7 điều cần làm khi mất phương hướng

373
337812
4.6/5 - (43 votes)

Con người chúng ta có khả năng tư duy và có ham muốn đạt được một cái gì đó lớn lao trong cuộc đời. Khi con người cảm thấy mình sẽ chẳng đi tới đâu thì họ sẽ cảm thấy mất đi ý nghĩa của cuộc sống hiện tại, cảm thấy mình đứng ở giữa quảng trường mà không biết mình phải đi về phía nào. Đây là bài viết tôi viết từ 2014 và trải qua gần 30 lần biên tập lại; lần gần nhất là 15/5/2019. Hy vọng bạn có thể tìm thấy con đường cho mình trong quá trình đọc entry rất dài này.

Mục lục:

Khi nào bạn rơi vào trạng thái mất phương hướng?

Sinh viên ra trường, người đang thất nghiệp mất phương hướng nghề nghiệp, không biết mình thích gì, mình muốn gì, đã nỗ lực rất nhiều tìm việc mà không được.

Khi đạt tới một mục tiêu A sau đó không biết sẽ phải đi tới điểm nào tiếp theo. Đừng tưởng chỉ có những người đang gặp khó khăn mới mất phương hướng; ngay cả khi hoàn cảnh đang rất thuận lợi ta vẫn có thể rơi vào trạng thái này. Tôi cam đoan với bạn rằng kể cả bạn có 20 tỷ trong tài khoản, hoàn toàn tự do về tài chính, thì vẫn có thể cảm thấy mất phương hướng.

Khi cảm thấy chán nản do công việc quá nhàm chán muốn có một công việc sôi động, thử thách hơn.

Cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt, ngày qua ngày, chẳng có gì mới mẻ. Đây là tâm lý chung của những người làm những công việc có tính lặp đi lặp lại nhàm chán như công nhân ở các khu công nghiệp.

Khi thấy mệt mỏi do công việc quá căng thẳng và muốn có một công việc nhẹ nhàng hơn.

Khi nhìn lại quá khứ và thấy rằng mình chưa làm được điều gì lớn lao trong khi tuổi trẻ đã bay vụt qua. Chưa lập gia đình, chưa có một công việc ổn định, chưa có nhà cửa và hiện chẳng thấy mình có cơ hội nào để thực hiện trong tương lai.

Khi cố gắng hết sức mình nhưng vẫn cứ không đạt được điều mình mong muốn.

Khị  là người tàn tật, không thể làm gì để kiếm được tiền nuôi mình và giúp đỡ những người thân vốn đang ngày càng già yếu đi.

Khi mắc một thứ nghiện nào đó mà nỗ lực nhiều lần vẫn không thể thoát ra được, lúc nào bạn cũng hứa với lòng mình đây là lần cuối để rồi lại tự xỉ vả mình sao không đủ mạnh mẽ.

Khi tức giận với những người đáng nhẽ họ phải hành xử như những gì bạn mong muốn.

Tình hình chính trị rối ren, kinh tế xuống dốc, môi trường ngày càng ô nhiễm, khí hậu ngày càng khắc nghiệt …là tác nhân tạo ra cảm giác mất an toàn từ đó gây ra mầm mống cho sự mất phương hướng.

Tôi nghĩ rằng nguyên nhân thì có nhiều nhưng đều có một điểm chung là cảm thấy rằng mình không biết phải làm gì tiếp theo, không biết mình phải đi về đâu, nỗ lực mà mình đang bỏ ra để làm gì. Tự hỏi cuộc sống chẳng nhẽ lại nhàm chán, trôi qua một cách vô ích vậy sao.

Chúng ta phải làm gì?

1. Hiểu rằng mọi khó khăn rồi sẽ qua

Bạn biết tại sao các tôn giáo ngày càng phát triển cho dù khoa học có tiến bộ tới đâu không? Lý do đơn giản tôn giáo là nơi để cho con người bám víu vào, để họ có niềm tin vào mục đích sống của mình, để họ thấy những khó khăn trở ngại trên đường đời chỉ là những thử thách của đấng tối cao, để họ cảm thấy mình thuộc về một nơi nào đó.

Tôi tin rằng những người theo đạo sẽ ít gặp vấn đề về mặt này hơn. Họ sẽ bận rộn với các buổi cầu nguyện; các mốc thời gian trong năm cầu nguyện. Họ có một đích đến trong cuộc sống tôn giáo của mình; cho dù cuộc sống ngoài tôn giáo của họ rất bình thường.

Phật giáo có khái niệm vô thường; nói rằng mọi thứ không bao giờ tồn tại mãi mãi; kể cả tiêu cực lẫn tích cực. “Mất phương hướng” là một trạng thái cảm xúc xuất phát từ một hiện trạng nào đó và hiện trạng đó sẽ thay đổi theo thời gian hoặc chính cách bạn nghĩ sẽ thay đổi cho dù hoàn cảnh thanh đổi.

Trước đây khi tôi làm nhà nước với mức lương không đủ trả tiền thuê nhà tôi cũng mất phương hướng nghề nghiệp. Nhưng ngay lúc đó tôi cũng đã nghĩ rằng hãy tận hưởng môi trường làm việc không áp lực nhưng cũng rất nhiều cái để học này. Một ngày nào đó tôi sẽ làm một công việc khác, công việc đó chắc chắn sẽ rất vất vả vì vậy hãy cứ hưởng thụ và học nhiều nhất có. Nếu lúc đó tôi luôn ở trong trạng thái lo lắng thì chắc chắn cuộc sống và công việc của tôi sẽ chẳng ra gì. Vấn đề ở đây tôi ý thức được rằng mình phải học hỏi để thoát ra khỏi hiện trạng chứ không phải cứ yên tâm nhàn hạ và mơ về một ngày mình sẽ có được thu nhập tốt.

Khi cảm nhận được điều này chúng ta sẽ có cái tâm bình an hơn. Nhờ vậy suy nghĩ của chúng ta sẽ sáng suốt hơn và ta sẽ không bỏ lỡ thưởng thức những hương vị cuộc sống xung quanh.

Trong quyển “Từ tốt tới vĩ đại” có trình bày về nguyên lý Stockdale. Giống như con người, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những khó khăn để tồn tại và phát triển. Nguyên lý Stockdale phát biểu rằng ” Mọi khó khăn rồi sẽ qua, bạn hãy đối mặt với nó“. Nguyên lý này giúp cho bạn thưởng thức cuộc sống ngay cả những lúc khó khăn nhờ vậy bạn sẽ vượt qua khó khăn với ít mất mát nhất.

Bạn chỉ cần tin rằng một ngày nào đó khó khăn sẽ qua chứ đừng đặt ra một mốc thời gian cụ thể. Có hai người tù, cả hai đều có niềm tin một ngày nào đó sẽ được ra khỏi tù nhưng cách nghĩ của hai người khác nhau. Một người thì chỉ tin rằng một lúc nào đó sẽ được ra và anh ta thoải mái sống trong tù, một người thì đặt ra mốc thời gian là năm sau mình sẽ được ra và mong chờ ngày đó tới nhanh, khi ngày đó tới mà anh ta vẫn không được ra anh ta lại tiếp tục đặt ra mục tiêu năm sau nữa. Dần dần người thứ hai mất dần niềm tin và gục ngã trong khi người thứ nhất vẫn còn nguyên niềm tin.

Nếu giả định rằng người thứ nhất cuối cùng cũng không ra được tù (một kết quả giống người tù thứ 2) nhưng anh ta lại có tiến trình sống thoải mái hơn. Bạn đương nhiên không nên chỉ yên tâm rằng mọi khó khăn sẽ qua và ngồi yên chẳng làm gì cả; suy nghĩ của bạn là vậy để tâm bình an nhưng hành động phải rõ ràng dứt khoát; cần phải có hành động cụ thể. Khác biệt là nếu vừa lo lắng vừa hành động thì bạn sẽ giống như người tù thứ 2; lo lắng và chẳng đi tới đâu.

Chỉ cần có hành động cải thiện hiện trạng thì giống như bạn cho mỗi lần 1 hạt muối vào cái cốc, đến một lúc nào đó bạn sẽ cảm nhận được vị mặn của cốc nước; nếu chẳng làm gì cả thì mình sẽ lệ thuộc vào bên ngoài

Chỉ số vượt khó AQ (P3: Nâng cao năng lực vượt khó)

2. Đừng hướng tới việc tìm sự thỏa mãn nhu cầu từ bên ngoài

Bạn có thấy là cuộc sống càng hiện đại thì để thỏa mãn nhu cầu càng phức tạp hơn không? Hồi xưa làm gì có ô tô, xe máy, điện thoại, …quanh ta cũng toàn người như ta nên ta chẳng có nhu cầu phải sở hữu một cái gì đó thì mới thấy cuộc sống hạnh phúc. Những nhu cầu mà ngày nay vô cùng khó thực hiện như có một môi trường sống nhiều cây xanh, có mảnh vườn trước mặt thì hồi đó phải trả giá rất rẻ, thậm chí miễn phí.

Nhớ hồi còn trẻ trâu; sáng tới trường; chiều chơi quay hoặc gẩy chun. Chỉ cần có vài đứa bạn là có thể chơi với nhau được rồi. Hầu hết mọi thứ giải trí đều miễn phí vì làm gì có nhiều dịch vụ có phí; thậm chí có cũng chẳng có tiền nên bọn trẻ con tự bày ra mà chơi. Tương tự với người lớn, mặt bằng chung của các gia đình là tương đối giống nhau nên ai cũng hài lòng về cuộc sống với những thú vui giải trí miễn phí. Ngày nay từ trẻ con tới người lớn, các trò chơi đều tốn tiền và đề có tiền thì phải làm kiếm tiền.

Ngẫm cái này tôi thấy cũng kỳ quặc; có rất nhiều những nhu cầu có thể thỏa mãn mà không mất đồng nào nhưng con người lại có xu hướng hướng tới những nhu cầu tốn phí, phí càng nhiều họ càng nghĩ rằng mình sẽ được thỏa mãn nhiều hơn. Tôi thấy việc hoàn thành một cự ly chạy marathon hạnh phúc hơn nhiều so với việc có một cái ô tô mới hay theo một tour du lịch châu âu. Càng về già ( :P) tôi càng ý thức được sâu sắc cái này để xa rời những chi phí không cần thiết. Chúng ta luôn có 2 sự lựa chọn; hoặc cầm tay nhau đi dạo vòng quanh hồ hoàn kiếm hoặc vào rạp chiếu phim; uống bia hay nước lọc; quần áo thương hiệu hay đơn giản, ô tô hay xe máy, nghe nhạc ở nhà hay đi xem ca nhạc…

Ta cứ trong vòng luẩn quẩn, kiếm tiền để mua những vật chất bên ngoài với mục đích nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ nhưng vì mải kiếm tiền nên cũng chẳng có thời gian để thưởng thức những vật chất đó. Thế mới có chuyện sắm biệt thư cho osin ở, tới ngày nghỉ lại vác nhau đi resort ở đâu đâu.

Càng hướng ra bên ngoài với mong muốn phải có nó thì mới thấy vui thì càng dễ mất phương hướng. Đừng tìm kiếm sự thỏa mãn từ bên ngoài đặc biệt những thỏa mãn đòi hỏi phải cần tiền. Càng tiêu nhiều bạn càng phải làm nhiều. Trên facebook có rất nhiều người suốt ngày đi chơi; bạn có thể cảm thấy mình thiệt thòi nhưng thề với bạn là ai cũng có vấn đề của riêng mình cả; không ai chẳng có vấn đề gì vì bản thân không có vấn đề gì cũng là có vấn đề.

Mỗi một ham muốn là một mục tiêu, khi không tìm được con đường đi tới mục tiêu ta trở nên mất phương hướng. Ham muốn của bạn càng đơn giản trong thực hiện thì sẽ càng thấy thoải mái và ngày càng trở nên tự tin khi liên tiếp đạt được các mục tiêu đã đề ra.

vietnam-mountain-marathonĐối với những nhu cầu hưởng thụ, hãy cố gắng hướng tới những nhu cầu thỏa mãn với chi phí càng thấp càng tốt. Nỗi sung sướng khi đạt được một cái gì đó bằng nỗ lực của chính mình như hoàn thành cự ly marathon, bơi 5000 m, nâng quả tạ 50 kg, giảm được 3kg trong 1 tháng, đi bộ được 5 vòng quanh hồ Tây,…sâu sắc, dai dẳng hơn nhiều so với việc mua được bộ quần áo mới, sắm được cái xe mới, ăn món ăn ngon hay thậm chí là kiếm được cô bồ mới. Trong quá trình rèn luyện giảm cân hay chạy bộ, bạn sẽ cảm thấy hưởng thụ; còn khi bạn mua một cái áo mới đắt tiền thì kết quả đó tách rời khỏi cái nỗ lực kiếm tiền để mua nó.

Tôi viết entry này vào tháng 6 năm 2014 là thời điểm tôi bắt đầu tập chạy bộ. Tới ngày hôm nay 15/5/2019, tôi đã hoàn thành đầy đủ các các cự ly 21km, 42km, 70km và đang chuẩn bị cho cự ly 100km của giải đua đường núi VMM (giải đua khắc nghiệt nhất Việt Nam). Nếu bạn là bạn của tôi thì bạn sẽ chỉ nhìn thấy kết quả mà không nhìn thấy các nỗ lực tôi đã bỏ ra hàng ngày. Bạn có quyền đặt mục tiêu lớn nhưng không có cái gì đạt được mà không cần nỗ lực liên tục trong một thời gian dài. Và tốt nhất là nỗ lực đó từ chính bản thân bạn.

Bạn không nên chỉ chăm chú cho sự nghiệp mà hãy chăm lo cho cả cuộc sống ngoài công việc; Khi bạn làm tốt một thứ, thì thứ còn lại cũng sẽ làm tốt. Khi bạn cảm thấy tự tin một lĩnh vực, bạn sẽ cảm thấy tự tin lĩnh vực còn lại.  Bạn có thể tham khảo bài viết nhiều view chỉ sau bài viết này :  Luyện Ý Chí

Khi bạn bớt tiêu tiền đi thì bạn cũng bớt áp lực phải kiếm nhiều tiền hơn. Hãy cố gắng kiếm tìm những nhu cầu mà bạn phải nỗ lực để đạt được; tiến trình và kết quả có mối liên kết tới nhau. Kiếm tiền và mua áo đắt tiền, chẳng có liên quan gì tới nhau cả, bạn khổ sở kiếm tiền và tiêu nó trong một nốt nhạc. Bạn sẽ cảm nhận rau tự mình trồng ngon hơn nhiều so với rau mua ngoài chợ vì hiểu được những nỗ lực mà mình bỏ ra để có số rau đó; cũng giống như khi bạn bỏ ra vài tiếng để nấu ăn thì sẽ cảm thấy ngon hơn nhiều so với ăn ngoài hàng (mặc dù xét khách quan thì ngoài hàng ngon hơn nhưng ta thường có cảm xúc mãnh liệt mỗi khi có kết nối giữa nỗ lực và kết quả).

Kinh tế thị trường khiến cho mối liên kết giữa nỗ lực và kết quả ngày càng xa rời nhau. Người ta không còn tự trồng rau để ăn, tự làm ghế để ngồi, tự nấu một bữa ăn, tự làm món quà cho người yêu,…Khi có vấn đề ta có xu hướng mua giải pháp từ bên ngoài ngay cả những thứ bất khả thi như uống thuốc để giảm cân thay vì đổ mồ hôi trền sàn tập để giảm cân. Đúng là có nhiều thứ người khác làm tốt hơn bạn vì vậy hãy dùng thời gian đó để làm thứ giá trị hơn; nhưng đừng quá lạm dụng.

Cái giá phải trả của công nghệ hiện đại

Bây giờ mỗi khi phải ngồi một mình cho dù với mục đích là chờ ai đó hay để thưởng thức một cái gì đó thì theo thói quen bạn sẽ cầm trên tay cái điện thoại. Hồi xưa khi chưa có điện thoại thông minh người ta có thể đọc sách hoặc là ngồi ngẫm nghĩ về sự đời, việc nhắn tin với cái Nokia đen trắng cũng rất thú vị.

Ngày nay ta không có nhiều thời gian trong việc hướng vào bên trong vì vậy ta rất ít hiểu về chính ta, về cái ta thực sự muốn, thực sự ham thích,..Cuộc sống như dòng nước cứ thế cuốn ta đi, rồi bỗng một lúc ta bị rơi vào một vòng xoáy, ta nhanh chóng cảm thấy hoang mang là mình đang ở đâu? mình sẽ đi đâu? rồi thì ta trôi qua chỗ vòng xoáy và lại tiếp tục trôi theo dòng nước. Ta lại quay lại với trạng thái ban đầu và tiếp tục lặp lại ở vòng xoáy tiếp theo.

“Khoảng lặng” giờ đây là nỗi sợ của nhiều người. Bạn thử nhìn lại lần cuối cùng bạn ngồi và không làm gì cả, chỉ chiêm nghiệm về cuộc sống này.

3. Thoát khỏi môi trường làm bạn mất phương hướng

Khi chúng ta mất phương hướng chúng ta có xu hướng tìm tới một nơi yên tĩnh để tự mình suy nghĩ. Các dòng suy nghĩ cứ miên man hết dòng này tới dòng khác nhưng chỉ khiến ta mất phương hướng hơn.

Điều chúng ta cần làm khi mất phương hướng là phải làm khác đi cái chúng ta quen làm. Hãy đi gặp bạn bè, hãy học một khóa học, hãy đọc một cuốn sách, chơi một môn thể thao  yêu thích, tham gia một câu lạc bộ, đi làm từ thiện,…Khi buông lỏng chúng ta sẽ đạt được cái mình muốn.

Tôi có những trải nghiệm thực tế đối với lời khuyên này. Khi bí ý tưởng, khi thấy mình không biết mình muốn gì, phải làm gì thì tốt nhất quên việc đó đi và làm một thứ gì đó khác biệt hẳn. Thứ đó có thể là cố gắng bơi được chục vòng bể bơi, bơi vượt sông, chạy vài chục cây số, có cái bụng 6 múi hay vòng eo con kiến. Khi hành động khác đi ta sẽ tham gia vào môi trường mới, môi trường đó sẽ kích thích những thứ mới tạo ra phản ứng mới mẻ từ ta.

Trong phòng gym tôi hay tập, có một tình huống tôi thấy rõ sự thay đổi của tinh thần thông qua thay đổi về thể chất. Có một cô gái đến phòng gym tập có thuê huấn luyện viên. Tất nhiên ở phòng gym thì thiếu gì con gái nhưng cô này có một đặc điểm là mặc dù trẻ chỉ dưới 27 tuổi nhưng khuôn mặt gày gò khắc khổ và không bao giờ mỉm cười, chắc chắn cuộc sống ngoài phòng gym của cô gái không được tốt lắm. Ngày qua ngày cô ta tới phòng gym và làm theo những gì anh huấn luyện viên bảo như một cái máy vô cảm. Một vài tháng tôi không để ý vì phòng gym rộng, tôi gặp lại thì thấy một con người khác hẳn, khuôn mặt đầy đặn hơn, rạng ngời hơn, dáng đi cũng nhanh nhẹn hơn. Vẫn không cười nhưng tạo một sự cuốn hút từ người khác, không còn cảm giác rằng cuộc sống của cô khổ cực nữa. Tôi thấy rằng tất cả những người đến tập ở phòng gym đều có một sự linh hoạt hơn hẳn so với người không bao giờ tập. Khi họ di chuyển linh hoạt thì chắc chắn công việc họ làm cũng nhanh nhẹn hơn so với những người khác.

Khi mất phương hướng chúng ta có thói quen tìm kiếm những người cũng mất phương hướng như ta. Điều này không sai nhưng không nên lạm dụng. Khi ở bên những người cùng hoàn cảnh ta sẽ cảm thấy đồng cảm nhưng vấn đề sẽ vẫn còn đó, những người cùng hoàn cảnh sẽ không thể giúp ta thoát khỏi tình trạng này. Nếu họ thoát được thì họ đã thoát ra rồi, họ còn ở đó thì có nghĩa là họ vẫn chưa thoát ra được.

Bạn có nhận thấy là khi bạn sống giữa những người thành công bạn sẽ càng dễ mất phương hướng không? Vì đơn giản là bạn mong ước những thành quả mà người khác đang có nhưng lại không biết cách thực hiện do đó bạn mất phương hướng. Mọi thành quả đều phải trả giá; để có thành quả ngày hôm nay thì họ đã bắt đầu từ 5 năm trước rồi. Cứ ở gần họ mãi bạn sẽ cảm thấy sốt ruột thay vì đáng nhẽ đặt mục tiêu 5 năm, bắt đầu và lặng lẽ tiến bước từng ngày.

Tóm lại giống như tập chạy; nếu bạn theo dõi quá trình một người nỗ lực tập chạy, bạn sẽ có cảm hứng từ sự cố gắng của anh ta. Nếu bạn theo dõi một người đã chạy giỏi rồi thì bạn sẽ sốt ruột vì biết bao giờ mới bằng được anh ta. Nếu bạn theo dõi một người lười nhác (giống như bạn) thì chẳng giải quyết được gì cả. Vậy người đã thành đạt là mục tiêu để bạn phấn đấu, người đang nỗ lực thì giúp tạo cảm hứng cho bạn, người lười nhác giúp bạn biết rằng mình đang tiến về phía trước; nhưng cuối cùng thì lập plan chạy và kiên trì theo đuổi plan chạy là do chính bạn; chẳng ai giúp được bạn cả. Cứ ngồi nhìn thằng thành đạt chẳng giúp được gì ngoài sốt ruột; chơi với thằng lười nhác thì hiện trạng mãi cứ vẫn vậy.

4. Có thể ngày mai bạn sẽ chết

Chết là hết, nỗi sợ lớn nhất, chẳng có gì đáng sợ hơn chết. Trong khi bạn đang lo lắng về việc không kiếm được một công việc tốt, không có người yêu, cuộc sống vô vị nhàm chán thì bạn đã bỏ quên một điều rằng chưa chắc bạn đã sống được hết ngày mai.

Mỗi ngày có hàng trăm vụ tai nạn giao thông, một trong những clip mà tôi vô cùng ấn tượng đó là cảnh hai mẹ con đi qua đường; đứa con tung tăng kéo mẹ đi. Một chiếc ô tô con đi tới dừng lại nhường đường nhưng nó lại che khuất tầm nhìn của người mẹ với chiếc xe buýt đang phóng nhanh lên. Chiếc xe đâm vào đứa con bắn ra tới chục mét. Khi xem cảnh này, nếu ở địa vị người mẹ tôi sẽ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ mình có bao gồm cả mạng sống để điều đó không xảy ra.

Chỉ một giây thôi, cuộc sống của người mẹ đã chuyển từ thiên đường xuống địa ngục; mà cũng có thể người mẹ sẽ mong ước có lại được cuộc sống mà trước đó bà cho rằng vô vị. Cuộc sống phía trước có rất nhiều sự kiện mà có thể khiến bạn thay đổi hẳn cách nghĩ, cách cảm nhận về hiện trạng; biến hạnh phúc thành khổ đau và ngược lại, biến mất phương hướng thành có phương hướng.

5 hướng để đi tìm mục đích sống

Thật kỳ cục là có người chán cuộc sống tới mức muốn tự tử. Bao nhiêu công cha mẹ nuôi họ thành hình người; có hàng triệu người còn thảm cảnh hơn họ vẫn cứ hiên ngang sống. Thế mà chỉ vì thấy cuộc sống vô vị mất phương hướng mà nghĩ tới tự tử.

Một phương thức rất đơn giản có thể khiến bạn thấy rằng mình vẫn còn hơn rất nhiều đó là vào thăm quan bệnh viện. Hãy tự nhiên vào như là một người nhà bệnh nhân, ngồi tại phòng khám, lân la phòng bệnh,… Nếu như chọn mấy khoa ung bướu thì lý tưởng nhất; bạn sẽ thấy mình quả là may mắn.

Tôi đã từng có lần làm như thế này khi vào viện Bạch Mai và tận mắt chứng kiến cảnh người ta nghe bác sỹ tuyên bố rằng họ bị ung thư. Tôi tin rằng khoảng khắc đó biến đổi hoàn toàn nhận thức của tất cả mọi người có liên quan. Những thứ vô vị trở thành có ý nghĩa; những thứ đau khổ trở thành hưởng thụ. Tất cả những thứ xung quanh vẫn thế nhưng nhận thức thay đổi nên cảm nhận thay đổi 180 độ.

Mấy năm gần đây các trường THPT thành lập các hội nhóm trên facebook, hoạt động rất rôm rả. Như tôi học trung học phổ thông từ 1994 tới 1997 nên thuộc nhóm 94-97. Bên cạnh những tin tức tốt lành thì thỉnh thoảng vẫn có những tin một bạn nào đó mất đi. Ngay giờ họp lớp cũng có tin vài bạn đã ra đi. Cuộc sống rất vô thường, mọi lo lắng sợ hãi sẽ chẳng là gì so với cái chết; đôi khi chỉ cần cùng con lớn lên, đó đã là hạnh phúc rồi, cần gì phải có vài tỷ trong ngân hàng, ngôi nhà to đùng, hay phải làm sếp.

Nếu bạn đang ở độ tuổi dưới 30 thì bạn nên biết rằng sau tuổi 40 là lúc bố mẹ bạn và chính bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều bệnh tật. Bạn sẽ không có nhiều thời gian để còn cảm thấy cuộc sống quá bình lặng nữa. Hoặc nếu không có sự chuẩn bị kỹ đặc biệt là về tài chính hoặc ý chí thì bạn sẽ thấy rất bế tắc.

Bạn hãy ghi nhớ câu mà chắc chắn bạn đã từng nghe “Có nhiều người chỉ đơn giản muốn những thứ mà bạn cho rằng đương nhiên mình phải có.”

Đọc thêm bài Trải nghiệm ở bệnh viện ( đây là một trong các bài viết yêu thích nhất của tôi)

5. Tìm tới những người có thể tư vấn

Việc bạn đang gặp phải chắc chắn là việc mà có ai đó đã trải qua. Một cái nhìn khách quan bên ngoài sẽ cho bạn tiếng nói khách quan. Người đầu tiên bạn có thể xin tư vấn chính là bố mẹ của bạn. Họ có tình yêu thương đối với bạn và họ có sự trải nghiệm cuộc sống hơn bạn ít nhất 20 năm. Bố mẹ của lứa tuổi 9X và 10X bây giờ hầu hết đều có tri thức đủ để hướng dẫn con mình.

mat phuong huong trong cuoc song

Tuy nhiên thông thường thì ta luôn có xu hướng muốn giấu đi những khó khăn mà ta gặp phải. Vẻ bên ngoài của chúng ta vẫn rất tốt nhưng bên trong ẩn chứa nhiều vấn đề. Ta có thể lựa chọn phương án đọc về các cuộc đời tự thuật của các danh nhân, nhà chính trị để xem có thể học hỏi được gì không. Những bài viết kiểu này có rất nhiều, cả sách in lẫn trên mạng.

Điều tuyệt vời nhất lúc này là tìm được người giàu kinh nghiệm. Tâm lý chung của con người là thích được dạy dỗ người khác nên đừng ngại hỏi, họ sẽ trả lời nhiệt tình hơn là bạn có thể tưởng tượng.

” Muốn khuyên một ai đó” là bản năng của con người vì khiến cho người đưa ra lời khuyên thấy được rằng mình quan trọng. Bạn hỏi 10 người thì chắc chắn 10 người sẽ không tiếc thời gian để khuyên bạn; lời khuyên có ích tới đâu sẽ phụ thuộc vào năng lực của họ. Vấn đề của bạn là chọn đúng người đủ “năng lực” chứ không phải sợ họ không đồng ý khuyên khi bạn hỏi. Người đủ năng lực tốt nhất là người đã trải qua những khó khăn giống bạn và hiện trạng của anh ta rất tốt. Anh ta sẽ nhanh chóng hiểu hoàn cảnh của bạn để đưa ra lời khuyên hữu ích.

6. Dự phòng trước một ngày nào đó bạn sẽ mất phương hướng

Tất cả các vấn đề về nghề nghiệp, cuộc sống thực ra đều có thể dự đoán trước. Việc bạn cần làm là đừng để cho nó xảy ra hoặc lên kế hoạch hành động sẽ làm gì khi nó xảy ra. Nếu cẩn thận suy nghĩ bạn sẽ thấy “cảm giác mất phương hướng” nó có một quy luật rõ ràng; trong những hoàn cảnh tình huống đặc thù thì nó sẽ xuất hiện.

Bạn có thể làm cuộc sống trở nên thú vị hơn nếu tìm cho mình các thú vui lành mạnh, đặc biệt là các thú vui bạn có thể thực hiện dễ dàng như đọc truyện, nghe nhạc, chạy bộ, thiền,… Nếu bạn làm cho mình bận rộn bạn sẽ không có thời gian để mà thấy nó nhàm chán. Cuộc sống cần phải đa dạng, bạn đi trên nhiều chân để khi một chân đau bạn vẫn còn có chân khác chống đỡ. Nếu cuộc sống của bạn chỉ xoay quanh công việc thì khi công việc có vấn đề thì bạn sẽ không biết bám vào đâu; tương tự nếu cuộc sống của của bạn chỉ là chơi thì chơi mãi rồi một lúc cũng chán.

thu nhap va chi tieuTrong công việc hay ngoài công việc, điểm chung mà chúng ta phải hướng tới đó là gia tăng năng lực bản thân, không được dừng lại. Cho dù đó có là chơi như đá bóng chẳng hạn thì chơi đó cũng phải có xu hướng ngày một giỏi hơn.

Rất nhiều các vấn đề của chúng ta đang gặp liên quan tới Tiền. Nếu như thu nhập của bạn phụ thuộc vào sức khỏe thì đồ thị thu nhập của cuộc đời ta là một hình sin có đỉnh ở đầu đó vào năm cuối 30 tuổi. Nếu thu nhập của bạn phụ thuộc vào tri thức thì đồ thị thông thường vẫn cứ hình sin nhưng đỉnh thu nhập vào khoảng gần 40 nhưng đỉnh sẽ cao hơn so với thu nhập phụ thuộc vào sức khỏe.

Thông thường chúng ta có xu hướng thu nhập bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu nên khi đồ thị thu nhập tới đỉnh thì chi phí của ta cũng sát con số đó mà không có tích lũy. Thế là khi hình sin đi xuống thì ta bắt đầu gặp các vấn đề về tiền bạc. Tiền bạc liên đới trực tiếp tới công việc, cuộc sống gia đình,…-> bạn phải có tích lũy nếu muốn tránh vấn đề trong tương lai. Nhưng nhớ rằng tiền không bao giờ là đủ và ngay cả khi bạn thừa tiền thì bạn vẫn có thể mất phương hướng với những thứ mà nhiều tiền không giải quyết được.

Chiến lược tài chính cá nhân

Đam mê

Điều quan trọng nhất giúp bạn không bị rơi vào trạng thái chán nản là bạn phải đam mê một cái gì đó. Bạn có thể biến đam mê thành tiền nhưng hầu hết trường hợp chúng ta không kiếm được tiền với việc đam mê. Ví dụ bạn có thể thích bóng đá, chạy bộ, bơi lội, bóng bàn, tennis, chơi với con,…

Đam mê giúp bạn loại bỏ các khoảng thời gian trống khiến bạn không còn thời gian nghĩ ngợi lung tung nữa, giúp bạn thấy cuộc sống có ý nghĩa. Tuy nhiên đam mê phải đẩy bạn về phía trước; nếu đam mê kéo lùi bạn kiểu như đá bóng xong thì vào quán nhậu tới 12 giờ đêm về thì phải dừng lại.

Hoàn thiện bản thân (P6: Hiểu đúng về đam mê để không mắc sai lầm)

7. Dành cho những ai sắp ra trường hay thất nghiệp

Công việc dù sao cũng chiếm 1/3 cuộc đời vì vậy cảm nhận của bạn về công việc sẽ quyết định rất nhiều tới chất lượng sống của bạn.

Tìm được công việc mà mình yêu thích tất nhiên là tuyệt vời rồi. Ví dụ như anh nghiện game thì thích làm test game; anh thích bơi lội thích làm huấn luyện viên bơi lội, anh thích vẽ tranh muốn vẽ tranh bán được tiền, anh thích hát thì làm ca sỹ, anh thích đi du lịch muốn làm hướng dẫn viên, ….

Nhưng nói chung giữa làm chơi và làm ăn tiền là cả một khoảng cách lớn. Làm chơi thì với tâm thế thoải mái nhưng làm để ăn tiền thì bạn phải có được các kết quả xuất sắc. Muốn có kết quả xuất sắc thì phải nỗ lực bất chấp việc thích hay không thích. Dần dần thì bạn sẽ chán cái việc mà trước đó bạn vẫn nghĩ rằng mình thích.

Phương án an toàn không phải là chọn việc mình thích mà chọn việc mình có thể làm giỏi nhất. Làm giỏi sẽ dẫn tới thích còn thích chưa chắc đã dẫn tới làm giỏi. Muốn biết mình giỏi cái gì thì tự vấn lại trong quá khứ khi làm một việc gì mà bạn thấy quên đi thời gian, cảm thấy tự tin, bạn tự cảm thấy mình đã làm tốt hơn những người khác.

Hoàn thiện bản thân (P10: Theo đuổi việc gia tăng khả năng tạo ra giá trị)

Cái giỏi một nghề nào đó phụ thuộc vào 1. Tố chất khi sinh ra; 2. Học hỏi ở nhà trường 3. Môi trường sống và 4.Tự học.

Có những yếu tố nằm ngoài khả năng can thiệp của bạn như 1 và 3 nhưng có những yếu tố bạn có thể tự chủ được đó là 2 và 4, đặc biệt là 4. Nếu bạn chuyên tâm nghiên cứu một nghề nào đó một cách chăm chỉ thì bạn sẽ giỏi còn nếu bạn không có khả năng tự học thì đành phải phụ thuộc vào 3 yếu tố đầu.

Ở cái xã hội này nếu bạn giỏi bất cứ cái gì cho dù có kỳ cục nhất thì cũng đều có thể kiếm ra tiền cả. Cái làm đòn bẩy mà ai cũng phải học đó là Quản trị kinh doanh, quản trị kinh doanh sẽ giúp biến các thế mạnh của bạn thành tiền. Chính do vậy khi bạn mất phương hướng không biết nên học gì thì tốt nhất nên chọn môn học này.

Tuy nhiên nhiều khi ta vấp ngay phải rào cản đầu tiên là xin vào một vị trí mà mình có thể làm giỏi, đại loại chưa có cơ hội chứng minh rằng mình giỏi. Rất nhiều than thở đều xuất phát từ việc không kiếm được việc làm cho dù có là việc không phải mình yêu thích.

Đúng là hiện nay tổng cầu đang giảm sút khiến cho cầu lao động giảm. Cầu giảm thì đương nhiên kiếm việc sẽ khó khăn rồi. Đó cũng là thiệt thòi cho những người đang có nhu cầu tìm việc ở giai đoạn này.

Lời khuyên khi gặp tình huống này là phải kiếm cho mình một việc bất kỳ mà công việc đó có cơ hội tiếp xúc với công việc mình ao ước càng gần càng tốt. Ví dụ như nếu ham thích kinh doanh nhưng phỏng vấn mãi không được thì cứ xin vào làm nhân viên kỹ thuật hay nhân viên hành chính.

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Mô típ chung của nhiều người là quá thiên về một cái gì đó. Người thì thích chơi mà ít đầu tư cho học tập và công việc; tới một lúc nào đó ngoảnh lại thấy mình chưa có gì. Người thì chúi mũi vào học tập, công việc; tới một lúc thấy mình chưa hưởng thụ được gì.

Trong mỗi giai đoạn cuộc sống do đặc điểm sinh học và môi trường ta phải ưu tiên cho một cái gì đó nhưng nguyên tắc là phải cân bằng được ba thứ Công việc – Gia đình – Sở thích cá nhân. Chỉ cần một cái thất bại thì cho dù hai cái kia thành công cũng khiến ta chán nản.

Kinh tế học (P12: Thất nghiệp)

Trong trường hợp bạn đã có công việc nhưng lại bế tắc trong việc thăng tiến để có chức vụ và thu nhập cao hơn

Các công ty có những môi trường làm việc rất khác nhau vì vậy việc vào làm ở một công ty mà thuận lợi cho việc thăng tiến thì là điều may mắn của bạn. Công ty càng to thì việc thăng tiến sẽ chỉ dành cho những người rất giỏi, công ty càng nhỏ thì cơ hội thăng tiến sẽ thuận lợi hơn.

Nếu như không thăng tiến được ở công ty bạn đang làm thì đừng vội nghĩ tới việc nhảy việc, cần phải tìm hiểu nguyên nhân cụ thể của việc không thăng tiến là gì:

1. Nếu như nguyên nhân xuất phát từ năng lực của bản thân thì việc nhảy sang công ty tương đương hoặc to hơn sẽ không giải quyết được vấn đề. Biện pháp là nhảy sang công ty nhỏ hơn hoặc nỗ lực ở chính công ty hiện tại.

2. Nếu như nguyên nhân xuất phát từ chủ quan người lãnh đạo không nhìn nhận được hết năng lực của bạn thì nếu như đã check đi check lại đảm bảo đúng vì lý do này thì đúng là nên chuyển sang công ty khác.

3. Nếu như nguyên nhân xuất phát từ quy mô công ty quá nhỏ, không có chỗ cho bạn thăng tiến cao hơn thì đừng vội nhảy sang công ty khác ngay. Bạn phải đánh giá đúng thực lực của mình, nhiều người quá đề cao mình đến khi sang công ty khác lại bị tụt lùi về đường sự nghiệp. Sau khi đánh giá đúng yêu cầu đòi hỏi của công ty sẽ sang, lúc đó hẵng sang; chú ý là đừng dại thấy họ lôi kéo mà nhảy sang, ăn thua nhau vẫn là công việc thực tế bạn làm sau này ra sao.

4. Nếu như nguyên nhân xuất phát từ công ty quá lớn, đòi hỏi các vị trí quá cao khiến bạn không thể với tới và cũng không thể học hỏi gì thêm thì nên chuyển việc. Các công ty lớn thường có những quy trình rõ ràng thích hợp cho việc học hỏi theo chiều sâu mà không thích hợp học hỏi về chiều rộng. Ăn thua nhau là thu nhập của bạn bao nhiêu và trong bao lâu vì vậy đừng quan trọng hóa việc công ty to hay công ty nhỏ.

5. Nếu công việc khiến bản thân nhàm chán thì nên chuyển nếu như bạn không ngại thử thách với cái mới. Hoặc có thể tìm hiểu các vị trí khác trong chính công ty bạn đang làm vì việc chuyển sang công ty khác thường bạn sẽ làm đúng vị trí bạn đang làm, và làm một thời gian bạn lại sẽ thấy nhàm chán.

Một số dấu hiệu chung để biết mình đang ở trình độ nào.

Việc tự đánh giá năng lực và khả năng thăng tiến của mình trong công ty tương đối khó do bị yếu tố chủ quan chi phối. Tôi tóm tắt ngắn gọn vài ý:

Trong công ty nào cũng có 4 cấp độ chính là Quản lý cấp cao, quản lý cấp trung, nhân viên key và nhân viên bình thường. Bạn tự xác định bạn xứng đáng với vị trí nào thông qua đánh giá như sau:

Nhân viên thường: trình độ bạn ở nhân viên thường và bạn xứng đáng tiếp tục làm nhân viên nếu như bạn có một số đặc điểm sau:

+ Mong hết giờ làm để còn về.

+ Chỉ cố gắng làm cho xong công việc mà mình được giao. Không quan tâm tới người khác đang làm gì và làm như thế nào.

+ Không đọc một quyển sách nào hay tham gia bất cứ khóa học nào trong vòng 6 tháng trở lại đây.

+ Làm một cách làm cũ với những công việc giống nhau, không bao giờ nghĩ tới cách làm khác.

+ Phải có người nhắc mới làm. Khi gặp vấn đề hỏi ngay cấp quản lý mà không tự mình tìm tòi câu trả lời. Bảo A chỉ biết A mà không nghĩ tới những thứ xung quanh.

Đừng nhầm giữa bận rộn với hiệu quả. Bạn có thể rất bận rộn nhưng nguyên nhân do năng suất lao động thấp chứ không phải bạn làm nhiều mà không ai đánh giá.

Nhân viên key: Bạn là nhân viên có tiềm năng trở thành quản lý cấp trung khi bạn có các dấu hiệu sau:

+ Làm tốt công việc được giao. Khi gặp khó khăn tự tìm ra phương án giải quyết.

+ Đặt kết quả công việc lên trên hết; sẵn sàng làm công việc của người khác nếu như thấy có dấu hiệu kết quả không đạt.

+ Cố gắng làm nhanh hơn, chất lượng hơn ở các công việc lặp đi lặp lại.

+ Ít nhất 2 tháng đọc một cuốn sách liên quan tới chuyên môn công việc.

+ Sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình ngay cả khi mình không hoàn toàn là nguyên nhân.

+ Giỏi chuyên môn nhất trong phòng.

Quản lý cấp trung: bạn xứng đáng ở trên đe dưới búa nếu có một số dấu hiệu sau:

+ Biết rõ công việc của phòng mình bao gồm những gì và phải làm như thế nào.

+ Am hiểu đặc điểm mạnh yếu của từng nhân viên.

+ Hiểu rõ chiến lược công ty (nếu có).

+ Là chuyên gia ở lĩnh vực được phân công.

+ Luôn giữ trạng thái trầm ổn cho dù có bất cứ rủi ro nào xảy ra. Điều này thể hiện khả năng làm chủ vấn đề của người quản lý. Một người quản lý lúc nào cũng cuống lên là do anh ta không làm chủ được vấn đề.

+ Luôn suy nghĩ làm sao sắp xếp, tổ chức nhân sự để công việc được tiến hành hiệu quả nhất.

+ Nhận trách nhiệm cho tất cả vấn đề xảy ra trong phòng mình.

Quản lý cấp cao: bạn là quản lý cấp cao có khả năng lèo lái con tàu tới đích nếu có một số đặc điểm chính sau:

+ Biết rõ công ty sẽ đi về đâu và đi như thế nào.

+ Khả năng dẫn dắt quản lý cấp trung để thực hiện tốt công việc ngay cả khi mình không biết công việc đó phải làm thế nào.

+ Định hướng thỏa mãn khách hàng mạnh.

+ Trạng thái tinh thần bình tĩnh, làm chủ được cảm xúc.

+ Quản lý thời gian cực tốt.

+ Tư duy hạch toán, hiểu rõ thế nào là hiệu quả.

+ Am hiểu ngành hàng mình đang kinh doanh

+ Có khả năng lôi cuốn người khác

Nếu bạn tự thấy mình xứng đáng ở một cấp bậc cao hơn mà mãi không được cất nhắc thì chắc chắn là có một nguyên nhân nào đó đòi hỏi phải tìm cho ra. Nếu bạn từ bỏ việc tìm kiếm nguyên nhân thì sẽ gặp lại tình huống đó ở một công ty khác.

7 nguyên nhân dẫn tới nghỉ việc

Viết nhật ký

Viết Nhật ký

Cảm xúc của chúng ta luôn biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác tùy thuộc vào môi trường và suy nghĩ của ta. Lúc có thể rất buồn lúc bạn có thể rất hào hứng, lúc có thể cảm thấy chán đời mất phương hướng, lúc có thể nhìn rõ cái mình mong muốn và con đường đi.

Viết nhật ký ghi lại các cảm nhận hàng ngày là việc rất nên làm. Nó giúp chúng ta năm việc:

1. Nhìn thấy được tính chu kỳ của cảm xúc

Chu kỳ cảm xúc lặp lại theo ngày, theo tuần, theo tháng, theo năm. Một phần nguyên nhân do hoàn cảnh bên ngoài thay đổi cũng có tính chu kỳ, một phần vì đó đã thành thói quen của chúng ta có tính lặp đi lặp lại.

2. Nhìn thấy cách xử lý của của chúng ta ở mỗi trạng thái cảm xúc.

Khi nhìn về một cảm xúc tiêu cực trong quá khứ bạn sẽ quan sát được chính bạn với tâm thế của người ngoài cuộc. Bạn thấy rằng bạn đã vượt qua những cảm xúc đó bằng cách có khi là chẳng làm gì cả.

3. Nhìn thấy tính vô thường của cuộc sống

Nếu bạn là người có thói quen viết nhật ký thì giờ đây có thể bạn đang xem lại những dòng cảm xúc của mình cách đây cả chục năm. Bạn sẽ thấy sao lúc đó bạn lại có những cảm xúc hết sức buồn cười như vậy. Và dám chắc chục năm nữa khi nhìn lại những dòng cảm xúc hiện thời bạn sẽ thấy vấn đề bạn gặp thật sự đơn giản.

4. Tính “khổ” của triết lý phật giáo

Bạn sẽ thấy những kỳ nghỉ trôi qua bao gồm nghỉ tết, đi chơi xa,…cũng đã là quá khứ. Bạn sẽ hình dung lại cảm xúc lúc đó với đôi chút tiếc nuối.

Đa phần khi trong lòng ta có nhiều suy nghĩ ta mới viết nhật ký vì vậy mà đa phần các sự kiện trong đó là những sự kiện buồn, nhưng là những sự kiện đã qua.

5. Học hỏi những sai lầm đã qua

Cuộc sống ai chẳng có những lúc suy nghĩ hành động nông nổi bồng bột, ta chẳng phải ngoại lệ. Vấn đề chính yếu là ta biết rằng ta đã sai, biết được chuỗi suy nghĩ và hành động dẫn ta tới cái sai đó.

Nhiều chính trị gia, các doanh nhân cuối đời viết hồi ký cũng là để nhìn lại mình.

 

Bạn có thể dùng nhật ký dạng truyền thống nhưng tốt nhất thì nên viết nhật ký trực tuyến vì nó sẽ giúp bạn tra cứu và viết bất cứ lúc nào. WordPress là một lựa chọn tốt vì nó lựa chọn quyền truy cập để chỉ có mình bạn có thể sử dụng.

 

Phải làm gì khi ta cảm thấy bất lực trước cuộc sống (Đọc tham khảo thêm)

Bất lực trước cuộc sống

Đôi khi trong cuộc sống ta gặp những sự kiện tưởng như không thể vượt qua được. Những sự kiện ta tưởng rằng chỉ có trên báo, trong các bộ phim hay các cuốn tiểu thuyết. Trong những sự kiện này có những sự kiện không thể dự báo và cũng có những sự kiện có thể dự báo nhưng ta không nghĩ rằng nó có thể xảy ra cho chính ta.

Sự lạc lõng

Con người ta từ khi sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già cỗi và chết đi; mỗi giai đoạn đều tương ứng với những trạng thái cảm xúc khác nhau và đòi hỏi theo chuẩn mực xã hội khác nhau.

– Bằng tuổi này các bạn tôi đã có một gia đình êm ấm.

– Bằng tuổi này các bạn của tôi đã thành đạt trong sự nghiệp.

– Bằng tuổi này mà tôi chưa có công việc ổn định.

– Tôi đã chuyển qua nhiều công việc từ khi ra trường nhưng không có việc nào tôi thích và tôi giỏi. Vì vậy, đến giờ tôi cũng không có kinh nghiệm gì chuyên sâu.

– 40 tuổi và công ty phá sản, tôi hiện không có công việc gì.

– Dường như tôi đã lãng phí cuộc sống này.

– Tôi có cả một gia đình đằng sau, tôi rất lo lắng nếu tôi gặp bất cứ vấn đề gì.

…….

Những suy nghĩ này ai trong đời cũng sẽ phải đối mặt. Câu hỏi lớn câu hỏi nhỏ, rất nhiều các câu hỏi. Không ai trong chúng ta là hoàn mỹ, mạnh tất cả mọi mặt, có tất cả mọi thứ. Cuộc sống rất công bằng, anh có cái này hơn người khác thì cái khác anh phải yếu hơn người khác.

Do vậy mọi so sánh đều là khập khiễng. Bạn sẽ lấy chuẩn mực gì để so sánh với chính mình? bất cứ ai bạn chọn, bao gồm có là Bin Gate đi chăng nữa thì nếu liệt kê tất cả mọi thứ ra mà so sánh thì cũng khó mà biết ai hơn ai. Bạn hay so sánh những tiêu chí mà bạn cho rằng quan trọng, nhưng người khác nhau thì những điều quan trọng cũng khác nhau.

Có một khẩu hiệu thế này ” I’m not perfect, but I’m limited edition”. Bạn biết đấy, các phiên bản giới hạn chẳng phải xuất sắc nhưng vì số lượng có hạn nên nó đắt.

Giả sử bạn trở nên giàu có sau một thời gian gian dài miệt mài phấn đấu. Trong quãng thời gian này bạn nhìn những người chẳng có ý chí phấn đấu với dấu hỏi to . Tới một lúc nào đó khi đã đủ già, bạn nhận ra hình như mình đã không bằng họ, dường như họ mới thực sự đang sống, còn bạn thì hình như đã không coi trọng đúng cái cần coi trọng.

Những điều xã hội nói, những lời khuyên của người bạn, những gì cha ông truyền lại, những gì bố mẹ bạn nói, kinh nghiệm sống bạn đã trải qua,… Mọi thứ đều chỉ là những chủ quan của các góc nhìn khác nhau. Chừng nào bạn còn cảm thấy hài lòng với cuộc sống thì đó là bạn đang sống đúng.

Thời gian là hữu hạn, cân bằng giữa ba lĩnh vực : 1. Công việc, 2. Gia Đình, 3. Cá nhân. Làm sao cho 3 thứ đó hài hòa với nhau, bạn không cảm thấy mình phải hy sinh bất cứ lĩnh vực nào để làm tốt lĩnh vực nào. Đừng nghĩ tôi cố gắng vất vả làm việc để lo cho gia đình hay tôi phải lo cho gia đình nên không có khoảng trời riêng. Những thứ đến với bạn, bạn cho là trách nhiệm cũng đúng mà cho đó là phần thưởng cũng chẳng sai. Chỉ là cách nghĩ mà thôi.

Riêng về khái niệm “thành đạt trong công việc”, tôi nghĩ ai trong chúng ta chẳng muốn có địa vị, có nhiều tiền. Thật không may là cuộc sống có vẻ cũng không thực sự công bằng lắm trong lĩnh vực này. “Thành đạt trong công việc” phải hội tụ quá nhiều yếu tố. Hồi xưa vác cần câu ra sông, vác nỏ lên rừng là có cái ăn. Ngày nay thứ gì cũng phải mua, theo đuổi sự thỏa mãn dường như không có điểm dừng.

Nếu như ta thấy rằng ta không có duyên lắm với công việc thì hãy ưu ái cho 2 lĩnh vực còn lại. Chịu khó kìm nén những ham muốn mua sắm xuống, hãy nghĩ rằng người có nhà to mong có nhà to hơn; người có xe đẹp mong có xe đẹp hơn; người có điện thoại xịn mong có điện thoại xịn hơn. Bạn chỉ cần cố gắng hài lòng với cái bạn đang có là đủ.

Hoàn thiện bản thân ( P12: Trở thành nhà lãnh đạo)

Làm gì khi gặp nghịch cảnh (29/11/2014)

Làm gì khi gặp nghịch cảnh

Dân số Việt Nam có khoảng 80 triệu người, mỗi ngày có khoảng 3000 người chết đi và cũng có khoảng hơn 3000 người sinh ra. Trong 3000 người chết đi đó số lượng không phải chết già không nhỏ. Mỗi ngày cũng có khoảng 1000 các vụ tai nạn khác nhau để lại thương tích vĩnh viễn cho nhiều người.

Xác suất trên tổng 80 triệu người rất nhỏ vì vậy cuộc sống đa số là trôi qua êm đềm. Nhưng cuộc sống khó ai biết trước, một nghịch cảnh nào đó có thể xảy ra với bạn. Với vai trò là người trong cuộc tôi nghĩ có mấy ý sau:

Tâm lý của người gặp nghịch cảnh:

– Khi đã vượt qua giai đoạn đổ lỗi, tới giai đoạn chấp nhận thì người đó vẫn có gì đó không cam tâm. Tại sao điều đó lại xảy ra với tôi. Giá điều đó không xảy ra thì cuộc sống của tôi chắc sẽ tuyệt vời.

– Tâm lý muốn được người khác thương xót: Hãy nhìn tôi này, tôi có đáng thương không, hãy an ủi tôi, giúp đỡ tôi.

– Tâm lý phó mặc, buông xuôi: người đó giữ tâm trạng buồn bã cả ngày, không thiết bất cứ thứ gì chủ yếu là ngủ và ngồi im lặng.

– Tâm lý tìm tới chỗ dựa phật giáo: Đạo phật sẽ lý giải theo cái cách mà người đó cảm thấy an ủi. Nghịch cảnh xảy ra giúp người đó trả một món nợ trong quá khứ, hãy chịu khó cúng vái thành tâm mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp.

– Tâm lý xa lánh mọi người: Nếu nghịch cảnh cướp đi một thế mạnh nào đó mà mọi người đều công nhận trước đó thì chắc chắn 100% họ sẽ không muốn gặp bạn bè nữa, trừ những người bạn vô cùng thân thiết, thực sự hiểu họ.

Tâm lý sẽ dẫn tới hành động : Co cụm, xa lánh mọi người, không thiết làm gì, ủ rũ buồn bã. Khi gặp nghịch cảnh, người đó có xu hướng suy nghĩ cực đoan mà ít nhìn trên nhiều mặt.

Có một trường hợp thực tế như thế này:

Hai vợ chồng mới cưới nhau được khoảng 1 năm. Trong một lần hai vợ chồng đi xe máy trên đường, do sự bất cẩn của người chồng nên xe bị đổ. Người vợ bị chấn thương dẫn tới liệt toàn thân.

Thời điểm ban đầu tâm lý người chồng là hối lỗi và anh ta chăm sóc người vợ tận tình. Người vợ lúc đó rơi vào trạng thái của một người gặp nghịch cảnh. Người chồng khi chăm sóc người vợ, cảm thấy hối lỗi nhưng vẫn mong chờ sự biết ơn của người vợ nhưng không có dấu hiệu nào từ người vợ chứng tỏ điều đó.

Thời gian qua đi, cảm giác tội lỗi phai nhạt dần đã không thắng được sự vất vả về cả tinh thần lẫn vật chất khi chăm sóc người vợ. Người chồng bỏ đi.

Nếu là người ngoài chúng ta chỉ nhìn thấy việc người chồng nhẫn tâm bỏ rơi vợ trong lúc khó khăn. Nhưng lỗi ở đây một phần phải tính tới cho người vợ. Người vợ suy nghĩ rằng người chồng phải chăm sóc mình vì vậy không quan tâm tới tâm lý của người chồng.

Bạn là người gặp nghịch cảnh hay là người thân của người gặp nghịch cảnh thì phải hiểu rõ diễn biến tâm lý của cả hai đối tượng này:

4 giai đoạn tâm lý của người gặp nghịch cảnh:

Sốc: Khi mới xảy ra thường không hiểu hết hậu quả trong khi còn nhiều thứ khác phải quan tâm như mạng sống và đau đớn. Đầu óc lúc này thường trống rỗng.

Không chấp nhận nghịch cảnh: hoảng loạn, hối tiếc, giá như, buồn bã, khóc lóc, im lặng, đập phá.

– Chấp nhận nghịch cảnh: mọi thứ không thể thay đổi, phải đương đầu với hiện tại, bắt đầu nhìn xung quanh, nói nhiều hơn.

– Tìm giải pháp: phải làm thế nào để giảm bớt hậu quả của nghịch cảnh.

4 giai đoạn tâm lý của người thân:

– Sốc: tập trung vào cứu chữa miễn là sống, không để ý tới hậu quả khác.

– Không chấp nhận nghịch cảnh: Đổ lỗi cho người gặp nghịch cảnh, cho người gây ra nghịch cảnh. Giá như cô ta không làm thế này, không làm thế kia thì nghịch cảnh đã không xảy ra.

– Chấp nhận nghịch cảnh: đấu tranh tâm lý và đưa ra quyết định.

– Tìm giải pháp: làm sao để giảm bớt hậu quả.

Cả hai đối tượng cùng qua 4 bước nhưng 4 bước của người thân diễn ra nhanh hơn trong khi của người gặp nghịch cảnh diễn ra rất chậm. Khi người thân chuyển sang bước tìm giải pháp thì có khi người gặp nghịch cảnh vẫn đang ở bước 2. Điều này làm cho cả hai cùng mệt mỏi và chán nản.

Nhiệm vụ của người thân là phải nhận biết được các giai đoạn tất yếu phải diễn ra của người gặp nghịch cảnh để thông cảm giúp họ vượt qua nhanh thay vì oán trách. Nhiệm vụ của người gặp nghịch cảnh là phải suy nghĩ tới tâm lý của người thân để cố gắng vượt qua tới bước tìm giải pháp.

Khi gặp nghịch cảnh từ nhỏ tới lớn, chúng ta phải càng sớm chuyển sang giai đoạn tìm giải pháp càng tốt. Tìm giải pháp mới giải quyết được vấn đề; oán trách, đau đớn không giải quyết được gì cả.

Chỉ số vượt khó AQ (P1: Bỏ cuộc, cắm trại và leo núi)

Không tìm được việc làm như ý

Không tìm được việc làm như ý

Không cần bàn tới các chỉ số vĩ mô, chỉ cần nhìn xung quan thì chúng ta cũng thấy là để kiếm được việc làm ưng ý không phải đơn giản. Một phần đến từ sự dư thừa lao động, một phần đến từ số DN phá sản hàng năm.

Nhưng vấn đề là giữa cầu lao động và cung lao động cũng vẫn không khớp nhau. Ví dụ như công ty tôi, 5 năm qua luôn ở tình trạng thiếu hụt lao động do không tuyển dụng được. Tại sao lại có sự mâu thuẫn như vậy, chẳng nhẽ trong rất nhiều các ứng viên ngoài kia không ai có thể đáp ứng được yêu cầu?

Tôi nghĩ có mấy điểm sau phải suy nghĩ:

1. Ứng viên quá tự mãn hoặc quá tự ti

Tự mãn là việc ứng viên coi trọng một số yếu tố năng lực nào đó của mình là cao cấp và phải được trả tương xứng. Điều này không có gì sai cả nhưng những ứng viên này đa phần lại thiếu nền tảng trong khi mọi thứ phải bắt nguồn từ nền tảng.

Đòi hỏi quá cao trong khi không đủ năng lực đáp ứng nên công ty cũng không tuyển dụng được.

Muốn giải quyết điều này thì ứng viên phải hạ thấp sự tự tin của mình xuống để tìm hiểu thực sự thì cái gì mà tất cả các nhà tuyển dụng đang cần.

Quá tự ti thì ngược lại. Ứng viên có thể tìm được công việc cho mình nhưng thường dưới mức khả năng. Khi đó anh ta sẽ không gặp thử thách nào đáng kể vì vậy sẽ không học hỏi được gì nhiều trong quá trình làm việc. Tới một lúc không thể học hỏi gì được nữa thì cũng gặp khó khăn trong việc tìm việc tốt hơn.

Như vậy, ứng viên phải nghiêm túc hiểu rõ mình đang ở đâu; nhu cầu của các công ty như thế nào.

Tham khảo bài 5 kỹ năng nào là quan trọng nhất ?

3. Tại sao ứng viên và nhà tuyển dụng không gặp được nhau?

Vì những thứ nhà tuyển dụng cho là quan trọng thì ứng viên không có. Ứng viên thường cho rằng những điểm A,B,C nào đó là quan trọng vì vậy cố gắng hướng vào để rèn luyện, để có được nó. Nhà tuyển dụng lại hướng vào tìm hiểu xem ứng viên có sở hữu yếu tố D,E,F nào đó hay không. Hai nhóm yếu tố này lệch nhau.

