Thông minh tài chính (P12-5 : Bảng cân đối kế toán- Nợ, Khấu hao và Lợi thế thương mại)

3
8242

Báo cáo tài chính của Vingroup được dùng để làm ví dụ bạn cần phải tải về để hiểu entry này: VIC_17Q2_BCTC_HNSX

Trong entry phần 4 trình bày về Tiền mặt và hàng tồn kho. Tiền mặt bao gồm tiền vật chất trong két sắt, tiền gửi ngân hàng, vàng,…Túm lại là bao gồm Tiền và những thứ tương đương với tiền (mất rất ít thời gian để chuyển thành tiền).

14. Khoản phải thu thuần

Khi bạn mua hàng ở siêu thị Vinmart, bạn đưa tiền và nhận hàng. Hoạt động trao đổi này diễn ra đồng thời, không có tiền thì đừng mơ vác hàng ra khỏi siêu thị. Nhưng nếu bạn mua nhà Vinhome riverside 😛 chẳng hạn thì có thể Vin sẽ cho bạn trả góp. Số tiền trả góp đó thường là Vin sẽ bán cho ngân hàng luôn để ngân hàng tự quản lý nợ cho chuyên nghiệp. Hoặc Vin tự mình quản lý nợ, nó trở thành khoản phải thu trên bảng cân đối kế toán.

Cho nợ là một trong những “ưu đãi” mà bên B dành cho bên A. Doanh nghiệp càng có lợi thế cạnh tranh tốt càng ít phải sử dụng tới yếu tố này vì nó là con dao hai lưỡi. Khoản phải thu có thể trở thành nợ khó đòi (nợ xấu).

Trong Bảng cân đối kế toán, các khoản phải thu bao gồm khoản phải thu ngắn hạn nằm trong tài sản ngắn hạn và các khoản phải thu dài hạn nằm trong tài sản dài hạn. Nó cũng tuân theo quy tắc phải thu ngắn hạn là khoản phải thu có thời gian tới hạn thanh toán dưới 1 năm, và dài hạn là trên 1 năm.

Một doanh nghiệp càng ít lợi thế cạnh tranh càng phải xuống nước với người mua, giao hàng trước và cho họ nợ một thời gian. So sánh các doanh nghiệp cùng ngành sẽ biết DN nào có lợi thế hơn DN nào.

Trong khoản phải thu có khoản gọi là nợ xấu. Khoản này có rủi ro mất trắng vì vậy lấy Khoản phải thu – Nợ xấu ta có Khoản phải thu thuần. DN dự phòng tiền mất đó trong khoản 137.Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi

Trong bán hàng, để chắc chắn rằng nợ có thể thu hồi, bên bán thường yêu cầu bên mua làm bảo lãnh thanh toán do một ngân hàng cấp để chắc chắn rằng khi tới hạn thanh toán nếu bên mua không trả tiền thì bên bán có thể đòi tiền từ ngân hàng. Những khoản phải thu có bảo lãnh rất ít khi thành nợ xấu.

Giả sử trong ví dụ bán áo ở entry trước. Bạn mua cái áo giá 10.000 đồng và bán nó với giá 15.000, lãi 5000 đồng. Nhưng bạn lại cho khách hàng nợ; lúc này trên sổ sách có tài sản 15.000 đ với khoản LN gộp 5000 đ nhưng có rủi ro rằng khách hàng sẽ quỵt nợ khiến bạn mất trắng 15.000 đ.

Các khoản dự phòng trong đó có dự phòng các khoản phải thu khó đòi là nơi cất giấu lợi nhuận cực tốt, giúp chuyển lợi nhuận từ kỳ trước sang kỳ sau hoặc ngược lại. Một doanh nghiệp lỗ có thể do trích lập dự phòng quá nhiều hoặc lãi nếu không trích lập dự phòng tương ứng với khoản phải thu đang có nguy cơ mất trắng.

Trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh không thể hiện điều này. Vậy bằng nghiệp vụ kế toán người ta có thể khiến một DN từ lãi thành lỗ và từ lỗ thành lãi vì một mục đích nào đó. Tất nhiên thực tế chỉ có một, chẳng có DN nào vừa lãi vừa lỗ cả.

Ví dụ:

Doanh nghiệp A ký HĐ với Doanh nghiệp B hợp đồng có giá trị 100 tỷ nhưng ghi tăng giá trị lên 130 tỷ. DN A lợi nhuận gộp thêm 30 tỷ và DN B chi phí thêm 30 tỷ. Ghi nhận doanh thu tại thời điểm hóa đơn được xuất (chứ không phải lúc tiền về tài khoản). Hóa đơn được xuất vào 11/2016. Trên báo cáo tài chính 2016 của DN A các cổ đông đều phấn khởi vì lợi nhuận bỗng tăng đột biến nhờ 30 tỷ.

