Phi lý trí (P13: Tiến trình và Đích đến)

4
6820

Cách đây 2 tuần mua cái gá về để treo cái đàn lên tường cho gọn. Ai ngờ mua về không tài nào đóng đinh vào tường được. Thế là xuất hiện nhu cầu mua cái máy khoan (chỉ để treo cái gá :P). Hồi xưa chắc chẳng bao giờ nghĩ tới việc mua máy khoan, có nhu cầu thì đi mượn. Giờ tự nhiên tưởng tượng là được sở hữu một cái máy khoan, thấy phê phê. 1 tuần sau đó lên mạng lựa chọn, giữ nguyên cảm giác hưng phấn vì sắp có máy khoan.

Cuối tuần trước thì cũng đã mua được cái máy khoan ở Nguyễn Kim. Mang về bắt được cái gá lên tường. Thế là từ đó tới nay nhét cái hộp máy khoan có kèm đủ dụng cụ vặn vít đó vào gầm giường. Cảm giác háo hức cũng mất đi luôn vì đã sở hữu rồi thì còn nghiên cứu làm gì nữa.

Nghiệm ra rằng : hình như là mình thích cái cảm giác được sở hữu cái máy khoan hơn là bản thân cái máy khoan.

Rất nhiều người mua hàng hóa về nhà mà không bao giờ dùng hoặc chỉ đùng vài lần rồi cất đi. Đó là vì chúng ta thích cái cảm giác sắp được sở hữu một cái gì đó, thích được lựa chọn, thích được đi mua, thích cái khuyến mại thêm, thích người mua,…. hơn là bản thân sản phẩm.

Chúng ta tưởng tượng ra rất nhiều thứ có thể làm với thứ đó nhưng thực tế diễn ra khác hẳn. Nếu có một cái máy tính xách tay Mac Air tôi có thể học tiếng anh, thuận tiện trong mang đi mang lại, ….Nhưng khi sở hữu cái Mac Air rồi thì chỉ vài tuần sau tôi lại quay lại cảm giác của sở hữu một cái máy Acer trước đó.

Bạn tưởng tượng có thể đi chơi vào cuối tuần, khô ráo khi trời mưa, mát lạnh khi trời nắng,…nếu có được cái ô tô đó. Khi có cái ô tô, vài tuần đầu bạn đưa vợ con đi chơi; rồi thì thỉnh thoảng vài tuần đi một lần, cuối cùng thì quên mất là mình có một cái ô tô.

Và tất nhiên là để hợp thức hóa sự trì hoãn nữa. Nếu như có cái máy tính xịn ta có thể học tiếng Anh là lý do hợp lý để ta không học vào lúc này. Nếu như có một cái máy ảnh xịn ta sẽ chăm chụp ảnh cho con cái hơn.. Đôi khi nhu cầu sở hữu một cái gì đó của chúng ta là vì để không phải làm một cái gì đó ở hiện tại.

 

Phi lý trí thể hiện ở:

– Bạn có thể kéo dài cảm xúc háo hức thông qua trì hoãn việc mua vì khi bạn bỏ tiền ra mua là bạn đã kết thúc cảm xúc đó.

– Bạn đã quyết định mua một cái gì đó không phải đơn thuần xuất phát giá trị mà sản phẩm đó mang lại cho bạn.

– Bạn đã đánh giá giá trị mà hàng hóa mang lại cao hơn nhiều so với thực tế

 

 

Mở rộng hơn thì có một quy luật thế này:

Nếu như tiến trình để đạt một cái gì đó hết sức thú vị thì ta sẽ thích tiến trình hơn là bản thân cái đó.

Nếu như tiến trình để đạt một cái gì đó hết sức khó khăn thì ta sẽ thích nhanh chóng đạt tới cái đó hơn là nhâm nhi cái tiến trình.

Nếu bạn có một chuyến đi xuyên Việt từ Hà Nội tới Sài gòn thì rõ ràng là bạn thích quãng đường đi hơn là việc bạn phải có mặt ở sài gòn.

Cũng một người khác đi trong đoàn; do sức khỏe không đảm bảo nên anh ta rất mệt. Anh ta chỉ mong chuyến đi này kết thúc sớm. Anh ta thích đích đến hơn là đường đi.

Nếu đường đi từ công ty của bạn về nhà vắng vẻ, hai bên đường đầy cây cối thì chỉ nghĩ tới được đi trên con đường đó là bạn thấy sướng rồi. Nhưng nếu đường đi đông nghịt, khói bụi mờ mịt thì mỗi lần nghĩ tới con đường về nhà là bạn thấy ngại.

Nếu cuộc sống của bạn dễ chịu thì bạn sẽ tận hưởng từng ngày hơn là đếm từng ngày tới ngày có vợ, có nhà, có con, được về hưu,…

1

Về nguyên tắc thì cuộc sống của chúng ta bao gồm cả tiến trình và đích đến. Tiến trình là một khoảng thời gian trong khi đích đến chỉ là một thời điểm.  Lý tưởng bạn hạnh phúc cả hai thay vì phải hy sinh một.