Cái A,B,C của ứng viên thường là hướng vào chuyên môn công việc cụ thể, có nghĩa là hướng vào kiến thức, kỹ năng. Các nhà tuyển dụng lại coi các yếu tố về thái độ là quan trọng. Kỹ năng, kiến thức có thiếu thì bổ sung dễ dàng, còn thái độ mà thiếu cho dù ít thì cũng không thể đào tạo được.

Một số thái độ quan trọng mà bạn phải rèn luyện để sở hữu nó:

– Thái độ học hỏi không ngừng:

+Không bao giờ khẳng định rằng mình là người giỏi, là người biết tất cả mọi thứ, có thể giải quyết mọi thứ, có thể làm mọi thứ,…..

+ Ai cũng có thể dạy mình cho dù có là bà quét rác. Ở người đối diện luôn luôn có một cái gì đó để ta học, miễn là bạn mở lòng mình.

+ Tự điều chỉnh mình để thích nghi.

– Kiên trì:

Cho dù bạn có dốt nhưng nếu có đức tính kiên trì thì vẫn cứ hơn đứa thông minh mà không có đức tính này.

– Không ngại khó khăn:

Tham khảo loại bài về 7 thói quen của người thành đạt thói quen thứ 8.

Khó khăn chỉ là khái niệm tương đối. Bạn vượt qua nó thì bạn sẽ học hỏi được nhiều thứ.

Về kỹ năng thì tôi cho là quan trọng nhất vẫn là kỹ năng tư duy logic. Rèn luyện cái này sẽ là chìa khóa để bạn mở ra những thứ khác.

Khi bạn kinh qua nhiều công việc thì nhà tuyển dụng sẽ xem xét tới kỹ năng mà bạn sở hữu. Các kiến thức mà bạn có rồi nó sẽ vô giá trị theo năm tháng, chỉ có kỹ năng là còn ở lại. Khi phỏng vấn đừng ham nói nhiều để thể hiện hiểu biết của mình, phải lắng nghe rõ họ hỏi gì và chỉ trả lời ngắn gọn đủ ý của họ.

2. Phải chấp nhận những thứ ngoài mong muốn, ngoài kế hoạch

Trong cuộc sống, công việc ta thường có một mong muốn nào đó. Ví dụ mong được ngủ muộn, được đi lang thang, được uống cafe, được tự do thời gian không bị bó buộc, được làm theo cách mà mình thích,….

Khi đã làm trong công ty thì ta phải tuân theo một quy củ của công ty, phải chịu sự quản lý của người quản lý. Có những thứ sẽ làm ta hài lòng cũng có những thứ không được như mong muốn của ta.

Bạn thậm chí rơi vào sự bất mãn, chán nản vì những thứ xảy ra không được như mong muốn.

Giải pháp ở đây là bạn phải chấp nhận những thứ đó. Phải điều chỉnh cảm xúc của mình, giữ sao cho bình lặng.

 

Giải quyết tận gốc của vấn đề 3/4/2015

Nhận thức

Tất cả những thứ bạn nhận được ngày hôm nay đều gián tiếp hay trực tiếp bắt nguồn từ suy nghĩ và hành động của bạn trong quá khứ. Tìm cách giải quyết vấn để hiện tại là xử lý phần ngọn, lâu dài phải giải quyết gốc rễ của vấn đề.

Tất cả hành động bạn làm đều xuất phát từ suy nghĩ vì vậy thay đổi cách nghĩ chính là thay đổi tận gốc vấn đề. Người ta gọi đó là thay đổi Nhận thức.

1. Thay đổi nhận thức là gì?

Hầu hết các hoạt động chúng ta làm ngày hôm nay đều giống ngày hôm qua, không giống về nội dung thì cũng giống về bản chất.

Hầu hết các phản ứng của bạn khi tiếp nhận thông tin của ngày hôm nay cũng giống ngày hôm qua, cho dù nội dung tin khác nhau nhưng nó cùng tạo cho bạn những hướng suy nghĩ giống nhau.

Hầu hết những cảm xúc mà bạn đang có cũng giống với những cảm xúc của ngày hôm qua khi ở trong cùng một hoàn cảnh tương tự nhau.

Rồi bỗng nhiên vào một ngày đẹp trời, một sự kiện nào đó khiến bạn thay đổi hẳn cách bạn nghĩ, cách bạn hành động, cách bạn cảm xúc. Đó gọi là thay đổi nhận thức.

Thay đổi nhận thức bản chất là  thay đổi cách nghĩ, thay đổi cái cách mà bạn suy nghĩ về những sự vật, hiện tượng khách quan bên ngoài.

2. Thay đổi nhận thức là tốt hay xấu?

Thay đổi cách nghĩ, cách hàng động, cách cảm xúc thì bạn sẽ nhận được những kết quả khác với cái bạn vẫn thường nhận. Nếu kết quả là tốt hơn thì thay đổi nhận thức là đúng; nếu kết quả là xấu đi thì thay đổi nhận thức là không đúng. Tất nhiên là tốt lên hay xấu đi phải có một quá trình đủ dài để đánh giá.

Vì vậy, thay đổi nhận thức không phải luôn đồng nghĩa với tích cực. Để chỉ rõ là theo hướng tích cực người ta thường dùng cụm từ “Nâng cao nhận thức”

3. Khi nào nên thay đổi nhận thức?

Khi bạn thấy kết quả bạn nhận được không được như kỳ vọng. Thậm chí ngay cả khi bạn không biết mình muốn gì, làm gì tiếp theo thì đó cũng là lúc bạn cần phải thay đổi một cái gì đó trong nhận thức.

4. Thay đổi nhận thức, dễ hay khó?

Nếu đơn giản là ai đó chỉ cho bạn là bạn nên bỏ một nhận thức nào đó và thay bằng một nhận thức nào đó thì vấn đề đơn giản quá. Công việc đầu tiên để làm bất cứ điều gì đó là nâng cao nhận thức, từ vĩ mô như xóa đói giảm nghèo, phòng chống AIDS, bảo vệ môi trường tới những thứ tầm trung như tái cấu trúc công ty và cái bé tí tẹo là tuân thủ giờ giấc, đi tè đúng chỗ, xếp hàng.

Chúng ta luôn cố gắng bảo vệ nhận thức của mình vì vậy để gỡ nó ra, cài cái khác vào thì đòi hỏi một “sự kiện”

5. Sao không thay đổi những thứ xung quanh mà lại thay đổi chính mình?

Để thay đổi kết quả nhận được hoặc là bạn thay đổi những thứ xung quanh hoặc là thay đổi chính mình. Hai việc này, việc nào dễ hơn? Thay đổi chính mình. Chắc bạn đã nghe câu “Đừng cố gắng thay đổi thế giới, hãy thay đổi mình, thế giới sẽ thay đổi theo”

6. Sự kiện giúp thay đổi nhận thức là gì?

Một cú sốc:

Nếu bạn hàng ngày nhận được kết quả giống nhau có khi bạn thấy rằng mọi thứ đang rất tốt vì vậy không có lý gì bạn phải thay đổi. Bỗng một cú sốc nào đó xảy ra vượt xa những gì bạn có thể tưởng tượng kiểu như một vụ tai nạn, ly dị, bị đuổi việc, thằng bạn thân nhất ngủ với vợ mình,…

Một người mà bạn tin tưởng

Mức độ niềm tin vào một ai đó sẽ quyết định mức độ bạn tin những lời khuyên mà họ đưa ra. Mỗi người quanh ta đều có một tài khoản niềm tin trong suy nghĩ của bạn. Người có tài khoản lớn, người có tài khoản nhỏ. Tài khoản càng lớn thì bạn càng tin tưởng những gì anh ta nói và hành động.

Vượt quá kỳ vọng

Nếu trưởng phòng khuyên bạn có khi bạn còn chẳng buồn nghe nhưng cứ thử Tổng giám đốc, người mà ở tít trên cao, gặp bạn và bảo bạn rằng bạn nên thay đổi thái độ về cái này cái kia thì chắc bạn sẽ tin ngay.

Một người có kinh nghiệm

Nếu một người đã phải trả giá vì một nhận thức sai lầm khuyên bạn rằng nhận thức bạn đang nắm giữ sẽ dẫn bạn tới kết cục như ông ta thì bạn sẽ tin hơn là một đứa trẻ hơn bạn chục tuổi bảo bạn không nên có thái độ thế này thế kia.

Bạn là người cởi mở và biết lắng nghe

Bảo thủ là rào cản lớn nhất. Vì cứ khư khư cho rằng ta đúng nên bạn sẽ không chịu lắng nghe lời khuyên của người khác.

Tự cao tự đại là kẻ thù lớn thứ hai. Vì cho rằng ta giỏi nên không cần phải nghe lời người khác.

Một người biết lắng nghe sẽ tiếp nhận được những phản hồi đúng để từ đó tự nhận thức rằng nhận thức của mình có đúng không, có cần thay đổi gì không. Anh ta sẵn sàng thay đổi nếu thấy rằng mình cần phải thay đổi.

Người không biết lắng nghe có một dấu hiệu dễ nhận thấy là hay cắt ngang lời của bạn, họ trả lời còn trước khi bạn kết thúc câu hỏi muốn hỏi.

Giọt nước cuối cùng làm tràn ly

Thực chất là cứ mỗi một tác động đều có ảnh hưởng tới bạn. Có thể cái sự kiện đó rất bình thường như khi bạn đang đọc sách, tham gia một khóa học, trò chuyện cùng bạn bè; nhưng vì nó là giọt nước cuối cùng nên nước đã tràn ra khỏi ly.

7. Một nhận thức sẽ vô giá trị khi đã quá muộn

Nhận thức lớn nhất là khi sắp từ giã cõi đời ta nhìn lại và thấy rằng ta đã lãng phí cuộc sống của mình. Ta nhận ra rằng đáng nhẽ ta nên sống chậm hơn, nên dành thời gian cho người thân nhiều hơn, nên tiết kiệm thời gian hơn, nên tận dụng những cơ hội tốt hơn, nên đối xử với người khác thân thiện hơn,….

Ở mức thấp hơn là ngay lúc này ta nhìn về quá khứ thấy cũng ối thứ đáng nhẽ ta có thể làm khác đi nếu làm lại.

2 nhận thức trên thường đã quá muộn để thay đổi. Sẽ là tốt hơn nếu ta thay đổi nhận thức khi còn chưa muộn.

8. Những nhận thức sau bạn nên sở hữu:

– Tự chịu trách nhiệm về đời mình: nó đơn giản với những người đã sở hữu nhận thức này nhưng vô cùng khó với những người còn lại. Chỉ khi ta tự chịu trách nhiệm về đời mình ta mới có cơ hội để thay đổi nó. Hệ quả của nhận thức này:

+ Chủ động trong mọi thứ

+ Không để người khác quyết định thay mình

+ Dễ dàng nói ‘không”

+ Có ý thức hoàn thiện bản thân

+ Không mắc lại lỗi lầm cũ vì không đổ lỗi cho người khác.

– Cứ cho đi sẽ nhận lại nhiều hơn: Tâm lý chung là hãy trả cho tôi phần thưởng thì tôi sẽ làm việc đó. Chưa bắt tay vào làm ta đã cân đo đong đếm xem mình được lợi gì, thiệt gì. Người không có nhận thức này thường chối bỏ trách nhiệm. Hệ quả của nhận thức này:

+ Nhiệt tình trong công việc

+ Thể hiện là người có trách nhiệm. Làm việc hết mình, cho ra những kết quả tốt hơn những người khác.

– Hiểu quy luật nhân quả: Cứ gieo những điều tốt bạn sẽ nhận được những điều tốt bằng cách này hay cách khác. Người hiểu quy luật này không bao giờ thậm chí trong cả suy nghĩ mong muốn được trả ơn cho một hành động tốt nào đó.  Hệ quả của nhận thức này:

+ Suy nghĩ kỹ trước mỗi hành động.

+ Chủ động tạo ra những nhân tốt.

+ Có ý thức hạn chế những nhân xấu.

– Thời gian là hữu hạn: Nếu thời gian là vô hạn thì bạn có thể làm bất cứ việc gì cho dù là san bằng một ngọn núi bằng tay không hay là một mình lấp biển. Hệ quả của nhận thức này:

+ Có ý thức tăng hiệu suất làm việc để có thể tạo nhiều giá trị hơn.

+ Sử dụng thời gian hiệu quả hơn.

+ Rất ít khi bị stress.

+ Có ý thức tìm ra cái gì là quan trọng để dành thời gian nhiều hơn.

– Học là công việc cả đời: Hoặc bạn phải trả giá để có kinh nghiệm hoặc là bạn chủ động học hỏi để không phải trả giá. Học phải mang lại kiến thức thực để tạo ra giá trị thực. Hệ quả của nhận thức này:

+ Đi vào thực chất của việc học mà không ham tấm bằng hay chứng chỉ.

+ Chịu khó đọc sách

+ Luôn rút kinh nghiệm và muốn làm tốt hơn ở những lần sau.

+ Ham muốn cải tiến, tìm ra cách làm mới.

– Hiểu về nguyên tắc quả trứng và con gà: quả trứng là giá trị được tạo ra, con gà thì đẻ ra trứng. Nếu không chịu chăm con gà mà chỉ nhăm nhăm muốn có nhiều trứng thì lâu dài sẽ ít trứng dần. Ví dụ:

+ Năng lực của bạn là con gà, giá trị bạn tạo ra thông qua lao động là quả trứng.

+ Doanh thu là quả trứng. Năng lực cạnh tranh của công ty là con gà,

+ Thành quả mối quan hệ hợp tác là quả trứng. Niềm tin với nhau của mọi người trong nhóm là con gà.

– Sức khỏe là quan trọng: Sức khỏe cũng như thời gian là hai nguồn lực mà khi sinh ra hầu hết chúng ta có như nhau. Lúc trẻ bạn nghĩ rằng sức khỏe của mình là vô biên, vì vậy bạn không chăm chút nó. Giống như một cái xe không chịu bảo dưỡng định kỳ, bạn sẽ phải trả giá rất đắt nếu không chăm chút cho sức khỏe. Hệ quả của nhận thức này:

+ Chăm tập thể dục, thể thao

+ Quan tâm tới hình thể và vẻ bên ngoài.

+ Biết giữ gìn sức khỏe: không rượu chè, thức khuya dậy sớm,…

Nhận thức gia đình là quan trọng: Gia đình ở với bạn cả đời mà đôi khi bạn còn lo cho người ngoài, dành thời gian cho họ còn hơn cả cho gia đình. Hệ quả của nhận thức này:

+ Biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống

+ Có một cuộc sống gia đình hạnh phúc.

 

Trên đây là một số nhận thức tôi nghĩ là chúng ta nên sở hữu. Chắc chắn phải có những nhận thức quan trọng khác, tôi sẽ bổ sung dần. Hy vọng rằng phần nhỏ này sẽ giúp cho bạn ít nhất là có ý niệm về điều này.

Tham khảo thêm loạt entry Tư duy logic để hiểu hơn về đoạn này

Chỉ số vượt khó AQ (P4: 5 cấp độ tạo dựng thói quen)

Bạn đang chới với trên dòng nước, lúc này bạn vớ tất cả mọi thứ xung quanh với mong muốn để mình nổi lên. Trường hợp này cũng vậy, khi mất phương hướng ta rất dễ bám víu vào những thứ không thực sự giúp ta.

Do vậy, phải hết sức tỉnh táo vào lúc này. Thà bạn không làm gì cả còn hơn là bạn làm những thứ không đúng. Trạng thái của bạn là trạng thái thuộc về cảm xúc, chỉ khi nào bạn chế ngự được cảm xúc thì bạn mới có thể bình tĩnh tìm nối thoát cho mình.

 

Bạn sẽ ngạc nhiên là entry này sao mà dài thế. Lần đầu tiên viết nó không dài thế đâu, tôi bổ sung chỉnh sửa nó cho tới nay đã gần 30 lần. Rất nhiều phần trong entry này tôi không đi vào chi tiết vì nó đã chi tiết ở một số entry nào đó rồi. Dù sao thì một phương thuốc không thể chữa bách bệnh, viết nhiều hy vọng sẽ giúp được nhiều người hơn là viết ít. Tôi cũng hy vọng rằng bạn nào đã đã đọc tới dòng này hãy dành thời gian suy nghĩ và biến nó thành hành động, cuối cùng thì chỉ có hành động mới mang lại kết quả cụ thể.

Chủ đề riêng về nghề nghiệp: https://chienluocsong.com/7-nguyen-nhan-dan-toi-nghi-viec/

Kiểm soát cảm xúc sợ hãi, nguồn gốc của mọi nỗi lo: https://chienluocsong.com/hoan-thien-ban-than-p11-kiem-soat-cam-xuc-so-hai/

 

Có nên học cao học ?

Mất phương hướng trong tình yêu và gia đình

Comments

comments

373 COMMENTS

  1. Chào anh, em năm nay 29t. Tình cờ đọc được bài viết của anh, Tình hình hiện tại của em hiện đang bế tắc trong con đường sự nghiệp của mình. Ngay từ nhỏ, khả năng học hiểu của em đã kém kiến thức nền, em tốt nghiệp đại học văn lang chuyên ngành kiến trúc, nhưng ra trường vì không giỏi chuyên ngành, nên em rẽ qua và xin làm nhân viên kinh doanh nội thất. Công việc cũng khá phù hợp với em trong khoảng thời gian đầu với 1 số ít kinh nghiệm, sau một thời gian em được cất nhắc bổ nhiệm lên cấp bậc quản lý, em đã không hoàn thành tốt, và dần dần không thích nghi và tập trung công việc nữa, tình tình em cộc cằn ngay với cả khách, kịp với công việc nữa, cuộc sống nội tâm lúc đó của em rối rắm, có 1 thời điểm em chợt giật mình nhận ra mình đã 29t và lúc ấy em không nghĩ mình có thể gắn bó thêm và quyết định xin nghỉ ( ra rủ bạn bè mở cty thiết kế để làm riêng) nhưng đó chỉ là suy nghĩ của em, và thực tế bạn bè giờ các bạn cũng đã có con đường riêng cho mình, và cũng tự thực thấy năng lực của em cũng không đủ để mở cty, em gắn bó cty 4 năm ( là người làm lâu và kỳ cựu nhất khi cty thành lập cho đến trước khi em nghỉ trước tết 2022). ( trước giờ em sống mà không đặt có mục tiêu cụ thể cứ ngày trôi qua ngày, hiện tại em thấy em thấy mình bị bạn bè cùng trang đang bỏ lại, em hoang mang thời điểm 3 tháng đổ lại đây không thể nào ngủ được), hiện tại qua tết vào lại SG em cũng đang xin làm lại cho 1 cty nội thất cũng vị trí tương tự là nhân viện kinh doanh nội thất, đã đi làm hơn 1 tháng 1 tuần rồi, nhưng vì lúc mới vô, em vẫn còn nhớ và cảm thấy tiếc nuối quãng thời gian ở cty cũ đã không nỗ lực để cải thiện năng lực quãng thời gian đã lãng phí trước đây, mà hiện tại còn tệ hơn, thái độ em tệ hại, đi làm ở cty mới nhưng em không tập trung vào công việc và làm việc cty, cởi mở hòa nhập với mọi người, em có thái độ không chịu làm quen và hòa nhập công việc tại đây, hiện tại em không biết tình hình của em có thể thay đổi được như thế nào không nữa, mỗi ngày em sống chẳng biết mình để làm gì, em không biết nên cố gắng cải thiện tình hình tại đây với mọi người không hay từ bỏ, em cũng khá thích ngành nội thất, rất mong nhận được lời khuyên từ anh

    • cảm ơn em đã chia sẻ. Anh nghĩ là mỗi người ở mỗi thời điểm đều có cơ hội và thách thức. Khi ta bi quan ta sẽ không thể nhìn thấy cơ hội ở hiện tại (để nắm bắt) mà chỉ nhìn thấy cơ hội ở quá khứ (không thể thay đổi). Rõ ràng bài toán của em chỉ có thể giải bằng cách quên quá khứ đi mà tập trung vào hiện tại, tìm kiếm cơ hội trong hiện tại, nắm bắt cơ hội trong hiện tại.
      Công ty em đang làm chỉ quan tâm những gì em làm ở hiện tại, họ không là em nên không thể hiểu quá khứ của em. Nếu em mang lại giá trị cho họ, em sẽ có cơ hội; nếu em không mang lại giá trị cho họ, em sẽ bị đào thải. Và như vậy em sẽ mãi trong cái vòng luẩn quân thêm nhiều năm nữa. Tóm lại, cố gắng tập trung vào công việc hiện tại, vẫn việc mà em đã học và đã quen làm cũng như vẫn còn yêu thích.
      Chúc em thành công!

  2. Một ngày cảm thấy mất phương hướng, tình cờ đọc được bài viết của anh, em cảm thấy rất bổ ích. Năm nay em chuẩn bị bước sang tuổi 27, tốt nghiệp thạc sĩ ngành khoa học máy tính bên Hàn Quốc, về nước và làm trong môi trường nhà nước đã được gần một năm. Hiện nay em cảm thấy rất mông lung. Trước khi vào làm nhà nước là em đã xác định mình sẽ phải bỏ ra vài năm, không màng tới vấn đề tài chính (thu nhập hiện tại rất thấp), để làm bước đệm phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, em đang không biết mình có nên từ bỏ để ra ngoài kiếm một công việc với mức lương thỏa mãn nhu cầu trước mắt, hay chấp nhận mạo hiểm để đầu tư cho tương lai (cũng chưa chắc chắn là sẽ thành công, cơ hội chỉ là 50/50). Rất mong nhận được lời chia sẻ từ anh. Em xin cảm ơn.

  3. Chào anh Dũng! Chúc anh thật nhiều sức khỏe và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

    Em lang thang trên mạng thì câu trả lời thì tìm được anh. Em năm nay 28 tuổi, đã có gia đình và một cô con gái tuổi. Trước đây em học QTKD trong TPHCM, làm việc về bán hàng được 1,5 năm thì trở về quê để làm việc trong một công ty cổ phần nhà nước, với tư tưởng “ổn định” công ăn việc làm. Công ty này làm về lĩnh vực sản xuất ván dùng để trang trí nội thất, em làm nhân viên kinh doanh. Công việc của em là làm việc với khách hàng, thỉnh thoảng đi công tác HN, HCM để gặp khách hàng và chăm sóc khách hàng. Em luôn cố gắng hoàn thành các công việc mà sếp giao, luôn chăm chỉ làm việc hơn những đồng nghiệp khác một cách trách nhiệm. Có thể do em trẻ hơn, năng động hơn, luôn tìm tòi cách để hoàn thành một số công việc mà các anh chị thâm niên nhưng không làm được.

    Tuy nhiên, sau một thời gian tấm 2 năm làm việc trong môi trường này, em nhận ra rằng mọi thứ đều đã được xếp đặt, các chức vụ quản lý đều được cơ cấu theo “bộ sậu” của sếp Tổng. Và cho dù cố gắng đến mấy đi nữa thì cũng không có cơ hội để thăng tiến. Trong công ty toàn là con cháu các sếp, và những người này chẳng làm gì cả, trong khi có những người làm việc cật lực nhưng cuối tháng vẫn lãnh lương như nhau. Và sự “ổn định” này cũng không ổn chút nào, bởi mỗi tháng chỉ tấm 6 triệu thì không đủ chi tiêu khi em đã có gia đình. Em không còn hứng thú, động lực làm việc. Mỗi ngày trước khi lên công ty, em đều có cảm giác chán nản, không muốn làm việc.

    Vì vậy, sau một thời gian đắn đo, em đã xin nghỉ trước Tết (tính ra em đã làm ở đây đã được 3,5 năm).
    Hiện tại, em đang ở nhà. Dù 28 tuổi, nhưng thực sự em vẫn chưa biết mình thích làm điều gì, đam mê cái gì, dù khá năng động, hay tìm tòi nhưng cứ mỗi thứ biết một ít chứ không thực sự có chuyên môn sâu, không biết điểm mạnh của bản thân…Với kinh nghiệm hiện tại, em có thể xin các công việc về chuyên môn bán hàng, kinh doanh nhưng làm những công việc đó lương không cao lắm nên em không có động lực làm việc.

    Hiện tại, em cảm thấy khá bế tắc và mất phương hướng trong những năm tháng tới, không biết mình nên làm gì, mình phù hợp với công việc nào, mình đam mê điều gì… Em có tìm một số hướng để phát triển trong tương lai, các mô hình khởi nghiệp, những tấm gương thành công nhưng cũng chưa biết hướng nào phù hợp. Bao nhiêu câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu em, thực sự em mất phương hướng, tâm trạng lo âu, rối bời.

    Mong anh cho em lời khuyên để em có thể tìm thấy ánh sáng (chứ giờ em thấy tối tăm quá).

    Em cám ơn anh!

    • Em cũng thông tin thêm với anh ah, em xuất thân từ gia đình trung bình, không dư dả gì. Hiện tại tài chính của em cũng vậy nên khá áp lực về cơm áo gạo tiền. Em cần tìm hướng đi đúng để thay đổi cuộc đời, để gia đình được sung túc hơn. Em biết ca em hơi khó ah, nhưng cũng mong một lời khuyên từ anh. Em cám ơn anh!

      • Dear em;
        Môi trường nhà nước hầu hết là vậy, năng lực và thăng tiền, thu nhập là hai vệc không hoàn toàn liên kết nhau.
        Đối với tình huống của em trước mắt; em cần có thu nhập và tránh được áp lực khi nghỉ việc. Vì vậy cần nhanh chóng chọn 1 việc nào đó (có thể có được và gần với chuyên môn cùng sở thích mình nhiều nhất có thể).
        Em tham khảo bài này nhé, kéo tới đoạn cuối: https://chienluocsong.com/kinh-te-hoc-p12-that-nghiep/

        • Vâng anh, cám ơn anh đã cho em lời khuyên. Em sẽ tham khảo thêm những bài viết của anh để có hướng đi phù hợp trong thời gian tới. Cám ơn anh Dũng nhiều.

  4. Dear Anh.
    Cám ơn anh đã có những bài viết cực kì hữu ích cho em.
    Thực lòng tình trạng hiện tại em khá bế tắc :(. Em cũng không biết mình nên thế nào.
    Em vừa mới vào Sg được 2 tháng với công việc mới và mức lương tạm ổn. Tuy nhiên sau 2 tháng làm việc em cảm thấy không ổn và không phù hợp với văn hoá tại môi trường mới em đã xin nghỉ việc tại đây. Bây giờ nghĩ lại em không biết liệu mình quyết định nam tiến có phải là sai lầm không? Trong khi công việc cũ tại Hà Nội rất tốt, mức lương khá, em có bạn bè, mối quan hệ. Dường như tại Hà Nội em không phải bận tâm tới bất cứ chuyện gì. Nhưng khi vào SG em cảm thấy vô cùng lạc lõng, không một người thân, người bạn, rồi người mình tin tưởng nhất lại không giống như mình nghĩ. Em không biết rồi mình sẽ ra sao! Hiện tại em đã apply pv một số nơi nhưng vẫn chưa có feedback gì về kết quả; em có ý định quay trở lại công ty cũ nhưng các vị trí trống đều đã tìm được người phù hợp. Dường như mọi cánh cửa đã đóng lại với em lúc này.

    • Dear em;
      Rõ ràng là em không tự nhiên vào MN khi mọi thứ ở MB đều ổn. Phải có một số lý do nào đó. Nếu sau một thời gian ở MN mà em thấy rằng các lý do đó không còn hợp lý nữa thì lại quay lại MB. Dù sao ở MB mình có các điều kiện sẵn có nhất định để tìm việc. Nếu lý do đó vẫn còn đủ sức mạnh giữ em lại MN thì tiếp tục tìm việc; và làm việc đó đủ lâu để hiểu phong cách làm việc MN.

      Nếu thấy rằng vào MN là một sai lầm thì nên trở về MB luôn; đừng dây dưa dẫn tới cơ sở MB mai một trong khi MN lại chưa kịp xây dựng. Còn nếu đã quyết tâm ở lại thì quyết liệt hơn; sau một thời gian nữa mọi thứ sẽ ổn thôi; mới vào 2 tháng mọi thứ đều bỡ ngỡ, tâm trạng bất an là bình thường.

      VD

      • Dear Anh.
        Thực ra em thích cs trong Sg hơn, cs dễ chịu hơn, nhiều cơ hội hơn.
        Nhưng vấn đề lớn nhất bây h đối với em là công việc. Mọi công việc trong này đều đòi hỏi có mối quan hệ với khách hàng sẵn, hiểu về địa bàn – sg là nơi làm việc mới với em nên điều này khó.
        Mới ra tết công việc chưa nhiều – ngành của em hẹp lại – cơ hội lại càng hẹp hơn. Dù quay lại HN hay ở Sg thì em vẫn cần tìm việc.
        Nên em quyết sẽ ở lại đây.
        Thời gian tới trong khi chờ đợi em sẽ đi học thêm một số khoá học và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn.
        Cám ơn anh nhiều ah.

  5. Em chào anh, hiện tại em cũng đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng, mất định hướng, loay hoay mãi mà không thoát ra được, mong là anh sẽ đọc và cho em lời khuyên.
    Em là nữ, SV năm 4 ngành điện tử viễn thông, em tự thấy lực học của mình khá ổn nhưng yếu về sự tư duy sáng tạo, linh hoạt nhạy bén. Em không thích ngành học của mình và đã chuyển hướng học lập trình web cách đây 3 tháng, dù lúc đầu rất ham thích, nhưng sau 2 tháng em cũng bỏ cuộc.
    Em nhận ra từ đầu năm đến giờ em đã có nhiều quyết định bồng bột, bản thân không có sự phát triển nào, em bỏ dở rất nhiều cơ hội: Bỏ dở việc học lập trình, viện lý do để nghỉ làm thêm, bỏ ngang việc đăng ký học tiếng nhật dù em rất muốn học, bỏ làm trợ giảng lớp học cho trẻ em, làm CTV quản lý giấy tờ…em luôn tìm ra lý do để thuyết phục mình từ bỏ. Em đã rất tệ, đạp đổ mọi kỳ vọng của mọi người, em đánh mất nhiều mối quan hệ.
    Chỉ 1 năm nữa là ra trường nhưng Em không biết mình là ai? Không biết mình thích gì? Giá trị của mình là gì? Mình có sở trường gì? Mình sẽ làm gì sau này? Em thấy sợ phải ra trường, em tránh gặp người quen, sợ người ta sẽ hỏi em đang làm gì, học gì, sắp tới định làm gì. Em cảm thấy mình thật vô dụng. Đúng lúc đó em lại gặp một số vấn đề không vui trong các mối quan hệ và trong gia đình nên càng áp lực, hay suy nghĩ và mông lung hơn.
    Em đã về quê nghỉ hè hơn 1 tháng, không có công việc gì, mỗi ngày em chỉ đọc sách, tìm đọc các bài viết trên mạng để tìm hiểu bản thân mình, mong tìm ra vấn đề và giải quyết nó, nhưng dù đã vạch ra nguyên nhân, các việc cần thay đổi… em vẫn không thực hiện và cải thiện được gì.
    Em không chia sẻ những suy nghĩ của mình cho bố mẹ, dù biết bố mẹ sẽ chẳng trách móc gì khi em cứ ở nhà như vậy. Nhưng lòng tự trọng của một đứa con ngoan trò giỏi, và áp lực phải sớm lo cho mình và sau này lo cho cả gia đình không cho phép em quanh quẩn ở nhà. Nhìn bạn bè học này học kia, làm này làm nọ thảnh thơi và tận hưởng tuổi trẻ, em thấy mình cực kỳ thất bại. Những lúc ở 1 mình thì em càng mệt mỏi, rối trí, nghĩ k xong, làm k được, chỉ muốn ngủ luôn k phải dậy nữa thì cuộc sống đỡ mệt mỏi.
    Có lẽ cũng chỉ hơn một tháng nữa thôi, khi em đi học thì sẽ bớt suy nghĩ, nhưng em thấy một tháng qua đã rất dài, cuộc sống của em như một hố đen rồi, em k thể chịu đựng thêm một tháng vô định như vậy nữa. Em không biết phải làm thế nào để vượt qua những suy nghĩ đang kéo mình xuống.
    Em nhủ rằng mình phải tìm một việc làm thêm, kiếm tiền hoặc là đi học gì đó để thấy tự tin hơn, bớt tù túng bản thân, em lên phòng trọ nhưng suốt 1 tuần k tìm được việc phù hợp, cái thì làm ca dài quá em sợ vào năm học em đi thực tập sẽ không làm được, rồi trùng lịch học tiếng anh,… nhưng em biết đó chỉ là viện cớ, che giấu sự thiếu ý chí, chây lỳ của bản thân, em k dám bắt đầu làm việc gì.
    Em thấy mình suy nghĩ không thông suốt, rất nhiều suy nghĩ hiện ra trong đầu cùng lúc nhưng cuối cùng không quyết định được gì, cũng không can đảm bắt đầu điều gì. Em khóc một mình rất nhiều, những suy nghĩ trong đầu em cũng không tâm sự với ai, và em cũng không biết nói thế nào, đọc những lời của em chắc anh cũng thấy rất lộn xộn.
    Đã hơn 1 tháng em chìm trong bế tắc, Càng ngày em càng thấy không làm chủ được cảm xúc và suy nghĩ của mình, em chán nản khi không tìm được việc làm thêm phù hợp. Giờ em không biết phải làm gì với chính mình nữa. Làm thế nào để em thoát ra khỏi hố cát này đây ạ? Em sợ rằng mình bị trầm cảm mất.

    • Dear em;
      Anh cũng học điện tử viễn thông; cái thời năm cuối còn có hẳn môn học cài hệ điều hành máy chủ như thế nào 🙂 giờ chắc không có môn học ngớ ngẩn như vậy trong trường học. Sinh viên hồi đó phải những người rất năng động mới làm thêm còn không đa phần là cứ học; ra trường tính sau.
      Lúc ra trường cứ đâm đơn vào các việc có liên quan tới ngành học. Sau khi vào làm thì có người thích nghi nhanh có người thích nghi chậm rồi cũng học và làm được hết. Ngày nay sinh viên giỏi hơn nhưng cũng có điểm giống hồi xưa là bước vào doanh nghiệp cũng phải học từ đầu mọi thứ. Và gần như 100% ở trạng thái như của em là không biết mình thích gì, muốn gì, giỏi cái gì, dốt cái gì, sợ cái gì,..
      Khi vào DN, người nào học nhanh thích nghi nhanh thì sống, người nào học chậm thích nghi chậm thì tiến chậm hoặc thử chỗ khác cho tới khi tìm ra được công việc phù hợp với mình. Đời dài mà.
      Học nhanh hay chậm bao gồm Thái độ + tố chất + kỹ năng. Thái độ đứng đầu bảng trong đó có những đức tính như kiên trì, nhiệt tình, trung thực, cầu tiến,…
      Cái hiện trạng em đang gặp chưa nói lên được là yếu tố thái độ của em không ổn mà có thể do suy nghĩ, rồi khi một việc thất bại sẽ kéo suy nghĩ càng đi xuống làm cho các việc khác cũng thất bại theo. Nó giống như domino đổ, muốn ngăn cho nó tiếp tục đổ em phải nhấc 1 quân domino để ngăn chặn việc tiếp tục đổ sau đố mới tính việc sắp xếp lại.
      Đời còn rất dài ở phía trước cũng đáng để suy nghĩ nghiêm túc việc dừng suy nghĩ tiêu cực và bắt đầu sắp xếp lại cuộc sống của mình. Việc mình bỏ dở các công việc, bỏ lỡ các cơ hội trước đây không có nghĩa là không có cơ hội sắp tới (biết đâu nó còn tốt hơn).
      Những lúc này không nên thu mình lại, làm những việc mình cảm thấy an toàn mà nên mạnh dạn ra ngoài em ạ. Bắt đầu lại từ đầu; nếu tiền chưa phải áp lực lớn thì hãy làm những việc ít tiền nhưng có nhiều thời gian để học và thêm tự tin hơn. Đừng chọn việc khó khi sức mình còn yếu.

      Thái độ đóng vai trò quan trọng trong việc thành bại sau này khi vào DN chứ không phải kinh nghiệm, kiến thức từ làm thêm lúc sinh viên.
      Cố gắng đứng lên và đi tiếp nhé.
      VD

      • Anh nói đúng đấy ạ. Em bị ảnh hưởng bởi một chuyện, làm cho chán nản, suy nghĩ sang những chuyện khác nên những chuyện không vui cứ tới tấp. Hiện tại em đã dừng lại một chút, để thực hiện từng việc nhỏ, cảm thấy mình có giá trị hơn. Cảm ơn anh đã chia sẻ và cho e những gợi ý.

  6. Em chào anh,
    Suốt 2 tháng qua em đã đọc đi đọc lại chắc cũng 5-6 lần bài viết này. Thực sự rất cảm ơn những chia sẻ rất hữu ích từ anh.
    Kéo xuống phần comment, em thấy cũng nhiều người đang trong trạng thái giống mình, thậm chí là những anh chị 29-30t, đã có gia đình,… Em năm nay 23t, tốt nghiệp đại học được 1 năm rồi. Tuổi đời còn non trẻ, nhưng em biết nếu không thoát ra khỏi tình trạng này được thì đến năm 30t, 40t em cũng sẽ vẫn là như thế.
    Từ nhỏ, em đã thích làm giáo viên dạy tiếng Anh. Em cũng không biết tại sao mình lại thích công việc đó, cũng có thể vì ở quê chả được định hướng gì, quanh đi quẩn lại cũng chỉ biết đến vài việc truyền thống như giáo viên, bác sĩ, an nình. Em xác định sẽ thi vào trường sư phạm nhưng sau đó biết được rằng học sư phạm xong thì bố mẹ em sẽ phải lo một khoản tiền rất lớn để xin cho em vào trường công thì em lo lắng và bắt đầu chùn bước. Lúc đó em không hề biết ở SG em có thể đi dạy ở trung tâm hay có bất kì cơ hội nào khác. Đặc biệt là năm lớp 11 em bị 1 thầy giáo tán tỉnh (kéo theo nhiều chuyện bị thêu dệt nên ở trường bởi chính thầy cô và bạn bè), em bị trầm cảm và mất niềm tin vào giáo dục, thầy cô, trường lớp. Kết quả học tập giảm sút và tinh thần bất ổn khiến em cũng không đủ khả năng thi vào sư phạm tiếng Anh HCM nữa. Em chọn đại 1 trường thuộc khối kinh tế để thi vì nghĩ là học kinh tế ra thì làm gì cũng sống được. Với tâm lý sợ rớt đại học và mất định hướng, em cũng chả dám nộp đơn vào những trường top như kinh tế, ngoại thương (dù rằng sau khi thi xong thì kết quả của em đủ để vào những trường đó). Em ngậm ngùi học ở 1 trường top 2 và từ đó xuất hiện những tâm trạng chán nản đối với trường lớp và chuyện học hành: phải học thứ mình không thích, trường mình không thích…Tuy cuối cùng cũng tốt nghiệp với tấm bằng loại khá nhưng trong đầu em không đọng lại được bao nhiêu kiến thức của ngành Xuất nhập khẩu. Suốt 4 năm đại học em rong ruổi đi làm các dự án giáo dục, làm trợ giảng, đi dạy tiếng Anh. Nhưng vì không có bằng cấp, không có chuyên môn nên bị chèn ép, thậm chí đôi khi cứ lao đầu như con thiêu thân (vì muốn thể hiện bản thân nhưng không có chọn lọc) nên bị lợi dụng. Đặc biệt, em có 1 điểm yếu rất lớn (mà đến bây giờ em mới nhận ra), đó là low EQ + thiếu trải nghiệm sống, nên dù em truyền đạt kiến thức tốt, nhưng em không “cảm” được học trò, khiến cho việc dạy học của em bước đầu có những thất bại. Em bắt đầu chán nản, đặc biệt là cảm thấy lo lắng, khủng hoảng trước ngưỡng cửa tốt nghiệp, tức 1 năm trước. Tại thời điểm đó, kiến thức chuyên ngành (XNK) không vững, kinh nghiệm, thành tích trái ngành (dạy tiếng Anh) không có bao nhiêu, bằng cấp trong giáo dục lại càng không có (đáng ra mục tiêu năm cuối đại học của em là thi IELTS và học chứng chỉ giảng dạy TESOL, nhưng vì chán nản, em đi làm trợ lý dự án cho 1 công ty và cứ thế bị cuốn vào công việc nên không thực hiện được mục tiêu của mình nữa). Ra trường, đối mặt với cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền, em không nhiều sự lựa chọn nữa mà buộc phải chọn 1 công việc để làm, để sống. Em làm tư vấn tuyển sinh cho các trung tâm, trường quốc tế (mà bản chất là làm sale) nhưng từ đó đến nay chưa thực sự tìm được một nơi phù hợp để gắn bó. Có nơi thì start-up, phải làm rất nhiều việc cùng lúc, sếp lại không có chiến lược phát triển công ty cụ thế, hằng ngày phải tự làm, tự đặt mục tiêu, tự quản lý mọi việc, làm cực mà đồng lương ít ỏi mà không biết tương lai sẽ ra sao; có nơi thì bắt sale kiểu “xôi thịt” để bấp chấp đạt mục tiêu doanh số; nơi thì sale mà phải giải quyết công việc hành chính quá nhiều với những thủ tục rườm rà không cần tiết, mỗi ngày làm đến 12-15 tiếng mà hoàn toàn không hiệu suất, lương thường cũng chả rõ ràng. Cứ như vậy, chưa có nơi nào em làm được quá 6 tháng. Quả thật, việc chuyển sang làm sale giúp em phát triển tư duy kinh doanh, có thêm hiểu biết và tầm nhìn (những điều mà nếu chỉ đi dạy đơn thuần thì em sẽ không có được) nhưng đồng thời lại khiến em mất định hướng vì muốn làm quá nhiều thứ. Hiện tại, ngồi viết những lời này thì em đang nghỉ việc và chưa biết công việc tiếp theo sẽ apply là gì.
    Nếu trở thành một chuyên gia về giáo dục thì sẽ phải đập đi xây lại từ đầu, tức là phải bỏ thời gian và tiền bạc để học chuyên môn, bổ sung bằng cấp, tích lũy kinh nghiệm.
    Nếu làm kinh doanh thì bây giờ em chưa xác định được mình muốn kinh doanh ở lĩnh vực gì để dấn thân học hỏi trong lĩnh vực đó. Cũng không biết mình có tố chất để làm kinh doanh hay không.
    Chắc chắn là bây giờ em cần một công việc để duy trì cuộc sống ở cái đất SG đắt đỏ này. Nhưng những gì đã xảy ra khiến em ám ảnh, không dám dấn thân nữ, mà nếu cứ chọn đại, làm đại thì đến lúc sẽ không còn thời gian để sửa nữa. Em biết ngày hôm nay chính là hậu quả của những năm tháng đã không đủ chăm chỉ và quyết liệt với mục tiêu của bản thân. Đến bây giờ thì em không xác định được mục tiêu và hướng đi luôn rồi. Em cảm ơn anh đã đọc và mong sẽ nhận được những lời khuyên của anh về trường hợp của em ạ.

    • Dear em;
      Cảm ơn em đã tâm sự rất dài; đó cũng là một bước cần làm để giúp em nhìn lại khoảng thời gian đã qua, những thứ làm được, chưa làm được; những sai lầm cần tránh.
      .
      Em năm nay 23 tuổi, mới ra trường 1 năm mà đã có trải nghiệm mà nhiều người phải vài năm sau ra trường mới có được. Anh nghĩ đó là ưu điểm mà cũng là nhược điểm của em, có thể vắn tắt:
      – Mỗi món ăn em thử một ít mà chưa đủ tới mức để hiểu về nó. Mỗi công việc để em hiểu về nó đòi hỏi phải lớn hơn 6 tháng; thậm chí phải là 1 năm. Vì chưa đủ hiểu nên em cũng sẽ hiểu chưa chính xác về nó; và cũng không chắc được mình có thích và phù hợp với nó hay không.
      – Em thử rất nhiều món ăn và mỗi món một ít nên hình thành một lối mòn trong suy nghĩ. Vừa thử món ăn một chút là nghĩ mình không hợp nên từ bỏ và thử món ăn tiếp theo. Em đang sốt ruốt tìm món ăn mình thích và vì mong muốn tìm thấy nhanh nên có khi em đã lướt qua món ăn đó rồi.
      .
      Em năm nay 23 tuổi nên hoàn toàn có thể tiếp tục thử nghiệm vài năm nữa. Điểm mạnh nhất của người trẻ là sự nhiệt huyết vì vậy em không được để mất đi điểm mạnh này. Vẫn phải thử nghiệm cái mới nhưng bài bản và thật bình tĩnh; nóng vội sẽ không mang lại kết quả tốt được.
      .
      Với một khoảng thời gian còn lại rất lớn, em có thể bắt đầu lại mong muốn trở thành chuyên gia giáo dục thông qua việc bổ sung các bằng cấp, chứng chỉ. Trong quá trình đó em vẫn có thể làm các công việc bán thời gian như gia sư tiếng anh, xin vào các trung tâm giáo dục. ( Anh thấy các Trung tâm dạy tiếng anh giờ mọc lên rất nhiều).
      .
      Đối với “kinh doanh” thì em hoàn toàn có thể kết hợp nó với việc dạy tiếng anh thông qua tự mở các trung tâm tiếng anh; thay vì đứng lớp giảng dạy thì quản lý một mô hình dạy tiếng anh. Cách làm này anh thấy cũng nhiều người đang làm.

      Thất nghiệp ở nhà sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự tự tin vì vậy em cần nhanh chóng hoạch định ra một kế hoạch cụ thể và bắt tay vào làm. Cần có một công việc đủ thu nhập, có liên quan tới mục tiêu (chuyên gia giáo dục hoặc kinh doanh giáo dục) hoặc nếu không liên quan tới mục tiêu thì phải có thời gian trống đủ để thực hiện kế hoạch. Nếu em chọn một việc chẳng liên quan gì tới mục tiêu mà lại làm hơn 10 giờ mỗi ngày thì còn sức đâu mà thực hiện kế hoạch nữa.
      .

      chúc em thành công
      vd

  7. Vào những ngày chênh vênh trong cuộc sống chẳng biết làm gì thì vô tình đọc được bài viết của anh. Một bài viết rất hay! Năm nay e 23 tuổi và vừa tốt nghiệp Đại học a ạ. Em chẳng biết nên chọn lựa theo con đường nào để đi tiếp. Chẳng biết mình thích gì, hay muốn gì. Hiện tại e đang có 1 công việc sale mà e cảm thấy nhàm chán. thứ nhất là k có đồng nghiệp để cạnh tranh. Thứ 2 là sale về nghành dịch vụ khó tìm kiếm KH. Vậy nên e k muốn làm nữa, nhưng xin nghỉ thì ngại sếp vì sếp là người mà e nể nhất trong cty. Công việc này khác hẳn thứ mà e học ở ĐH. Em tốt nghiệp trường về ngôn ngữ. E k thích ngôn ngữ nhưng vì bố mẹ bắt nên e đã theo và cuối cùng sau 4 năm học, học đi học lại vài môn e mới ra nổi trường. Những tưởng sẽ biết thứ tiếng đó và áp dụng để đi làm, thì giờ e lại k đủ tự tin.Em sợ năng lực mình k đủ để làm. Nhưng em thích đi dạy, thích cả công việc làm sale nhưng phải có môi trường gây hứng thú thì e mới làm tốt. Giờ e k biết nên nghỉ làm ở đây hay k? hay vẫn tiếp tục công việc mà mình cảm thấy hơi nhàm chán này? Và liệu e có đủ năng lực để đi làm trợ giảng rồi dần dần lên giảng chính? haizzz. E suy nghĩ mà cũng k biết phải làm sao? Mọi thứ như 1 mớ bòng bong mà k một ai có thể định hướng cho mình. Anh có thể cho e chút lời khuyên được k? Em cảm ơn!

    • Dear em;
      Nói chung mình làm gì trước hết là phải vì mình đã em ạ; không phải vì nể sếp mà không dám nghỉ; có khi sếp còn đang muốn cho em nghỉ bỏ xừ. Sau này đi làm nhiều rồi thì em sẽ thấy đây không phải là nguyên nhân.
      Nhưng xin nghỉ thì phải rõ ràng việc làm gì tiếp theo chứ xin nghỉ rồi mới đi tìm việc thì không nên.
      Em mới ra trường nên khả năng cũng chỉ mới làm vài tháng; vì vậy nên làm lớn hơn 1 năm đã rồi hẵng nghỉ. Trong thời gian đó tìm hiểu thêm rõ hơn cv đó em ạ. Mà có khi cũng để hiểu mình hơn chứ giờ em cũng không biêt mình muốn gì mà.
      VD

  8. Em cảm ơn anh Dũng về sự chia sẻ này. Em cũng là một người đang bị mất phương hướng. Năm nay 29 tuổi. Em làm công việc nhà nước tròn 6 năm. Đang học cao học, đến kỳ làm luận văn. Em chuẩn bị thi công chức, nếu rớt sẽ nghỉ việc.
    Công việc hiện tại của em trong những năm qua là tư vấn các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp. Trong những ngày tạm nghỉ để ôn thi, để làm đề cương luận văn em cảm thấy bế tắc vì công việc, vì học hành. Em không muốn thi. Em ngán ngẩm việc hàng ngày tiếp xúc với mấy doanh nghiệp chây ì, ngán ngẩm việc họp hành, báo cáo nhàm chán, công việc cứ lần quần vì phụ thuộc quá nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân… Em muốn tìm một con đường đúng đắn để đi nhưng cứ rơi vào vòng luẩn quẩn. Đâu là công việc phù hợp với mình. Liệu ra ngoài làm, mình có đáp ứng được hay không? Ngoài kia, biết bao nhiêu người trẻ, giỏi hơn mình.
    Em muốn bỏ, không học nữa. 2 năm ròng rã học hành em thấy vô bổ quá. Trước đây, em học đại học ngành quản trị kinh doanh. Em cảm thấy mình không hợp với kinh doanh nhưng rồi vì bị ép buộc nên em phải đi học cho vui lòng phụ huynh và học tiếp cao học ngành QTKD.
    Ngoài việc học, công việc, em dành rất nhiều thời gian để tham gia các hoạt động thiện nguyện. Có rất nhiều hoàn cảnh cần đến em. Nhiều lúc em cũng muốn ngừng lại một thời gian để giúp cho bản thân mình trước nhưng thấy hoàn cảnh nào khó khăn, em lại không thể làm ngơ được.
    Em có nên tiếp tục học không? Em có nên ôn thi, học hành để thi công chức không anh?
    Làm cách nào để em có thể tìm được công việc mình yêu thích đây anh?
    Rất mong nhận được sự phản hồi, sẻ chia của anh ạ!

    • Dear em;
      Anh cũng có một thời gian khá dài làm nhà nước, chắc cỡ 4 năm. Lúc bỏ ra ngoài khi đó đã 29 tuổi (bằng tuổi em) cũng vì sức ép cơm áo gạo tiền. Lúc một mình thì sống kiểu nào cũng được nhưng khi có vợ con rồi thì bắt buộc phải ra.
      Lúc bỏ ra cũng phải quyết tâm lắm nhưng sau này thấy không có gì phải ân hận cả. Em nên dứt áo ra đi càng sớm càng tốt. Nếu em làm tư nhân thì anh khuyên em tìm việc khác rồi hẵng bỏ việc đó; nhưng nếu làm nhà nước thì thậm chí nên gây sức ép nên mình bằng cách bỏ việc sau đó tìm.
      Khi mới ra không có nhiều lựa chọn; chọn được việc nào thì chọn; cố gắng xoay quanh kinh nghiệm cũ. Ví dụ như em làm tư vấn thủ tục đầu tư ở vai nhà nước thì giờ làm ở vị trí đó nhưng vai của DN.
      Còn làm thiện nguyện thì cái gì cũng có chi phí cơ hội em ạ; thời gian em tiêu đi phải có ích. Không phải cứ giúp người khác mới là làm thiện nguyện; tự mình giúp chính mình (để người khác đặc biệt là bố mẹ mình không phải làm thiện nguyện với mình :P)
      Còn cao học thì đã đâm lao rồi thì lao nốt em ạ; bỏ 2 năm rồi chắc chỉ còn 1 năm nữa.
      Nói chung là làm phải quyết liệt em ạ; đừng ngồi mà lo sợ; cứ làm rồi em sẽ tới đích. Đảm bảo làm ngoài cho dù thế nào lương cũng hơn so với em làm NN. Và ít nhất thì không phải làm những việc mà đếch biết việc đó mang lại giá trị gì.
      VD

  9. Chào anh Dũng,
    Em thấy bài viết của anh sau khi search “làm gì khi mất phương hướng.”
    Vâng, em bị mất phương hướng với công việc hiện tại. Em năm nay 26 tuổi, là nữ ạ, tốt nghiệp Bách Khoa với tấm bằng kỹ sư Dệt em lại apply làm công việc sale. 3 năm cho công việc này em cảm thấy mình không giỏi, kết quả mình làm được cũng không được bao nhiêu, em nghi ngờ bản thân mình không có năng lực làm việc, cứ loay hoay mãi. Mặc dù công việc của em lương khá ,dư dả để duy trì cuộc sống và phụ giúp gia đình, mối quan hệ với đồng nghiệp, môi trường làm việc ok, . Nhưng mỗi ngày đi làm là một cực hình, vì em không tìm thấy động lực làm việc, kiểu như gặm xương hoài mà thấy vị ngọt vậy.
    Thỉnh thoảng em lại đi kiếm việc, rải CV khắp nơi để tìm việc, mà bản thân em lại không biết kiếm công việc gì cho phù hợp, làm sale thì em thấy ngay trước mắt công việc hiện tại, làm kỷ thuật để về lại cái đúng cái bằng của mình thì đã cách 3 năm không có kinh nghiệm gì, làm cái khác thì chính xác là số 0 tròn trĩnh, liệu nhân sự họ có tuyển,…
    Cảm thấy trước mắt rối mù, em lại ngậm ngùi làm công việc hiện tại để duy trì cuộc sống, rồi lại bế tắt. Mọi thứ nó cứ vòng vòng vậy mà em không tìm thấy lối ra.

    • Dear em;
      Khi ra trường làm trái ngành nghề là bình thường vì lúc đó nhu cầu “có việc” rất cao; ngay khi có cơ hội (cho dù nó không đúng với cái mình học, mình thích) thì cũng cứ làm đã với tâm thế là yên ổn rồi nghĩ tiếp. Khi vào làm, công việc cuốn đi, không có thời gian nghĩ tới việc tìm đúng lĩnh vực mà mình đã được học hoặc thích nữa.
      Một lúc nào đó thấy chán nản ngồi nghĩ là giá như mình làm đúng cái mình học thì có khi sẽ thích hơn, phát triển tốt hơn. Giống y chang việc đã có chồng mà ngồi ngẫm nghĩ về anh người yêu thủa đi học. Khi em nghĩ về người yêu cũ đó thường sẽ khuếch đại cái tốt lên, rồi so sánh với anh chồng hiện tại (với những thứ xấu được khuếch đại). Càng ngày thì anh người yêu hồi đi học càng vượt xa anh chồng hiện tại. Một ngày đẹp trời họp lớp, em gặp lại anh người yêu đó và có thể cặp kè thêm vài buổi. Em sẽ nhận ra thực tế là anh người yêu ngoài đời đó khác xa với những gì em nghĩ.
      Tình huống liên quan tới công việc của em cũng tương tự; càng nghĩ em sẽ càng thấy chán công việc đang làm và muốn làm công việc được học. Cái công việc được học đó gần như đối lập với cv sale hiện tại. Kỹ sư dệt có nghĩa là em sẽ làm trong nhà máy, trong một khu công nghiệp nào đó. Sáng bước vào cổng và chiều bước ra; một khu khép kín, không thể đi đâu. Muốn biết rõ tốt nhất em trao đổi với những người bạn học mà họ đang làm nghề đó để có được hình dung thực tế về cv đó.
      Khi em mường tượng về anh người yêu cũ , em sẽ không chăm no cho anh chồng hiện tại, càng ngày càng chán ghét anh ta. Thậm chí tới mức đó là bỏ hẳn anh ta rồi mới đi tìm lại anh người yêu cũ; để rồi sau phải nuối tiếc, giá mà mình đừng bỏ anh ý hoặc bỏ anh ý khi đã chắc chắn có một vị trí rõ rầng bên anh người yêu cũ.
      Lời khuyên là em phải cân bằng được việc vừa chăm chút cho công việc hiện tại vừa đi tìm công việc mình yêu thích. Khi đã chắc công việc mình yêu thích thì mới bỏ công việc hiện tại. Các công việc tìm hiểu nên ưu tiên về thứ mình đã làm, đã học. Sau đó mới tới các công việc mình ko học và chưa có kinh nghiệm. Em đặt ra mục tiêu khoảng 2 năm tới để giúp mình ko bị mất phương hướng vì biết rõ mình đang làm gì, vừa thu được kinh nghiệm từ công việc đang làm.
      VD

      • Cảm ơn chia sẻ của anh ạ.
        Em học kỹ thuật nhưng không thích làm kỹ thuật ở xưởng thật sự ạ, nên em chọn sale, cũng trong ngành luôn. Về bản chất thì cũng liên quan tới kiến thức em học được. Nhưng với công việc sale hiện tại em cảm giác mệt mỏi thật sự, và sếp e cũng thấy được điều đó, sếp em cũng dần dần chuyển em vào vị trí backoffice, điều đó em lại càng thấy ngột ngạt.
        Còn việc tìm kiếm công việc em yêu thích, em đang vướng phải suy nghĩ, phải thử thì mới biết được, nên ý định nhảy việc để thử cứ liên tục xuất hiện ạ.

        • Kinh doanh kỹ thuật cũng là chuẩn rồi; em thử phương án thay đổi công ty thay vì thay đổi nghề nghiệp xem; môi trường mới có khi lại khác. Tuy nhiên các công ty trong cùng ngành thường sẽ có mô hình kinh doanh tương đối giống nhau vì vậy khi em đổi cty có thể sẽ hứng khởi thời gian đầu sau lại đâu vào đó. Cần phải xác định là vấn đề nằm ở công ty hay công việc hay chính từ bản thân mình.

  10. Cảm ơn anh vì những gì a đã chia sẻ, nó thực sự hữu ích với e và rất nhiều người. Hy vọng tới đây a sẽ cho ra mắt entry về những gì 1 người bắt đầu khởi nghiệp sẽ phải đối mặt, cả về tài chính, nhân sự, tâm lý, kĩ năng cần có. Chúc a thật nhiều sức khỏe!

