Thông minh tài chính (P12-8 : Báo cáo lưu chuyển tiền tệ)

0
9259

Báo cáo tài chính của Vingroup được dùng để làm ví dụ bạn cần phải tải về để hiểu entry này: VIC_17Q2_BCTC_HNSX

Báo cáo tài chính bao gồm Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Mỗi một báo cáo đều có vai trò của nó mà để hiểu được mọi góc cạnh của DN đòi hỏi phải đọc cả 3 loại báo cáo này.

Thời điểm ghi nhận doanh thu là thời điểm xuất hóa đơn tài chính nhưng thực tế là bên mua thanh toán cho bên bán vào một thời điểm sau đó, có thể vài tháng, vài năm hoặc thậm chí không bao giờ. Điều này dẫn tới việc trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có lãi nhưng thực tế lỗ. Tương tự khi doanh nghiệp mua hàng từ công ty A, tiền có thể chưa thanh toán hết nhưng đã có hàng trong kho thậm chí đã bán ra rồi.

Bảng cân đối kế toán lại chỉ là một ảnh chụp của một thời điểm mà không nói được trong giai đoạn đó những gì đã diễn ra cụ thể. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thể hiện dòng chảy tiền vào và ra doanh nghiệp. Giống như Báo cáo kết quả hoạt động KD, nó là báo cáo cho một giai đoạn.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thống kê các khoản chi ra và các khoản thu vào từ đó nắm được DN thu về thực sự là bao nhiêu tiền trong kỳ.

Bảng lưu chuyển tiền tệ bao gồm 3 phần :

  • Lưu chuyền tiền từ hoạt động kinh doanh
  • Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư
  • Lưu chuyển tiền từ hoạt đồng tài chính

1.Lưu chuyển tiền từ hoạt đồng kinh doanh

Cơ sở bắt đầu từ Lợi nhuận trước thuế (mục 01) là 3.141 tỷ ( mục 01 trong bảng). Sau đó cộng vào tổng các mục điều chỉnh (từ 02 tới 06). Mục Lợi nhuận từ hoạt động KD trước thay đổi vốn lưu động ( mục 08) sẽ bằng tổng của toàn bộ các mục trên. Những số trong ngoặc là số âm.

Mục “Khấu hao… bao gồm lợi thế thương mại” (mã 02) được giải thích ở trang 93. Khấu hao này cho vào chi phí nhưng thực tế không hề có dòng tiền ra vì vậy nó được cộng bổ sung vào lợi nhuận trước thuế (ta để ý là trong chi phí có chi phí khấu hao).

Mục “Các khoản dự phòng” (mã 03) là chi phí dự phòng trước đó nhưng thực tế là không chi.

Lỗi (lãi) chênh lệch tỷ giá xuất phát từ việc thay đổi tỷ giá khi đồng ngoại tệ biến đổi. Ví dụ kỳ trước DN mua hàng bằng USD nhưng bên bán cho nợ. DN không thể ghi nợ trong tài khoản là 1 triệu usd được mà phải sử dụng một tỷ giá tạm tính. Nhưng tới lúc thanh toán thì tỷ giá lại tăng lên ( ví dụ từ 22.700 thành 22.800), tạo thành một khoản chênh 100đ cho mỗi usd.

Lãi từ hoạt động đầu tư bao gồm nhiều khoản nhỏ: Tài sản trên sổ sách là 10 đồng, đến khi bán ra chỉ được 8 đồng, tạo thành một khoản chênh lệch….

Tổng toàn bộ từ 1 tới 6 ta có được  số tiền “Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thay đổi vốn lưu động” (Mục 8).

Trong nhóm này ta chú ý khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất là “Khấu hao tài sản ” lên tới 2000 tỷ. Số tiền mua tài sản thực chất là đã bỏ ra từ rất lâu, dòng tiền đã chảy ra tại thời điểm đó. Trong suốt quá trình tài sản được sử dụng nó được trừ khấu hao hàng năm, chi phí khấu hao có nhưng không có tiền chảy ra.

Mục “khấu hao…” này thể hiện công ty mất bao nhiêu tiền để duy trì doanh nghiệp hàng năm. Trong cùng một ngành, hai công ty tương đương nhau, công ty nào có khấu hao tài sản thấp hơn có nghĩa là nó mất ít tiến hơn để duy trì.

