Thông minh tài chính (P8 : Sử dụng đòn bẩy tài chính)

3
17176

Đối với vấn đề tài chính, mỗi chúng ta có những lối mòn tư duy khác nhau. Lối mòn xuất phát từ quan điểm của bố mẹ ta, làng xã nơi chúng ta sống, bạn bè, đồng nghiệp, vợ chồng. Lối mòn này chúng ta hoàn toàn có thể xác định được bằng cách xem xét chính chúng ta và những người mà chúng ta bị ảnh hưởng.

Bố mẹ nào chẳng muốn điều tốt nhất cho con vì vậy họ dạy con những gì họ cho là tốt nhất. Họ có tư duy tài chính như thế nào thì họ dậy con họ như thế. Quan điểm về tài chính của bố mẹ sẽ hướng tới lộ trình học hành, lộ trình nghề nghiệp của con cái. Chính vì vậy có những người quá 30 tuổi rồi vẫn hành xử theo những ý chí mong muốn của bố mẹ mà không dám làm khác đi.

Thế nên câu “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa” không hẳn chỉ bao hàm về mặt tài sản mà còn là vì con cái bị áp đặt bởi tư duy của bố mẹ. Bố mẹ bạn để lại hai loại tài sản đó là : 1.Tài sản hữu hình như nhà cửa, tiền vàng,.. và 2. Tư duy về tài chính. Chính tư duy về tài chính mới quyết định tới sự nghiệp tài chính của mỗi người, mới là thứ quan trọng quyết định điểm đến của bạn.

Chúng ta không có quyền lựa chọn bố mẹ, cũng khó có quyền lựa chọn cách thức tiếp nhận giáo dục khi còn sống dựa vào bố mẹ. Nhưng chúng ta sẽ có lỗi nếu như không điều chỉnh cách thức tư duy về tài chính ngay khi có thể.

Những cái gì bạn cho là tất yếu, sẵn sàng bảo vệ ấy chính là lối tư duy hiện tại của bạn. Một số quan điểm cũ như:

  1. Vào nhà nước cho ổn định.
  2. Cố gắng kiếm một công việc tốt và làm tới cuối đời.
  3. Đầu tư là rủi ro. Thị trường chứng khoán là canh bạc nơi người ta lừa đảo nhau.
  4. Vàng là tài sản tốt nhất để đầu tư.
  5. Gửi tiết kiệm là cách an toàn nhất.
  6. Phải học giỏi thì sau này này mới có việc làm tốt
  7. Về hưu sẽ sống bằng lương hưu. Bệnh tật đã có bảo hiểm y tế.
  8. Sau này về già đã có con cái.

 

Như trong entry về chiến lược tài chính tôi có phân tích. Đầu tư là con đường buộc phải thực hiện nếu như muốn tự do tài chính càng sớm càng tốt trước khi về hưu hoặc về hưu trong sự dư dả về tiền. Đầu tư không nguy hiểm, nguy hiểm là bạn không biết gì nhưng vẫn cứ lao vào. Rủi ro đến với cả những hình thức đầu tư tưởng như an toàn nhất nếu bạn không có hiểu biết gì nó.

Cái khó nhất trên con đường tài chính đó chính là thay đổi lối tư duy. Tư duy quyết định tới cách nghĩ rồi cách hành động nên tư duy không đúng thì đương nhiên dẫn tới kết quả không đúng.

Thay đổi tư duy đồng nghĩa với việc nhận ra một cái gì đó mình đang tin tưởng, tôn thờ là sai. Nhận mình sai là vô cùng khó vì nếu dễ thì xã hội này sẽ khác đi nhiều. Nếu mọi người đều biết thế nào là đúng, thế nào là sai và dám chấp nhận hướng tới cái đúng thì làm gì có những xung đột trên thế giới như bây giờ.

Tư duy tài chính còn quan trọng hơn cả tư duy logic. Một người có tư duy tài chính tốt thường có tư duy logic nhưng một người có tư duy logic tốt chưa chắc đã có tư duy tài chính tốt.