  11. Hi Anh Dũng,
    Cảm ơn bài viết rất tâm huyết của Anh, nửa đêm ko ngủ được bất giác mở gg ra, nhiều lần em search cùng 1 câu hỏi mà nay mới tìm được bài viết này. Hi vọng có duyên add bạn với Anh.
    Hiện tại em đang ở giai đoạn phấn đấu nửa đường, e đã nỗ lực học tập và đi trái ngành và hiện tại là nhân Viên key nếu theo như bài của Anh, vấn đề e gặp phải là, từ đầu em xác định và chọn 1 nghề nhưng vì thời gian học tập cấp tốc đê theo trái ngành nên chưa đủ vốn theo nghề mong muốn, e cảm thấy chán nản bất lực nhưng rồi vẫn vao 1 nghề khác cùng chuyên ngành liên qua gần va đặt mục tiêu tiêp tục vừa học vừa làm trong 1-2 năm tới đê hướng về nghề kia. Vấn đề lớn của e có lẽ là tham vọng, và đặt mục tiêu hơi khó khăn cho bản thân, tình trạng chán nản và bế tắc xảy ra thường xuyên với em hơn khi mục tiêu ngày càng khó thực hiện, khối lượng công việc khó khăn hơn, thời gian eo hẹp, ngoài công việc và học tập ngoài giờ ra thi gần như e ko có thời gian nghỉ ngơi. Tính cách e hướng ngoại nhưng hiện tại cả cviec va cuộc sống hướng nội. Đôi lúc em tự hỏi mình đang sống vì điều gì…

    • Còn trẻ nên áp lực cao sẽ đi nhanh hơn (là không có áp lực). Nhưng cũng không nên để áp lực tới mức bị stress; khi stress thì hiệu quả cv sẽ thấp. Nên điều chỉnh giảm mục tiêu nếu như thấy mục tiêu hiện tại tạo áp lực tâm lý quá lớn em ạ.
      VD

  12. Dear anh Dungiso
    Em đọc bài viết của anh em thấy rất bổ ích và thực tế đối với những người mất phương hướng như em
    Cảm ơn anh vì đã dành tâm huyết kinh nghiệm cho ra những entry hữu ích như vậy ạ
    Em năm nay gần 30 tuổi, đã lập gia đình, có 1 con nhỏ và đang mang bầu bé thứ 2
    Trước đây, em học chuyên ngành kinh tế, nhưng sau đó ra trường làm trái ngành, làm về quản lý chất lượng cho một công ty nước ngoài tại khu công nghiệp cách xa chỗ ở của em 40km. Được khoảng 5 năm, em lấy chồng. Do đi lại xa xôi, mất nhiều thời gian, sức khỏe giảm sút nên em quyết định nghỉ việc ở công ty này. Sau đó về HN làm cho một công ty nước ngoài nhưng đó là một văn phòng đại diện, chỉ có 2 3 người làm thôi. Em đảm trách công việc admin office và marketing. Về admin office, em làm những việc nhỏ như chấm công, đặt vé máy bay, làm visa, quản lý chi phí, sometimes tuyển dụng, hợp đồng báo giá… Về lĩnh vực marketing, em không có nền tảng kiển thưc, mà chỉ là tay ngang nhảy vào làm. Em cũng tìm được niềm vui và nỗ lực với nó. Ở đây chỉ có 1 mình em phụ trách mảng này, nên công việc của em chủ yếu là viết bài, edit cho website, fanpage FB, gửi email marketing, sometimes tổ chức sự kiện, hợp tác với các đơn vị, liên hệ báo chí truyền thông… Tuy nhiên vì nhiều thứ nên mỗi thứ đá qua tí và không chuyên sâu, và đặc biệt chỗ em làm là quản lý từ xa (không có sếp ở đây) mà sếp quản lý em là ở nước ngoài, cũng lâu lâu mới email vì bên đó họ bận với cv thị trường họ, kế hoạch chiến lược cũng toàn tự em nghĩ ra, nên nhiều lúc em bị rơi vào ngõ cụt, ko biết mình nên làm gì tiếp theo, trong khi marketing luôn đòi hỏi cái mới, thay đổi liên tục,… và đặc biệt vẫn cần 1nguoi dan duong, cần 1 team. Thực sự bây giờ, em rất hoang mang khi em lại đang mang bầu và sắp nghỉ sinh. Sắp tới nếu tiếp tục nuôi con nhỏ và đồng hành với một công việc như thế này em thấy ko cân bằng được giữa gđ và công việc. Nhưng nếu bỏ việc giữa chừng, thì có thể em sẽ mất cả sự nghiệp sau này vì chuyên môn em không rõ ràng mà em lại là phụ nữ đã có tuổi đi xin việc sau quãng thời gian nghỉ sinh khá là khó. Em không phù hợp với việc ở nhà nội trợ hoàn toàn, em cũng cần tiền để lo cho con, đỡ cho chồng. Em cảm thấy ko rõ là mình có nên tiếp tục một công việc hiện tại như thế này không? hay em tìm một chuyên môn nào đó để e học, theo đuổi, trong khi e đã 30 tuổi và rất cần sự ổn định ko chỉ cho bản thân và gia đình. Em chỉ biết là khi em được giao việc, em là người có khả năng tìm tòi, phân tích, tổng hợp và làm những thứ tỉ mẩn khá tốt, dù là việc mới. Với các dự án, hay đầu job, em đều hoàn thành tốt. Nhưng chung quy lại e vẫn không biết chuyên môn của m nằm ở đâu. Em cũng đọc tham khảo các lời khuyên trên mạng về đánh giá bản thân để định hướng đúng, thì thấy mình thuộc tốp phù hợp những nghề như giáo viên, đào tạo, trợ lí…. nhưng rất hoang mang ạ. Anh có thể bớt chút time suy nghĩ về vấn đề của em và cho em xin một vài lời khuyên được không ạ? Em chân thành cảm ơn anh. Chúc anh all!

    • Dear em;
      Anh cũng có một thời gian làm ở văn phòng đại diện theo kiểu của em và mô hình cũng giống như em. Văn phòng chỉ có 3 người trong đó có 1 kế toán làm bán thời gian; còn lại 2 người làm toàn bộ các công việc còn lại, sếp ở nước ngoài làm việc qua email và cũng thỉnh thoảng mới làm việc.
      Thông thường một công ty lớn ở nước ngoài có tham vọng ở thị trường Việt Nam thì họ luôn áp một mục tiêu doanh số, thị phần. Khi có mục tiêu đó họ sẽ phải có nguồn lực tài chính, nhân lực để đạt một mục tiêu. Trong tình huống này có hai trường hợp:
      Trường hợp 1: họ đang trong giai đoạn xâm nhập, tìm hiểu, xây dựng ra một cái văn phòng ở đó gọi là cho có mặt; khi sản phẩm đã phù hợp với thị trường thì họ mới đổ nguồn lực vào.
      Trường hợp 2: họ không kỳ vọng gì nhiều; xây dựng ra một cái vp ở đó và đợi chờ, có doanh số là tốt rồi. Nếu tương lai thấy có cơ hội thì họ mở rộng; nếu không thì dẹp.
      Trường hợp 1 họ có chiến lược và việc có vp ở đây nằm trong chiến lược của họ; áp dụng cho các công ty lớn. Thường họ sẽ hướng dẫn, đặt ra các mục tiêu và nói chung là thường xuyên liên hệ. Trường hợp 2 thường không có chiến lược trước mà theo kiểu được thì được không được thì thôi; thể hiện là họ ít quan tâm; cty nhỏ thường làm vậy.
      Làm theo kiểu này có ưu điểm là việc gì cũng dính vào nhưng vì quy mô nhỏ nên không sâu. Thứ hai là rất lủi thủi, không có ai lãnh đạo hướng dẫn, đồng nghiệp thì cũng không có ai, thường xuyên cảm thấy tương lai bất định. Thứ ba là họ có thể dẹp bỏ cái văn phòng đó bất cứ lúc nào.
      Hiện em đã có bầu rõ ràng không phải thời điểm thích hợp cho việc nhảy việc mà chỉ nên là giai đoạn suy nghĩ tìm hướng đi cho mình. Khi tìm hướng đi còn phải học tập và làm nhiều thứ rồi khi chắc chắn ở chỗ mới thì mới nghỉ chỗ cũ. Như vậy thời điểm nghỉ của em phải là 2 tới 3 năm nữa chứ không phải bây giờ.
      Nghề em đang làm mang lại ưu điểm là vùng nghề nghiệp em chọn mới sẽ rất rộng, chủ yếu sẽ phụ thuộc vào tính cách, sở thích, điểm mạnh nhất của bản thân, hoàn cảnh gia đình phù hợp với nhất với nghề gì.
      Tóm lại, tốt nhất em không nên nghỉ, phải cố gắng cân bằng vì em nghỉ thì sau này khi đi làm lại rất khó kiếm việc mới. Em phải ở trạng thái kiếm việc mới khi còn việc cũ thì khả năng thành công mới cao được. Giờ chỉ là lúc ngồi nghĩ xem nghề nghiệp mục tiêu là gì sau đó lên kế hoạch học tập cho phù hợp. Khi có mục tiêu em sẽ thấy yên tâm hơn.
      VD

      • Dear anh
        Anh nói trúng phóc cái tình trạng công ty em và em luôn đó anh. Hic
        Em đang ở trong tình trạng tự chủ mọi thứ, sếp sẽ ko giao việc mà bọn em tự hoạch định, báo cáo hàng tuần, sau đó thậm chí tự review… và tìm giải pháp. Ngân sách thì rất khó khăn.
        Em cũng nghiêng về giải pháp như anh khuyên bảo đấy ạ. Nhưng em muốn hỏi thêm anh là, có phải là em nên review lại mình để xem m hợp với nghề gì rồi học để sau này theo đuổi nó(thậm chí một nghề mới toanh?). Hay em tìm hiểu xung quanh chính cái công việc em đang làm. rồi học tập và sau này nhảy theo công việc đó ạ. Em không học ngành marketing mà chỉ làm thôi, và làm thì nghiêng về content, chưa làm được những thứ như lập trình, hay thiết kế đồ họa, hay chạy những dự án FB Ads, Google adsswords … phục vụ nó…, về mảng tổ chức sự kiện thì sắp tới em nghỉ sinh nên cũng đành gác lại k có cơ hội tham gia. Vậy anh có lời khuyên gì thêm giúp em với không ạ? Em có nên học một khóa marketing căn bản để bổ trợ cái kiến thức nền trước, sau đó học từng phần marketing một rồi xâu chuỗi lại. Hay em chỉ chọn một vài mảng marketing học thôi ạ? Nếu học thì mình có nên học qua các trường đại học không hay mình tìm các khóa học trên mạng anh.
        Rất mong anh có thể dành time để tư vấn cho em tiếp ạ!!
        Yours Truly

        • Em muốn hỏi anh Dũng thêm một câu nữa ạ
          Có phải mình đi làm cứ cần phải có 1 chuyên môn thật vững chắc để theo đuổi suốt đời không ạ. Anh đã từng gặp vấn đề này chưa ạ. Khi không xác định rõ được chuyên môn của mình.

        • Dear Em;
          “Nghề nghiệp” có hai chữ là Nghề và Nghiệp. Nghề có thể thay đổi theo từng giai đoạn; thời nay chẳng có ai làm một việc ở một nơi lâu đâu; không giống với thời bố mẹ chúng ta từ khi ra trường tới khi về hưu có khi chỉ làm ở một DN nhà nước.
          Nghiệp có thể hiểu theo hai cách; cách hiểu theo tâm linh là ta sinh ra đã phải có trách nhiệm làm một cái gì đó; cái đó đến với ta nằm ngoài sự quyết định của ta ví dụ như có người có thể cả đời chăm một đứa con bị tự kỷ, sứ mệnh tại lập một doanh nghiệp, xây dựng một tổ chức từ thiện,…Còn hiểu theo nghĩa lý trí đó là định hướng chính mà em theo đuổi. Tên nghề khác nhau nhưng cốt lõi vẫn sử dụng những kiến thức, kỹ năng, thái độ tương đối giống nhau. Ví dụ như lĩnh vực marketing, marketing là hoạt động xuyên suốt qua rât nhiều khâu như tìm hiểu thị hiếu khách hàng, nghiên cứu sản phẩm, quảng cáo, PR. Hoặc đơn giản hiểu là làm quản lý thì cho dù cty có buôn bán cái gì thì quản lý cũng đòi hỏi những năng lực giống nhau vì vậy một ông giám đốc từ lĩnh vực hàng công nghệ có thể sang lĩnh vực thực phẩm cũng chẳng sao.
          Cái em chọn giờ phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường xem người ta đang tuyển vị trí gì; mà vị trí đó mình thấy phù hợp với mình. Có nghĩa là em phải xác định rõ vị trí làm việc ở một công ty cụ thể nào đó sau đó xem họ cần gì. Với kinh nghiệm làm đa di năng như của em thì ứng tuyển không khó; phỏng vấn chẳng mấy khi người ta hỏi kiến thức theo kiểu thuộc bài đâu mà phải căn cứ vào kinh nghiệm công việc thực tế; họ thấy tiềm năng thì họ ok; kiến thức có thể học được mà, quan trọng là thái độ làm việc, khả năng học hỏi hòa đồng nhanh.
          Tham gia khóa học cho dù ngắn hay dài lúc này anh thấy không nên trong tình huống của em. Tham gia khóa học chỉ phù hợp với sinh viên mới ra trường, người làm đã có kinh nghiệm cần bổ sung kiến thức và đặc biệt là người không thể tự học. Mình tự học được thì tội gì mất tiền và thời gian.

          Em cứ nghiên cứu mấy chủ đề trên cái web này; hiểu nó nói gì cũng đã là ngon rồi.
          VD

          • Dạ, em cảm ơn anh đã có những lời khuyên bổ ích giúp em tỉnh táo hơn khi đưa ra các quyết định. Em sẽ đọc thêm các kiến thức của website mình để học hỏi thêm ạ.
            Chúc anh ngày càng thành công hơn nữa nhé ^^

  13. Hi Anh Dũng,
    Em may mắn tìm được blog của anh khi tìm kiếm câu trả lời cho định hướng tương lai của mình. Em muốn chia sẻ một chút về câu chuyện của mình và mong sẽ nhận được lời khuyên từ phía người có nhiều kinh nghiệm như anh.
    Em tốt nghiệp năm 2014, ngành hóa dược. Thời gian còn đi học em cũng cố gắng học hành nghiên cứu, ra trường với bằng Giỏi và tình cờ khi đi pv tại một công ty của Nhật sản xuất thiết bị y tế thì em được nhận trước khi tốt nghiệp. Thực sự thì trước khi tốt nghiệp, em muốn theo đuổi con đường nghiên cứu, đi du học nước ngoài. Tuy nhiên, một năm làm khóa luận tại một Viện nghiên cứu khiến em cảm thấy mình không phù hợp với con đường này nên em quyết định đi làm cho công ty Nhật kia ngay sau nhận bằng. Công việc tại đó thì khá nhàn, lương cũng bình thường và không liên quan tới những gì em học. Sau 1 thời gian làm việc (hơn 1 năm) em không thấy có hứng thú nên đã apply vào làm cho một công điện tử Hàn quốc lớn và làm công việc khác hoàn toàn công việc cũ.
    Tại công ty mới, em cũng chỉ làm được hơn 1 năm rồi nghỉ khi tìm được một quỹ tài trợ học bổng cho em đi học chương trình Master. Em cũng xin kể chi tiết luôn là trong thời gian làm công việc đầu tiên, em có học thêm VB2 về dược nhưng do vừa học vừa làm quá vất vả, em không theo được nên khi sang cty mới em đã bảo lưu, dừng việc học. Thời gian đầu khi làm công việc mới em thấy rất thích và vui vì môi trường mới, trẻ trung và được gặp gỡ nhiều người hơn công việc cũ chỉ tiếp xúc với máy móc. Tuy nhiên, do bệnh cả thèm chóng chán, không biết mình là ai, nhận thức về bản thân và sự việc không đúng đắn nên khi công việc trở nên áp lực, thêm một số vấn đề từ gia đình, nhìn thấy bạn bè đi du học hết, em lại loay hoay tìm học bổng để đi học. Ban đầu em dự định sẽ để dành tiền để đi học tự túc nhưng trong một lần tình cờ apply vu vơ, em nhận được tài trợ của một quỹ học bổng để đi học chương trình Master về khoa học Dược. Khi biết mình được nhận, em vẫn rất băn khoăn vì chương trình học thì bằng tiếng Pháp mà em lúc đó không biết một chữ bẻ đôi. Dù các thầy cô có nói sẽ dạy song song Anh – Pháp nhưng em vẫn rất đắn đo khi quyết định. Nhưng cuối cùng thì em vẫn quyết nghỉ việc đi học.
    Thời gian đi học, em nhiều lần thấy hối hận vì quyết định nghỉ việc của mình. Có thời gian nhiều hơn, em chợt nhận ra việc mình đi học chẳng qua là một sự trốn chạy khỏi những áp lực về công việc, về gia đình chứ thực sự thì em không muốn đi dù rằng em vẫn cố gắng để hoàn thành khóa học. Thêm nữa, em nhận ra rằng em đi còn vì sự sĩ diện, vì em nghĩ rằng em sẽ được làm việc ở nước ngoài (chương trình học có cho cơ hội để thực tập 6 tháng ở Pháp ạ), chứng mình cho mọi người ở công ty thấy là em giỏi vì khi ở công ty, em chỉ toàn được giao toàn việc linh tinh, không có những nhiệm vụ quan trọng. Em tự kiêu mà cho rằng tài năng của mình không được trân trọng. Giờ em thấy suy nghĩ đó thật quá nực cười và trẻ con. Và em nghĩ chính vì cái suy nghĩ đó mà khi không được sang Pháp, em thực sự suy sụp, em cảm thấy thật mất mặt. Không chịu nổi cảm giác đó, em quyết định xin thực tập 6 tháng trong SG (việc thực tập này nằm trong chương trình học).
    Vào SG thực tập, thay đổi môi trường dù có nhiều khó khắn nhưng em thấy cũng vui, một phần vì chị gái em cũng đang làm trong đó. Ban đầu em tính sau khi thực tập sẽ ở lại SG làm luôn. Nhưng mọi việc thay đổi bất ngờ khi chị gái em quyết định sẽ sang Mỹ học, muộn nhất là cuối năm sau sẽ đi nên em lại quay về HN, mong tìm được một công việc trong ngành dược để được gần nhà. Nhưng em tìm suốt mà chẳng được vì các công ty đều yêu cầu phải có bằng dược sĩ và cả kinh nghiệm, trong khi em thì không có cả 2. Cùng khoảng thời gian đó, em nộp thử các công ty ở trong SG thì cũng có 1 số nơi nhận. Cuối cùng em lại phải vào SG để làm việc. Nhưng thực tâm em chỉ mong quay lại HN vì em không muốn sống ở SG một mình, không gia đình, không người thân quen, không bạn bè. Em lại làm ở nhà máy trong KCN nên chỉ có đi làm rồi về chỗ trọ nên cuộc sống rất buồn. Em nhớ nhà rất nhiều. Em vẫn tự nhủ bản thân là cố gắng làm trong SG 2 năm lấy kinh nghiệm và vốn rồi sẽ quay lại HN và có thể sẽ phải học lại VB 2 Dược nếu muốn tìm một công việc ổn. Nhưng em cũng rất sợ. Sợ 2 năm nữa đi học lại, mất 3 năm nữa mới xong, lúc đó đã hơn 32 tuổi, liệu có thể tìm được việc không? Còn nếu ở lại SG thì cuộc sống quá cô đơn, liệu em có chịu nổi. Hay là bây giờ em bỏ hết mọi thứ tại SG, quay về HN, chấp nhận làm công việc nào đó để được gần gia đình? Em cứ mãi loay hoay với một đống câu hỏi trong đầu. Em còn sợ một phần là vì mẹ em đã cao tuổi, bố em không còn nữa nên nếu ở lại SG, nếu mẹ em có ốm đau gì em không biết phải làm sao. Em hiện tại đang mông lung quá anh ạ. Anh có thể cho em một lời khuyên được không? Em cảm ơn anh.
    P/s: em viết hơi dài, anh thông cảm nhé

    • Híc, mới khoảng 27 tuổi mà sự nghiệp của em đồ sộ và phức tạp quá. Nhìn nhận chung là không có cái gì xuyên suốt, các công việc hay học tập không bổ trợ cho nhau. Thời gian tại mỗi công việc không đủ dài để tích lũy năng lực. Hiện trạng làm ở SG áp lực muốn về HN khiến cho khó chuyên tâm được vào công việc hiện tại. Tóm lại rất phức tạp.
      Giờ em phải xác định xem cái gì đối với mình là quan trọng mà ưu tiên:
      – Một công việc
      – Ra HN để gần gia đình
      – Ra HN để học tiếp VB 2.

      Cuộc sống không chỉ có công việc mà còn là cuộc sống và lập gia đình nữa. Nếu ra HN giúp chất lượng cuộc sống của em tốt hơn, giúp gia đình tương lai của em ở HN (thay vì ở SG); thậm chí công việc tìm được có thể không được như ý thì nên ra HN.

      anh VD

      • Em cảm ơn anh đã cho em lời khuyên. Đúng là sự nghiệp của em khá lộn xộn vì ra trường rồi em cũng không biết mình muốn làm gì nên cứ thử chỗ này chỗ kia. Thêm cái tính ngựa non háu đá nữa thành ra mọi thứ cứ lung tung cả lên. Chính vì vậy hiện em không muốn thay đổi ngành nghề nữa vì em sợ cứ thay đổi mãi như vậy tới một lúc nào đó em sẽ không có gì trong tay cả. Hiện trong SG em đang được làm đúng ngành mà em đã học Master nên em tinh ở lại SG khoảng 2 năm để làm lấy kkinh nghiệm rồi sẽ quay về HN. Hii vọng là khi đó em sẽ có thể tìm được một công việc phù hợp.

  14. Xin chào Anh. E là nữ, 26 tuổi. E tốt nghiệp ĐH năm 2014. Ra trường e thử làm 1 số công vc để tìm ra thứ mình thích như: thu ngân, lễ tân tt tiếng anh, khải sát thị trường, chăm sóc khách hàng, làm tình nguyện, rồi lấy chứng chỉ TOEIC. Sau 2 năm e qđ thử làm đúng nghề XNK mình học ở trường, e làm công vc đó đã hơn 2 năm tuy nhiên vẫn ko cảm thấy nghề và cty đó thực sự phù hợp vs mình mặc dù e đã cố gắng làm thành thạo và nhanh nhẹn hơn tuy nhiên cảm xúc vẫn ko kéo lên được. E nhận thấy sk và tinh thần giảm sút trầm trọng do stress và chán nản nên đã xin nghỉ vc để cân bằng lại. Mặc dù có kn hơn 2 năm XNK thì nếu xin vc ở cty khác thì thu nhập của e sẽ cao hơn và có khả năng thăng tiến nhưng e muốn bỏ nghề. Thực tế e đã đc offer mức lương gấp đôi cty cũ và hứa hẹn cơ hội thăng tiến, nhưng do qđ bỏ nghề nên e đã từ chối. Bỏ rồi lại chẳng xđ đc đam mê hay định hướng tiếp theo của mình. Hiện bên cty vận tải mời e đến pv vị trí tổng đài, nghĩ đến e lại thấy nản, cảm thấy dường như mình đag bước lùi. Mong anh cho e lời khuyên để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này. E cám ơn.

    • Dear em;
      Đời người có nghề và có nghiệp. Nghề thì có thể tạm thời nhưng nghiệp là công việc dài hạn mà em theo đuổi sẽ theo em tới cuối con đường. Cốt lõi của em là liên quan tới XNK, có kinh nghiệm về lĩnh vực này nên cho dù em chọn công việc khác thì rồi em cũng sẽ quay lại công việc này. Nếu em chọn công việc không có liên quan ví dụ như vị trí tổng đài, may mắn em chọn được đúng nghiệp mình theo đuổi nhưng xác xuất đó thấp vì em sẽ luôn so sánh với công việc XNK (có mức lương cao hơn và phù hợp với năng lực hơn). Khi không may, em sẽ mất nhiều tháng thời gian, cảm thấy thiếu tự tin hơn, khó bắt đầu lại hơn.
      Việc em làm nhiều nghề từ khi ra trường có cái hay là em sẽ có nhiều cơ hội để va chạm với các công việc khác nhau từ đó chọn ra công việc phù hợp. Tuy nhiên em hết thời gian rồi, hiện 26t vì vậy cần chọn một công việc có tính dài hơi mà tuổi tác càng cao thì lợi thế càng cao. Anh nghĩ công việc XNK sẽ đạt được tiêu chí này. Còn các công việc khác đều có tính bấp bênh, tuổi tác cao thì lợi thế giảm. Còn bản thân cv XNK không chán, em chán là chán công ty. Chọn công ty khác chứ không phải chọn nghề khác.
      Chúc em có lựa chọn tốt nhất.
      VD

  15. Xin chào anh. Em đã tìm đọc nhiều bài viết về mất phương hướng, trầm cảm, rối loạn nhân cách, người nhạy cảm … và thấy bài viết của anh có những phân tích rất bổ ích. Em năm nay 26 tuổi, đã đi làm được 03 năm nhưng hiện đang cảm thấy không có động lực trong công việc. Công việc của em là nhà nước, thời gian bắt đầu đi làm em rất say mê và dành nhiều thời gian cho công việc (thời gian này em thường về nhà sau 07 giờ tối). Nhưng khoảng 01 năm trở lại đây, vì nhiều lí do em có dấu hiệu trầm cảm trở lại, và đặc biệt ảnh hưởng đến công việc rất nhiều. Nhiều lúc em thấy mình làm việc không có trách nhiệm, không xứng đáng với đồng lương mình được trả công nhưng thật sự những ngày em chỉ ngồi dài đọc truyện, đọc báo mà không có động lực hay hứng thú làm việc. Không hẳn là công việc nhà nước không phù hợp với em, nhưng em tự nhận thấy mình có tính cả thèm chóng chán, với một công việc cứ làm lại, hoặc áp lực hơn một chút là em không có động lực. Có những lúc em muốn ra ngoài để làm, nhưng lại lo lắng vì sợ không tìm được công việc (em cảm thấy 03 năm trôi qua nhưng em không học được nhiều), mà bố mẹ em cũng đã lớn tuổi nên em không muốn để bố mẹ lo lắng, nhưng nếu cứ như thế này mãi thì cũng không có gì đảm bảo về tương lai, trong khi em cũng không còn trẻ. Những ngày thứ 7, chủ nhật em thấy thời gian chết trôi qua cực kì rõ nét. Để thay đổi môi trường, em có đi tập thể thao như bóng bàn, karatedo, yoga, chạy bộ đường dài, nhưng cũng chỉ tích cực được một vài tháng. Có những lúc em nghĩ rằng nếu mình thật sự tập trung cho sự nghiệp thì đã rất phát triển vì cơ hội đến với em cũng khá nhiều, nhưng do tính cách của em ngại giao tiếp (em không uống rượu bia, không giỏi giao tiếp) , lại hay mơ mộng nên chỉ tập trung được một vài tháng rồi đâu lại vào đấy, vừa làm vừa chơi. Hiện nay em đang đi học thêm tiếng Đức để thay đổi môi trường làm việc, việc này cũng chỉ tuỳ hứng chứ em không có dự định cho tiếng Đức trong tương lai. Mong anh cho em lời khuyên để xác định được phương hướng và mục đích sống. Chân thành cảm ơn anh

    • Dear em;
      anh nghĩ em gặp mấy vấn đề sau:
      1. Về tự đánh giá bản thân: Đừng nghĩ nhiều tới những gì em đã làm trong quá khứ mà phải nghĩ nhiều về cái em muốn trong tương lai. Hướng nhiều về con người mà em muốn trở thành, những ý nghĩ đó sẽ khiến điều chỉnh suy nghĩ cũng như hành vi của em.
      2. Về cảm xúc: đừng hành động theo cảm xúc, đừng làm khi mình thích, và cũng quên cái vụ làm theo đam mê đi. Em phải xác định việc gì phải làm và làm bất chấp mình thích hay không thích. Việc em học tiếng Đức là làm theo cảm xúc rồi, không phải làm theo cái “phải làm”. Việc em thay đổi liên tục như vậy là vì cảm xúc thay đổi rất nhanh; em chỉ cần thay đổi cách tiếp cận loại bỏ cảm xúc là em sẽ không rơi vào trạng thái “cả thèm chóng chán”.
      3. Về sử dụng thời gian: tự nhận thấy mình đang lãng phí thời gian là một nhận thức quan trọng mà không mấy người làm được. Giờ em chỉ còn tiến thêm bước đã nhận thức được thì làm gì để sử dụng thời gian hiệu quả hơn.
      4.Về làm nhà nước: anh nghĩ em nên ra ngoài làm nếu như thấy tương lai công việc đó không có nhiều thay đổi. Mình còn trẻ mình phải tìm cách tích tụ năng lực.

      V.D

    • Tôi nghĩ lý do bạn ngại giao tiếp mới là lý do . Con người phải có thú vui để xả stress . Trong công việc cũng vậy phải có niềm vui thì ta mới có thể tiếp tục làm hăng say . Khi càng nghĩ ngợi nhiều thì ta phải có chỗ để xả ví dụ như tìm 1 người bạn để tâm sự , tìm người đồng cảm vs bạn. Nhất là khi bạn lại là người ko rượu bia thì chỉ có trò truyện , đọc sách , nghe nhạc , chạy bộ, v…v. Môi trường nhà nước không hợp vs những người trẻ đâu. Tôi cũng đã từng giống hoàn cảnh như bạn. Tôi nghĩ nên tìm 1 người thầy , 1 người dẫn đường chỉ lối cho bạn, nên tìm 1 người có kinh nghiệm có khả năng truyền niềm cảm hứng cho bạn hoặc bạn có thể tham gia vào Nhóm cùng sở thích vs bạn để thi thoảng gặp gỡ nhau giao lưu .
      Đừng suy nghĩ hay đặt nặng quá nhiều cảm xúc vào một vấn đề gì đó, hãy yên lặng và tìm kiếm cho bản thân một khoảng lặng trong tâm, quên đi hết mọi chuyện trong đời. Giai đoạn trầm cảm ai cũng đã từng trải qua , chỉ có niềm vui mới giải thoát đc . Hãy xách balo lên và đi đến nơi mà bạn muốn khoảng vài ngày để tận hưởng cuộc sống .

      • Những lời khuyên của bạn rất đúng. Thực sự thì giai đoạn trầm cảm, cảm thấy bí bách,…ai trong đời cũng sẽ phải trải qua. Mỗi người chúng ta chỉ được sống một lần vì vậy đừng để tới cuối đời mới nhận ra.
        VD

  16. Chào anh
    Em hiện tại 27 tuổi cần nhờ anh tư vấn giúp em với ạ. Sau khi ra trường em đi làm, sinh sống luôn tại Hà Nội và xin vào công ty thiết kế thi công nội thất bộ phận Kinh doanh, ở công ty đó em đã làm rất tốt công việc của mình đạt vượt chỉ tiêu hàng tháng công ty để ra, cũng có 1 phần may mắn, năm 2013 có những tháng em làm được gần 30tr tiền lương. Lúc đó em cảm thấy mình đủ kiến thức, kinh nghiệm và em đã xin nghỉ việc để quyết định mở công ty công ty của riêng mình sau 2 năm gắn bó với công ty cũ và sau một thời gian hoạt động khoảng 8 tháng vì chưa đủ kinh nghiệm về cách quản lý nhân sự, chiến lược kinh doanh để tìm kiếm khách hàng nên em đã thất bại. Em rút ra được nhiều bài học sau thất bại đó. Không nản chỉ em tiếp tục làm nội thất và mở 1 cửa hàng nhỏ kinh doanh bán sản phẩm nội thất dưới chân công trình chung cư cùng 1 anh nữa. Sau một thời hoạt động cửa hàng làm ăn cũng ổn, lãi đủ duy trì cuộc sống, đến khi công trình kết thúc em và anh ấy không làm cùng nhau nữa vì anh ấy có hướng đi riêng là làm về mảng Rèm cửa mà em thì ko cảm thấy phù hợp với mảng đó. Em lại tiếp tục xin vào công ty ông anh mà em quen cũng làm về nội thất, sau một thời gian đi làm em cũng đã cố gắng rất nhiều. Nhưng không hiểu em lại ko gặp may công ty có rất nhiều công trình nhưng lại liên tục phát sinh lỗi ở khâu thi công và đến lúc đó nghiệm thu em không thể lấy được tiền vì lý do công ty chưa thu được và bù lỗ. Vì là chỗ anh em chơi với nhau nên em cũng nói rất tế nhị và anh ấy hứa sẽ trả tiền trong 1 thời gian khi sắp xếp được và đến nay em vẫn chưa nhận được 1 đồng nào. Khoảng thời gian đó em quyết định nghỉ việc rồi làm kinh doanh tự do, do chán nản và không làm ăn được dẫn đến nợ nần 1 ít em quyết định về quê làm. Về nhà được 1 thời gian em có đi xin vào công ty truyền thông mới thành lập với quy mô nhỏ để làm việc vẫn là bộ phận kinh doanh với mức lương 3 triệu/tháng vì công ty cũng có tiềm năng nên em chấp nhận mức lương khởi điểm đó. Làm được 1 thời gian ngắn là 2 tháng thì có 1 cuộc điện thoại của ông anh ngày trước là đối tác nội thất của em ở dưới Hà Nội gọi điện đến có đề nghị em đi làm cho anh ấy, làm quản lý phòng kinh doanh cho công ty với mức lương 5tr+3-5% doanh thu tổng đơn hàng khách hàng em ký và 1% cố định cho đơn hàng của đối tác. Vì công ty có xưởng sản xuất đồ gỗ đó là 1 lợi thế. Em có nói chuyện với bố mẹ em về tình hình như vậy nhưng bố mẹ e phản đối và không muốn cho em xuống dưới đó làm nữa vì lý do làm trên này sẽ ổn hơn vì có nhà ở, chi phí ít về lâu dài sẽ ổn định hơn. Thú thực thì em cảm thấy cuộc sống ở trên này chưa phù hợp với mình hay bời vì em đã quen với cuộc sống và công việc dưới Hà Nội. Vậy anh cho em lời khuyên được không ạ. Em nên làm ở quê cũng là thành phố ở tỉnh hay xuống Hà Nội ạ. Mong hồi âm từ anh. Em cám ơn ạ!

    • Dear em;
      Em có những trải nghiệm sống mà ở tuổi của em không mấy người có được. Câu trả lời rất dễ đó là em quay lại với con đường cũ, tiếp nhận và tận dụng cơ hội đó. Khi em tiếp nhận cơ hội đó sẽ xuất hiện thêm các cơ hội mới khác nữa. Công việc hiện tại của em lúc nào em cũng có thể có lại được còn cơ hội kia thì xuất hiện trong đời không nhiều.
      chúc em thành công.
      V.D

  17. Bài viết của anh rất hay! Em cũng đang mất phương hướng ko biết nên làm sao. Em bỗng nhiên bị điếc 1 bên tai đã 5 năm đi điều trị rất nhiều ở các bệnh viện nhưng bác sĩ đều không tìm ra nguyên nhân và ko trị được, 2 mắt của em thì vừa cận vừa loạn ko thấy rõ mặc dù đã đeo kiếng chính vì vậy em ko thể đi làm. Gia đình em lúc nhỏ do khó khăn nên ba mẹ đi làm xa em ở với ông bà nội chịu nhiều ức hiếp của cô chú và anh chị em họ nên lớn lên tính em rất nhát, tự ti bị trầm cảm rất nặng. Giờ em chỉ ở nhà nội trợ nhưng gia đình ko hiểu cho em cứ trách móc, so sánh em rất mệt mỏi chỉ muốn chết cho rồi. Anh có thể cho em 1 vài lời khuyên hoặc gợi ý cho em vài quyển sách để em có thể có niềm tin hơn về cuộc sống này. Xin cảm ơn và chúc anh thật nhiều sức khỏe!!

    • Chào bạn! Xin phép được xưng bạn và mình nhé! Không biết bạn có đọc được những dòng này không nhưng khi biết đến được hoàn cảnh của bạn mình không thể kìm được nên xin phép viết vài dòng chia sẻ cùng bạn mặc dù biết không thể làm gì được để giúp đỡ bạn phần nào! Xin được chia sẻ với bạn, cố gắng lên Ngọc nhé 🙂
      Tý nữa thì mình bật khóc đấy, đang cố kìm nén ghê lắm đây 😀

      • Những người gặp nghịch cảnh luôn tạo cảm xúc của người xung quanh rất lớn. Gần đây mình mới đọc cuốn “Điểm đến cuộc đời” của Đặng Hoàng Giang, thấy rằng nghịch cảnh để vượt qua hầu hết phải xuất phát từ người trong cuộc. Những giúp đỡ bên ngoài chỉ là xúc tác thêm; khi người trong cuộc thể hiện ý chí vượt qua nghịch cảnh thì sẽ xuất hiện những người xung quanh giúp đỡ họ.
        Nếu bạn chưa đọc cuốn này thì nên đọc; để thấy rằng cuộc sống xung quanh tưởng như bình thường nhưng trong đó ẩn chứa những cuộc đời phải chịu tới tận cùng nỗi đau. Không phải chỉ có mình mình, có rất nhiều người đang hàng ngày hàng giờ phải chấp nhận đối mặt với nó mà không còn con đường nào khác.

  18. Em chào anh! bài viết của anh thật sự đã giúp đỡ em rất nhiều. Em đang hóa ốm do học hành và nhiều thứ khác. Em đã phải nghỉ học một ngày để ổn định lại tinh thần. Và bài viết đã giúp em thấy khá hơn rất nhiều! Em năm nay đang học lớp 12 và có ước mơ là đỗ vào trường ĐH quân y HN. Nhưng bản thân em khó đạt được chỉ tiêu vì còn thiếu 13cm chiều cao và 9 kg cân nặng. Học lực của em khá đều nhưng dạo này vì ko biết phải theo khối A hay khối B nên em học cả 2 khối luôn. Nhưng học tập và rèn luyện thể lực sau một thời gian lực học và thể chất của em bị giảm đi. Em tiếp thu bài khá chậm, khó nhớ, nhanh quên, hay mệt mỏi. Kết quả là em bị stees nặng, giờ lại bị ốm. Em hoang mang lắm! Tuy giờ đã ổn hơn rồi nhưng em nên làm gì tiếp đây? Liệu anh có thể cho em một vài lời khuyên hữu ích không ạ?

    • Dear em;
      Việc mình làm cái gì phụ thuộc vào sức mình tối đa tới đâu. Lấy ví dụ như anh chẳng có năng khiếu gì về vẽ hay nhạc, có cho anh một trăm năm luyện tập thì cũng chỉ ngang với người có tố chất học vài tháng. Đôi khi giữa cái mình muốn và cái mình có thể đạt được (cho dù với ý chí mạnh mẽ) cách xa nhau. Lúc đó buộc mình phải điều chỉnh lại cái mình muốn cho vừa sức của mình, vừa đủ để mình không nản trí, vừa đủ thách thức để mình phải cố gắng.
      Học hai khối có ưu điểm là em chỉ phải học thêm một môn học nhưng thêm một môn cũng là cả vấn đề. Nếu sức mình không đủ thì nên rút lại học 1 khối thôi. Dành thời gian nghĩ tới chuyên ngành mình sẽ học rồi lựa khối học, có tính tới khối mà mình đang giỏi hơn ( giữa Sinh và Lý)
      đang quá stress thì tốt nhất nên dừng lại vài ngày cho đầu óc sáng suốt rồi suy nghĩ em ạ. Đi sớm không có nghĩa là về đích sớm hơn đi muộn nhưng chuẩn bị tốt.
      thanks.

      • Em cám ơn anh đã cho em lời khuyên. Chắc em đã quá vội vàng rồi! Giờ em sẽ dừng lại nghỉ ngơi một chút, suy nghĩ lại và lên lại kế hoạch khác phù hợp hơn với bản thân!

  19. Chào anh.
    Rất cảm ơn sự chia sẻ của anh.em có một vấn đề nhờ anh tư vấn giúp e ạ,trong web của anh hình như không có bài viết về (triết học),mà em được thầy TS Lê Thẩm Dương chia sẻ rằng triết học cực kì cần thiết bởi nó cung cấp cái nhìn bản chất của cuộc sống(mang tầm chiến lược) và là kiến thức nền tảng cơ bản nhất của con người.nhưng sao em nghiên cứu mãi mà vẫn không thể vận dụng được và không nhận biết nó hiện diện khi nào.anh có thể giải đáp và tư vấn phương pháp học giúp em ạ.Cả môn tâm lý học luôn ạ.

    • Dear em;
      Tâm lý thì em tham khảo mấy bài phi lý trí, trí tuệ cảm xúc. Với mảng triết học anh nghĩ khi em tới một trình độ nào đó mới cần phải nghiên cứu, nghiên cứu sớm quá thì giống như bắt bọn hs lớp 1 giải thích thích tại sao 1+1 =2 thay vì nó chỉ cần nhớ 1+1=2.

      Đôi khi người ta hay dùng những lời lẽ to tát để quan trọng hóa vấn đề; thực tế cái gì muốn thực hiện được đều phải đơn giản. TS Lê Thẩm Dương có những bài giảng hay nhưng không phải những gì ông nói cũng đúng đâu.
      thanks.

  20. Bài viết của anh rất hay ạ. Có rất nhiều chỗ mô tả rất giống hoàn cảnh của em. Em sinh ra trong một gia đình rất nghèo ở một nơi cũng rất nghèo. Từ nhỏ, em đã tự nhủ với lòng là em phải học thật giỏi để thoát được cái nghèo, em không thể sống cuộc sống giống như họ cơm không đủ ăn, mặc không đủ mặc, bạo hành gia đình, cờ bạc, rượu chè… Gia đình em cũng nằm trong hoàn cảnh đó, cuộc sống từ nhỏ của em là đã tự lập rất sớm, em luôn nói với bản thân là tư tưởng của em khác họ, em không thể sống một cuộc đời như họ được. E cố gắng từng ngày, làm đủ việc để học tới lớp 12. Năm đó em nằm trong danh sách đi thi học sinh giỏi ạ (năm 2012) và ngoài dự đoán là em lại trượt, sau đó lại trượt luôn kỳ thi đại học. E đã quyết định ôn 1 năm để thi lại. Xem như đây cũng là cơ hội để mình vừa học vừa làm, chuẩn bị cho 1 năm sau, lúc đó học đại học sẽ tốt hơn. Nhưng em lại trượt và em đưa ra quyết định là học một trường cao đẳng, học một ngành em ko thích. Lúc này em rất thất vọng về bản thân mình. Nhưng em vẫn động viên mình, sau này có điều kiện em sẽ đi học ngành em thích, nhưng em biết rất khó, cái suy nghĩ đó chỉ là tự an ủi mình thôi.
    Học xong năm đầu cao đẳng thì em tìm được việc làm bán thời gian khá ổn, đủ sinh hoạt và tiết kiệm một ít. Dù công việc rất áp lực và mệt mỏi, phải nhịn nhục đủ đường nhưng em vẫn kiên trì làm để duy trì cuộc sống của mình. Em ra trường và vẫn làm chỗ đó gần 1 năm nữa, em vừa mới nghỉ việc. E gom tiền dành dụm của mình để học 1 khóa học không phù hợp với năng khiếu của em, dù em thích nó, nhưng lại học hành không tiến bộ. từ việc thích nó bây giờ em lại rất ghét nó. Em đang có ý định bỏ học cho xong. Kiếm một công việc ổn định và làm lại từ đầu. Nhưng số tiền em bỏ ra cho nó quá lớn, em lại không đành lòng. Em nghĩ thật buồn cười, số tiền 4 năm dành dụm cực khổ trong một phút chốc bay vèo mất. Em thấy hoang mang quá.
    Rất nhiều khi em suy nghĩ về những gì mình trải qua từ bé đến lớn, em thấy mình thật khổ. Trong khi bạn bè em có cha mẹ quan tâm, em lại chẳng có gì, phải tự mình làm tất cả mọi chuyện. Bạn bè em đi học, ba mẹ đưa đi đón về, còn em nhà xa trường 7 cây số em phải thức dậy từ lúc 5h để đi học, đi học về còn phải nhổ cỏ mướn để kiếm tiền đóng học phí, lúc này em mới học lớp 1. Lần nào đi họp phụ Huynh cũng không có người đi, đóng học phí chậm bị kêu tên giữa trường. Cha em đi nhậu xỉn về lại lôi mấy chị em ra chửi dù em không biết mình bị lỗi gì. Có những giai đoạn em rất ghét cha em. Em biết thế là không tốt nhưng em không thể thay đổi cảm xúc của mình.
    Có những lúc làm việc tới xỉu, trong túi không còn tiền cũng chưa bao giờ em nghĩ tới gia đình sẽ giúp em hay cho em lời khuyên nào. Em nghĩ tới là lại thấy thật mỉa mai..
    Em biết sau ngày hôm nay thì ngày mai lại là một ngày khác rồi, con người cũng không thể nào ôm mãi quá khứ và sống với những thất bại của bản thân, phải hướng đến những điều tốt đẹp.
    Nhưng thực sự em không biết mình sống vì gì cả, em chỉ đang tồn tại vì em không thể chết thôi..
    Nếu ai đọc được thì xin cảm ơn vì mọi người đã đọc tâm sự của mình. Mình để lâu quá rồi, quá mệt mỏi.

  21. Chào anh
    Em là học sinh lớp 9 em rất giỏi môn toán .Khi làm bài tập trong lớp học thêm em làm rất tốt thậm chí những bài toán khó em giải cũng đc mà khi lên trả bài em lại không làm được bài tập dễ đến cả hai trung bình cũng làm được .Em khiến thầy rất thất vọng . Giờ em không biết mình phải làm sao

    • Dear em;

      Chắc em gặp vấn đề về cảm xúc thôi. Lúc tập luyện thì rất tốt nhưng lúc thi đấu thì đầu óc không nghĩ được gì. Điều này vẫn cứ gặp ở những vận động viên chuyên nghiệp thì với em nó là việc bình thường. Nếu em càng “thất vọng” thì em sẽ càng để cảm xúc lấn át mình. Em nên biến sự thất vọng thành hành động cụ thể, giải bài toán khi bình tĩnh xem mình có giải được không, tìm ra tại sao lúc lên trả bài mình lại không giải được. Vì thời gian quá gấp, vì mất bình tĩnh, vì thiếu tập trung,….Tìm được nguyên nhân cụ thể thì tìm phương án giải quyết và quyết tâm thực hiện cho bằng được.

      Thanks.

  22. Chào Anh Dũng ạ. Em mới theo dõi khá nhiều bài viết của anh, hầu hết em đều vỡ ra rất nhiều bài học quý giá từ đó. Tuy nhiên có 1 điều em không hoàn toàn đồng quan điểm với anh về quan điểm sau :
    “– Tâm lý tìm tới chỗ dựa phật giáo: Đạo phật sẽ lý giải theo cái cách mà người đó cảm thấy an ủi. Nghịch cảnh xảy ra giúp người đó trả một món nợ trong quá khứ, hãy chịu khó cúng vái thành tâm mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp.”

    Nếu thật sự tìm hiểu kỹ về triết lý của Phật giáo, Đức Phật không hề yêu cầu cúng kiếng gì. Có câu rất thông dụng ” Tu đâu cho bằng tu tại gia” ạ, tức là hãy tu từ trong gia đình – vì gia đình là tế bào của xã hội, nếu không làm được người con hiếu thảo hoặc làm tốt vai trò của mình, thì không nên đến chùa để tu làm gì. Việc cúng kiếng theo em hiểu chỉ là cách để tỏ lòng khiêm cung, tôn kính với một tôn giáo – một hệ tư tưởng, tưởng nhớ về nguồn gốc sâu xa của xã hội chúng ta đang sống, như việc thờ cúng ông bà tổ tiên – đều là việc “uống nước nhớ nguồn” cần phải có.

    Tất cả hình thức, thật ra đều do con người nghĩ ra. Quan trọng là chúng ta phải hiểu được điều cơ bản bất cứ việc mình nên làm trong kiếp người này.

    Rõ ràng, khoa học không phải là tất cả. Chính ngày nay, nhiều điều khoa học không thể chứng minh được, và khoa học còn thừa nhận rất nhiều điều từ Phật giáo phù hợp với phát triển khoa học ạ.

    Tôn giáo là tự do trong chọn lựa của mọi người về con đường tâm linh. Nên có hay không có tôn giáo, hay theo bất cứ tôn giáo nào, điều cốt lõi là sống cho trọn sứ mệnh của mỗi người – hiểu được ý nghĩa sống và tu thân trong từng giây phút hiện diện trên đời này.

    Vừa đọc xong bài có ý khuyên chúng ta nên nâng cao kỹ năng trình bày – 1 trong 5 kỹ năng theo anh Dũng là quan trọng nhất. Thế nên, học đi đôi hành, em bình luận chút suy nghĩ của mình tại đây ạ (hihi).

    Rất cảm ơn anh đã tâm huyết tạo ra 1 website tuyệt vời như thế này ạ!

    • Cảm ơn em; lập luận của em rất đúng. Anh chỉ giải thích thêm về ý tưởng của anh.

      Thường những người trước khi theo phật giáo đã chịu những nỗi đau rất lớn hoặc có một nỗi sợ rất lớn trong tương lai, ít có người nào đang hạnh phúc với cuộc sống mà lại đột nhiên đi tu. Đây là đặc trưng rất khác của Phật giáo so với thiên chúa giáo cũng như các đạo giáo khác. Trên blog này anh cũng có nhiều entry về phật giáo.

      Cái gì cũng có hai mặt của nó, không thể bảo tìm chỗ dựa phật giáo là tốt hay không tốt mà không xét tới bối cảnh của nó. Trong bối cảnh của entry này và trong thực tế anh thấy có nhiều người không thực sự gặp khó khăn quá lớn lại quá dựa vào phật giáo thay vì thay đổi chính bản thân mình. Vì quá dựa vào nên họ tin một cách mù quáng dẫn tới vấn đề của họ lớn lên theo thời gian trong khi họ tự ru ngủ mình trong sự bình an về một viễn cảnh tương lai quá xa vời.

      thanks.

  23. Dear anh Dũng,

    Năm nay em 24 tuổi. Em đã đi làm được 4 năm (em đi làm thêm từ năm 2 ĐH & bỏ không học ĐH từ năm 3 ngành IT). Sau 4 năm đi làm mức lương của em đối với các bạn đã ra trường thì cũng ở mức tạm chấp nhận (~10T). Tuy nhiên em thấy với công sức cũng như thời gian mình bỏ ra thì đó là một thất bại so với kì vọng của em. Hiện tại em đang rất băn khoăn trên còn đường sự nghiệp của mình với 3 hướng: Thứ nhất đi xuất khẩu lao động Nhật có vốn làm ăn, Thứ 2 theo đuổi tiếp ngành IT chuyển môi trường (có thể lương sẽ bị giảm chút) tuy nhiên theo như em nghĩ 2-3 năm nữa cũng chỉ đủ bám trụ ở HN, thứ 3 tiếp tục làm ở môi trường cũ tuy nhiên khả năng phát triển với mức lương cao hơn rất khó.
    Anh cho em hỏi em nên đi theo hướng tập trung phát triển sự nghiệp trước (có thể lương thấp đi) hay đi xuất khẩu lao động Nhật (hướng nông nghiệp công nghệ cao) để có vốn. Em băn khoăn quá, coi như 4 năm phấn đấu cho 1 công ty em tự đánh giá là 1 bước đi sai lầm rồi, nếu thêm 3 năm sai nữa là hết tuổi trẻ luôn ạ.

    Cảm ơn anh.

    • Dear em;

      Em đưa ra 3 phương án:
      PA1: Xuất khẩu LĐ
      PA2: Thay đổi cty (vẫn ngành IT)
      PA3: Tiếp tục làm ở cty cũ

      Em có thể dễ dàng tính toán được PA3 (Ưu điểm và nhược điểm). PA2 khó đoán định hơn vì còn phụ thuộc vào năng lực và sự may mắn của em nữa. May thì đó là lựa chọn tốt hơn còn không may thì có khi lại còn kém hơn PA3.

      PA1 cơ bản là cũng có thể dự đoán được số tiền tích lũy được sau một khoảng thời gian nhất định thông qua việc tìm hiểu những người đi trước. PA1 còn có đặc điểm là có thể có thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (sự kết hợp của công nghệ vốn là nằm trong vùng kiến thức của em và Nông nghiệp). Nông nghiệp công nghệ cao cũng là ngành mà nhiều công ty lớn đang đầu tư vào như Vingroup, Hòa phát, Hoàng Anh gia lai,…

      Lựa chọn PA nào đòi hỏi em phải tự phân tích và quyết định.
      – Nếu em ưa mạo hiểm, thích làm một cái gì đó khác biệt, không còn thích làm ở vị trí hiện tại thì PA1 có thể là một lựa chọn tốt.
      – Nếu em thích ổn định, ngại xa gia đình, cảm thấy khó có thể làm tốt ở vị trí PA1 thì có thể theo PA2 hoặc PA3 nhưng với chiến lược tốt hơn. Với mức lương 10tr/tháng, chịu khó tiết kiệm thì 3 năm cũng có được số vốn kha khá. Nếu theo P/A này em có thể tham khảo bài: https://chienluocsong.com/chien-luoc-tai-chinh-ca-nhan/

      Anh thiên về PA1 hơn so với 2 PA còn lại. Nhiều rủi ro nhưng nếu thành công thì cũng rất xứng đáng.

      Chúc em có được lựa chọn sáng suốt.

      • Em cảm ơn anh. Blog của anh rất hay. Chúc anh nhiều sức khỏe và gia đình hạnh phúc & thành công ạ.

  24. Bài viết của a rất hữu ích… e năm nay 26t mà e thấy e cũng chưa có gì trong tay( CV cũng ko ổn định, bạn trai cũng chưa có) . cuộc sống của e mới sang trang mới cách đây mấy ngày.. e ở tỉnh lẻ lên phố làm việc có ở nhờ nhà anh chị,, nhưng do mẫu thuẫn nên e quyết định ra ở riêng, chỗ e thuê là 1 dãy trọ nhưng phòng nào biết phòng đấy, ko ai nc với ai, lúc nào cũng đóng cửa…mới trải qua 3 ngày mà e cảm thấy cs như địa ngục vậy đi làm đi ăn cái j cũng lủi thủi 1 mình tối về cũng chỉ 1 mình ngồi cắm đầu vào đt… đôi khi chỉ thèm có ai đó để nói chuyện, nhưng xung quanh toàn ng lạ. giờ e mất phương hướng ko biết mình cần gì?/ mình lviẹc phấn đấu vì cái gì? khi ra ngoài sông 1 mình đúng là ko như mình tưởng tượng.. khi sống cùng mn thì nghĩ ra ngoài mình sẽ có nhiều time thoải mái hơn nhưng thật sự là đáng sợ, đáng sợ với ko gian và trong suy nghĩ. E cần 1 lời khuyên giúp e có động lực hơn trong cs thật sự bjo e rất rất buồn

    • Dear em;

      Cái em đang gặp phải là do thay đổi thói quen một cách đột ngột dẫn tới mất cân bằng thôi. Giống như một người nghiện thuốc một ngày hút 1 bao bỗng nhiên giờ không được hút nữa. Con người có khả năng thích nghi rất tốt nên rồi em sẽ quen với cái chuyện đó.

      Bước 1: Em xác định rằng trạng thái đó là hết sức bình thường và mình sẽ vượt qua không sớm thì muộn. Cho dù thế nào thì một lúc nào đó trong đời con người cũng phải đối mặt với việc tự quyết định và tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình.

      Bước 2: Cần chọn cho mình một hoạt động xã hội để tăng cường giao lưu. Tham gia câu lạc bộ, tham gia các khóa học,…Sau khi cảm thấy tươi tỉnh lên thì tiếp tục làm cho mình bận rộn bằng cách đặt ra một mục tiêu nào đó, ví dụ như nghề nghiệp chẳng hạn vì em cũng đang có công việc bấp bênh mà.

      Túm lại, thời gian của em đang có rất nhiều, nếu em không định hướng nó vào việc có ích thì em sẽ chán nản rồi bị vướng vào việc không có lợi về lâu dài.

      Chúc em sớm thích nghi với cuộc sống mới.

      • cảm ơn a ạ… có lẽ e cũng đã dần phải thích nghi với cs mới. e rất tâm đắc câu “ngại thay đổi khó thành công” mình cứ mãi dậm chân tại chỗ, nhàm chán và yên bình thì có lẽ cs sẽ ko còn thú vị, phải có những thử thách để cho mình trải nghiệm. sắp tới e cũng chuyển địa điểm ở mới và có lẽ tiếp theo là công việc mới.

  25. Em cảm ơn bài viết của anh, em cũng đang rất hoang mang vì công việc mà không biết chia sẻ với ai. Em năm nay 26 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành tiếng anh.Em đã kết thúc hợp đồng với công ty được hơn 3 tháng rồi ( em gia hạn HĐ 1 lần, nhưng sau đó k thấy công ty thông báo gia hạn tiếp hay chấm dứt, đến gần ngày kết thúc mới báo) nên lúc nghỉ việc em chưa xin được công việc mới cũng không có nhiều tích lũy. Em cũng đã xin được 1 chỗ làm việc khác, nhưng công việc k như em nghĩ nên em xin nghỉ, hiện tại em không còn hứng thú để xin làm công việc văn phòng nữa, mà muốn làm tạm một công việc lao động theo ca, và tranh thủ ôn luyện tiếng anh để định hướng lâu dài cho tương lai. Nhưng giờ mỗi khi nghĩ đến làm việc đi làm lao động em lại thấy oải, em cũng k biết em nên làm gì nữa. Kiên trì tìm kiếm công việc văn phòng khác hay làm công việc lao động rồi tranh thủ ôn luyện lại kiến thức. Xin anh cho em một lời khuyên

    • Dear em;
      Em năm nay 26 tuổi thì chắc trước thời điểm cty làm 3 tháng cũng phải làm ở đâu đó rồi. Em gặp khó khăn ở việc không tìm được việc văn phòng như mong muốn do vậy định làm một công việc nào đó tạm thời ,trong thời gian đó gia tăng bằng cấp, năng lực (tiếng anh).

      Phương án em đề ra giống như hầu hết phương án của tất cả mọi người nói chung đó là trì hoãn với một lý do rất hợp lý đó là phục vụ học tập tìm kiếm cv mới.

      Phương án của em có một số rủi ro:
      – Không xác định rõ mình yếu gì, cần bổ sung gì nên học không có định hướng dẫn tới mất thời gian trong khi mình cũng không còn quá trẻ.
      – Làm công việc tạm thời một thời gian trong khi không có định hướng lâu dài dẫn càng làm lâu càng ngại phải tìm chỗ mới.
      – Vì em không thích công việc tạm thời nên nhiều khả năng cũng sẽ không trụ được lâu dẫn tới càng mất tự tin.

      Hiện tại em 26 tuổi như vậy cũng không phải quá trẻ nên chiến lược của em sẽ phải khác với các bạn mới ra trường. Anh nghĩ em có thể xem xét lại định hướng nghề nghiệp của mình, xác định rõ vị trí công việc mục tiêu, công việc đó hiện em đang còn thiếu gì, em sẽ dành bao lâu để lấp đầy chỗ thiếu đó. Nếu chỗ thiếu đó có thể thực hiện trong thời gian ngắn 3 tới 6 tháng thì tập trung toàn lực, không đi làm đâu cả. Còn nếu phải mất nhiều thời gian thì đi tìm công việc tạm thời duy trì trong khi thực hiện.

      Mấu chốt ở đây là em phải có mục tiêu và một kế hoạch nếu không sẽ rất lãng phí thời gian. Em cũng chỉ còn 2 tới 4 năm để xác định phương hướng nghề nghiệp và chọn cho mình một chỗ đứng nữa thôi.

      Chúc em thành công.

  26. Hồi trước lúc mới ra trường tiếng anh mình rất kém, gặp người nước ngoài là ấp úng nói không nên lời. Lúc đó bạn mình giới thiệu trung tâm tiếng anh Emas trên đường Sư Vạn Hạnh ở quận 10, họ chuyên môn đào tào tiếng anh dành cho người bận rộn, mình thấy học ở đó rất tốt, cả về chất lượng bài giảng, phương pháp của thầy dạy rất hay, học xong thì mình có thể tự học giao tiếp luôn không cần đến trung tâm nữa. tất cả thời gian học chỉ kéo dài một tháng rất thích hợp cho bạn nào không có thời gian nhé.

    • Sao mình viết một trang dài gởi đến nhờ anh tư vấn mà bây giờ ko thấy đâu cả..Viết xong cũng nhấn Post comment mà..

