Phi lý Trí (P14: Chuẩn mực đạo đức- Chủ nghĩa vị lợi )

11
14417

Tôi nhớ cách đây cỡ 3 năm có tham gia một khóa học nhỏ. Thầy giáo hỏi một tình huống như sau:

Bạn, vợ và mẹ của bạn cùng đi trên một con thuyền qua sông. Tới giữa dòng, con thuyền đắm, bạn chỉ có thể cứu được một người, bạn cứu ai?

Đây là một quyết định rất khó khăn, học viên chia ra làm hai nhóm với các lý do đều rất hợp lý:

Nhóm 1: Cứu mẹ vì mẹ là người đã nuôi nấng có công ơn với ta. Vợ có thể lấy lại chứ mất mẹ thì không thể kiếm mẹ khác được.

Nhóm 2: Cứu vợ vì vợ là người sống với ta tới hết đời trong tương lai. Mặt khác vợ còn sống thêm vài chục năm nữa trong khi mẹ thì chỉ còn vài năm.

Thêm một dữ liệu để xem số người của các lựa chọn sẽ như thế nào:

  • Nếu như mẹ bạn bị bệnh hiểm ngèo và chỉ sống được 1 năm nữa.
  • Nếu như vợ bạn nói rằng bạn hãy cứu mẹ để trọn chữ hiếu, cô ý sẵn sàng hy sinh.
  • Nếu như không ai biết lựa chọn này của bạn. Vợ hoặc mẹ bạn sau tình huống này sẽ không còn nhớ tình huống đã diễn ra như thế nào.
  • Nếu như có hai người đang ở trên bờ không quen biết bạn. Có một lựa chọn là bạn sẽ cứu một người và 2 người kia sẽ nhảy xuống cứu được người còn lại nhưng họ sẽ chết.
  • Nếu bạn là người trên bờ và không có thân quen gì với hai người này, bạn sẽ chọn cứu ai biết rằng bạn chỉ được chọn một người.

Chúng ta thấy rằng các quyết định lựa chọn đều hết sức khó khăn. Có gì đó gần như không có đúng sai ở đây, mọi lựa chọn đều có mặt đạo đức và cũng có mặt phi đạo đức. Vậy tiêu chuẩn lựa chọn là gì?

Trong phần  10  của lọat bài về Phi lý trí cũng có phân tích về chuẩn mực xã hội giúp chúng ta có một cái nhìn về sự phức tạp trong các quyết định của con người, những quyết định mang tính phi lý. Entry này là bao quát của entry đó.

Năm trước tôi có tham gia một khóa học ngắn về luật trong kinh tế, thầy giáo có mô tả một tình huống để thấy sự phức tạp trong việc xây dựng luật. Mấy hôm trước tình cờ cũng xem lại trên youtube về bài giảng của đại học havard, hóa ra là thầy lấy tình huống từ đây. Những tình huống rất hay kiểu như ví dụ trên.

Tình huống 1:

thuyet vi loi 1Bạn là người lái tàu, tàu bạn đang lao đi vun vút trên đường ray. Bỗng nhiên bạn thấy phía trước vài km có 5 người thợ đang ngồi trên đường ray. Bạn kéo phanh và nhận ra rằng phanh đã hỏng. 5 người kia sẽ chết chắc.

Trong hoảng loạn bạn nhìn thấy một chỗ rẽ phải, bạn có thể điều khiển cho tàu rẽ phải. Tuy nhiên trên đường ray đó lại đang có 1 người. Nếu rẽ bạn sẽ cứu được 5 người nhưng người trên đường ray bên phải sẽ chết.

Giảng đường lập tức chia ra làm 2 nhóm lựa chọn có số lượng ngang nhau

Nhóm 1: Lựa chọn rẽ phải vì đó là sự đánh đổi giữa 1 người và 5 người. Giữa  thiệt hại ít và thiệt hại nhiều.

