Cà Rê, phạt hay không phạt?

3
7851

Trong đầu tuần vừa rồi mình làm có cái bình bầu nhỏ về việc có nên miễn phạt 90 tr trả lại 100 usd cho anh Cà Rê không. Kết quả như sau:

Trước hết cảm ơn các bạn đã dành thời gian góp ý cũng như comment. Mục đích của bình chọn này ngoài sự việc cụ thể đó còn là mình muốn tìm hiểu cách thức con người ta ra các quyết định lựa chọn đúng/sai.

Bạn biết rằng khả năng Minh Định rất quan trọng đối với mỗi người, biết cái gì đúng cái gì sai, cái gì nên làm cái gì không,…Những cái đó sẽ quyết định hành vi tiếp theo của mỗi người, mà hành vi sẽ mang lại một kết quả cụ thể ảnh hưởng tới cuộc sống của chính chúng ta.

Khi đánh giá một cái gì đó, con người thường sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:

  • Chuẩn của mỗi người
  • Thông tin mà họ nhận được
  • Quyết định của những người quanh ta
  • Mức độ ảnh hưởng của quyết định

1. Tiêu chuẩn của mỗi người

Chúng ta có các chuẩn mực sau:

Chuẩn mực kinh tế:

Dựa trên phân tích lợi ích và chi phí. Đây thường được gọi là quyết định theo lý chí, có nghĩa là có tính toán rõ ràng mà không bị cảm xúc chi phối. Ví dụ như khi bạn định học văn bằng 2, đi du học, nhẩy việc, đi chơi xa,….Những cái đó thường sẽ dành nhiều thời gian để tính toán rất cụ thể.

Tùy thuộc vào năng lực phân tích cùng kiến thức có được mà cho ra các kết quả khác nhau. Cho ra kết quả khác nhau thì hành vi tương ứng cũng khác nhau. Một sự kiện bất kỳ luôn có những người ủng hộ và không ủng hộ, những người cho là sai và những người cho là đúng.

Ngoài ra thời gian cho phép để ra quyết định cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng của quyết định. Thông thường cảm xúc luôn chi phối chúng ta trong ngắn hạn ngay khi sự kiện vừa xảy ra. Khi thời gian có nhiều hơn, cảm xúc lắng xuống thì lý trí sẽ làm việc.

Khó nhất trong tình huống này lợi ích và chi phí same same nhau. Ví dụ như bạn vào quán KFC thấy có hai hàng, cả hai bên đều có cùng số người là 6. Lúc đó bạn không thể so sánh được về số lượng nữa mà phải dùng chất lượng, cụ thể là tuổi tác của người sếp hàng, tốc độ xử lý của cô bán hàng phục vụ mỗi dãy. Càng nhiều thông số bằng nhau thì càng gây ra sự lưỡng lự.

Giả sử bạn đi mua một cái tai nghe, vào cửa hàng có hai hãng Sony và Bose; có hai cái tai nghe trong con mắt bạn xếp ngang hàng nhau, khả năng bạn sẽ không quyết định nổi và tay không đi ra. Nhưng nếu trong cửa hàng chỉ có thương hiệu Bose, bạn sẽ rất dễ quyết định vì các tai nghe của cùng một hãng luôn nằm ở các phân khúc khác nhau. Không hãng nào dại gì để hai sản phẩm same nhau cùng một phân khúc, nó sẽ làm cho khách hàng khó quyết định và khả năng họ sẽ mua của hãng khác.

Chuẩn mực xã hội

Mỗi chúng ta có một chuẩn mực xã hội riêng cho mỗi một tình huống. Ví dụ như cùng tình huống ăn kẹo cao su nhưng có người vứt toẹt ra đường vỏ kẹo nhưng cũng có người đợi tới khi tìm được thùng rác thì vứt vào.

