Thông minh tài chính (P15 : Giá và thao túng giá trên thị trường)

2
12956

Đầu tiên là Tổ lái có xấu không? Câu trả lời là không vì nếu không có lái xe bạn không đến được nơi bạn cần đến. Không có lái trên thị trường tài sản thì không có chuyện tài sản bỗng tăng đột ngột rồi giảm đột ngột để bạn có thể kiếm lời từ nó.

Dạo gần đây chúng ta nghe nói tới ô tô tự lái, nhưng chắc còn rất lâu chúng ta mới nhìn thấy có xe không ai lái bon bon trên đường. Đường xá Việt Nam mình không có chuẩn mực gì cả nên cho dù công nghệ ô tô tự lái có phát triển tới đâu thì cũng cứ phải đợi hạ tầng giao thông theo kịp cái đã. Giả sử nếu có ô tô tự hành thì đường xá chắc buồn tẻ lắm, đấy là suy nghĩ của những người thích làm phá cách, thích đi nhanh hơn người khác bằng mọi giá. Tổng lợi ích sẽ lớn hơn nhưng được chia đều cho mỗi người.

Trong đầu tư cũng vậy, nếu không có lái thì tổng lợi ích là lớn nhất nhưng được chia đều, mà chia đều thì hầu hết mọi người đều không muốn, ai cũng muốn mình phải lãi hơn mức lãi trung bình.

Trong bất cứ một thị trường nào cũng có một nhóm đầu sỏ, trong làn khói thuốc và những li rượu đắt tiền, bàn bạc điều chỉnh thị trường theo những gì họ muốn. Bên cạnh nhóm đầu sỏ còn có các nhóm nhỏ khác có thể hoạt động độc lập phân chia bảo kê từng con phố. Thị trường chứng khoán có rất nhiều mã chứng khoán, có nhóm người dẫn dắt cả thị trường và cũng có nhóm người chỉ dẫn dắt một số mã. Chúng ta khó lòng làm tốt hơn họ, chúng ta chỉ muốn hiểu họ trong entry này.

Hiểu về mức giá trao đổi

Giá mỗi mét vuông trên Hàng Ngang trung bình khoảng 800 triệu/m2. Tại mức giá này gần như không có một giao dịch nào diễn ra, tại sao lại vậy? Phía bên bán có thể cho rằng 800tr là mức giá hợp lý nhưng phía bên mua thì cho rằng 500tr là mức hợp lý. Cả hai bên đều có lý do hợp lý cho tại sao họ để mức giá đó. Hai bên không gặp nhau tại mức giá chung vì vậy không có giao dịch nào diễn ra, không có thanh khoản -> Một hàng hóa nào đó được niêm yết một mức giá không có nghĩa rằng nó đang được giao dịch ở mức giá đó mà đó chỉ mức giá kỳ vọng của bên bán mà thôi.

Nếu như bạn sở hữu 10m2 đất ở Hàng Ngang thì đừng có tưởng bở rằng mình đang có 8 tỷ. Giá đó chỉ là giá danh nghĩa vì muốn bán được bạn phải để giá khác. Sở dĩ bạn có con số 800tr/m2 là vì bên bán giao bán chứ ít khi bên mua nào lại đăng trên trang mua bán rằng tôi muốn mua một mảnh đất giá 500tr. Nó giống với việc bạn mang con lợn éc ra chợ và đề giá là 10 tr với suy nghĩ khăng khăng rằng mình sẽ chỉ bán ở mức giá đó.

Trên sàn giao dịch bitcoin, sàn chứng khoán,…, giá khớp lệnh là giá của giao dịch thành công gần nhất giữa bên mua và bên bán. Sẽ có một lượng người bên mua, những con bò, đặt các mức giá thấp hơn giá đang khớp và một lượng người bên bán, những con gấu, đặt các mức giá cao hơn giá đang khớp.

