Sách: Vĩ đại do lựa chọn (p1: Đứng trước một môi trường KD bất định)

5
10190
5/5 - (10 votes)

Nếu như đây không phải là tác phẩm của Jim Collins thì chắc chắn sẽ không lọt vào tầm ngắm của tôi trong vô vàn những quyển sách về kinh doanh ở trên Đinh Lễ. Tên gọi của nó cũng không ấn tượng như hai quyển đầu “Từ tốt tới vĩ đại” và “Xây dựng để trường tồn”.

Phong cách viết trong cuốn này vẫn rất rõ ràng, dễ hiểu, không rườm rà như các sách về quản trị của Peter Drucker, Phillip Kotler,…

Khi đọc 2 quyển sách trước của Jim Collins thì bạn sẽ thấy là có rất nhiều các công ty được ca ngợi trong hai quyển đó giờ đã trở nên nhỏ bé hoặc mất đi. Đó cũng là điều chúng ta day dứt khi gấp hai cuốn sách đó lại, phải chăng ngay cả khi đã có đầy đủ các yếu tố của vĩ đại và trường tồn mà công ty vẫn cứ không trường tồn? Còn thiếu yếu tố nào nữa để một công ty có thể vừa vĩ đại vừa trường tồn?

 

Xây dựng để trường tồn và Từ tốt tới vĩ đại

Đây là hai cuốn sách được viết dựa trên thu thập các thông tin của các công ty vĩ đại và các công ty đối chứng của cùng thời kỳ. Sau khi tìm hiểu so sánh tác giả đưa ra các giả thiết về việc làm sao để một công ty có thể trường tồn và vĩ đại.

Từ tốt tới vĩ đại được viết sau cuốn Xây dựng để trường tồn trong đó nổi tiếng nhất câu “Tốt là kẻ thù của vĩ đại”.

Cuốn Vĩ đại do lựa chọn được tác giả viết sau này khi thấy rằng những công ty trong danh sách vĩ đại đã thất bại ví dụ như Nokia

Trên blog này có các bài viết của cả hai cuốn này, các bạn có thể tìm đọc trong phần mục lục theo chủ đề.

 

Nguyên nhân các công ty vĩ đại mất đi cũng giống như thời kỳ các con khủng long bị tuyệt diệt. Tổ tiên của các con khủng long là loại rất bé, sau đó khi thời tiết thuận lợi trong nhiều triệu năm đã khiến cho thức ăn trở nên rất dễ kiếm. Các con khủng long tiến hóa thành nhiều loài to lớn như các tòa nhà di động mà vẫn đủ thức ăn cho chúng hàng ngày.

protungulatum-donnae.jpg

Khi thời tiết trở nên quá khắc nghiệt thì những con khủng long với thân hình to lớn là những con bị chết đầu tiên trong khi đó rất nhiều loài bé nhỏ vẫn sống tới ngày nay. Nếu như trước đó thời tiết không quá thuận lợi thì các con khủng long đã không tiến hóa lớn tới như vậy và có thể chúng đã sống sót khi gặp thời tiết khắc nghiệt.

To lớn hay vĩ đại không đồng nghĩa với trường tồn. Quyển thứ 3 này sẽ đi tìm lời giải tại sao một công ty có thể sống sót trong môi trường khắc nghiệt và khó đoán định như hiện nay. Có thể nói chắc chắn là không lúc nào cuộc sống lại chứa quá nhiều ẩn số như bây giờ. Tương lai không thể định trước cũng giống như phía trước toàn sương mù mà người lái xe là những giám đốc doanh nghiệp không thể nhìn thấy quá 3 m phía trước.

Trong trường hợp phía trước không thể nhìn thấy thì việc đi xe nhanh không khác gì tự sát. Điều này cũng có nghĩa là nếu công ty thay đổi quá nhanh thì sẽ rất mất an toàn; nhưng nếu đi quá chậm thì các công ty khác sẽ vượt lên trên và dần chiếm hết thị phần của chúng ta. Vậy đi bao nhiêu và đi như thế nào là đủ?

