Thương mại điện tử với ngôi sao đang lên mang tên Shopee

2
7555

Dạo gần đây Shopee tăng cường khuyến mại khiến cho dân tình đi đâu cũng shopee. Vợ mình đã mua một đống thức ăn cho mèo chất nhà bởi chính sách tặng 40.000 cho mỗi đơn hàng và miễn phí vận chuyển của Shopee; đủ để con mèo ăn tới lúc răng rụng hết. Rồi hôm qua hâm hâm lại hỏi là có mua cái thông toa let hay không vì nó đang khuyến mại. Vãi, người ta có thể mua một thứ chẳng bao giờ dùng tới chỉ vì nó đang rẻ hơn so với bình thường.

Ông Sendo tháng 8/2018 cũng vừa mới được rót thêm 51 triệu usd để tiếp tục tiêu tiền với mục đích chiếm thị phần. Các bác cứ đánh nhau thoải mái, ở giữa cả người bán và người mua đều được hưởng lợi.

Tháng trước nghe một cuộc phỏng vấn trên tivi. Câu hỏi hình như là tại sao các DN TMĐT (hoặc các công ty công nghệ) lỗ mà sao các nhà đầu tư lớn vẫn đổ tiền vào?. Nghe trả lời mang máng là trong lĩnh vực thương mại điện tử hay công nghệ, kẻ chiến thắng là kẻ đứng đầu; đứng thứ hai hay thứ ba đều sẽ teo vì vậy các nhà đầu tư chấp nhận nướng tiền để cho công ty đó hướng tới thị phần đứng đầu.

Mình thì nghĩ ở đâu không biết chứ ở Việt Nam làm thế khó lắm. Lấy Grab làm một ví dụ điển hình, nó cũng giống như các trang thương mại điện tử thôi, là trung gian gặp gỡ giữa người mua và người bán. Grab vào VN từ năm 2014 với số vốn điều lệ 20 tỷ; lỗ năm sau cao hơn năm trước; số liệu của 2017 chắc vẫn lỗ. Năm 2018 không phải cạnh tranh với UBER nhưng lại thêm ông Viet-Go chân ướt chân ráo vào hưởng lợi, rồi bị truy thu thuế, bị kiện cáo. Ông Grab mất bao nhiêu tiền để thay đổi thói quen người dùng, tiềm lực tài chính lại mạnh nên ông VietGo chắc không có cửa; nhưng ông Viet Go mất đi sẽ có ông VietGo phẩy.

Bên mua và bán đều đã quen ưu đãi rồi giờ chỉ cần tăng chiết khấu thu từ lái xe, tăng phí trên km từ khách hàng là cả bên mua và bán đều la oai oái từ bỏ. Mới tuần trước mình gọi Grab để đi từ Nội Bài về nhà, gọi xong có một ông xe lạ hoắc tới, lái xe bảo hủy chuyến rồi lên xe. Hóa ra là có ông Grab sẵn ở nội bài nhận cuộc gọi rồi bán lại cho ông này; vì khách là người hủy chuyến nên ông grab đó không bị ảnh hưởng.

Nếu bạn đi từ Hà Nội đi Vĩnh phúc thì hãy đặt grab một quãng đường ngắn; khi một ông grab liên hệ bạn mới bảo là đi Vĩnh phúc. Bên mua và bên bán gặp nhau mà bên bán không phải chi tới 28% chiết khấu cho tổng quãng đường. Sau khi đi xong lái xe sẽ đưa bạn SĐT để lần sau đi đâu xa bạn gọi thẳng cho anh ta. Đó là cách lách mà một lái grab chia sẻ.

Người Việt Nam ta rất dị ứng khi mất tiền vào khâu trung gian. Câu “miễn trung gian” rất thường thấy trong các giao bán nhà. “Trung gian” là đứa lấy tiền mà chỉ có mỗi nhiệm vụ là khiến người mua và người bán gặp nhau. Grab đứng trước bài toán khó khăn: thu hồi vốn có nghĩa là dừng khuyến mại, dừng khuyến mại thì kém sức cạnh tranh với các phần mềm gọi xe khác như VietGo. Người Việt Nam sẽ nghĩ ra vô số cách, đừng tưởng lấy tiền từ túi họ mà dễ.