Khi khoảng cách đặt giá giữa bên bán và bên mua quá xa nhau thì sẽ không có giao dịch nào thành công cả trừ khi một trong hai bên nhượng bộ, giống như tình huống cái nhà ở Hàng Ngang ở trên.

Bên bán kiếm lợi nhuận từ việc bán, bên mua kiếm lợi nhuận từ việc mua. Mỗi bên nhìn thái độ, hành vi của bên kia để quyết định điều chỉnh giá, giống như quá trình mặc cả bán con lợn ở ví dụ entry trước. Khi bạn đưa ra mức giá muốn bán là 1,1 triệu nhưng người trả giá cao nhất chỉ có 0,9 triệu. Bạn và người bán cao nhất có thể thi gan với nhau xem ai phải nhượng bộ, có thể hai người sẽ gặp nhau ở mức giá ở giữa 1 triệu hoặc cũng có thể gặp nhau ở mức giá 1,05 triệu hoặc 0,95 triệu.

Quá trình mua bán bitcoin, cổ phiếu, ngoại hối, vàng, nhà đất,… trên thị trường không khác gì quá trình mặc cả ở chợ. Khi số người bán quá nhiều thì tâm lý người bán sẽ là giảm giá vì sợ người khác bán được mất. Khi số người mua quá nhiều thì tâm lý người mua sẽ chấp nhận mức giá cao hơn vì sợ người khác mua mất. Bên bán sợ người khác bán được mà mình không bán được, bên mua sợ người khác mua được mà mình không mua được; hai bên giằng co nhau khiến cho giá trao đổi tăng hoặc giảm.

Trên đồ thị dưới tại điểm B giá mỗi bitcoin đang là 3.200 USD, điểm C giá là 4.800 usd. Giả sử đang có 1000 đồng bitcoin đang lưu hành trên thị trường, có phải khi giá tăng từ C tới D thì đã có 4.800 – 3.200 usd = 1.600 usd x 1000 = 1.600.000 usd đổ thêm vào thị trường? Tất nhiên là không rồi. Không phải là có thêm 1,6tr usd đổ vào thị trường mà đơn giản là đó là mức giá khớp của giao dịch mới nhất.

Giả sử một công ty có 1 triệu cổ phiếu, nếu giá mỗi cổ phiếu tăng từ 10.000 lên 11.000 đồng thì không phải có 1 tỷ đồng đã được thêm vào; đơn giản 11.000đ chỉ giá khớp của giao dịch mới nhất. Hôm nay nó lên 11.000 nhưng ngày mai có thể giảm xuống 9.000 khiến cho tài sản những người giàu nhất trên sàn chứng khoán liên tục thay đổi. Thực tế có thể chẳng đồng nào được rút ra hay đồng nào được thêm vào, đơn giản là bên mua và bên bán đang giằng co nhau ở mức giá đó.

Thông minh tài chính (P14 : Tâm lý bầy đàn trong đầu tư)

Một người bên bán hay một người bên mua đều có một ham muốn cháy bỏng là có thể định giá sẵn sàng mua hay bán của bên kia. Nếu bạn bán con lợn éc, căn nhà ở Hàng Ngang, quần áo thời trang, cafe,…bạn ước có thể định giá mà khách hàng sẵn sàng mua hàng của mình. Bảo họ mua 2 triệu một cái áo, họ cũng ok, bảo 3 triệu cũng ok, bảo 100 triệu cũng ok.

Nếu bạn có nhu cầu mua con lợn éc, căn nhà ở Hàng Ngang, quần áo, cafe,…thì bạn ước có thể định giá bên bán sẵn sàng bán. Bạn ước có thể mua 10 nghìn một cái áo, thậm chí 1000 đồng mỗi cái áo.

Giống như bạn có một thanh kiếm thần trong tay, định giá bán khi ở vế mua và định giá mua khi ở vế bán. Bạn sẽ giàu khụ trong khi thằng khác thì ngày một ngèo đi. Đó chính là hình ảnh của tổ lái. Ở đâu có giao dịch tài sản, ở đó có anh ý.