Rút cục thì hầu hết thời gian chúng ta tiêu sài với mục đích kiếm tiến hoặc tiêu tiền vì vậy hiểu biết về tiền quyết định tới chất lượng sống của mỗi người.

Trong entry này tôi sẽ nói về sử dụng đòn bẩy là yếu tố quan trọng nhất trong chủ đề này. Làm chủ được công cụ này bạn sẽ tới đích sớm giống như tốc độ của một người đi xe máy và một người đi bộ vậy.

Archimedes nói ” Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nâng bổng cả quả đất” nhằm thể hiện sức mạnh của đòn bẩy. Công thức sử dụng đòn bẩy là F1 x L1 = F2x L2 . Với công thức này nếu như cần một lực F2 vô cùng để nâng một vật nặng vô cùng thì chỉ cần một chiều dài thanh L1 vô cùng với một lực F1 của sức người.

Nhìn xung quanh ta sẽ thấy một số ví dụ về sử dụng đòn bẩy như chèo thuyền, cái kéo, trò chơi bập bênh, bánh răng,…Ngoài những thứ hữu hình đó ta dễ nhận ra và cũng dễ ứng dụng thì còn có những đòn bẩy khác mà nếu biết cách sử dụng sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức, thực hiện được những thứ bất khả thi.

Thời tiền sử, con người đi từ Hà Nội tới Hải phòng bằng cách đi bộ trên hai chân của mình. Với tốc độ 15p/km, anh ta mất tổng cộng 1500p ~ 25 giờ đi liên tục mới tới. Tốc độ này rõ là chỉ nhanh hơn con rùa còn lại thì thấp hơn đa số các loại động vật khác. Ngày nay chúng ta đi từ Hà Nội tới Hải phòng chỉ mất 2 giờ bằng ô tô. Thời gian 2 giờ này nhanh hơn toàn bộ các loại động vật khác. Con người biết sử dụng đòn bẩy, con vật chỉ biết dựa vào sự tiến hóa của tự nhiên.

Chúng ta phân các thời kỳ lịch sử ra thành thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng, thời kỳ đồ sắt, thời đại công nghiệp, thời đại thông tin,…Thay đổi công cụ sản xuất kéo theo thay đổi phương thức sản xuất kéo theo thay đổi cả cách thức tổ chức xã hội của loài người. Các công cụ đó chính là đòn bẩy mà loài người sử dụng để giúp vượt xa so với các loài khác. Không có đòn bẩy thì giống như một người  trần truồng bị vứt ra ngoài thiên nhiên, anh ta sẽ sớm bị con khác ăn thịt.

Máy tính bạn đang dùng là một dạng đòn bẩy. Một nhân viên kế toán sử dụng máy tính sẽ mang lại hiệu quả gấp trăm lần so với một nhân viên kế toán sử dụng giấy, bút và phương pháp tính nhẩm.

Đòn bẩy được chia ra làm hai loại: Loại bên trong và loại bên ngoài

Đòn bẩy bên trong nhìn thì chắc các bạn cũng có thể hiểu được. Đòn bẩy bên ngoài thường sẽ khó nhận thức và cũng khó áp dụng hơn.

Một số ví dụ về đòn bẩy bên ngoài:

  • Thuê người xây nhà, sửa nhà, quét sơn, dọn nhà, trông trẻ….Bạn sẽ tiết kiệm thời gian bằng cách chi tiền cho người khác làm việc đó.
  • Mở DN thuê nhân công là hình thức mua thời gian của người khác. Tổng số thời gian người chủ có sẽ bằng tổng thời gian của những người anh ta thuê.
  • Bất cứ DN nào cũng đều sử dụng đòn bẩy tài chính, có nghĩa là họ đi vay tiền để có thể tạo ra nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn nhờ vậy bán được nhiều tiền hơn. Lợi nhuận có được thêm ra vượt quá so với chi phí phải trả cho các khoản vay.

 

Sử dụng đòn bẩy tài chính

Không sử dụng đòn bẩy tài chính có nghĩa là bạn kinh doanh trên số tiền thực đang có. Ví dụ như nếu trong tài khoản có 100 triệu thì chỉ nghĩ loanh quanh kinh doanh với số vốn đó. Trong quá trình hoạt động cũng chỉ sử dụng trong 100 triệu đó. Điều này giới hạn khả năng nghĩ lớn làm lớn.