Nếu như trong từ tốt tới vĩ đại Jim Collins đưa ra khái niệm Lãnh đạo cấp độ 5 thì ở quyển này ông đưa ra các yêu cầu đối với một giám đốc DN gắn với môi trường kinh doanh bất định như sau:

1. Kiên định với các nguyên tắc

Nguyên tắc là một bộ các ứng xử một người tuân theo cho dù môi trường bên ngoài có thay đổi như thế nào. Rất nhiều các công ty thời gian vừa qua đang làm khá tốt trong chuyên ngành của mình nhảy sang làm địa ốc, ngân hàng và cuối cùng chết vì cái mình không làm giỏi.

Tại sao sống có nguyên tắc lại hữu ích? vì nếu như nguyên tắc của bạn đang có được xây dựng trên những chân lý vẫn đúng từ trước tới nay, nếu như bạn vẫn tuân thủ theo nguyên tắc đó trog mọi hoàn cảnh thì bạn sẽ an toàn cho dù bên ngoài có như thế nào.

Ai cũng có thể có một bộ các nguyên tắc ứng xử nhưng không phải ai cũng sống có nguyên tắc nhất là khi bên ngoài đang có nhiều cám dỗ cũng như khó khăn khiến ta luôn muốn cư xử khác đi các nguyên tắc mà ta đang có.

Nguyên tắc không có nghĩa là bảo thủ. Người bảo thủ là người mà biết rõ mình sai nhưng vẫn cứ cãi cho bằng được, những người không bao giờ thay đổi hay cải tiến theo những lời khuyên đúng đắn của bên ngoài.

Trong các nguyên tắc chúng ta nắm giữ thì có một số thứ không được phép thay đổi, những thứ còn lại có thể thay đổi.

 

2. Sáng tạo dựa trên sự tự học hỏi.

Khi chúng ta va vào một sự việc gì mới đa phần chúng ta sẽ tìm tới các chuyên gia hoặc là theo đám đông. Vì chúng ta không có nhiều kiến thức về vấn đề đó nên chúng ta chấp nhận những thứ đó là hiển nhiên đúng mà không cố gắng tìm hiểu.

Những ý kiến của chuyên gia hay những suy nghĩ của đám đông dù sao cũng là chủ quan trên cơ sở học vấn và môi trường sống của mỗi người. Vì vậy chất lượng thông tin phụ thuộc rất nhiều vào người bạn tìm tới, người mà những người khác ca ngợi chưa chắc đã là những người tốt nhất bạn có thể theo.

Vì vậy người lãnh đạo thời nay phải tự tìm hiểu hoặc tự tổ chức tìm hiểu để giải quyết một vấn đề nào đó. Quyết định dựa vào ý kiến của người khác là tự sát.

Tự học hỏi khác với việc không tin ai cả, cái gì cũng làm tất. Đặc điểm này có nghĩa là ta phải có chủ định, không bị đám đông lôi kéo. Ví dụ không thấy người ta kinh doanh ngon ăn mà mình cũng nhao theo khi chưa tìm hiểu kỹ.

Khi chúng ta theo quyết định của đám đông ta sẽ không có cơ hội để sáng tạo. Biết đâu khi bạn nghiên cứu sâu về một vấn đề nào đó bạn sẽ tìm ra con đường riêng cho mình mà không phải đi trên con đường người khác đã vạch sẵn.

Do vậy thái độ học hỏi cùng với năng lực tư duy logic là điều kiện rất cần của các nhà lãnh đạo ngày nay.

 

3. Biết sợ hãi

Khi các bong bóng tài sản đang được thổi thì liều có khi là một thế mạnh, rất nhiều người giàu lên là nhờ không biết sợ. Đã tự mình lập ra doanh nghiệp thì đương nhiên phải là người dám làm rồi. Sợ hãi ở đây không phải là là sợ tới mức không dám làm bất cứ cái gì mà là vẫn làm nhưng biết sợ để tiến những bước chắc chắn.