Thị trường giao dịch là một sòng bạc lớn

Tiếp mạch của entry về tâm lý bầy đàn, tâm lý là động cơ chủ đạo chi phối hành vi mua bán các nhà đầu tư trên thị trường. Nhà đầu tư càng nghiệp dư thì càng bị chi phối bởi yếu tố tâm lý. Thế nào là nghiệp dự? Ta hỏi ngược lại thế nào là Chuyên nghiệp? Chuyên nghiệp không hiểu đơn giản là bạn chỉ làm một công việc nào đó mà không làm công việc khác. Chuyên nghiệp có nghĩa là bạn cố gắng tìm tòi để làm một công việc nào đó chất lượng đỉnh cao. Bạn không cần phải dành toàn thời gian nhưng vẫn có thể trờ thành một người chuyên nghiệp cho một công việc nào đó. Từ bồi bàn, phụ bếp, trông xe, bảo vệ,….tới giao dịch viên, nhân viên bán hàng,…..luôn có sự phân cao thấp giữa người chuyên nghiệp và kẻ nghiệp dư.

Tương tự một nhà đầu tư nghiệp dư trên thị trường chứng khoán hay trên một thị trường tài sản đầu tư nào đó có thể vẫn là kẻ nghiệp dư cho dù anh ta ăn ngủ với nó.

Thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối forex, thị trường đồng tiền ảo,…có phải hoạt động như một casino không? Đúng, nó chẳng khác gì một casino, một trò cờ bạc. Tôi nhớ năm 2012 khi lần đầu tiên vào Casino ở Singapore trong một tour du lịch ngắn ngày, cảm giác đầu tiên là nó rất dễ thắng. Khi thử một hai ván đầu tiên thắng, nhưng sau đó không hiểu sao lại thua nhưng vẫn thấy rằng “đáng nhẽ mình đã thắng, lần sau mình sẽ thắng”.

Sắp tới các lễ hội tết, thể nào bạn cũng thấy các trò chơi cá cược như trò chơi tôm cua, trò đoán số 3 với số 8,…Nếu đứng ngoài nhìn cảm giác thắng chắc nhưng đánh thì lại thua. Đó là một đặc tính chung của những trò chơi cờ bạc, nếu như nhìn ngoài mà thấy khó thắng thì còn ai dám tham dự vào trò chơi nữa.

Khi nhìn biểu đồ giá bitcoin bạn có thấy dễ ăn không? Chuẩn, rất dễ ăn nhưng cứ thử tham gia bạn sẽ thấy cũng giống như vào casino, khi tham gia mới thấy không đơn giản như mình nghĩ. Tại sao có thể khi đứng ngoài bạn thử tham gia đầu tư bitcoin bằng tính toán lý thuyết thì dễ nhưng khi tham gia lại lỗ? Đều có lý do hết.

Tổ lái phải làm sao cho tài sản đó phải trông vô cùng ngon khi nhìn ngoài thì mới dụ được nhiều người chơi mới nhằm bù đắp cho người chơi cũ mải vui bỏ cuộc chơi hoặc đã bị vặt cho không còn đồng nào dắt túi.

 

Tổ lái, anh là ai?

Tổ lái có thể là bất cứ ai, họ sử dụng nhiều công cụ khác nhau để làm giá nhằm thu được lợi ích tối đa. Lái không hoạt động một mình mà còn phải kết hợp với chủ doanh nghiệp để có thể điều chỉnh các báo cáo tài chính, đưa ra các tin thất thiệt hay có lợi,…. Lái cũng phải có quan hệ với công ty chứng khoán vừa nhằm mục đích bảo mật tài khoản lưu ký của lái ở đó vừa để giúp quan sát diễn biến của các tài khoản của các nhà đầu tư khác.

