Chỉ cần có sức khỏe là bạn đã giàu rồi

3
9053
4.8/5 - (25 votes)

Khi ta lớn lên và già đi thì cái nhìn với cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi theo. Khi bạn trẻ bạn không cần phải có cái nhìn của người trung niên, người già vì rồi tới một lúc nào đó bạn sẽ có cái nhìn đó. Cái nhìn cuộc sống của chính tôi đã khác rất nhiều so với cái nhìn cách đây 10 năm, càng khác nhiều cái nhìn của 20 năm trước. Có nhiều thứ hồi xưa ta không hiểu tại sao thì nay chẳng cần phải đọc gì nhiều cũng có thể trả lời câu hỏi vì cuộc đời tự nó dạy bảo ta cho dù ta không muốn.

Khi còn trẻ mới ra ngoài cuộc sống cái bạn nghĩ đầu tiên, cũng như tôi hồi xưa, đó là phải kiếm được tiền bằng cách kiếm một công việc nào đó để làm. Công việc đó có thể trả giá bởi sức khỏe, chi phí cơ hội của tuổi trẻ,…thì mặc kệ nó vì đó là vấn đề của nhiều năm nữa. Nhưng rồi “nhiều năm nữa” rồi cũng tới, ta buộc phải trả giá cho những thứ ta đã hy sinh để có được kết quả ăn liền tại thời điểm đó.

Thực tế bạn sẽ thấy ngày nay để ngày đủ ăn 3 bữa và có một chỗ chui ra chui vào không hề khó. Cái ta mắc phải là định vị mức sống của ta quá cao mà mức sống đó trong xã hội trọng tiêu dùng ngày nay được đo đếm bằng lượng tiêu dùng bằng tiền. Tiêu ít thì áp lực kiếm tiền ít mà tiêu nhiều thì áp lực kiếm tiền nhiều; kết quả nếu thành công là ta có được cái nhà to qua mức cần thiết, quá nhiều quần áo, cái xe đắt quá mức và bữa ăn quá nhiều đạm…mọi thứ đều quá mức “đủ” trong khi những thứ “quá mức” đó đều phải trả giá bằng một tài sản nào đó của bạn; hoặc là thời gian, hoặc là sức khỏe.

Thời gian trôi một đi không trở lại, công bằng với tất cả mọi người. Ở tuổi 40, mới chỉ tháng 5 vừa rồi thôi, một người bạn hồi cấp 3 của tôi đã mất đi vì ung thư. Trong lớp cấp III của tôi có lẽ không dưới 5 người đã mất. Tình huống một người bạn, cho dù chỉ là bạn trên facebook, mất đi luôn để lại trong ta một sự mất mát, tiếc nuối. Mới ngày hôm trước họ còn đăng status, còn comment; ngày hôm sau họ đã ở đâu đó. Thỉnh thoảng tôi vẫn vào trang của họ để xem lại những hồi ức của họ, những hồi ức mà đột ngột dừng lại vào ngày họ mất. Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ chết; thời gian là hữu hạn.

Sức khỏe là tài sản thứ hai mà chúng ta mặc định có và tôi nhận thấy thực ra chúng ta gặp biến cố trong đời đều liên quan tới bệnh tật là chính. Trong các chuyên mục kêu gọi tấm lòng hảo tâm trên các trang báo hay tivi thì 100% đều có nguyên nhân từ sức khỏe. Quá yếu không đủ sức lao động để kiếm tiền nuôi con, con bị bệnh nan y và bố mẹ bỏ hết công việc để chạy chữa dẫn tới từ không nợ thành nợ đầm đìa…

Nếu bạn có sức khỏe, nếu lương thấp thì cũng chỉ là co kéo chi tiêu một chút là ổn; trạng thái tâm lý vẫn thoải mái. Nhưng khi bạn bệnh hay người nhà bị bệnh thì vấn đề không còn là co kéo chi tiêu nữa, bạn hoàn toàn mất khả năng chủ động chi tiêu. Đó không còn là sự lựa chọn giữa cái bánh mỳ 10.000 và bát phở 50.000 nữa; chỉ có một lựa chọn “chữa hay là không chữa”. Chữa được, có hy vọng đã là may rồi; chi tiêu một cách đầy hy vọng; cầm những cục tiền nợ trước đây chưa từng cầm nhiều đến thế để đưa bác sỹ.

Áp lực tâm lý khi chính mình bị bệnh hay người nhà bị bệnh là rất lớn. Bạn không thể vui được, nó bào mòn sức khỏe của chính bạn và người thân của bạn. Người này hết bệnh thì người tiếp theo bị bệnh hoặc tất cả bị bệnh một lúc; cái vòng xoáy hút tất cả mọi người xuống đáy. Bệnh càng nan y thì áp lực càng lớn, thay đổi cuộc sống vốn đang bình thường của tất cả mọi người.

Tôi đã từng sống qua những năm tuổi 20; ở cái tuổi mà luôn cho rằng bệnh tật ở đâu đó rất xa. Đó là khi ta đang đi trên một cái xe mới toanh, không có lỗi lặt vặt, chỉ vặn tay gas một chút là xe đã lao về phía trước băng băng. Nếu chủ cái xe đó biết chăm chút cho cái xe thì tuổi thọ của nó sẽ dài; ngược lại chỉ vài năm xe đã nay hỏng cái này mai hỏng cái khác.

Đúng là đã là người thì luôn có quyền lựa chọn nhưng khi bạn hay người thân bệnh tật thì bạn chẳng có sự lựa chọn nào cả. Chừng nào còn khỏe bạn sẽ còn sự lựa chọn; lúc đó hãy lựa chọn thông minh. Không phải cứ có sự nghiệp là phải hy sinh sức khỏe, cũng như không phải cứ có sức khỏe là không có sự nghiệp.

Tôi tham gia khá nhiều cộng đồng thể thao và họ đều có một điểm chung là cực kỳ coi trọng sức khỏe. Người bình thường những ngày cuối tuần nghĩ tới chơi ở đâu thì đối với họ đó là những buổi tập rất dài giúp đẩy sức khỏe của họ đi lên phía trước. Hồi xưa tôi khá xúc động khi nghe có người bơi tới 10km liên tục trong 5 giờ ở bể bơi, đạp xe 200km hay chạy 50km; nay đó là điều rất bình thường; bản thân những người làm điều đó cũng thấy rất bình thường. Xuất phát điểm của họ đều phải vất vả để bơi 2 vòng bể, đạp 10km hay chạy không nổi 3 km.

Sáng nay khi đi xe máy trên đường, tôi thấy một toán đạp xe  trong đó có một ông già râu tóc bạc phơ đi một đôi dép xăng đan bình thường trên một chiếc xe đua với làn da rám nắng, ánh mắt đầy sức sống. Có lẽ họ đang trong một chuyến đạp xe cự ly dài cuối tuần.

Comments

comments

3 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here