      • Tại em post trong một comment khác nên không hiện lên ở đầu. Em kéo xuống phía dưới hoặc search theo tên em sẽ thấy.
        Nội dung của em:
        Em đang rất rối và căng thẳng,mong anh tư vấn giúp em với.
        Em học TC Kế toán ra trường gần 3 năm nay, công việc không ổn định. Em không thích ngành mình học mặc dầu bằng loại giỏi, em nghĩ mình đã chọn sai ngành học ( hướng chọn của gia đình). Vừa qua em có làm cho 1 DN tư nhân về viết trang quảng cáo ẩm thực cho các nhà hàng, khách sạn.Công việc của em là đến nếm thử những món ăn mới của nhà hàng và viết bài đăng trên trang quảng cáo ẩm thực Em rất thích và yêu công việc này ( em tự dành tiền lương mua sắm máy ảnh.. loại chất lượng cao để phục vụ cho công việc viết bài, chụp hình ảnh đẹp hơn..)Nhưng doanh nghiệp nhỏ, lương thấp lại không đóng bảo hiểm xã hội nên gia đình em muốn tìm một công việc nhà nước để ổn định sau còn có các chế độ về bảo hiểm.. Vừa qua gia đình có nhờ xin được cho em vào làm công việc giao dịch viên tại một ngân hàng. Em đã xong 2 tháng thử việc, học đào tạo chuyên ngành và chính thức ký hợp đồng hơn 2 tháng nay. Gần một tháng nay do căng thẳng và áp lực công việc, áp lực trong mối quan hệ với đồng nghiệp, em cảm thấy rất mệt mỏi và muốn nghĩ việc. Gia đình đã đặt hy vọng vào công việc này của em và nghĩ rằng em phải có công việc ổn định thì mới lập gia đình.., mặc khác nếu nghĩ việc thì em cũng chưa có công việc nào khác để có thu nhập. Em đã xin nghĩ 2 ngày nay để có thời gian suy nghĩ nhưng sao nghĩ đến việc sẽ đi làm lại sau mấy ngày nghĩ em bổng thấy mệt mỏi, chán chường, không muốn đi làm nữa, gia đình đã động viên em rất nhiều rồi mọi việc sẽ nhanh chóng qua đi, tất cả rồi sẻ đi dần vào quỹ đạo.. Bản thân em tự thấy mình không phù hợp với công việc này, 9 tiếng đồng hồ căng thẳng trong 1 ngày, bản tính em cũng ít nói nên cũng ít nói chuyện, tâm sự với chị em trong phòng, công việc còn mới mẻ mà đôi lúc hỏi thì mọi người do bận việc cũng không trả lời nên em càn bị áp lực về công việc , nhiều lúc bị rối không biết xử lý công việc như thế nào..
        Em mong anh tư vấn giúp em với, em có nên nghĩ việc để theo đuổi công việc mà mình yêu thích không ( chế biến thức ăn, viết những bài nhận xét về ẩm thực..)
        Anh tư vấn gấp giúp em vì đã hết 2 ngày xin nghĩ việc. Em cám ơn nhiều

    • Dear em;
      Lựa chọn công việc nào đó dựa vào mấy tiêu chí:
      – Mình có thích làm không? có đam mê không?
      – Mình có thể làm giỏi không?
      – Công việc đó có mang lại tiền hay lợi ích lâu dài nào không?

      Ví dụ em có thể rất thích vẽ tranh nhưng vẽ không giỏi vì vậy không bán được. Với việc chế biên thức ăn, viêt bài,…. thì em cũng phải xem tương tự, đúng là em có thích nhưng có thể làm giỏi không? công việc đó có mang lại tiền hoặc có tiềm năng phát triển dài hạn không?

      Đối với công việc ngân hàng, lợi thế khá rõ là đúng vào chuyên ngành em học. Công việc đó em hiện không thích bởi áp lực trong công việc va các mối quan hệ nhưng về dài hạn công việc đó mang lại lợi ích (sự ổn định, thu nhập,..)

      Công việc nào cũng thế thôi, mới làm bao giờ cũng đầy áp lực. Áp lực đó là do nó mới với mình nên làm mất thời gian. Khi đã làm quen áp lực sẽ giảm xuống dần dần. Nếu đồng nghiệp trong phòng không trả lời em thì đa phần xuất phát từ câu hỏi của em không đúng lúc hoặc không đáng để họ phải mất công trả lời.

      Anh nghĩ trước mắt em vẫn nên làm ngân hàng. Vì lợi ích nhìn rõ trước mắt là rèn luyện được khả năng chịu áp lực. Sau này sang việc khác đỡ áp lực hơn cũng dễ dàng. Ngay từ đầu đã chọn công việc dễ thì sau này rất khó để vượt qua các công việc khó. Khó trước dễ sau còn hơn là dễ trước khó sau.

      thanks.

  27. Cảm ơn bài viết của tác giả, em năm nay là sinh viên năm 3 nhưng em cảm giác bị áp lực rất lớn từ phía gia đình, em học ngành luật nhưng về phía mẹ em cứ bị tác động từ phía bên ngoài tác động nói bảo ngành này không xin được việc, thất nghiệp phải học cái khác để làm trái ngành,… rồi tạo áp lực cho em bắt em phải học thêm cái gì nữa. Nhưng bản thân cá nhân em thấy học nhiều không phải là tốt mà chỉ muốn tập trung vào một cái duy nhất ( có thể nói em chưa tính xa như mẹ mình ) nhưng đôi khi mẹ em gây áp lực quá lớn làm em rất mệt mỏi. Khi mẹ hỏi tương lai con thất nghiệp thì làm gì dẫn đến em cũng rất mệt mỏi. Em thật sự rất buồn!

    • Dear em;

      Mẹ em chưa tin em là do bản thân em cũng không tin tưởng.

      Nghề luật sư, bác sĩ là hai trong nhiều nghề bị ảnh hưởng lớn của cuộc cách mạng 4.0. Nói vậy không phải là trù ẻo gì ngành luật. Học luật giúp gia tăng khả năng tư duy logic rất tốt, áp dụng trong nhiều ngành nghề chứ không phải mỗi tư vấn luật.

      Nếu em đang xuất sắc và đang yêu thích thì em cứ chuyên tâm vào học. Nếu thấy mình chỉ ở mức trung bình, ko có gì nổi trội thì cũng nên thử nhiều phương án khác. Đó không phải là lựa chọn mang tính đánh đổi. Em có thể làm song song hai việc mà.

      Nếu em quyết tâm chỉ theo ngành luật này thì nên làm mẹ em yên tâm bằng cách đi làm thêm song song với việc học. Công việc đó cần liên quan tới ngành em đang học, cho dù không lương cũng được.

      Lúc là sinh viên nên cố gắng làm thêm bên ngoài nhiều để gia tăng kinh nghiệm sống em ạ.
      thanks.

  28. Em chào anh ạ. Trước tiên em rt cám ơn bài viết chia sẻ của anh khi mất phương hướng. Anh có thể tư vấn một chút về tình hình của em được không ạ? Em là nữ, 27 tuổi. Em ra trường cũng 4 năm rồi ạ, nhưng thời gian đầu, phải đến 3 năm em chơi vơi mất phương hướng, quay cuồng trong việc muốn đi du học, làm việc không chuyên tâm và cũng không chuyên sâu về công việc. Nên CV của em khá là xấu. Chỉ có 1 năm trở lại đây, em mới làm việc đúng chuyên nghành của em. Nhưng công việc hiện tại em không học hỏi được nhiều lắm, khả năng có thêm kinh nghiệm là tương đối nhỏ. Sau 1 năm làm việc, em đang định tìm công việc mới để nâng cao chuyên môn. Tuy nhiên, vì là nữ tuổi cũng cao nên em hơi khó tìm việc (Em học về kỹ thuật ạ) Hiện tại, có một công ty mới nhận em, nhưng công ty này cũng có vẻ không tốt lắm (theo trực giác của em) Em không muốn vào công ty này lắm nhưng nếu từ chối công ty này em không biết liệu em có còn được công ty khác nhận không. Công việc mới có thể lên kinh nghiệm nhưng môi trường ko ổn lắm. Công việc hiện tại không lên kinh nghiệm nhưng môi trường thân thiện. Em cũng rất băn khoăn, rốt cuộc là mình muốn gì. Kinh nghiệm hay môi trường? Em nên tiếp tục làm công việc này rồi chờ một cơ hội khác hay đổi công việc ạ? Em rất sợ nếu đổi việc, làm không tốt, em lại nghỉ việc ở nhà. Mà cảnh ko có việc kinh khủng lắm ạ. Em thực sự không muốn rơi vào hoàn cảnh đó. Anh có thể cho em chút lời khuyên được không ạ? Em cám ơn anh ạ.

    • Dear em;
      Anh nhớ trong cuốn “Dạy con làm giàu” tập 3 của Robert Kiyosaky có đoạn như thế này:

      Chúng ta không cần thiết phải yêu phương tiện dùng để đi tới đích, quan trọng cuối cùng là phương tiện đó có đưa ta tới đích được không. Ví dụ như em rất ghét đi máy bay nhưng nếu không đi thì em không thể đi bộ tới TP HCM từ Hà Nội trong vòng hơn 3 giờ được.

      Tương tự tình huống này, em phải tự hỏi mình trong mỗi trường hợp (cty cũ và cty mới), rằng “phương tiện” đó có giúp em tới đích được không? Thà em không thoải mái trong hai giờ bằng máy bay còn hơn là em vật vã đi xe khách từ Hà Nội tới Sài gòn trong 24 giờ.

      Cty cũ mang lại sự thoải mái nhưng có giúp em tới đích không? Công ty mới mặc dù “không thoải mái” và “đầy rủi ro” nhưng có giúp em tới đích nhanh hơn hay không.

      “Kinh nghiệm” có phải là cái đích và nó có phải là chỉ có con đường học hỏi từ công việc? “kinh nghiệm” bao nhiêu là đủ? Và Nếu đủ dùng để làm gì?

      Tóm lại, việc quyết định ở lại hay ra đi cũng giống như việc em phân tích lựa chọn phương tiện giữa xe máy, ô tô và máy bay để đi từ Hà Nội tới TP HCM. Em có một đích đến, một lượng tiền, một lượng thời gian, có sở thích cá nhân và em chọn ra phương tiện mình thấy phù hợp nhất.

      Chúc em có được lựa chọn cho riêng mình

      anh V.D

      • Em cám ơn lời khuyên của anh ạ. Nhờ lời tư vấn của anh em đã hiểu nhiều điều.
        Còn một chuyện, em không rõ lắm, mọi người đều bảo em là em lớn tuổi rồi, tìm công việc ổn định thôi. Nhưng em cũng đã mất định hướng 3 năm, em thật sự rất muốn bắt đầu lại từ đầu, chứ không phải chỉ an phận một chỗ. Việc em muốn bắt đầu lại thực sự cũng có khó khăn. Vì bây giờ các công ty cũng ít khi muốn tuyển 1 nữ lại học kỹ thuật, ít kinh nghiệm và cao tuổi như em. Em vẫn đang cố gắng tìm một công ty như vậy. Liệu điều em đang làm có phải là điên rồ như mọi người vẫn nói không ạ? Có phải em nên nghe theo lời khuyên đó. Nhưng bản thân em vẫn cảm thấy thiếu một chút gì đó trong cuộc sống nếu làm như vậy ạ.

    • Em đang rất rối và căng thẳng,mong anh tư vấn giúp em với.
      Em học TC Kế toán ra trường gần 3 năm nay, công việc không ổn định. Em không thích ngành mình học mặc dầu bằng loại giỏi, em nghĩ mình đã chọn sai ngành học ( hướng chọn của gia đình). Vừa qua em có làm cho 1 DN tư nhân về viết trang quảng cáo ẩm thực cho các nhà hàng, khách sạn.Công việc của em là đến nếm thử những món ăn mới của nhà hàng và viết bài đăng trên trang quảng cáo ẩm thực Em rất thích và yêu công việc này ( em tự dành tiền lương mua sắm máy ảnh.. loại chất lượng cao để phục vụ cho công việc viết bài, chụp hình ảnh đẹp hơn..)Nhưng doanh nghiệp nhỏ, lương thấp lại không đóng bảo hiểm xã hội nên gia đình em muốn tìm một công việc nhà nước để ổn định sau còn có các chế độ về bảo hiểm.. Vừa qua gia đình có nhờ xin được cho em vào làm công việc giao dịch viên tại một ngân hàng. Em đã xong 2 tháng thử việc, học đào tạo chuyên ngành và chính thức ký hợp đồng hơn 2 tháng nay. Gần một tháng nay do căng thẳng và áp lực công việc, áp lực trong mối quan hệ với đồng nghiệp, em cảm thấy rất mệt mỏi và muốn nghĩ việc. Gia đình đã đặt hy vọng vào công việc này của em và nghĩ rằng em phải có công việc ổn định thì mới lập gia đình.., mặc khác nếu nghĩ việc thì em cũng chưa có công việc nào khác để có thu nhập. Em đã xin nghĩ 2 ngày nay để có thời gian suy nghĩ nhưng sao nghĩ đến việc sẽ đi làm lại sau mấy ngày nghĩ em bổng thấy mệt mỏi, chán chường, không muốn đi làm nữa, gia đình đã động viên em rất nhiều rồi mọi việc sẽ nhanh chóng qua đi, tất cả rồi sẻ đi dần vào quỹ đạo.. Bản thân em tự thấy mình không phù hợp với công việc này, 9 tiếng đồng hồ căng thẳng trong 1 ngày, bản tính em cũng ít nói nên cũng ít nói chuyện, tâm sự với chị em trong phòng, công việc còn mới mẻ mà đôi lúc hỏi thì mọi người do bận việc cũng không trả lời nên em càn bị áp lực về công việc , nhiều lúc bị rối không biết xử lý công việc như thế nào..
      Em mong anh tư vấn giúp em với, em có nên nghĩ việc để theo đuổi công việc mà mình yêu thích không ( chế biến thức ăn, viết những bài nhận xét về ẩm thực..)
      Anh tư vấn gấp giúp em vì đã hết 2 ngày xin nghĩ việc. Em cám ơn nhiều

  29. Em chào anh, cũng như các bạn khác em mới đọc bài viết của anh và đã suy nghĩ rất nhiều. Em 24 tuổi, đang đi du học ở nước ngoài. Và vào ngay lúc này đây, trong đúng 1 ngày nữa em phải nộp luận văn master mà em chưa viết một chữ nào. Em vừa thấy sợ vừa thấy trống rỗng khi bản thân không có một chút động lực nào trong khi áp lực thì rất nặng nề, áp lực về tương lai, gia đình, nợ nần …
    Em xin lỗi em không muốn nói kỹ hơn về ngành học, vì em sợ người thân chẳng may lạc vào đây đọc được sẽ nhận ra em. Nói chung em đã học một ngành mà em không thích nhưng vì gia đình hướng cho nên em cũng phải theo đuổi, sau đó em lại đổi ngành vì không chịu đựng nổi, nhưng đổi sang ngành cũng hơi liên quan đến ngành trước để có thể học tiếp tục, vì em không thể / không dám học lại từ đầu một ngành mà em thích, vì em sợ cũng chẳng đi đến đâu. Rồi tiếp tục ngành này em lại tiếp tục chán nản.
    Em có tuổi thơ không hạnh phúc lắm, em bị bắt nạt ở trường rồi bố mẹ thì chia tay, khi lớn em không hợp với một ai, em luôn gặp thất bại, em học và làm những thứ mình không muốn mình không thích, em hay bị người ta bỏ rơi, em cũng không có bạn bè thật lòng, chưa từng có một ai yêu em.
    Em không để ý rằng mình đã bị trầm cảm từ mấy năm nay và em cảm thấy bản thân đang dần lún sâu vào bế tắc, như là dẫm chân vào bùn lầy mà không nhấc được chân ra vậy. Em nghĩ đến chuyện tự tử rất nhiều lần, thậm chí từ khi còn bé em đã nghĩ đến rồi. Nhưng em biết, như anh nói, đúng là vậy, việc chấm dứt cuộc sống thật ngu ngốc vì những lý do anh đã nói ở trên. Vậy là em quyết định lại tiếp tục sống tiếp cuộc đời vô nghĩa này.
    Vì những cảm xúc mặc cảm tự ti cả bế tắc nữa, một năm gần đây em đã không còn gặp ai nữa cả, em tự cách ly bản thân mà thực ra chẳng muốn điều đó, bạn bè không còn đến một người, người thân cũng chẳng thể trải lòng. Em thực sự mơ ước có một ai đó, một người thân một người bạn một người yêu hay ai cũng được, chỉ cần một người thôi ở bên cạnh mình, ủng hộ mình, nghe những tâm sự của mình mà không đánh giá, không xỉ vả, không âm thầm mỉa mai, không hả hê về những bất hạnh của mình. Em thấy chuyện đó thật quá xa xỉ trong xã hội này. Em thực sự rất cô độc.
    Em hay nằm mơ, trong những giấc mơ em được yêu thương, em sống một cuộc sống mơ hồ mà trong đó em cảm thấy rất hạnh phúc, đến nỗi khi tỉnh dậy em vẫn còn cảm nhận được cái cảm giác hạnh phúc ấy rất mãnh liệt, rồi em cứ muốn ngủ mãi để được mơ tiếp như vậy.
    Em sợ lắm, em sợ em sẽ bỏ cuộc mà tìm đến cái chết. Em không có dũng cảm làm lại cuộc đời hay là em không biết làm cách nào để thoát ra.

    Em vẫn còn chút hy vọng muốn làm lại từ đầu nhưng lại không dám và không có động lực nữa. Em lúc nào cũng suy nghĩ quá tiêu cực và em không biết phải làm sao. Giá mà em không yếu đuối như bây giờ.

    Em cảm ơn anh nếu anh có đọc được những chia sẻ không đầu đuôi này, em cũng cảm ơn vì anh đã có một bài viết hữu ích.

    • Einstein nói “Chúng ta không thể giải quyết vấn đề với cùng mức tư duy chúng ta tạo ra chúng”. Khi gặp một vấn đề nào đó nếu chỉ ngồi nghĩ giải pháp cho vấn đề đó thì đó là chúng ta đang dùng chính tư duy tạo ra vấn đề để giải quyết vấn đề.
      Khi gặp một bế tắc nào quá lâu, anh sẽ ngừng tư duy theo cách vẫn thường làm mà cố gắng đẩy tư duy mình lên cao hơn bằng cách đặt câu hỏi : Đây có phải vấn đề mà nhiều người gặp phải hay chỉ có một vài người như mình? Nếu gặp phải vấn đề này thường họ sẽ giải quyết như thế nào?

      Anh sẽ cố gắng tách biệt ra khỏi bản thân và nhìn nhận chính mình một cách khách quan. Nếu không tách biệt ta sẽ dễ bị nhìn vấn dề một cách rất chủ quan; ủng hộ bản thân, thỏa hiệp với bản thân. Và vấn đề sẽ vẫn còn đó.

      Những lúc như thế này phải làm khác đi, làm khác so với những cái mình vẫn thường làm. Những cái làm khác đó có thể rất điên rồ nhưng nó sẽ giúp ta nhìn ra một con đường đi khác với con đường ta đang đi.

      Vấn đề của em là nằm ở nhận thức sai về thế giới xung quanh chứ không phải là do thiếu năng lực. Trong con mắt em, thế giới đang vận động theo đúng nhận thức mà em đang có. Thực tế mọi thứ không như em nghĩ, chẳng qua vì em nghĩ tiêu cực nên luôn nhìn góc độ ở hướng tiêu cực và nghĩ rằng mọi thứ đều tiêu cực.

      Khi thái độ sống của em tích cực hơn thì mọi thứ xung quanh em sẽ thay đổi. Một người buồn đau có đi giữa vườn hoa cũng không thể cảm thấy vẻ đẹp của các bông hoa.

      Ngồi nghĩ thì không thể thay đổi nhận thức được. Phải làm một cái gì đó khác đi, trái ngược lại hoàn toàn con người cũ của em bất chấp thích hay không thích.

      • Em rất cám ơn anh vì đã trả lời chia sẻ của em.
        Đúng là bản chất của em là nhận thức mọi vấn đề theo hướng tiêu cực nên em luôn gặp thất bại và có những quyết định sai lầm. Thêm nữa là em lại rất nhu nhược, lúc nào em cũng sợ hãi và buồn phiền khi gặp bất cứ một vấn đề gì.
        Em đang dần dần cố gắng (trong tâm trí) tìm ra định hướng và lên kế hoạch thay đổi bản thân, nhưng em lại gặp phải rào cản, những yếu tố khác chi phối khiến em không có đủ dũng cảm để làm cái gì đó khác hẳn đi. Những yếu tố mà em nói đó vừa là thời gian không ủng hộ (ý em là tuổi tác), rồi tài chính không có (chưa nói đến nợ phải trả), rồi gia đình, rồi định kiến xã hội, … Em cứ quay cuống với những áp lục và lo lắng khiến em không còn sáng suốt nữa.
        Em thực sự muốn đi hẳn sang một con đường khác như anh nói, làm thế nào để có dũng khí và sáng suốt gạt bỏ hết đi và làm lại bây giờ ạ ? Đầu óc của em bây giờ u tối lắm.

        • Dear em;
          Một học sinh mẫu giáo không thể giải bài toán lớp 12 nhưng 12 năm sau nó sẽ giải bài toán lớp 12. Tương tự một người chưa từng tập chạy bộ không thể chạy 42km trong lần đầu tiên. Cái gì cũng phải có từ nhỏ tới lớn, việc nhỏ tới việc lớn.
          Câu hỏi em phải trả lời là “Ngoài việc phải thay đổi, mình có lựa chọn khác không? “. Nếu như không có lựa chọn khác thì phân vân làm gì cho tốn thời gian. Nếu một việc bắt buộc phải thực hiện thì thực hiện sớm ngày nào tốt ngày đấy. Em còn hơn 50 năm phía trước cơ mà. Mỗi ngày một bước nhỏ thì rồi cũng sẽ tới đích.

          Bài toán em đang phải giải rất khó, trình độ hiện tại chưa làm được, cũng giống như em mẫu giáo muốn giải toán lớp 12 vậy. Càng lớn lên thì càng chỉ có một mình mình xoay xở với bài toán của mình. Em phải tách bài toán của em ra thành nhiều bài toán nhỏ, lựa chọn bài toán nhỏ vừa sức và bắt tay vào thực hiện.

  30. Chào anh Dũng,

    Trước hết em xin cảm ơn vì những bài viết của anh, em đọc bài nào cũng thấy rất thấm thía.
    Em muốn được anh tư vấn để có thể giúp đỡ anh trai đang thất nghiệp. Anh trai em từng là một công chức, có vợ con, thu nhập ổn định. Nhưng vì sa đà bài bạc, rồi nợ nần, và kết cục là bỏ việc trốn nợ, thất nghiệp…
    Hiện nay, vì được gia đình giúp đỡ, anh ấy đã giải quyết được vấn đề nợ nần. Tuy nhiên, vì nhiều tuổi và thiếu kỹ năng nên xin việc làm ở đâu cũng chỉ được một thời gian là bỏ. Em hay nói đùa, có lẽ công việc phù hợp nhất với anh ấy là làm một “công chức”, nhưng anh ấy đã từ bỏ và bây giờ cũng không thể xin lại được.
    Hiện nay anh ấy đang làm hợp đồng thời vụ lao động chân tay tại một nhà máy, công việc tương đối nặng nhọc, mà sức khỏe anh ấy lại không tốt. Bản thân anh ấy thì chưa bao giờ biết mình muốn làm gì thực sự, không có phương hướng.
    Em rất lo lắng cho anh ấy và nghĩ thương bố mẹ già nhiều tuổi rồi mà vẫn phải lo cho con trai.
    Em có ý định giúp đỡ anh ấy bằng cách đầu tư cho anh ấy mở một cửa hàng tạp hóa để buôn bán nhỏ. Nhưng em cũng không biết làm như thế có ổn không, vì không phải ai muốn kinh doanh cũng thành công. Bản thân em chỉ là người làm kỹ thuật, không phải người làm kinh tế, nên không hiểu biết về lĩnh vực này.
    Em mong anh có thể tư vấn giúp em. Em có nên giúp anh kinh doanh nhỏ hay không, trước khi giúp em nên tư vấn cho anh ấy như thế nào…? Anh ấy nên chuẩn bị gì để bắt đầu công việc mới này?
    Em cảm ơn anh rất nhiều.

    Em gái bối rối,
    P.T.

    • Dear em;

      Việc giúp đỡ anh em chỉ thực sự hiệu quả khi đàm bảo hai điều kiện:
      1. Họ muốn được em giúp đỡ
      2. Em giúp đỡ đúng cái họ muốn

      Điều kiện 1 em chắc cũng thấy dễ hiểu. Giống như em nhìn một người nghiện và em nghĩ rằng cần phải cai nghiện cho họ, nhưng bản thân họ lại không có nhu cầu cai. Khi em nhìn thấy họ có cuộc sống vật chất thiếu thôn, em muốn giúp đỡ họ nhưng có khi họ chẳng thấy mình thiếu thốn gì.

      Nếu anh em thấy rằng mình chẳng cần sự giúp đỡ thì em nhẩy ngay vào giúp đỡ sẽ không hiệu quả. Phải xây dựng nhận thức đó đã. Anh em phải thấy rằng mình đang có vấn đề và cần phải thay đổi hiện trạng.

      Giống như cho người ta ham muốn có cá thì họ sẽ tìm cách bắt cá bằng cách này hay cách khác. Nếu họ không có ham muốn, em cho họ cần câu thì họ sẽ câu vài ngày, thấy không hiệu quả họ vứt đi luôn.

      Điều kiện 2: Trước khi em định mở một cửa hàng thì em phải có một bước đó là biến ý tưởng đó thành của anh ta. Ý tưởng đó là của em; nhưng em phải khiến nó thành mong muốn của chính anh ta. Anh ta cảm thấy rằng đó là con đường tốt, đó là cơ hội lớn mà anh ấy phải nắm lấy.
      Anh ta sẽ phải là người đi tìm vị trí cửa hàng, đối tượng KH của mình là ai, quyết định bán cái gì, với LN tối thiểu bao nhiêu mỗi tháng, cần bao nhiêu vốn,…em chỉ hỗ trợ anh ta tiền thôi. Nếu như em lại là người đi làm tất cả mọi thứ sau đó đặt anh ấy vào đó thì cầm chắc thất bại.

      Giả sử như anh ý không có đủ khả năng làm mọi thứ và đòi hỏi em giúp đỡ thì anh ấy phải được joint vào tiến trình công việc của em. Anh ấy phải cảm thấy mình là một phần tạo lên cái cửa hàng đó. Có như vậy anh ý mới quý và vượt qua những khó khăn sau này.

      Một cửa hàng tạp hóa nhỏ giờ cũng không đơn giản đâu vì phải cạnh tranh với siêu thị, cửa hàng tiện ích chuỗi,…Các lựa chọn khác có vẻ dễ hơn như quán cafe, đồ ăn vặt, đầu tư một khóa học ngắn hạn nào đó để bổ sung kỹ năng,..

      Anh thấy giúp đỡ người lạ còn dễ hơn giúp đỡ người trong gia đình, dao sắc không mài được chuôi, bụt chùa nhà không thiêng.

      chúc em giải quyết được vấn đề phức tạp này.
      thanks.

      • Em vô cùng cảm kích vì anh đã feedback lại em nhanh quá, lại còn rất chí lí nữa chứ:)!
        Em cảm thấy rất may mắn vì đã tình cờ biết được blog này của anh.
        Cảm ơn anh!

        With all of my respect and appriciation for your knowledge and writings!

  31. Cảm ơn anh đã viết bài này. Bài đọc rất hay và ý nghĩa. E đang có tâm trạng chán nản, tiến không được lùi cũng không xong. Đọc bài chia sẻ của anh xong cảm thấy nhẹ nhàng hơn và khuyên bản thân nên hạnh phúc và hài lòng với những gì mình đang có.

  32. Chào anh!
    bài viết của anh rất hay, cảm ơn anh nhiều! E cũng đang rơi vào trạng thái mất phương hướng nghề nghiệp, anh có thể tư vấn cho em được không ạ!Em năm nay 32 tuổi, tốt nghiệp bách khoa hà nội, hiện tại e đang làm việc ở 1 đơn vị hành chính sự nghiệp nhưng không đúng chuyên nghành, vì vậy cơ hội thăng tiến là không có, thu nhập khá nhưng không chắc sẽ ổn định và không có tương lai, em có con nhỏ nên rất phân vân về sự thay đổi công việc, nhưng nếu không thay đổi thì lại sợ lớn tuổi khó cơ hội nữa. hiện tại, e có thêm 1 bằng kinh tế nhưng chưa có kinh nghiệm làm việc, bằng chính thì lâu không dùng đến chuyên môn nên kiến thức cũng mai một ít nhiều, giờ em lo lắng cho sau này nhưng không biết có nên nghỉ việc bắt đầu từ đầu hay không? anh cho em lời khuyên với!

    • Dear em;
      Xác định làm nhà nước là không thể đạt được mục tiêu tài chính cao cho dù đó có là đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính. Nếu em đã coi trọng vấn đề tài chính mà môi trường hiện tại và tương lai không thể đáp ứng được thì chỉ có một con đường là ra ngoài.
      Nếu đã xác định đây là việc phải làm thì xây dựng kế hoạch để ra ngoài. Em tham khảo thêm bài : https://chienluocsong.com/7-nguyen-nhan-dan-toi-nghi-viec/ Trong này có mục ” Chiến lược tìm công việc mới”

      thanks.

  33. Em chào anh,
    Em biết được bài viết này khi em google search “tôi phải làm gì khi mất phương hướng”.
    Em nay nay đã 26t, tốt nghiệp master, chuyên ngành business bên Hàn Quốc. Sau khi tn xong, thì em chuyển sang học engineering anh ạ. Lúc làm hồ sơ xin học bổng, bạn bè đều ngăn cản em vì thấy em quá liều lĩnh, nhưng lúc đó được gia đình ủng hộ và em cũng được một trường nhận nên em bắt đầu chuyên ngành mới của mình. Tính tới thời điểm này, đã hơn một năm trôi qua, thành tính học tập của em cũng rất khá, nhưng em đã xin nghỉ học, vì phát hiện ra nó không hợp với mình. Và nếu tiếp tục bỏ ra 4 năm nữa để hoàn thành chương trình (dạ học bổng của em là dành cho tiến sĩ) thì em cũng không thu được kết quả gì, cũng có khả năng là không tốt nghiệp được.

    Sau khi xin nghỉ, em xác định phải xin việc nhưng vì rào cản ngôn ngữ, bên này họ chủ yếu dùng tiếng Hàn chứ tiếng Anh không mấy thông dụng ạ. Thế là em lại đầu tư học tiếng Hàn. Nhưng càng học em càng thấy bế tắc anh ạ. Mỗi ngày trôi qua em cứ lặp đi lặp lại mọi thứ như một cái máy. Em ngại tiếp xúc với bạn bè, ngày nghỉ thì ở nhà ngủ, không thì đi làm thêm. Thực sự thì em không biết bản thân mình muốn gì cả. Bạn bè em hay bảo vì em quá tham vọng, nên việc xin nghỉ học, làm em thất vọng về bản thân mình, rồi đâm ra chán nản.

    Một số bạn bè bảo em nên về VN xin việc, rồi đi làm. Gia đình em và ngay cả bản thân em cũng không muốn về anh ạ. Mà ở bên này, nếu cứ tiếp diễn mọi việc như thế này, em sợ một ngày mình rơi vào trạng thái trầm cảm mất thôi. Dạ em mong nhận được lời khuyên từ anh.

    Dạ em cảm ơn,
    Chúc anh ngày mới tràn đầy năng lượng và sức khỏe.
    Trân trọng.

    • Dear em
      rõ ràng là quá trình học của em thể hiện năng lực của em cũng rất khá. Anh chỉ có thể khuyên trên cơ sở logic thôi còn thực trạng của em mình em hiểu, em sẽ tự đánh giá được mình nên làm gì.

      Phương án học tiếng hàn sau đó làm việc ở hàn của em có một bất lợi đó là em phải học tiếng hàn thành thạo thì mới ngang mặt bằng của người hàn quốc (vốn tiếng mẹ đẻ là tiếng hàn). Em phải đặt câu hỏi là giả sử em đã giỏi tiếng hàn thì em có lợi thế gì khác so với những người bản địa không? ví dụ như kỹ năng, kiến thức, thái độ nào đó nổi trội hơn so với những ứng viên khác.

      Nếu em xác định là có lợi thế thì việc học tiếng hàn ở hàn quốc chắc không khó. Anh đoán là em đang ở trạng thái ” giả sử mình giỏi tiếng hàn thì cũng chưa biết xin việc gì và có xin được hay không?” Vì vậy cái em có thể làm trước mắt là tĩnh tâm suy nghĩ đặt tình huống nếu mình giỏi tiếng Hàn thì mình sẽ nhắm vào vị trí nào? Liệu có xin được không? Anh nghĩ rằng em nên tập trung vào các công ty đang có kinh doanh tại Việt Nam, các công ty này sẽ ưu tiên những người hiểu văn hóa, ngôn ngữ Việt.

      Một hướng khác, đó là di chuyển về Việt Nam. Khi về Việt Nam thì so với những người việt nam khác em có cùng mặt bằng về tiếng việt nhưng nổi trội về tiếng anh. Ngoài ra do thời gian học ở Hàn quốc dài nên em am hiểu văn hóa hàn quốc cũng sẽ là một lợi thế của em. Em có thể xin vào các công ty ở Hàn quốc đang đầu tư vào Việt Nam. Anh thấy nhiều sinh viên hàn quốc sang việt nam học ngôn ngữ cũng đang nhằm vào các công ty đầu tư vào việt nam. Sau khoảng 2 tới 3 năm ở Việt nam, tích lũy được kinh nghiệm và có thể song song học tiếng hàn thì em quay lại Hàn quốc làm việc.

      chúc em có được lựa chọn đúng đắn.
      anh V.d

  34. Chào a Dũng. E năm nay 24 tuổi. E cảm thấy con người e thay đổi rất nhanh. Ngày xưa đi học cấp 3 e rất ít khi nói dối. Nhưng ra học đại học e bắt đầu nói dối nhiều dối từ chuyện nhỏ nhặt. E ko hiểu nỗi sao lại thế. Nhiều lúc dằn vặt bảo là lần cuối nhưng đâu lại vào đó. 3 năm học bách khoa 3 năm học xây dựng mà toàn dỡ dang. Ko được gì mà làm khổ rất nhiều người. E dường như tính càng ngày càng trẻ con. Ko suy nghĩ. Ko lo âu. Ko định hướng . Giờ e ko biết làm gì để thay đổi con người e. Gặp người ngoài người ta cứ bảo mày học cấp 3 à. E chán quá. E để nhiều người suy ngĩ cho mình quá. A có thể cho e định hướng giúp e được ko ạ. Thank a.

    • Thói quen của con người thay đổi theo hướng xấu thì dễ mà theo hướng tốt thì khó. Ví dụ như đang dậy sớm, dậy muộn thì dễ; ngược lại thì khó.

      Ngoài ra con người có đặc điểm gọi là dễ buông thả. Lần đầu khó nhưng các lần sau đâm lao theo lao. Ví dụ như đang thực hành tiết kiệm, bỗng tiêu một khoản, thế là lại lập tức tiêu khoản khác (mà không dừng lại)

      Em quan sát lại cái thời điểm mình bắt đầu thay đổi thì chắc sẽ hiểu. Môi trường xấu + sự buông thả = kết quả đó. Muốn làm ngược lại thì đòi hỏi nhiều khó khăn nhưng kiểu gì em cũng phải cố gắng sửa dù sớm hay muộn. 24 tuổi so với đời người cũng chưa là gì, vẫn có thể sửa được.

      Cách làm, đặt ra các mục tiêu nhỏ sau đó khi thực hiện được cảm thấy tự tin thì đặt mục tiêu lớn hơn tí; cứ vậy dần dần sẽ thay đổi. Khi chưa đủ tự tin rằng mình có thể thay đổi thì đừng đặt mục tiêu lớn quá.
      chúc em thành công.

  35. Em năm nãy học lớp 9 chuẩn bị sang lớp 10 gia đình e đổ nợ vào năm e học lớp 5 và bắt đầu từ lúc đó e suy sụp hoàn toàn e rất buồn mọi thứ mik đag có bỗng mất hết đi mất nhà mất cữa những vật chất và vào đầu năm lớp 9 e được vào đội tuyển tỉnh của môn karate mỗi tháng e nhận được 2tr8 e tập được đến nay gần 1 năm tới phút này e cảm thấy chán nãn và muốn từ bỏ vì lúc tập có mấy anh chữi e sao m làm sai cái này sao m làm sai cái nọ r ai bày m cái này cái nọ thậm chí xúc phạm e e rất muốn nghĩ những nghĩ ts gd là e ko mún bi giờ e chả pk làm sao e mún hè này mik mik đi học thêm đầy đủ lấy lại căn bản đã mất ơt những năm trung học những có lẽ e nghĩ gia đình e ko lo cho e học được và phãi phụ thuộc vào tiền lương e nhận được hằng tháng ở đội tuyển bi h e ngày tập ngày e hay đi uống cf s bạn để quên đi chiênn tập luyện chả ra đâu vài đâu của mik theo anh bi h e nen làm gì đây

    • Tình huống của em cũng giống như rất nhiều những VĐV nói chung khác. Chỉ những người thực sự nổi trội và chỉ vào những môn kiểu như bóng đá thì VĐV mới có thể đạt được mục tiêu tài chính bên cạnh thỏa mãn niềm đam mê của mình.
      Nếu đã xác định mình khó có thể đạt huy chương vàng Seagame thì tốt nhất nên lựa chọn con đường khác. Em năm nay học lớp 9 chuẩn bị sang lớp 10 thì còn quá trẻ, nếu so với những đứa bạn đồng trang lứa khác thì họ cũng chẳng hơn gì em thậm chí em còn hơn họ ở khoản ý chí, tự lập, quyết tâm.

      Anh nghĩ rằng với khoản 2,8tr trợ cấp thì cho dù không có cũng không làm hiện trạng gia đình em tệ hơn là bao nhiêu đâu. Ăn lương nhà nước được một đồng khó lắm rất nhiều ràng buộc về lâu dài.

      Nên quay lại tập trung vào học tập. Với ý chí và quyết tâm em sẽ tự mình tạo ra của cải vật chất cho riêng mình sau này.

      chúc em thành công.
      V.d

  36. em năm nay học lớp 9. gia đình em bị người ta lừa một số tiền lớn nên bố mẹ em phải bán nhà trả nợ nhưng chưa chắc đã trả hết. ngày nào về nhà cũng là tâm trạng chán nản, nhìn bố mẹ khóc lóc hay mệt mỏi. thực chất đi học về dường như là một cực hình, em lại càng muốn có thể giàu có hơn mơ ước xa hơn một mơ ước khong thể nào thực hiện. học tập thì ko hứng thú muốn chơi để quên đi những khó khăn của gia đình. em ko thể xác định phương hướng của mình cũng ko có mục tiêu vì mục tiêu em mong muốn thì gia đình ko cho phép còn mục tiêu có thể thực hiện thì ko có một chút đam mê nào

    • Dear em;

      Mới học lớp 9 mà nghĩ mình không thể giàu được thì sớm quá. Việc tìm ra đam mê, điểm mạnh của bản thân là một việc rất khó khăn. Những thứ em đang nghĩ rằng mình đam mê, hay ngược lại chưa chắc đã là đúng như vậy. Con người ta phải trải nghiệm rất nhiều mới có thể tìm thấy niềm đam mê, điểm mạnh của bản thân. Dù sao em chưa bao giờ đá bóng thì không thể biết mình có thích hay có đá giỏi hay không.

      Lớp 9 thì cho dù muốn em cũng không thể giúp gì cho bố mẹ được. Hãy biến tình hình khó khăn thành động lực cho bản thân, để mình khi trưởng thành không lâm vào tình trạng như thế.

      Phương hướng ở tuổi của em là tiếp tục học cho tốt và bắt đầu có ý thức tìm hướng đi. Tới năm lớp 12 em sẽ nghĩ được hướng đi cho mình. Dù sao đây là một việc rất khó, nhiều người 10 năm ra trường còn chưa tìm được hướng đi cho mình.

      Ngày nay mọi thứ thay đổi rất nhanh, em chỉ có thể cố gắng để mình mạnh lên. Khi có sức mạnh em sẽ thích nghi được với cuộc sống, có thể theo con đường mà mình chọn. Khi không biết mình sẽ về đâu thì cứ luyện đôi chân cho khỏe em ạ. Đôi chân càng mạnh em càng nhìn được xa hơn. Đôi chân đang yếu thì nhìn mục tiêu nào cũng là bất khả thi.

      Chúc em vượt qua được khó khăn.

  37. hiện tại tôi đang là học sinh lớp 7, cuộc sống trong gia đình tôi hiện nay đang rất hỗn loạn, bà hay mắng chửi và bức ép mẹ tôi phải trả tiền nợ thay cho chồng cũ của mẹ, ông ta có vạy bà 1 khoản tiền lớn thông qua mẹ và hiện tại đã li hôn, bà nói với mn trong gđ lúc mẹ vắng nhà là sẽ cắt đứt các mối quan hệ và đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà, tôi thấy cai TRIẾT LÝ của bà đưa ra hết sức vô lý nên tôi và bà đã cãi nhau nhiều lần nên mối guan hệ hiện tại rất đang bất bình, tôi chắc chắn bà sẽ hủy hoại cả tương lai của mẹ nếu mọi vs cứ như vậy, liệu anh có thể đưa ra ý kiến để giúp mẹ con tôi có thể ổn định cuộc sống khi ra ở riêng không?, tôi nghĩ là sẽ qua ở tạm nhà họ hàng và nghỉ tại ngôi trường chuyên tôi đang học và chuyển đi cùng mẹ hay tôi nên ở lại cùng bà và để mẹ đi, hãy đưa ra thêm ý kiến bổ sung giúp tôi
    Xin cảm ơn

    • Dear em;
      Trong những lúc mọi thứ rối bời thì tốt nhất nên xác định điều gì là quan trọng để cố gắng giữ gìn và điều gì không là quan trọng để sẵn sàng từ bỏ. Con người ta thường muốn có được tất cả nên thành ra cuối cùng chẳng được cái gì ra hồn.

      Việc quyết định về mặt tổng thể như thế nào đương nhiên phải là mẹ em vì bà ý biết rõ hiện trạng (còn em thì chỉ là một góc nhìn nhỏ chưa chắc đã đầy đủ). Bà ý sẽ tự mình phải quyết định. Nếu bà ý không tự mình quyết định được thì em có thể tự tìm hiểu và thuyết phục.

      Đối với cá nhân em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách mà có một môi trường bất lợi như vậy sẽ dễ hình thành những suy nghĩ và thói quen không có lợi cho cuộc sống tương lai. Có người nhờ hoàn cảnh khó khăn mà rèn luyện nên các đức tính như khả năng vượt khó, khả năng đồng cảm,.. và thái độ quyết tâm muốn đạt được một cái gì đó trong tương lai. Nhưng trường hợp ngược lại thì là phần lớn, thái độ bất cần, bất mãn, dễ buông thả, phá hoại chính cuộc đời mình như một sự trả thù….

      Hy vọng em thuộc về con người theo hướng 1.

  38. Em chào anh, e năm nay 26 tuổi.Em là 1 kỹ sư xây dựng, e vừa mới tốt nghiệp ra trường được 1 năm thôi ạ. Hiện tại em đang mất phương hướng, ko biết băt đầu từ đâu, không biết giải quyết vấn đề như thế nào???Em cảm giác chán nản, muốn bỏ cuộc. Ra trường năm 25 tuổi, vì e học muộn so với bạn em 2 năm.Công việc cũng không thuận lợi, e chuyển chỗ 2 lần .Giờ e muốn nghỉ việc, vì công việc ko có cảm hứng.Ko có nhiều thứ để em học hỏi.Nên so với bạn bè e vẫn là đứa thụt lùi.Em mất niềm tin về công việc, gia đình cho đến bạn bè.Em cũng chưa có người yêu.Cũng chưa bao giờ có ngừoi yêu mặc dù ngoại hình của em ko phải là xấu.Em là kiểu người khó thích 1 người, người e thích thì họ không thích.Khoảng thời gian gần đây, chuyện công việc, chuuyện gia đình, chuyện bạn bè, và chuyện tình cảm e đều thất bại.Em muốn bỏ việc, để suy nghĩ xem mình cần gì và muốn gì?? Nhưng e lại lo sợ, ở cái tuổi 26 bằng tuổi e mọi người đều đã lập gia đình hết rồi, công việc cũng ổn định hết.Mà trong tay em ko có gì cả.Ngay cả niềm tin e cũng ko có.Em mất niềm tin kinh khủng, nhiều lần em có suy nghĩ muốn lên chùa tịnh tâm.Ko biết dạo gần đây e có sao ko nữa.Em thấy hoang mang quá!!

    • Những vấn đề, cảm giác của bạn chẳng khác gì mình bây giờ. Cảm thấy bất lực quá. Biết làm thế nào bây giờ

    • Dear em;
      Anh nghĩ rằng bất cứ một thứ gì cũng phải đòi hỏi nhiều công sức và thời gian thì mới đạt được. Càng sốt ruột, càng mong có cái gì thì cái đó càng vuột đi. Sức chúng ta có hạn nên ở mỗi thời điểm chỉ nên ưu tiên cho một cái gì đó. Anh tóm tắt lại em có mấy vấn đề sau:
      – Công việc: chưa xác định được mình phù hợp với công việc gì
      – Tình cảm cá nhân: chưa từng có người yêu.
      – Chuyện gia đình: một vấn đề gì đó liên quan tới gia đình.

      Các vấn đề này thực tế em để ý là có các giải pháp thực hiện khác nhau. Chẳng qua nó cùng phát sinh một thời điểm nên khiến cho tâm mình loạn, cảm thấy lo lắng. Giống như em đứng trước một khối lượng công việc cực lớn mà không biết phải làm thế nào.

      Để giải quyết tình trạng này em phải phân loại nó ra. Có những công việc có thể trì hoãn, công việc giải quyết dần dần, công việc phải giải quyết ngay…Sau đó có các kế hoạch tương ứng. Làm sao đó để một thời điểm mình chỉ nghĩ tới một thứ phải lo thôi.

      Về công việc thì anh cũng có khá nhiều bài viết trên blog này. Em không nên nghỉ việc chỉ để có thời gian suy nghĩ. Nghỉ việc em sẽ càng bế tắc, càng mất tự tin hơn. Một người không bỗng nhiên mà thành công. Em bắt đầu tính toán chiến lược công việc từ bây giờ thì 3 năm sau em sẽ thành công. Đừng so sánh với người xung quanh làm gì cho thêm sốt ruột.
      Em tham khảo bài viết này nhé : https://chienluocsong.com/7-nguyen-nhan-dan-toi-nghi-viec/
      thanks.

  39. Cam on tac gia vi mot bai dang rat cong phu, sau sac.
    Minh da mat dinh huong trong khoang 15 nam, ko xu ly tot goc re van de, ma van co bam viu de duy tri cuoc song. Den gio thi minh ko so chet, ma chi so nhung ngay thang tiep theo song nhu kieu the nay. Minh ko the hanh phuc, va ko the mang hanh phuc den nguoi than, tham chi ca su lo lang cho ho. Minh cam thay mat phuong huong ca o cong viec, gia dinh, va ca niem tin vao ban than minh nua. Minh uoc co the tay nao va lam lai tu dau.
    Minh du dinh tam nghi viec, tam xa lanh tat ca nguoi than mot vai thang de tim giai phap cho van de 15 nam cua minh. Day se la cu soc doi voi gia dinh minh. Nhung co gang giai quyet trong moi truong song binh thuong nhu nhieu nam nay la bat kha thi.
    13 nam truoc, minh bao voi em gai minh la 1 thanh go tot dang bi muc ruong trong ruot. Den bay gio, mat ngoai thanh go do cung da bien dang roi.
    Minh da luon tim nhung nguoi lon nhieu kinh nghiem song de hoi chuyen, co tung gap co giao day tam ly o truong dai hoc, 1 lan gap bac sy tam ly, 1lan noi chuyen voi chuyen gia tam ly, vai lan co tim gap cac vi su thay, doc sach ve tam ly, dao phat, va thien …Nhung minh van qua yeu duoi ko tu giai quyet duoc van de cua chinh minh.
    Rat mong nhan duoc tu ban 1 loi khuyen.
    Cam on ban.

    • Dear Bạn,

      Mình nghĩ rằng tâm sự của bạn là cách để giải tỏa chứ không kỳ vọng nhiều có thể có một lời khuyên có ích nào đó. Hoàn cảnh của bạn chỉ mình bạn hiểu nhất và nếu người khác có ý kiến cũng chỉ là lợi thế ở góc độ người ngoài còn có ích hay không thì 90% là không.

      Hôm qua tình cờ mình có xem một video trên youtube về chủ đề hạnh phúc. Ý tưởng xuyên suốt là “cảm nhận hạnh phúc” là một thứ mà mỗi người bắt buộc phải cố gắng. Nó không phải cho bản thân họ mà cho những người xung quanh. Không cần mỗi người phải cố gắng làm người khác hạnh phúc mà chỉ cần họ hạnh phúc (hoặc tỏ ra hạnh phúc) thì đã giúp ích cho người xung quanh rồi.

      Sáng nay cũng tình cờ đọc một bài viết về việc con người phải có được “Lòng biết ơn” để có được hạnh phúc. Biết ơn với những thứ mình có sẽ giúp mình tập trung vào những thứ mình có, để cảm thấy cái mình được (thay vì cái mình không có, không làm được).

      Trạng thái “Mất phương hướng” xuất phát từ việc không biết mình sẽ đi đâu, làm gì trong tương lai. Nhưng đôi khi cái chỗ mình đang đứng cũng là tốt rồi, đứng được chỗ đó trong tương lai cũng đã là tốt. Với sự thay đổi nhanh chóng của bên ngoài như hiện nay con người ta phải rất cố gắng để giữ những thứ “đang tốt” ở hiện tại. Nên hãy quý và giữ gìn những thứ mình đang có và cố gắng vào những thứ dễ dàng có.

      Mình nghĩ rằng bạn sống rất cảm xúc. Cảm xúc nhiều quá sẽ che mờ lý trí. Giải quyết vấn đề phải bằng lý trí, dùng cảm xúc không giải quyết vấn đề được.

      Khi chúng ta cảm thấy cuộc sống phức tạp không lối thoát thường thích bỏ mọi thứ đi đầu đó một thời gian để tĩnh tâm suy nghĩ tìm giải pháp. Mình nghĩ rằng có một số người phù hợp với cách đó nhưng hầu hết chúng ta không cần nhiều thời gian đến thế.

      Chúc bạn vượt qua được giai đoạn khó khăn

  40. Chào anh ! Không phải tình cờ để gặp được bài viết của anh, em đã rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan để bây giờ loay hoay tìm giải pháp. Em viết những lời này khi đang ơn nước Úc xa xôi và đang là du học sinh MBA( em là nữ). Thực sự cuộc sống em đang khó khăn khi không còn đủ tiền để học tiếp mà chi phí ở đây thì đắt đỏ. Trước khi em đi du học em đã có công việc ổn định với mức lương khá nhưng vì áp lực công việc nên em muốn thay đổi. Bây giờ em muốn quay về nhưng không thể xin vào đấy nữa. Chuyên ngành học của em thời đại học là kinh doanh bất động sản. Việc làm tại Tp HCM ngày càng khó và ai cũng bảo em đã đi du học được thì cố gắng bám trụ nhưng em ko còn khả năng nữa. Nhiều bạn giống em chọn cách ở lậu tại Úc chỉ để đi làm, nhưng e ko có sức khỏe tốt như các bạn ấy và tuổi tác đã lớn ( em 34 tuổi ah). Lại một học kỳ nữa sắp đến và em không còn đủ tiền để đóng cho trường, em sắp bị đuổi học rồi. Em thật sự bế tắc, nếu anh ở vào hoàn cảnh của em anh sẽ giải quyết như thế nào, xin hãy cho em một lời khuyên. Em thật sự cảm ơn và biết ơn anh ah !

    • Dear em;
      Cảm ơn em đã chia sẻ; anh cũng chỉ hơn em vài tuổi thôi. Nếu anh là em anh sẽ phân tích cái được và mất cho từng phương án.
      Phương án 1: Bỏ dở dang và về nước
      Phương án 2: Vay nợ để tiếp tục học

      Ngành học của em là kinh doanh bất động sản. Bất động sản ở Việt Nam bắt đầu vực lên từ 2015 (sau 7 năm suy thoái từ 2008), cho tới năm nay là 2017 bất động sản vẫn đang rất phát triển. Có thể khi em về Việt Nam không xin được vào công ty cũ nhưng để xin vào các công ty lớn về bất động sản thì không khó. Có thể vài năm nữa khi bất động sản đi xuống thì cho dù em có trong tay bằng MBA cũng không chắc đã xin được việc.

      Nếu như em chỉ có 1 năm nữa là hoàn thành chương trình thì nên cố gắng theo phương án 2 vì bỏ dở có nghĩa là em đã lãng phí số tiền và thời gian đã bỏ ra. Khi có bằng MBA của trường nước ngoài trong tay em sẽ dễ dàng xin việc hơn rất nhiều so với không có, lương lậu tương lai cũng sẽ đảm bảo hơn. Một khóa học MBA quốc tế từ 1,5 tới 3 năm nên chắc em sẽ thuộc loại này. Còn nếu như em chưa hoàn thành hết 50% tổng thời gian thì anh nghĩ em nên chọn phương án 1.

      Trong tâm sự của em thì anh thấy áp lực chính của em là tài chính còn trong thâm tâm có thể em vẫn muốn tiếp tục theo học. Sợ rằng vay mượn để học sau này không biết trả kiểu gì. Nếu chỉ vì áp lực này mà từ bỏ thì không nên; vay mượn rồi sau này em sẽ kiếm được việc với mức lương tốt hơn (so với không học) để trả nợ.

      Chúc em có được lựa chọn của mình.

      • Hi anh Dũng, mong mọi điều tốt đẹp luôn đến với anh. Sau bao năm em mới trở lại website của anh và rất happy khi anh vẫn ở đây để cho đi những kiến thức và lời khuyên cho mọi người. Sau khi nghe ý kiến của anh, em đã có lựa chọn đúng và sao bao năm đã có kết quả như mong đợi. Em đã có thường trú Úc, có cuộc sống khá ổn định cũng như thêm chút savings cho gia đình. Anh và trang web này truyền thêm niềm tin và cảm hứng cho quyết định của em năm xưa. Và bây giờ mỗi khi gặp bước ngoặc hoặc những thách thức mới, em vẫn lấy đó làm kinh nghiệm để đưa ra quyết định đúng đắn cho tương lai. Cảm ơn anh vì tất cả. Em chỉ tò mò ko biết anh Dũng mặt mày vuông tròn ra sao, nhưng chắc chắn là luôn ngập tràn viên mãn và hạnh phúc. From Sydney with Love ????

  41. Chào Anh !
    Em năm nay 26 tuổi rồi con đường nghề nghiệp của em cũng rất nhiều thăng trầm và biến cố.Em học chuyên ngành Hoá Thực phẩm nhưng hiện nay với đồng lương ít ỏi em cảm thấy rất nản lòng, thật sự em rất yêu nghề của mình nhưng vì hoàn cảnh em phải làm nhiều lĩnh vực từ viễn thông đến kinh doanh và bây giờ là em quay trờ lại với chính con người mình là đầu quân trong một cơ quan nhà nước.
    Lương em lại không đủ trang trải phụ giúp gia đình, nên em rất buồn.
    Mong anh cho em lời khuyên với người đã có nhiều năm làm việc trong xh.
    Chúc anh và gia đình được nhiều sức khoẻ.

    • Dear em;
      Làm cơ quan nhà nước thì không thể mong lương cao được, bù đắp là làm không quá áp lực và cảm thấy yên tâm hơn. Nếu đã xác định là muốn lương cao thì buộc phải làm khối ngoài nhà nước.

      Làm ngoài thì lương theo năng lực. Phải có chiến lược nghề nghiệp cụ thể để từ đó lựa chọn nghề nghiệp có định hướng. Lúc đó sẽ cảm thấy yên tâm cố gắng ở nghề hiện tại. Từng bước từng bước khi tích lũy đủ năng lực có thể lựa chọn nghề mình yêu thích.

      Nếu mình chỉ đâm đầu vào nghề có thể xin được ngay thì dễ dẫn tới tình trạng mỗi nghề biết một tí, các nghề không có liên quan gì với nhau, cứ mỗi lần bắt đầu nghề mới lại học hỏi lại từ đầu không tận dụng được hiểu biết cũ.

      Em 26 tuổi rồi nên nếu xác định làm lâu dài NN thì hẵng ở đó nếu không thì nhanh chóng nhảy ra ngoài em ạ.

      chúc em may mắn.

  42. em chào anh ạ!
    Hiện tại em đang rất chán nản với công việc mình làm. Em làm về biên tập nội dung cho một công ty về đồ gia dụng tại Hà Nội. Nhưng công việc cứ lặp lại hàng ngày một cách nhàm chán không có gì mới mẻ khiến em cảm thấy mệt mỏi, tuy rằng công việc không áp lực và không yêu cầu cao. Em đang có hướng chuyển về Thành Phố Nam Định để làm vì người yêu em đang làm tại đó. Chúng em tính sang đầu năm sau cưới nên muốn về Nam Định ổn định cv để cưới. Nhưng công việc liên quan đến em học thì rất ít cơ hội, hầu như là không có nhiều, đặc biệt là thị trường tại Nam Định hiện nay chỉ có công việc công nhân may là nhiều còn công việc văn phòng lại khá ít. Em và người yêu muốn tìm một công việc văn phòng đúng với chuyên ngành em học (em học công nghệ thông tin trường Bưu Chính Viễn Thông tại Hà Nội), nhưng em gửi hồ sơ và nộp đơn online rất nhiều mà vẫn chưa tìm thấy. Em đang hoang mang và chán nản không biết em có nên về làm công nhân sau đó hai đứa tiết kiệm tiền để năm sau cưới không, vì gd hai bên cũng không có điều kiện, em hiện tại làm trên Hà Nội cv lương cũng không cao, chỉ đủ chi tiêu, có tháng còn thiếu. Nếu e về ND thì hai đứa có thể tiết kiệm được rất nhiều. Em dự định học thêm chứng chỉ kế toán hoặc tiếng anh để có nhiều cơ hội hơn mà điều kiện kinh tế không cho phép. Em rất muốn về ND làm để gần nhà và mức sinh hoạt thấp đi, cùng người yêu tiết kiệm lo cho khoản phí lúc cưới. Người yêu em làm văn phòng nhưng lương cũng không cao, hai đứa nếu cố gắng tiết kiệm thì cũng sống tốt. Em muốn xin lời khuyên từ anh là em có nên nghỉ việc tại HN rồi về ND làm công nhân sau đó chờ cơ hôi có công ty gọi. Hay cứ đợi đến khi tìm được cv phù hợp mới về. Như vậy thời gian đến ngày cưới càng gần mà hai đứa thì vẫn chưa tiết kiệm được nhiều cho kế hoạch cưới và có bầu luôn.Em và người yêu cùng quê bằng tuổi( năm nay 26) và mới yêu nhau được gần 1 năm. Bố mẹ hai bên cũng biết hết rồi và cũng xác định năm sau cưới để ổn định.

    • Dear em;

      Anh có một entry về chủ đề nghỉ hay không nghỉ việc; em nên tham khảo thêm
      https://chienluocsong.com/7-nguyen-nhan-dan-toi-nghi-viec/

      Đối với trường hợp cụ thể của em. Giữa công nhân may và những thư em học và làm không có mối liên hệ gì với nhau. Xuất phát điểm khi vào làm CN may của em sẽ giống như một người mới tốt nghiệp cấp III xin vào làm, không có lợi thế gì cả. Khi làm em sẽ bị cuốn vào công việc ca kíp, ít có cơ hội quay lại công việc trước đây. Làm lâu kiến thức, kỹ năng cv cũ sẽ mai một dần đi. Thậm chí cả sự quyết tâm quay lại cũng sẽ mất dần đi. Do vậy không nên về Ndinh trừ khi em xác định mục đích lâu dài là được sống và làm việc ở quê.