Chuẩn mực xã hội của mỗi người tùy thuộc vào trải nghiệm lớn lên của mỗi người mà hình thành. Nó thành thói quen trong suy nghĩ mà ta không cần kiểm soát. Đã là thói quen thì nó còn nhanh hơn cả cảm xúc; ta quyết định còn trước cả khi cảm xúc xuất hiện.

Chuẩn mực xã hội còn bao gồm gia đình chúng ta sống (chuẩn mực gia đình), nơi làng xã ta sống (chuẩn mực vùng), chuẩn mực công ty (văn hóa công ty), chuẩn mực đất nước (luật pháp) và chuẩn mực của người văn minh (chuẩn mực đạo đức). Càng ra xa thì mức độ ảnh hưởng tới chúng ta càng giảm đi.

Các chuẩn mực sinh ra là đề phục vụ số đông. Với tình huống của anh Cà Rê, nếu lấy luật pháp làm tiêu chuẩn thì không cần bàn cãi về quyết định. Nếu đánh giá theo kiểu cái tình cái lý bên nào nặng hơn thì lại có xu hướng theo hướng cái tình người, anh ý nghèo quá đừng làm khổ anh ý.

Tiến trình hay kết quả mới là quan trọng

Chủ nghĩa vị lợi quan tâm tới kết quả miễn là mang lại lợi ích cho nhiều người mà ít quan tâm tới tiến trình. Tình huống của anh Cà Rê ở trên là một ví dụ điển hình giúp đánh giá bạn thuộc loại nào; thích kết quả hay thích tiến trình.

Kết quả cuối cùng vụ anh Cà Rê là nhiều người biết tới quy định về việc mua bán ngoại tệ hơn, pháp luật nghiêm minh không thiên vị; nếu theo hướng này thì anh Cầ Rê nên bị phạt như quyết định ban đầu.

Ngược lại, nếu bạn thiên về tiến trình thì sẽ cho rằng anh Cà Rê không đáng bị phạt vì anh ý nghèo không biết gì. Nếu như nhà nước trả lại 100 usd và miễn phạt là hợp tình hợp lý vì anh ý quá đáng thương, người nghèo cái đất nước đã khổ lắm rồi đừng khiến họ khổ thêm nữa.

Những người làm luật và thực thi pháp luật thích theo chiều hướng kết quả hơn nhưng đa phần người dân lại có xu hướng ủng hộ người yếu thế vì vậy thích lựa chọn hai hơn. Ít ai quan tâm tới cái anh doanh nghiệp bị phạt còn nặng hơn thế.

Phương án tốt nhất trong tình huống này là đưa cho anh Cà Rê 100 usd và 90 tr ở cửa sau. Anh Cà Rê tuyên bố sẵn sàng nộp và thấy rằng đó là việc phải làm đối với một người công dân kiểu mẫu. Cơ quan báo đài thôi bàn ngược theo kiểu anh Cà Rê rất đáng thương mà theo hướng pháp luật nghiêm minh cộng với tuyên truyền cho người dân về quy định của nhà nước trong quản lý ngoại tệ.

Những người theo thuyết âm mưu sẽ thích tình huống là anh Cà Rê là mồi nhử, còn DN vàng là đối tượng cần bắt. Giả sử đúng như vậy thật thì công an cũng không sai, có thể họ đã theo dõi trong một thời gian dài rồi và dùng anh Cà Rê để bắt tại trận.

Người có óc suy tưởng kinh hơn có thể còn cho rằng cả anh Cà Rê và anh doanh nghiệp đều là nhân vật trong một vở diễn với mục đích cuối cùng là thay đổi quy định của pháp luật liên quan tới quản lý ngoại hối. Nếu bạn là ông tổ trưởng dân phố, muốn đuổi cố cái quán bia ồn ào dưới nhà thì có thể thuê mấy ông bợm nhậu tới làm cho ồn ào hơn phá phách hơn khiến cho chẳng ai chịu được mà lên tiếng thay bạn.

Giàu óc tưởng tượng hơn nữa thì có thể đây là vụ đánh vào uy tín của ông chủ tịch cần thơ, biết đâu đấy, quốc hội đang họp mà.