Shopee, Lazada, Sendo,…cũng sẽ gặp bài toán tương tự. Các hãng chạy đua khuyến mại để dành khách hàng thì khách hàng trở nên ngày càng khó tính hơn. Một ngày đẹp trời, tất nhiên chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng, chỉ có một mình Shopee tồn tại thì liệu nó có thể thu lại được hoa hồng giữa bên mua và bên bán đủ đề bủ lỗ quá khứ và có lãi hơn lãi gửi ngân hàng không? Chắc là không.

Bạn nhớ rằng Amazon bán hàng trực tuyến từ 1995 mới có được ngày hôm nay. Giờ họ đang cho thêm vào dịch vụ quảng cáo nhằm tăng doanh thu quảng cáo khi dịch vụ môi giới giảm sút. Alibaba thì bắt đầu từ 2002 với một thị trường Trung Quốc khổng lồ cùng sự bảo hộ từ chính phủ với các công ty trong nước. Họ đã bắt đầu chuyển mình sang giai đoạn khác trong khi các trang TMĐT trong nước mới chỉ đang ở bước tranh dành nhau thị phần.

Lịch sử trang Sendo chỉ mới 6 năm từ 2012, Tiki từ 2010, Lazada cũng từ 2012…Họ thành lập lúc thương mại điện tử đã chín muồi nhưng thế giới đã rất khác so với những năm 2002. Trước hết họ phải cạnh tranh với nhau bằng khuyến mại không có điểm dừng; thứ hai là họ sẽ phải cạnh tranh với các ông lớn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba sẽ vào Việt Nam.

Vậy tại sao các nhà đầu tư vẫn đổ tiền vào? Vì để đợi tới lúc IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng). Khi IPO, giá cổ phiếu sẽ được định giá rất cao tùy thuộc vào thị phần hiện tại của DN bất chấp DN đang lợi nhuận âm; giá trị của nó nằm ở tiềm năng tương lai. Lúc đó cổ phiếu được định giá rất lớn, các nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu mình đang nắm giữ để thu lại tiền. Mặc dù DN lúc đó chưa tạo ra đồng lãi nào nhưng nhà đầu tư đã có thể chốt lãi được rồi. Những DN đã IPO rồi thì nhà đầu tư mới mua vào với hy vọng giá tiếp tục tăng để anh ta chốt lời trong tương lai. Chỉ cần họ tin rằng giá cổ phiếu sẽ tăng thì lỗ của DN chỉ là chuyện nhỏ.

Để ý các chuỗi thức ăn nhanh, chuỗi cafe (Highland, Coffe House,..)… đều phải thuê ở các vị trí đẹp; vị trí đẹp rồi thì không gian phải rộng. Hầu hết chúng ta vào một quán cafe nào đó vì không gian ở đó chứ không phải cafe ở đó có ngon không. Để trò chuyện, để làm việc,…túm lại ta bỏ tiền mua chỗ ngồi. Hai thứ này phải đi cùng với chi phí thuê mặt bằng lớn, lợi nhuận đổ hết vào chi phí thuê mặt bằng (chi phí bán hàng); cho dù biên lợi nhuận gộp có là 60% thì vẫn cứ lỗ.

Chỉ có mỗi KFC là có lãi tại Việt Nam

 

Trong bài Kiến thức để hiểu chương trình Shark Tank tôi có lấy ví dụ về quán trà đá. Tôi có lãi từ bán cổ phần ngay cả khi doanh nghiệp trà đá chưa có một đồng lãi nào. Rất nhiều DN khởi nghiệp ngày nay đang làm theo cách này, đầu tư cực lớn mở các chuỗi cửa hàng (với lỗ ngày càng tăng) chỉ để chứng minh tiềm năng của mình với các nhà đầu tư thông qua doanh số, thị phần. Tiềm năng đó có biến thành tiền trong tương lai hay không hay chỉ là một cú lừa cho nhà đầu tư cuối cùng mua cổ phần.

Shopee mới vào thị trường nên tiềm lực tài chính còn nhiều. Chúng ta cùng chờ xem Shopee sẽ đi về đâu.

Comments

comments

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here