Lái có quan hệ với các cơ quan nhà nước không? Cái này đụng tới chính trị nên không dám trả lời. Chỉ đơn giản thế này khi công ty quản lý vốn nhà nước muốn thoái vốn một doanh nghiệp nhà nước, họ cần nhất là gì? Họ cần nhất là giá tại thời điểm bán đấu giá càng cao càng tốt. Muốn giá nó tăng mà chỉ dựa vào hô hào hay dựa vào thực lực doanh nghiệp nhà nước (vốn đa phần là làm ăn thua lỗ) thì hơi khó. Thực sự nếu có sự cấu kết thì cũng tốt vì đó mang lại lợi ích cho ngân sách nhờ thoái vốn được giá cao.

Lái có nhiều loại, loại toàn thị trường, loại chuyên về nhóm cổ phiếu nào đó hoặc chuyên một cổ phiếu nào đó tùy vào năng lực và tham vọng của họ.

Lái muốn mua giá thấp và bán giá cao với khối lượng rất lớn trong khoảng thời gian đủ ngắn để còn có thể làm nhiều vòng kiếm được càng nhiều tiền càng tốt.

Thông minh tài chính (P8 : Sử dụng đòn bẩy tài chính)

Mua tài sản với giá thấp

Trong một xu hướng giá tăng, nhà đầu tư quyết định mua khi họ nghĩ rằng giá tài sản đó đang rẻ.

Giả sử điểm A là bắt đầu chu kỳ vặt lông mới của tổ lái. Lúc này với tiềm lực tài chính lớn tổ lái sẽ tăng cường mua vào; do lượng mua vào lớn nên áp đảo lực bán dẫn tới giá tăng. Do mỗi doanh nghiệp có hàng triệu, chục triệu cổ phiếu và giá mỗi cổ phiếu từ vài chục nghìn tới cả vài trăm nghìn đồng nên tiền phải có rất nhiều mới có thể làm được điều này. Tương tự với bitcoin, phải là người sở hữu rất nhiêu bitcoin hoặc có rất nhiều tiền mới làm được.

Lái có thể vừa tham gia vào bên bán vừa tham gia bên mua. Họ mua 1 tỷ usd bitcoin sau đó khi bitcoin về tài khoản có thể bán thì họ lại bán đi để có tiền, có tiền họ lại mua vào,….Cứ như vậy họ đẩy giá lên. Điều này giống như một cửa hàng quần áo tạo ra sự khan hiếm giả tạo bằng cách thuê nhiều người giả làm khách hàng vào mua hàng rồi lại tuồn hàng đó trở lại ở cổng sau. Khách hàng thấy hàng bán bay bay sợ rằng mình không kịp mua được món hời nên mua theo.

Trong xu thế giá tăng với thời gian dài, giống như đồng bitcoin, tâm lý của nhà đầu tư quan sát bên ngoài là cảm giác như mình chậm một chuyến tàu, nếu mình không lên tàu nhanh thì sẽ không được hưởng lợi. Một nhà đầu tư ban đầu có thể tỏ ra không quan tâm nhưng sau đó quan tâm rồi mua vào nhưng lúc này giá đã có thể rất cao rồi.

Trong một xu hướng giá giảm, nhà đầu tư có thể lo sợ rằng nó còn giảm tiếp vì vậy bán ra, lái sẽ mua vào từ từ cho tới khi đủ.

Bên cạnh việc dùng tiền để tăng lực cầu thì tổ lái sẽ truyền thông về một xu hướng tăng trên các diễn đàn, các trang web,…Các bài viết tốt sẽ ra dồn dập để củng cố niềm tin của người mua rằng giá sẽ còn tiếp tục tăng.

 Những kẻ nghiệp dư hành xử theo tâm lý hoặc cả những người chuyên nghiệp cũng có thể mắc lừa. Ngay cả khi họ hiểu rằng tăng là hành vi của lái thì họ vẫn mua vì nghĩ rằng mình có thể nương theo lái, lợi dụng lái.