2. Thông tin mà chúng ta nhận được

Ngoại cảnh tác động vào chúng ta bằng cả thông tin thô lẫn thông tin đã qua chế biến cho ra kết luận cuối cùng. Trong tình huống này có bài báo chỉ mô tả lại sự kiện (không đưa ra nhận định chủ quan của người viết), nhưng cũng có những bài báo thì có sẵn kết luận, bạn chỉ có mỗi việc giơ hai tay đồng ý.

Những bài báo có sẵn kết luận luôn đưa ra các dữ kiện phù hợp với kết luận. Những dữ kiện có lợi cho thuyết phục thì liệt kê chi tiết, ngược lại thì dấu nhẹm đi. Chắc hẳn bạn đã từng gặp tình huống mà cùng một vấn đề, suy nghĩ của bạn có thể quay ngược 180 độ chỉ thông qua đọc các comment từ trên xuống dưới; với thời gian chỉ đủ cho con muỗi đập 5 lần cánh bạn có thể bắn ra 10 cái quyết định theo các hướng ngược nhau. Đó chỉ là những comment đã khiến ta có thể từ ủng hộ sang phản đối hoặc ngược lại, huống chi những bài viết công phu được chau chuốt đẹp tới lạ thì đúng là khó cưỡng.

Khi chúng ta yếu trong việc tự quyết thì sẽ để ngoại cảnh tác động. Mà đã như vậy thì ta không còn là ta nữa mà chỉ như một con bò trong đám đông các con bò đang lao theo hướng mà người ta mong muốn.

Chúng ta đang sống trong vũng lầy thông tin; vụ lao máy này chưa kết thúc thì đã có vụ máy bay khác; cơn bão này chưa qua, con bão sau đã tới; hot girl này vừa vấp gã chưa kịp đứng dậy thì đã có hot girl khác bị vỡ silicon,…Các sự kiện cứ liên miên trùng trùng điệp nhồi vào cái sọ đáng thương của ta. Thời gian thì đã ít mà hầu hết toàn để nghĩ cho những thứ đâu đâu chẳng liên quan mẹ gì tới ta.

3. Những người có tầm ảnh hưởng tới ta

Chúng ta cơ bản là sống thành bầy đàn vì vậy luôn xung quanh có những người ảnh hưởng. Ví dụ như lúc còn nhỏ tầm ảnh hưởng của bố mẹ là lớn nhất; sau đó khi lớn lên đi làm thì mức độ ảnh hưởng của bố mẹ giảm đi, thay vào đó có thể là ông bạn tâm giao, cấp trên.

Người có tầm ảnh hưởng có thể là người bạn chưa bao giờ gặp ví dụ như một ngôi sao ca nhạc, một nhà khoa học nào đó, một doanh nhân vĩ đại, một nhà chính trị nổi tiếng…Càng nhiều người có thể ảnh hưởng lên bạn thì mức độ tự trị của bạn có thể sẽ thấp đi. Chúng ta có thể lắng nghe ý kiến của người khác để làm giàu thêm dữ liệu cho việc ra quyết định, còn quyết định cuối cùng phải do chính chúng ta.

Tôn giáo cũng có tầm ảnh hưởng rất lớn; thậm chí còn lớn hơn cả bố mẹ đối với những người sùng đạo. Mặc dù khoa học tiến bộ nhưng não con người vẫn có vẻ trong thời kỳ mông muội, dễ bị điều khiển dẫn dắt. Ví dụ như vụ tôn giáo đức chúa trời vừa rồi, đối với những bên ngoài thì không thể hiểu nổi các quyết định của người bên trong.

Thậm chí những người ảnh hưởng có thể dùng bạo lực để khiến bạn phải quyết định theo hướng của họ. Ví dụ như con vợ nó… dí đầu vào chậu nước thì bảo phương án nào bạn cũng ok hết.

