. con ruồi giấm một chút. Thiếu bạn trái đất vẫn quay, mặt trời tiếp tục mọc đằng đông, sóng biển vẫn cứ đánh vào bờ, hai con vịt vẫn cứ đều đều mỗi tối tỉn nhau ngoài bờ ao. Thế giới không hề thay đổi vì bạn; chỉ có bạn thay đổi thế giới quan của chính mình mà thôi. Lựa chọn một thái độ tích cực nỗ lực vượt qua khó khăn là tốt cho chính bạn; lựa chọn thái độ mình là nạn nhân thì chỉ thiệt vào thân và hai con vịt vẫn cứ chiều chiều tỉn nhau ngoài bờ ao.
Túm lại, bước này phải neo được thái độ của mình theo hướng tích cực, sẵn sàng cho việc bắt tay vào giải quyết vấn đề; ngăn chặn cảm xúc tiêu cực lặp lại như tại bước 1. Đừng xây dựng cho mình tâm lý là Nạn nhân để đổ lỗi cho xung quanh, làm vậy là bạn đã phó mặc đời mình rồi.
4. Tư duy lập kế hoạch
Quanh ta có hàng tá người chỉ giỏi hô hào quyết tâm nhưng cuối cùng đếch làm được gì ra hồn; đếch thay đổi được gì vì đơn giản là chỉ nói mà không làm hoặc làm mà thiếu quyết tâm. Cái việc rõ ràng phải làm là rút ngắn thời gian và phạm vi ảnh hưởng thì chẳng lo mà làm lại làm thứ đâu đâu. Gặp con dốc lớn cứ ngồi suy nghĩ mãi về nó thay vì tìm con đường khác hoặc bước từng bước để mà kết thúc con dốc đó.
Đa số mọi người cho dù có tới bước 3 thì cũng sẽ bế tắc dừng tại bước này mãi. Chỉ loanh quanh một chỗ, tìm cách trì hoãn việc thực thi vì sợ hãi, ý chí kém, tầm nhìn hạn chế, muốn có mà không chịu hy sinh.
Đây là lúc cần tới kỹ năng giải quyết vấn đề, cần tới ý chí, cần khả năng hoạch định lập kế hoạch; và sẽ rất tốt nếu bạn đã rất thành thục về nó trước khi nghịch cảnh xảy ra. Những kỹ năng đó không chỉ tốt cho công việc mà còn áp dụng cho cả cuộc sống nữa. Bạn giỏi về nó thì AQ của bạn cũng vì thế mà được nâng cao.
Cấp độ nghịch cảnh thường có ảnh hưởng lâu dài, có mức độ nghiêm trọng cao và rất thường là có ít bài học những người đi trước. Internet chỉ giúp bạn có nhiều thông tin hơn (nhưng đòi hỏi bạn lọc thông tin đúng); ngay cả có một kế hoạch sẵn có trên đó thì bạn cũng phải biến đổi nó cho phù hợp với mình. Có thể thử đi thử lại theo nhiều cách khác nhau để tìm ra cho mình một hướng đi tốt nhất cho mình.
5. Hành động hạn chế thời gian và phạm vi (mức độ) ảnh hưởng
Thái độ tích cực giúp bạn lạc quan hơn, hoạch định một kế hoạch giúp bạn tin tưởng hơn nhưng muốn có thành quả thì phải hành động. Chỉ cần có hành động cho dù nhỏ nhất mà đúng đắn cũng sẽ giúp cải thiện một chút khó khăn. Có thể chỉ là đi ra ngoài đường hít thở không khí trong lành, gặp gỡ một người bạn, ngồi một quán cafe quen, đì về một nơi mà bạn cảm thấy yên bình.
Trong chạy phong trào có hai từ viết tắt rất thông dụng đó là DNS (Do Not Start- Không bắt đầu) và DNF (Do Not Finish – Không kết thúc). Một người chạy một giải nào đó gọi là DNS khi anh ta không chạy nữa (mặc dù đã đăng ký), có thể do trời mưa, do ốm đau, do công việc,… Còn khi anh ta có xuất phát nhưng không thể về được tới đích đúng giờ gọi là DNF. Việc về được đích rất quan trọng đối với người chạy phong trào; thậm chí họ có thể cố gắng về đích ngay cả khi thời gian deadline đã hết (Ví dụ một cự ly Full marathon 42km thường có giới hạn thời gian là trong 6 giờ 30 phút). DNS càng quan trọng hơn DNF, nó thể hiện họ đã vượt qua mọi khó khăn để có mặt tại vạch xuất phát đúng giờ; nếu có không về được đích thì không phải là họ đã không cố gắng hết sức.
Bất cứ một việc gì cũng vậy, khó khăn là ở lúc “bắt đầu”; bắt đầu rồi thì sẽ thấy mọi thứ cứ thế trôi và bạn sẽ về đích. Hầu như tất cả những khó khăn để bắt đầu đều là khó khăn mang yếu tố thái độ. Ta nghĩ ra hàng tá các nguyên nhân “hợp lý” để bảo vệ cho “hiện trạng” nhằm không phải “cố gắng” hay “hy sinh”; túm lại không “bắt đầu”, loanh quanh vạch đích.
Tham khảo: tham khảo ý tưởng từ sách “Chỉ số vượt khó – Biến khó khăn thành cơ hội” của tác giả Paul G.Stoltz