Tới tháng 2/2017, DN B chỉ trả cho DN A 100 tỷ, 30 tỷ trở thành nợ xấu của DN A, nó sẽ được trừ vào lợi nhuận của năm 2017. Một khoản lợi nhuận đã được chuyển từ năm 2017 sang năm 2016. Còn tại sao lại làm thế ? Có thể là để lách thuế thu nhập doanh nghiệp, làm giàu năng lực kinh nghiệm của DN hoặc đơn giản là lừa phỉnh mấy nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Phải thu của khách hàng thể hiện năng lực đàm phán ở đầu ra của doanh nghiệp. Ở phía đầu vào ta có mục tương tự Trả trước cho người bán. Ví dụ doanh nghiệp mua nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu chưa nhận được nhưng DN đã phải tạm ứng ra rồi. Trả trước cho người bán càng thấp càng thể hiện năng lực đàm phán đầu vào tốt. Tất nhiên năng lực đàm phán phụ thuộc rất lớn vào thế đàm phán của DN đang ở đâu. Một DN độc quyền mua có lợi thế đàm phán rất lớn trước nhà cung cấp. Một DN độc quyền bán có lợi thế đàm phán lớn trước khách hàng. Thật tuyệt vời nếu một DN vừa ở thế độc quyền mua vừa ở thế độc quyền bán.

15. Hệ số thanh toán ngắn hạn

Hệ số thanh toán ngắn hạn = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn = 93.085/112.599 = 0,82

Hệ số này thể hiện tính thanh khoản của DN. Hệ số lớn hơn 1 là tốt, nhỏ hơn 1 có nghĩa là DN có rủi ro về thanh khoản. Để tăng hệ số này doanh nghiệp thường giữ lại tiền cổ tức của cổ đông bằng cách chậm trả cổ tức tiền mặt hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Nhìn bảng lịch sử trả cổ tức của Vingroup ta thấy đã từ rất lâu rồi cổ đông của Vin không được nhận cổ tức tiền mặt mà toàn bằng cổ phiếu. Nó lý giải một phần tại sao Vin lắm tiền để mà cùng lúc khởi công nhiều dự án tới vậy.

DN trả cổ tức bằng cổ phiếu là pha loãng cổ phiếu ra. Thực chất tỷ trọng sở hữu của ông A không hề thay đổi trước và sau khi được trả bằng cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu tăng lên nhưng giá trị mỗi cổ phiếu lại giảm xuống.

Ta nhớ lại rằng một người mua cổ phiếu của một công ty không chỉ nhằm nhận cổ tức mà là chênh lệch giữa thời điểm mua và thời điểm bán cổ phiếu đó. Khi DN pha loãng cổ phiếu thì giá cổ phiếu đó sẽ sụt giảm tương ứng với tỷ lệ pha loãng nhưng sau đó một thời gian lại như chưa từng có cuộc chia ly, giá lại về mức cũ. Tỷ lệ chia bao giờ cũng rất hào phóng. Ví dụ tỷ lệ 1000:225 có nghĩa là với mỗi 1000 cổ phiếu sở hữu, một cổ đông sẽ có thêm 225 cổ phiếu, tỷ lệ 22,5%. Tất nhiên Vingroup phải chứng minh rằng mình có tiềm lực, có tương lai phát triển tuyệt vời, đôi khi để làm điều này cũng chỉ cần trả tiền cho vài bài báo. Và bản thân lý do lấy lợi nhuận để tái đầu tư nhằm mang lại lợi nhuận cao hơn trong tương lai đầy sức thuyết phục.

16. Khấu hao tài sản cố định

Tài sản cố định nằm trong mục Tài sản dài hạn. Nó là nhà xưởng máy móc, phương tiện, thiết bị văn phòng,….(các tài sản phải khấu hao lớn hơn 1 năm)

Tài sản cố định nhiều không phải là tốt vì nó đi liền với khấu hao

Quyền sử dụng đất, quyền phân phối, bản quyền phần mềm nằm trong mục tài sản vô hình, bạn tra mục 15.Tài sản vô hình trong báo cáo tài chính  của Vingroup  VIC_17Q2_BCTC_HNSX

Một Doanh nghiệp sản xuất mỳ gói chẳng hạn nhập một dây chuyền máy móc thực hiện khấu hao trong 10 năm. Sẽ chẳng có vấn đề gì cả nếu hết 10 năm máy móc đó vẫn dùng tốt, DN vẫn sản xuất được các gói mì tồm. Nhưng nếu như công nghệ sản xuất thay đổi quá nhanh, dự định khấu hao 10 năm nhưng tới năm thứ 5 doanh nghiệp đã phải mua dây chuyền sản xuất mới thì đó thật là thảm họa.