Điểm tích cực của nỗi sợ là khiến bạn có sự chuẩn bị cho mọi tình huống xấu nhất. Khi đứng trước một cơ hội kinh doanh có vẻ thuận lợi bạn phải biết sợ, nhờ đó bạn sẽ nghiên cứu kỹ hơn, chuẩn bị kỹ càng hơn để biến cơ hội đó thành hiện thực.

Ngay cả khi sự nghiệp kinh doanh hay sự nghiệp nghề nghiệp của bạn đang vô cùng tốt đẹp thì bạn cũng vẫn phải biết sợ để có sự chuẩn bị cho tương lai phía trước.

Người biết sợ sẽ chuẩn bị tốt hơn rất nhiều so với người không biết sợ. Người không biết sợ tin rằng mình có thể vượt qua mọi trở ngại vì vậy sự chuẩn bị của anh ta rất ít. Nếu như công việc đòi hỏi bạn có năng lực 10 thì hãy học tới 20 thay vì chỉ học tới 10.

Tương lai kinh tế, chính trị ,xã hội phía trước rõ là khó đoán định vì vậy nếu ta biết sợ để chuẩn bị quá hơn so với những doanh nghiệp khác thì khi gặp khó khăn doanh nghiệp của ta có cơ hội sống tốt hơn là các doanh nghiệp không có sự chuẩn bị.

Một người chủ doanh nghiệp có đặc tính này sẽ cho doanh nghiệp của mình phát triển một cách chậm rãi mà không đột ngột. Khi môi trường kinh doanh bên ngoài thuận lợi rất thích hợp cho việc mở rộng gấp nhiều lần quy mô kinh doanh hiện tại thì người chủ DN phải biết loại bỏ sự ham muốn để vẫn giữ cho doanh nghiệp của mình phát triển trong một nhịp cố định.

Tại sao lại phải làm vậy? Vì khi doanh nghiệp mở rộng quy mô gấp nhiều lần thì chất lượng sản phẩm và dịch vụ sẽ giảm đi do nguồn lực của doanh nghiệp hiện có không đủ cho quy mô đó. Mở rộng quy mô đòi hỏi mọi thứ đều phải nâng cao từ số lượng, chất lượng nhân viên tới năng lực quản trị của người lãnh đạo. Chưa kể tương ứng với mỗi quy mô sẽ có các cơ cấu tổ chức tương ứng, nếu quy mô đòi hỏi cơ cấu tổ chức loại A mà bạn chỉ có loại B thì sẽ có rất nhiều rủi ro.

Giả sử như DN mở rộng quy mô và thành công. Khi môi trường KD bên ngoài thu hẹp DN lại phải giảm quy mô, giảm quy mô còn phức tạp hơn tăng quy mô nhiều. Chính vì vậy việc giữ cho mình một sự phát triển chậm rãi là rất quan trọng.

Ngược lại khi môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chủ DN sẽ phải đứng trước thách thức đó là làm sao vẫn giữ được nhịp phát triển như trước. Nếu anh ta có thể vượt qua được khó khăn thì sẽ xây dựng được cho doanh nghiệp mình sự tự tin vì sự tin được hình thành từ trải nghiệm khi vượt qua các khó khăn.

