Tài chính và tiền tệ (P1: Tiền)

9
17693

Trước đây đã có 4 entry chủ đề về tiền. Đây là các entry viết khá dễ hiểu, không đòi hỏi kiến thức cơ bản gì.

Entry này sẽ viết về tiền với ngôn ngữ chuyên môn hơn nên sẽ có một số khái niệm bạn gặp sẽ phải tự tra google để tìm hiểu.

Trong sơ đồ về dòng lưu chuyển trong nền kinh tế ta thấy có hai dòng lưu chuyển chính là 1.Dòng tiền và 2.Dòng vật chất (hàng, dịch vụ, nhân tố đầu vào).

Mo hinh dong luan chuyen KT

Tiền đóng vai trò là vật trung gian trong trao đổi, là một phương tiện thanh toán. Nếu thiếu tiền thì dòng vật chất không thể lưu thông trơn tru được mà thừa tiền thì cũng không được.

Tiền được phát minh từ thời nguyên thủy nhưng được rõ ràng hơn khi Karl Marx  (1820-1895) đưa ra nhận đình là sự phát triển của tiền gắn liền với sự hình thành và phát triển của nền sản xuất. Marx là người do thái và ông có rất nhiều dấu ấn trong kinh tế học nhưng thường được biết tới là cha đẻ của lý thuyết về chủ nghĩa xã hội.

Kinh tế học: Mặt đối lập của Adam Smith

Theo Marx tiền được phát triển qua 4 thời kỳ:

1. Hình thái giản đơn: hình thành trong giai đoạn Công xã nguyên thủy với việc lấy hàng đổi hàng. Ví dụ như anh săn được con hươu, tôi hái được mớ rau; chúng ta cùng đổi cho nhau để anh có thịt ăn mà tôi thì cũng có rau ăn.

2. Hình thái giá trị mở rộng: khi trình độ sản xuất phát triển, hàng hóa sản xuất ra dư thừa nhiều, người ta cũng vẫn hàng đổi hàng nhưng một hàng có thể đổi nhiều hàng. Ví dụ như cân thịt lợn mà tôi nuôi được có thể đổi lấy rau, lấy dao kéo,….Nói chung là mọi trao đổi đều chỉ mang tính chất ước chừng, chúng tôi thấy hợp lý thì chúng tôi đổi cho nhau chứ chẳng ai quy định rõ.

3. Hình thái giá trị chung: khi sản xuất phát triển hơn nữa thì giờ nhiều hàng hóa sẽ được quy đổi trên 1 loại hàng trung gian. Ví dụ như 1 cân thịt bằng 5 cái vỏ sò; 1 mớ rau bằng một cái vỏ sò. Nói chung là người ta đã lựa chọn ra một vài loại hàng đặc biệt để dùng đó làm phương tiện trao đổi.

4. Hình thái tiền tệ: Lúc này người ta sử dụng một loại kim loại quý hiếm nào đó để làm tiền ví dụ như đồng, bạc và cuối cùng là vàng (phổ biến ở thế kỷ 19).

Marx sống trong thế kỷ 19, thời kỳ vàng là tiền và nếu là tiền đúc thì hoặc bằng vàng hoặc được bản vị vàng. Vì vậy cả 4 hình thái tiền tệ của Marx đều có đặc điểm là tiền mang giá trị thực, có nghĩa bản thân tiền đã mang giá trị (nó khác với tiền giấy bây giờ).

Khi bản thân tiền đã có giá trị thì sẽ không bao giờ có lạm phát nguyên nhân là nếu như dư thừa thì người ta sẽ tiêu dùng tiền luôn. Ví dụ nếu tiền là vàng thì có thể chế tác thành đồ trang sức,…

money

Lịch sử tiền tệ hiện nay được phân ra theo hai cách như sau 1.Phân theo vật liệu làm ra tiền và 2.Phân theo tính chất phát hành.

1. Căn cứ vào vật liệu tạo ra tiền:

– Tiền là vật chất: hàng hóa, vàng bạc. Nhược điểm là mang vác, bảo quản khó; giới hạn về quy mô, khối lượng, không gian. Ví dụ như cần mua một mảnh đất thì nếu tiền là bạc thì chắc phải bê vài bao tải bạc.

– Tiền là phù hiệu: tiền giấy, tiền đúc. Ưu dễ sử dụng; nhược là chi phí quản lý, lưu thông cao. Ví dụ như tiền giấy chỉ sử dụng vài năm là phải rút ra khỏi lưu thông vì nó qua rách nát. Trong trường hợp lạm phát quá lớn thì chi phí để in một tờ tiền có khi còn lớn hơn giá trị mệnh giá.

2. Căn cứ vào tình chất phát hành:

– Giai đoạn 1: Tiền là giấy bạc tài chính do nhu cầu chi tiêu ngân sách của chính phủ

– Giai đoạn 2: Tiền là giấy bạc ngân hàng do hoạt động tín dụng của ngân hàng.

Tiền tệ có 3 chức năng chính:

1. Là đơn vị đo lường giá trị: ví dụ chúng ta so sánh giá trị của một cái xe đạp và một cái ô tô là thông qua giá của hai loại hàng. Nếu như không có thì ta sẽ không thể so sánh định lượng được vì vậy trước hết tiền là đơn vị đo lường giá trị.

2. Tiền là phương tiện trao đổi: là trung gian trong quan hệ H-T-H’

3. Tiền là phương tiện dự trữ về mặt giá trị: thông thường thì nếu bản thân tiền đã mang giá trị thì nó mới giúp giữ giá trị; còn tiền không mang giá trị thì về lâu dài luôn luôn là lạm phát vì vậy nó sẽ không thực hiện được chức năng này.

