Quản trị chiến lược (P13: Phân tích môi trường bên trong bằng Chuỗi giá trị)

0
27151

Ta đang ở đâu?

quan tri chien luoc p13 - mo hinh

Chuỗi giá trị là công cụ dùng để phân tích môi trường bên trong của DN do Michael E Porter giới thiệu; các thông tin phía dưới trích lọc từ cuốn Lợi thế cạnh tranh.

1.Tại sao phải cần tới chuỗi giá trị ?

Trong phần 11 ta có liệt kê các phương pháp dùng để phân tích Môi trường bên trong DN bao gồm:

– Theo nguồn lực cơ bản của doanh nghiệp.

– Theo các chức năng của quản trị doanh nghiệp.

– Theo các lĩnh vực của quản trị doanh nghiệp.

– Theo chuỗi giá trị (Michael Porter).

– Theo năng lực cốt lõi và lợi thế cạnh tranh của  DN.

Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm, bản thân phương pháp Chuỗi giá trị cũng có những hạn chế của nó nhưng dù sao đó cũng là phương pháp đang thịnh hành nhất hiện nay.

Trong phần trước ta biết tới rằng doanh nghiệp cần phải có Lợi thế cạnh tranh để được khách hàng chấp nhận và để cạnh tranh với đối thủ. Lợi thế cạnh tranh xuất phát từ năng lực của DN, vấn đề là làm sao DN biết mình có thế mạnh gì để biến thành lợi thế cạnh tranh?

Các hoạt động riêng biệt không tạo ra thế mạnh của DN vì vậy chuỗi giá trị sinh ra để giúp nhìn DN dưới một cái nhìn tổng thể để từ đó tìm ra lợi thế cạnh tranh.

Việc khảo sát theo chuỗi sẽ giúp DN  khảo sát mọi hoạt động của DN và sự tương tác của chúng.

Đầu ra của chuỗi giá trị là sản phẩm/dịch vụ mang lại giá trị cho người mua từ đó thu được doanh thu. Để làm điều này mỗi thành phần trong chuỗi đều tạo ra giá trị và cũng tạo ra chi phí. Hiệu số giữa tổng doanh thu thu được từ việc bán hàng và tổng chi phí là lợi nhuận.

quan tri chien luoc - chuoi gia tri 2

Việc phân tích theo chuỗi sẽ giúp DN nhìn mỗi hoạt động và mối liên kết giữa mỗi hoạt động dưới góc độ tạo ra giá trị và tạo ra chi phí.

2. Mô tả chuỗi giá trị

Quan tri chien luoc p12 - chuoi gia tri

Các hoạt động trong một DN có thể phân ra làm 3 loại:

– Mang lại giá trị trực tiếp: Thiết kế, sản xuất, in ấn bao bì, đóng gói,…

– Mang lại giá trị gián tiếp: Nghiên cứu, hành chính,…

– Đảm bảo chất lượng:  các hoạt động làm các hoạt động khác hiệu quả hơn ví dụ như kiểm tra, kiểm soát,…

Chuỗi giá trị phân các hoạt động ra làm hai nhóm:

– Hoạt động sơ cấp: là các hoạt động trực tiếp tạo ra sản phẩm/dịch vụ

– Hoạt động hỗ trợ: là hoạt động bổ sung cho hoạt động sơ cấp, nó thể hỗ trợ cho toàn bộ các hoạt động sơ cấp và tự nó hỗ trợ lẫn nhau.

3. Mối liên kết bên trong chuỗi giá trị:

Các hoạt động liên kết với nhau bởi:

– Phương pháp thực hiện: Các hoạt động có mối liên kết với nhau bởi phương pháp thực hiện. Đầu ra của hoạt động này là đầu vào của hoạt động kia.

– Chi phí thực hiện: Cách thức hoạt động tạo ra chi phí khác nhau, việc tăng khối lượng ở hoạt động A làm giảm khối lượng ở hoạt động B nhưng sẽ làm tăng chi phí tại A và giảm chi phí tại B.

Ví dụ việc kiểm tra nguyên liệu đầu vào cẩn thận sẽ giảm chi phí tạo ra sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn ở khâu sản xuất nhưng lại tăng chi phí cho việc kiểm tra. Việc kiểm tra hàng ra khỏi kho cẩn thận sẽ giảm chi phí hàng trả lại nhưng lại làm tăng chi phí cho việc kiểm tra

Mối liên kết có thể giữa các hoạt động sơ cấp mà cũng có thể giữa hoạt động sơ cấp và hoạt động hỗ trợ. ví dụ phòng nhân sự tuyển dụng được nhân lực tốt sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động sơ cấp. Hệ thống công nghệ thông tin hiện đại sẽ hỗ trợ việc phối hợp giữa các hoạt động được tốt hơn.

 

4. Mối liên kết bên ngoài chuỗi giá trị:

quan tri chien luoc p13 - ben ngoai chuoi gia tri

Nhà cung cấp, đại lý, khách hàng đều có chuỗi giá trị của riêng họ. Mỗi hoạt động của chuỗi giá trị DN sẽ liên kết với hoạt động của các chuỗi còn lại. Ví dụ nếu như khách hàng tự vận chuyển hàng về nhà thì DN sẽ không có hoạt động vận chuyển tới khách hàng.

Nếu như nhà cung cấp vận chuyển nguyên liệu tới tận DN thì logistics đầu vào của DN sẽ không phải lo tới vận chuyển, hạn chế rủi ro trong quá trình vận chuyển.

Nếu như nguyên liệu đầu ra của nhà cung cấp được kiểm tra kỹ lưỡng thì phần logistics đầu vào của DN đỡ chi phí kiểm tra, giảm thiểu chi phí sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Lợi thế cạnh tranh đến từ mối liên kết bên trong mà cũng có thể đến từ bên ngoài.

 

 5. Phân tích chuỗi giá trị

Bước 1: Tạo ra chuỗi giá trị của DN và mô tả những gì mà DN làm tại mỗi hoạt động

Bước 2: Đánh giá các hoạt động bằng cách so sánh với đối thủ trong ngành.

Bước 3: Đánh giá tiềm năng tạo lợi thế cạnh tranh nhắm tới tạo khác biệt hay chi phí thấp.

 

6. Hạn chế của chuỗi giá trị:

– Nó phù hợp nhất với DN sản xuất có yếu tố đầu vào là nguyên vật liệu và đầu ra là thành phẩm. Sẽ không phù hợp với DN dịch vụ.

– Giá trị mang lại cho khách hàng chỉ là lý thuyết mà không thể đo đếm được Mỗi khách hàng khác nhau sẽ có giá trị sử dụng khác nhau.

– Phân tích chuỗi giá trị đòi hỏi nhiều nguồn lực và không thể sao chép của nhau.

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here