Trong một xu hướng giá giảm các nhà đầu tư trên thị trường giả sử có thể giữ vững tâm lý vẫn có thể bắt buộc phải bán ra để trả nợ.

Ví dụ bạn mua một căn nhà với giá 1 tỷ đồng, dùng chính căn nhà đó để thế chấp vay ngân hàng 700 triệu (giả sử 70% giá trị tài sản là trần tối đa của ngân hàng). 1 tháng sau, giá trao đổi của căn nhà giảm xuống còn 800 triệu, lúc này trên danh nghĩ bạn chỉ được vay 70%x700tr= 490 triệu. Với khoản vay 700 triệu bạn đang đặt ngân hàng vào thế rủi ro không thu hồi được nợ, ngân hàng sẽ bắt bạn phải trả số tiền chênh lệch do tài sản đảm bảo của bạn giảm giá = 700 – 490 = 210 triệu hoặc phải bổ sung tài sản thế chấp tương ứng. Nợ xấu các ngân hàng hiện nay đều xuất phát từ việc tài sản đảm bảo bị giảm giá mà bên vay không trả nợ kịp so với tốc độ giảm giá của tài sản. Vì vậy, với các tài sản có rủi ro giảm giá cao ngân hàng sẽ để tỷ lệ cho vay thấp trong mức họ cảm thấy an toàn.

Đầu tư nói chung ít ai chỉ kinh doanh bằng vốn tự có của mình mà phải đi vay. Giả sử anh ta có 100 triệu thì anh ta sẽ vay thêm 100 triệu dùng chính tài sản mua được từ 100 triệu mình có làm tài sản đảm bảo cho 100 triệu vay. Khi cổ phiếu giảm giá cũng giống như nhà đất giảm giá, bạn sẽ phải nộp tiền vào tài khoản để cân bằng tỷ lệ vay, nếu không bên cho vay có thể bán cổ phiếu bạn đang nắm giữ bằng mọi giá. Khi toàn thị trường cùng giảm giá thì một lượng lớn người sẽ buộc phải bán cổ phiếu của mình đi, vô hình chung làm cho giá lại càng giảm vì lực cung thêm.

Trong trạng thái hoảng loạn toàn thị trường, giá trị trao đổi sẽ thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế của tài sản. Đây là lúc mà những người có tiền thu gom tài sản, họ làm giàu bằng cách mua tài sản với giá thấp hơn giá trị thực khi bên bán biết là mình bán hớ mà vẫn phải bán.

Bán tài sản với giá cao

Giá được đẩy lên có thể tới mức mà lái cho rằng phù hợp hoặc đẩy tới mức tối đa thể hiện bởi khối lượng giao dịch rất ít vì không còn nhiều người muốn mua. Giờ lái sẽ phải đẩy hàng ra từ từ vì nếu đẩy nhiều quá sẽ đánh động thị trường. Khi lái đẩy hàng thì giá cổ phiếu sẽ quay đầu giảm. Một lượng bên mua thấy giá rẻ vội mua vào, lái sẽ bơm ra từ từ cho đến khi bán hết.

Trong trường hợp lượng cổ phiếu bán ra quá lớn khiến cho giá giảm quá nhanh thì lái lại mua vào để làm tăng giá cổ phiếu. Một lượng cổ phiếu đã được quay vòng vì họ bán ở giá cao và mua vào ở giá thấp. Cứ như vậy cho tới lúc họ đã thoát hết hàng thì trò chơi kết thúc.

Đây chỉ là nguyên lý chung vì phương thức cực kỳ đa dạng. Lái có thể bình tĩnh thoải mái trong tình trạng tài sản họ đang nắm giữ giảm giá vì họ đủ sức chờ đợi. Nhà đầu tư thông thường khó bình tĩnh được lâu trước việc tài sản giảm giá hàng ngày thậm chí giá đứng yên cũng khiến họ sốt ruột.