Lợi nhuận của VIN hơn 3000 tỷ nhưng mất tới 2000 tỷ tương ứng với 60% cho khấu hao là con số rất lớn. Tuy nhiên rất nhiều tài sản của VIN hết khấu hao vẫn dùng tốt như đất đai, nhà cửa,…Tới một lúc nào đó tài sản khấu hao hết nhưng vẫn được sử dụng thì nó sẽ làm tăng lợi nhuận thuần thực sự (vì không còn khoản trừ khấu hao nữa). Nếu tài sản là dây chuyền sản xuất thì rủi ro rất lớn vì khi khấu hao hết cũng có khi là lúc phải sắm một dây chuyền mới.

Tiếp đến mục Tăng các khoản phải thu ( 09) là khoản mà DN cho bên khách hàng nợ. Tiền có ghi trên giấy tờ nhưng thực tế thì chưa về tài khoản của DN. Giống như việc bạn bán một lô áo cho khách với giá 1 trăm triệu nhưng cho nợ 1 tháng. Các mục từ 9 tới 15 tên gọi khá dễ hiểu. Mục 09 này rất quan trọng; mục 09 chiếm tỷ lệ lớn trong nhiều kỳ liên tiếp có nghĩa rằng DN đang bán hàng dựa quá nhiều vào việc cho khách hàng nợ. Nếu soi vào khả năng thanh toán của khách hàng sẽ xét được rủi ro trong thu hồi công nợ của DN.

2. Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư:

Trong kỳ Vin bỏ ra 8.652 tỷ để bổ sung tài sản cố định và dài hạn khác, chiếm gần 300% so với lợi nhuận. Nó thể hiện VIN đang trong quá trình đầu tư. Nếu một DN đang trong quá trình thu hẹp thì khoản này thấp và khoản thanh lý nhượng bán sẽ chiếm tỷ trọng nhiều.

Tiêu chí cho đầu tư góp vốn (mục 25) được giải thích tại trang 94.

Cộng dồn từ 21 tới 27 ta có mục 30 là lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư thể hiện chênh lệch giữa ra và vào lên tới 12 nghìn tỷ.

3.Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính

Mục 31 khoản tiền thu vào từ phát hành cổ phiếu. Mục 33 tiền vào nhờ đi vay. Mục 34 mục ra vì trả nợ. Mục 36 tiền ra do trả cổ tức. Tổng từ 31 tới 36 bằng mục 40 Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính.

Tổng ba mục Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính ta có mục 50 là âm 301 tỷ. Thời điểm đầu kỳ VIN có 9.833 tỷ vì vậy kết quả có mục 70 là tổng số tiền mà VIN đang có. Tăng so với cùng kỳ (30/6/2016) là 5000 tỷ.

Trong 3 nhóm này thì nhóm 2 và 3 bản chất là nếu tăng kỳ này thì giảm ở kỳ tương lai và ngược lại. ví dụ nếu kỳ này vay 10 nghìn tỷ thì một lúc nào đó trong tương lai sẽ phải có khoản trả 10 nghìn tỷ. Đã có thanh lý tài sản thì có mua mới tài sản và ngược lại. Đã có lãi từ việc cho vay thì phải có lỗ từ việc đi vay.

Trọng tâm là Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh vì đó chính là khả năng sinh tiền thực tế của DN. Mục 20 của VIN đang là 8000 tỷ; không phải đó là số tiền lợi nhuận trong kì mà bao gồm cả những khoản phải thu ,các khoản phải trả,…Nhưng nếu như đều đặn kỳ nào VIN cũng là số dương có nghĩa là vẫn có dòng tiền đổ vào thì đó là điều tốt. Nếu như nhiều kỳ liên tiếp là số âm có nghĩa là dòng tiền đang chảy ra, DN sẽ phải đi vay tiền để tạo ra dòng tiền chảy vào bù đắp.

Tiền và tương đương tiền cuối kỳ có thể vẫn dương nhưng hoạt động KD của DN có thể đang dựa vào các khoản vay. Hoặc tiền cuối kỳ có thể giảm xuống kỳ trước cũng không hẳn là xấu vì có thể DN đã trả các khoản vay của mình trong kỳ đó.