Nhà nước thực hiện chức năng Quản lý lưu thông tiền tệ. Nhiệm vụ của nhà nước là không để lạm phát làm mất giá đồng tiền cũng không để giảm phát làm rào cản cho sự phát triển kinh tế.

Để đạt được điều này thì Tổng lượng tiền trong một thời kỳ phải bằng Tổng toàn bộ giá trị hàng hóa sản xuất trong thời kỳ đó chia cho hệ số tốc độ lưu thông:

M=ΣPQ/V trong đó P là giá, Q là số lượng và V là tốc độ lưu thông.

Ví dụ:

Trong một ngôi làng khép kín với thế giới bên ngoài. Cả ngôi làng chỉ có một mặt hàng được trao đổi bằng tiền đó là 10 cái cuốc. Mỗi cái cuốc có giá là 100 đồng -> Để cho việc trao đổi mua bán cuốc được thuận lợi thì phải có 1.000 đồng tiền mặt.

Một người có 1 cái cuốc và bán cái cuốc của anh ta cho người khác để lấy 100 đồng. Thời gian từ lúc anh ta thu về 100 đồng tới khi anh ta tiêu nó đi gọi là tốc độ lưu thông. Giả sử như anh ta nhét 100 đồng vào ngăn kéo và quên nó đi khiến cho trên thị trường vẫn có 10 cái cuốc nhưng chỉ còn 900 đồng trong lưu thông.

Lúc này sẽ xuất hiện hiện tượng khan hiếm tiền mặt khiến cho tiền có xu hương tăng giá làm cho giá cuốc chỉ còn khoảng 90 đồng/cái. Nếu lượng tiền mặt tiếp tục hạ xuống thì cuốc càng có xu hướng giảm giá làm cho người bán cuốc không còn muốn bán cuốc nữa, người muốn mua cuốc để phục vụ trồng trọt không thể mua nữa.

Ngược lại nếu như lượng tiền mặt bằng cách nào đó tăng lên thành 2.000 đồng. Số cuốc vẫn chỉ là 10 cái. Điều này sẽ gây ra hiện tượng dư thừa tiền mặt. Người bán thấy số người muốn mua cuốc tăng lên trong khi mình chỉ có một cái cuốc do vậy tăng giá cuốc lên. Sau một khoảng thời gian thì giá cuốc sẽ chạm mức 200 đ/cái.

Khi một cái cuốc bị hỏng không thể sử dụng bị rút ra khỏi lưu thông sẽ làm cho tiền mặt dư thừa hơn hàng hóa thực.

Khi một cái cuốc mới được làm ra và được đưa vào lưu thông thì sẽ làm tiền mặt khan hiếm hơn hàng hóa thực.

Do khối lượng sản xuất có tăng có giảm nên tiền cũng phải được điều chỉnh tăng giảm tương ứng thông qua các chính sách tiền tệ. Nhưng thông thường thì không ai có thể tính được trong một giai đoạn ở một quốc gia có bao nhiêu hàng hóa được sản xuất ra và với giá cả bao nhiêu. Ngay như trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung khi hàng hóa sản xuất bao nhiêu với giá bao nhiêu là do NN quy định thì chúng ta cũng không thể tính toán được hết.

Vì bản chất thì tiền cũng là hàng nên thực tế NN sẽ quản lý tiền theo Cung – Cầu như một hàng hóa thông thường. Nhu cầu tiền tăng thì tăng cung; nhu cầu tiền giàm thì giảm cung miễn làm sao Cung tiền ~ Cầu tiền.

Do cũng không thể tính được Tổng cầu tiền nên ngân hàng trung ương các nước sẽ điều chỉnh cung tiền thông qua các dấu hiệu của nền kinh tế. Ví dụ như thấy lạm phát có chiều hướng tăng thì phải giảm cung tiền (ví dụ như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất cơ bản,…). Ngược lại nếu thấy có sự giảm phát thì ngân hàng lại nới lỏng để tăng cung tiền.

Cung tiền được phân loại theo tính lỏng giảm dần (lỏng căn vào thời gian và chi phí để chuyển đổi nó sang tiền mặt)

M0: Tiền cơ sở là tiền vật chất

M1= M0 + Tiền gửi không kỳ hạn

M2=M1 + Tiền gửi có kỳ hạn

M3= M2 + Hợp đồng tín dụng ngắn hạn (từ 24h tới 1 năm)

M4=M3+ giấy chứng nhận sở hữu đất

…có thể tới M11 tùy vào độ minh bạch và năng lực của mỗi nước. Ở nước ta thông thường là tới M2. Tham khảo bài  Hệ thống ngân hàng (P3)

Comments

comments

9 COMMENTS

  1. Oh shit lâu nay tìm hiểu kiến thức về kinh tế tài chính toàn gg rồi cóp nhặt lại rất mất time và không đầy đủ nay mò được web này vừa đầy đủ vừa hệ thống thật là tốt quá đi

    • entry về chủ đề này khá khó vì áp dụng nhiều các biểu đồ. Các biểu đồ này anh có giải thích trong các chủ đề liên quan như Toán trong kinh tế, các hàm kinh tế, kinh tế học,.. Vì vậy nếu gặp khó khăn trong đọc hiểu em quay lại học các chủ đề cơ bản trên bằng cách vào mục lục hoặc dùng tính năng search google nhé.
      thanks.

  2. trời, website của anh bổ ích quá, em k nghĩ lại có người nhiệt tình như thế, ngồi viết được những bài bổ ích quá. E chân thành cảm ơn anh.

Leave a Reply to keoxop Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here