Tương tự khi giá tăng lên thêm 10%, 20%; nhà đầu tư thông thường có thể mau chóng chốt lời bằng cách bán ra. Sau khi bán ra anh ta lại thấy giá vẫn đang tăng vì vậy lại mua vào với giá cao hơn tại thời điểm bán. Kết cục là anh ta vẫn có thể nắm tài sản ở giá đỉnh và thấy tài sản của mình thổi bay hàng ngày khi qua bên kia đỉnh.

Chẳng nhẽ các nhà đầu tư thông thường chịu để người khác lừa?

Đã tham gia đầu tư ai chẳng muốn có lợi nhuận; họ bằng tất cả những gì có trong tay để có thể kiếm được tiền cũng chẳng khác mấy với những người bước chân vào casino. Họ nhận thức rõ là để thắng là vô cùng khó nhưng họ vẫn hy vọng rằng mình sẽ thắng vì phần thưởng cho người thắng quá lớn.

Trên thị trường thậm chí có những mã cổ phiếu mà được công nhận công khai là cổ phiếu đầu cơ. Các nhà đầu tư nhận thức được mình đang chơi một trò chơi mà đối thủ là những người rất nhiều năm kinh nghiêm, có nhiều công cụ trong tay và dành toàn thời gian cho việc đó. Họ cố gắng theo chân lái để theo đóm ăn tàn, hy vọng mình có thể múc giá tốt cho dù cao hơn lái và bán tốt cho dù chậm hơn lái.

Trên thị trường có hai trường phái là đầu tư cơ bản nhắm tới việc phân tích doanh nghiệp xem có đáng để đầu tư không giống như loạt bài ở phần 12 và 13 ta đã làm. Loại thứ hai là phân tích kỹ thuật, sử dụng các công cụ phân tích phức tạp để phân tích đồ thị giá nhằm dự đoán tương lai. Không những thế trên thị trường có hẳn trường phái chiêm tinh, xem sự dịch chuyển của các vì sao để dự đoán những diễn biến trong tương lai. Mỗi nhà đầu tư tùy thuộc vào đặc điểm của mình, mức độ chấp nhận rủi ro và tham vọng của mình để lựa chọn trường phái thích hợp bên cạnh có thể vẫn nghiên cứu các trường phái khác để có thêm cơ sở dự đoán.

Vì phân tích kỹ thuật đơn giản giống như phân tích toán học nên trên thị trường cũng tồn tại các phần mềm tính toán tự động. Nhà đầu tư chỉ việc mua nó, cho dữ liệu đầu vào và nó sẽ phán hôm nay mua gì, bán gì.

Tóm lại, nhà đầu tư ngày nay họ có rất nhiều các công cụ khác nhau. Vấn đề lớn là trên thị trường đã có người thắng thì phải có người thua. Giống như là một trò chơi đánh đến chết, bất kể trình độ người chơi ra sao thì kết cục cuối cùng vẫn chỉ là một người thắng. Khi nhà đầu giỏi lên thì lái cũng phải giỏi theo.

Khi chơi đánh bạc, người chơi có được cảm xúc vừa mạo hiểm, vừa sợ hãi, vừa sung sướng,..khi họ thua họ lại tiếp tục kiếm tiền cho vào, cứ vậy cho tới khi quá chán nản rời bỏ thị trường. Bù vào chỗ trống đó là những người chơi mới với tâm trạng phấn khích cùng rất ít kinh nghiệm chinh chiến. Chơi một thời gian họ có được kinh nghiệm nhưng tiền cũng đã hết. Rất ít người có thể kiên trì sống được với thị trường chứng khoán lâu dài.

Thị trường chứng khoán, thị trường tiền ảo, thị trường vàng, thị trường nhà đất,….tất cả đều có chung một quy luật là nếu bạn không đủ thông minh, kiên nhẫn và chế ngự được lòng tham thì bạn sẽ là người thua cuộc.