Rõ ràng nếu bạn có tư duy trong đầu mình có 1 tỷ thì sẽ khác rất nhiều suy nghĩ trong túi chỉ có 100 triệu. Công việc kinh doanh với số vốn 1 tỷ khác với công việc KD so với số vốn 100 triệu. Quy mô kinh doanh khác nhau thì đối tượng khách hàng khác nhau, sức ép cạnh tranh khác nhau và đương nhiên lợi nhuận có được cũng khác nhau.

Nếu chúng ta cố gắng tích cóp đủ 1 tỷ rồi mới nghĩ tới việc xây dựng công việc kinh doanh tương ứng thì lúc đó có khi đã hết hứng, cơ hội đi qua,… mà có khi cũng chẳng biết khi nào mới có 1 tỷ. Vì vậy sử dụng đòn bẩy tài chính là việc bắt buộc nếu bạn muốn nghỉ hưu sớm ở tuổi 50 hay sớm hơn.

Do vậy trước hết bạn phải từ bỏ thói quen suy nghĩ trong số tiền mình đang có. Tiền có thể đi vay, miễn là số tiền kiếm được từ tiền đi vay cao hơn so với số lãi phải trả là bạn sẽ ổn. Vấn đề không phải nằm ở chỗ bạn có bao nhiêu tiền trong túi mà ở việc năng lực sử dụng, quản lý tiền tới đâu.

Mỗi người trong chúng ta có năng lực sử dụng đồng tiền nhất định. Một người có thể quản lý tốt công việc kinh doanh với số vốn 100 triệu nhưng lại bị hụt hơi khi quản lý công việc KD 1 tỷ. Không quản lý được tiền tốt dẫn tới số tiền kiếm được ít hơn số tiền phải trả cho chi phí vốn, dần dần thì mất vốn tự có mà ôm một đống nợ.

Người ta nói nếu bạn đợi tất cả đèn giao thông trên con đường từ nhà tới công ty đều xanh mới bắt đầu khởi hành thì chẳng bao giờ có thể tới công ty được. Sẽ không bao giờ có thể đủ mọi điều kiện để khởi hành chưa kể mọi thứ đều thay đổi hàng ngày. Cái lúc bạn khởi hành thì nó xanh, khi tới ngã tư đó thì đèn đã chuyển sang đỏ rồi.

Ví dụ sử dụng đòn bẩy tài chính tôi liệt kê ở cuối entry. Trước ta cần hiểu về những sai lầm trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính để còn tránh.

 

1. Vay để tiêu dùng thay vì vay để đầu tư

Điều kiện tiên quyết là bạn phải mua tài sản chứ không phải mua tiêu sản vì như vậy nó mới đáp ứng điều kiện là tiền sinh ra lớn hơn số tiền lãi phải trả.

Ví dụ trên trang mạng tôi hay thấy có người hỏi “Tôi hiện có 400 triệu và muốn vay 600 triệu để mua nhà mới thì liệu có nên không?”

Câu trả lời là phân tích giữa lợi ích và chi phí. Nếu như người này vay 600 triệu với lãi suất 12%/năm thì cứ sau 6 năm số nợ này lại tăng lên gấp đôi.

Nếu mỗi tháng anh ta trả 6 triệu thì chỉ vừa đủ trả tiền lãi, số nợ vẫn không đổi

Nếu mỗi tháng anh ta trả 12 triệu thì sẽ mất 70 tháng tương ứng với 5,5 năm để trả hết nợ

Dowload file tính toán vay tại đây: vay-lai kep

Khi bạn đi vay là ngân hàng đang sử dụng sức mạnh lãi kép ngược lại với bạn. Trong ví dụ trên bạn cần 6 triệu để trả lãi hàng tháng vì vậy số tháng kéo càng dài thì càng phải trả nhiều tiền hơn. Ví dụ khi ngân hàng cho bạn vay với thời gian 10 năm thì có nghĩa là bạn đã phải trả thêm 10x12x6tr= 720 triệu. Có nghĩa là bạn vay 600 triệu và phải trả số tiền là 1,320 tỷ. Tât nhiên đây là tôi vo tròn lại cho dễ hiểu chứ ta thường là trả lãi kèm theo một phần gốc mỗi tháng.