5 cấp độ lãnh đạo trong Từ tốt tới Vĩ đại

1. Nhà lãnh đạo cấp độ 1:
Cá nhân có năng lực : đóng góp tích cực thông qua tài năng, kiến thức, kỹ năng và thói quen làm việc tốt
2. Nhà lãnh đạo cấp độ 2:
Thành viên trong nhóm có đóng góp: đóng góp năng lực bản thân vào việc đạt được những mục tiêu của nhóm và làm việc hiệu quả với những thành viên khác trong nhóm.
3. Nhà lãnh đạo cấp độ 3:
Giám đốc có năng lực:  tổ chức con người và nguồn tài nguyên hướng đến việc theo đuổi một cách hiệu quả và hợp lý các mục tiêu đã định trước.
4. Nhà lãnh đạo cấp độ 4
Nhà lãnh đạo hiệu quả: thúc đẩy sự tận tụy và theo đuổi nhiệt tình một tầm nhìn rõ ràng và thuyết phục, tạo động lực cho những tiêu chuẩn hoạt động cao hơn
5. Nhà lãnh đạo cấp độ 5
Xây dựng sự vĩ đại bền vững thông qua sự kết hợp đầy nghịch lý giữa bản tính khiêm nhường và quyết tâm trong công việc

Chú ý là khi nói tới nhà lãnh đạo thì chúng ta phải hiểu rằng có nhiều loại nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp mà không phải là chỉ ám chỉ người đứng đầu doanh nghiệp. Tương tự khi nói tới nhà quản trị thì cũng phải hiểu là có nhà quản trị cấp cao, cấp trung và cấp chuyên môn.

Bất cứ vị trí nào cũng tồn tại hai kỹ năng là Kỹ năng lãnh đạo và Kỹ năng quản lý. Kỹ năng lãnh đạo thiên về việc giao tiếp người – người; còn kỹ năng quản lý đơn thuần là việc làm sao để cho một công việc nào đó đạt mục tiêu với một nguồn lực cho trước.

Comments

comments

5 COMMENTS

  1. Khiêm nhường có phải là tiết chế cảm xúc? Còn quyết tâm có phải là để cho ngọn lửa tham vọng thôi thúc ta đi tới cho dù ban đầu chưa thực hiện được hoặc thực hiện hoàn hảo hơn điều đã đạt được.
    Đúng là đối lập khi coi là 1 bên là tiết chế (Khiêm nhường) và 1 bên để cảm xúc tham vọng thành công dẫn dắt. Nhưng theo tôi khiêm nhường không đơn giản là tiết chế mọi cảm xúc mà chính là tiết chế cảm xúc thõa mãn nơi người lãnh đạo, thể hiện khả năng tự coi tài năng hoặc thành công của mình vẫn còn nhỏ bé để sau đó tiếp tục rèn luyện đi tiếp đến đỉnh cao thành công hơn nữa. Nếu suy nghĩ theo cách này thì ta thấy Khiêm nhường còn bổ trợ cho nhà lãnh đạo về tính cảnh giác đối với khả năng hiểm nguy của cuộc sống cũng như năng lực còn hạn chế của bản thân từ đó ý thức về việc phải nâng cao năng lực của bản thân(công ty ) hơn nữa….

    • Mình nghĩ cả Quyết tâm và Khiêm nhường đều phải rất cực đoan. Tồn tại hai thứ cực đoan trong cùng một con người; thế mới khó có người đạt cấp độ 5. Thông thường ta chỉ quyết tâm vừa đủ và cũng khiêm nhường vừa đủ, dễ dàng tồn tại trong cùng một con người.
      VD

  2. “Bản tính khiêm nhường và quyết tâm trong công việc” thì có gì nghịch lý với nhau?
    Anh có thể giải thích cho e không?

    • Dear em;
      Nhà lãnh đạo cấp độ 5 em muốn hiểu được cần đọc cuốn “Từ tốt tới vĩ đại”. Tóm tắt là hai đức tính này có gì đó mâu thuẫn nhau, kiểu như vừa cẩn thận lại vừa quyết tâm. Cẩn thận thể hiện sự suy nghĩ trước khi quyết định, nhưng khi đã quyết định rồi thì thực hiện cho bằng được bất chấp khó khăn.
      VD

      • Dear anh Dũng
        cảm ơn anh về những chia sẻ
        vậy với kinh nghiệm & quan điểm của anh tại Việt Nam hiện tại có những nhà lãnh đạo cấp độ 5 nào ạ ? Em chỉ tính doanh nghiệp tư nhân thôi ạ
        em cảm ơn anh nhiều ạ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here