Dòng chảy của tiền phải được lưu thông. Ngưng trệ sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của công ty. Ví dụ:

  • DN A ký một hợp đồng cung cấp máy tính 100 tỷ cho DN B với điều khoản công nợ 1 tháng kể từ ngày giao hàng.
  • DN A ký một hợp đồng 80 tỷ với hãng DELL với điều khoản thanh toán ngay.

Giả sử hai hợp đồng ra vào này ký cùng trong một ngày. Do hợp đồng với DELL đòi hỏi phải thanh toán ngay nên DN phải có tiền, có thể là đi vay ngân hàng 80 tỷ (lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính). 2 tháng sau hàng mới về tới kho, DN A bàn giao hàng cho DN B. 1 tháng kể từ ngày giao hàng, DN B vẫn không chịu trả nợ trong khi kế toán của DN A lại đang xây dựng kế hoạch trên giả định DN B sẽ thanh toán đúng hạn. Lúc này DN A sẽ gặp vấn đề như chậm trả lương, thanh toán không đúng hạn với nhà cung cấp,…Dòng chảy của tiền bị đứt đoạn ảnh hưởng tới hoạt động của công ty.

Túm lại, giống như bể nước trong nhà bạn. Nước còn chảy ra khi mà vẫn có nước chảy vào. Không có nước chảy ra thì không đánh răng, rửa mặt và nấu ăn được. Cuộc sống sẽ đảo lộn.

Vay ngắn hạn cho các khoản chi dài hạn, rủi ro dòng tiền

Thị trường chứng khoán nằm trong thị trường vốn phục cho các khoản vay dài hạn của DN. Ngân hàng nằm trong thị trường tiền tệ phục vụ cho các khoản vay ngắn hạn của DN. Thị trường chứng khoán + Ngân hàng là các thành phần quan trọng nhất của thị trường tài chính cung cấp các khoản vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho DN.

Trong thực tế ở Việt Nam, Doanh nghiệp chủ yếu vay ngân hàng cho cả vốn trung và dài hạn vì khi chưa niêm yết trên sàn chứng khoán rất khó để phát hành cổ phiếu hay bán trái phiếu doanh nghiệp. Ngay cả với VIN là DN rất lớn thì Nợ ngắn hạn của Vin là 112 ngàn tỷ chiếm tới 75% tổng nợ và chiếm 58% tổng nguồn vốn .. Ở bên tài sàn, tài sản ngắn hạn là 93 nghìn tỷ trên tổng tài sản 193 nghìn tỷ ~ 50%.  Như vậy có ít nhất 8% tài sàn dài hạn đang được nuôi bởi các khoản vay ngắn hạn. Trong kỳ VIN vay mới 10.000 tỷ và trả nợ 5000 tỷ ( thể hiện ở báo cáo lưu chuyển tiền tệ).

Doanh nghiệp như vậy dẫn tới ngân hàng cũng thế, đầu vào ngân hàng huy động tiền gửi chỉ có 15% là trung và dài hạn nhưng cho vay ra chiếm 80% là trung và dài hạn. Việc lấy ngắn nuôi dài ẩn chứa nhiều rủi ro vì cho vay ra tới hạn mới đòi được trong khi tiền gửi đầu vào có thể rút ra bất cứ lúc nào.

Để quản lý rủi ro, ngân hàng nhà nước chỉ cho phép ngân hàng thương mại được dùng không quá 50% của huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn (quy định 60% trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014; giảm xuống 50% trong thông tư 06/2016/TT-NHNN). Vì vậy điều kiện cho vay dài hạn rất khó khăn, DN buộc phải vay ngắn hạn để trả cho các khoản dài hạn (mà không thể vay dài hạn để trả cho các khoản dài hạn). Ví dụ vay ngắn hạn để mua dây chuyền máy móc trong khi đáng nhẽ vay ngắn hạn chỉ phục vụ cho tài sản ngắn hạn như nguyên vật liệu,,..

Khi thị trường chứng khoán phát triển tốt, các doanh nghiệp lên sàn. Tại đó tùy vào năng lực của mình mà DN có thể huy động được các nguồn vốn dài hạn giúp cho việc sản xuất kinh doanh được ổn định. Ngân hàng sẽ hoạt động ít rủi ro hơn so với bây giờ.

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here