Chu kỳ tích lũy tư bản lần 4 – Châu Á

Bài viết trên cafef 23/12/2018 về sự điên loạn của bitcoin

Bắt đầu lúc rạng sáng ngày 22/12 theo giờ UTC, tức khoảng 7 giờ sáng theo giờ Việt Nam, Bitcoin bắt đầu có những biến động với biên độ cao. Vào lúc 3h20 theo giờ UTC (10h20 theo giờ Hà Nội), Bitcoin tụt xuống 13.664.72 USD/coin dù vài ngày trước đó, đồng tiền số này xác lập đỉnh với giá gần 20.000 USD/coin.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là điểm khởi đầu.

Khi Bitcoin phục hồi trở lại ngưỡng 15.000 USD/coin trong hơn một tiếng sau đó, nhiều nhà đầu tư đã thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, cú trượt dốc kinh hoàng bắt đầu không lâu sau đó. Sau khi chạm ngưỡng 14.960 USD/coin vào lúc 5h05, Bitcoin bắt đầu trượt dốc dài với những lần chọc thủng đáy liên tiếp.

Sự biến động lên tới đỉnh điểm khi Bitcoin tụt xuống còn 10.891,32 USD/coin vào lúc 14h22 (21h22 theo giờ Hà Nội). Nếu so với đỉnh gần 20.000 USD/coin được xác lập vài ngày trước đó, ở thời điểm giá chạm đáy ngắn hạn, Bitcoin đã mất tới gần một nửa giá trị. Đó cũng là cú sốc lớn nhất mà các nhà đầu tư phải đương đầu trong 24 giờ điên loạn.

Biến động giá của Bitcoin trong ngày 22/12 theo giờ UTC. Ảnh: Coindesk

Từ đáy 10.891.32 USD/coin Bitcoin từng bước phục hồi dù nhiều lần tăng giảm liên tiếp. Đến 23h cùng ngày, Bitcoin một lần nữa tiến sát đỉnh 15.000 USD/coin. Tuy nhiên, sau một phút ngắn ngủi, đồng tiền số này tiếp tục giảm giá và tụt xuống dưới 14.000 USD/coin trước khi kết thúc một ngày điên loạn, với những biến động kinh hoàng về giá.

Sự biến động với biên độ cực lớn là điều các nhà đầu tư vào Bitcoin có lẽ đã khá quen thuộc. Không giống với các thị trường chứng khoán, Bitcoin không có các quy tắc “ngắt mạch”, yếu tố quan trọng để ngăn chặn khủng hoảng khi các nhà đầu tư đồng loạt bán ra. Chính vì thế, sau mỗi lần giảm sốc, giá Bitcoin có thể ngay lập tức tăng trở lại. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào niềm tin của các nhà đầu tư.

Chris Weston, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại IG Markets ở Sydney, nhận định, việc các nhà đầu tư cùng chia sẻ cảm xúc, sợ mất tiền lúc Bitcoin tụt giá hay sợ mất hàng lúc Bitcoin lên giá chính là yếu tố dẫn tới những biến động mạnh mẽ của đồng tiền số này. Bitcoin hay bất cứ đồng tiền số nào đều có thể tăng giá không có mức trần nhưng sẽ tụt giá không có giới hạn.

Tính tới 10h ngày 23/12 theo giờ Hà Nội, Bitcoin đang được giao dịch với giá 14.340,33 USD/coin. Những biến động về giá vẫn tiếp diễn nhưng có biên độ nhỏ hơn rất nhiều so với ngày hôm qua. Mở đầu ngày 23/12 theo giờ UTC, Bitcoin được giao dịch với giá 13.857,15 USD/coin trong khi giá giao dịch thấp nhất là 13.655,92 USD/coin.

Comments

comments

2 COMMENTS

    • Hôm nay 7/2 lại quay lại mốc 7000usd cùng sự hồi phục của các chỉ số chứng khoán thế giới rồi em. Thế giới vừa trải qua 2 ngày 5/2 và 6/2 hoảng loạn.

Leave a Reply to Anonymous Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here