Nhóm 2: Lựa chọn đi thẳng vì con tàu rõ ràng là đang trong hành trình đi thẳng anh bên phải không có lỗi gì trong chuyện này vì vậy không thể hy sinh anh ta được

trolleydilemmaTình huống 2:

Lần này bạn là người ở trên cầu đi bộ vượt qua đường ray. Bạn nhìn thấy đoàn tàu đang mất phanh lao tới và nhìn thấy cái chết sắp diễn ra của 5 người. Đang không biết phải làm sao thì bạn nhìn thấy một anh rất béo đứng bên cạnh cũng đang xem đoàn tàu. Nếu bạn đẩy anh ta xuống đường ray thì con tàu sẽ dừng lại, anh béo sẽ chết nhưng 5 người được cứu.

Số người lựa chọn đẩy anh béo chỉ còn vài người trong một giảng đường vài trăm người. Rõ ràng là kết quả của tình huống 1 và 2 là giống nhau. Đều là sự đánh đổi giữa 1 người và 5 người, và người chết thay đều vô tội. Tại sao có sự khác biệt?

Lời giải thích được mọi người đưa ra là ở tình huống 1 bạn là nhân vật bắt buộc phải lựa chọn. Ở tính huống 2 bạn không bắt buộc phải lựa chọn, bạn có thể không làm gì cả và không ai trách bạn về việc đó.

Luật pháp sinh ra là để phục vụ số đông và để mang lại lợi ích xã hội lớn nhất. Trường hợp này bạn đẩy anh béo là phạm tội giết người nhưng rõ ràng là xét về tổng lợi ích xã hội thì bạn nên đẩy anh béo vì dù sao 1 gia đình mất cha sẽ tốt hơn là có 5 gia đình mất cha.

Những tình huống lựa chọn như thế này không phải hiếm:

Nếu như bạn chứng kiến Nguyễn Hải Dương đi vào nhà mà bạn biết rằng anh ta sẽ giết 6 người ở Bình Phước. Bạn không thể kịp gọi người tới hỗ trợ, bạn chỉ có một lựa chọn là phải giết anh ta, bạn sẽ lựa chọn như thế nào?

Nếu giết anh ta bạn sẽ cứu được 6 người nhưng bạn lại phạm tội giết 1 người. Nếu không giết anh ta thì bạn sẽ không bị sao cả nhưng 6 người sẽ bị giết. Luật pháp rõ ràng là không thể điều chỉnh tình tiết kiểu như thế này được vì ai sẽ chứng minh cho bạn rằng nếu bạn không giết anh ta thì 6 người sẽ phải chết.

Hiện cũng có một tranh cãi về đạo luật Quyền được chết. Những người ủng hộ quyền được chết thì cho rằng người bệnh sống sẽ rất khổ sở vì vậy hãy để họ được ra đi trong thanh thản. Những người phản đối thì cho rằng dù sao đó cũng là giết người.

Nguyên nhân chúng ta bị phân chia ra làm hai nhóm mà nhóm nào cũng có cái lý hợp lý của riêng mình là vì chúng ta dựa theo những tiêu chuẩn khác nhau:

  • Nhóm lựa chọn 1 người vô tội chết để 5 người được sống là theo chuẩn mực đạo đức hướng kết quả. Không quan tâm tới hành động trong tiến trình miễn kết quả là tốt nhất là được.
  • Nhóm lựa chọn hãy cứ để 5 người chết là theo chuẩn mực đạo đức hướng tới hành động. Tôi không quan tâm tới kết quả miễn là hành động của tôi không vi phạm chuẩn mực đạo đức, mà ở đây là giết người cho dù thế nào cũng là giết người. Rẽ phải là giết 1 người, còn đi thẳng đâm chết 5 người là vì bạn mất phanh, bạn không chủ động giết người.

Nhóm lựa chọn 1 là theo chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism). Chủ nghĩa này chủ trương rằng giá trị luân lý của mọi hành động là dựa trên khả năng của nó đem đến hạnh phúc hay sung sướng cho tất cả mọi người. Chủ nghĩa này là một hình thức của chủ nghĩa hệ quả hay hệ quả luận (consequentialism), có nghĩa là giá trị luân lý của mọi hành động phải được đánh giá bởi kết quả của nó. Chủ thuyết này được phát triển nhiều nhất từ hai triết gia Anh là Jeremy BenthamJohn Stuart Mill.