Một doanh nghiệp sản xuất một mặt hàng ổn định có lợi thế rất lớn vì nó chẳng cần phải thay thế máy móc ví dụ như các lon coca-cola mấy chục năm qua vẫn thế. Nhưng nếu là sản xuất máy tính, tivi, tủ lạnh,….thì công nghệ thay đổi rất nhanh dẫn tới DN phải rút ngắn thời gian khấu hao tương ứng với chu kỳ đổi mới sản phẩm.

Bảng chính sách khấu hao mà VIN lựa chọn cho thấy thời gian khấu hao của tài sản trải dài. Vin thuê các nhà thầu thực hiện các dự án bất động sản của mình, đó là Contecon, Hòa bình, REE,..nó không sở hữu máy cẩu, máy xúc,…Trong 30.000 tỷ tài sản cố định của mình thì Vin có tới 20.000 tỷ là nhà cửa.

17. Lợi thế thương mại

Vin là một tập đoàn lớn để mở rộng theo chiều dọc nó mua các nhà cung cấp, các nhà phân phối. Để mở rộng theo chiều ngang nó không mất công làm mới từ đầu mà mua luôn DN trong ngành đó. Ví dụ để cấp hàng cho VinDS, VIN mua luôn công ty sản xuất thời trang, ví dụ như mua Công ty TNHH một thành viên thời trang dệt may Việt Nam. Giả sử giá trị số sách của công ty này là 200 tỷ nhưng Vin mua nó với giá 217 tỷ thì điều gì sẽ xảy ra?

Khi tiến hành mua xong, toàn bộ giá trị sổ sách của DN dệt may này được nhập vào tập đoàn đúng bằng 200 tỷ (chứ không phải 217 tỷ). 17 tỷ này hạch toán vào đâu? Vào mục Lợi thế thương mại.

Khi bán một DN, sẽ có một công ty thẩm định giá định giá doanh nghiệp đó. Nó tính toán giá của tài sản cố định, tài sản vô hình,…và đưa ra một mức giá. Hoặc đơn giản hơn, lấy Tổng tài sản trừ đi nợ phải trả sẽ ra tài sản thuần là giá trị sổ sách của DN. Vậy nếu Vin mua với giá bằng hoặc thấp hơn thì sẽ tốt hơn chứ? tại sao lại mua với giá cao hơn ? Câu trả lời rất đơn giản, vì DN có tài sản nào đó không được định giá, tài sản đó có thể ngay lập tức mang lại giá trị hoặc là lợi thế kinh doanh trong tương lai.

Hoặc cũng có thể VIN rất muốn mua doanh nghiệp trong khi chủ của nó lại không thực sự muốn bán dẫn tới Vin phải trả giá cao hơn giá trị thực.

Sẽ là tốt hơn nếu VIN mua DN với mức giá thấp hơn giá trị sổ sách của DN, có thể do chủ DN kia rất mót bán mà chỉ có mỗi VIN muốn mua. Lúc này nó sẽ tạo ra một số âm trong mục Lợi thế thương mại.

Theo thông tư 21/2006/TT-BTC: Lợi thế thương mại được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai với thời gian tối đa không quá 10 năm. Trong hình, công ty dệt may có lợi thế thương mại 17 tỷ đầu kỳ, tới cuối kỳ nó chỉ còn 12 tỷ.

Tương tự nếu như Lợi thế thương mại là số âm thì DN sẽ phân bổ nó vào thu nhập trong tương lai với thời gian tối đa không quá 20 năm.

Từ “Lợi thế” rất dễ gây hiểm nhầm rằng lợi ích, số càng cao càng tốt. Nhưng xét định nghĩa nó không phải là tốt, nó là khoản chi phí tiềm tàng trong tương lai nếu là số dương và là thu nhập tiềm tàng trong tương lai nếu là số âm.

Doanh nghiệp nhỏ thường không tiến hành hoạt động mua bán doanh nghiệp vì vậy mục Lợi thế thương mại trên Bảng cân đối kế toán của DN là 0 đồng. Với một tập đoàn có hoạt động mua bán thường xuyên thì nếu như Lợi thế thương mại có thay đổi tăng giảm không đáng kể giữa kỳ này với kỳ trước thì có nghĩa rằng giai đoạn đó DN không tiến hành hoạt động mua bán DN nào.

Thông minh tài chính (P12-6 : Bảng cân đối kế toán- Giá trị thương hiệu)

Comments

comments

3 COMMENTS

  1. “Một doanh nghiệp càng ít lợi thế cạnh tranh càng phải xuống nước với người “BÁN” “. phải sửa lại là người MUA chứ.
    Thanks bài viết của a. Dũng!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here