Ngân hàng chỉ vẽ ra rằng mỗi tháng bạn phải trả rất ít tiền mà có nhà ở ngay hay thay vì đi thuê nhà mất 10 triệu/ tháng thì hãy mua nhà và mỗi tháng trả 10tr; sau 15 năm căn nhà đã là của bạn.

Bạn có thể bảo rằng căn nhà tăng giá theo thời gian, tiền tăng giá đó có thể bù số lãi phải trả. Đó là quan niệm sai lầm vì nếu căn nhà đó tăng giá thì căn nhà khác cũng tăng giá từng đó. Nếu bạn bán căn nhà đó sau 10 năm trả hết nợ và mua căn nhà khác thì cái căn nhà khác đó cũng đã không còn có giá của 10 năm trước rồi. Nếu bạn không bán căn nhà đó thì căn nhà đó cũng chẳng sinh cho bạn một xu tiền nào. Cả phương án bán hay không bán đều không có lợi.

 

2. Vay cho những dự án đầu tư có nhiều rủi ro không thể kiểm soát

Gì chứ vay tiền để mua sổ xố Vietlot với hy vọng trúng để trả nợ là đỉnh cao của tưởng bở. Bạn có thể mua cho vui và tốt nhất không nên so kết quả vì 100% bạn sẽ trượt trừ khi bạn mua 4 triệu vé số một lúc ở các số khác nhau. Vay tiền mua vàng với hy vọng giá vàng ngày mai sẽ tăng lên. Vay mua nhà với hy vọng nhà đất sẽ tăng giá trong tương lai….Tất cả chỉ là “tôi nghĩ rằng” trông chờ vào vận may.

Rủi ro nhiều hay ít phụ thuộc vào việc bạn quyết định được mua cái gì và mua lúc nào. Hai quyết định đó phụ thuộc vào năng lực mỗi người. Đầu tư vào một tài sản nào đó không phải rủi ro mà rủi ro là không có kiến thức mà dám đầu tư. Đầu tư vào vàng, nhà đất, chứng khoán,.. không rủi ro, rủi ro là khi bạn đầu tư mà không kiểm soát được nó.

Một anh trẻ trâu đứng trên yên xe máy và đi băng băng ngoài đường, nó ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Chúng ta không như vậy nhưng có đầy việc hàng ngày ảnh hưởng tới tính mạng chúng ta vẫn cứ làm. Nhưng chúng ta lại sợ những việc mà chỉ mất tiền nếu làm không đúng vì vậy không dám đầu tư. Vì không dám nên không học, tới khi có ý định đầu tư thì liều lĩnh lao vào thị trường để người ta vặt lông.

Tóm lại, mấu chốt ở đây là không được đầu tư vào dự án mà không hiểu hết rủi ro từ đó không kiểm soát được nó. Trò chơi nào cũng có người thắng kẻ thua, bạn sẽ là người thua cuộc nếu bạn không hiểu luật chơi và không chơi giỏi bằng những người khác.

 

3. Không duy trì được các khoản vay

Vay thì phải trả lãi mà thường hoạt động đầu tư không phải hôm nay làm mai đã có kết quả ngay. Quy mô đầu tư càng lớn thì thời gian đến điểm hòa vốn càng dài. Ví dụ như mở một quán cafe cũng phải mất vài tháng thì người qua đường mới nhớ rằng ở đó có quán cafe. Rồi mất thêm vài tháng nữa để hình thành khách quen. Có khi phải đợi tới cả năm trời mới bắt đầu hòa vốn.Trong toàn bộ thời gian 1 năm đó bạn ăn vào tiền vốn. Nếu không được chuẩn bị kỹ về tinh thần thì bạn sẽ nhanh chóng nản trí.