Bạn hạnh phúc khi chăm con thay vì nghĩ là mình chịu khổ cực để mong sau này con cái đền đáp.

Bạn hạnh phúc trên ghế nhà trường thay vì nghĩ tới tầm bằng mình có được khi kết thúc.

Bạn hạnh phúc trong lúc làm việc thay vì phải nghĩ tới số tiền có được để giữ cho mình khỏi bỏ cuộc.

Nếu như bạn đang mong từng ngày kết thúc một việc gì đó thì chắc chắn là bạn không thích thú gì tiến trình. Khi đạt tới đích A bạn lại xuất hiện nhu cầu đích mới B và đếm từng ngày kết thúc để tới B. Cứ như vậy cho tới Z thì cũng đã hết đời người. Ngoảnh lại thấy mình chỉ mải đi mà không chịu thưởng thức khung cảnh bên đường.

Trong Kinh doanh:

Nếu người tiêu dùng chỉ quan tâm tới chất lượng và giá cả hàng hóa cuối cùng thì còn lâu các siêu thị mới cạnh tranh nổi với chợ truyền thống, các cửa hàng tiện dụng bên đường. Hàng hóa ngày càng đồng nhất thì người ta càng chỉ quan tâm tới giá và các siêu thị càng không thể cạnh tranh nổi.

Vậy mà siêu thị vẫn cứ tồn tại và ngày càng chiếm nhiều thị phần hơn so với các hình thức bán hàng còn lại. Nguyên nhân là vì các siêu thị họ coi trọng tới tiến trình mua hàng thay vì chỉ chăm chăm tới món hàng như ở chợ truyền thống.

Các siêu thị cạnh tranh nhau bởi tiến trình thay vì chú tâm vào sản phẩm. Họ nghĩ ra nhiều cách để khách hàng cảm thấy thoải mái nhất khi mua hàng; thậm chí là đến đó ngay cả khi không có nhu cầu mua hàng.

 

Áp dụng trong thực tế:

1. Tiến trình và đích đến:

Bước 1: Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy là một tiến trình nào đó đang có vấn đề thông qua ý nghĩ mau chóng muốn kết thúc nó. Ví dụ như bạn phải đợi xe buýt và mong ngóng xe đến từng phút.

Bước 2: Bạn phải chấp nhận rằng thực hiện tiến trình là tất yếu, nó hoàn toàn khách quan với cảm xúc của bạn. Cái xe buýt không đến nhanh hơn khi bạn sốt ruột hơn, thậm chí nó còn đến chậm hơn một cách tương đối vì bạn đang quá mong ngóng.

Bước 3: Vì nó khách quan với mong muốn của bạn nên bạn hãy tìm cách làm cho tiến trình trở nên thú vị.  Hoàn cảnh thì khách quan nhưng việc quyết định cảm xúc thế nào là quyền của bạn.

2. Mua sắm;

Rất phí phạm khi bạn mua hàng mà không sử dụng. Nó không những là chi phí cơ hội của số tiền phải bỏ ra mà nó còn chiếm một không gian trong ngôi nhà bạn. Vì vậy bạn phải phân biệt được giữa lợi ích khi sở hữu món hàng và cảm xúc trong quá trình mua.

Một món hàng mua về phải giải quyết một vấn đề nào đó của bạn. Và phải đảm bảo rằng món hàng đó là lựa chọn tốt nhất khi đem so với các giải pháp thay thế khác. Nếu bạn mua ô tô chỉ để đi những ngày mưa thì taxi là một lựa chọn thay thế.

Comments

comments

4 COMMENTS

  1. Em đang đọc cuốn sách ” Khoảng cách từ nói đến làm”.. gặp bài của Anh nữa thấy nghiệm ra nhiều thứ. Hiện em đang sở hữu vài trang website: blog, shop quần áo online… em từng xác định rằng mình sẽ viết blog như anh, mình sẽ bán buôn online như người ta…em háo hức từng ngày để tạo lập ra các website trên…đến khi tạo website xong, như cách anh trình bày..em cảm thấy thoả mãn mà chẳng quan tâm đến đích đến nữa…có nghĩa là em đang dừng ở việc phải viết blog, phải bán buôn…thật sự không thấy hứng tí nào..

    • Chú yếu nguyên nhân là trì hoãn thôi; có rất nhiều thứ có thể làm ngay lập tức nhưng thường chúng ta kiếm cớ là đang còn thiếu một cái gì đó và vì vậy đợi chờ không làm ngay. Tới khi có được cái thiếu đó rồi thì vẫn không nhung nhích được vì thực ra nguyên nhân không hành động đâu phải thiếu cái đó.

Leave a Reply to Thi Nguyễn Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here