Mà nói thật là những vụ kiểu như anh Cà Rê, có những vị đại biểu đứng lên có ý kiến theo đám đông đều là những người có khi cả đời bạn mới nghe tên lần đầu. Những vụ nhớn thì chẳng thấy đâu, những vụ kiểu “hợp lòng dân” thì đứng lên phát biểu cứ như đúng rồi.

Thông tin nhận được và người ảnh hưởng sẽ quyết định thay bạn tùy thuộc vào khả năng tự chủ của bạn. Nói chung việc bị yếu tố bên ngoài ảnh hưởng thường sẽ không có lợi vì mỗi người bên ngoài đều đứng trên lợi ích của họ và cũng không thực sự hiểu bạn. Họ có thể uống 20 cốc bia một lúc nhưng bạn thì không, mỗi người có những đặc điểm rất riêng, chỉ có bạn mới hiểu chính mình.

Đời người không ai có thể vỗ ngực bảo mình miễn nhiễm với ngoại cảnh. Lúc này ta độc lập, lúc khác ta nghe theo tùy vào khung cảnh của câu chuyện. Nhưng tựu chung thì ta vẫn cứ nên là ta, ta sống chỉ 1 lần có phải n lần đâu. Cho người khác quyết định thay là đưa thời gian của bạn cho họ tiêu giúp, khác gì đưa tiền cho họ.

4. Mức độ ảnh hưởng của quyết định

Có lẽ 100% những người bình bầu sẽ lựa chọn phương án trong vòng 30 giây, đơn giản rằng việc trả lời đúng hay sai không ảnh hưởng tới chúng ta. Anh Cà Rê bị phạt hay không bị phạt nói chung là việc ngoài thân, bạn chắc không sẵn sàng bỏ ra 500 nghìn để anh Cà Rê không phải bị phạt 90 triệu; có khi 100 nghìn bạn cũng không sẵn sàng bỏ.

Hầu hết những thứ trên mạng đều chẳng ảnh hường gì tới bạn vì vậy các comment, share, like,..của dân mạng có xu hướng vô tội vạ bất chấp hậu quả gây ra cho nạn nhân có thể rất lớn.

Trong đời ta có những quyết định mang tính ảnh hưởng lâu dài kiểu như có nên học cao học hay không, có nên du học không, có nên mua cái nhà đó không. Các quyết định có kết quả càng kéo dài về tương lai lại càng thiếu dữ kiện để quyết định được là nên hay không nên. Các quyết định dạng này đòi hỏi sự hiểu mình, hiểu sự biến chuyển của xã hội xung quanh cùng khả năng phân tích tốt.

Giờ đây với tốc độ thay đổi của kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa thì đến những người ở chóp bu của xã hội cũng không thể tính được huống hồ là chính chúng ta. Nên nếu bạn có quyết định sai lầm thì cũng đừng dằn vặt mình làm gì cho tổn thọ.

Comments

comments

3 COMMENTS

  1. Chào anh,
    Theo tôi, nội dung bài viết và tựa đề không liên quan nhau lắm vì tôi chưa thấy câu trả lời cho câu hỏi anh nêu ở tiêu đề ” Phạt hay không phạt”.
    Còn mạng xã hội lên án là chính xác về việc áp dụng một cách máy móc luật pháp của chính quyền địa phương.
    Công dân thì có quyền phát biểu ý kiến, bày tỏ quan điểm và chịu trách nhiệm với phát biểu đó như luật an ninh mạng đã được thông qua.

    • Dear anh;
      Có nhiều thứ không phân định rõ được đúng/sai như tình huống này do chuẩn mực mỗi người mỗi khác nhau. Mình chỉ muốn qua tình huống thực tế đó để nêu vấn đề đó thôi. Không thể trả lời là đúng hay sai được; đôi khi cái đúng thuộc về đám đông vì họ to mồm hơn.

      • Vâng, sự việc thì không thể lúc nào cũng trắng hay đen mà đôi khi có cả xám.
        Nếu anh là thẩm phán, trường hợp này thì nên quyết định thế nào là hợp lý?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here