      Học chứng chỉ kế toán chỉ mất vài tháng nhưng nó lại rất giống với lựa chọn của đa số mọi người. Trừ khi em đang có cơ hội cho vị trí đó còn không thì không nên.

      Học tiếng Anh thì đòi hỏi nhiều thời gian không một lúc mà giỏi được.

      Nếu em xác định mong muốn lâu dài là làm trong lĩnh vực mà em đã học và đang làm thì vẫn nên tiếp tục tìm em ạ.
      V.D

      • Em cảm ơn về những lời khuyên của anh ạ! Em đã nộp đơn từ những vị trí tuyển dụng mà nhiều công ty tại Nam Định đăng tải trên web tìm việc. Thật may mắn là hôm nay có công ty gọi em về phỏng vấn. Em hi vọng ngày mai về phỏng vấn sẽ được nhận và làm đúng công việc mình yêu thích. Một niềm vui khác nữa là công ty này gần với công ty người yêu em và cũng gần với nhà em nữa. Em thực sự cảm ơn về những lời khuyên bổ ích của anh ạ! Em hi vọng và luôn chúc anh hạnh phúc, may mắn, bình an trong cuộc sống cũng như sự nghiệp

  43. E chào anh.
    Cảm ơn anh vì bài viết này.
    E có một vấn đề như sau mong anh tư vấn giúp.
    E 24 tuổi đã tốt nghiệp đại học khoa luật được gần 1 năm khi ra trường e có làm ở hai công ty nhưng làm không liên quan đến chuyên nghành vì e thấy không còn hứng thú nên đã tự xin nghỉ.Sau đó e cho phép mình nghỉ khoảng 2 tháng vừa nghĩ nên kế hoạch cho công việc sắp tới.Hiện tại e đã xin được một công việc về nghành luật, cụ thể làm về nhân sự,pháp lí, mức lương cũng ổn ban đầu thì e rất hứng thú khi làm việc càng về sau thì không hiểu vì sao e thấy mất dần động lực e nghĩ rằng là do kiến thức chuyên nghành e quên nhiều nên khả năng xử lí công việc chưa tốt.E có hỏi chị làm cùng công ty thấy e làm việc thế nào vì đang trong giai đoạn thử việc nên e cũng hỏi thẳng thì chị có bảo là chị thấy e không phù hợp với công việc này lắm e có thể suy nghĩ thêm về vấn đề này.Thấy chị nói vậy e cũng nản lắm bây giờ e nghỉ thì cũng mệt vì khó lắm mới tìm được công việc liêm quan đến chuyên nghành mà bây giờ e mất hết động lực làm.E không biết giờ cố làm thì tốt hơn hay nghỉ để tìm công việc khác nữa.Em mong a tư vấn giúp e.Cảm ơn anh nhiều, chúc anh có nhiều sức khỏe.

    • Dear em;
      Do em học luật ra nên ưu tiên hàng đầu của em phải là công việc liên quan tới luật rồi. Trước mắt em nên hỏi chị đồng nghiệp xem tại sao chị ý lại cho rằng em không phù hợp; đó có thể là:
      – Chất lượng công việc em làm thấp do vậy chị ý nghĩ rằng em không có năng lực.
      – Em không tỏ ra thích thú với công việc ( thể hiện qua thái độ khi làm việc)
      – Khả năng học hỏi chậm
      Em phải xem mình đang gặp nguyên nhân từ thái độ học từ năng lực. Giữa làm và chơi là hai phạm trù khác nhau, đã làm là phải mệt và phải làm ngay cả khi không thích. Vì vậy nếu chỉ là do thái độ thì em phải điều chỉnh thái độ. Kiên trì làm bất chấp thích hay không thích công việc đó.
      Nếu vấn đề nằm ở năng lực thì anh nghĩ tháng thử việc chưa nói lên điều gì. Luật thay đổi hàng ngày nên học đại học luật là học phương pháp tư duy chứ không phải học thuộc các văn bản luật. Mất thời giai làm quen là đương nhiên.

      Học đại học luật ra cũng có thể xin rất nhiều công việc khác nhau. Cái được lớn nhất khi học luật là năng lực trong phân tích, tư duy logic trong giải quyết vấn đề. Công việc nào cần những năng lực đó thì có thể xin vào công việc đó: môi giới chứng khoán, bán hàng, tư vấn pháp lý trong công ty….

      Nói chung em nên cố gắng để qua được giai đoạn thử việc hiện tại vì nếu thất bại sẽ làm mình mất tự tin. Khi làm một thời gian rồi, có được sự tự tin rồi mà thấy rằng mình không thích làm việc này thì có thể tìm việc khác. Không được nhận sau thử việc thì tìm kiếm cv khác, đừng bó hẹp lựa chọn của mình trong chuyên ngành luật.

      chúc em thành công.

      • Vâng e cảm ơn a nhiều.e sẽ cố gắng trong giai đoạn này để sau này không phải hối tiếc.Chúc a luôn có sức khỏe và thành công trong cuộc sống.

  44. Em xin chào anh Dũng. Trước hết em xin cảm ơn anh vì đã có bài viết rất hay và có ý nghĩa. Em như thấy chính là mình trong hoàn cảnh đó. Ngay lúc này em cảm thấy rất chán nản, mất dần tự tin trong mình và rất cần một người có thể nói lên những suy nghĩ của mình nhưng không muốn vì em trước giờ em chỉ muốn giải quyết một mình, rất may hôm nay tình cờ vào trang website của anh, được nghe anh giải thích và cho lời khuyên thực sự em rất ngưỡng mộ anh và mong anh có thể cho em một lời khuyên. Em năm nay 26 tuổi, hiện em đang thất nghiệp và đang tìm công việc mới, em đã nghỉ công việc trước vào đầu tháng 10 năm ngoái, trong khoảng thời gian thất nghiệp này em chưa tìm được công việc nên cảm thấy chán nản và đôi lúc thất vọng về bản thân. Em xin được nói qua như sau cho anh rõ hơn ạ. Em ra trường năm 2013, sau đó làm trợ lý giám đốc cho một công ty sản xuất, nhưng sau một năm em nghỉ việc vì lý do riêng sếp về nước, người sếp đó đã dạy cho em rất nhiều về công việc lẫn cuộc sống và là người em rất ngưỡng mộ về tính cách và tác phong, sau khi về thì em rất buồn và đôi lúc hoang mang không biết mình sẽ đi về đâu vì em được điều sang vị trí khác làm một thời gian em nhận ra vốn tiếng anh của em đã giảm đi rất nhiều(em học chuyên nghành tiếng anh) và cứ tiếp tục như thế này em sẽ không phát huy được sở trường của mình, may thay lúc đó có một tổng thầu cho một dự án lớn e nộp đơn, phỏng vấn lần thứ 3 thì đậu(2 lần trước trượt) và làm phòng hành chính, thời gian đầu em cảm thấy làm việc rất hứng thú vì học được nhiều tại một tổng thầu đa quốc gia với nhiều tập đoàn lớn về xây dựng, sau một năm làm vị trí đến khi công việc em được giao đi vào hoạt động suôn sẻ và cũng là lúc em thấy công việc bắt đầu nhàm chán, sau đó quản lý trực tiếp biết điều đó(mặc dù là vị trí sếp-nhân viên trong công việc nhưng ngoài giờ làm việc anh-em hay tâm sự với nhau), sau đó quản lý cho em sang đội khác để học hỏi thêm. Ngay từ đầu sang công việc mới em làm việc rất hăng say, có khi trưa không ăn và thường làm về muộn do tính chất công việc rất nhiều, sau một vài tháng em được thăng chức, công việc cứ tiếp tục thì hơn một năm em được thăng chức lần nữa, cúng chính thời gian này là lúc em bắt đầu lo lắng nhất và không còn mặn mà với công việc nữa một phần vì công việc lặp đi lặp lại, một phần nữa công việc ít đi nên em có thời gian hơn, và điều quan trọng là dự án còn gần một năm nữa kết thúc, có nghĩa là sau khi kết thúc em phải tìm công việc mới. Đúng lúc đó bên chủ đầu tư đang tuyển người khối văn phòng, nhưng do tổng thầu và chủ đầu tư không được lấy nhân sự của nhau nên nhất quyết phải nghỉ ở tổng thầu với được nộp vào chủ đầu tư, lúc đó trong đầu em chỉ biết mục đích là vào chủ đầu tư làm và bắt buộc phải nghỉ việc,và sự thật là nhiều bạn cùng làm tổng thầu đã vào được công ty của chủ đầu tư làm, em đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định, nếu lỡ may không được thì sẽ ra sao? liệu tìm công việc khác dễ không? nhưng mặc dù nhiều lời khuyên từ mọi người và người quản lý là trước khi nghỉ việc nên tìm công việc mới rồi chờ thời cơ xin vào chủ đầu tư, em vẫn quyết định nghỉ trước khi có việc vì tin tưởng vào khả năng mình cũng như xem đây nếu không đậu cũng xem là cột mốc thất bại đầu đời của mình để lấy kinh nghiệm. Trước khi nghỉ việc một số bạn vẫn tin tưởng em sẽ đậu, tuy nhiên đến tận bây giờ mọi vị trí tuyển dụng của chủ đầu tư em em đã nộp, thậm chí gửi mail và CV rất nhiều đến bộ phận HR nhưng đều không phản hồi. 6 tháng qua, em rất chán nản và đôi lúc tự tin vào bản thân, cho rằng mình không đủ năng lực, có lúc em nghĩ chỉ cần cho em có một cơ hội phỏng vấn hay làm việc tại chủ đầu tư em sẽ nổ lực, cố gắng hết sức, học hỏi từ mọi người để hoàn thành công việc nhưng nghĩ mình không còn cơ hội, hàng loạt suy nghĩ tiêu cực đến với em, làm việc tại tổng thầu với mức lương cao sao mình lại mạo hiểm thế để rồi thất nghiệp, rồi cứ thế suy nghĩ đó cứ tiếp tục. Trong thời gian em nghỉ việc xin vào chủ đầu tư, em cũng đậu vài vị trí, một thì cũng là làm thầu phụ cho tổng thầu công ty cũ của em, hai là đi dự án khác tại Malaysia, nhưng cả hai em đều từ chối vì muốn được gần nhà và muốn được ổn định và hơn thế nữa muốn được vào chủ đầu tư. Em cũng đã phỏng vấn vài vị trí của những công ty khác nhưng đều không đậu, có đôi lúc em tự ti bản thân và nghi ngờ năng lực mình, suy nghĩ tiêu cực, đang là niềm tự hào của bạn bè giờ thì không có công việc, ít đi đâu ra ngoài và cố tránh tiếp xúc bạn bè, hi vọng vào chủ đầu tư xem như đã tắt khi bộ máy dần hoàn thiện và vẫn chưa thấy hồi âm, các công việc khác thậm chí cho dù xa nhà, nộp đơn nhưng vẫn không thấy phản hồi, em cảm thấy chán nản và không biết mình nên và cần làm gì, cần phải xác định hướng đi như thế nào trong tương lai gần và xa? Em viết như thế này rất mong anh Dũng có thể cho em lời khuyên. Em cảm ơn anh!

    • Dear em;

      Một quyết định càng mang lại giá trị cao (nếu thành công) thì càng ẩn chứa nhiều hậu quả (nếu thất bại). Điều này không có nghĩa là ta không được quyết định mạo hiểm mà trước khi quyết định phải tính tới hậu quả nếu thất bại.
      Thường khi trước lúc quyết định ta hay không xét kỹ nếu thất bại mà chỉ tính nếu thành công mà thôi. Việc em không xin được việc ở CĐT có nhiều nguyên nhân khách quan ngoài nguyên nhân từ chính em. Có thể do lúc đó họ đã tuyển đủ, họ đọc CV của em và thấy rằng nếu tuyển em sẽ vi phạm nguyên tắc, thời điểm em nộp đơn cũng có vài ứng viên bự hơn em cũng nộp nên em không cạnh tranh được,…..Tìm nguyên nhân tại sao giờ cũng không còn nhiều ý nghĩa.

      Điều anh nghĩ em nên làm lúc này là làm lại từ đầu. Tất nhiên khó có thể xin lại nhà thầu cũ nhưng xin vào nhà thầu khác đặc biệt nhà thầu nhỏ hơn thì không khó. Khó làm em vượt qua rào cản của chính mình, vào làm ở một công ty nhỏ hơn, lương thấp hơn. Nếu em đặt ra tiêu chí lựa chọn công ty phải lớn hơn hoặc bằng công ty cũ thì rất khó. Vị trí hiện tại của em đang ở thấp nên tiêu chuẩn của em cũng phải thấp theo. Nếu em đang làm ở cty cũ và đặt vấn đề tìm vị trí tốt hơn thì còn được.

      Suy nghĩ của chúng ta thay đổi theo hoàn cảnh em ạ. Em cứ nhất quyết theo đuổi mục tiêu lớn mà không chấp nhận theo đuổi mục tiêu nhỏ hơn thì khoảng cách sẽ ngày càng xa ra, càng ngày càng khó thực hiện. Mục tiêu vào làm ở CĐT cho ổn định (được quát thét nhà thầu 🙂 ) là vì em đang ở vị trí nhà thầu nghĩ vậy. Lúc em làm ở CĐT sẽ thấy suy nghĩ của mình sẽ khác.

      Thời gian nghỉ việc của em kéo như vậy là cũng 6 tháng rồi. Cần gấp rút tìm việc nếu không các kỹ năng sẽ ngày càng mai một

      Chúc em tìm được việc như ý.

      • Dear anh Dũng,

        Cám ơn anh rất nhiều vì đã cho em lời khuyên.Có lẽ em phải làm lại từ đầu và ngày đó sẽ tới sớm. Cám ơn anh Dũng nhiều, em chúc anh sức khỏe, thành công trong mọi việc.Hẹn anh nếu có dịp anh/em mình gặp nhau sau.

  45. Em chào anh.
    Đọc được bài viết này, em thấy em giờ 28 tuổi. Học cũng không có gì, giờ làm 1 công việc cũng không ổn định. Tình yêu thì không đi đến đâu. Thật sự giờ mất phương hướng hoàn toàn về mọi việc. Là người ít nói, về nhà cũng ở 1 mình. Càng ngày càng bế tắc.

    Không biết phải làm gì??

    • híc anh chẳng biết phải góp ý gì. Anh chỉ có thể gợi ý là em muốn nhận một kết quả khác với kết quả vẫn nhận được thì em phải làm khác đi. Ví dụ thay vì hết giờ lủi thủi về nhà thì đi tới câu lạc bộ thể thao nào đó tập luyện sức khỏe. Cải thiện cuộc sống xã hội và sức khỏe biết đâu sẽ khiến cho công việc hiện tại của em tốt lên hoặc em có thể tìm việc khác.

  46. Em chào anh Dũng. Em thật sự như là thấy mình trong bài viết khi đọc bài viêt này của anh. “Khi nhìn lại quá khứ và thấy rằng mình chưa làm được điều gì lớn lao trong khi tuổi trẻ đã bay vụt qua. Chưa lập gia đình, chưa có một công việc ổn định, chưa có nhà cửa và hiện chẳng thấy mình có cơ hội nào để thực hiện trong tương lai.”. Em cứ nghĩ dường như câu này anh viết ra là dành cho em vậy. Em năm nay 24 tuổi. Học cao đẳng chuyên ngành xây dựng. Ra trường được 3 năm rồi anh ạ. Thời gian đầu ra trường e cũng đã đi làm kĩ thuật cho 1 công ty xây dựng. Nhưng được vài tháng thì em nghỉ vì em thấy công việc vất vả quá (hoặc cũng có thể đó không phải là công việc yêu thích). Sau đó em đi làm sale cho 1 công ty bất động sản. Cuối cùng thì em cũng đã nghỉ sau gần 1 năm gắn bó vì kết quả công việc không như em mong muốn. Hiện tại em đang thất nghiệp và gặp một số khó khăn như này anh ạ :
    Thứ nhất là em chưa biết công việc yêu thích của mình là gì, chưa có định hướng, kế hoạch gì cho tương lai cả. Em đang rất bế tắc.
    Thứ hai là em tự nhận thấy mình là 1 người không có lập trường vững vàng. Yêu thích, đam mê, quyết tâm với công việc có nhưng những cái ấy chỉ xuất hiện trong 1 thời điểm nào đó thôi. Em không thể duy trì được cái nhiệt làm việc và sự quyết tâm xuyên suốt quá trình phấn đấu anh ạ. Nhiều lúc cũng tự nhận thấy là mình cần phải thay đổi nhưng đến thời điểm hiện tại em vẫn chưa làm được.
    Mong anh có thể đưa ra lời khuyên giúp em để em có thể có thêm động lực được không ạ. Em cảm ơn anh rất nhiêu.!

    • Dear em;
      Có vô số lý do khiến ta cảm thấy mất phương hướng nhưng tựu chung lại nó giống như trạng thái chúng ta đang đi ngoài đường bỗng bừng tỉnh và tự hỏi mình đang đi đâu đây ?. Con người là động vật có lý trí, có khả năng tự đánh giá bản thân và ẩn chứa trong mỗi người là mong muốn làm một cái gì đó để đời (một di sản để lại khi mà ta không còn nữa)

      Nếu chúng ta giống như con gà, con vịt; vui với thức ăn trước mắt mà không cần biết ngày mai ra sao thì cuộc sống sẽ dễ chịu hơn biết bao. Nhưng nếu giả sử chúng ta đúng như thế thì thế giới này chắc vẫn đang ở trạng thái ăn lông ở lỗ. Không có ô tô, không có điện thoại, không có tivi,…chẳng có gì hết. Niềm vui khi ăn một món ăn trước mắt làm sao có thể bằng niềm vui khi ta làm được một cái gì đó to tát, thứ mà ta phải rất cố gắng mới đạt được.

      Có hai thái cực, một là giống như con vịt: không hoài bão, không mục tiêu lớn, chỉ có nhu cầu đủ ăn hàng ngày. Một là có hoài bão, mục tiêu vô cùng to tát, mong muốn những thứ vĩ đại, thỏa mãn rồi lại có những mục tiêu khác. Lựa chọn thái cực nào là tùy thuộc vào khả năng của mỗi người. Mong muốn vượt quá nhiều so với khả năng thì chỉ tự làm khổ mình.

      24 tuổi còn rất trẻ, bằng tuổi em anh cũng chẳng có gì, chỉ có một mong muốn duy nhất là cố gắng hoàn thiện bản thân, cố gắng làm tốt nhất, tốt hơn những người khác bất cứ công việc nào được giao cho dù thích hay không thích hay được bao nhiêu tiền. Ngày hôm nay phải có năng lực cao hơn ngày hôm qua và ngày mai cũng vậy. Cứ như vậy, khi năng lực tăng lên thì khả năng lựa chọn cũng tăng lên. Khả năng còn hạn chế thì số lựa chọn cũng ít, thậm chí còn chẳng nhìn thấy lựa chọn để mà mong muốn.

      Giống như em, sở dĩ em chưa biết mình thích gì vì do năng lực của mình giới hạn mình trong một vài lựa chọn nhất định Nhiều thứ mình còn chưa thử thì làm sao biết được mình có thích hay không.

      Muốn có khả năng thì phải bỏ sức cho dù muốn hay không. Giống như em muốn tay to thì phải nâng tạ cho dù lúc nâng vô cùng mệt mỏi, thậm chí chán ghét nó. Cho dù em chán ghét việc nâng tạ nhưng vẫn tập đều thì tay em sẽ vẫn to. Độ to của tay chẳng liên quan gì tới việc em thích hay không thích . Đam mê, yêu thích,…nó chỉ là cảm xúc; có thể hôm nay yêu đó nhưng mai lại ghét, nên em càm thấy có vẻ lập trường không vững vàng thì cũng bình thường. yêu nhau là thế mà lúc lấy nhau xong người ta còn đánh nhau nữa là.

      Nếu thích mới làm thì thường ta sẽ chọn những cái dễ làm rồi thì năng lực sẽ ngừng lại ở đó. Do vậy cái đầu em giờ nó phải rất lý trí; chỉ bằng lý trí thôi xem xét với kinh nghiệm mình trong quá khứ, khả năng hiện tại; việc gì mình có thể xin được tốt nhất có thể. Có thể không phải lựa chọn tốt nhất nhưng với tâm thế học hỏi em sẽ nhanh chóng đi tiếp lên các nấc thang cao hơn. Chỉ đứng ở bậc thang đầu tiên và phân vân mãi thì biết bao giờ mới lên được bậc thang trên cùng.

      Chúc em thành công!

      • Dạ vâng. Em cảm ơn anh ạ. Thực sự chỉ khi con người ta đã trải qua những khó khăn thì họ mới có thể chiêm nghiệm và đúc kết lại thành những bài học để có thể chia sẻ cho những thế hệ đi sau. Em và anh tuy không quen nhau nhưng em cảm thấy rất khâm phục và quý mến anh. Và qua những lời khuyên của anh em thấy dường như em đang là chính anh của “n” năm về trước đúng không anh. Giờ thì tâm trạng của em cũng đã khá hơn lúc trước rồi. Em sẽ tiếp thu những chia sẻ của anh và sẽ cố gắng để thay đổi hoàn thiện mình hơn. Em cảm ơn anh rất nhiều. Chúc anh một ngày làm việc hiệu quả.

  47. Chào anh, hôm bay em buồn và vô tình vào mạng tìm đọc được bài viết của anh em thấy rất hay, chuyện là em là sinh viên sư phạm mới ra trường nhưng không có ý định đi dạy một phần không có chân và tiền tài, một phần em không đam mê đi dạy. Hiện tại em đang làm phục vụ tại một quán ăn, mục đích của em sau khi học xong bằng sp sẽ đi học một bằng khác ngành mà em thich, ngành xuất nhập khẩu nhưng nếu học vừa học vừa làm sẽ tốn it nhất 2 năm nữa em thì 23 tuổi rồi, mà đều quan trọng là ngành này em cũng không có ai quen biết chẳng biết xin có ai nhận không, vốn tiếmg anh và tin học thì cũng bình thường chỉ ơt mức trung. Em định học cái bằng tín chỉ về mảng xuất nhập khẩu rồi tìm chỗ học tiếng anh với tin sau đó đi xin việc mà em lo lắng quá, không biết nhà tuyển dụng sẽ nghĩ như thế nào khi thấy em chỉ có giấy chấn nhận về việc đã học 1 khóa đào tạo ngắn về xuất nhập khẩu rồi đi xin việc, chẳng có bằng cấp gì ngon lành ngoài việc có tấm bằng cử nhân sư phạm vật lý. Khi em tâm sự với mấy đứa bạn chuyện em muốn làm ngành xuất nhập khẩu thế này thế kia nhưng nó nói ngành sp hay ngành xuất nhập khẩu đều phải quen biết mới vào làm được mày, mày chọn ngành nào mà bản thân tự kiếm được ấy. Nghe xong em cảm thấy buồn và bế tắc vì mình cũng không còn nhỏ nữa và bản thân cũng chẳng biết mình có khả năng gì nổi trội chỉ biết mình rất thich làm những công việc liên quan về xuất hàng kiểm tra và nhập hàng giao dịch như phần lớn công việc của ngành xuất nhập khẩu. Nhưng ở nước mình đa phần xin dược việc đều có quen biết hoặc nhìn bằng cấp này nọ nên em thấy nản quá, anh cho em lời khuyên được không ạ

    • Dear em;
      Thông thường thì khi lựa chọn ngành thứ hai để học thì ngành đó phải có sự liên quan tới ngành thứ nhất vì nếu không học ngành thứ nhất sẽ trở thành lãng phí.

      Việc em học sư phạm nhưng không thích dạy học đúng là vấn đề nhưng không phải là không có cách. Học sư phạm ra làm nghề chẳng liên quan gì tới dạy học thì nhiều lắm. Học đại học không chỉ trang bị cho em kiến thức mà còn trang bị tư duy nữa nên có học đại học cũng vẫn có hơn là không học.

      Thị trường Lao động cũng tuân theo quy luật cung cầu thôi. Việc nào ngon thì cung nhiều cầu ít, việc nào không ngon thì cung ít cầu nhiều. Nếu như trong tay mình không có gì nổi trội mà mình lại lao vào công việc mà rất nhiều người đang muốn thì sẽ thất bại.

      Em thích ngành XNK mà chưa từng làm về ngành đó có khi cũng chỉ là sở thích nhất thời thôi, chưa chắc đúng là công việc em yêu thích. Nếu là công việc em yêu thích thì mình phải suy nghĩ về chiến lược thật tốt em ạ. Xem mô tả công việc, yêu cầu tuyển dụng của vị trí đó là những gì rồi hẵng vạch ra đường lối.

      Anh có thể vạch ra con đường cho em được. Em có thể tự làm rồi anh có thể đóng góp thêm cho.

      Anh nhận thấy những người làm việc một cách cống hiển không phụ thuộc vào thu nhập có tương xứng hay không thì thường sẽ phát triển tốt cho dù đó là nghề gì.

      anh V.D

  48. Chào anh Dũng,
    Tìm được blog của anh đúng như trời hạn gặp mưa.
    Em học chuyên ngành kinh tế nhưng lại làm mảng không liên quan cho một công ty online khá lớn. Mức lương ở đây khá tốt và đồng nghiệp cũng thân thiện, nhưng công việc khá dễ dàng và nhàm chán, không có điều kiện học tập nhiều nên em đã nghỉ việc sau 1 năm đi làm. Tại thời điểm này thì em cũng đã tốt nghiệp được khoảng nửa năm với tấm bằng giỏi ngành Kinh doanh quốc tế.
    Chịu ảnh hưởng từ trào lưu start-up và kinh doanh nhỏ rầm rộ hiện nay, em cũng tập tành kinh doanh thử, nhưng mau chóng chán nản. Hiện tại thì em cũng chẳng biết mình thích gì và nên làm ngành gì.
    Em muốn tìm một công việc mới, có thể là làm Sales hoặc học làm broker tài chính nhưng còn cảm thấy ngại, vì 2 nghề này tương đối khắc nghiệt, mặc dù vậy em cũng muốn học hỏi, nhưng rất sợ bản thân lại chán như trước đây; với lại các công việc này 1 năm đầu vào nghề lương sẽ rất thấp, thực sự khó có thể cao hơn công việc cũ của em, thành ra em luôn “cố” tìm việc lương tương đương việc cũ, nhưng mà khó quá.
    Em nên chọn lựa chọn nào trong số những lựa chọn sau đây:
    – Nghỉ ngơi, thư giãn, chiêm nghiệm lại bản thân trước khi đưa ra quyết định (em nghỉ cũng gần 1 tháng rồi!), trong thời gian đó kiếm freelance có chút tiền
    – Tìm một công việc giống với công việc cũ, mặc dù việc đó không có triển vọng thu nhập trong tương lai lắm, nhưng lương “cũng được”
    – Tìm một công việc có triển vọng và học học được nhiều kinh nghiệm, như sales, nhưng không biết bản thân có “hòa nhập” được với công việc mới không.
    – Trau dồi thêm tiếng Anh => đi du học hoặc kiếm thêm bằng sư phạm đi dạy tiếng Anh kiếm tiền – nghề này nhàn, thu nhập tốt, em cũng đã có IELTS 6.5 rồi.
    – Kinh doanh nhỏ gì đó, thất bại cũng không sao, coi như thử sức

    Em rất mong những lời khuyên từ Anh
    Em cảm ơn Anh

    • Dear em;
      Nhiều lựa chọn của em có thể đồng thời, không nhất thiết là chọn một cái là không thể chọn những cái khác.

      1. Nghỉ ngơi thư giãn chiêm nghiệm:

      Những khoảng thời gian nghỉ ngơi chiêm nghiệm là rất hiếm trong cuộc đời mỗi người. Nếu em thấy có đủ tài chính và mình thừa sức để có công việc mới sau đợt nghỉ dài thì cứ nghỉ. Miễn là đừng vừa nghỉ ngơi chiêm nghiệm tìm kiếm mục đích sống vừa lo lắng không biết mai có kiếm được việc không.

      2. Trong quá trình nghỉ ngơi xác định mục tiêu dài hạn, mục tiêu ngắn hạn
      Dùng các công việc ngắn hạn để nuôi mục tiêu dài hạn. Ví dụ em có thể làm gia sư, một công việc nào đó dễ dàng xin được dựa vào kinh nghiệm công ty cũ. Các công việc này em không thực sự yêu thích nhưng nó giúp em duy trì cuộc sống tránh các bất lợi khi bị thất nghiệp. Cùng lúc đó em xác định công việc làm ở dài hạn, một thời điểm mà tại đó em làm công việc mình yêu thích ví dụ như một cửa hàng kinh doanh nhỏ chẳng hạn. Để làm công việc đó một cách thành công em cần phải chuẩn bị những điều kiện gì?Tất nhiên nếu giờ em đã đủ điều kiện rồi thì làm luôn, khỏi phải xin công việc làm tạm thời nào khác.

      Em hiện tại không nên đặt mục tiêu làm công việc mình mong muốn nhưng với mức lương của công ty cũ. Em sẽ nhận được mức lương tương xứng với những giá trị em tạo ra. Khi em chưa có bằng chứng xác thực rằng em có thể tạo ra giá trị lớn cho nhà tuyển dụng thì người ta chẳng dại hứa hẹn một mức lương cao. Rất nhiều người bị mắc ở cái bẫy này, cố gắng tìm được công việc mức lương cao hơn công việc cũ ngay tại thời điểm tuyển dụng.

      Tuổi trẻ đầy sức sống nên thường nghĩ mọi thứ theo hướng đơn giản hóa. Nghĩ đơn giản nhưng thực tế không đơn giản. Có hàng triệu người cũng nghĩ được những thứ mình đang nghĩ; chỉ khác nhau là khả năng biến ý nghĩ đó thành sự thật của mỗi người mỗi khác nhau tạo ra người thành công, người thất bại.

      Chúc em thành công.
      anh V.D

      • Cảm ơn những lời khuyên quý báu từ anh.
        Chúc anh nhiều sức khỏe và lúc nào cũng hăng say trong từng câu chữ.

      • Anh ơi, em đã được một công ty nước ngoài tuyển vào vị trí Sales ngành sơn với mức lương khá tốt và được thông báo tuần sau làm liền. Trùng hợp là có ba công ty khác em ứng tuyển khá lâu rồi, tới giờ nó lại gọi phỏng vấn vào đầu tuần sau, cùng là Sales nhưng các ngành khác nhau, mà có ngành em cũng khá thích và có vẻ là dễ sale hơn ngành sơn. Em tính là mình sẽ đi làm công ty đầu tiên bình thường và tiếp tục xin nghỉ các buổi để đi phỏng vấn các công ty sau, em sẽ đi 1/3 hoặc 2/3 công ty thôi. Bên công ty sơn thấy họ khá nhiệt tình nên em có cảm giác có lỗi khi “đứng núi này trong núi nọ”.
        Em làm như vậy là hợp tình hợp lý chưa anh. Anh cho em một lời khuyên nhé.
        Cám ơn anh.

        • Chúc mừng em 😛

          Nếu mình có nhiều lựa chọn thì hãy lựa chọn tốt nhất đối với mình, không phụ thuộc vào mức độ quyết liệt của nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng không tuyển được em họ sẽ tuyển người khác; còn em chỉ vì nể mà làm thì đừng làm.

          Chúc em có được lựa chọn tốt nhất :)))))))

  49. Chào anh, bài viết của anh e cảm thấy rất hữu ích ạ. Em đang rất hoang mang mong anh giúp đỡ ạ.
    Em năm nay 19t, do hoàn cảnh gia đình nên em k học đại học, e nghĩ bản thân e có thể tự kiếm tiền rồi năm sau thi lại đại học hoặc học nghề.
    1. E k biết mình nên học nghề hay học đh. Học đại học tốn khá nhiều thời gian, ra trường cũng k chắc xin đc việc. Học nghề thì chỉ đc học cái cơ bản còn đi sâu vào thì chưa chắc đc học.
    2. Quan trọng nhất, có 1 vấn đề là e k có bất cứ đam mê, hay sở thích nào cả để hướng tới một ngành nào đó, điều đó làm e k có mục tiêu, cứ sống đờ đẫn qua ngày như một cỗ máy, làm việc gì cũng mệt mỏi, chán nản và cũng làm cho tâm trạng của e xuống dốc, thậm chí e còn có những suy nghĩ điên rồ, e k biết cuộc sống của e có giá trị gì nữa.
    Mong sớm nhận đc câu trả lời của anh ạ!

    • Dear em

      Khi chúng ta thử nhiều món ăn chúng ta mới biết mình thích món gì. Nếu em không thử thì em không biết mùi vị của nó từ đó cũng không thể thích được. Tương tự như lúc này, em sẽ không thể biết mình đam mê cái gì chỉ bằng nhìn người khác hay đọc một danh sách các nghề. 19 tuổi không biết mình đam mê cái gì cũng chẳng phải là cái gì ghê gớm, chẳng qua do trải nghiệm ít nên chưa phát hiện ra mà thôi; dần dần sẽ biết.

      Việc học đại học hay không học đại học với hiện trạng của em phải phụ thuộc vào các yếu tố sau:
      – Hoàn cảnh gia đình có cho phép em đi học đại học không hay là phải đi làm kiếm tiền ngay?
      – Em có thực sự thích học đại học không? (đừng nghĩ tới việc học đại học ra trường cũng thất nghiệp làm gì cho nản lòng)
      – Học nghề ban đầu sẽ có thu nhập ngay nhưng có cái dở đó là khả năng phát triển bản thân sau này rất khó. Tuy nhiên, nếu như tự mình cảm thấy như vậy là hài lòng rồi và trình độ của mình cũng có giới hạn thì đây là một lựa chọn tốt.

      Nếu em thích học đại học, có đủ tài chính, có khả năng học thì nên đi học. Nếu thấy mình không thích học đại học, không đủ tài chính và cũng không có khả năng học thì nên đi học nghề. Thử nhiều nghề vào rồi thì sẽ biết mình đam mê nghề gì. Đam mê và giỏi rồi thì cũng có rất nhiều lựa chọn, không có nghĩa cứ học nghề là làm công nhân trong nhà máy cả đời.

      Chúc em lựa chọn được hướng đi cho mình.
      thanks.

  50. Em rất cảm ơn vì bài viết hết sức ý nghĩa và thực tế của anh, Hiện tại e năm nay 32 tuổi, có gia đình và 2 bé gái rồi. Thời gian vừa rồi do áp lực công việc tại công ty nên e đã quyết định nghỉ việc sau khi nghỉ tết. Thực sự khi quyết định nghỉ việc e cũng chưa suy nghĩ kỹ về thời gian tới sẽ làm gì, tuy là luôn hướng tới việc e nghĩ mình yêu thích là kinh doanh tuy nhiên thực tế khi e nghỉ e lại chưa chọn được mục tiêu, kế hoạch cũng như sản phẩm kinh doanh chính thức, và tới giờ sau hơn một tháng e cũng thực sự dơi vào tình trạng mất phương hướng. Vì áp lực tài chính phải trang trải hàng tháng là khá cao, cộng thêm các định hướng mục tiêu chưa rõ dàng nên càng làm cho e dơi vào trạnh thái chán nản.Sơ qua một chút ạ: Trước khi nghỉ e làm tại một công ty xuất nhập khẩu cũng khá lớn, e làm mảng tài chính của công ty, Trong suốt từ khi ra trường e đã theo ngành kế toán tài chính và một thời gian làm Nhân viên kinh doanh, mặc dù công việc về kế toán tài chính khả năng của e luôn thể hiện rất tốt và đáp ứng được tại những công ty đã trải qua, còn kinh doanh thì e lại không được tốt lắm. tuy nhiên e lại thích làm kinh doanh hơn, nhân tiện đây e cũng xin phép được nhờ anh tư vấn giúp e để e có thể định hướng được công việc cũng như các bước làm thời gian tới để e có thể cân bằng được Công việc – Gia Đình – Sở thích cá nhân. Một lần nữa xin được cảm ơn anh!

    • Dear em;
      Trước khi nghỉ việc đáng nhẽ nên có sự chuẩn bị tốt:
      Về tài chính: em phải có lượng tài chính đủ để tồn tại trong khoảng 6 tháng; càng nhiều càng tốt. Giống như chính phủ tính lượng dự trữ ngoại tệ theo thời gian nhập khẩu vậy. Có tiền thì em mới không bị áp lực tìm việc mới từ đó có thể tìm việc ứng ý hơn.
      Về công việc thay thế: Giữa cái mình nghĩ và cái thực tế diễn ra rất khác nhau; càng ít trải nghiệm thì càng lệch nhau. Đáng nhẽ em phải đặt một chân vào nghề mới rồi hẫng nhấc chân kia ra khỏi nghề cũ. Khi em nhấc cả hai chân ra mà chưa biết phải đặt chân vào đâu thì sẽ rất sốt ruột, không đủ kiên nhẫn để chờ cơ hội hay chuẩn bị một cái gì đó dài hạn.
      Về sở thích và giỏi: Em đang có một nghịch lý là giỏi về tài chính kế toán nhưng lại không thích, kém về kinh doanh nhưng lại thích làm kinh doanh. Nghịch lý này xuất phát từ việc ở trong chăn mới biết chăn có rận. Khi chưa biết nhiều về KD em nghĩ nó toàn màu hồng, đảm bảo em làm một thời gian rồi sẽ gặp bài toàn tương tự như công việc cũ.

      Câu hỏi đặt ra là Làm sao để pha trộn giữa cái mình làm giỏi và cái mình thích?
      Sẽ có một vị trí nào đó có định hướng kinh doanh nhưng lại đòi hỏi năng lực về tài chính kế toán. Giống như một anh kỹ thuật thích kinh doanh thì có thể lựa chọn vị trí Bán hàng kỹ thuật vậy. Em phải chọn vị trí nào đó có thể sử dụng được kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng của vị trí cũ, ngược lại thì em sẽ tay trắng khi cạnh tranh với những người khác.
      Ngoài ra cũng phải thấy rằng giữa công việc cũ và cái công việc mới mà em đang hướng tới có hai chiều hướng khác nhau. Đối tượng của tài chính là các con số; còn đối tượng của kinh doanh là Con người và hàng hóa/dịch vụ cụ thể. Có thể để làm tài chính tốt em cũng phải hiểu về chu trình kinh doanh (để có thể sắp xếp vốn kịp thời), chu trình sản xuất,….Nếu được như thế thì kinh nghiệm em có chắc không ít.

      Trước mắt nên xem lại số tiền em đang có đủ giúp duy trì gia đình được bao nhiêu tháng. Sau đó tính rằng mình có bao nhiêu tháng để xin việc mới. Xác định công việc mục tiêu theo hướng tận dụng được lợi thế cũ. Lựa chọn công ty tương ứng và rải truyền đơn.

      Trường hợp em định tự doanh theo kiểu mở cửa hàng, kinh doanh qua mạng,… thì còn phức tạp hơn nhiều. Những cái đó đòi hỏi thời gian bỏ tiền ra rất dài mới thu được tiền về nên tài chính không mạnh thì không thể làm được.

      chúc em thành công;
      anh V.d

  51. Chào anh Dũng!e là Hằng hiện em là sinh viên năm 3.E tình cờ đọc được những bài viết hữu ích của A.Những gì a chia sẽ e cảm thấy rất hay và có ý nghĩa điều này khiến e muốn bình luận và cần sự tư vấn của A ạ!Hiện tại e đang rất buồn vì bản thân mình chưa làm được gì?e luôn khao được giống như những bạn khác.có thể tự chủ bản thân,có thể làm việc và nâng cao kiến thức của mình.Nhưng cái e nhận được chỉ là thất bại của bản thân.Nhiều khi e chỉ muốn khóc.Gia đình e chẳng có khá giả gì nhà chỉ có 3 mẹ mẹ con,e sống chỉ phụ thuộc vào dì,cậu.e rất muốn học đại học để học hỏi nhiều hơn,biết được nhiều thứ hơn nhưng trong đầu e chỉ nghĩ đến làm việc làm thêm để kiếm tiềm để đóng tiền học.e ko xin tiền mẹ.vì mẹ chỉ là công nhân e con thêm đứa e.cậu,dì thì cung thương và giúp đỡ e nhung sao e cảm thấy nặng nề ko muốn làm phiền mọi người.Nói chung không khí gia đình e đôi lúc cũng ngột ngạt,làm e mệt mỏi .e cảm thấy mình chẳng tự chủ được. e đang học ngành quản trị kinh doanh nhưng ai cung nói e ko hợp vì bản tính nhúc nhát, sợ hãi,ko nhanh nhẹn.Đôi lúc mọi người nói học ra cũng chẳng làm được gì.Mọi người đều cảm thaasy e chẳng có năng lục gì.làm e càng thêm nản.cậu dì luôn hướng sau này chỉ có thể làm việc cho họ.còn e thì luôn khao khát được tự khẳng định bản thân có thể làm việc ở các công có giao tiếp với mọi người phát triển bản thân nhưng không hiểu tại sao e cứ lùi dần.Hiện tại e chưa có gì hết kết quả học tập chỉ trung bình.Vì không có tiền nên e phải phụ cậu dì, để kiếm tiền đóng học phí và e cũng rất cám ơn vì điều đó nhưng sao e không biết làm thế nào để mình có thể tự tin vào bản thân để sau này ra trường có thể kiếm tiền và lo cho bản thân.mọi người nhìn vào đánh giá thấp về e ,e cảm thấy cô lập.e phải làm gì để có thể học thật nhiều có một vốn kiến thức vững chắc để làm chủ sau này ạ?e rất mong a tư vấn và giúp e.e đang trông chờ sự phản hồi của anh.
    E cám ơn!

    • Dear em;

      1. Học quản trị kinh doanh nhưng tính tình nhút nhát

      Anh tạm đoán là em là người hướng nội. Có hẳn một cuốn sách ” Lãnh đạo hướng nội”. Người hướng nội có những ưu điểm riêng và họ vẫn có thể làm tốt trong lĩnh vực này, thậm chí còn tốt hơn người hướng ngoại. Em đừng nghĩ quản trị kinh doanh là chỉ có giao tiếp giữa người với người.

      2. Về nỗi sợ
      Nỗi sợ là nguồn gốc của các cảm xúc em đang có. Cảm xúc này do hoàn cảnh gia đình hình thành trong một thời gian dài vì vậy thay đổi không đơn giản. Em nên liệt kê ra danh sách những thứ em đang sợ sau đó phân lập đâu là nỗi sợ chính. Rất nhiều nỗi sợ là không đáng, trên blog này cũng có chủ đề này nên em tìm nhé.

      3. Về sự tự chủ
      Công việc em đang làm sẽ khiến em lãng phí thời gian nếu em không thể liên hệ nó với công việc sau này. Những thứ học ở trường thường rất lý thuyết vì vậy không dễ áp dụng vào thực tế. Đơn giản là em chỉ cần thay đổi cách nghĩ thôi, hãy nghĩ rằng cái cửa hàng của dì mình là của mình, tiền là của mình. Cách nghĩ đó sẽ khiến em hành động như một người chủ khiến cho trạng thái cảm xúc tốt hơn, học được nhiều hơn.
      Bất cứ lĩnh vực nào, quy mô nào cũng đều cần tới quản trị kinh doanh. Quản trị kinh doanh thực chất là tổ chức làm sao đó để mang lại hiệu quả tốt nhất. Vậy cái cửa hàng của dì em làm sao để bán được nhiều hơn? nhiều khách hàng hơn? Có cái gì cầy thay đổi không hay là giữ nguyên như cũ?

      Khi em đặt câu hỏi em sẽ đi tìm câu trả lời. Cho dù tiền em không nhận được nhưng cái em nhận được là kiến thức, kinh nghiệm và đặc biệt là có được thái độ tự chủ.

      Đừng nghĩ rằng học nhiều để có kiến thức nhiều rồi sẽ thành công. Kiến thức sẽ chẳng là gì nếu như không áp dụng được vào thực tế em ạ.

      Thái độ là do mình quyết,không phụ thuộc vào ngoại cảnh. Cố gắng lên;

      anh V.D

  52. Chào a
    E là nam 23t không bằng cấp đi làm thuê từ lúc 18t do hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng e chỉ làm được nửa năm vài tháng lại nhảy việc do mức lương công việc chán nản!
    Bây giờ e muốn đi làm để tích lũy rồi học nghề nhưng e lại không biết bản thân mình phù hợp với nghề gì và nghề gi đem lại cho e ổn định chút!
    E cũng lớn rồi nên nếu chọn sai nghề thì cơ hội của e càng ít đi a giúp e với!
    Cảm ơn a nhiều

    • Dear em;

      Nghề phù hợp với mình là nghề mà mình làm giỏi nhất. Em xem trong các công việc đã làm có việc nào mình làm mà được người khác công nhận là giỏi không.

      Giả sử em xác định được công việc đó là A nhưng em lại không thích làm A thì em phải xem là tại sao em lại làm giỏi A. Ví dụ do đức tính cẩn thận, do thích tìm tòi sáng tạo, do chăm chỉ,… Rồi em tìm một việc nào đó đòi hỏi những tố chất đó mà em cũng thích để làm.

      Ngày nay khái niệm ổn định không phải là em có thể làm ở một công ty nào đó tới khi về hưu. Ổn định là khi em có thể dễ dàng tìm một công việc khác trong vòng không quá 2 tháng kể từ khi nghỉ việc ở công ty cũ.

      23 tuổi chưa có bằng cấp bù lại em có nhiều trải nghiệm mà người mới ra trường không có. Đó là thế mạnh của em, nếu giờ đi học nghề thì em có kinh nghiệm thực tế nên học sẽ nhanh và chắc chắn hơn là người chưa có kinh nghiệm.

      chúc em lựa chọn được đường đi cho mình.
      anh v.d

  53. Chào anh, em đang là học sinh lớp 12 sống tại HN, trước mắt em có một kì thi ĐH rất quan trọng và em cảm thấy khá là bối rối về tương lai. Quá khứ em từng là một học sinh khá giỏi, em cũng từng thi hsg quận thành phố, em đạt được vài giải trong những cuỗ thi đó, thậm chí có những kì thi em ko nghĩ mình đạt được thành tích cao như vậy. Nhưng cuộc sống hiện tại em chẳng có gì ngoài những các thất bại. Em từng có những tình bạn tuyệt vời tại nơi ở cũ nhưng từ ngày chuyển lên Hà Nội em chỉ có vài người bạn ko thân cho lắm. Ngày lên HN em học lớp 9 những kì cuộc thi chuyên đã cuốn đi rất nhiều thứ của em, em yêu thích môn hóa nó ko phải là yêu thích mà thực sự nó như một đam mê của em, ngày đó em trượt chuyên, em chán nản cuộc sống. Năm lớp 10 em tiếp tục đăng kí đội tuyển hóa của trường, em lại thất bại rồi năm lớp 11 em lại thất bại. 3 năm thất bại cho một niềm đam mê, em đã bỏ cuộc, em khóc rất nhiều và em nghĩ rồi mọi chuyện sẽ qua. Nhưng có lẽ ko chỉ có vậy cứ shock ấy đã đeo đuổi em suốt 3 tháng hè 12. Trong khi các bạn hăng say học tập thì em như một cái xác ko hồn, ngày ngày đến lớp học thêm rồi về nhà ăn và đi ngủ. Em bị mất phương hướng sống, em chỉ sống là để cho hết thời gian, em bị strees và rơi vào trạng thái trầm cảm. Gia đình bạn bè thầy cô đều ko biết thời gian ấy em bị trầm cảm, em bị rối loạn giấc ngủ có những đếm em đã nằm trên giường mà thức trắng cả đêm. Em chẳng biết làm gì và cuộc sống của em ra sao. Gia đình em ko phải là nơi em có thể chia sẻ, bạn bè em thì ở xa và chúng nó cũng đg có những kế hoạch cho ước mơ, em đã sống một mình khi bản thân lạc hướng. Rồi em tìm được cuốn sách tony buổi sáng , em đã thay đổi tích cực, em lên kế hoạch cho tương lai, em bắt đầu thực hiện các kế hoạch trong tương lai. Em nỗ lực 200% cho việc học. Có những ngày bài tập trên lớp ko ai làm em vẫn hoàn thành đầy đủ, nhưng những kết quả em nhận lại là những bài kiểm tra điểm kém, em buồn nhưng em ko nản chí, em lại cố gắng, những bài kiểm tra đã tốt hơn nhưng nó chưa đúng như ý em muốn. Nhưng hiện tại, quá nhiều thứ làm em chán việc học và rơi vào trạng thái trầm cảm. Với lực học của em hiện tại việc thi đỗ vào một trường ĐH tốt là có thể, nhưng éo le thay ước mơ của em là một makeup artist ( chuyên viên trang điểm ) nên em ko biết bản thân mình đang học vì gì, một ngôi trường ĐH tốt để bố mẹ nở mày nở mặt với thiên hạ hay vì cái ước mơ em đang theo đuổi. Nếu theo ước mơ rồi họ hàng bạn bè xã hội sẽ nhìn em là một người học ngu dốt nên mới phải làm nghề này, vâng em sẵn sàng cho tất cả những điều xấu nhất, nhưng em thương bố mẹ em, bố mẹ sẽ như thế nào nếu nghe người khác nói vậy ? Em muốn một lời khuyên của anh, em muốn có một niềm tin để bứt phá trong việc học bố mẹ vui để có đủ dũng khí thực hiện được ước mơ của em

    • Dear em;
      Anh có một vài ý như thế này:

      1. Trong xã hội có một số công việc bắt buộc em phải học chuyên ngành thì mới làm việc được hoặc mới xin việc được đó là luật sư, bác sỹ, dược sĩ, giáo viên, ngân hàng và một ngành đặc thù khác. Còn lại thì không cần thiết phải học đúng chuyên ngành mới làm việc được. Anh lấy ví dụ như các ngành như nhiếp ảnh, thiết kế, kỹ thuật điện,… cần gì phải học tới tận 5 năm làm gì. Đặc biệt nếu em không có nhu cầu xin việc vào nhà nước thì các doanh nghiệp nói chung là dựa vào thực lực thực tế để tuyển em chứ không phải em có bằng cấp đúng chuyên ngành đó hay không.

      2.Có rất nhiều ngành học trung dung, ra trường làm cái gì cũng được. Do vậy khi không biết mình thích gì, muốn gì, mạnh gì thì nên lựa chọn những ngành học kiểu như vậy để tránh bó buộc mình vào một giới hạn các lựa chọn khi ra trường.

      3.Nếu em yêu thích làm Chuyên viên trang điểm thì về lý thuyết em có thể tham gia một khóa học ngắn là làm được (mà không cần học đại học). Tuy nhiên nếu em làm như thế thì em trước mắt có thể có một nghề, có thu nhập ngay nhưng về dài hạn thì em sẽ rất khó phát triển vì thiếu nền tảng.

      4. Bất cứ một nghề nào cũng có nhiều cấp độ: nhân viên, chuyên viên, chuyên gia, quản lý, quản lý cấp cao,….Hướng phát triển lĩnh vực em chọn cũng theo những cấp độ như vậy. Trang điểm là một phần của ngành thầm mỹ vốn sẽ phát triển ngày càng mạnh, đời sống càng nâng cao thì người dân càng có nhu cầu làm đẹp. Em có thể là một nhân viên sau đó là một nhân viên giỏi ai cũng muốn được em trang điểm, sau đó là quản lý nhiều nhân viên, sau đó có thể mở riêng cho mình một cửa hàng,…Tùy vào khả năng của em. Cuối cùng thì vẫn là làm ra bao nhiêu tiền và có thoải mái trong nghề đó không mà thôi.

      5. Em xem cái nghề đó gần nhất là ngành học nào sau đó theo học đại học. Trong thời gian học đại học thì kết hợp học khóa ngắn ngày đi xin việc vào nghề đó để xem mình có thực sự phù hợp không. Trường hợp không học đại học vào nghề ngay thì phải thực sự có tố chất tốt mới được em ạ, xác suất thành công thấp lắm, cả thế giới có mấy người được như Bin Gates hay Steve Jobs mà đòi bỏ học đại học trở nên giàu có. Ở VN này đầu tiên là em phải có bằng đại học đã chưa quan trọng bằng gì, người ta mới cho em phỏng vấn. Nếu em lựa chọn làm nghề trang điểm, sau này hối hận muốn đi theo ngành nghề khác, không có cái bằng trong tay thì rất bế tắc.

      Chúc em lựa chọn được con đường của mình. Những việc em kể về thời đi học thực ra cũng chẳng to tát gì lắm, sau này khi đã tự chủ cuộc sống em sẽ tự thấy điều đó.

      V.D

  54. Chào anh!
    Cảm ơn anh vì bài viết rất hữu ích. Chắc mỗi ngày e đọc 1 lần để nhớ những điều thâm túy này a ạ. Cuộc sống của em bây giờ em không biết phải làm sao nữa. Em cần a tư vấn giúp em ạ. Em là con trai năm nay 25tuổi. E lấy vợ từ năm 2014 và đã có cháu đc gần 2 tuổi, bản thân em nghề nghiệp thì bấp bênh, phần là do e k đam mê với những việc mình làm, phần thì do công việc e làm e cảm thấy k có tương lai. E lại có máu muốn mình phải giàu nhưng lại k biết phải bắt đầu từ đâu, làm cái gì? Từ lúc e chưa lấy vợ thì e có đi làm nghề chạm khắc gỗ lương thì 3triệu 1tháng. Rồi sau khi kết hôn e vẫn làm nghề này. Nhưng mức lương 3tr 1 tháng a bảo e làm sao có thể lo được cho vợ con mình. Đã thế cái nghề tự do. Ốm mệt cỗ bàn lại nghỉ. Tính ra 1tháng được 2triệu. Trong khi đó nhiều thứ phải chi đến tiền. E cảm thấy thất vọng bản thân mình. Bản thân e mặc dù rất nhiều lần đặt mục tiêu phải cố gắng làm hơn để tăng thu nhập nhưng lại k lm đc. Cũng vì miếng cơm manh áo nên e và bố mẹ hay xảy ra mâu thuẫn. E vẫn còn ở chung nên hàng tháng bố mẹ yêu cầu phải đưa tiền để sinh hoạt gia đình. Nhưng mà e làm gì có tiền nữa để mà đưa. Vợ e thì bầu bí rồi sinh con. Cũng mới đi làm công nhân may được từ đầu năm 2016. Cũng vì tiền nong mà vợ e cứ khuyên e đi vào công ti. 2 vợ chồng cùng làm thì cũng đủ sinh hoạt với lại bỏ ra đc 1-2 triệu. Thế là e bỏ nghề vì thấy mình đi làm cái nghề này cũng k có tg lai gì cả. Tay nghề mình chỉ lam đc như vậy. K biết bao giờ mới khá hơn. Đã vậy lại ít tiền. Bây giờ vợ chồng mới ở thì vợ còn chịu đựng đc. Nhưng lâu dài chắc là chả ai chịu đc. Nên e lại đi lm công nhân may cùng với vợ. Được vài tháng thì e cảm thấy còn chán nản hơn là đi làm đục. K phải do công việc vất vả mà do cái không khí làm việc e cảm thấy nó như 1 cái máy k có 1 chút cảm xúc nào. 1ngày trôi qua như 1 giờ. 10ngày trôi qua như 1ngày… nó cứ lặp đi lặp lại. Mình vẫn cứ làm 1 công việc duy nhât. K có gì thay đổi. E cảm thấy sống như vậy k có gì ý nghĩa cả. Rồi e bỏ việc. Rồi lại bị bố mẹ chửi quanh năm đi làm k làm đc đồng nào. E lại quay sang vừa học vừa làm thợ đóng bàn ghế chứ k đi làm đục chạm nữa. E làm đến bây giờ là đc 5tháng. Cái này cũng k phải đam mê j a ạ nhưng ít ra nó cũng đỡ ngột ngạt hơn đi công ti. Mình vẫn cảm nhận đc ngoài trời thay đổi. Có nắng, mưa, gió, rét, chim kêu, chó sủa. E cảm thấy bình yên hơn. Nhưng ngu một cái là e lại k hỏi lương tháng đc bao nhiêu (vì lm nghề tự do nên e toàn cần tiêu cái j thì mượn cừng ấy) thế là đến hôm cuối năm vừa rồi tổng kết. Nó trả e đc 2tr/1tháng. E khóc k đc. Hôm nay là mùng 1 tết mà trong túi e k có 1xu nào a ạ. Muốn yêu nghề nhưng k có cái nghề nào nuôi được mình lúc này e phải làm sao hả a. E muốn tương lai rạng rỡ. K biết là năm nay e phải bắt đầu như thế nào đây. A cũng nói là muốn thành công thì mình phải có đam mê với công việc mình chọn. Nhưng mà những cái e đam mê biết bao giờ mới thực hiện được. E rất muốn mở một cửa hàng điện thoại vùa sửa chữa vừa bán điện thoại nhưng e lại k có vốn. Nói với bố mẹ thì cũng k có tiền. Đã thế lại còn mất niềm tin. Ai dám đứng ra vay cho mình chứ. Mặt bằng cũng không có. Chẳng lẽ năm nay lại đi công ti. A có thể giúp e thoát ra khỏi mớ hỗn độn này đc k ạ. E cám ơn a rất nhiều. E cần 1 con đường sáng cho cuộc đời em. Trong đầu e ấp ủ nhiều thứ nhưng e chả biết xoay tiền ở đâu. Và làm như thế nào cả. E cảm ơn a rất nhiều.

    • Dear em;

      Anh nghĩ rằng trong cuộc sống thường khi mất cái này thì sẽ được cái khác, chỉ là con người ta đôi khi không nhận biết được cái “ĐƯỢC” đó để hài lòng hay làm đòn bẩy cho cuộc sống ngày càng tốt hơn hay không mà thôi. Mọi việc trong đời đều bắt đầu từ những thứ rất nhỏ, theo thời gian mới trở thành lớn được. Một người lương 20tr/tháng đều bắt đầu từ lương vài triệu/tháng thậm chí là làm không công; không ai mới bắt đầu đi làm đã nhận ngay mức lương cao.

      Cách đối mặt với cuộc sống của em giống như một người đang rất muốn mình khỏe lên. Tuần đầu anh ta tập tạ, sang tuần chán chuyển sang tập chạy, rồi vài tuần sau chuyển sang tập bơi. Cứ như vậy, lúc nào cũng thấy mình đang phải rất cố gắng nhưng cái nhận được thì chẳng là gì cả. Muốn khỏe lên thì phải biết mình muốn khỏe cái gì, cái khỏe đó tập môn gì là phù hợp với mình (điều kiện thể chất hiện tại, thời gian, tiền bạc,.). Khao khát có sức khỏe không mang lại sức khỏe được với cách làm thiếu bài bản.

      Tương tự như việc mong muốn có một thu nhập cao, nếu như nhảy qua nhảy lại mỗi chỗ một tí mà các chỗ đó chẳng có liên quan với nhau (chỉ vì sốt ruột muốn tìm ngay chỗ lương cao) thì sẽ lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi. Mà người ta cũng chỉ trả cho anh lương bằng thế (vì anh có đủ giỏi đâu để mà người ta trả lương anh cao)

      Muốn tăng thu nhập có hai hướng đi theo đuổi 1. Gia tăng số lượng sản phẩm tạo ra/đơn vị thời gian và 2.Gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị sản phẩm. Giá trị sản phẩm là giá trị người mua sẵn sàng mua, nếu một tháng em tạo ra số lượng sản phẩm bán được (hoặc được người chủ công nhận) là 1 triệu đồng thì em chỉ có thể có thu nhập loanh quanh dưới mức đó thôi. Nếu tổng sản phẩm tạo ra có giá trị 100 triệu thì cho dù em cũng vẫn bỏ ra từng đó thời gian nhưng chắc chắn thu nhập của em sẽ cao hơn.