Từ lúc bắt đầu tới điểm hòa vốn bạn phải đối mặt với việc mất khoản thu nhập của công việc trước đó trong khi vẫn phải trả lãi ngân hàng mỗi tháng. Cảm giác tiền cứ hao hụt dần trong khi khách hàng thì lèo tèo quả là cơn ác mộng. Nó sẽ khác hẳn so với những gì bạn tưởng tượng khi còn làm thuê, rằng mình sẽ tự do thoải mái, làm những gì mình thích mà không bị ai sai bảo. Lúc đó bạn sẽ ước có người sai bảo bạn làm cái gì đúng đắn, sẽ biết thế nào là áp lực kinh doanh trên đồng vốn của mình.

Khi đầu tư chúng ta nên đầu tư trong tâm thế là nếu mất hết thì mình vẫn có thể làm lại lần khác. Cứ 10 dự án khởi nghiệp thì may lắm mới có 1 dự án thành công. Vậy nếu bạn khởi nghiệp thì phải sẵn sàng tâm thế và tiền bạc cho thất bại 10 lần. Để hết mọi thứ vào một lần giống như bạn bỏ hết toàn bộ tiền vào một ván bài. Quá căng thẳng sẽ khiến xác suất thua cao và khi đã thua thì không vực dậy nổi.

 

4. Chơi những trò chơi khó ngay khi bắt đầu học hỏi

Khi ta mới học cái gì đó ta rất phấn khích và dễ phóng đại thực lực của chính bản thân mình. Trò chơi nào cũng đòi hỏi người chơi phải rèn luyện chăm chỉ với nhiều thời gian nếu muốn giỏi. Khi cơn bốc đồng dâng lên bạn phải kìm nó lại, không lao theo các cuộc chơi khi chưa hiểu hết về nó.

Có rất nhiều cách thức đầu tư, định hướng chung là bạn gia tăng được tỷ lệ lợi nhuận trên số vốn bỏ ra. Nó đến từ hai thứ :

  • Tỷ suất lợi nhuận trên mỗi chu kỳ KD
  • Thời gian cần thiết để hoàn thành một chu kỳ KD

Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tuân theo chu kỳ kinh doanh. Mùa đông bạn không thể bán áo hè, mùa hè thì không thể bán áo đông. Mùa hè khó bán nẩu nướng mùa đông thì khó bán chè đỗ đen…Hàng tết thì bán vào dịp tết, áo tắm thì bán vào dịp hè dân tình đi nghỉ mát,.,..

Một người KD quán ăn nhanh vỉa hè bỏ ra chi phí cố định thấp, tiền thu hồi ngay trong ngày, mỗi ngày mang lại lợi nhuận 300.000; mỗi năm 90 triệu. Một người kinh doanh chăn nuôi, bỏ tiền ra xây chuồng trại, nuôi lợn mất ví dụ như 1 năm mới xuất được chuồng, mỗi con lợn lãi ròng 1 triệu. Người nuôi lợn sẽ phải nuôi ít nhất 90 con lợn mới bằng anh bán vỉa hè ở trên. Đó là còn chưa kể vòng quay dài sẽ gặp rủi ro về giá bán, về bệnh tật,…Rất nhiều công việc kinh doanh đơn giản nhưng mang lại tỷ suất lợi nhuận còn cao hơn so với công việc kinh doanh phức tạp.

Lựa chọn cho mình trò chơi đơn giản sau đó tham gia vào các trò chơi khó hơn thay vì ngay lập tức lao vào các trò chơi vượt quá sức của mình.

Một số ví dụ về sử dụng đòn bẩy tài chính:

Trên thị trường nhà đất

Nhà đầu tư bỏ ra 100 triệu để đặt cọc cho 5 căn hộ, mỗi căn hộ 20tr đồng. Giá mỗi căn hộ tại thời điểm thỏa thuận là 1 tỷ đồng. Anh ta kỳ vọng rằng mình sẽ bán trong vòng 2 tháng, trước thời điểm phải đóng tiền ký hợp đồng đợt đầu tiên. 2 tháng trôi qua giả sử giá nhà tăng lên mức 1,1 tỷ, anh ta có thể bán 5 căn nhà đó thu về lợi nhuận là 500 triệu.