 

Chính phủ của một quốc gia khi phải đưa ra quyết định họ sẽ phải dựa nhiều vào thuyết này mặc dù rằng bản thân thuyết này cũng có những sự vô lý về mặt đạo đức của nó. Trong kinh tế học ta cũng thấy là khi chính phủ phải ra quyết định thì cũng phải tính toán làm sao cho tổng lợi ích xã hội là lớn nhất mặc dù rằng đôi khi một nhóm nhỏ vô tội nào đó bị thiệt thòi hơn số đông còn lại.

ở Mỹ nếu như người nào muốn thân thể mình được sử dụng một cách có ích khi chết đi thì có thể đăng ký hiến tạng. Ngay khi một ai đó có đăng ký hiến tạng mà chết thì anh ta sẽ được mổ để lấy đi các bộ phận còn dùng được như tim, gan, phổi, thận,… Các bộ phận này sau đó sẽ được ghép cho những người có nhu cầu cần trong danh sách chờ sẵn.

Khoa học càng phát triển thì số lượng bộ phận có thể dùng lại được càng nhiều. Gần đây người ta còn có kế hoạch thử nghiệm ghép thân với đầu vào năm 2017. Số người có nhu cầu được ghép phụ thuộc vào bệnh tật hàng ngày trong khi số người có thể lấy bộ phận thường phải do tai nạn chứ chết già thì cũng chẳng lấy được gì. Khi Cầu vượt quá cung sẽ xuất hiện thị trường kinh doanh bộ phận cơ thể người.

Bây giờ có tình huống thế này. Trong một bệnh viện có 5 bệnh nhân đang rất cần ghép các bộ phận khác nhau có thể lấy từ cùng một cơ thể. Một người gặp tai nạn được chuyển tới. Nếu như người này chết đi thì có thể sử dụng ngay bộ phận cơ thể của anh ta để cứu 5 người còn lại. Nếu như muốn cứu người này thì phải bỏ ra rất nhiều nỗ lực và cũng chưa chắc đã cứu được, nhiều khả năng khi không cứu được thì 5 người kia cũng không chờ được nữa.

Bác sĩ đứng trước 2 sự lựa chọn nan giải. Hoặc anh ta cố gắng cứu nạn nhân mà chưa chắc đã thành công, hoặc anh ta làm cho nạn nhân chết nhanh nhằm lấy đi 5 bộ phận để cứu 5 người khác. Không cố gắng cứu 1 người để cứu 5 người khác thì có tội hay là không có tội? Cố gắng cứu 1 người mà không chắc chắn trong khi để 5 người kia chết đi thì có phải lựa chọn thông minh không?

Một bác sĩ quân y ở ngoài chiến trường vừa tiếp nhận một bệnh nhân nặng. Anh ta đang cố gắng cứu chữa thì có 5 bệnh nhân khác chuyển tới. Nếu anh ta tiếp tục cố gắng chữa bệnh nhân ban đầu thì sẽ không có thời gian cho 5 bệnh nhân kia và họ có thể chết vì nhiễm trùng. Nếu như cứu 5 người mới tới thì người đầu tiên sẽ chết. Vậy anh ta nên chọn người nào để chữa?

Trong thực tế thường ta luôn phải đối mặt với những lựa chọn đánh đổi nan giải. Để quyết định được mỗi người cần có một bộ nguyên tắc mà mình sẽ tuân theo. Nếu không có bộ nguyên tắc anh ta sẽ thường xuyên đau đầu trong các quyết định của mình.

Comments

comments

11 COMMENTS

  1. Cảm ơn ad, những bài viết của anh rất hay và ý nghĩa. Chúc anh luôn mạnh khỏe, thành công và chia sẻ được thêm nhiều bài viết hay và ý nghĩa

  2. em đã đọc cuốn phi lí trí của Dan Ariely. cảm thấy khó tiêu. May tìm thấy bài của anh. Cám ơn anh. Chúc anh và gia đình một năm mới tràn đầy sức khỏe, an khang và nhiều may mắn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here