Nếu như bạn không thể dự báo được tương lai phía trước (mà chắc chắn là bạn không thể dự báo được chính xác) thì tốt nhất là vạch ra cho mình khoảng 20 điều được làm và không được làm, tạm gọi là bộ nguyên tắc. Sau đó cố gắng tuân thủ theo nguyên tắc đó một cách có kỷ luật, chỉ thay đổi không quá 10% và với những nguyên tắc đúng là không ổn thật.
Các nguyên tắc có thể đơn giản như sau:
– Dậy trước 5h30 sáng và ngủ trước 22h00.
– Tập thể dục ít nhất 1h/ngày.
– Không uống quá 3 chai bia mỗi tuần.
– Đọc ít nhất 10 trang sách mỗi ngày.
– Luôn có ít nhất 1tr trong túi,.
– Không chạm vào bất cứ phụ nữ nào ngoài vợ 😛
…….
Túm lại bất cứ cái gì được làm hay không được làm, càng đơn giản dễ hiểu càng tốt. Để cho dễ xây dựng bộ nguyên tắc bạn có thể chia ra làm các chủ đề như Sức khỏe – Gia Đình – Công việc,…Các nguyên tắc phải giúp ích cho bạn và ít cần thay đổi theo thời gian.
Ví dụ như việc dậy trước 5h30 và ngủ trước 22h00 hàng ngày sẽ giúp bạn có được sức khỏe tốt và có một ngày làm việc dài. Cho dù kinh tế, chính trị, xã hội có thay đổi thế nào thì bạn cũng không cần phải thay đổi điều này. Đó chính là bí kíp ở đây, những nguyên tắc không phụ thuộc vào ngoại cảnh.
Khi xây dựng bộ nguyên tắc bạn phải chắc chắn quá nửa vốn đã là cái bạn đang làm được. Điều này rất có ích vì nếu bạn liệt kê 20 điều nhưng tới 18 điều là bạn còn đang phải cố gắng thì bạn sẽ rất dễ thất bại, không thể cố nhiều một lúc thế được. Ai cũng sẽ có điểm mạnh, điểm yếu nên chắc chắn bạn sẽ không khó tìm được những điều bạn đang làm tốt, nó sẽ giúp bạn có đủ tự tin để thực hiện số còn lại.
Việc một lúc mà nghĩ ra 20 điều cũng không phải dễ nên tốt nhất đặt mục tiêu là trong vòng 1 năm chẳng hạn sẽ hoàn thành 20 điều. Nếu bạn có quyết tâm bạn sẽ hoàn thành danh sách; nếu không thì bạn sẽ bỏ cuộc ngay sau 5 phút hừng hực khí thế :P.
Cũng không nhất thiết phải vươn tới con số 20; có khi bạn chỉ cần 5 điều đã là quá đủ rồi; nhưng hãy cố gắng thêm 15 điều mà bạn vốn đang làm tốt; nó sẽ giúp bạn củng cố niềm tự tin thêm rất nhiều.
Sau khi xây dựng xong, điều giúp phân biệt giữa người này và người kia là tính kỷ luật với nguyên tắc. Bạn không phản bội lại nguyên tắc của mình ngay cả khi chỉ có một mình mình bạn biết điều đó. Môi trường bên ngoài thay đổi thế nào cũng kệ nó, phải dùng cái bất biến để đối phó với cái vạn biến.
Đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng cần xây dựng cho mình một bộ các nguyên tắc đơn giản để bất cứ ai cũng hiểu. Ví dụ:
– Ta sẽ không kinh doanh ngành nào khác ngoài ngành X mà chúng ta đã theo đuổi từ khi thành lập.
– Ta sẽ không ký hợp đồng có doanh số dưới a đồng và trên b đồng.
– Những người được lựa chọn vào công ty phải có tư duy tích cực.
– Tránh các thị trường mà đối thủ quá mạnh.
…
Tất nhiên với tầm công ty thì bộ các nguyên tắc này phải được xây dựng từ một sự rất am hiểu ngành kinh doanh cũng như chính điểm yếu điểm mạnh của DN. Các nguyên tắc này phải tuân theo 1.Phải rõ ràng 2. Có phương pháp và 3. Nhất quán.
Về chiến lược thì nên theo các chiến lược cơ bản của Perter Drucker; các chiến lược theo vị thế và vòng đời khó theo được vì nó quy ra cách làm khác nhau trong khi nguyên tắc phải tuân theo quy luật nhất quán không đổi theo thời gian.
Bạn có thể cho rằng hình như cá nhân hay DN đang quá bảo thủ ôm khư khư lấy một bộ nguyên tắc để chết chung với nó trong khi rõ ràng Quản lý sự thay đổi đã cho thấy là phải thay đổi thì mới tồn tại, thậm chí còn phải thay đổi nhanh hơn cả thay đổi của môi trường xung quanh.
Việc thay đổi nhanh cũng không sai nhưng bạn sẽ thấy một điểm yếu của thay đổi đó là khi bạn chưa quen với cái mới thì cái mới đã thay đổi rồi. Nó giống như việc bạn cứ chạy hết từ mái hiên này tới mái hiên khác để tránh mưa, kết quả là bạn vẫn ướt thậm chí còn ướt nhanh hơn người cứ ngồi yên ở một mái hiên đã chọn.
Bạn sẽ mệt lả người vì di chuyển, cả DN của bạn cũng không có nổi một ngày bình yên; kết quả là bạn đánh mất bản sắc của chính mình; không biết mình mạnh gì yếu gì và muốn gì. Nói chung thành công chỉ đến với những người theo phương án thay đổi nhanh khi họ quá giỏi, từ lãnh đạo tới văn hóa DN đã ăn và ngủ với việc đó cả thập kỷ rồi.
Nhưng nếu bạn không phải giỏi nhất, DN của bạn cũng không có gì quá đặc sắc thì tốt nhất nên theo quan điểm dùng không đổi để chống lại sự thay đổi.
E chào anh Dũng.
Qua bài viết này a có thể chia sẻ bộ nguyên tắc mà a đang sử dụng, và duy trì không ạ?
E cảm ơn anh.
Thay vì “tôi chỉ giúp mọi người khi rảnh rỗi”, thì “tôi sẽ giúp mọi người khi hoàn thành công việc trong ngày”.
Cám ơn a bài viết này hay lắm!