      Do vậy trước mắt em nên chọn công việc mang lại giá trị cao nhất mà mình có thể xin được (vì năng lực của em cũng đang có giới hạn nhất định). Làm ở đó chuyên cần để rèn dũa các kỹ năng, kiến thức của mình để tới mức năng lực cao hơn nhờ vậy mở rộng được vùng lựa chọn hơn. Anh lấy ví dụ như kỹ năng trình bày chẳng hạn, cùng một nội dung tâm sự của em nhưng ở trình độ cao hơn người ta sẽ viết ngắn gọn, dễ hiểu hơn đồng nghĩa với việc mang lại giá trị cao hơn. Nếu em chạy theo đám đông thấy mở cửa hàng điện thoại hay, kinh doanh online,…mà năng lực chưa tới thì thất bại cầm chắc.

      Anh nhấn mạnh là cái gì cũng phải từ từ từng bước. Cùng một mục đích để khỏe hơn thì có vô số cách nhưng mỗi người lại chỉ phù hợp với một số cách mà thôi. Cùng với đó là mức độ chuyên cần, cùng là nâng tạ, cùng một xuất phát điểm thì có người phát triển nhanh hơn hẳn bởi vì họ chăm chỉ hơn, họ tập hàng ngày và luôn tìm cách để làm sao hiệu quả hơn. Cái ông lười tập thì tìm thấy vô số các lý do như không có thời gian, không có tiền đóng lệ phí, hôm nay đau tay quá, nhà xa quá,….vì ông lười nên ông tự tìm ra các nguyên nhân khách quan để ru ngủ mình, cuối cùng kết quả nhận được cũng chỉ mình ông thôi.

      Cứ bình tĩnh từng bước em ạ, em còn quá trẻ, đời người còn dài, xuất phát điểm dù chậm nhưng mà đúng hướng thì kiểu gì cũng tới đích.

      Chúc em thành công.
      anh v.d

  55. Chào Anh!
    Em đã đọc những bài viết của a hỗ trợ cho mọi người tìm định hướng cuộc sống, e thấy cách nhìn tương lai của a rất hay. Nên e cũng muốn chia sẽ và được a hỗ trợ. Hiện tại e đang có một công việc ổn định tại một dự án, e làm nhân viên y tế kiêm quản lý hồ sơ nhân sự, công việc tốt, sếp tốt, gần nhà nói chung là thuận lợi. Hiện tại e có một bé nhỏ 14 tháng đang ở nhà ngoại chơi tết hai vợ chồng về sẽ đưa bé vào, Nhà e thì hiện tại có mở thêm phòng nha khoa chủ yếu làm ngoài giờ…tình hình chung của cs e. Hiện tại e muốn học thêm có thể là chuyên khoa nha hay Dược sỹ(vì e cũng thik nghành này) hay ngoại ngữ gì đó vì e làm cho dự án cần sử dụng tiếng anh…e rất phân vân ko biết nên chọn đi hướng nào? e cảm giác mình chưa có đam mê thực sự cho nghành nào cả, mà sợ nhất là ko có đam mê là khó có thể theo đến cùng dc, mà e thì sợ hết dự án mình sẽ làm gì? vì bằng cấp của e ko cao e chỉ có kinh nghiệm thôi, mà đi xin việc thì ng ta hay nhìn bằng cấp nhiều hơn. Mà nếu bây giờ e đi học thì lại không có thời gian chơi với bé thì rất thiệt thòi cho nó nghĩ thương…Thực sự là không biết nên phải làm gì,cũng đã 30 rồi ko học bây giờ thì mấy năm nữa tụt hậu ko có đủ trình mà theo người ta thất nghiệp thì chết nua…e nói vậy a cũng hình dung phần nào tình hình của e rồi, a có thể đưa ra định hướng giúp e ko?thực sự rất bối rối?

  56. Chào anh.bài viết của anh rất có ích ạ.em hiện đang là sinh viên năm 3 chuyên ngành công nghệ thông .năm đầu e rất đam mê với chuyên ngành mình chọn và kết quả học tập của em khá tốt. Từ năm 2 chở đi do kinh tế hơi eo hẹp e mải làm thêm ít lo việc học hành hơn keo theo việc ham chơi game gái gú kết quả e bị rớt 2 môn. Năm 3 e bỏ bê việc học rõ dệt sự đam mê K còn e rớt thêm 4 môn.e lâm vào tình trạng hoang mang không có lối thoát. E nghĩ sẽ bảo lưu và định hình lại thứ mình giỏi nhất để bắt đầu lại.e năm nay 22t a nghĩ em có kịp để làm lại không ạ??? Em cam ơn anh đã quan tâm.

    • Anh mà là em thì mặc kệ có yêu thích hay không, trước mắt cứ phải cố gắng có cái bằng đại học cái đã. 22 tuổi giờ học lại đại học một ngành nào đó là không thể. Không có bằng đại học xin việc đã khó mà sau này cũng không phát triển được. Anh có ông bạn giống em nên anh thấm cái vụ này lắm.

  57. Em chào anh!
    Cảm ơn anh rất nhiều về bài viết này.
    Bản thân em cũng đang gặp phải tình trạng trên, vì vậy rất mong có được lời khuyên từ anh.
    Em là một sinh viên mới ra trường tiếng anh, nhưng tiếng anh không dc giỏi, chỉ vừa vừa thôi ạ. Em đang cảm thấy bế tắc, áp lực khi đang làm một công việc không như mong muốn, việc quá nhàm chán và không liên quan nhiều đến chuyên môn.
    Hiện tại, em là một nhân viên lễ tân. Vì mới ra trường, xin được một công việc nên em rất vui và chấp nhận đi làm ngay. Đến bây giơ, em cảm tháy rất chán vì công việc ở đây quá nhàm chán. công việc của em là chỉ tieps khách, dẫn khách vào cho sếp hoặc các phòng ban, trực điện thoại, nhận thư tự, nấu ăn cho sếp… em cảm thấy môi trượng và bản thân công viêc không thể dạy cho em thêm kinh nghiệm. Đâm ra em đang rất chán nản với công viecj hiện tại.
    Song song với vấn đè trên, hiện tại, bản thân em rất muốn chuyển việc,nhưng em là sinh viên mởi ra trường và vì đang cuối năm nên xin việc rất khó. Em rất ap lực, không biết là có nên chuyển việc hay không? Mà nếu chuyển việc thi lại sợ rằng không xin được việc, vì hiện tại em đã tự lập, không sống dựa vào tiền chu cấp của bố mẹ nữa.
    Thứ 2, sếp hiện tai của em, co nói sẽ đào tạo em làm thư ký cho giám đốc bên chi nhánh khác sẽ hoàn thành trong 6 tháng nữa, đây cũng là một nguyên nhân làm em băn khoăn không biết có nên chuyển việc hay chờ cơ hội này.Nhưng, sếp hiện tại đang có ý với em, em đã từ chối việc trai gái với sếp, nên em có nghĩ cái cơ hội mà sếp cho mình lam thư ký kia cũng sẽ hết vì ông không đạt đc mụch đích, đời đâu cho ai không cái gì. Bản thân em lại không muốn co đc công viecj mơ ước trong sự không liêm minh như thế.
    Đôi khi em lại thấy mình không xác định được sở thích công việc, không biết mình thích công việc gì,công việc gì là phù hợp…
    Tất cả những điều trên làm em bị stress đến bây giờ?
    Em rất mong, anh sẽ cho em những lời khuyên trong giai đoạn khó khăn này. em cảm thấy mình rất chênh vênh, ngày qua ngày chưa làm đc gì, cảm thấy mình quá vô dụng…

    • Dear em;

      Thời điểm cuối năm đúng là không phải là thời điểm tốt để nhẩy việc. Nếu em định nhẩy việc thì nên để sang tháng 3 lúc đó số nhu cầu tuyển sẽ nhiều hơn.

      Hiện tại em đang chán nản bởi bị giao những công việc nhàm chán đơn giản không có khả năng học hỏi. Nếu anh là em thì anh cũng chán y như em. Nhưng cách phản ứng của em hiện nay không phải là nhảy việc mà là hành xử khôn khéo hơn.

      Người ta chỉ trao cho em cơ hội khi họ thấy em có khả năng vì vậy lời hứa của sếp chỉ có thể thành hiện thực khi sếp thấy em có khả năng. Nếu em chỉ đơn giản là đợi thời gian trôi qua thì chắc chắn là sếp phải thất hứa rồi.

      Trước mắt em cần thể hiện là một người có năng lực bằng cách hoàn thành nhanh nhất và chất lượng nhất các nhiệm vụ được giao, đưa ra các đề xuất để cài tiến các công việc đơn giản đó cho nhanh hơn và chất lượng hơn (nếu có thể).

      Chủ động nhìn thấy việc để xin lấy mà làm; việc có thể là trong bộ phần em đang làm hoặc ở phòng ban khác. Thực tế là công việc luôn thừa mà người thì luôn thiếu nên chỉ cần em chú ý một tí là nhìn ra ngay.

      Tự nghiên cứu hoặc chủ động hỏi sếp vị trí sắp tới đòi hỏi những năng lực gì để em học tập nhằm đáp ứng được nhiệm vụ lúc đó. Sếp thấy em quyết tâm và nỗ lực như vậy thì tới lúc quyết định em sẽ nắm chắc phần thắng hơn.

      Việc tìm cơ hội ở những công ty mới cũng là một giải pháp nhưng không phải là tốt nhất vì 1. Chưa chắc em đã tìm được việc; 2.Chưa chắc công việc mới đã không có vấn đề như em đang gặp ở công việc cũ (vì vấn đề hầu hết là ở chúng ta chứ không phải ở cty). Trước mắt cứ nỗ lực ở cty đó đi đã, nếu nỗ lực chán rồi mà vẫn thế thì mới nên đi.

      Chúc em thành công.
      anh V.D

  58. Chào anh,

    Như bài viết của anh, tôi bị mất phương hướng do “không giống với những người bạn cùng lứa khác”, tôi 30 tuổi và chưa lấy chồng do không có mối quan hệ nào khả dĩ để phát triển thành hôn nhân. Tôi vẫn sống chung với gia đình và điều đó làm tôi buồn bã vì tuy thu nhập khá nhưng tôi lại không sở hữu thứ gì đáng kể cho bản thân. Thời gian gần đây, tôi quyết định nghỉ làm tại công ty nước ngoài khi đang giữ chức trưởng phòng và lương tốt do tôi cảm thấy không hợp tác tốt với người sếp trực tiếp, mối quan hệ giữa tôi và sếp vẫn rất tốt nhưng về mặt công việc tôi không tìm được tiếng nói chung. Vì thế tôi càng ngày càng cảm thấy chán nản, không công việc, không gia đình riêng không tài sản giá trị.

    Tôi phải làm gì, anh có thể cho tôi 1 hướng dẫn được không?

    Rất cảm ơn anh

    • Dear em;
      Cuộc sống vốn có nhiều thứ để lo trong khi sức thì có hạn. Do vậy trong mỗi giai đoạn cuộc đời chúng ta luôn phải xác định thứ gì là quan trọng và bỏ qua những thứ khác. Rất khó để cái gì cũng tốt, thu nhập tốt, ổn định lâu dài, có khả năng phát triển sự nghiệp, tự do thời gian, sếp tốt,… Em thử đặt ngược lại là giả sử em có một ông sếp tốt nhưng thu nhập lại thấp thì em có đánh đổi không?

      Thời gian qua một phần có thể em không ưu tiên cái nào đâm ra chẳng cái nào đạt được. Anh lấy ví dụ nếu thu nhập em cao thì đáng nhẽ em có thể quan tâm hơn tới tích lũy để tới lúc này em có thể dễ dàng lựa chọn phương án một ông sếp tốt và thu nhập thấp.

      Về việc tìm một nửa: đây hoàn toàn là bài toán xác suất. Cơ hội gặp người phù hợp tăng lên khi số người mới em gặp hàng ngày tăng lên. Em không thể tìm người phù hợp khi mà hàng ngày em toàn gặp những người cũ. Để tăng cơ hội gặp người mới thì ngoài cách đổi việc (cũng là để làm mới bản thân) thì em có thể tham gia các câu lạc bộ thể thao, du lịch, tham gia các khóa học,…

      Bài toán tìm một nửa và công việc không phải là sự đánh đổi. Em nên tách hai việc này ra. Trong công việc, em đang ưu tiên cái gì:
      – Tích lũy với thu nhập hiện có
      – Muốn tăng khả năng tích lũy bằng cách tìm việc mới lương cao hơn.
      – Thử thách mới để tăng cơ hội học hỏi
      – Có một môi trường làm việc mà ông sếp trực tiếp phù hợp (vụ này rủi ro 50:50; các ông sếp trực tiếp đa phần là khó hòa hợp được vì mục tiêu khác nhau)
      -…
      Dựa vào việc ưu tiên cái gì mà quyết định em ạ.

      Chúc em có được sự lựa chọn của riêng mình.
      V.D

  59. Hi anh, em thật sự cám ơn anh vì bài viết này, những câu hỏi những điều anh chia sẻ là những điều em từng lên mạng search rất nhiều lần.
    Rất mong có nhiều bài viết chia sẻ thiết thực thế này nữa. Em chân thành cám ơn anh.

  60. Cảm ơn bài viết. Tất cả mọi suy nghĩ và câu trả lời của tôi đều nằm cả trong này..!

  61. Dear Anh Dũng,
    Em đã tốt nghiệp loại giỏi trường DH Kinh tế tphcm và có kinh nghiệm làm việc hơn 1 năm trong một công ty dịch vụ . Ban đầu em làm ở vị trí chứng từ rồi được chuyển qua làm sale. Nhưng trong giai đoạn đó em tự nhiên thấy chán công việc vì nhiều lý do như: ngành dv logistics em làm hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt nên sale khó khắn, công ty khá lớn và lâu đời nên khó thăng tiến, bất đồng ý kiến với một số chính sách và kỷ luật của công ty,hơi lạc lõng trong đội sale toàn từ 5-15 năm kinh nghiệm,muốn làm chủ,…Hơn nữa, em bị hấp dẫn bới một mô hình kinh doanh online mới có ROI rất cao nên muốn thử sức mặc dù chưa có kiến thức và kinh nghiệm. Em đã suy nghĩ rất nhiều và không thể tập trung 100% cho việc sale. Cuối cùng em quyết định sau khi kiếm được vài khách hàng cho công ty để chứng tỏ bản thân mình làm được rồi mới xin nghỉ. Em nghĩ là bản thân mình hòa đồng và làm việc khá tốt nên lúc xin nghỉ các anh chị đồng nghiệp(em nhỏ tuổi nhất) đều nói chuyện riêng, có người khuyên nhủ, có người đánh giá cao và chúc em thành công,…Trưởng phòng cũng thuyết phục em rất nhiều và sẵn sàng cho chuyển bộ phận nếu em muốn. Tuy nhiên, lúc bấy giờ dường như em đã quá ảo tưởng vào khả năng bản thân nên không hề suy nghĩ lại quyết định đó.
    Sau khi nghỉ việc, em bắt đầu nghiên cứu, học hỏi tren internet và bắt tay vào thực hiện dự định. Nhưng em đã không lường trước được thị trường Mỹ mà em hướng tới đã bão hòa mà nguồn vốn cũng như kỹ năng em có lại quá ít đê đầu tư mạnh tay. THẤT BẠI. Em còn trẻ và thất bại này cũng không phải quá lớn để mất phương hướng
    (Có thể sau này khi có sự chuẩn bị tốt hơn em sẽ quay lại thử lần nữa).
    Đã 3 tháng kể từ lúc em nghỉ việc. 3 tháng qua em vẫn dành thời gian để suy nghĩ về mục tiêu trong cuộc sống, để học thêm tiếng anh, tiếng nhật. Tuy gia đình chưa đặt nặng vấn đề tài chính lắm nhưng bản thân em trước giờ vẫn luôn nghĩ mình phải người chịu trách nhiệm lo cho gia đình được sống sung túc hơn( em có thói quen kiểm soát chi tiêu từ nhỏ, tự làm thêm để kiếm tiền tiêu trong mấy năm đại học).
    Gio em 23 tuổi, đang thất nghiệp, bản thân chưa có gì và vẫn chưa lo được nhiều cho gia đình. Cảm thấy xấu hổ với bản thân, bạn bè, gia đình, em có đi xin việc vài nơi nhưng do chưa thật sự xác định phương hướng nên em vẫn rất mơ hồ không biết nên làm công việc gì.
    Sau khi đọc quyển Tony BS và nhiều bài viết trên mạng xã hội, em nhận ra chỉ cần mình dồn hết tâm sức để làm việc thì một ngày nào đó cơ hội sẽ đến. Nhưng mục tiêu cuộc sống của em là trở thành một doanh nhân, sau khi chăm chỉ làm việc vài năm ở một công ty nước ngoài để mở rộng quan hệ, kỹ năng, kiến thức,vốn thì em sẽ có những kênh đầu tư kinh doanh của riêng mình. Tuy nhiên em đang phân vân như sau:
    1- Với mục tiêu đó, mình nên làm công việc gì liên quan và phục vụ cho mục tiêu này? Hay công việc gì cũng được, chỉ cần làm tốt và tích lũy vốn thôi?
    2- Mình nên tiếp tục đầu tư thời gian học ngoại ngữ và kỹ năng để xin hẳn vào một công ty nước ngoài thật tốt, lương cao và làm lâu dài.
    3- Mình nên tạm thời làm một công việc nào đó với mức lương trung bình vài tháng để sống đã,không phải nhờ gia đình nữa rồi từ từ xin công ty tốt hơn sau.
    Phải nói thêm là các công ty hiện giờ đều mong muốn nhân viên gắn bó lâu dài thì mới nhận để không tốn tgian và chi phí đào tạo, nên em cũng không thoải mái khi đi phỏng vấn phải trả lời câu hỏi: Em có thật sự đam mê ngành này không? Có muốn gắn bó lâu dài không?

    Mong được nghe tư vấn của anh.
    Cảm ơn anh đã đọc.

    • Dear em,
      23 tuổi mà em đã có một số vốn kinh nghiệm như vậy cũng đã là hơn rất nhiều người rồi. Kể cả thất bại trong lần KD đầu tiên cũng là một bài học quý.

      Nếu đứng trước hai lựa chọn 1.Ở nhà, học tập, tìm hướng đi mới và 2.Đi làm một công việc thì anh nghĩ rằng nên lựa chọn 2. Vì em vừa có thể vừa đi làm vừa tìm hướng đi mới cho mình, việc tìm hướng đi không phải là cứ ngồi lâu mà nghĩ ra được. Đầu óc mình càng hoạt động nhiều thì càng nghĩ ra nhiều ý tưởng, để nó nghỉ ngơi không chịu sức ép là khó nghĩ ra cái gì lắm.

      Nếu em có thể lựa chọn công việc phù hợp với định hướng kinh doanh trong tương lai là tốt nhất. Nếu như chưa biết mình thích kinh doanh ngành gì thì lựa chọn ngành đang tăng trưởng, nước dâng thì thuyền dâng. Cái em cần là tích lũy vốn và kinh nghiệm trong kinh doanh nói chung.

      Trong quá trình làm em sẽ tích lũy năng lực cao dần, tới một lúc nào đó em sẽ tìm ra con đường riêng cho mình. Còn việc em làm ở một công ty sau đó nghỉ như thế nào là quyền của em, em có hứa gắn bó rồi sau đó nghỉ thì chẳng ai bắt đền em được. Chỉ là em cố gắng làm ở mỗi công ty > 1 năm vì < 1 năm chẳng học hỏi được gì mấy đâu. Chúc em thành công; anh v.D

  62. A Dũng thân mến! Là người đang rơi vào hoàn cảnh đó nên khi đọc xong bài của a tôi thấy đầu óc mở mang thêm rất nhiều, thật cảm ơn a quá!. Không giống như các bạn sinh viên vừa ra trường ở trên. Tôi năm nay cũng đã 30, đang làm công việc mà mình ưa thich, có Vợ làm ngân hàng và 2 con, một trai, một gái. Tôi cũng đã mua được căn nhà ở phố và oto riêng. Nói ra không phải để khoe mà để mọi người thấy một vấn đề đó là không phải người mới bước vào đời hay người chưa có công việc phù hợp mới mất phương hương. Hiện nay tôi đang trong trạng thái như vậy. Những nhiệt tình, đam mê, sự nhạy bén, năng động tự dưng không còn. Gần nưa năm nay tôi sống ngày trôi qua ngày cứ vô vị, không còn ý tưởng, không còn mục tiêu. Phải chăng vì mọi thứ đên với tôi suôn sẻ quá? Và khi được đọc bài viết của a tôi mới nhận ra mình còn thiếu diều quan trọng nhất để luôn đi đúng hướng: MỤC TIÊU THỰC TẾ, đồng thời phải luôn luôn đặt ra mục tiêu mơi cho mình. Xin cảm ơn anh nhiều nhiều nữa vơi sự chia sẽ kiến thức cùng kinh nghiệm sống của mình. Chúc a và gia đình mạnh khoẻ! Thân

    • Cảm ơn em đã chia sẻ. Mất phương hướng giống như một căn bệnh mãn tính mà không thuốc nào chữa khỏi được. Lúc thiếu vật chất nghĩ rằng khi đủ vật chất sẽ khỏi, lúc thiếu tinh thần thì khi đủ tinh thần sẽ khỏi. Thực tế chẳng bao giờ có thể khỏi vì đặc điểm này là bản năng loài người rồi.
      Thuốc chữa cho nó như một kỹ năng mà con người phải hình thành giống như việc gặp vũng nước thì tránh, gặp chướng ngại vật thì phải trèo qua. Không thể mong ước có một ngày không có vũng nước hay chướng ngại vật, chỉ có thể luyện tập chân mình ngày càng khỏe lên mà thôi.

  63. chào anh !
    Em hiện tại 26 tuổi, em đang cảm thấy rất bế tắt và hoang mang trong cuộc sống mình. Mọi thứ em phấn đấu trước đây trong quá khứ đều không mang lại kết quả hiện tại cho em, hiện tại em vẫn là một người lông bông không nghề nghiệp ổn định. Em tốt nghiệp đại học kiến trúc HCM, điểm tốt trong trường thì cực kỳ thấp vì em cảm thấy chán nản với chương trình mình đang học, cuộc sống, bạn bè và gia đình. Sau khi ra trường em nhìn thấy tương lai ngành nghề của em thật mù mịt, lương thấp, công trình thiết kế thì nhàm chán, công việc áp lực cao vì kiến thức trong trường không đủ để làm những việc thú vị hơn. Cho nên em đã quyết định không đi làm ở nhà học tiếng Anh để có hy vọng làm được trong một công ty nước ngoài nào đó ở Việt Nam để học được cái mới hoặc đi du học. Sau 3 năm không đi làm cuối cùng em cũng đã lấy được Ielts 6.0 đủ để xin vào trong một công ty nước ngoài nào đó nhưng vẫn chưa đủ để học lên thạc sĩ. Cách đây 2 tháng em đã du lịch sang Mỹ ở nhà người thân với hy vọng nâng cao được tiếng Anh của mình. Hiện tại gia đình cũng định hướng cho em ở lại Mỹ để có cuộc sống sau này. Nhưng điều khiến em hụt hẫn là những bằng cấp của em ở Việt Nam đều không được Mỹ chấp nhận và rất khó xin việc, nhà em thì không có tiền cho em nên em phải làm những việc như thợ nề xây dựng hay chạy bàn để có tiền trang trải cuộc sống vì mọi thứ rất đắt đỏ, sau này có hơn thì em cũng chỉ làm những công việc vận hành máy móc trong nhà máy và cuộc đời em thật vô bổ và không phát triển được gì, nếu em chịu khó thì vừa học vừa làm để sau ni cũng làm được nghề mình học rồi để dành tiền mua nhà và lập gia đình. Thực tại em rất muốn về lại VN để làm công việc đúng chuyên ngành kiến trúc của mình, vì sau một thời gian em cũng học được một cái gì đó đúng sở trường còn hơn em ở Mỹ và chỉ làm việc như một người công nhân bình thường ở Mỹ để trang trải cuộc sống. Nhưng gia đình đã ngăn cản vì nói nếu em về Việt Nam để làm việc thì nhà em không có quen biết rộng để có một công việc tốt, em có đi làm bên ngoài thì với đồng lương ít ỏi đến bao giờ em mới có nhà để ở và lập gia đình. Em hiện tại có 2 hướng đi mà em đang cần suy nghĩ mà không biết giải quyết sao
    1. Về Việt Nam xin làm việc cho cty kiến trúc nước ngoài tại Việt Nam để học tập và phát triển cho bản thân. Vì như mọi người thường nói kiến thức thực tế thì quan trong hơn nhiều so với kiến thức trong trường. Sau vài năm thì công việc ổn định và lập gia đình. Nếu đi theo hướng này thì sau ni lập gia định hai vợ chồng sẽ rất khó khăn vì phải thuê nhà để ở và dành dụm để nuôi con và xây nhà.
    2. Tiếp tục ở lại Mỹ và đi làm các công việc trong hãng hay nhà hàng nhàm chán để có tiền hoàn thành bằng đại học tại Mỹ, sau 5 năm có quốc tịch Mỹ và bằng cấp Mỹ thì về lại Việt Nam có một số vốn để dành và bắt đầu lại từ đầu, vì đến lúc này mới ra trường và chưa có kinh nghiệm làm việc. Lúc đó em đã là 31 tuổi, có quá trể để bắt đầu sự nghiệp và lập gia đình không anh. Cái hướng đi thế này nó có tốt hơn hướng đi số 1 không, vì nếu ở Việt Nam thì em đã có 5 năm kinh nghiệm và kiến thức để phát triển. Còn hướng đi ni thì sau 5 năm mọi thứ đối với em phải bắt đầu lại từ đầu và em không biết kiến thức em học được có sử dụng tại VN được hay không, trong khi bạn bè đã yên ổn nghề nghiệp và có gia đình hạnh phúc.
    Anh cho em lời khuyên với!

    • Dear em;
      Rất khó để khuyên em nên ở lại hay về. Anh chỉ có thể trình bày cách để em ra quyết định tốt nhất cho bản thân.

      Trong một thế giới ngày càng phẳng như hiện nay đúng là tiếng anh rất quan trọng. Đúng như em hy vọng, nó sẽ giúp em vào làm ở các công ty nước ngoài.

      Nhưng tiếng anh không thể là tất cả trừ khi em định làm nghề chuyên về tiếng anh như dịch thuật, phiên dịch. Gốc của em vẫn là cái nghề mà em đã chọn, tiếng anh chỉ có thể là chất xúc tác chứ không thể thay thế được.

      Bất cứ lựa chọn nào trong cuộc sống đều mang tính chất đánh đổi. Em khó có thể làm hoàn hảo cả hai thứ, chuyên môn và tiếng anh. Nếu em cố gắng cả hai thứ thì em sẽ không thể xuất sắc được bất cứ thứ nào. Một người giỏi ngoại ngữ có thể tạo ấn tượng ban đầu nhưng nó không thể đỡ được cho yếu kém về chuyên môn vì ngoại ngữ chỉ là cách trình bày bằng một ngôn ngữ khác của cùng một kết quả.

      Nếu em còn yêu thích chuyên môn của mình thì nên tập trung vào chuyên môn. Và cách để nâng cao chuyên môn nhất là dựa vào làm thực tế. Về VN hay ở lại, cái nào giúp em nâng được chuyên môn lên thì em lựa chọn. Cũng phải tính tới cả rào cản cho việc làm lại, ví dụ như từ Mỹ về VN chắc dễ hơn từ VN sang Mỹ.

      Chúc em có được lựa chọn của mình.
      anh v.d

  64. cảm ơn về bài viết ạ , em là một học sinh lớp 10 , mong ước của em là thi khối A nhưng toán em không giỏi lắm ạ , thấy có nhiều bạn rất giỏi toán , em buồn lắm nhưng em lại không có phương hướng , em không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào , em không biết làm cách nào giỏi toán hơn nữa , cầm vỡ bài tập những bài khó em dành nhiu thời gian nhưng không được em thấy rất nản , em không biết làm sao

  65. Chào anh Dũng,
    Em hiện tại đang cảm thấy áp lực trong công việc của mình và muốn viết lên đây vài dòng để chia sẻ với anh.
    Em năm nay 24t, đã có kinh nghiệm làm việc gần 3 năm. E đang làm cho một công ty SX thức ăn gia súc của nước ngoài ở vị trí nhân viên thu mua hàng Nhập khẩu. E làm cho cty này gần 2 năm rưỡi nhưng e đc luân chuyển làm nhiều công việc khác nhau, thời gian đầu chỉ làm chứng từ cho phòng thu mua, sau này chuyển qua mua hàng nội địa rồi sếp cũng thấy năng lực em tốt, tiếng anh khá ok nên chuyển em qua mua hàng NK (thay cho một chị sắp nghỉ). E mới tiếp nhận cv mua hàng nhập khẩu đc 3 tháng. Nhưng em cảm thấy rất áp lực, một phần vì thiếu kinh nghiệm, một phần vì tính chất hàng hoá bên e rất phức tạp, gặp nhiều vấn đề liên quan tới chất lượng, sự cố xảy ra liên tục, kể cả t7, cn cũng phải giải quyết sự cố. Sáng nào đi làm em cũng có cảm giác lo lắng, về nhà cũng stress vì công việc ngày nào cũng có vấn đề phát sinh, dù cho giải quyết thì cũng ko triệt để, kể cả chị đã làm trc e cũng cảm thấy mệt mỏi khi làm vì tính chất cv thay đổi liên tục, ko ổn định.
    Em tính là làm đến sau Tết sẽ xin nghỉ dù cho chưa kiếm đc cv mới hay chưa, vì e ko muốn theo ngành thức ăn gia súc nữa vì cảm thấy nhiều căng thẳng áo lực. Em muốn tìm cv thu mua nhưng ngành khác nhẹ nhàng hơn. Em cũng có nói về áp lực của e khi làm cv mới với sếp nhưng sếp vẫn khăng khăng bắt e làm, ko thay đổi j cả.
    Em ko bị gánh nặng tài chính vi em sống với gia đình tại hcm. Tuy nhiên ba mẹ cũng k muốn em thất nghiệp ở nhà quá lâu khi chưa tìm đc công việc mới ổn định. Ba mẹ có khuyên em là đi làm ở đâu rồi cũng sẽ ắp lực nên cứ ráng đi, khi nào tìm đc việc mới thì hãy nghỉ. Em thì cảm thấy mệt mỏi quá, do gần cuối năm nên e cũng ráng lấy lương thưởng xong rồi mới nghỉ, thêm nữa là cty em trả lương thấp, nên em cũng nản.
    Em thì yêu thích du lịch, học tiếng anh. Nhưng vì từ lúc tốt nghiệp tới giờ e đi làm liên tục nên cũng ko có nhiều thời gian đi du lịch dài ngày khám phá nhiều mơi để cảm thấy thoải mái, e định là nghỉ làm rồi đi du lịch một chuyến cho thoải mái rồi quay về kiếm cv khác tốt hơn.
    Em cũng bị tâm lý sợ hãi là sẽ thất nghiệp, k bik có kiếm đc cv khác hay ko. Nhưng em lại cảm thấy rất mệt mỏi khi làm tiếp cv này vì e ko muốn gắn bó lâu dài, sếp em cũng thuộc dạng khó tính, hay la mắng, mặc dù chị rất giỏi và e cũng học đc nhiều cái từ chị.
    Em đang mất phương hướng ko bik thật sự mình có thích hợp làm nhân viên mua hàng không hay chỉ vì công việc này khó nên khiến em nản lòng.
    Em cứ có cảm giác mình chưa biết đc thật sự mình thích gì và thực sự phù hợp với ngành gì.
    Em có nên nghỉ làm hẳn để kiếm việc ko, vì vừa đi làm vừa kiếm việc khiến e thấy ko thoải mái và ko có sự chuẩn bị tốt.
    Em muốn nghỉ để có thời gian F5 lại bản thân, đi du lịch, học nhảy, học đàn, làm đồ handmade (sở thích của em)
    Liệu em có phải thiếu kiên nhẫn, ko chịu khó trong công việc ko?
    Mong anh cho em lời khuyên nhé. Cảm ơn anh rất nhiều 🙂

  66. Chào anh,
    Rất cảm ơn anh vì đang loay hoay không biết thế nào thì đọc được bài này, khiến em muốn nhìn lại bản thân mình một cách toàn diện.
    Em vừa tốt nghiệp ngành ngông ngữ Anh vào tháng 7 năm nay, và đang thử việc ở vị trí lễ tân tiếng Nhật tại một khu resort 5 sao. Nói một chút về bản thân mình, tuy tiếng Anh là ngôn ngữ chuyên ngành nhưng song song đó em cũng học tiếng Nhật và may mắn được đi học ở Nhật 1 năm sau khi bảo lưu kết quả năm 3. Trong quãng thời gian đó em cảm thấy mình có đam mê với tiếng Nhật hơn tiếng Anh, nên khả năng giao tiếp tiếng Nhật của em tự tin hơn hẳn, dù sau đó em đã bỏ 1 năm không dùng đến kể từ khi về nước vì phải tập trung vào chuyên ngành tiếng Anh để ra trường. Ra trường, em mong muốn tiếp tục nâng cao tiếng Nhật, và vào làm ở một công ty Nhật, hoặc chí ít là công việc liên quan đến tiếng Nhật.

    Tuy nhiên hiện tại, kinh tế gia đình không cho phép em tiếp tục xin tiền bố mẹ để học lên, hoặc chỉ ngồi không ở nhà tự học đến ngày có một cái bằng tiếng Nhật chính thức để xin việc (các công ty Nhật thường yêu cầu bằng cao). Em đã rất vui khi may mắn được nhận vào làm lễ tân tiếng Nhật tại một khu resort cao cấp. Và đến giờ đã 1 tháng trôi qua trong thời gian thử việc, em cảm thấy chán nản và áp lực lắm. Từ đầu em không thích ngành này, tính em không được lanh lẹ, khá hướng nội và rất dễ bị áp lực chi phối tâm trạng, nhưng em đã nghĩ nghề này đến với em như là cái duyên, công ty chế độ tốt, lương cao, em có thể khắc phục được khi cố gắng, và đây là một môi trường chuyên nghiệp, nơi mình có thể rèn luyện bản thân.

    Nhưng với tình trạng hiện giờ hình như em đã lầm. Lượng khách Nhật rất ít, hầu như em phải sử dụng tiếng Anh, tại một nơi mà tiếng Anh chẳng phải là lợi thế gì hơn mọi người. Công việc nhiều, yêu cấu phải tỉ mỉ, chính xác không khiến em áp lực bằng áp lực từ con người, từ khách, từ các anh chị đồng nghiệp, quản lý khi em xử lý việc còn chậm và mắc lỗi, nỗi lo sợ làm em ít khi nói chuyện với ai mặc dù rất muốn hòa đồng với mọi người, điều tệ hơn là nó làm khả năng giao tiếp tiếng Anh của em đi xuống. Ngược lại, em rất thích tiếp xúc với khách Nhật, được nói chuyện bằng thứ tiếng em thích, nhưng dù đang làm ở vị trí lễ tân tiếng Nhật, đã 1 tháng rồi em chưa được sử dụng một lần. Mọi người động viên em là thời gian đầu chưa quen, thử sau mấy tháng rồi mọi việc cũng sẽ ổn hơn. Nhưng em đang nghĩ đến một công việc khác, tại DN, nơi có bạn bè, gia đình, có Dự án tình nguyện mà em đang tham gia, sẽ chẳng phải mất nhiều thời gian đi xe công ty đến chỗ làm, sẽ liên quan đến cái em thích hơn, không phải ngày nào cũng mang nỗi sợ khi đi làm và ngồi khóc trên xe buýt về phòng trọ. Mặt khác, nếu nghỉ làm ở đây, khả năng kinh tế sẽ khó khăn hơn, cũng chưa biết mình sẽ xin được việc khác như thế nào, cảm giác áy náy với những anh chị bỏ công training cho em thời gian này nữa.
    Em chỉ còn một tháng thử việc nữa thôi, không biết có tiếp tục trụ nổi nữa không.

    Đọc bài viết và những cmt của anh cho mấy bạn khác, tâm trạng của em đã khá hơn, suy nghĩ tích cực hơn và đang sắp xếp lại mọi thứ trong đầu. Vẫn mong được nghe lời khuyên cụ thể từ anh để em có được hướng đi đúng trong tương lai.

    Cảm ơn anh đã đọc bài viết khá dài của em.

    • Dear em;
      Cảm ơn em đã chia sẻ. Anh chỉ có một ít góp ý thế này.

      Thực tế là hiện nay em không bị áp lực nắm về mặt tài chính. Chưa có gia đình phải lo, bố mẹ có vẻ cũng không cần chu cấp nhiều. Trong khi đó giai đoạn này nuôi dưỡng sự đam mê là rất quan trọng; nếu có làm gì sai thì cũng còn nhiều thời gian để sửa. Khi em lớn hơn tới khoảng 27 tuổi thì vấn đề lại khác rồi; lúc đó sẽ phải suy nghĩ nhiều tới sự đánh đổi và nhiều khi phải kìm chế những niềm đam mê của mình để làm những công việc phục vụ cho những mục đích khác.

      Vấn đề chỉ là hiện em có nhìn nhận đúng cv hiện tại không khi mới làm có 1 tháng? Cộng với hiện trạng là một sinh viên mới ra trường chưa có hiểu biết nhiều về môi trường làm việc.

      Nhớ rằng em càng cảm thấy áp lực thì em càng học hỏi được nhiều. Cái tuổi của em là phải có ai đó rèn cho mình về mặt kỷ luật, bắt mình làm những cái mình không thích. Chính điều đó sẽ làm em tiến bộ.

      Nếu như con đường tới công việc khác kia luôn mở trong 6 tháng nữa thì anh khuyên em nên tiếp tục làm công việc cũ thêm ít nhất là 5 tháng nữa. Vừa để lúc đó có nhìn nhận đúng vừa là để cho cái CV của mình đẹp lên.

      anh V.D

      • Rất vui khi nhận được reply sớm từ anh 🙂 và cảm ơn anh đã góp ý cho em. Đúng là còn quá sớm để nhìn nhận rõ về công việc em đang làm. Em cũng nhận ra vần đề nằm ở nỗi lo sợ mà em chưa khắc phục được sau khi đọc bài viết “Kiểm soát cảm xúc sợ hãi” của anh. Gía như em có thể đọc được bài viết đó sớm hơn, nhưng bây giờ vẫn chưa muộn phải không anh, em sẽ cố thử thách bản thân thêm một thời gian nữa xem sao. Một lần nữa cảm ơn anh. Chúc anh thật nhiều sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống!

  67. Chào Anh,
    Em rất thích các bài viết của anh, em thấy a giống bác sĩ tâm lý hihi. Anh có thể email cho em được không. Em Cần hỏi về vấn đề nếu một người quá thông minh và kiêu ngạo, không nghe ai, thì điều gì có thể làm họ thay đổi nhận thức? Người ấy đi khám Bác sĩ tâm lý nhưng họ không đủ trình độ để khuyên và những thứ họ đưa ra chỉ là rút lui và người ấy k chấp nhận. Hy vọng được nói chuyện với Anh.

  68. Bài viết rất hữu ích. Mình cũng đang trong tình trạng mất phương hướng, muốn tìm ra con đường thực sự phù hợp với bản thân. Quả thật k dễ dàng nhưng tin rằng nhất định s3x có cv phù hợp vqf đam mê thực sự.

    • chào anh, e năm nay 30 tuổi, nghề nghiệp của e là kế toán, e đã làm qua 2 cty, nhưng chẳng có cty nào được lâu cả, cả 2 cty e điều có chung 1 nguyên nhân là mâu thuẫn với đồng nghiệp. vì tính e rất hiền, ai nói gì hay làm gì e cũng k cãi lại,ai đưa gì e cũng làm, dù cho đó có khi k phải là cv của e, cho dù e k sai, e lun nhẫn nhịn vì cv, nhưng 1 khi e nhẫn nhịn k đc nữa, thì lại xảy ra mâu thuẫn với đồng nghiệp và rồi e lại quyết định xin nghĩ, cty thứ 1 e làm, ban đầu rất vui vẻ, nhưng sau 1 thời gian người ta thấy e hiền, đồng nghiệp với e sanh nạnh với e về chiện cv, yêu cầu sếp dồn hết cv đó cho e,chứ k chịu san se và hỗ trợ cv với e và thế rồi e cảm thấy bất mãn cách sếp xử lý, thế là e xin nghĩ, cty thứ 2 cũng v, người ta thấy e hiền, đồng nghiệp ăn hiếp e, nói xấu e với sếp, mà người nói xấu e rất là nịn sếp và thân với sếp, sếp e là ktoan trưởng mà k bik xử lý sao cho giống 1 người sếp, lun nge lời người đó đì e, la mắng e trước mặt mọi người, cho dù e có cố gắng làm tốt cũng bị la, có những chiện e là đúng e cũng bị la, kể cả sếp e hùa nhau với đồng nghiệp e nói e này nọ, và rồi khi sự chịu đựng e có giới hạn e đã cãi nhau với sếp khi e k làm sai mà vẫn la e, thế r e lại xin nghĩ việc nữa. Hiện tại bây h e đang thất nghiệp, e đang mất phương hướng chẳng biết phải làm gì tiếp theo, e rất thích buôn bán kinh doanh nhưng vì chưa có vốn, mấy bữa nay e chán nãn, buồn bã, áp lực vì tiền bạc, k có thu nhập thế là e k tiền để chi tiêu nói chi là đến thực hiện sở thích kinh doanh buôn bán, e đã nộp hs rất nhìu mà vẫn chưa có kết quả gì cả. giờ e đang rất mệt mõi muốn buông xuôi tất cả, mong a cho e lời khuyên. cám ơn a nhiều

      • Dear em;

        Anh nghĩ rằng em gặp nhiều vấn đề, em nên sửa thì mới không gặp lại tình huống tương tự trong tương lai:

        1. Phải biết nói “không” khi cần thiết. Thà em làm mất lòng người ta ngay từ đầu còn hơn là đợi tới lúc không hoàn thành lời hứa mới nói.
        2. Phải xác định trong công việc các thứ tự ưu tiên. Ưu tiên đầu tiên phải trách nhiệm ở vị trí đang đảm nhận; sau đó tới việc ở các vị trí khác.
        3. Phải tổ chức thời gian tốt hơn: việc nhận mà không làm được là do em không ý thức được rõ thời gian mình có và thời gian cho mỗi công việc. Kể cả công việc được đề nghị nằm trong mô tả công việc của em thì em vẫn có thể từ chối nếu chứng minh rằng em đang không đủ thời gian để hoàn thành công việc được giao.
        4. Nên đọc cuốn Trí tuệ cảm xúc để quản trị cảm xúc tốt hơn.

        chúc em thành công.

  69. cảm ơn bạn vì những h bạn đã viết ra nỗi lòng của rất nhiểu người.chúc bạn mãi thành công để tiếp tục chia sẽ cho mọi người nhé

  70. Bài viết rất hay. Cảm ơn tác giả. Hi vọng bài viết này sẽ giúp được nhiều người.

  71. Chào anh em 26 tuổi dở dở ương ương. Em học cao đẳng không giỏi lĩnh vực nào, không sở trường. Em cũng không biết mình thích gì, giỏi j, đam mê gì.em không biết mình sẽ hợp với công việc nào

  72. Chào anh, em là kỹ sư xd tốt nghiêp bách khoa loại giỏi, tuy nhiên hieejnnay em hoàn toàn mất phương hướng. Em thực sự chả biết mình thích gì. Em ban đầu đi thi công cho coteccons lương tầm 10 triệu, tuy nhiên tính em khá nóng vì khong hài lòng với sếp nên xin nghỉ. Em nghỉ 2 tháng sau đó xin việc mới lại 1 cty thiết kê tầm 7.5 triệu. làm được 1 tháng hơn em có chuyện rieegn chán nản bỏ việc tiếp, giờ hiện tại em thất nghiệp. em có đi xin việc nhưng do nhảy nhiều cty nên khó xin. Cái em rất lo là việc mất phương hướng vào bản thân hiện tại, hoàn toàn không vạch ra được con đường sau 5 năm học đại học. cảm ơn anh

    • Dear em;
      Thông thường giữa cái mình thích và công việc ra tiền khó dung hòa với nhau. Nguyên nhân là để tạo ra một giá trị đủ để người ta trả tiền thường sẽ phải đòi hỏi sự cố gắng lên rất nhiều, nó sẽ nhanh chóng triệt tiêu sự yêu thích. Bắt đầu một công việc mới bao giờ cũng thú vị vì niềm vui khi học được cái mới, cũng chưa bị sức ép cv nhiều. Sau một thời gian khi sức ép gia tăng đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn so với năng lực hiện có, dễ gây ra chán nản.

      Như vậy, em phải tìm hiểu được nguyên nhân gốc của mỗi lần nghỉ việc việc là gì để mà tránh cho các công việc sắp tới. Chấp nhận rằng chẳng có ai trả tiền cho mình để mình chơi; khác biết chỉ là người thì đầu hàng mệt mỏi buồn chán; người thì tìm được niềm vui trong cv. Em có bằng giỏi thì tìm việc cũng không khó, rút bớt số cty trong CV đi một tí, chỉ giữ lại các cty làm lâu thì sẽ gây thiện cảm cho nhà tuyển dụng.

      Đừng đặt nặng phải đích đến thì mới bắt đầu đi em ạ. Cứ đi rồi xác định điểm đến trên đường đi cũng chưa muộn.

      Chúc em vượt qua được giai đoạn này.
      Thanks.

  73. Dear Anh
    Em cũng đang lâm vào cái cảm xúc mà bài viết anh đề cập. Em ra trường ngành ĐH ngành Công nghệ kỹ thuật Ô tô, Sau đó thì em cũng có làm vài việc thời gian mà không nhiều nhưng nói chung là không như ý muốn. Sau đó thì nghỉ việc, em đi tìm việc mới và thất nghiệp trong thời gian dài. Mới đây thì xin được vào công ty nhà nước nhưng bên máy nông nghiệp thật sự thì cũng hạn hán lời từ ngày em phỏng vấn đến ngày đi làm họ dời 1 tháng rưỡi. Thật sự cái ngành em học bây giờ thì ra trường cũng có 3 hướng đi: Thiết kế, Bán hàng, Dịch vụ sửa chữa. Mà thiết kế thì em không giỏi, bán hàng thì em không làm được vì em mong muốn mình làm kỹ thuật nên mới học làm kỹ sư. Dịch vụ thì bây giờ họ quá ép bắt làm thợ học việc có lương= tiền xăng hoặc không lương, em thì dân tỉnh lẻ. Sửa chữa thì giờ cũng học việc lương cũng = xăng , sức khỏe em thì hơi yếu kém, gia đình thì đang khó khăn. Giờ vào công ty nhà nước 7h -3h30 bảo vệ thì cũng hách dịch, môi trường con ông cháu cha làm việc thì thấy mọi người làm chầm chậm cho hết giờ. Em cũng mới đi làm thôi, cảm giác rất chán. Lương thì chả bằng ai. Thật sự thì ngày xưa thì gia đình khó khăn nên em không được đi học thêm ngày nào học lớp thường nghe câu nói lớp thường không đậu đại học nên em cố gắng rất nhiều – nhưng lúc đó em cảm thấy thích thích công nghệ sinh học nhưng biết sức mình không đậu nổi nên từ bỏ thi xây dựng- rớt NV1 em nộp đại vào NV2 ô tô vì nghĩ nó sẽ có tương lai, việc làm. Học cũng rất chán nản có lúc em muốn từ bỏ vì nợ môn, cuộc sống xa nhà, áp lực.. nhưng cuối cùng với bạn bè em cũng tìm được hứng thú, cố gắng em cũng ra trường được đúng hạn. Nhưng rồi ra trường, không mối quan hệ lại không thích làm bán xe ô tô nên em long bong như vậy. Vì em lớp thường nên bạn bè em chủ yếu học cao đẳng, trung cấp, nghề thì giờ đã có vợ con gia đình, cuộc sống ấm êm. Em cảm thấy tự ti, mặc cảm, gia đình thì bố mẹ đã già. Càng nghĩ càng áp lực, hiện tại đã đi làm được công ty nhà nước và cũng chẳng phải ô tô. Em không biết em nên làm gì, em đã dự định tìm việc trái nghề bên cơ khí nhưng cũng khó vì hiện tại cơ khí cũng đang ứ đọng… Em cũng biết mình còn thiếu nhiều thứ , thứ lớn nhất là kinh nghiệm. Đôi lúc lại nghĩ về cái mác kỹ sư ô tô, em nghĩ có phải mình thích ô tô không… Mọi thứ cứ xoay làm em cảm thấy áp lực chán nản, không biết phải đi về đâu. Em cũng ước nếu có khả năng, hay ai đó sẽ lập một đội ngũ định hướng nghề nghiệp cuộc sống cho người trẻ, để họ không phải như em. Đọc báo lâu lâu lại có người tự sát về áp lực công việc, lại có người chết vì không tìm được việc… Em chả muốn mình thành một người như vậy vì gia đình em, người anh trai, ba mẹ đã cố gắng hết sức vì em. Em có nên tìm cái việc trái ngành và lương khá hơn , tư nhân? Nếu có thể anh cho em lời khuyên với.

  74. Em đang gặp 1 vấn đề rất căng thẳng chong công việc của mình không biết giải quyết thế nào .Em học song kế toán rồi mà em vẫn chưa làm được ,ngày qua ngày ,Em như ngồi trên đống lửa ,Em tự hỏi mình không biết là em có làm đc việc ko lữa ,Em đang rất cần có người giúp cho em thoát ra vòng luẩn quẩn lày để em có 1 giả pháp cho tâm trạng của em bây giờ, em cảm thấy mình đang tự giày vò mình 1 cách khổ sở không thương tiếc, tuổi của em bây giơ phải làm việc chưa đc nghỉ ngơi lên đối với em 1 ngày không làm việc em cảm thấy rất có nỗi với mình ,với chồng con ,có nhiều ng động viên em nhưng ko hiểu xao em ko thể nghĩ khác đc

    • Sốt ruột, đốt cháy giai đoạn là dễ thất bại lắm em. Cái gì cũng phải có tiền trình thì từ không có mới thành có ít, có ít thành có nhiều. Muốn không sốt ruột thì đặt cho mình các mốc rõ ràng để khi đạt cảm thấy mình có tiến bộ, đã không lãng phí thời gian đã qua.
      anh vd

  75. Em chào anh ạ! Mấy ngày nay e đang loay hoay về cuộc đời mình thì vô tình tìm được blog của anh.
    Thật sự rất mong được anh tư vấn về tình hình của em hiện tại.
    Năm nay em 24 tuổi là nữ, em vừa tốt nghiệp đại học ngành Vật lý Hạt Nhân được 2 năm. Trong thời gian này em có làm việc tại một trung tâm nguyên cứu trong vòng 1 năm. Sau đó, em quyết định chuyển theo hướng kinh doanh ngành hàng may mặc vừa là ngành em yêu thích vừa muốn phát triển sự nghiệp của gia đình (mẹ và chị gái em làm nghề may). Xin anh cho em lời khuyên, em nên tích luỹ cho mình những kinh nghiệm gì (làm việc ở đâu), chuyên môn, những kỹ năng, nguồn vốn như thế nào để em có thể thực hiện được ước mơ của mình ạ. (Hiện tại em chỉ ráp đồ được, nhưng chưa có chuyên môn về ngành thiết kế thời trang và quản trị kinh doanh ạ). Em biết rằng mình cần cố gắng nhiều, mong anh cho em một định hướng cụ thể ạ. Em cảm ơn anh rất nhiều.

    • Dear em;
      Em mới tốn mấy năm học ngành Vật lý hạt nhân thì sao không theo đuổi tiếp ngành này vì VN đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nên sẽ rất cần nhân lực đã qua đào tạo ngành này.

      Trường hợp em theo đuổi sự nghiệp gia đình thì em có thể tìm cách trả lời mấy câu hỏi sau:
      1. Công việc kinh doanh hiện tại của gia đình có thuận lợi và khó khăn gì? Thuận lợi hay khó khăn đó xuất phát từ điểm mạnh hay yếu gì, hay do cơ hội và thách thức từ bên ngoài? ( Nghiên cứu phân tích SWOT)

      2. Mình sẽ chuyên môn vào khâu nào trong chuỗi cung ứng ngành may mặc (search google) ? và quyết định sẽ dừng ở quy mô như thế nào ? (quy mô gia đình hiện nay hay quy mô lớn hơn và lớn như thế nào?)

      3.Bản thân mình đang có lợi thế gì không và lợi thế đó có phù hợp với mong muốn của mình và hiện trạng công việc gia đình không.

      4. Gia đình có ủng hộ mình theo đuổi sự nghiệp gia đình không? Liệu khi mình muốn thay đổi công việc đó cho tốt hơn thì mẹ và chị mình có đồng ý không?

      5. Giả sử như mình có chuyên môn thiết kế thời trang thì mình sẽ làm gì tiếp theo?

      6. Thực sự thifwowcs mơ phát triển sự nghiệp gia đình có phải cái mình muốn không?

      Anh nghĩ quy mô hộ gia đình thường là quy mô nhỏ làm chuyên môn hóa ở mức độ nhận gia công cho một đầu mối nào đó hoặc là chuyên biệt một chút khi may đo theo yêu cầu khách hàng. Do làm nhiều năm ở cùng một quy mô, cùng một công việc nên kinh nghiệm tích lũy được sẽ nhiều nhưng mặt trái là khó thay đổi. Vì vậy thường việc phát triển nên lấy cốt lõi hiện trạng để theo hướng làm sâu thêm hoặc mở rộng ra.

      Làm sâu thêm có nghĩa là vẫn công việc đó nhưng làm ở quy mô lớn hơn; điều này phụ thuộc vào lượng nhu cầu bên ngoài. Nó cũng có nghĩa là làm chất lượng hơn để có thể đòi giá cao hơn.
      Làm rộng hơn có nghĩa là nghiên cứu phía đầu ra và phía đầu vào để xem mình phần nào mình có thể làm tốt hơn họ để chiếm phần đó nhằm mang lại lợi nhuận tốt hơn.

      Đặc thù ngành may mặc không giống như những ngành khác; em khó có thể vào làm ở một nhà máy may nào đó để học hỏi kinh nghiệm vài năm sau đó lại quay ra để phát triển công việc gia đình được. Quy mô hiện tại cũng không đòi hỏi quá nhiều vốn; em cứ thử nghĩ nếu mình có nhiều vốn thì mình sẽ thay đổi gì hiện trạng, chẳng nhẽ là mua nhiều máy may hơn, thuê nhiều người hơn?

      Do vậy các vấn đề về tích lũy vốn, tích lũy tri thức bao nhiêu và bao lâu sẽ phải bám rất sát vào hiện trạng.
      anh VD

      • Dạ, em rất vui vì nhận được lời góp ý chân thành của anh ạ. Em sẽ suy nghĩ thật kỹ để có câu trả lời cho riêng mình. Một lần nữa cảm ơn anh.

  76. Dear anh,

    Cảm ơn bài viết của anh, nhưng em vẫn có nhiều điều phân vân.
    Em năm nay 24 tuổi, đang làm marketing và sales cho 1 công ty. Công việc nhiều, học được cũng nhiều, nhưng tới thời điểm này em cảm thấy khó chịu vì không đồng cách làm việc của sếp. Em muốn có 1 nghề để ở đâu cũng sống được, và em định theo nghề marketing. Bên này em chủ yếu làm sales, marketing thì có làm site 1 ít.
    Khối lượng công việc nhiều, thường xuyên về muộn. Làm nửa năm nhưng chưa đóng bảo hiểm. Thu nhập cũng khá.
    Đang có 1 công ty thứ 2 muốn em sang làm việc, ở đây em sẽ xây dựng thương hiệu cho công ty, làm site và các công việc liên quan tới marketing. Thời gian làm việc chỉ giờ hành chính, khối lượng công việc bình thường, thu nhập thấp hơn bên kia một chút. Thử việc 2 tháng và sau 1 năm làm mới được đóng bảo hiểm.
    Em đang rất đắn đo ở tuổi em hiện tại, em nên đi theo con đường nào.
    Đi theo mong muốn có 1 nghề chắc chắn, hay mong muốn kiếm được nhiều tiền.
    Anh có thể tư vấn giúp em được không ạ?
    Em cảm ơn anh nhiều.

    Trân trọng!

  77. Chào anh, năm nay em 20 tuổi và hiện đang học ĐH, ngành về Điện tự động.
    Vừa qua em trúng tuyển vào chương trình đào tạo nghề quốc tế của Bosch Vietnam với nhiều quyền lợi như miễn phí đào tạo 3.5 năm; thực tập tại xưởng ở KCN Long Thành chiếm 75% thời gian học,… và có cơ hội được làm việc cho Bosch VietNam hay Bosch toàn cầu.
    Em có quyết định sẽ nghỉ học Đại học và học+làm tại Bosch để có kinh nghiệm rồi sau đó sẽ học liên thông ĐH để có cơ hội thăng tiến.
    Nhưng, em lo rằng khi tốt nghiệp xong học liên thông ĐH, dù có cố gắng thì cơ hội thăng tiến không cao khi làm ở tập đoàn lớn, cũng như làm tại nhà máy ở Long Thành.
    Đánh đổi này lớn quá.
    Em rất mong nhận được chia sẻ từ anh ạ.

    N.Q

    • Dear em;
      Mỗi lựa chọn đều có ưu nhược điểm riêng. Em đang thiên về lựa chọn đi học theo chương trình của Bosch nên anh tập trung vào lựa chọn này.
      1. Khi Bosch bỏ tiền ra để em học là họ coi em như một khoản đầu tư. Để ràng buộc trách nhiệm chắc chắn sẽ phải có thỏa thuận giữa hai bên. Trong đó chắc chắn sẽ có điều khoản 1. Em sẽ bị loại khi không qua được các kỳ thi và 2.Em phải làm theo sự phân công của Bosh trong bao nhiêu năm nếu tốt nghiệp. Như vậy em sẽ phải tự hỏi:
      – Mình có đủ năng lực để học không?
      – Mình có thể làm ở bất cứ đâu theo sự phân công của họ và trong từng đấy năm không. ví dụ nếu họ phân công mình làm ở một địa phương xa nhà thậm chí ở nước ngoài thì mình có sẵn sàng không?

      2. Giả sử em đủ năng lực học và sẵn sàng làm ở bất cứ đâu thì đây rõ ràng là một con đường sáng. Làm ở môi trường chuyên nghiệp em sẽ tích lũy nhiều năng lực, kinh nghiệm làm ở đó cũng sẽ thuận lợi cho em tiếp tục làm ở một công ty nước ngòai khác. Em không cần thiết phải tiếp tục học đại học làm gì.

      3. Tuy nhiên cần phải xẻt tới chương trình học của Bosch hiện là gì. Chương trình học sẽ tương ứng với một số nghề nghiệp nào đó. Nếu như nghề đó là nghề em thích thì ok; nhưng nếu nghề đó là nghề em không thực sự mong muốn làm tới cuối đời thì phải xem xét lại. Điều này giống như việc em bỏ ra 100 đồng để mua một món hàng mà em không thực sự thích. 100 đ chính là số tiền mà Bosch bỏ ra cho em và họ hoặc sẽ bắt em đền tiền gấp nhiều lần hoặc em sẽ phải trả giá bằng thời gian làm ở đó.

      4. Cơ hội thăng tiến: em có thể thăng tiến ở Bosch hoặc thăng tiến ở chỗ khác. Khi em làm ở tập đoạn lớn sau đó chuyển sang một công ty nhỏ hơn thì thường em sẽ lên một vị trí cao hơn ở công ty cũ. Rất khó đếm cua trong lỗ bây giờ, trước mắt em cân nhắc mấy yếu tố trên đã.

      thanks.

      • Em cám ơn Anh rất nhiều về lời chia sẻ chân thành.
        Gửi lời chúc sức khỏe tới Anh ạ.^^

  78. Chào anh. Em mới chỉ có 20 tuổi đầu. Cái tuổi bắt đầu thực sự bước vào đời. Em chỉ học hết được cấp 3 và đi làm luôn . Làm công nhân như anh đã nói. Công việc thì lặp đi lặp lại , gò bó , áp lực , mệt mỏi. Anh có thể tư vấn cho em là giờ em lên l.j được không. Em đang mất phương hướng của tuổi trẻ .

