Cảm nhận sách: Bức xúc không làm ta vô can

3
6044

Tuần trước có mua cuốn sách “Bức xúc không làm ta vô can” của tác giả Đặng Hoàng Giang. Cảm nhận chung khi đọc là một loại sách dễ đọc vì nó là tập hợp của nhiều bài viết riêng lẻ của tác giả đã đăng trên web. Một bài viết đăng trên web cho nhiều người đọc thì thường sẽ dễ hiểu và ngắn thậm chí giật gân để có thể thu hút được nhiều người đọc. Giống như blog này vậy, các entry được viết dễ đọc và đủ ngắn để giữ chân người đọc. Sở dĩ phải như vậy vì ngày nay thường chúng ta rất khó kiên nhẫn để đọc một bài viết chỉ hơi dài và khó hiểu một tí.

t12

Ảnh trên là số truy cập trong 30 ngày qua của blog này. Trung bình mỗi người vào sẽ đọc 2,5 trang với tổng thời gian trung bình chỉ có 2 phút 37 giây. Nói vậy là để nhắc nhở bạn nào có ý định viết blog thậm chí là viết mail trong giao dịch hàng ngày, cố gắng viết cô đọng vì ngày nay kiên nhẫn là một món hàng xa xỉ.

Quay lại vấn đề chính, vì các bài viết trong cuốn sách đều theo tiêu chí đơn giản và ngắn gọn nên nói chung là đọc khá nhanh mà cũng không phải nghĩ gì nhiều. Các bài viết khá hay với nhiều những góc nhìn mới. Tuy nhiên đọc tới bài “Sự khốn cùng của tư duy triệu phú” thì mới biết là bác này là người viết bài này vì đây là bài khá nổi tiếng cách đây vài tháng.

Dang-Hoang-Giang

Nói chung là bất cứ ai chăm đọc sách mà lại những thể loại như “Đắc Nhân tâm”, “Suy nghĩ để làm giàu”, một loạt sách của Robert Kiyosaki,.. chắc chắn sẽ cảm thấy tự ái. Và đương nhiên là trong đó có cả mình vì những sách mà tác giả nêu ra mình đều đã đọc. Tuy nhiên cũng phải dẹp sự tự ái sang một bên để đọc đi đọc lại bài viết này. Không có lý nào một tác giả có bài viết hay ở đầu sách lại viết một bài viết dở tới vậy mà bất cứ ai chăm đọc sách cũng không thể chấp nhận được và gần như ai cũng thấy quá nhiều kẽ hở trong lập luận.

Bài viết “Sự khốn cùng của tư duy triệu phú” khá dài nhưng đúc kết ở đoạn kết luận cuối như sau:

Sự khốn cùng của kiểu “tư duy triệu phú” này là ở chỗ nó làm tê liệt khả năng tư duy độc lập, phản biệný thức xã hội, những điều đang thiếu ở Việt Nam. Nó không dẫn tới khai sáng và minh triết. Đám đông đi theo nó vừa phỉnh nịnh vừa giẫm đạp lên nhau để đạt được mục đích của mình, tin tưởng rằng chính nghĩa và đạo đức thuộc về kẻ giàu có.

Tác giả nêu lên 3 hệ quả mà những sách self help mang lại:

  1. Làm tê liệt khả năng tư duy độc lập
  2. Không xây dựng được tư duy phản biện
  3. Mất đi ý thức xã hội (mà tất cả vì cá nhân)

Điều này dẫn tới một câu hỏi trong đầu tôi vậy sách Self-Help là những sách nào? Tác giả bảo bước vào hiệu sách thì 1/3 diện tích kệ sách là thuộc thể loại này mà, như vậy là số sách không hề nhỏ, không phải chỉ là mấy cuốn bán chạy như tác giả đã nêu.

“Self-Help” dịch ra là “tự giúp bản thân”, có lẽ là những cuốn sách mà theo chiều hướng tự học bất kể sách đó giúp gia tăng thái độ, kiến thức hay kỹ năng. Tôi thử tìm trên mạng khái niệm này và phải rất cố gắng để không đọc các bài viết về chủ đề Nên hay không nên đọc sách Self-help.

Sau khi không tìm thấy tôi quay lại bài viết và thấy rằng tác giả cũng có định nghĩa thế nào là sách self-help. Theo tác giả sách Self-Help là sách:

  • Là loại sách tu thân, học làm người
  • Sách dậy các bí kíp nhanh giàu, nhanh thành công
  • Tư duy tích cực: giới hạn “là một kiểu niềm tin, có thể gọi là mù quáng, là người ta có thể dùng ý nghĩ để điều khiển những gì xảy ra với bản thân”

Có thể thấy là nội hàm của khái niệm sách Self-Help của tác giả rất rộng. Có lẽ trừ tiểu thuyết, truyện, giáo trình dậy kèm trong các khóa học ra thì còn lại đều là Self-Help. Nếu tác giả nhằm vào lượng sách lớn như vậy thì không bị phản bác mới lạ.