Tình huống xấu, anh ta không thể bán được nhà trong vòng 2 tháng thì anh ta có thể cầm cố chính căn nhà để vay tiền ngân hàng trả 100 tr đợt 1 và tiếp tục đợi thêm 2 tháng nữa tới kỳ lần 2. Tới kỳ lần 2 nếu căn nhà đã tăng lên mức 1,1 tỷ thì anh ta có thể bán mỗi căn nhà với mức = 120 triệu của lần 1 + 100 triệu chênh lệch giữa giá cũ và mới. Anh ta vẫn được lợi trên mỗi căn là 100 triệu.

Trên thị trường chứng khoán

Nhà đầu tư chứng khoán bỏ ra số vốn 10 triệu để mua 1000 cổ phiếu A với giá 10.000 đ/cổ phiếu. Anh ta dùng chính cổ phiếu đó để cầm cố cho nhà môi giới để mua tiếp 800 cổ phiếu. Giờ anh ta có 1.800 cổ phiếu cùng khoản nợ là 8 triệu đồng.

Sau một thời gian cổ phiếu A tăng giá lên 10.500 đồng/cổ phiếu. Anh ta bán đi 1.800 cổ phiếu đó đi thu về 18.900.000 đồng. Sau khi trừ  tiền vay, lãi vay, tiền gốc anh ta còn khoảng 900.000 đồng. Giả sử anh ta không vay mà chỉ sử dụng 10 triệu của mình thì anh ta sẽ chỉ được lãi 500.000 đồng.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh đòn bẩy còn kinh khủng hơn nữa.

Nhà đầu tư thay vì bỏ ra 10 triệu để mua 1000 cổ phiếu A với giá 10.000đ/cổ phiếu thì giờ anh ta bỏ ra 10 triệu để mua 10.000 quyền chọn mua cổ phiếu A, mỗi quyền chọn mua có giá 1000 đồng.

Sau một thời gian cổ phiếu A tăng giá lên 10.500 đồng, nhà đầu tư bán 10.000 quyền chọn của mình để thu về 5 triệu đồng.

( Quyền chọn mua là nhà đầu tư mua một quyền chọn mua với mức giá ở hiện tại trong một khoảng thời gian nào đó. Giả sử cổ phiếu tuần tới tăng từ 10.000 đ lên 10.500 đ thì anh ta vẫn được quyền mua cổ phiếu đó với giá 10.000 đ. Trường hợp giá cổ phiếu giảm thấp hơn 10.000 đ trong khi thời hạn quyền chọn tới hạn thì quyền chọn của anh ta trở nên vô giá trị)

 

Trong cả hai ví dụ về nhà đất và cổ phiếu ta thấy nhà đầu tư có rủi ro theo hướng ngược lại. Giá nhà có thể giảm đi, dẫn tới việc nhà đầu tư có thể mất tiền đặt cọc, sang nhượng nhà với giá thấp hơn giá mua. Giá cổ phiếu có thể giảm đi dẫn tới bị công ty môi giới siết nợ cổ phiếu, bị mất quyền chọn,…

Đó chính là sự khác biệt giữa người hiểu được trò chơi và người không hiểu gì về nó. Người hiểu trò chơi họ có xác xuất thành công lớn hơn 80%,người không hiểu trò chơi xác suất thành công nhỏ hơn hoặc bằng 50%.

 

Thông minh tài chính (P1: Không thể đánh bại thị trường)

Chiến lược tài chính cá nhân

Comments

comments

3 COMMENTS

  1. Ví dụ khi ngân hàng cho bạn vay với thời gian 10 năm thì có nghĩa là bạn đã phải trả thêm 10x12x6tr= 720 triệu. Có nghĩa là bạn vay 600 triệu và phải trả số tiền là 1,372 tỷ.
    Chổ này 720 (tiền lãi) + 600 (tiền gốc) = 1,320 tỷ chứ anh nhỉ ??

Leave a Reply to dungiso Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here