    • Dear em;
      Xã hội ngày càng ít coi trọng bằng cấp hơn, họ căn vào năng lực thực sự của người lao động để trả lương hay giao các chức vụ. Tuy nhiên em sẽ có khó khăn đó là nhiều khi yêu cầu tối thiểu vào một vị trí nào đó lại là có bằng đại học.

      Bằng đại học bản chất là để chứng minh rằng một ứng viên nào đó có một nền tảng kiến thức, kỹ năng và nhận thức nào đó. Nếu như em có một cách khác chứng minh rằng mặc dù em không có bằng đại học nhưng em có những kiến thức, nhận thức đó thì em sẽ sẽ vượt qua được. Thường đó sẽ là bề dày kinh nghiệm.

      Câu hỏi tiếp theo là kinh nghiệm không tự nhiên mà có, phải nhận được vào vị trí nào đó mới có thể có chứ. Vậy hóa ra là bài toán con vịt và quả trứng. Đi làm mới có kinh nghiệm mà có kinh nghiệm mới được đi làm.

      Câu trả lời là em vào vị trí thấp không đòi hỏi bằng cấp sau đó thăng tiến dần trong công ty để tới vị trí đòi hỏi bằng cấp. Ví dụ công nhân cũng có nhiều bậc tùy thuộc vào mức độ lành nghề, sau đó có thể thăng tiến lên các vị trí cao hơn như là quản đốc chẳng hạn.

      Lợi thế của em đó là em không mất 5 năm học đại học vì vậy nếu em tận dụng tốt được chênh lệch thời gian giữa không học và học sẽ rất tốt. Một người học đại học mất 5 hay 4 năm học, xuất phát họ chậm hơn nhưng họ lại thường tiến nhanh hơn vì vậy em đi chậm thì phải tận dụng việc xuất phát sớm.

      Một khó khăn nữa chắc là em đang gặp phải đó là làm từ sáng tới tối vục mặt vào công việc, phải rất cố gắng mới hoàn thành được công việc thì làm sao mà nghĩ tới được việc làm mức xuất sắc để cấp trên để ý tới. Giống như một người ăn bữa này lo bữa sau thì thời gian đầu mã nghĩ tới việc làm giàu.

      Anh không ở trong tình huống như em, chỉ có thể đưa ra vài bước làm như thế này:

      Bước 1: Giảm áp lực về mặt tài chính
      Nếu em thiếu ăn ở ngay tháng tiếp theo khi tháng này nghỉ việc thì em sẽ luôn bị trong thế bị chi phối, tư duy khó thoáng được. Em cần tích lũy một khoản thu nhập khoảng 6 tháng chi tiêu.
      Làm sao để làm điều đó thì vì thu nhập em khó tăng nên em nên theo chiều hướng giảm chi tiêu đi.

      Khi thấy mình có thể sống được tối thiểu 6 tháng khi mất việc thì mình sẽ thấy tự tin hơn, đầu óc có thời gian nhìn ra bên ngoài hơn.

      Bước 2: Mở rộng tầm nhìn

      Thực sự 20 tuổi thì khó mà biết mình thích làm gì, mình giỏi làm gì vì chưa có nhiều trải nghiệm. Do vậy cách thức bây giờ sẽ là thử mỗi nơi thả một ít mồi xem mình phù hợp với cái gì.

      Thả mồi là việc em để ý tới xung quanh nhiều hơn, xem ở cái công ty đó có những vị trí gì. Cái người đó hiện hơn gì mình, họ đang sở hữu kiến thức kỹ năng thái độ gì mà mình không có không. Xem công nhân ở các công ty tương đương khác có giống như công ty mình không. Đọc các thông tin tuyển dụng xem họ yêu cầu gì.

      Em coi những để ý đó như là thả mồi; thả nhiều mồi thì sẽ có nhiều cơ hội để câu được cá hơn.

      Bước 3: Quyết định

      Đó có thể là quyết định sang cty khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn, không bị áp lực làm thêm giờ, cơ hội gia tăng năng lực tốt hơn, cơ hội thăng tiến tốt hơn,….

      Đó cũng có thể là rời bỏ môi trường doanh nghiệp quá lớn để sang một doanh nghiệp nhỏ hơn. Nên nhớ rằng một con ngựa khó mà nổi bật giữa một đàn hàng trăm con ngựa nhưng nó dễ dàng được người ta nhận ra khi xung quanh chỉ có vài con.

      Đó cũng có thể là việc quyết định học thêm một cái gì đó để có thể sở hữu một kiến thức, kỹ năng giống một người nào đó nhằm có cơ hội thăng tiến hơn.

      Học đại học ngày nay có thể thu được kiến thức, kỹ năng hơi cũ kỹ không áp dụng được vào thực tế nhưng người học đại học lại có được Nhận thức và Tư duy không dễ gì mà một người không học có thể sở hữu được. Nhận thức và Tư duy chính là rào cản lớn nhất của em hiện nay và sau này. Việc đi học đại học bây giờ đối với em chắc không được nên chỉ có con đường tự học. Phải biến những lo lắng về tương lai thành động lực cho việc dành thời gian cho tự học.

      Một người không học có thể thành thạo công việc thông qua làm đi làm lại một công việc nhưng rồi tới lúc sẽ gặp một giới hạn mà chỉ có thể vượt qua bằng con được học em ạ. Các công ty ngày nay đều đang cố gắng xây dựng một mô hình tổ chức học tập là vì vậy.

      Thực sự anh không nghĩ được một cách thức nào khác ngoài việc phải học để có thể xử lý tình huống của em về lâu dài. Những tấm gương bỏ học giữa chừng mà thành công kiểu như Bin Gate hay Steven Jobs đều phải tìm hình thức học khác để bù đắp những thiếu hụt kiến thức.

      Chúc em vượt qua giai đoạn khó khăn này.
      anh.

  79. Em chào Anh !!

    Em có 1 vấn đề mà băn khoăn , bồn chồn lo lắng ko làm gì được cả trong mấy ngày hôm nay . Anh cho em xin lời khuyên giúp em với !!
    – Em năm nay 26t , trước giờ mai chơi bỏ ngỏ việc học từ khi học xong cấp 3
    – Em có kinh doanh quần áo hàng chợ 2 năm nay nhưng ko có hiểu biết gì nên lẹt đẹt 1 thân làm đủ mọi việc từ bán hàng nhập hàng kiểm hàng thu tiền , nói chung là tất cả
    – Gần đây em có quyết định đi học lớp quản trị kinh doanh thời hạn 3.5 năm
    – Em muốn công việc kinh doanh tốt lên , muốn phát triển shop của mình
    – Em có đọc thêm sách về kinh doanh , doanh nghiệp , cụ thể là cuốn The E-myth . tại sao các doanh nghiệp làm việc kém hiệu quả .

    *** Vấn đề của em là sau khi đọc xong cuốn đó : cuôc sách rất hay là xem DN là công việc chứ ko phải nơi làm việc , định hướng sơ đồ tổ chức ngay từ đầu , bắt nguồn từ MỤC ĐÍCH CHÍNH của mình . Và doanh nghiệp nếu ko phát triển thì sẽ phải đi xuống .

    Ở trên em viết từ “MỤC ĐÍCH CHÍNH” viết hoa là nói nỗi băn khoăn của em : mục đích em muôn là shop ngày càng phát triển , từng bước có thương hiệu riêng trên thị trường , sau này có 1 cty thời trang riêng (mặc dù chưa biết về đâu) . Nhưng mà càng tìm hiểu em càng rối vì Hàng của em là hàng chợ trung quốc hàng ko có hóa đơn chứng từ ( bị coi là hàng lậu hàng nhái ) sẽ chẳng bao giờ có được thương hiệu riêng nếu buôn bán hàng này và theo quy luật DOANH NGHIỆP SẼ ĐI XUỐNG . Em băn khoăn lo lắng bồn chồn là mình có làm tiếp thì cũng chẳng thể nào có được cái “MỤC ĐÍCH CHÍNH” , em mất niềm tin vào cái gọi là “MỤC ĐÍCH CHÍNH” . Em có nghĩ đến mặt hàng trong nước nhưng không thể làm được vì hướng của em là mẫu mã đẹp giá rẻ đối tượng thanh niên trẻ trâu và hàng TQ đáp ứng được , với cả em đã quen làm hàng TQ vài năm rồi .

    * Trong tâm trí em giờ đây bủa vây mọi thứ : mất tinh thần trầm trọng , chán nản , mệt mỏi , lo lắng , sợ hãi , em ko biết nguyên nhân chính là gì cứ ngồi nghĩ : có làm tiếp thì cũng ko đến đích được rồi mình sẽ lãng phí cuộc công sức , mà không làm tiếp thì vốn liếng tiền bạc đầu từ nợ nần mọi người đã vào hàng hết cả rồi , thêm cả nuôi mẹ (mẹ em vẫn còn khỏe nhưng em ko muốn mẹ em phải lao động nữa) , nuôi em .

    Em đã xem trên mạng các bài báo thử 1 số cách cho quên đi như đi ra ngoài , nghỉ vài ngày , thể thao nhưng ko được vì em hiểu ra vấn đề là em ko bị mệt mỏi khi làm việc . mà là do em chợt nhận ra cái đích kia của em đã quá xa vời !!!

    Em cũng đã có đọc bài viết của anh nhưng vẫn ko cải thiện được phần nào .

    Em chán trường, mặt mũi ất ơ mất hồn khách hỏi ko trả lời , mất đi ngọn lửa làm việc !!!

    Mong Anh cho em lời khuyên em phải làm gì bây giờ , em cám ơn anh nhiều !!

    • Dear em;
      Để biết con đường đi một cách bài bản em tham khảo bài viết này nhé:
      https://chienluocsong.com/bphone-va-chuoi-gia-tri-toan-cau/
      Trường hợp cụ thể của em anh có ý kiến thêm thế này:

      Trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo lợi nhuận sẽ tiến về không. Ban đầu em buôn hàng shop có thể lợi nhuận tốt nhờ biết được chỗ mua, biết con đường để mang hàng từ TQ tới cửa hàng của mình. Lúc đó em có thể bán giá cao nhưng số người bắt chước sẽ ngày một tăng đặc biệt là với tình hình công nghệ như hiện nay.

      Nếu em biết trước việc này thì em phải tích tụ đủ vốn để chuyển sang nấc kế tiếp.Nhưng tâm lý chung của người buôn bán lẻ là thu nhập bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu mà không nghĩ rằng việc kinh doanh sẽ không thuận lợi mãi như thế này.

      Năm nay em 26 tuổi anh chắc là em rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đó vì vậy mình phải tiếp tục tận dụng kinh nghiệm đó. Sử dụng nó để tiếp tục làm một cách bài bản hơn bao gồm tích tụ vốn và tích tụ tri thức. Nếu em đã đăng ký tham gia khóa học 3,5 năm thì em có thể đặt mục tiêu là 3,5 năm nữa mình sẽ làm cái gì.

      Tuy nhiên em đừng kỳ vọng vào việc học ở trường. Học ở trường chỉ giúp em có một xương sống để bám theo chứ em không thể dựa vào nó mà có đủ tri thức được. Anh nghĩ rằng em có những bài toán thực tế kinh doanh thì việc học sẽ dễ dàng hơn nhiều so với những người không có động lực rõ ràng.

      Em 26 tuổi nên anh nghĩ em sẽ vẫn phải theo con đường tự doanh là hợp lý nhất. Con đường đó mặc dù chông gai nhưng nếu thành công thì được nhiều thứ.

      Đọc các bài viết của anh có thể cảm thấy hay nhưng ăn thua nhau là phải áp dụng vào thực tế thì mới nhớ lâu, mới vận dụng được em ạ. Không có thực tế thì nghĩ ra các tình huống thực tế và tự giải.

      Chúc em thành công.
      Anh

      • Em cám ơn anh rất nhiều , mấy ngày nay em cũng đã tự buông lỏng được vấn đề trong lòng mình rồi , thoải mái và tích cực hơn rất nhiều . Em hiểu rằng mình đã suy nghĩ quá xa vời mà cái gần thì đã quên mất , cái xa là cái hy vọng còn gần là mình cần tiến đến , em đã tự đặt mục tiêu hoàn thành tốt khóa học của mình và tích lũy một số vốn nhất định theo từng năm . Em cảm ơn anh rất nhiều với những thứ quá bổ ích và chúc anh thật nhiều sức khỏe !!!!

  80. Chào anh,
    Em đã đọc bài viết của anh đến 4 lần nhưng vẫn chưa ngộ ra một “công thức” để ứng dụng cho mình, không biết trường hợp của em có thể cải thiện được không khi mà em đã 35 tuổi.
    Em học ngành xây dựng và làm qua rất nhiều công việc liên quan đến ngành: Thiết kế, dự toán, tham gia Dự án tạo phần mềm thiết kế..v.v. Hiện em đang làm trong một công ty nước ngoài có mức lương khá và đãi ngộ tốt, Tiếng anh và kỹ năng mềm của em cũng tốt vì thế trong những năm làm việc em nhiều lần được thăng chức lên vị trí trưởng phòng. Hiện em đang là leader của một nhóm nhỏ và sau 4 năm mọi thứ vẫn như vậy, không có tiến triển gì hơn…em thấy mình như đang bị bỏ lại phía sau, em thấy mình còn thiếu nhiều kỹ năng để có thăng tiến trong nghề nghiệp, vì thế em muốn đi học MBA để phát triển bản thân và chuyển đổi nghề nghiệp (từ engineering chuyển sang Procurement chẳng hạn). Tuy nhiên có một vấn đề như sau: Em không đủ khỏe và mạnh mẽ để vừa đi học, vừa đi làm và chăm con được (bé 4.5t, bé 18 tháng và hay bệnh), em phải lựa chọn : PA1. nghĩ làm đi học MBA; hoặc PA2: đi làm và không học. Em không biết đi học MBA là lựa chọn đúng đắn không vì rất tốn thời gian và tiền bạc, với lại các chuyên gia đều khuyên học MBA sau 32 tuổi là một sự đầu tư không khôn ngoan, tuy nhiên em vẫn thích học vì muốn hiểu về business và phát triển bản thân mình chứ không hẳn để sau này ra làm CEO hay kinh doanh riêng. Vậy anh cho hỏi: có nên nghĩ việc để học MBA không và MBA liệu là con đường hay nhất để hiểu về kinh doanh và phát triển bản thân mình.?
    Mong hồi đáp của anh.

    Dong Tuyet

    • Dear em;
      Về chủ đề nên hay không nên học MBA anh có một entry khá chi tiết https://chienluocsong.com/co-nen-hoc-cao-hoc/
      Đối với trường hợp cụ thể của em anh rất đồng cảm vì chỉ hơn em 2 tuổi. Cách đây đúng 2 năm anh cũng có suy nghĩ là học MBA, đã học và thi dủ các môn bổ sung. Tât cả các entry về chủ đề kinh tế học, tài chính tiền tệ,..trên blog này đều có nguồn gốc từ quá trình học đó.

      Tạm có thể chia cái bằng MBA đó ra làm hai. Một là bản thân cái bằng và hai là kiến thức thu lượm được khi học. Giờ em hãy suy nghĩ theo các bước sau:
      – Câu hỏi 1: Giả sử mình có bằng MBA, mình báo cáo với công ty điều đó. Công ty có cho mình thăng tiến không?
      – Câu hỏi 2: Giả sử mình có kiến thức của một người học MBA thì công ty có cho mình thăng tiến không?

      Nếu như trả lời của câu hỏi 1 là “không” thì không đi học. Các công ty trong nước thường không quan tâm tới bằng cấp nhưng các công ty nước ngoài đặc biệt là Nhật lại rất quan tâm tới bằng cấp. Nếu câu trả lời là có thì thông báo với công ty rằng mình sẽ đi học MBA, 2 năm nữa sẽ có bằng xem phản ứng của công ty thế nào.
      Công ty hoặc sẽ ngăn trở vì cho rằng việc học sẽ lam xao nhãng cv tại công ty, hoặc cty sẽ khuyến khích em.
      Như vậy tại câu hỏi 1 nếu là có, và họ khuyến khích em thì em nên đi học.

      Câu hỏi 2: Nếu câu hỏi 1 là không, câu hỏi 2 là có thì em nên tự học. Không nên đi học, anh có ông bạn cách đây 2 năm đã học (thay vì bỏ như anh) và kết luận rằng không thu được kiến thức gì cả.

      Anh nghiêng nhiều về phương án là không nên học ở tuổi này. Theo chiến lược tìm hiểu chức vụ kế tiếp đòi hỏi gì thì tập trung vào tự học cái đó vẫn hơn. Anh thấy em là người có tham vọng, có năng lực thì chắc chắn sẽ làm được.

      anh V.D

      • Không ngờ nhận được hồi đáp của anh, cảm ơn anh rất nhiều.
        Chúc anh và gia đình bình an, hạnh phúc để anh có thể viết nhiều entry bổ ích.
        Tuyet

      • Không biết sao nhưng mình thấy một người anh mình quen trước đây cũng giống như bạn là cử nhân luật, kỹ năng mềm tốt, có gia đình 2 con nhỏ làm trưởng phòng nhân sự 1 công ty chuyên tư vấn, đã học tiếp MBA, giờ chuyển qua làm trưởng phòng kinh doanh thu nhập hiện tại đã thay đổi tốt hơn nhiều!

  81. Dạ,em chào anh!
    Em là một nữ sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học xong.Qủa thật,bây giờ em cũng thấy mình vô định.Em là một người có ước mơ và tham vọng nhưng không hiểu sao tới giờ phút này,em cảm thấy mọi ý tưởng của mình đều sắp về con số 0.
    Em tốt nghiệp trường Ngoại ngữ,một nghề mà ai cũng nghĩ là hái ra tiền ,là không lo thất nghiệp.Nhưng dường như những suy nghĩ đó lại khiến mình thêm gánh nặng.Em đã có dự định là sẽ tìm đường sang Singapore -một đất nước mới để mình có thể vừa nâng cao được ngôn ngữ,vừa học hỏi và trau dồi thêm kĩ năng.Nhưng kĩ năng gì đây?khi kinh nghiệm còn chưa có :(.Từ lúc,em là sinh viên,em cũng từng làm thêm nhiều việc: phục vụ,gia sư,bán hàng…Tiếp đến,em lại thấy con đường sang nước bạn,nếu tự mình thì khó,nếu qua trung gian thì vô số kẻ lừa.Vậy là,một lần nữa em lại mất niềm tin ,lại lạc vào vô hướng.Chọn một công việc ở trong nước-đi từ nhỏ tới lớn hay là sang đó rồi đi từ nhỏ tới lớn.??? Và bản thân thì không thể ăn bám được,nhất định phải tự lập.Nhưng giờ em không biết mình nên quyết tâm đi theo hướng nào.Mong a có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm tới em cũng như các bạn trẻ vừa ra trường đang hoang mang không biết chọn lối nào như em.Em cảm ơn ạ! Thân ái!

    • Dear em;
      Cách đây 16 năm lúc đó máy tính không phổ biến như bây giờ. Các khóa học tin học văn phòng rất nhiều; người nào biết gõ 10 ngón với thạo tin học văn phòng, có thể tí toáy sửa máy tính là ghê lắm. Ngày nay em thấy là không còn khóa học tin học văn phòng; biết gõ 10 ngón và tin học văn phòng là những điều hết sức bình thường.

      Cách đây 16 năm thông thạo ngoại ngữ là ghê lắm; ngày nay …vẫn ghê nhưng không bằng hồi xưa; 5 năm nữa thì nó cũng sẽ bình dân như tin học văn phòng bây giờ. Không còn ai tự hào khi có thể giao tiếp với người nước ngoài nữa.

      Nói vậy để em thấy rằng lợi thế của mình không phải là mãi mãi, nó sẽ giảm dần trong tương lai. Khi em sang singapore thì em tự đánh mất đi lợi thế của mình vì bên đó nói tiếng anh là bình thường. Sau khi bị tước bỏ lợi thế ngoại ngữ em sẽ phải sử dụng các kỹ năng khác của mình. Nếu như kỹ năng của em chưa tốt thì em cũng chỉ xin được các công việc đơn giản. Về lâu dài chỉ cải thiện được khả năng ngoại ngữ mà không nâng cao được các kỹ năng khác.

      Ở Việt Nam thì khác, em có thể sử dụng bàn đạp ngoại ngữ của mình như một lợi thế xin việc để nâng cao các kỹ năng khác. Khả năng ngoại ngữ cũng giống như khả năng tin học, là công cụ cho các nghề khác nhau, không phải bản thân nó là một nghề. Một phiên dịch viên thường có xu thế lên làm quản lý của một chuyên ngành nào đó vì cứ đi dịch mãi một lĩnh vực tự nhiên hiểu sâu về nó.

      Quan điểm của anh là sinh viên mới ra trường nên lăn lộn để thu thập kinh nghiệm, vào đúng cái lĩnh vực mình học thì tốt, nếu không thì vào lĩnh vực mình thích. Lúc này các bạn có thể vẫn đam mê, vẫn tham vọng nhưng chỉ lấy nó làm kim chỉ nam, là động lực phấn đấu. Vì nếu các bạn hành động quyết liệt ngay thì:
      – Ít có khả năng thành công vì năng lực chưa đủ.
      – Giả sử không thành công thì cái tuổi tích lũy năng lực đã đi qua; làm cái gì cũng dở dang.
      – Tiềm lực tài chính kém nên một lần thất bại có thể tiêu tốn nhiều năm sau đó để phục hồi lại.
      – Chỉ có sự nhiệt huyết mà không có độ dầy về ý chí nên nếu thất bại thì sẽ nản lòng. Giống như một cái cây bị ép cho quả sớm thì về lâu dài hiệu quả sẽ kém mặc dù có quả sớm hơn.

      Em cứ tưởng tượng thế này. Nếu em sang singapore, bên cạnh tiêu tốn một khoản tiền lớn thì vì thiếu kỹ năng em nhiều khả năng chỉ xin được những việc đơn giản như bán hàng; giả sử bán cho một quán Starbuck chẳng hạn. Vậy thì nó có khác gì đâu so với thời còn sinh viên em đi làm thêm. Sau vài năm em có gì trong tay ngoài khả năng giao tiếp ngoại ngữ có thể tốt hơn một chút. Lúc đó thì ở lại đó hay quay về; quay về thì có khác gì lắm đâu so với vài năm trước đó.

      Bình tĩnh từ nhỏ tới lớn em ạ, từ từ từng bước rồi sẽ tới đích.

      Chúc em thành công.
      thanks.

  82. Em chào anh,

    Em mới biết blog của anh được vài ngày. Và đó là lúc em cảm thấy cảm xúc thật mông lung bất ổn nên mới search trên google cụm từ: Phải làm gì khi tôi không có định hướng.

    Thực sự em phát hiện ra tình trạng này của bản thân phải nửa năm rồi mà không thể thoát ra được. Đôi lúc em cảm thấy thất vọng về tình trạng này, nhưng đôi lúc em lại tự nhủ: Ai cũng có khoảng thời gian như vậy, hãy cứ suy nghĩ thêm. Nhưng khi thời gian trôi qua, em vẫn thấy mình như vậy, khiến cho cảm xúc mỗi ngày một bấp bênh.

    Bản thân em là người ham phát triển cá nhân, đọc sách và thích hoàn thiện công việc của mình.
    Em đã từng khởi nghiệp thất bại, làm giảng viên đại học, rồi giờ đang làm trưởng phòng đào tạo của 1 trung tâm giáo dục. Em đã kết hôn và có cuộc sống đầy đủ về mặt vật chất. Công việc trước kia vất vả nhưng bây giờ khá chủ động về mặt thời gian nên em có thể sắp xếp đi học thêm cái này cái khác, thậm chí nghỉ để đi du lịch thường xuyên.

    Ai nhìn vào cũng nghĩ rằng cuộc sống như em thì còn phải ao ước gì thêm nữa. Và đó cũng là lý do vì sao khi em mong muốn tìm những lời tư vấn thì không ai có thể giúp em. Ngay cả mẹ đẻ của em của nói: Con cứ hay nghĩ lung tung, không chịu an phân, chứ như con bây giờ đầy người mơ.

    Trước đây, lúc còn vất vả thiếu thốn, em lại không có cảm xúc này. Bây giờ đôi khi em cứ nghĩ lung tung và mâu thuẫn:
    – Mình chán công việc này lắm rồi. Công việc thì vẫn thú vị nhưng hàng ngày mình đang đi làm giàu cho người khác. Mình có làm mãi thì cũng chẳng sở hữu được cái gì ở đây. Chủ doanh nghiệp lúc nào cũng chỉ nịnh nọt mình, nhưng cậu ấy có vẻ chẳng coi mình là đồng đội. Mình ở bên cậu ấy những lúc sóng gió của doanh nghiệp nhưng khi mình đề nghị mua cổ phần công ty thì cậu ấy không chấp nhận.
    – Công ty này chẳng có định hướng gì cả. Mình sẽ về đâu sau vài năm tới.
    – Nhưng mình cũng sợ nghỉ việc vì nghỉ rồi thì làm gì? Mình đã đủ năng lực để khởi tạo riêng đâu. Hơn nữa mình đã thất bại, mình sợ quá khứ.
    – Mình có nên nhảy ra lĩnh vực khác để phát triển kỹ năng quản lý đa dạng hay không. Bây giờ mình quản lý được trong lĩnh vực giáo dục với quy mô khoảng 20 người, như thế chắc vẫn chưa ăn thua.
    – Nhưng nếu chuyển lĩnh vực mình sẽ sang lĩnh vực nào, làm cho công ty nào? Nếu làm ở đó được 1, 2 năm mình vẫn có cảm xúc như bây giờ thì sao?
    – Nếu bắt đầu lại, nhỡ mình có bầu thì sao.
    – Đã gần 2 năm, thu nhập của mình không tăng lên, mà có phần sụt đi vì giảm thời gian làm việc. Mình có vẻ giống như 1 người vợ an phận, dựa dẫm vào chồng

    …..

    Vì những suy nghĩ vớ vẩn như thế này, em trở nên khó gần, em hay gắt trong quá trình làm việc, hay cãi nhau với sếp. Và đôi khi em còn phát hiện ra mình ích kỷ, hay ghen tỵ với những người khác.

    Gần đây, em đã đăng ký đi tập thể dục, học quản trị kinh doanh ngắn ngày để tìm hướng đi và hiện tại đang chuẩn bị học tiếng Anh. Nhưng có lẽ trong 7 điều mà anh nói ở trên, em chưa thể tìm được người tư vấn. Không biết nghe những chia sẻ sơ bộ của em ở trên, anh Dũng có lời khuyên nào cho em không ạ? Em biết rằng rồi mình vẫn phải là người chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình nhưng nếu có 1 ý kiến tham khảo vào lúc này thì thật là quý giá. Hi vọng nhận được phản hồi của anh.

    • Dear em;

      Con người vốn chứa đầy sự mâu thuẫn, một trong số đó là khi không có gì phải lo họ sẽ nghĩ ra cái để lo, đặc biệt là những người có tinh thần trách nhiệm với cuộc sống của mình. Bằng cách luôn nghĩ tới mối lo đó họ đã khiến nó dần trở thành sự thật.

      Điều này lại mâu thuẫn với những người vô trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Họ không lo tới cái đáng phải lo, và đôi khi những mối lo đó tự động tiêu tan đi theo thời gian.

      Khi có một mối lo rõ ràng thì ta tập trung công sức vào giải quyết mối lo đó; ta biết ta phải làm gì. Điều này giống như cảm nhận của em khi lúc còn thiếu thốn. Lúc đó em chỉ có một nhu cầu là cho hết thiếu thốn mà thôi. Thời gian qua đi, khi không còn thiếu thốn em xuất hiện nhu cầu muốn an toàn thông qua việc có nhiều tiền tích trữ hơn, muốn được phát triển bản thân hơn, muốn 5 năm tới giả sử cái cty đó phá sản thì mình vẫn có thể có được một công việc thay thế khác tốt hơn, muốn làm cái gì đó thật to tát….Lúc này em có rất nhiều nhu cầu, khác với lúc trước em chỉ có một nhu cầu. Khi có quá nhiều nhu cầu mà không biết làm thế nào để đạt em sẽ hoang mang và có khi còn phá hỏng cả cái hiện trạng đang có.

      Anh nghĩ em có thể làm theo mấy bước sau:
      Bước 1: Hiểu bản thân
      Cái này em phải tự nghiệm lại bản thân trong quá khứ. Nếu em không hiểu mình thì chắc chắn cho dù em có đạt được nhu cầu mà em muốn bây giờ thì em sẽ lại lâm vào tình trạng cũ. Mỗi người chúng ta đều đang vận hành theo những quy luật xác định, em chỉ cần tìm ra quy luật đó. Ở đầu comment này anh đã có gợi ý, em thử nghĩ thêm nhé.

      Bước 2:Tập trung vào một nhu cầu xác định
      Như anh đã nói ở đầu comment này là em đang có nhiều nhu cầu mà không biết nên bắt đầu từ đâu. Nó đại loại giống như người ta nói khi không có sức khỏe thì chỉ có một điều ước, khi có sức khỏe thì ước vô số điều. Vậy nhu cầu nên là gì?
      Đề nghị mua cổ phần là một cách hay. Nếu như cậu ta từ chối thì chắc chắn có lý do. Người ta chỉ đồng ý cho em mua cổ phần khi mà họ đạt một nhu cầu nào đó của họ, ví dụ:
      – Em là người cực khó thay thế vì vậy cho em mua cổ phần đề giữ chân em.
      – Cho em mua cổ phần sẽ giúp em có động lực hơn, làm việc hăng say hơn và nhờ vậy tổng lợi nhuận sẽ tăng lên. Cậu ta sẽ chẳng thiệt gì.
      – Trả ơn em vì em đã giúp cty vượt qua một khó khăn, đạt một thành quả nào đó.
      – Khi thỏa mãn nhu cầu vật chất người quản lý không còn công cụ động lực tài chính nữa. Xu hướng nv sẽ làm việc kém hiệu quả đi (giống như trường hợp cổ phần FPT trước đây).
      – Rút dần trách nhiệm khỏi công ty. Khi cv khó khăn bán bớt cổ phần, rút chân ra là cách để thu hồi vốn.

      Khi bị từ chối em ở tâm trạng không tốt nên làm việc kém hiệu quả hơn. Điều này sẽ làm giảm giá trị của em trong mắt của cậu ta vì vậy em lại càng xa cái nhu cầu cần đạt. Nếu em mới chỉ làm có 2 năm thì chưa là gì; trên 5 năm em mới nên nghĩ tới chuyện đó.

      Về phạm trù công việc anh nghĩ em hãy cứ tiếp tục làm việc nhiệt tình; một phần nó sẽ giúp em gia tăng năng lực, một phần gia tăng được tín nhiệm của cậu ta với em. Sau này hoặc em phát triển ở cty đó hoặc em sẽ có đủ năng lực để bắt đầu một cty đào tạo mới. Tạm thời đừng đặt ra mục tiêu hay tham vọng gì to tát. Hiện trạng em đang có được mọi người ao ước mà, giữ nguyên hiện trạng cũng đã là tốt rồi.

      Để giảm thời gian suy nghĩ lung tung, tập tành thể thao và tham gia các khóa học với tâm trạng thoải mái.Các hoạt động đó sẽ giúp em bận rộn hơn.Càng buông lỏng càng đạt được cái mình muốn; càng ham muốn thì càng xa rời.

      anh V.D

      • Cảm ơn anh đã dành thời gian phản hồi thực sự đầy đủ cho em. Qua lời khuyên của anh, em phần nào mường tượng được rõ ràng các bước đi. Chúc anh luôn có những bài viết giá trị như thế này.

  83. Chào anh. Cảm ơn anh đã dành thời gian và tâm huyết cho bài viết này. Em cảm thấy thật may mắn vì đã đọc được bài viết này vào thời điểm em cần nó nhất.
    Em năm nay 24 tuổi. Sau khi tốt nghiệp em có làm cho một công ty mới của Nhật. Tuy nhiên sau hơn một năm làm việc, em cảm thấy có bất đồng trong cách làm việc và công ty không rõ ràng và nhất quán trong chế độ đối với nhân viên nên em (và nhiều đồng nghiệp khác) xin nghỉ. Chuyên môn khá đặc biệt, khó tìm được một công ty tương tự, nên sau khi nghỉ việc, em xác định làm lại từ đầu. 2 tháng sau, em xin được một công việc ở một công ty khá lớn của Nhật. Tuy nhiên lại nảy sinh một số vấn đề. Thứ nhất, làm ở khu công nghiệp đồng nghĩa với việc em phải về quê sống (khó thể học tập và duy trì các mối quan hệ trước đây) hoặc sống ở khu vực hơi xa trung tâm thành phố và đi làm bằng ô tô của công ty (khá là mất thời gian). Thứ hai, em cảm thấy công việc này khá hợp với tính cách của em, vì em không thực sự thông minh và nhanh nhẹn lắm, nhưng cần cù và có trách nhiệm. Tuy nhiên, làm cho một công ty lớn cơ hội thăng tiến sẽ không nhiều, Mặc dù cá nhân em thì chưa bao giờ đặt quá nặng vấn đề thăng tiến nhưng nhìn bạn bè đi nước ngoài công tác và thăng tiến vù vù, em cảm thấy rất xấu hổ. Bây giờ phải từ bỏ cuộc sống ở trung tâm thành phố/mất quá nhiều thời gian di chuyển, làm việc ở khu công nghiệp không thấy mặt trời, lương không cao, nhưng là một công việc ổn định, chế độ tốt và (có vẻ) phù hợp với tính cách. Em không biết mình có nên đánh đổi không nữa. Em mong nhận được lời khuyên từ anh. Em cảm ơn anh rất nhiều.

    • Dear em;

      Khi em lựa chọn công việc ở khu công nghiệp có đặc điểm xa trung tâm mất nhiều thời gian đi lại nhưng lại phù hợp em cho rằng mình làm việc tới cuối đời nên thấy khó khăn. Nếu em đặt ra giới hạn là mình làm ở đây 2 năm để tích lũy năng lực, tiền bạc thì sẽ thấy đơn giản hơn.
      Ở thành phố em không tìm được việc phù hợp một phần nguyên nhân lớn là vì năng lực của mình chưa với tới. Chịu khó hy sinh 2 năm để đạt tới tiêu chí đó sau đó quay lại trung tâm cũng chưa muộn. Nếu em quyết định ở lại TP làm những việc đơn giản cầm cự thì 2 năm trôi qua em vẫn thế. Tất nhiên trong 2 năm đó có thể một cơ hội nào đó tới và em lựa chọn được việc phù hợp ở đó, tuy nhiên xác suất xảy ra không cao. Lùi 1 bước tiến hai bước em ạ.
      thanks.

      • Ôi em đã không nghĩ là sẽ nhận được câu trả lời của anh. Em cảm ơn anh rất nhiều. Đây chính là những lời em cần vào lúc này. Chúc anh sức khỏe và hạnh phúc !

  84. Dear anh V.D,
    Trước hết em rất cảm ơn những chia sẻ của anh, em đã đọc bài viết này cả ngày hôm nay. Sau đây em rất mong nhận được sự chia sẻ của anh về trường hợp của mình.
    Em vừa Tốt nghiệp Đại học ngành PR, từ năm 2 đại học em đã bắt đầu đi làm rất nhiều công việc xung quanh ngành để tìm ra được là mình thích làm gì. Em làm rất nhiều, từ việc viết bài PR, làm content sản phẩm, event, mới đây em thử sức bên sales nhưng kết quả không phù hợp nên em đã xin nghỉ. Trong số đó em thích nhất là event, công ty cũ trước đây em làm cho em rất nhiều cơ hội, nhưng lương quá thấp và chính sách lương bổng không rõ ràng nên em quyết định nghỉ. Ngày tốt nghiệp đại học cũng là ngày em quyết định bỏ job sales, em đang rất hoang mang vì trước đây em nghĩ là em có thể làm tốt, nhưng cuối cùng khi đụng tay rồi thì em mớithấy mình không phù hợp.
    Hiện em đã trải nghiệm gần như tất cả các nghề liên quan đến ngành học và chưa tìm ra được điều gì khiến mình có thể say mê cống hiến (em có đặc biệt thích event nhưng không thích hoạt động showbiz). Em đang dự định sẽ đi làm full time tại cửa hàng 24h của Nhật để có được cuộc sống yên ả hơn, không áp lực như làm ở office, nếu làm ở đây em vẫn có cơ hội phát triển lên làm cửa hàng phó, cửa hàng trưởng, giám sát khu vưc,… Nhưng gia đình em có vẻ không hài lòng với quyết định này, và thêm áp lực từ dư luận, bạn bè nữa.
    Em hiện đã quyết định vượt qua dư luận để apply job này, trước mắt sẽ định hướng mình đi lên từ đây, làm ở siêu thị thì vẫn làm người tử tế, nếu làm ở đây thì em sẽ cân bằng đc yếu tố Công việc (không nhiều áp lực nhưng vẫn có cơ hội tiến lên) – Gia đình (vẫn có tiền cho gđ) – sở thích cá nhân (có thời gian cho bản thân hơn).
    Em muốn nghe sự phân tích và ý kiến từ anh, nếu là em anh sẽ làm gì ạ?
    Em cảm ơn anh.

    • Dear em;
      anh thấy em là người có tính chủ động, không ngại thay đổi. Quyết định của em như vậy lúc này là đúng đắn rồi. Tiến trình thăng tiến của em cũng đúng, quan trọng là em xác định được các mốc tiếp theo sau khi vào làm nv bán hàng để làm kim chỉ nam. Nếu làm nv bán hàng chỉ với mục đích làm nv bán hàng tạm thời mà không nghĩ tới vị trí quản lý tiếp theo thì sẽ rất lãng phí thời gian.

      Chúc em thành công, anh tin 2 năm nữa khi đọc lại chính comment của mình em thấy mình đã đúng.
      VD

  85. Chào anh, em là nữ, 22 tuổi, hiện giờ em cảm thấy mình thật bế tắc, điểm mạnh của em là về tin học, bản thân em lại không thích những nơi đông người và không giỏi giao tiếp, trước đây em thích ngành thiết kế cảnh quan nhưng em thi rớt, nên đăng kí ngành khí tượng hệ cao đẳng, trong suốt quá trình học mặc dù em không thích ngành nhưng vẫn ráng học cho xong 3 năm, và cuối cùng em đã tốt nghiệp cao đẳng ngành khí tượng cách đây 8 tháng, em tốt nghiệp loại giỏi và được thủ khoa tốt nghiệp của trường, nhưng em cảm thấy mình vẫn không có đủ kiến thức để đi làm, 1 phần khó xin việc, 1 phần em lại cảm thấy mình không phù hợp với ngành, em đã thất nghiệp 8 tháng nay, gia đình khuyên em nên học thêm tiếng nhật và học lập trình ở trung tâm tin học 2 năm, nhưng em sợ mình học không được vì nghe nói ngành này phải có đam mê và tư duy tốt, bản thân em thì thích học tiếng thái, nhưng lại thấy cơ hội nghề nghiệp rất ít, giờ em không biết phải làm sao, em nên xin làm nhân viên bán hàng ở một hiệu sách, học những gì mình thích hay đi học thêm theo lời khuyên gia đình, Anh cho em lời khuyên với, em cám ơn anh nhiều ạ

    • Dear em;
      Híc anh không phải là nhà tư vấn tâm lý hay nghề nghiệp nhưng cũng xin được gửi em vài ý kiến của anh.

      Anh nghĩ rằng ai cũng thế thôi, cho dù có là tốt nghiệp đại học chăng nữa thì khi ra trường vào làm ở môi trường thực tế cũng cảm thấy cái gì cũng mới mẻ, cũng phải học. Hoặc là em tiếp tục đi học để mong một ngày nào đó tự tin đi xin việc hoặc em xin đi làm và học từ thực tế; anh nghĩ là lựa chọn 2 sẽ tốt hơn.
      Em tốt nghiệp loại giỏi, thủ khoa chứng tỏ cũng có một số tố chất nổi trội nào đó như chăm chỉ, khả năng tiếp thu kiến thức vì vậy tự tin lên em ạ. Trước mắt việc lựa chọn học gì hay làm gì phải xuất phải từ ý thích và xu hướng nghề nghiệp của bản thân, gia đình khuyên em như vậy là theo xu thế của xã hội rồi.
      Hiện xu hướng nghề nghiệp của em không thực sự rõ. Ngành học tốt nghiệp lại không phải nghề mà mình thích; cái nghề mình thích thì lại không được học. em học cao đẳng vì vậy nhanh hơn người học đại học 2 năm vì vậy nên tận dụng 2 năm này học thêm một nghề nào đó mà mình cảm thấy thích. Nếu ngành thiết kế cảnh quan em còn thích thì thử tìm hiểu xem ngành đó cần kỹ năng gì để học một khóa dài hoặc học các khóa học nhỏ.

      Chúc em thành công.
      anh V.D

      • Dạ, em cám ơn anh nhiều lắm, tuy bây giờ em vẫn không biết mình thích gì, em không định hướng được cho mình, nhưng em sẽ cố gắng, hi vọng sẽ có con đường khác cho mình, 🙂

  86. Chào Dũng

    Tình cờ vào đọc website của em. Thấy vơi đi phần nào khi đọc bài này của em. Cám ơn em.

    Chị năm nay 40 tuổi, là mẹ đơn thân. Sau 10 năm làm báo với nhiều cống hiến và cũng nhiều áp lực, chị đã quyết định nghỉ làm thuê để làm chủ. Chị kinh doanh về du lịch vào năm 2011. Thời gian đầu công việc khá thuận lợi. Chị đã rất phấn khởi với hy vọng sẽ có thu nhập ổn định để nuôi con và tích lũy. Thế nhưng không ai ngờ là 1 năm trở lại đây thị trường cạnh tranh hơn dẫn đến hiệu quả kinh doanh không như mong đợi. Năm 2011 cũng là thời điểm chị dùng hết tiền tích lũy để xây nhà và hiện nay vẫn còn phải trả nợ. Đó cũng là lý do chị không có đủ vốn để chuyển hướng kinh doanh khác.

    Giờ đây, ở tuổi 40, chị phải gửi đơn xin việc các nơi và quay lại với chuyên môn báo chí để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên không dễ dàng để tìm việc ở tuổi này vì nhà tuyển dụng thích những nhân viên trẻ. Gần 1 tháng chị gửi đơn xin việc, nhưng chưa nơi nào nhận. Có nơi sau khi test trình độ, họ rất ưng nhưng vì tuổi chị cao nên họ từ chối.

    Chị cần có thu nhập để nuôi con đi học, duy trì cuộc sống và các khoản nợ nần. Một mình nuôi con và không có ai để trông cậy, chị cảm thấy thực sự bế tắc. Trước đây chị đã từng khuyên và giúp nhiều bạn trẻ khi họ mất phương hướng, nhưng nay thì chính chị đang rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn này.

    Rất mong em cho vài lời khuyên để có động lực qua cơn sóng gió này. Chân thành Cám ơn em!

    • Kính gửi chị;
      Em nghĩ rằng chỉ khi vượt qua được thử thách thì ta mới thấy rằng thử thách đó không quá khó hay nó là lực đẩy cho ta đi tới nấc thang cao hơn. Còn trước đó, khi đối diện với thử thách, tất cả chúng ta đều có chung một suy nghĩ rằng giá thử thách đó không xảy ra thì tốt hơn hay thử thách đó quá lớn so với ta. Đặt em vào hoàn cảnh của chị thì em cũng sẽ vậy thôi, cũng sẽ mất phương hướng và có khi đọc lại chính bài viết của mình. Nói thật là em cũng hay phải đọc lại bài viết do chính mình viết ra để có động lực hơn.
      Thông thường những người như chúng ta – em chỉ kém chị vài tuổi- không thể cạnh tranh trực diện với những ưu điểm của giới trẻ vì họ chẳng có ràng buộc gì cả, có sức khỏe, có sự tò mò, sẵn sàng trả giả giá cho thất bại. Chúng ta có những ưu điểm của chúng ta đó là sự chín chắn, kinh nghiệm sống, có động lực phải nuôi dạy con,…Giới trẻ có thể nản và bỏ cuộc nhưng chúng ta không thể bỏ cuộc và sau nhiều lần thử rồi tới lúc chúng ta sẽ đạt được cái mình muốn. Em tin là chị có thể cảm thấy chán nản trong một lúc nào đó nhưng rồi chị sẽ lại phải tiếp tục đứng lên để đi tìm cho tới khi tìm ra thì thôi.

      Chúc chị vượt qua thời điểm khó khăn này. Cảm ơn chị đã chia sẻ ạ.
      em V.D

  87. Em cảm ơn anh về bài viết.
    Hiện tại em đã bỏ ngang việc học ở đại học vì cảm thấy môi trường và ngành học không phù hợp với bản thân. Cụ thể em là sinh viên trường đại khxhvn, ngành đô thị. Cảm thấy không phù hợp với môi trường thì chắc là do em, em không thích nghi được với trường, vào trường học lúc nào cũng chỉ có tâm trạng chán nản, mong hết giờ về; môn nào không điểm danh thì không lên lớp luôn. Về ngành học, do đặc thù của trường hay sao, đa số mọi thứ đều đòi hỏi kỹ năng viết lách, em thì không thích viết. Do vậy nhưng môn phải viết luận cuối kỳ thường kết quả không cao. Nhận thấy thế, em nghĩ mình nên theo các ngành bên kỹ thuật. Em quyết định bỏ ngang để thi lại, nhưng lại không thể nào quyết được ngành gì trường nào cả, cứ nghĩ tới thi có điểm rồi vô trường nào là em nản vô cùng. Em không đặt ra mục tiêu cụ thể cho mình được.
    Bản thân em, học lực cũng chỉ ở mức trung bình khá. Một phần em khá thích học ngoại ngữ nên tiếng anh khá là ổn. Cũng đã nghĩ hay là thi vào 1 ngành ngôn ngữ nhưng cảm thấy không phát triển bản thân được trong việc học vì thấy học thì em lại phải gồng mình viết rất nhiều. Vậy ngôn ngữ em sẽ để làm sở thích thôi.
    Hoàn cảnh gia đình em thì khá giả nên ba mẹ không bắt ép gì cả. Bảo là em muốn học gì thì học. Nhưng điều này cũng em thêm hoang mang không biết phải làm gì, nên đi làm rồi học hay đi học rồi làm hay cả vừa học vừa làm?
    Dạo gần đây, em đọc rất nhiều bài viết về bản thân, sự nghiệp, cũng có nhiều bài nêu làm theo những gì bạn giỏi mà em thật sự không nghĩ ra được mình giỏi gì để mà theo. Em thử lần lượt qua nhiều ngành, vài ngành kỹ thật, cụ thể là điện và hóa và cntt, ngành bên thiết kế, đồ họa ngay trong lúc em còn đi học trên trường đại học. Có thể vì chỉ là thử, thời gian không nhiều, từ 6 tháng đến 1 năm nên không ngành nào em giỏi cả chăng?
    Giờ đây mong nhận được lời khuyên từ anh, rồi có cái nhìn tốt hơn, kế hoạch cụ thể hơn, em hiện giờ chỉ thấy đang tiêu hao tiền bạc và thời gian chính mình thôi.
    Em cảm ơn.

    • Dear em;
      Học ở VN rất khô khan và xa rời thực tế, kể cả em yêu thích ngành đó nhưng nghe giảng rất mệt mỏi. Nên em đừng hy vọng là đi học thử một vài ngành để biết mình có giỏi ngành đó hay không. Muốn biết mình giỏi cái gì đòi hỏi phải làm thực tế bên ngoài, khi mình thấy có thể mang lại giá trị nổi trội hơn hẳn những người xung quanh ở một công việc nào đó thì đó là dấu hiệu cho thấy mình giỏi cái đó.

      Tuy nhiên cũng không thể thử qua tất cả các công việc vì làm thế sẽ tốn nhiều thời gian, mà cũng chẳng ai cho mình thử. Do vậy sẽ phải định hướng vào một nhóm công việc cụ thể nào đó thông qua việc hiểu bản thân mình mạnh yếu cái gì. Giống như em bảo “ngại viết lách” hay “thích học ngoại ngữ” cũng là một đặc điểm của bản thân; liệt kê càng nhiều thì em sẽ càng biết mình mạnh cái gì để mà hướng tới ngành tương ứng.

      Khi chọn được một ngành thì không có nghĩa là em sẽ học hứng thú, đi học chăm chỉ hơn, chăm viết bài hơn,… Chọn được ngành ưng ý chỉ là khởi đầu; sau đó em còn phải xử lý các vấn đề trong nội tại bản thân nếu muốn không bị lặp lại con đường cũ.

      anh V.D

  88. Cảm ơn anh rất nhiều
    em 21 tuổi đã có 1 cửa hàng khi vừa tốt nghiệp dh, kinh doanh ổn định trong 3 năm. Chính điều này làm em tự mãn, không cố gắng phát triển bản thân đến khi gặp khó khăn mới hay 3 năm qua mình cũng nhờ may mắn mà thôi
    Rồi trong 1 năm nay, mọi thứ đến liên tiếp, mẹ em bị bệnh ung thư, cửa hàng kinh doanh khó khăn. cửa hàng hợp tác với bạn thì gặp trục trặc sau đó tách ra
    Và vô số sai lầm liên tiếp liên tiếp do cảm xúc gây ra
    Hiện tại e mướn 1 mặt bằng mới với giá cao, kinh doanh không thuận lợi . Và e chìm trong đau khổ bế tăc, vì mọi thứ như đang chống đối bản thân mình. Tìm hướng => bế tắc +. tìm hướng + bế tắc
    Đọc bài của anh em cảm thấy e trong đó. Đến lúc phải thay đổi bản thân và bình tĩnh để hành động
    Có lẽ bài này em phải đọc đi đọc lại cho thấm hơn nữa ^^
    chuc anh sức khỏe và thành công trong cuộc sống

  89. vô tình đọc bài này của bác thật sự rât sâu sắc và cho tôi rất nhiều nghị lực, Tôi tên bảo năm nay 25 tuổi.. đang bị mất phương hướng trong cuộc sống gần 1 năm trở lại đây
    – 4 năm với 2 bằng trung cấp ( nghĩ tới mà buồn)
    làm rất nhiều việc nhưng rồi tôi quyết định nghĩ, công việc cuối cùng mà tôi làm là nhan viên bán hàng ở FPTshop., sau khi nghĩ việc tôi lại đi xin việc rất nhiều nhưng vẫn không được nhận…
    – số tiền để dành ít ỏi, bị người thân mượn rồi lựa mất…
    – ngoại hình không tốt lắm .. nên cứ tạch việc mãi.
    – tôi chọn nghề nghiệp, tôi giỏi và tôi yêu cái nghề đó, nhưng ngoại hình của tôi khiến tôi không tiếp cận được công việc đó. Tôi buồn tôi chán đời, với lại tôi không có ai để thổ lộ nổi buồn đó. Ba , mẹ tôi là những người rât khô khan, họ không hiểu gì và cũng ko tư vấn cho tôi được gì, ngoài những câu nói cộc lốc,
    người ta nói ngôi nhà là nơi mà chúng ta dừng chan khi cảm thấy mệt mỏi, nhưng còn hoàn cảnh của tôi thì ngược lai. Ngôi nhà mà tôi sống tôi lại căm ghét nó vô cùng.
    tâm tragn6 tôi bay giờ rất không ổn định, tôi sợ mình sẽ kết thúc cuộc sống của mình. Tôi phải làm gì đây.???? xin tác giả hãy cho tôi 1 câu trả lời ………

    có lẽ câu trả lời ở đây, tôi sẽ không nhận được… vì thế nếu được hãy cho tôi lời khuyên vào FB của tôi.. xin cám ơn
    https://www.facebook.com/bao.beobot

    • Dear em;
      Bằng giờ này năm 25 tuổi anh cũng chẳng là gì cả. Có bằng thứ nhất một trường dân lập, đang hì hục học bằng thứ hai buổi tối với chỉ một mục đích duy nhất đó là để khi đi xin việc không phải trưng cái bằng dân lập ra.
      Ngẫm lại logic thì hồi đó phải cảm thấy bế tắc lắm nhưng không hiểu sao hồi đó không nghĩ xa xôi lắm, cứ làm hết sức việc tới tay mình, khi thấy năng lực lâu lâu không tiến bộ thì tìm cách gì đó để cho tiến bộ. Mọi thứ cứ tự nhiên tới mà không hề có sự chuẩn bị hay cố gắng tìm tòi gì. Cũng có thể đó là may mắn hay là mình đã chuẩn bị tốt để những may mắn tới.
      25 tuổi còn quá trẻ, cố lên em.
      V.D

  90. Bài anh viết sâu sắc quá. Em thực sự chân thành cảm ơn anh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết đến như thế. E chúc anh sức khỏe và ngày càng có nhiều bài viết hay nữa ạ. ^^

  91. Chào anh,em cảm thấy buồn khi xem số lượt truy cập block của anh,một block rất rất giá trị,có thể nói thật sự là vô giá,ấy mà lại ít người biết đến.chia sẻ vs anh một chút.qua trình độ của anh,em biết chắc anh thừa nhìn nhận đc bản chất phi giáo dục của nền giáo duc ta hiện nay.em chia sẻ điều này bởi em rất muốn thay đổi nó,nhưng một mình em thì ko thể đc.em đag rất cần sự giúp đỡ nếu như anh muốn.em nói sơ lược qua cái phi GD của ta hiện nay.có 3 cái cấu thành nên giáo duc đó là:đối tượng(hs,sv),kiến thức va giáo viên.hiện trạng: đối tượng bị kiến thức đè chết,giáo viên bị thừa chức năng,có như ko.não đối tượng ko đc kích hoạt dẫn đến bị trơ và chết,thường thì sử dụng bằng thói quen phản xa.em rất muốn anh có một lời bình và tư vấn giúp em về chiến lược hành động.cảm ơn anh.

    • Dear bạn;
      Bao giờ mình làm bộ trưởng giáo dục hoặc làm một chức vụ nào đó trong nhà nước có liên quan thì mình mới nghĩ nghiêm túc tới chuyện đó. Quan điểm của mình là mỗi người làm tốt trách nhiệm của mình thì cuộc sống sẽ tốt lên. Nếu chỉ nhăm nhăm tìm cái sai của người khac mà bỏ qua cái sai của mình thì sẽ luôn cảm thấy thất vọng, mệt mỏi và cuối cùng là thiệt vào thân.
      Tương tự, nếu bạn thấy mình không thể làm gì thì quên nó đi, tập trung vào cái mình có thể làm được. Vẫn là con đường đó, cái xe đó nhưng rõ ràng là vẫn có những người thành công mà.
      Thanks.

      • Rất cảm ơn anh.vậy anh có thể trình bày một cách rõ ràng về quy trình tư duy mà anh vừa tư vấn cho em chứ ạ.bởi em rất muốn biết tại sao của tại sao mà những người uyên bác như anh lại ra được quyết định để đóng góp ý kiến của người khác như vậy.chứ ko he đơn giản như vậy đc.

        • Chào em;

          Nếu câu hỏi của em giới hạn trong phạm vi của câu trả lời của anh ở ý trên thì anh trả lời thế này:

          Đó là quan điểm sống thôi. Mỗi người có những quan điểm khác nhau dẫn tới cách họ nhìn nhận sự vật, hiện tượng khác nhau và từ đó cho ra những quyết định khác nhau.

          Không có quan điểm sai hay đúng chỉ là phù hợp hay không phù hợp với hoàn cảnh. Ở hoàn cảnh của em có thể việc quan tâm đó là cần thiết vì vậy em quan tâm và thấy nó quan trọng. Ở hoàn cảnh của anh thì anh chỉ quan tâm tới một ít vì con anh vẫn đi học trong hệ thống này nhưng anh quan tâm theo hướng khác.

          Cốt lõi ở đây không phải là quy trình tư duy mà là việc em xây dựng cho mình một bộ các giá trị cốt lõi, các nguyên tắc phù hợp mà em sẽ tuân thủ; giống như hiến pháp vậy.

          thanks.

  92. Chào bạn.
    Mình cũng là người rất chịu khó trong việc nhìn nhận cuộc sống, lối tư duy của mình tuy không phải là thông minh nhưng nhìn chung cũng có chiều sâu và rất thoáng. Mình có những lối suy nghĩ cũng tương đối giống như những lời khuyên của bạn đã đưa ra ở bài ở bài viết trên và cũng hay dành những lời khuyên đó cho những người xung quanh. Ngoài ra, mặc dù đủ khả năng mua một chiếc điện thoại thông minh, nhưng hiện tại mình vẫn dùng một chiếc điện thoại trắng đen để dành nhiều thời gian hơn trong việc nhìn nhận cuộc sống, cũng như mong muốn cho mọi người thấy rằng chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào chiếc điện thoại để dần trở nên vô cảm. Kể ra không phải để chứng tỏ về lối suy nghĩ của mình, mà để xin bạn một lời khuyên chân thành, vì không phải lúc nào ta cũng sáng suốt trong mọi việc. Tuy có lối suy nghĩ tích cực nhưng bên trong mình vẫn còn một tư tưởng ” Nếu không phấn đấu bằng thực lực thì sẽ dùng thủ đoạn”. Vì vậy trong kỳ thi vừa rồi, kỳ thi mà quyết định sự nghiệp của mình sẽ đi đâu về đâu, thì mình đã gian lận trong thi cử, cuối cùng đã bị phát hiện. Một cảm giác u tối, một tinh thần ủ dột cứ bao trùm, mình cảm thấy rất mệt mỏi vì hành động dại dột mình đã gây ra. Mệt mỏi ở đây không phải cho bản thân mà vì hậu quả của mình đã ảnh hưởng rất nhiều đến gia đình, đến người con gái mình yêu nhất. Họ là những người mà mình còn quý trọng hơn cả bản thân,vì vậy việc mang đến cho họ sự phiền muộn là điều hiện tại mình không thể chịu đựng nỗi. Không biết bạn đã từng trải qua cảm giác này, rất mong sự góp ý chân thành, và cũng cảm ơn bạn đã chịu đọc những lời bày tỏ vụng về này. Chào thân ái

    • Dear em;

      cảm ơn vì tâm sự của em. Anh nghĩ rằng trong mỗi con người chúng ta đều tồn tại hai mặt tốt và xấu, tích cực và tiêu cực, tự tin và tự ti,…..Nếu một mặt nào đó luôn thường trực mà không đòi hỏi cố gắng thì người đó được đánh giá theo mặt đó. Ví dụ một người thường trực suy nghĩ tích cực thì được gọi là người có suy nghĩ tích cực (hoặc tư duy tích cực).

      Người tư duy tích cực không phải là không bao giờ có suy nghĩ tiêu cực mà vì suy nghĩ tích cực thường trực nơi họ mà không đòi hỏi phải có sự cố gắng nào. Nếu như ta cố gắng để suy nghĩ tích cực, cố gắng để tự tin,… thì đó là dấu hiệu rằng chúng ta đang thường trực ở vế ngược lại. Tất nhiên trong một tình huống cực kỳ nghiêm trọng thì ngày cả người tư duy tích cực nhất cũng phải nỗ lực để có được suy nghĩ tích cực.

      Vì vậy nếu trong em tồn tại những tranh đấu giữa hai mặt thì phải xem mặt nào là thường trực để nhìn nhận mình như người có xu hướng cho mặt đó. Con người ta phân biệt nhau chính là ở khả năng chế ngự này. Khi em có một suy nghĩ xấu, em phải chế ngự được nó. Không phải chống lại bằng cách coi nó không tồn tại mà thừa nhận rằng có nó sau đó chống lại.

      Chiếc điện thoại cũng có thể coi là một ví dụ cho chuyện thừa nhận hay không thừa nhận. Có điện thoại thông minh nhưng biết dùng nó cho những việc có ích sẽ giỏi hơn là việc ngăn chặn cái xấu bằng việc không dám dùng nó.