Tôi cho rằng nếu loại trừ các lập luận bảo vệ quan điểm nhiều sơ hở ra thì quan điểm của tác giả cũng đã đúng với một số điều kiện nhất định.

Quan điểm đó là những sách dạy làm giàu nhanh đã khiến cho những người trẻ nghĩ rằng việc làm giàu là dễ và nhanh chỉ bằng cách áp dụng một số thủ thuật nhất định. Các sách dạy làm giàu có chung một bước làm đầu tiên đó là bạn phải xác định rõ bạn muốn bao nhiêu tiền.

Ví dụ giả sử như một anh A muốn có 100 triệu vào cuối năm 2016, 500 triệu vào cuối năm 2017. Và giờ anh ta đang ở một vị trí công việc là X. Lúc này trong đầu A luôn tâm niệm là mình cần tiền và tìm mọi cách để có tiền. Điều này dẫn tới việc A sẽ bỏ công việc X để chạy theo công việc Y khi tính toán rằng Y sẽ giúp mình đạt mục tiêu. Tuy nhiên do không đủ năng lực đáp ứng công việc Y nên A thất bại và nhẩy sang công việc Z. Tại Z, A nhận ra rằng mình chỉ còn 8 tháng nữa để đạt mục tiêu trong khi công việc Z lại không thể giúp A đạt được ngay điều đó. A rất sốt ruột, đứng ngồi không yên do vậy không chú tâm được vào công việc Z hiện tại.

Đó là kịch bản chung của những người muốn giàu nhanh với ít nỗ lực nhất. Ngược lại, với một anh B thì có thể khác. B sẽ đặt ra mục tiêu khả thi hơn, ở công việc X, B chuyên tâm vào làm rất tốt để thu thập năng lực. Khi đã học được rất nhiều và nếu thấy cần B có thể chuyển sang công việc Y và tiếp tục nỗ lực đáp ứng công việc Y. Cứ như vậy B có thể đi qua nhiều công việc có mức thu nhập tăng dần, ở công việc nào B cũng nỗ lực hết mình. B không sốt ruột về việc phải có 1 triệu usd ở tuổi 40 nhưng cách của B là cách rất chắc chắn để đạt tới mục tiêu đó.

Bi kịch là ở chỗ người ta không đủ kiên nhẫn để tưới cây, bón phân thậm chí chẳng buồn gieo hạt nhưng lại mong có được quả chín ngay ngày mai.

Ngày nay người ta bảo 35 tuổi chưa giàu là tại bạn, nhưng bạn biết là ở thế hệ của tôi những năm 2000 có câu 25 tuổi chưa lập nghiệp thì đã muộn. Năm 25 tuổi, tôi chẳng có gì cả ngoài hai cái bằng đại học. Tuổi tác không phải là vấn đề của ngày hôm nay. Đi chậm nhưng chắc bạn sẽ tới đích, đi nhanh nhưng rẽ ngang rẽ ngửa bạn sẽ luôn ở giữa đường.

Các sách dạy làm giàu không hề sai nếu nó được đọc bởi những người có đủ năng lực tiếp nhận nó. Giống như bạn không thể trao con dao cho đứa trẻ 3 tuổi và bảo nó gọt khoai tây vậy.

Đọc toàn bộ cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” có thể thấy được phong cách viết của tác giả. Quan điểm của tác giả đưa ra luôn là ngược lại với những gì người ta nghĩ. Ví dụ như về việc ăn thịt chó, uống bia của người Việt thì tác giả chứng minh rằng đừng lo lắng, rất nhiều nước còn ghê gớm hơn ví dụ như sát chó thì Việt nam chỉ đáng làm đệ tử của Hàn quốc. Bằng những dẫn chứng số liệu rõ ràng (không biết có đúng không) tác giả lần lượt sẽ khiến cho bạn từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, làm lung lay một số niềm tin trong bạn.

Giống như bản thân bài viết “Sự khốn cùng của tư duy triệu phú” cũng là quan điểm ngược lại với số đông nghĩ. Điểm hay là nó khiến cho nhiều người phải nghĩ, phải bàn luận; điểm dở là nó khiến cho những người chưa đủ chín chắn có thể hiểu sai lệch về một vấn đề. Chẳng nhẽ bằng bài viết này tác giả muốn thuyết phục bạn đọc rằng đừng bao giờ đọc những sách Self-Help, rộng hơn là đừng có đọc sách hoặc là hãy đổ lỗi cho hoàn cảnh xung quanh khi bạn không thể thành công?

Tôi nghĩ rằng ý tưởng của tác giả hay nhưng vì muốn giới hạn trong một bài viết ngắn cộng với việc muốn nó thật giật gân nên mới vậy. Cũng giống như Lệ rơi vậy thôi, không cần biết nối tiếng vì cái gì, miễn là nổi tiếng. Tất cả mọi thứ trên trái đất này đều có tính hai mặt, người ta muốn nó xấu thì tập trung vào mặt trái, người ta muốn nó tốt thì tập trung vào mặt phải.

Tuy nhiên tôi cho rằng đây vẫn là một cuốn sách rất đáng đọc. Đặc biệt tôi rất thích văn phong của tác giả, lôi cuốn, hài hước, phạm vi kiến thức rộng mặc dù rằng không phải bài viết nào tôi cũng đồng tình với quan điểm của tác giả.

 

Trong các bài viết toát lên 2 ý chính, nếu ai chưa đọc thì có thể tham khảo:

Ý thứ nhất: Chúng ta giờ hay có kiểu “úi dào, dân mình nó thế”  để ám chỉ các thói hư tật xấu của người Việt hoặc “Đất nước mình nó thế” để ám chỉ về các vấn đề giao thông, giá ô tô, tham nhũng, an toàn thực phẩm,….

Đọc các comment của các bài viết tiêu cực trên vnexpress hay vietnamnet có thể thấy rất rõ điều này. Bản thân việc nhìn ra thói xấu của mình là một việc tích cực vì nhìn ra thì mới biết mà sửa nhưng ở đây người nhận xét lại là người đứng ngoài cuộc. “Dân mình nó thế” ám chỉ tất cả mọi người trừ mình, “Đất nước mình nó thế” là giải thích hoàn hảo cho những thất bại thậm chí là thói xấu của mình.

Chúng tay hay so sánh với Nhật, với Mỹ với châu âu về tất cả mọi mặt như ý thức giữ vệ sinh, ý thức xếp hàng, thói quen đọc sách ở sân bay, tính nhân văn,.. mà quên mất rằng chúng ta là nước ngèo, nước đang phát triển. Cha ông ta đã có câu rất hay “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Khi bạn có nhiều tiền tự nhiên bạn sẽ nghĩ tới lễ nghĩa. Khi con bạn còn đang đói ở nhà thì làm sao bạn có thể kìm được lòng tham khi thấy tiền dải đầy đường. Cộng với đó là tâm lý đám đông, chỉ vài người phá vỡ quy tắc là tâm lý đám đông sẽ được kích hoạt.

Ý thứ hai: Mọi việc trông như vậy mà không phải vậy.

Để làm trong sạch trang facebook  của mình tôi thường unfollow, unfriend, leave group những người hay nhóm share những tin giật gân. Mục đích là để cho đầu óc mình được thanh thản. Khi nào cần cái gì thì nhờ bác google sau còn những gì không cần biết thì nên ngăn chặn mọi cơ hội nó tiếp cận tới mình.

Khi chúng ta đối diện với một tin tức nào đó thường chúng ta không có cơ hội kiểm chứng mà chỉ có những thông tin do bản thân bài viết đó cung cấp. Vì vậy, người viết tốt thì ta thu được cái tốt; người viết tệ thì ta thu được cái tệ. Một người viết tệ không thể có bài viết tốt và ngược lại, loại bỏ các nguồn tin tệ là cách đơn giản nhất.

Các bài viết trong sách sẽ hướng tới cái nhìn ngược lại của nhận thức chung vì vậy sẽ có nhiều thứ hay ho mà bạn giờ mới biết. Giúp bạn tỉnh ngộ ra là những thứ trước đây ta tưởng là đúng giờ hóa ra không đúng nhờ vậy ta sẽ cảnh giác hơn với tin tức hàng ngày tiếp thu.

Comments

comments

3 COMMENTS

  1. Ông Giang là người nghiên cứu xh,phản biển xh, ông đang làm đúng công việc của ông đang làm

  2. Chính xác là cháu cũng nghĩ như chú, chú Giang dạo gần đây bị nhiều người lên án lắm ạ, cháu cho rằng đó là vì mọi người chưa có đủ kiến thức, và hay lảng tránh các vấn đề thực tế mà chú Giang có đề cập tới. Giọng văn của chú Giang cũng khá châm biếm nên mọi người càng tự ái cao hơn. Thật vui vì cháu cũng có quan điểm gần với chú, chỉ tiwwcs là không được cụ thể và sâu sắc như chú thôi. 😀

    • Có những người như ông Giang cũng có cái hay. Nhưng cũng trích nguyên văn của ông Giang (hoặc là của ông Alan) rằng những con cá lòng tong thường nổi trên mặt nước, chúng tranh giành nhau những miếng mồi nhỏ, đánh nhau vỡ đầu chỉ vì những việc chẳng đâu vào đâu, chúng khuấy động mặt nước và tỏ ra hết sức nguy hiểm.
      Những con cá to thường chìm xuống nước, lặng lẽ qua lại ăn những món mồi ngon và nhìn ngắm lũ cá lòng tong một cách thương hại. Chúng chẳng quan tâm tới việc những con cá lòng tong nghĩ gì, làm gì trong khi lũ cá lòng tong có thể chẳng phát hiện ra họ, và nếu có phát hiện ra họ thì chúng tấn công họ bằng những bài báo lá cải, comment vô tội vạ và nghĩ rằng sẽ dìm chết được họ.
      Cái xã hội này 90% là cá lòng tong.

Leave a Reply to Tráng Trần Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here