      Nếu không chống lại được và mắc sai lầm như em đang gặp phải thì không được đánh đồng với nó. Em coi đó như là một lần vế xấu đã thắng vế tốt để tiếp tục hành trình chống lại. Nếu em cho rằng mình không thể kiềm chế được mặt xấu thì em sẽ buông xuôi và không còn ý chí để chống lại nữa.

      Thanks.

  93. Chào bạn.
    Bản thân mình cũng là người rất chịu khó nhìn nhận lại cuộc sống, lối tư duy của mình tuy không phải là thông minh nhưng cũng có chiều sâu. Mình cũng có những lối suy nghĩ đúng giống như những lời khuyên của bạn đã đưa ra và cũng hay dành những lời khuyên đó cho nhiều người khác. Tuy đủ khả năng mua một chiếc điện thoại hiện đại, nhưng đến giờ mình vẫn dùng một chiếc điện thoại trắng đen để dành nhiều thời gian hơn trong cách nhìn nhận cuộc sống và cho mọi người thấy rằng chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào chiếc điện thoại. Kể ra nhiều không phải để chứng tỏ cho bạn thấy lối suy nghĩ của mình, mà chỉ để xin bạn một lời khuyên. Tuy cách nhìn nhận cuộc sống của mình cũng tương đối, nhưng mình lại có một lối tư duy rằng ” nếu không phấn đấu được bằng thực lực thì sẽ bằng thủ đoạn” vì vậy trong kì thi vừa rồi, kì thi mà quyết định sự nghiệp của mình sẽ đi đâu về đâu thì mình đã có sự gian lận trong thi cử. Kết quả là mình đã bị phát hiện và mọi nổ lực của mình trong 3 năm qua đã trở thành con số 0. Hiện tại mình rất mệt mỏi vì hành động dại dột của mình. Mệt ở đây vì sự việc vừa rồi đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến gia đình mình, đến một người con gái rất quan trọng. Họ là những người mà mình còn quý trọng hơn cả bản thân. Việc mình thất bại thì sẽ tiếp tục cố gắng, nhưng vì đã mang đến những phiền muộn cho người thân chính là điều khiến mình khổng thể chịu đựng nỗi. Không biết bạn đã từng trải qua, rất mong một sự góp ý chân thành từ bạn. Cảm ơn bạn vì đã đọc những sự bầy tỏ vụng về của mình, chào thân ái.

  94. sau khi đọc song ,cái đầu tiên mình nghĩ đến là người viết ra bài viết này ,,
    rất cảm ơn bạn ,bạn là người có năng lực đó ,củng am hiểu 1 phần nào về cái xã hội và những con người lúc cong lúc thăng này ,,,,
    Chúc bạn thành công trên con đường bạn đang đi nhé

  95. Mình thật sự là đang bối rối kinh khủng cho cuộc sống của mình, không biết phải làm gì, cũng không biết nên xin việc gì? Việc yêu thích thì không đủ khả năng, kinh nghiệm. Việc không yêu thích mà có chút kinh nghiệm đi xin cũng không được. Ra trường mấy năm, đi làm 2 công ty, cả 2 đề không thể nào phát triển được, giờ thì kinh nghiệm cũng chẳng nhiều, đam mê thì không có. Phải nói là vừa thất nghiệp vừa mất phương hướng là khoảng thời gian kinh khủng nhất đời mình. Không có lấy nghề nghiệp trong tay, đâm ra hoảng. Tìm việc mà thấy việc gì cũng không thấy ổn. Khổ quá

    • Em có thể tham khảo bài https://chienluocsong.com/7-nguyen-nhan-dan-toi-nghi-viec/ , là bài anh viết riêng cho chủ đề nghề nghiệp.

      Trường hợp của em cũng là trình trạng chung của sinh viên mới ra trường. 2 năm chưa làm gì, có người mất cả 10 năm rồi mới tạm gọi là ổn định ở một nghề nào đó.

      Những cái mình thích và mình không thích chỉ là tương đối. Cần là cần tìm cái mình làm giỏi và có thể mang lại giá trị nhiều để đầu tư vào đó khiến ngày càng giỏi hơn; kể cả có làm không công thì cũng làm. Mấy năm mới ra trường là để tích lũy năng lực, không phải là để kiếm tiền.

      Rồi em sẽ vượt qua thôi.

      Thanks.

  96. Cảm ơn anh rất nhiều vì bài viết, có cảm giác giống như em vớ được phao khi đang chới với giữa dòng vậy ^^

  97. Anh ơi, blog của anh hay quá, em đọc từng entry một một cách rất say mê,

    Anh ơi, anh in sách đi anh, tất cả các bài viết của anh, in ra sẽ rất có giá trị cho thế hệ trẻ.

    Chắc chắn em sẽ là một trong những người đặt hàng đầu tiên nếu anh in sách ạ

    Em cảm ơn anh nhiều ạ

  98. Tình cờ đọc được bài viết của anh trong trạng thái mất phương hướng thật sự. Em cũng đang làm nhà nước và chịu quá nhiều bức bối, mệt mỏi vì môi trường làm việc. Lúc nào cũng có ý định nhày việc nhưng e lại không biết nên làm gì. Em có nhiều dự định nhưng cũng không ít phân vân, lo lắng. Anh có thể tư vấn cho em được không. Em cảm ơn anh nhiều.

    • Dear em;
      Anh cũng làm nhà nước vài năm và nhẩy ra ngòai chỉ vì lý do duy nhất, thu nhập. Ở nhà nước hay ở ngoài đều có cái hay cái dở, bản thân ở nhà nước cũng có chỗ hay chỗ dở. Ở ngoài cũng thế thôi, cũng có chỗ hay chỗ dở. Rất khó có thể nói là em nên ở lại hay em nên ra ngoài. Nếu em đang bế tắc bởi công việc hiện tại chứng tỏ vị trí em đang làm không ổn lắm, nên thử cân nhắc ra ngoài nhưng phải có tính toán một chút về lộ trình. Em tham khảo bài này xem thế nào https://chienluocsong.com/7-nguyen-nhan-dan-toi-nghi-viec/

      anh V.D

      • Hi anh
        Biết anh từ rất lâu nhưng hôm nay mới đọc bài này. Quả thât, sự thành công của anh được tạo dựng rất cơ bản.
        Hiện nay, em cũng đang mất phương hướng. Sự lựa chọn giữa ở lại làm tiếp một công việc ổn định với mức lương không như mong muốn hay là đến với 1 lời mời có mức thu nhập cao hơn, áp lực hơn, vị trí cao hơn, môi trường mới, mặt hàng kinh doanh mới.
        Sự nặng nề, và sức ì đã xảy ra sau thời gian làm việc tại cty này. Hiện tại, cũng muốn thay đổi để cuộc sống thay đổi, áp lực hơn thì có thể sẽ rũ bỏ được sức ì.
        Tạm viết đến đây, vì viết ko phải sở trường của em.
        Hẹn anh cafe vào dịp nào đó.
        Thân ái>
        Cường.

        • Em có thể đọc bài viết chuyên về chủ đề đi hay ở này, sẽ có câu trả lời cho riêng mình: https://chienluocsong.com/7-nguyen-nhan-dan-toi-nghi-viec/
          Sức lao động là một hàng hóa có quan hệ cung cầu tương tự như cái tivi, xe máy. Người chủ lao động mua sức lao động và trả lương tùy thuộc vào giá trị tạo ra từ sức lao động. Em bán cái tivi ở Hà Nội hay ở Hải phòng thì giá nó cũng chỉ chênh một ít vì khác địa lý, cốt lõi vẫn là khả năng tạo ra giá trị. Nhận thức được mình cần tác động vào điểm nào sẽ giúp em không bị chạy quẩn.
          Thanks.

  99. Bài viết quá hay và đầy đủ, chân thành cám ơn tác giả rất nhiều. Chỉ không biết là anh có thể phác thảo biểu đồ cuộc đời, từ lúc 21-22 tuổi tốt nghiệp thì người ta cần đi qua những mốc nào (công việc, gia đình, tri thức, …) và khoảng thời gian hợp lý/ không hợp lý là bao nhiêu năm để mỗi người xét lại bản thân được không ạ ?

    • Dear em;
      ý tưởng của em rất hay; anh sẽ nghĩ về điều này mặc dù rằng đường đi của mỗi người là kết hợp của rất nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan, sẽ khó mà có một cái gì đó thích hợp cho tất cả.
      thanks.

  100. Chào anh ạ, em lang thang trên mạng tìm kiếm các bài viết về tình trạng của mình rồi vào blog của anh. Em thật sự thấy nó giúp ích cho mình. Nhưng với tình trạng của mình hiện giờ e rất bối rối, mong anh cho em lời khuyên ah.
    Thực sự bây giờ em đang rất hoang mang không biết mình nên làm gì, em vừa ra trường anh ah. Em học một đại học hạng xoàng, ra trường với tấm bằng khá. Nhưng là sau 4 năm đại học e thấy e chưa có được nhiều thứ giúp ích e trong xh bây giờ. vì không có áp lực kinh tế nên e ko đi làm thêm khi còn đang học đh . Vì vậy bây giờ ra trường rồi e rất bỡ ngỡ. Em không biết bắt đầu như thế nào. Tính tình e lại nội hướng, khả năng giao tiếp kém. Từ nhỏ đến lớn em luôn nghe lời bố mẹ, chú bác. thành ra khi trưởng thành e ko tự quyết định được cho mình cái gì, e luôn lo sợ bố mẹ ko hài lòng, bố mẹ bảo gì thì e nghe nấy, ít khi phẩn bác.
    bố mẹ e xin cho e vào làm cty của họ hàng, công ty đấy rất nhỏ, vừa mới mở.e vào làm kế toán, nhưng tại chưa có gì làm nên e xuống làm công nhân, e làm ở đấy đc hơn 1 tháng rồi. nói thật là e ko thích làm ở đấy 1 tẹo nào. Mỗi ngày đi làm là e lại lo lắng bất an, công việc ko có gì nhưng em lại thấy áp lực kinh khủng, mong đến giò để về. mà lương thì rất thấp ko đủ tiền ăn ah.e từ nhỏ đã yếu nên không làm đc việc nặng, vì thế đi làm hơn 1 tháng thôi e thấy kiệt sức. e chỉ giám nghĩ trong đầu ko giám bảo bố mẹ nghỉ làm. (tại là chỗ họ hàng nên ngại lắm, lại sợ bố mẹ bảo e lười nhác ).
    em cảm thấy mình ko có tí kinh nghiệm xh nào cả, bạn thân vs chị họ e đều khuyên nên nghỉ rồi kiếm việc làm tạm thời như bán hàng, thu ngân… kể kiếm kinh nghiệm , rồi sau tìm việc dần dần mà e cứ phân vân. nếu làm ở đấy sau này có lẽ đc làm kế toán, cty của họ hàng nên ko sợ bị chèn ép, lừa đảo. nhưng là nếu cứ thế e cảm thấy rất khó chịu, muốn trốn đi đâu đó, nếu sau này ko làm đó nữa e cũng ko biết làm gì cả.
    bố e thấy bạn bè e nhiều ng tìm đc việc rồi mà e thế này nên rất sốt ruột, cứ thúc giục, e ko giám bảo nghỉ làm, mà e cũng ko biết mình nghỉ làm ở đấy có đúng hay ko. bây giờ sv mới ra trường tìm đc việc khó lắm ah.
    nếu tìm việc mới e lại ko biết mình nên làm gì, e thấy e ko có sở thích gì ngoài đọc sách, ko có khả năng gì, lại ko biết cái gì hợp với mình. e rất hoang mang.
    gia đình e ko giàu có hay nhiều mối quan hệ, sau này phải dựa vào bản thân. nghĩ tương lai e lại thấy mờ mịt, sợ hãi. Mong anh cho e lời khuyên ạ. Em cảm ơn anh nhiều lắm.

    • Dear em;

      Trường hợp ra trường không có gì trong tay là phổ biến nhưng vẫn có người sau vài năm thì bứt lên cũng có những người cứ nhàng nhàng như thế mãi.

      Phân biệt giữa hai nhóm người này chủ yếu ở khả năng vượt khó. Vì ra trường ở xuất phát điểm kinh nghiệm con số không nên hầu hết sẽ phải chấp nhận làm những công việc trái hẳn với mong muốn của bản thân.

      Mong muốn được làm đúng ngành nghề đã đào tạo, được làm việc mà mình thích, được thu nhập cao để báo hiếu bố mẹ, được khẳng định bản thân trước những đứa bạn khác…Nhưng thực tế thì khác:

      Ví dụ như học ngân hàng nhưng ra làm bán hàng, học quản trị kinh doanh ra làm công nhân, học luật ra làm kế toán,….Lương mới ra trường cũng rất thấp, bị sếp mắng, bị đồng nghiệp hắt hủi,….

      Giữa hoài bão tuổi trẻ và thực tế diễn ra trái ngược hẳn nhau nên khiến cho người ta nản. Muốn đi nhanh mà không đi nhanh được, muốn đi lên mà không leo được…cảm giác như đang đứng trong đầm lầy. Rồi thì những khóa học làm giàu nhanh càng đẩy ham muốn đi xa hơn, kết cục là sau vài năm cao không tới, thấp không thông.

      Một người có khả năng vượt khó biết chấp nhận khó khăn và lặng lẽ từng bước vượt qua, dẹp bỏ ham muốn trước đó. Bất cứ công việc nào cũng có thể học hỏi được những kỹ năng cần thiết và công việc nào cũng cần một nhóm kỹ năng giống nhau. Ví dụ như em làm nhân viên bán hàng thì có thể học được kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, hạch toán, quản lý cửa hàng, kế toán, xuất nhập khẩu….Một người bán hàng chịu khó quan sát chỉ trong 1 năm có thể tự mở một cửa hàng cho riêng mình. Một người phục vụ ở quán phở cũng có thể tự mở quản phở của riêng mình chỉ sau 1 năm,…

      Ngược lại, một người chỉ chăm chăm vào công việc mình đang làm mà không quan tâm tới các vị trí công việc có tương tác với mình thì mãi mãi chỉ làm công việc đó thôi. Thậm chí có những công việc rất phù hợp với mình nhưng mình bỏ qua chỉ vì không chịu khó quan sát học hỏi.

      Hiện em đang làm công việc phải dùng sức trong khi em lại không có sức khỏe nên nếu như công ty đó không có một tầm nhìn rõ ràng trong năm tới để em có thể chuyển sang công việc khác thì em nên nghỉ và tìm một công việc khác.

      Lựa chọn công việc gì phụ thuộc vào việc em có thể được nhận vào công việc đó hay không và phụ thuộc vào đặc thù cá nhân em. Nhưng vì em đang có quá ít kinh nghiệm vì vậy nên ưu tiên các công việc mà người ta có thể nhận mình và nắm nguyên tắc là công việc nào cũng có thể làm đòn bẩy để mình vươn lên. Chậm chắc còn hơn nhanh ẩu em ạ, đừng sốt ruột, đời còn dài.

      chúc em thành công;
      thanks.

  101. 1. xin chân thành cảm ơn anh. hihi
    2. em hỏi thế này ko biết có phải không, thôi cứ hỏi: a có thể bật mí cái ” hướng tới một nghề cụ thể để có sự trau dồi kiến thức có định hướng,” cụ thể hơn một chút được không??
    3.””:D
    4. em vẫn quyết định đi học ngoại ngữ ở trung tâm a ạ,! không nên ở nhà mãi < rồi lười dần" a nhỉ !hãy khuyên em nên học trung tâm nào vừa chất,giá cả từ 10-15tr là ok!
    5. chúc a vui vẻ 1!2

    • Dear em;
      Muốn biết nghề nghiệp gì phù hợp với mình em cứ lên mấy trang tuyển dụng như vietnamwork, họ phân rõ thành các nghề nghiệp vị trí khác nhau. Em chọn cái em thấy thích và nó có liên quan tới ngành học của em sau đó xem người ta yêu cầu kiến thức, kỹ năng gì. Dựa vào kiến thức kỹ năng đó thì chọn sách đọc, chọn khóa học cho tương ứng. 🙂

      Về học trung tâm thì anh không có nhiều kinh nghiệm. Chủ yếu em nên tập trung vào giao tiếp vì các vấn đề khác đều có thể tự học được. Là sinh viên thì nên tham gia vào các câu lạc bộ tiếng anh, vừa có môi trường giao tiếp vừa trao đổi được kinh nghiệm học với người khác.
      thanks.

  102. 1. rất cảm ơn anh về bài viết, chúc mừng năm mới , chúc anh gặt hái nhiều thành công trong cs
    2. cũng như mọi người , em đang gặp rắc rối, trong vấn dề định hướng tương lai:
    + em 21 tuoi, học năm thứ 3 tại KHOA HỌC XÃ HỘI NHÂN VĂN: khoa thông tin- thư viện , chuyên ngành QUẢN TRỊ THÔNG TIN =>ddang trau doi thêm kiến thức
    + thuộc loại chả biết tại sao lại vô được ĐH, ?
    + hết ảo tưởng với cuộc sống …

    3. anh thấy mấy ngành du lịch như thế nào,em thích mấy cái đó, nhưng mà sau 5 ,10 năm,mấy ngành đó có khả năng cao ko anh, tại em thích đi phiêu du,học hoài ko giỏi, nhưng mà kiên trì và rất chịu khó,ko giận ai bao giờ,… nhiều đức tính khác

    4. em dự định năm tới sẽ đi học thêm ngoại ngữ, hi ,em hi vọng việc học thêm ngoại ngữ là bước tiến quan trong trên con đương làm hướng dẫn viên?/
    5. mong nhận được hồi âm sớm của anh?
    6. một lần nữ chúc anh hạnh phúc và vui vẻ :D!!
    7. ———–bichngoc——–

    • Dear em;
      1. Cảm ơn em vì đã quan tâm tới blog. Chúc em năm mới nhiều niềm vui mới
      2. Chuyên ngành quản trị thông tin em đang học cũng là ngành thời thượng. Thế giới ngày nay là thế giới của thông tin mà. Vấn đề chỉ là em phải định hướng tới một nghề cụ thể để có sự trau dồi kiến thức có định hướng, học trong trường chung chung lắm.
      3. Du lịch là một ngành không bao giờ chết. Kinh tế đi lên người ta có tiền nên đi nhiều. Kinh tế đi xuống thì người ta thừa thời gian nên cũng đi nhiều. Nếu em học ngành này thì cũng phải rõ ràng vài điều:
      – Cho dù đó là sở thích của em thì nó sẽ nhanh chóng không còn là sở thích nữa khi lịch đi tour của em dầy đặc. Đi vì công việc khác với đi chơi nhiều lắm em.
      – Nghề hướng dẫn chỉ thích hợp khi còn trẻ, chưa có gia đình. Sau đó phải chuyển ngay lên làm quản lý tour, chỉ ở nhà mà điều phối tour.
      4. Ngoại ngữ là lựa chọn của tất cả mọi người vì nó cũng giống như sử dụng máy tính, không dùng được việc này thì dùng việc khác. Đặc trưng của học ngoạ ngữ là phải có môi trường để sử dụng thì mới nhanh tiến bộ được.
      5. Em thấy cần chi tiết điểm nào sẽ trao đổi thêm.
      6. Cảm ơn em.
      7. V.D

  103. Chào anh! thực sự bài viết của anh rất bổ ích! Em cảm ơn anh nhiều lắm! Em cũng muốn chia sẻ những trăn trở của em!
    Em hiện nay đã 27t, đang sống ở DN. Lúc trước thi đại học thì em cũng băng khoăng dữ lắm, không biết mình nên thi ngành gì? mình thật sự muốn gì? điểm mạnh của mình là gì? nên em theo su hướng đám đông chọn xây dựng( lúc đó xây dựng và ngân hàng là hai lĩnh vực hot). Sau đó thì em lao đầu vào học như điên và cuối cùng em cũng đậu với sơ điểm khá cao ( em tự hào lắm lắm). Nhưng đời không như mơ anh ơi. Vô học rồi em thấy mình chả thích ngành đó tẹo nào, nhưng lỡ ném lao thì phải theo lao thôi! Thế là em cố gắng lắm cũng đc ra trường với một mớ kiến thức hỗn độn( vì em học kiểu đối phó, chơi suốt gần thi mới học cắm cổ). Sau đó em cũng đi làm cho công ty ông anh ở xóm đươc hơn 1 năm mà xa nhà quá nên em quyết định nghỉ, may mắn em về quê thì cũng xin được công ty khá lớn. Nhưng sao mà em chán ghét công việc của em quá anh ơi! Mỗi sáng nghĩ tới việc ra công trường là em nhát kinh khủng.Hiện do tình hình sức khỏe nên em đã nghỉ việc cũng được 8 tháng rồi anh ạ! Em cũng phân vân không biết mình thật sự muốn gì? Điểm mạnh của mình là gì? Mình phù hợp với công việc gì! Em đang chán nản vô cùng cực!
    Rất mong nhận được lời khuyên từ anh!

    • Dear em;
      Thực sự thông cảm với những vấn đề của em. Rất hiếm người cảm thấy hài lòng với sự lựa chọn của mình về việc chọn ngành học lắm. Cũng ít người ra trường làm đúng cái mình học.
      Môi trường đại học bản chất đang chỉ là tạo nền tảng kiến thức, kỹ năng. Người học ra trường tùy thuộc vào hoàn cảnh xô đẩy và đặc điểm cá nhân mà lựa chọn 1 công việc nào đó. Rồi sau đó thì cũng hiếm người làm 1 công việc đó cả đời, thường sẽ nhẩy việc qua lại một vài vị trí cho tới khi ổn định ở một nghề nghiệp nào đó.

      Cho tới 40 tuổi vẫn còn nhẩy việc là bình thường vì thời nay là thời đại của tri thức chứ không phải là thời đại của cơ bắp. Cơ bắp có thể yếu đi theo thời gian nhưng tri thức thì được tích lũy theo thời gian.

      Muốn biết mình thực sự phù hợp với cái gì thì cứ chọn bừa một việc gì đó. Việc gì đó phải nằm trong một công ty có bộ máy đàng hoàng (không phải dạng công ty gia đình). Trong công ty đó sẽ có nhiều vị trí khác nhau, em có thể quan sát và xem mình phù hợp với vị trí nào.

      Tuy nhiên em có thể trả lời câu hỏi tại sao em lại ghét ra công trường để có một hình dung về những thứ phù hợp với mình từ đó có định hướng một chút nghề sẽ chọn.

      Lời khuyên nói chung là đừng dại ở nhà quá lâu. Thời gian sẽ giết chết mọi ý chí phấn đấu, mọi sự tự tin; càng ngày sẽ càng bế tắc. Chọn đại một công việc nào đó thì ít nhất nó cũng giúp nuôi dưỡng sự tự tin và có cơ hội đón nhận cơ hội. Em nên bắt đầu công việc nào đó có liên quan tới kinh nghiệm trong quá khứ, bản thân lĩnh vực xây dựng cũng có công việc ngoại thực địa và trong văn phòng mà.

      5 năm nữa nhìn lại em sẽ thấy hồi đó mình thật là dại khờ với điều kiện là em phải hành động càng sớm càng tốt.
      thanks.

  104. Vâng anh! thẳng thắn vs lòng mình mà nói trong snghi của e có 2 luồng tư tưởng hành động chọn điều mình muốn và một suy nghĩ ngược lại là e sợ. e sợ mình không thành công, sợ mất tgian,sợ mất tuổi trẻ. anh ơi, a nám nay 36t, tuổi 28 của a, a đã thành công chưa? a ở mức như thế nào trên con đường của anh?
    e nghĩ như thế này anh VD. trong quá trình 3-4 năm học e sẽ làm 1 cv kinh doanh nhỏ nào đó để tự lập, cv qtrong nhất vẫn là học để phục vụ cho đam mê.
    cảm ơn a nhiều lắm, a đang giúp thế hệ những bạn 9x bọn e rất nhiều trong cách nghĩ.
    e cũng ko biết hỏi anh điều gì nữa!e nghĩ là cứ dám làm đi thất bại còn hơn già rồi lại tiếc anh nhỉ 🙂

  105. anh ơi, anh tuyệt vời lắm. thay mặt Đảng, chính phủ, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng em xin cảm ơn anh VD rất nhiều. đọc bài viết của anh em ngộ ra rất nhiều giá trị!
    e có chút tâm sự mong anh VD lắng nghe và tư vấn giúp cho e ạ. e tự nhận mình là người có tham vọng, nhiều khi như người trên trời vậy. e học đại học tới năm 3 thì e tạm nghỉ ( bây giờ là nghỉ hẳn, phần lớn e biết ngành của e ko hợp với mình, ngành Trắc Địa – Tài Nguyên Môi Trường HN) và làm kinh doanh, e rất máu làm giàu, e nhận thức đc tầm quan trọng của tấm bằng đh, tới nay e làm bên lĩnh vực bán hàng được 3 năm, cv thu nhập khá, tức là so với tuổi e cũng mới ra trường được hơn 1 năm. có khoảng tgian 2-3 năm e đau đáu 1 điều để đi tìm câu trả lời cho mấy câu hỏi như: mục đích cuộc đời là gì? rồi sinh ra phải làm sao?, chọn cv gì, lĩnh vực gì….bla bla… tới bây giờ thì e cũng ở mặt đất và tìm thấy được câu trả lời rồi ạ. nhưng khoảng tgian 3 năm đi làm va chạm, đi lại khá nhiều và cũng tích lũy được chút vốn, điều đặc biệt e chiêm nghiệm lại bản thân e thấy nhu cầu của bản thân ko dừng lại ở đó, e rất muốn, rất rất muốn được theo đuổi đam mê của mình, e cũng tìm được niềm đam mê của bản thân đó là lĩnh vực Sân Khấu – Điện Ảnh, có những khi e phi xe cả trăm cây số để đến rạp coi phim, hay đang trong guồng công việc e cũng sẵn sàng bỏ ra 1 tuần để đặt vé bay từ HN vào SG để coi kịch hay xem mấy show có những con người nghệ sỹ mình yêu mên. e thấy khi coi phim ở rạp, hay xem trực tiếp e được thoải mái thực sự, cảm giác hân hoan, phấn khởi, kể cả ra khỏi cổng sau khi coi xong e thấy có thêm cảm hứng lắm, em say mê với những câu chuyện trong phim, e thích sự khiếu diễn của các nhân vật trên sân khấu, thích khóc, cười, giận dữ, đau khổ, giác ngộ….vv. e biết ngoài đam mê bản thân có thì còn cần thêm khả năng của bản thân anh VD ạ, hồi đi học c2,c3 e hay tham gia các hoạt động văn nghệ, đc nhiều bạn bè, ng xung quanh khen có “duyên”, “khiếu”… hì. thực sự cv bán hàng cũng giúp e có sự tự tin rất nhiều trước chốn đông người, mà tính e vốn thích chốn náo nhiệt, mang niềm vui tới cho ng khác. tháng 7,2015 vừa rồi e có vô SG thi trường Sân Khấu khoa diễn viên nhưng chưa có duyên qua vòng loại, trường có gần 1000 thí sinh mà chọn có 40 ng, năm nay e 23t hết tuổi thi ngành diễn viên vào 1 trong 2 trường Sân Khấu HN và Tp.hcm. e quyết định thi khoa Đạo diễn. e kể hơi dài dòng ạ.
    Chốt lại. điều e rất muốn nghe lời chia sẻ, lời khuyên của anh. e muốn làm giàu, e muốn sống với đam mê, gia đình e thì bố mẹ lại luôn khuyên lấy vợ sớm cho ổn định, đừng có lông bông, trong mắt bố mẹ thì e khá có uy tín của bố mẹ, khá thôi chứ e cũng quậy lắm, đôi khi bố mẹ vẫn rất lo, vì cái vụ e bỏ học giữa chừng là vụ đấy bố mẹ e sock rồi. còn lại ok vs bố mẹ. đây là điều e đau đáu lắm anh VD. e nên nghĩ như thế nào và hành động sao anh VD? cảm ơn anh!

    • Dear em;

      Anh thấy em có một số điểm mạnh biết rõ mục tiêu, biết rõ thế mạnh của mình và cũng rất quyết đoán. Tuy nhiên, giữa những cái em có và những cái em đang làm cũng như dự định thì có vẻ không khớp nhau lắm.

      Em thử tính xem là giả sử em thi đỗ, giả sử em học xong thì em sẽ làm gì tiếp theo? Nếu như em không chắc là sẽ làm gì tiêp theo và không chắc sẽ đạt mục tiêu làm giàu thì cần xem lại con đường mình chọn. Còn nếu em chắc chắn thì cứ làm tới thôi.

      Nói chung anh không am hiểu lắm lĩnh vực em đang chọn mà cũng không hiểu em nên không biết đóng góp kiểu gì cho chất lượng; chỉ là trên cơ sở logic thôi. Tuổi này là phải suy nghĩ chín chắn trước khi hành động rồi.

      thanks.

  106. Hiện tại em rất là hoang mang.em không biết là bản thân em muốn gì ,em thích gì hay em sẽ làm gì nữa.em cảm thấy mọi thứ nó xảy ra một cách bất ngờ,em cũng không thể nào giải thích được,khi mà em không còn thích học nữa em chỉ muốn về quê ,nhưng về quê em cũng chẳng nghĩ ra là mình sẽ làm gì.em chỉ thấy cảm giác mình đang bị lạc lõng ,mất đi phương hướng và không biết là tiếp theo nên làm gì.e nghĩ đây là một căn bệnh và em không biết nên làm thế nào để giải quyết .mong anh giúp em tìm ra câu trả lời.em xin cảm ơn

    • híc anh không phải nhà tâm lý nên cũng chẳng biết giúp em kiểu gì chỉ có lời khuyên của một người đi trước thôi.

      Anh có cảm giác là trong 3 năm qua chỉ tập trung vào học nên không để ý gì tới xung quanh. Một ngày xấu trời em ngẩng đầu lên và thấy mọi thứ thay đổi nhiều quá, cảm thấy không hòa nhập được với hiện tại.Hoặc đơn giản là em đang miệt mài học bỗng phải đối mặt với nhiều vấn đề mà trước đây mình chưa từng gặp, không biết giải quyết ra sao.

      Bảo em phải làm gì thì quá là thấy bói sau khi xem bệnh đoán bừa. Lời khuyên chỉ là em hãy bình tĩnh, mọi vấn đề đều có giải pháp. Mà giải pháp cũng phải từng bước, mất nhiều thời gian; không nóng vội được.
      thanks.

  107. Chào anh!hiện tại em là sinh viên năm ba học nghành công nghệ thực phẩm .sau thời gian miệt mài học bỗng em thấy chán nản,cảm thấy chán cuộc sống tấp nập bộn bề ở sài gòn và muốn về nhà nhưng mà về nhà thì em cũng chưa biết là mình sẽ làm gì.hiện tại em không biết là mình thích gì ,mất đi định hướng,mong a tư vấn giúp em .em xin cảm ơn a.

    • Dear em;

      Phải thú thật là thỉnh thoảng anh cũng phải đọc lại chính entry mình viết ra vì tự nhiên cảm thấy hoang mang không biết mình đang đi về đâu, mình cần làm gì mặc dù rằng anh không hề gặp áp lực về mặt tài chính. Điều này để thấy rằng bất cứ ai cho dù có đã thành công tới đâu thì cũng sẽ có lúc rơi vào trạng thái này.

      Con người hơn các loài động vật khác là ở điểm có thể “quan sát” chính mình. Khi ta giận ta ý thức được rất rõ rằng mình đang giận; khi ta cảm thấy hoang mang mất phương hướng ta cũng ý thức rất rõ được trạng thái này. Em hãy tách mình ra khỏi chính mình, trở thành một người bên ngoài và nhìn vào để đánh giá mình một cách khách quan, tự tìm câu trả lời. Em có thể đọc thêm các entry về phật giáo trên blog này.

      Em nên tiếp tục học cho tốt để tốt nghiệp đại học. Ngành của em đang học là ngành cần nhiều nguồn lực chất lượng cao đặc biệt khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào VN theo các hiệp định thương mại đặc biệt là TPP. Nếu em vẫn còn thích ngành này thì em nên đặt ra câu hỏi là Một vị trí quản lý trong ngành này cần phải những yếu tố gì? để từ đó có định hướng học. Cho dù nền kinh tế có thế nào thì người giỏi vẫn cứ thành công.Đầu tư vào tri thức đúng cho mọi tình huống. Khi có mục tiêu em sẽ thấy sống có mục đích hơn và sẽ không còn cảm thấy mất phương hướng nữa.

      Ở giữa SG hay HN em vẫn có thể có những khoảng lặng bình yên miễn là em giải quyết được các vấn đề trong cuộc sống và công việc ổn thỏa.Em đừng tưởng về quê là không có xô bồ, còn nhiều vấn đề hơn.

      Chúc em thành công.
      anh V.D

  108. Em cũng đang chơi vơi, em mong anh cho giúp vài lời khuyên. Em học xong cao đẳng tiếng Anh thì đi dạy tiếng Anh, làm nhân viên văn phòng, sau đó liên thông đại học Ngữ văn Anh. Em đã học xong và đang làm dịch thuật ở công du học khoảng 8 tháng rùi nhưng lương không cao, môi trường cạnh tranh không lành mạnh, chính sách công ty không được tốt nên em băn khoăn muốn nghỉ việc đó anh. Anh cho em hỏi em có nên tiếp tục làm để lấy kinh nghiện hay nên tìm việc khác ạ? Em cũng đang nộp hồ sơ xin việc nhưng chưa được. Em cũng thích làm đồ handmade nên em định kinh doanh mặt hàng handmade, trang sức, lưu niệm, văn phòng phẩm. Em cũng muốn nghỉ việc lắm rồi, nhưng chưa xin được nên em thấy hoang mang, việc kinh doanh em cũng thích nhưng chưa có điều kiện để mở shop được. Em mong anh dành chút thời gian chỉ dẫn giúp em một hướng đi tốt. Tình cờ đọc được bài viết này của anh, em rất vui. Em xin cảm ơn anh nhiều!

    • Dear em;
      Em trả lời 2 câu hỏi dưới và tự tìm cho mình câu trả lời nhé:
      1. Em không thích công việc hiện tại hay là không thích công ty hiện tại? Nếu như một công ty khác có môi trường tốt hơn, chính sách tốt hơn thì em có muốn làm cũng vị trí công việc đó nữa không? Mở rộng ra là em có còn thích các công việc mà có sử dụng tiếng anh là chuyên ngành mà em đã dành khá nhiều thời gian và cũng đã có kinh nghiệm nhất định. Lựa chọn thứ hai của em gần như không có tí liên quan nào tới kinh nghiệm hay những gì đã học.
      2. Em thích kd mặt hàng handmade là vì sở thích, vì em nghĩ sẽ được tự do hơn hay là em cảm thấy mình có thế mạnh gì đặc biệt trong lĩnh vực đó?

      em đọc thêm bài này để tham khảo thêm xem có nên nghỉ việc không nhé https://chienluocsong.com/7-nguyen-nhan-dan-toi-nghi-viec/ để cân nhắc có nên nghỉ việc không nhé.

      Thanks.
      V.D

  109. Cảm ơn a về bài viết hữu ích này nhé. E cũng đang trong giai đoạn mất phương hướng, đọc xong bài viết của a cho e có động lực hơn nhiều. Cảm ơn a!

  110. đang mất phương hướng trầm trọng, đọc xong thấy tuyệt vời quá, giống như có ai giúp mình mở nút thắt vậy đó, cám ơn tác giả đã có tâm trong bài biết này!

  111. Cảm ơn anh về bài viết tâm huyết!

    Em cũng đang rất hoang mang và mất phương hướng, mong nhận được lời khuyên sớm nhất của anh!

    Em học kế toán và cuộc sống cơm, áo, gạo tiền xui rủi khiến em chọn ngành triển lãm làm kế mưu sinh. Ban đầu chỉ dự kiến là nhân viên thời vụ, sau khi được nhận làm nv chính thức, em gắn bó với nghề tới tận bây giờ.

    Hiện em đã 29 tuổi và đang làm Project Assistant cho giám đốc văn phòng đại diện (người Việt) của công ty kiêm vị trí admin và nghiệp vụ kế toán giản đơn + cashier cho văn phòng. Em cũng từng đảm nhiệm vị trí marketing assistant cách đây 2 năm khi người cũ nghỉ và cty không tuyển nhân viên mới. Thu nhập không cao, nhưng không thấp, chế độ công ty khá tốt, sếp không quá khắc khe. Em cảm thấy gắn bó hơn 4 năm tại cty, em vẫn chưa có một kỹ năng nào là chuyên sâu và chính yếu cho bản thân mình.

    Cảm giác thua sút bạn bè, lại chưa có gia đình; cảm giác không có công việc nào là ổn định mãi mãi; cảm giác kỹ năng chưa chuyên sâu trong khi thị trường lao động ngày càng khắc khe; mình cũng dần có tuổi khiến em suy nghĩ rất nhiều.

    Em đang muốn chuyển sang công việc mới, tại một công ty quảng cáo nhỏ để học hỏi và rèn luyện thực tế thêm kỹ năng liên quan lĩnh vực marketing, đồng thời cởi mở tính tình hơn. Em rất hoang mang không biết quyết định của mình có phải là sai lầm hay không? khi từ bỏ công việc ổn định, gắn bó 4 năm và có khoảng thời gian cho riêng mình để cân bằng cuộc sống. Thời điểm này lại là cuối năm.

    Em cảm thấy mình chưa tự tin vào bản thân. Tài chính gia đình đè nặng trong suy nghĩ của em. Sếp em cũng phân tích cho em thiệt hơn và khẳng định quyết định này của em là sai lầm. Nhưng bản thân em lại cảm thấy đây là cơ hội để mình học hỏi, rèn luyện và thay đổi. Em không biết liệu mình có đang bị tâm lý ” đứng núi này, trông núi nọ” hay không.

    Để rèn luyện, em đang theo học một khóa photoshop ngắn hạn, tham gia clb luyện tiếng anh, cố gắng cân bằng cuộc sống bằng cách tập gym, học nhảy (nhưng hiện em đã nghĩ vì chưa sắp xếp được thời gian).

    P/s: em muốn nâng cao khả năng giao tiếp, viết lách, nâng cao một chuyên môn cụ thể, gia tăng thu nhập và rèn luyện sự sáng tạo cho bản thân mình.

    Em mong sớm nhận được lời góp ý của anh!

    • Dear em,
      Nếu em đi bơi em sẽ thấy có những người bơi hùng hục cả buổi, có người bơi chậm rãi, có người vừa ngâm nước vừa trò chuyện, có người thì nô đùa với nhau. Nếu em chạy bộ vào sáng sớm hay buổi tối, em sẽ thấy có người chỉ cắm cúi chạy, có người vừa chạy vừa nghe nhạc, có người đi bộ,….Cuộc sống cũng đa dạng như vậy, mỗi người có những năng lực khác nhau, nhu cầu khác nhau, tính kiên trì khác nhau, sở thích khác nhau vì vậy họ hành động khác nhau. Người bơi chậm không sốt ruột khi thấy người bơi nhanh vì họ thích bơi thả lỏng và họ không có nhu cầu phải đạt tới nghìn mét bơi làm gì.

      Trong cuộc sống, tiền bạc địa vị không phải là một mục tiêu duy nhất cũng như tốc độ không phải là mục tiêu duy nhất của những người tới bể bơi. Em có quyền lựa chọn cho mình những mục tiêu phù hợp với mình. Không nên theo đám đông.

      Tổ chức triển lãm là một phần trong các hoạt động quảng cáo nói chung nhưng có xu hướng ngày càng kém đi. Quảng cáo đang đi theo các hướng mới như thông qua mạng xã hội, digital poster,….Nếu một công ty quảng cáo lựa chọn đúng xu thế thì sẽ phát triển nếu không sẽ chỉ ở mức duy trì. Làm 4 năm ở vị trí trợ lý nên chắc em đã gần như hiểu hêt các công việc của văn phòng rồi, quy mô văn phòng đại diện thường không thay đổi vì vậy cũng sẽ không có nhiều thứ mới để học hỏi.

      Hiện chưa vướng bận gia đình nên anh nghĩ em nên thử sức mình ở một công ty mới. Học được cái mới, có cơ hội gặp ngỡ những người mới. Khi có gia đình, con cái rồi thì em càng không thay đổi được.

      Chúc em thành công;
      anh VD

      • Thanks anh! Em đã có quyết định cuối cùng của mình và cũng cố thêm niềm tin khi nhận được comment của anh.

    • Ngày hôm nay, khi em đang rơi vào trạng thái mất phương hướng, thiếu tự tin của 1 sinh viên ra trường xác định sẽ làm trái ngành trái nghề và bắt đầu với con số 0 trong tay.Sáng nay, khi có một công ty về quản trị web gọi đi làm, bản thân vừa mừng vừa sợ hãi như con ốc sên cuốn mình trong vỏ. Những suy nghĩ trong đầu, lo lắng không làm được, sẽ xấu hổ,..quẩn quanh khiến bản thân thấy sợ hãi, rụt rè. Bế tắc. Những giáo lý đạo Phật. triết lý cuộc sống em đọc, em học trước đây dường như em không làm theo được. Lên gg search, tình cờ đọc được bài này của anh, thấy nó thật chính xác, sao lại thấu hiểu đến từng trường hợp như vậy. Rồi khi kéo xuống cmt thấy anh cmt cũng rất hay, chân tình mà chuẩn xác. Cảm ơn anh, cảm ơn bài viết phần nào đó đã khơi dậy ý thức trong em. Trang web này sẽ là nơi em thường xuyên lui tới. 🙂

  112. Mình đã tình cờ đọc bài này khi cố lang thang trên mạng để tìm lối thoát cho mình. M mới tốt nghiệp tháng 8/2015, đi làm 2 tháng và dám nghỉ việc để tìm cho sự thoải mái, m đã dám đương đầu với khó khăn để tìm cho m 1cv nhưng thật khó khăn,vì m ko muốn bố mẹ phải lo lắng. M dám nghỉ việc là dám đương đầu với khó khăn…tâm m rối,lo lắng, …sợ bm lo lắng. Nhưng m sẽ k quá đặt nặng ,cố gắng để mong chờ may mắn. Cảm ơn b!
    P.s: m rất muốn viết lách, có khả năng và sống cảm xúc.

  113. Anh ơi. Em vừa nghỉ việc ở một ngân hàng lớn khi vừa trong thời gian thử việc. Do sức khoẻ của em không phù hợp với vtrí công việc, em thấy cviec khiến em tốn wuá nhiều thời gian, em cảm thấy wuá mệt mỏi. Em đang apply vào các ngân hàng khác nhưng đang thiếu động lực vì lương các ngân hàng này thấp hơn và wuan trọng hơn là em đang mất phương hướng. Ra trườg hơn một năm rồi mà công việc không ra gì, em giờ đang học tiếng anh thêm. Em nghĩ nếu sau này có tiếng anh em sẽ nhiều đường đi hơn. Hiện tại, em đang mất phuong huong wuá. Nhìn bạn bè làm được mà mình làm không được thấy mình thất bại lắm.

    • Hi em;

      Mỗi một vị trí đều đòi hỏi những tiêu chí năng lực người làm tương ứng. Có người năng lực của họ kém hơn tiêu chí này nhưng có sự quyết tâm thì họ cũng sẽ dần đạt được. Khi đạt được thì họ sẽ lên một tầm năng lực mới. Cũng có khi có quyết tâm nhưng lực bất tòng tâm phải bỏ cuộc giữa chừng.

      Khi thất bại ở một vị trí nào đó ta có thể chuyển sang cũng vị trí đó nhưng ở công ty khác có yêu cầu tiêu chí năng lực người làm thấp hơn. Vì tiêu chí năng lực đòi hỏi thấp hơn nên cung lao động vị trí đó cao hơn và giá trị tạo ra của công việc đó cũng thấp hơn nên lương thấp hơn là đương nhiên.

      Đây là bài toán mà em đang gặp. Nếu em muốn có một lời khuyên thì em nên làm việc ở ngân hàng nhỏ chấp nhận thu nhập thấp hơn như một quy luật tự nhiên. Làm một thời gian khi năng lực tốt hơn thì có thể chuyển sang NH tốt hơn.

      Học tiếng anh nên song song với quá trình làm việc. Tiếng anh quan trọng thật đấy nhưng nó chỉ là kỹ năng phụ như kỹ năng sử dụng máy tính. Muốn tăng tiến về năng lực chuyên môn thì phải làm thực tế.

      Chúc em vượt qua khó khăn giai đoạn này.

      thanks.

      • Em cảm ơn anh nhiều lắm. Em đang apply vào các ngân hàng nhỏ ở vị trí phù hợp hơn. Làm ở ngân hàng lớn, vị trí công việc wuá sức, khối lượng vô cùng nhiều, em phải chạy thị trường và chịu sức ép chỉ tiêu, em cảm thấy mình không thể cân bằng cuộc sống được khi làm công việc ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe như vậy.
        Cũng snghĩ nhiều nên em mới xin nghỉ việc.
        Buồn và thất vọng về bản thân.

        Nhưng lên đây đọc bài này của anh em càng có niềm tin để bắt đầu lại từ đầu. Em cũng ngừng so sánh mình với bạn bè cùng trang lứa. Dù sao, em cũng may mắn vì thất bại sớm để biết công việc mình thích chưa chắc mình có đủ khả năng về thể chất để làm. :)) thà thất bại còn hơn em không dám thử để rồi sau này già hối hận, tai sao ngày còn trẻ không thi vào vị trí mình thích, bank lớn mình ước mơ mà mãi làm một công việc nhàm chán.

        Hy vọng trong tương lai em sẽ trở lại trang này để thông báo về công việc của em trong tương lai. Em cảm ơn anh ạ.

  114. Bài viết của anh Việt Dũng rất hay và đầy đủ. Bài dài nhưng vẫn lôi cuốn được người đọc. Rất cám ơn anh về bài viết này.

  115. chào anh
    thực sự em cũng đang rơi vào trạng thái mất phương hướng
    em đã lập ra đình và có con gần 1 tuổi rồi nhưng vẫn chưa đi làm vì đợi khi con có thể gửi trẻ em mới đi làm đc, chắc có lẽ khoảng 5 tháng nữa
    nhưng rồi bao nhiêu suy nghĩ lại hiện ra trong đầu, sắp tới em nên làm gì
    trước kia em có làm sales admin cho mỳ gấu đỏ, nhưng không phải vì áp lực công việc mà bởi cái nhà phân phối nới em làm họ khiến em rất khó chịu nên em nghỉ làm, rồi cũng 1 cái sai lầm quá lớn của em là quyết định ở nhà không đi làm khi biết tin mình có bầu, tính ra thì em đã ở nhà gần 2 năm rồi
    đến bây giờ khi chuẩn bị được đi làm thì em lại chẳng biết nên làm gì. làm công việc văn phòng thì lương thấp, chồng và chị em thì nói em nên đi bán hàng, vì chị em làm nhà phân phối mỹ phẩm nên nói em nhập hàng mà bán, em cũng muốn đi bán hàng vì kiếm ra tiền và chủ động được thời gian, nhưng thực sự công việc bán hàng em không hề tự tin vì trước kia em có đi bán, em cảm thấy rất khó thuyết phục năn nỉ người khác, đại khái là em nghĩ nó không hợp với mình và mình không thể làm được. đi làm văn phòng thì nhàn nhã mát mẻ nhưng lại ít tiền.
    anh cho em lời khuyên với, chồng em và em có dự định tương lai sẽ phân phối 1 vài nhãn hàng, nhưng đấy là mong muốn của tương lai, còn em thì thích những công việc liên quan tới năng khiếu chẳng hạn nấu ăn, trang điểm, may mặc… nhưng em nghĩ mình có nên theo đuổi không khi mình chưa nền tảng gì và tương lai 2 vợ chồng hướng tới lại là kinh doanh

    • Hi em;
      Anh tóm lại vài ý:
      – Em có kinh nghiệm bán hàng trước khi nghỉ sinh
      – Việc văn phòng nhàn nhã mát mẻ nhưng thu nhập thấp.
      – Em không tự tin với công việc bán hàng do thời gian nghỉ 2 năm vì vậy không thực sự thích
      – Chồng và chị em muốn em bán hàng vì thu nhập cao và chủ động về thời gian
      – Dự định tương lai của hai vợ chồng là phân phối 1 vài nhãn hàng.
      – Thích những công việc liên quan tới năng khiếu như nấu ăn, trang điểm, may mặc.
      – Hiện trạng: con gần 1 tuổi

      Nói để cho em lời khuyên gì đó có giá trị anh nghĩ là khó. Anh chỉ có vài lời khuyên nhỏ:

      – Hiện em đã có con gần 1 tuổi. Khi có con em sẽ phải dành thời gian chăm sóc khác hẳn với lúc chưa có con. Em có thể phải về sớm hơn, đi làm muộn hơn, nghỉ phép nhiều hơn, khó tập trung cho công việc…
      – Chồng và chị em muốn em làm kinh doanh vì có thu nhập cao (phụ cho gia đình) và vừa có thời gian (để chăm em bé). Có nghĩa là vừa muốn em dành thời gian cho con cái vừa mang nhiều tiền về.
      – Làm kinh doanh chủ động thời gian nhưng lại dễ bị lẫn lộn giữa thời gian nghỉ và thời gian làm. Tưởng là thoải mái thời gian nhưng thực ra không phải. Em có thể làm việc riêng trong giờ làm nhưng lại làm việc trong giờ nghỉ.
      – Em không có dữ kiện là gia đình em có bị sức ép về tài chính không. Nếu bị sức ép thì sẽ phải đặt ưu tiên về tiền nên trên ưu tiên về thoải mái. Sự thiếu tự tin có thể vượt qua được bằng động lực tài chính. Nếu không bị sức ép về tài chính thì nên chọn việc “nhàn nhã” cho đến khi con đủ cứng cáp và em đã bắt nhịp với công việc. Dù sao nghỉ 2 năm cũng khiến cho nhiều kỹ năng bị thui chột đi, đòi hỏi phải rèn luyện lại.
      – Em không có dữ kiện là có ông bà trông con giúp không vì ngay cả em có gửi trẻ thì em cũng sẽ mất rất nhiều thời gian chăm con.

      Tóm lại anh nghĩ đơn giản thế này: mọi thứ đều phải có trình tự, ham muốn thì ham muốn cũng phải xem mình đang ở đâu mình có khả năng đạt được ham muốn đó không.

      Một sinh viên mới ra trường mà ham muốn làm giàu nhanh thì sẽ chẳng đi tới đâu. Nhưng nếu anh ta đặt ra một mốc thời gian đủ xa cho việc kiếm tiền và đặt ưu tiên cho việc tích lũy kinh nghiệm ở hiện tại thì anh sẽ thành công.

      Giống như em, hiện tại đang thiếu tự tin, thiếu kỹ năng do thời gian nghỉ dài. Nếu em ngay lập tức muốn đi bán hàng trong khi thời gian không được rộng rãi như trước khi sinh thì sẽ khó đi đến đâu..

      Có thể em nên khởi động bằng một công việc văn phòng nào đó định hướng theo các môn em thích một thời gian, Ưu tiên cho việc tích lũy kiến thức, kỹ năng và nâng cao sự tự tin. 2 năm sau khi con đã cứng cáp và em thì đã đủ nguồn lực cần thiết thì sẽ đủ sáng suốt để quyết định đường đi tiếp theo.

      Trân trọng.
      V.D
      PS: Kinh doanh có xu hướng ngày càng khó lên. Đừng lao vào kinh doanh khi chưa đủ năng lực em ạ.

  116. Đây là lần đầu tiên em tìm kiếm được 1 bài đọc thực sự đúng tình trạng của mình hiện tại.Cảm ơn anh rất nhiều.
    Hiện tại em chưa suy nghĩ được mình thích gì ? mục tiêu của mình là gì ?và mình sẽ làm gì ?thời gian từng ngày trôi qua vô ích,đôi khi em suy nghĩ luôn chấp nhận mọi thứ mình đang có ,nhưng đến 1 hoàn cảnh nào đó cái suy nghĩ tiêu cực của em lại hiện lên.Đến bây giờ tình trạng ấy vẫn diễn ra vơi em ,em chưa nghĩ được mình ohair làm như thế nào.Rất mong anh có thể cho em 1 lời khuyên.
    Cảm ơn anh !

    • Cảm ơn em đã đọc bài viết.

      Anh viết entry này không phải là anh không bao giờ bị mất phương hướng. Giống như toàn bộ các bài viết trên blog này, anh viết là vì khi viết xong anh hiểu rõ vấn đề hơn chứ mục đích chia sẻ kiến thức chỉ là phụ. Trước khi viết anh thấy mình mù mờ, sau khi viết anh nhìn rõ hơn; để rồi lúc nào đó chính mình đọc lại.

      Anh nghĩ em cũng có thể làm như vậy. Tự mình viết các phương án giải quyết chính bài toán của mình. Có thể trước lúc viết em tự hỏi sao mà viết được nhưng cứ thử em sẽ thấy các ý tưởng tự nó sẽ xuất hiện. Lời giải có thể đã ở trong đầu em rồi.

      Ai ai cũng phải đối mặt với việc này em ạ. Không phải là em có tất cả là em không rơi vào trạng thái này đâu. Anh cũng vậy thôi, cũng phải liên tục đối mặt với nó. Chỉ khác là anh biết cách thoát ra ngay thay vì cứ quẩn quanh mất thời gian với nó.

      Cố lên nhé.

      anh

  117. Lâu rồi mới quay lại page của Anh. Nhưng mà lần này mất phương hướng thật. Nhờ có tư vấn của anh lần trước: khi thiếu gì, cần gì tìm cái đó đọc. Em đang đọc cuốn ” Chinh phục mục tiêu” – trong cuốn đó có rất nhiều câu hỏi em chẳng thể nào trả lời được thì không thấy cảm xúc nào cả. Ví dụ: 3 điều quan trọng nhất bạn muốn làm? Bạn hãy tượng tượng bây giờ bạn 30 tuổi, bạn hãy ghi lại thành tựu bạn đạt được ở độ tuổi này? Nếu 6 tháng sau bạn chết bạn giờ muốn làm gì..? rất nhiều câu hỏi để gợi ý tuy nhiên em không tài nào nghĩ ra dc cái gì quan trọng nhất?
    Trong cuốn sách có đề cập 1 câu chuyện về chú bồ câu bị bịt mắt đem đi xa thật xa vẫn biết định hướng về nhà. Còn hiện tại thì em không biết phải tiến tới đâu. Không có ngưỡng mộ ai trong lĩnh vực, không biết 5 năm tới sẽ ntn, sẽ trở thành ai, khi mình đi vắng khỏi vp họ sẽ nói gì? Giấc mơ khát vọng thì ai cũng có mà giờ với em hình như nó xa vời khi đã 23t vẫn còn thiếu thốn quá hiều kỹ năng..trong đó có anh ngữ @@

    • hi em;
      23 tuổi còn quá trẻ em ạ. Quan trọng là em đã có suy nghĩ đến chuyện đó. Rồi một lúc nào đó em sẽ trả lời được hoặc phát hiện ra là mình chẳng cần phải trả lời. Đừng nghiêm khắc với bản thân quá.
      thanks.

  118. E rất cám ơn anh, bài viết của anh nó thực sự rất có ý nghĩa với e nhất là lúc này.E cũng đang mắc phải bệnh chán nghề mình đã từng làm , e ra trường được 4 năm rồi ( nghề kế toán ạ). Và giờ e đã nghỉ việc để chuyển nghề khác nhưng cũng chẳng rõ mình thích gì và cũng chưa biết bắt đầu như nào, loay hoay hơn 3 tháng thất nghiệp, và giờ có lẽ e lại phải quay lại nghề cũ để ổn định về tài chính cũng như tâm lý thất nghiệp lúc này a ạ!

  119. Hi anh Dũng,
    Em cảm ơn bài viết của anh nhiều.
    Hiện tại em cũng đang mất phương hướng lắm. Em học Quản trị kinh doanh ở một trường đại học Uy tín và kết quả học tập, phấn đấu ở đại học tốt. Em hướng nội và nghĩ rằng mình sẽ phù hợp với mảng hành chính nhân sự. Em may mắn kiếm được 1 công việc admin assistant ở một công ty nhỏ của Sing. Ban đầu em rất hạnh phúc vì thấy mình may mắn được làm việc trong một môi trường tiếng anh, giúp mình cải thiên Tiếng Anh mỗi ngày và sếp khá là “đắc nhân tâm”.
    Nhưng đến nay đã gần một năm, em ngày càng thấy nản với công việc của mình khi em phải làm rất nhiều công việc rất khồng liên quan và không phải chuyên ngành như tìm nguồn nguyên liệu, thiết kế sản phẩm (trong khi e ko phải kỹ thuật), social marketing, sale…
    Em hiện tại mất phương hướng, không biết nên apply vào các tập đoàn hay tiếp tục làm, nhảy sang mảng khác hay vẫn hành chính nhân sự.
    Mong anh có thể cho em lời khuyên.

    • hi em;

      Làm ở các công ty nhỏ thì thường một vị trí sẽ kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau vì cho dù mô hình nhỏ hay mô hình lớn thì cũng vẫn có những công việc phải làm giống nhau. Ưu điểm là sẽ học hỏi được về bề rộng, có nghĩa là học được rất nhiều thứ ngoài công việc chính. Nhược điểm là sẽ không chuyên sâu, công ty lớn thì em làm đi làm lại, ngày này qua ngày khác chỉ một vài nhiệm vụ.

      Khi phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ thì chắc chắn sẽ có những công việc nằm ngoài khả năng của mình; và một lúc làm nhiều nhiệm vụ khác nhau sẽ dễ bị tẩu hỏa nhập ma.

      Tuy nhiên, làm chỉ một công việc ngày này qua ngày khác còn buồn chán hơn nhiều. Cho dù bất cứ công việc gì thì khi em đào đi đào lại rồi cũng đến ngưỡng, tới một ngày em sẽ không còn thấy thử thách, không còn thấy học được gì và vì vậy em cũng sẽ chán nản.

      Lời khuyên của anh là trong vòng ít nhất 3 năm sau ngày ra trường, càng làm được nhiều công việc khác nhau càng tốt. Lý do là khi em hiểu biết công việc ở vị trí khác thì em sẽ rất dễ làm việc với họ. Đặc biệt mảng hành chính nhân sự lả mảng phải va chạm với rất nhiều phòng ban, vị trí chuyên môn khác nhau. Thiếu hiểu biết công việc của các vị trí khác là một rào cản rất lớn đối với những người làm HCNS, chỉ có đọc thôi thì không thể hiểu được bằng chính tay mình làm.

      Sau khi đủ kiến thức theo bề rộng thì em có thể làm việc ở các công ty lớn. Các công ty lớn có ưu điểm là mọi thứ đều có các quy trình, quy định rõ ràng. Họ không thể làm kiểu tạm bợ, gặp tình huống nào xử lý tình huống đó như các công ty nhỏ. Lúc này em sẽ học được cách làm việc bài bản; kết hợp với kiến thức bề rộng đã thu thập được em sẽ tiến rất nhanh.

      Làm các công việc trái chuyên môn thì chắc chắn là chán nản mệt mỏi rồi. Nhưng hãy nghĩ tới tương lai sau này đụng vào cái gì mình cũng biết để làm động lực vượt qua em ạ. Lời khuyên này dựa vào kinh nghiệm làm rất nhiều công ty và nhiều vị trí khác nhau của anh nên anh khá là chắc chắn.

      Anh lưu ý là làm nhiều công việc khác nhau càng nhiều càng tốt không phải là nhẩy việc liên tục. Mỗi một công việc đòi hỏi phải làm ít nhất 1 năm mới có thể biết sơ sơ. Làm vài tháng thấy mình có vẻ như đã nắm hết nên nhẩy việc thì sẽ dẫn tới cái gì cũng biết mà thực sự chẳng biết cái gì. Cực kỳ khó thành công sau này.

      Chúc em thành công,

      anh V.D
      P/S: