Kinh tế học (P1: Tổng sản phẩm quốc nội)

4
22941

Kinh tế học là một môn học cơ bản mà bất cứ ai bước chân vào đại học cũng đều học cho dù có học bất cứ ngành nào. Bạn sẽ hỏi tại sao lại vậy, tôi học CNTT, học hàn xì thì cần gì phải học Kinh tế làm gì? Câu trả lời là khi ra ngoài đời bạn không thể đơn giản bảo là tôi chỉ quan tâm tới máy tính vì tôi học về máy tính.

Kinh tế học là nền tảng kiến thức cơ bản giống như học toán thì phải bắt đầu từ bản cửu chương vậy. Cho dù bạn có bao nhiêu tuổi, học bất cứ ngành nghề gì thì cũng vẫn nên biết. Bạn có thể đọc báo cáo kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm ở cuối entry này để nắm được mình hiểu bao nhiêu khái niệm trong đó.

Kinh tế học bao gồm hai phân môn chính là Kinh tế vi mô và Kinh tế Vĩ mô. Kinh tế vĩ mô mô tả ở tầm vĩ mô về cách mà chính phủ điều hành nền kinh tế. Kinh tế vi mô thì mô tả hành vi của người tiêu dùng, doanh nghiệp. Tôi sẽ không tách các entry ra làm hai phân môn làm gì cho phức tạp, bạn sẽ tự nhận ra tại mỗi chủ đề là nó thuộc về Vi hay Vĩ mô.

Khi nghiên cứu chủ để Kinh tế học các bạn không nên sốt ruột nhảy cóc. Cố gắng đọc theo trình tự các phần của chủ đề. Tuy nhiên trong mỗi entry sẽ có những phần khó hiểu thì nên bỏ qua đọc tiếp, sau này quay lại đọc sau sẽ hiểu được vì lúc đó có thể kiến thức chưa đủ. Ví dụ như bản thân entry này khi nói về cách tính GDP thì chỉ cần hiểu công thức tính theo phương pháp chi tiêu, các phương pháp khác chỉ đọc tham khảo vì sẽ dễ bị nhầm lẫn.

Định nghĩa về kinh tế học và các học thuyết kinh tế

Trong một nền kinh tế bất kỳ có ba đối tượng (tác nhân) là 1.Hộ gia đình; 2. Doanh nghiệp và 3. Chính phủ.

3 đối tượng này đều có mục đích tối ưu hóa các lợi ích với một nguồn lực có hạn. Doanh nghiệp thì tối đa hóa lợi nhuận bằng nguồn lực đầu vào hạn chế, Hộ gia đình thì tối đa hóa lợi ích trong tiêu dùng hàng hóa & dvụ bằng nguồn thu nhập có hạn.

Cả 3 đối tượng này đều mong muốn tối ưu hóa các lợi ích của mình và vì vậy theo quan điểm của Adam Smith thì nhờ vậy các nguồn lực sẽ được sử dụng hiệu quả. Đó chính là thời điểm ra đời của Kinh tế vĩ mô (1776) với lý thuyết Bàn tay vô hình.

Mọi thứ được vận hành suôn sẻ theo thuyết bàn tay vô hình; chính phủ hạn chế tối đa việc tác động vào nền kinh tế mà cứ để thị trường tự do tự nó quyết định. Tới cuộc khủng hoảng 1929-1933 khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25% tại Mỹ; các nhà kinh tế phải nhìn nhận lại các nhược điểm của Bàn tay vô hình. Năm 1936 Kynes cho ra đời lý thuyết bàn tay hữu hình trong đó đặt cao vai trò điều tiết của chính phủ thông qua hai công cụ chính là Chính sách tài khóa và Chính sách tiền tệ.

Ví dụ khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, kinh tế suy thoái thì trong nền kinh tế Hộ gia đình và Doanh nghiệp có xu thế tiết kiệm. 2 tác nhân này càng tiết kiệm thì kinh tế lại càng xuống dốc; lúc này thì chỉ chính phủ mới dám chi tiêu vì vậy chính phủ tăng chi tiêu bằng các gói kích thích; nếu chính phủ không làm thì chẳng ai làm.

Rồi thì khủng hoảng kinh tế vẫn cứ xảy ra. bởi hai đợt là 1973 với khủng hoảng dầu mỏ lần 1 và 1979 khủng hoảng dầu mỏ lần 2. Các nhà kinh tế lại sinh ra thêm một lý thuyết mới là Lý thuyết tân cổ điển. Lý thuyết này bảo là cứ tăng chi tiêu lên thì sản xuất sẽ tăng và kinh tế sẽ tăng trưởng. Vì khi người ta tiêu 1 đồng; thì phải có ai đó sx ra hàng hóa để người đó mua; nên cứ tăng chi tiêu là tăng sx. Tuy nhiên lý thuyết này vấp phải vấn đề là tăng chi tiêu thì sẽ tăng lạm phát.

Ngày nay thì chính phủ các nước đều dùng hai bàn tay để điều tiết nền kinh tế là Bàn tay hữu hình và Bàn tay vô hình. Tùy vào mỗi nước mà vai trò của mỗi bàn tay sẽ khác nhau; cực đoan nhất của bàn tay hữu hình là Triều tiên. Ở nước ta thì đương nhiên bàn tay hữu hình chiếm phần lớn.

Kinh tế học được định nghĩa là môn khoa học xã hội nghiên cứu cách thức vận hành của 1 nền kinh tế nói chung (kinh tế vĩ mô) và cách ứng xử của từng thành viên kinh tế nói riêng (kinh tế vi mô)

Vì vậy ta sẽ thấy nhan nhản trên giá sách các thể loại kiểu như “Kinh tế học hài hước”. Về bản chất mỗi tác nhân đều hành xử theo nguyên tắc kinh tế vì vậy đương nhiên có thể dùng kinh tế để giải thích hành vi của các tác nhân.

Một vài định nghĩa:

– Hộ gia đình theo định nghĩa hồi xưa là những người ăn chung một bếp; ngày nay định nghĩa là một hoặc một nhóm người ra chung quyết định kinh tế như nhau. Theo định nghĩa này thì lớp học cũng là một hộ gia đình vì họ cùng mục tiêu phải qua kỳ thi học kỳ sắp tới (và vì vậy họ sẽ có những hành xử tương đối giống nhau).

– Doanh nghiệp là đơn vị SX/KD Hàng hóa, Dịch vụ theo nhu cầu xã hội nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Theo định nghĩa này bà bán nước, bà bán vé số dạo cũng là một doanh nghiệp.

– Chính phủ thì là một định chế trong nền kinh tế. Còn định chế có nghĩa là một tổ chức kinh tế xã hội như định chế tài chính là một tổ chức tài chính như ngân hàng, quỹ đầu tư,….

– Thất nghiệp theo định nghĩa hồi xưa thì là những người không có việc làm trong độ tuổi lao động còn ngày nay thì là những người trong độ tuổi lao động muốn đi làm mà không có việc làm.

Nghiên cứu thêm về các khái niệm tại loại bài về Thống kê kinh tế

2. GDP, GNP và cách tính

Kinh tế học thực ra rất dễ hiểu vì bản thân mỗi người chúng ta cũng hàng ngày hành xử theo các nguyên tắc kinh tế; chỉ có các ký hiệu, các khái niệm làm cho người ta bị loạn mà thôi. Đầu tiên hãy xét tới mô hình dòng luân chuyển phía dưới:

Mo hinh dong luan chuyen KT

Trong sơ đồ này ta sẽ thấy đường tròn màu đỏ bên ngoài là dòng chảy của tiền. Đường tròn màu xanh bên trong là dòng chảy vật chất (hàng hóa, dịch vụ, sức lao động, nhà xưởng cho thuê).

Thị trường yếu tố đầu vào còn gọi là Thị trường các nhân tố sản xuất. Doanh nghiệp sẽ lấy đầu vào ở thị trường này tạo ra hàng hóa và dịch vụ để bán cho hộ gia đình. Hộ gia đình mua hàng hóa & dịch vụ bằng thu nhập nhận được khi bán các nhân tố sản xuất.

Hộ gia đình, doanh nghiệp, chính phủ khi mua thì còn gọi là chi tiêu; khi bán thì gọi là thu nhập. Ví dụ như hộ gia đình mua một cái tủ lạnh về thì hộ đó đã chi tiêu một khoản tiền tương ứng. Doanh nghiệp sẽ có một khoản tiền tương ứng và mất đi một lượng tiền hàng tồn kho, chính phủ sẽ có thêm một khoản thuế là thuế VAT.

GDP là tổng sản phẩm quốc nội bao gồm tổng giá trị thị trường của HH&Dvụ cuối cùng của một quốc gia tạo ra trong một thời kỳ (quý, năm).

GNP là tổng sản phẩm quốc dân bao gồm tổng giá trị thị thị trường của HH&Dvụ cuối cùng của người dân một quốc gia tạo ra trong một thời kỳ.

GNP và GDP quan hệ với nhau bởi công thức GNP = GDP + NFA

Tổng sản phẩm quốc dân GNP cho thấy thu nhập do người dân một nước tạo ra trong một thời kỳ.

Screen-Shot-2013-10-23-at-4.24.22-PM

GDP của Việt Nam năm 2012 là 136 tỷ; dân số mình gần 90 tr nên bình quân trên đầu người là 1.540 usd.

NFA = Tiền do người VN sx ở nước ngoài chuyển về – Tiền do người nước ngoài ở VN sx chuyển ra. Nó là mục A.4 trên Bảng cán cân thanh toán. Như vậy tính được Tổng sản phẩm quốc nội GDP sẽ tính được tổng sản phẩm quốc dân GNP. Dựa vào sơ đồ trên sẽ có ba cách tính tương ứng:

 

1 Phương pháp tính theo luồng chi tiêu HH&Dvụ cuối cùng:

Phương pháp này tính tổng chi tiêu của các tác nhân trong nền kinh tế theo nguyên tắc rất đơn giản là khi người ta tiêu một đồng thì cũng phải có ai đó sản xuất ra một đồng và giá mua đương nhiên là giá thị trường của hh&dvụ đó.

GDP = C + I + G + Nx trong đó C là chi tiêu của hộ gia đình. I là chi tiêu của Doanh nghiệp, G là chi tiêu của chính phủ, Nx là xuất khẩu ròng. Nx là hiệu số của hàng hóa do người nước ngoài mua hàng VN và người VN mua hàng nước ngoài (Xuất khẩu – Nhập khẩu). Trong Bảng cán cân thanh toán thì nó là là A1;A2 và ta thấy ở VN là nó đều là số âm.

Giải thích thêm về chi tiêu của DN

I là đầu tư của doanh nghiệp là khoản chi mà DN tính vào chi phí để sx ra hàng hóa/dịch vụ; mặt khác người dân cũng có thể có đầu tư nhưng chủ yếu là mua nhà. Vì vậy mua nhà mặc dù là khoản chi của người dân nhưng cũng tính vào I.

Mặt khác bản thân doanh nghiệp cũng có thể chi tiêu; nếu như khoản chi đó không phục vụ mục đích đầu tư có nghĩa là không tính vào chi phí tạo ra sản phẩm/dịch vụ. Trường hợp này coi như đó là chi tiêu của hộ gia đình.

Chú ý:

– Theo định nghĩa GDP là “hàng hóa &dịch vụ cuối cùng” có nghĩa là không tính tới trung gian. Ví dụ như doanh nghiệp mua máy móc mới thì được tính nhưng mua nguyên liệu để sx ra hàng hóa thì không được tính. Cửa hàng mua đường về để pha cafe bán cho khách thì cũng không được tính; nhưng nếu đường mua về của hộ gia đình lại được tính.

– “được tạo ra trong một thời kỳ” có nghĩa là nếu như năm 2014 ta mua một cái ô tô được sx năm 2013 thì cũng không làm tăng GDP vì cái ô tô đó đã được tính vào GDP 2013 rồi. Điều này có nghĩa là tới thời điểm 31/12/2013 người ta sẽ thống kê toàn bộ hàng tồn của DN bao gồm cả thành phẩm, bán thành phẩm và nguyên liệu. Nếu theo công thức thì nghiệp vụ này làm tăng C nhưng lại giảm I một khoản tương ứng vì vậy GDP không đổi.

– Nếu người dân mua nhà mới để ở thì nhà đó được tính vào I theo quy ước. Nếu người dân mua nhà mà cái nhà đó được xây dựng từ năm trước thì cũng không được tính, nó phải là “nhà mới”; “mới” ở đây được hiểu là mới so với nền kinh tế chứ không phải mới so với người mua.

– Các khoản được tính vào I bao gồm 1.Mua máy, công cụ sx mới; 2.Xây dựng nhà xưởng mới 3. Hàng tồn kho (thành phẩm, bán thành phẩm, nguyên vật liệu) và 4. Mua nhà ở của Hộ gia đình.

– Các khoản được tính vào G bao gồm 1.Chi cho cơ sở hạ tầng; 2. Chi cho y tế, giáo dục, ANQP, trả lương khu vực NN nhưng không bao gồm chi trợ cấp. Ví dụ như nếu chính phủ trợ cấp cho người nghèo, trợ cấp bão lụt, trợ cấp thất nghiệp… thì nó không được tính vào chi tiêu của chính phủ mà sẽ tính vào chi tiêu của hộ  gia đình do HH&DVụ do Hộ gia đình được hưởng chứ không phải chính phủ được hưởng.

– GDP sẽ không tính tới khoản tự cấp tự túc. Ví dụ như nếu hộ gia đình trồng rau mầm để tự ăn thì mặc dù cũng có sản lượng nhưng không được tính vào GDP.

– GDP cũng không tính tới các khoản kinh tế ngầm như buôn bán vũ khí, ma túy mặc dù rằng con số đó không nhỏ nguyên nhân là người ta chỉ tính hàng hóa và dịch vụ mà nhà nước không cấm.

–  Xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ là sự mua bán, trao đổi, chuyển nhượng quyền sở hữu các loại sản phẩm là hàng hóa hay dịch vụ giữa đơn vị thường trú và không thường trú. Nguyên tắc tính:

+ Nguyên tắc thường trú : (tham khảo bài Thống kê kinh tế (P2:Thống kê tài khoản quốc gia))

+ Nguyên tắc thay đổi quyền sở hữu : chuyển quyền sở hữu từ người bán sang người mua

+ Nguyên tắc tính theo thời kỳ ( tháng, quý, năm)

+ Nguyên tắc giá thị trường

2 Phương pháp tính theo luồng thu nhập

Tương tự như chi tiêu; ý tưởng là khi một tác nhân thu nhập được 1 đồng thì anh ta cũng sẽ dùng một đồng đó để mua HH&Dvụ để quy ra sản lượng.

– Một hộ gia đình có các khoản thu sau: 1.Lương (W); 2.Lãi suất (i); 3.Cho thuê (R); 4.Lợi nhuận cho cổ đông (Pr); 5.Trợ cấp. Các khoản giảm trừ là thuế thu nhập cá nhân (Td).

– Một doanh nghiệp sẽ có 1.Lợi nhuận để lại cho DN (Pr) 2.Chi khấu hao (Dp). Các khoản giảm trừ là Thuế thu nhập (Td).

– Chính phủ bao gồm 1.Thuế trực thu (thuế thu nhập DN Td + thuế thu nhập cá nhân Td) 2.Thuế gián thu (Thuế VAT Te). Các khoản giảm trừ là trợ cấp TR.

Thuế trực thu có nghĩa là cơ quan thuế trực tiếp đứng ra thu còn thuế gián thu là thu qua đơn vị khác; như thuế VAT thì thu qua DN. Ngoài các khoản thu này tất nhiên chính phủ còn nhiều khoản thu khác như lệ phí, thu từ dầu mỏ, thu từ đầu tư thông qua DNNN.,…Nhưng Kinh tế học chỉ tính các yếu tố này cho đơn giản.

Công thức tính cuối cùng: GDP = w + i + R + Pr + Dp + Te.

Ta sẽ không thấy thuế thu nhập Td vì nó là âm so với cá nhân và DN nhưng là dương so với chính phủ vì vậy cộng vào thì bằng không.

Tương tự GDP không tính tới trợ cấp. Nếu như một người có thu nhập lương là 10tr/tháng năm 2013. Tới 1/1/2014 anh ta bị nghỉ việc và được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3tr/tháng thì GDP sẽ bị ảnh hưởng là giảm 10tr chứ không phải là giảm 7 triệu.

Trong các khoản tính tới thu nhập của DN ta tránh nhầm với lợi nhuận của doanh nghiệp mà đây là lợi nhuận để lại. Khi một DN làm ra lợi nhuận họ sẽ chia cổ tức cho các cổ đông; họ sẽ để lại một ít để tái đầu tư gọi là Lợi nhuận để lại.

3. Phương pháp tính theo giá trị gia tăng

Để sản xuất ra một đơn vị hàng hóa (dịch vụ) thì phải qua rất nhiều công đoạn, mỗi công đoạn sẽ tạo thêm một ít giá trị. Ví dụ như để có áo thì phải có vải, để có vải thì phải có sợi bông, để có sợi bông thì phải có cây bông,…

GDP = VA1 + VA2 +…VAi + VAn

VAi = Doanh thu (i) – chi phí trung gian (i)

Hiện tại thì GDP được tính theo phương pháp chi tiêu là phổ biến vì là dễ nhất còn phương pháp thứ 3 ta thấy là vô cùng khó khăn vì phải bóc tách từng hàng hóa dịch vụ một.

kinh te hoc p1-Tinh GDP PP SX

GDP danh nghĩa và GDP thực tế:

GDP là tổng sản lượng hàng hóa sản xuất trong một thời kỳ được quy ra tiền thông qua giá thị trường của hàng hóa đó. Một thị trường thì có n hàng hóa vì vậy công thức của GDP là:

GDP2

Trong đó t là ký hiệu của năm, i là hàng hóa thứ i, Pi là giá của hàng hóa thứ i và qi là số lượng của hàng hóa thứ i.

GDP bao gồm hai loại là GDP thực tế và GDP danh nghĩa. GDP thực tế là GDP mà lấy giá hàng hóa của một năm gốc nào đó, ở Việt Nam là năm 1994. Tuy nhiên vào ngày 4/4/2012 thì Bộ Kế hoạch đầu tư có văn bản 02/2012/TT-BKTDT quy định chuyển năm gốc từ 1994 sang năm 2010. Giá hàng hóa từ 1994 tới 2010 tăng lên rất nhiều cũng sẽ giúp GDP thực tế 2013 tăng lên với cùng một sản lượng.

GDPr

R: Real

GDP danh nghĩa có công thức:

GDPn

n là Norminal; t là năm hiện hành. GDP danh nghĩa thì sẽ lấy giá ngay năm tính GDP để nhân với sản lượng.

Còn để đo sản lượng thì cũng không khó. Chính phủ sẽ yêu cầu các địa phương báo cáo sản lượng mỗi địa phương. Các địa phương sẽ có các thông tin như tổng sản lượng nông sản (lúa, hoa màu,,…), tổng sản lượng công nghiệp,…

GDP thực tế sẽ giúp loại bỏ yếu tố lạm phát ra khỏi GDP. Ở Việt Nam khi công bố GDP là GDP thực tế, có nghĩa là việc ai đó bảo là phải lấy GDP này trừ đi tỷ lệ lạm phát để ra GDP thực là không hiểu bản chất của cách tính GDP.

Mặt khác người ta vẫn tính GDP danh nghĩa. GDP danh nghĩa sẽ cho biết cung tiền cần thiết cho vào nền kinh tế để chính phủ thực thi chính sách tiền tệ. Đọc thêm bài Cung cầu tiền.

Chỉ số điều chỉnh GDP sẽ cho chúng ta biết sự biến động về giá cả:

dt

Chỉ số điều chỉnh GDP cũng tương tự như chỉ số giá cả CPI. Điểm khác nhau là CPI thì tính cho một giỏ hàng mà người tiêu dùng thường sử dụng còn chỉ số điều chỉnh GDP tính cho toàn bộ hàng hóa bao gồm cả hàng hóa như vũ khí đạn dược (mà người tiêu dùng không bao giờ mua).

Công thức trên cho ta tỷ lệ giữa giá của mặt hàng năm hiện hành và năm gốc vì sản lượng là như nhau ở cả hai cách tính GDP.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế là tỷ lệ giữa GDP thực tế theo thời gian:

tang truong kt

 

Các chỉ số kinh tế vĩ mô khác:

GO: Gross Output : Tổng giá trị sản xuất

Nghiên cứu tại bài Thống kê kinh tế (P4: Thống kê giá trị sản xuất)

GNI: Gross Nation Income: Tổng thu nhập quốc dân

GNI= GDP + Thu nhập thuần nhân tố sản xuất

Thu nhập nhân tố sản xuất =  Thu lợi tức nhân tố từ nước ngoài – Chi lợi tức nhân tố ra nước ngoài = Lợi nhuận chuyển về – Lợi nhuận chuyển ra

Ví dụ: Một doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam họ sẽ chuyển lợi nhuận có được về nước của họ; ngược lại khi doanh nghiệp VN đầu tư tại nước ngoài như Hoàng Anh Gia Lai cũng sẽ chuyển lợi nhuận về nước.

Chênh lệch giữa GDP và GNI càng lớn thì càng thể hiện mức độ hấp thụ vốn càng kém, là dấu hiệu của việc chuyển giá,..

NNI (Net Nation Income) Thu nhập quốc dân thuần = GNI – Tổng khấu hao TSCĐ

Thông thường tổng khấu hao chiếm khoảng 10% GDP

NDI: Thu nhập quốc dân khả dụng = NNI – Chuyển nhượng hiện hành thuần

Chuyển nhượng là các giao dịch một chiều bao gồm chuyển nhượng hiện hành là chuyển nhượng cho tiêu dùng va chuyển nhượng vốn là cho sản xuất. Trong phạm vi một quốc gia thì tổng của chuyển nhượng sẽ bằng không vì khi A chuyển cho B 10 đ thì A mất đi 10 đ và B thêm 10 Đ.

Theo ông Hà Quang Tuyến – Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), chênh lệch giữa hai chỉ số GDP (tổng sản phẩm quốc nội, kể cả của công dân nước ngoài làm ra trên đất Việt Nam) và GNI (tổng thu nhập quốc dân, tức đã trừ phần làm ra của người nước ngoài), là rất lớn. Tại một cuộc họp báo vào cuối năm ngoái, ông Tuyến cho biết chênh lệch này trong các năm 2010 là 82.250 tỉ đồng, 2011 là 119.800 tỉ đồng, 2012 là 142.80 tỉ đồng và năm 2013 là 171.930 tỉ đồng. Có nghĩa GDP năm 2013 phải trừ bớt 8 tỉ đô la là phần của người nước ngoài làm ra, trước sau gì họ cũng đem về nước họ.

So với nước ngòai thì chúng ta nhận viện trợ không hoàn lại nhiều hơn là viện trợ không hoàn lại cho nước khác.

Chú ý là mỗi chỉ số có nhiều cách tính; ngay như GDP cũng có ít nhất 3 cách tính nên các chỉ số có liên quan tương ứng cũng có từng đấy cách tính. Ví dụ nếu tính theo phương pháp thu nhập thì:

 NI: Nation Income: Thu nhập quốc dân là toàn bộ thu nhập của doanh nghiệp, người dân chưa tính thuế.

NI = w + R + In + Prtt

Trong đó : w: tiền lương; R: thuế đất; In: lãi suất do công ty trả; Prtt: lợi nhuận công ty trước thuế.

DI: Thu nhập quốc dân khả dụng (hoặc sử dụng) : là thu nhập cuối cùng mà người dân có thể sử dụng; có nghĩa là bằng tổng thu nhập của họ trừ đi toàn bộ các loại thuế và các khoản giảm trừ sau đó cộng với các khoản trợ cấp của chính phủ.

DI = NI +  Sn -Td

Trong đó Sn là trợ cấp chính phủ; Td: thuế trực thu ( là thuế mà cơ quan thuế thu trực tiếp từ người chịu thuế như thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân; phân biệt với Te là thuế gián thu như thuế VAT vì người chịu là người tiêu dùng cuối trong khi người thu lại là DN sau đó nộp lại cho CP)

 Tóm lại mối quan hệ giữa các chỉ số như sau:

– VA = GO – IC
– GDP = ∑VA + ∑ thuế nhập khẩu
– GNI = GDP + Thu nhập thuần nhân tố sản xuất
– NNI = GNI – ∑ khấu hao TSCĐ
– NDI = NNI + chuyển nhượng hiện hành thuần
– S = NDI – (C+G)

– GDP = C + G + S + E – M

Ví dụ đơn giản về tính GDP với mô hình là chỉ có chi tiêu C. Ví dụ này bỏ qua I, G và NX:

Kinh te hoc p1 - cach tinh GDP 2

Khác biệt tính lạm phát dựa vào CPI và chỉ số điều chỉnh GDP

– Lượng trong CPI càng cao thì hàng đó càng được tiêu dùng nhiều. Người ta sẽ phải định kỳ xem xét lại rỏ hàng hóa.

– Lượng trong GDP là tổng sản lượng quốc nội, là toàn bộ hàng hóa tiêu dùng trong năm bao gồm cả vũ khí. Lượng trong CPI là tính theo giỏ hàng tiêu dùng, chỉ có hàng hóa hay tiêu dùng mà thôi.

– Công thức nhân giữa lượng và giá trong hai công thức tính rất dễ gây nhầm lẫn. Nếu cho tất cả lượng bằng nhau ta sẽ thấy lạm phát tính được bằng nhau:

chienluocsong

Chú ý :

Tính lạm phát là phải theo CPI mới đúng, nó mới phản ánh đúng ý nghĩa. Chỉ trong làm bài tập kinh tế nếu người ta cho chỉ số điều chỉnh mình mới có thể tính tắt qua được vì các giả định trong bài tập kinh tế học rất đơn giản (như ở trên là chỉ có 2 hàng hóa ). Nếu người ta cho dữ liệu lượng và giá hàng hóa thì phải tính theo CPI trừ khi người ta bảo mình tính theo chỉ số điều chỉnh.

https://chienluocsong.com/kinh-te-hoc-p16-chi-so-cpi-va-lam-phat/

10 nguyên lý của kinh tế học:

1. Con người phải đối mặt với sự đánh đổi

  • Không có gì là miễn phí. Mọi thứ đều có giá của nó. Mỗi chính phủ có một bộ các chỉ số vĩ mô để theo đuổi như GDP, lạm phát, thất nghiệp, dự trữ ngoại hối, cán cân thương mại,….Khi chính phủ theo đuổi chỉ số này thì sẽ phải hi sinh chỉ số khác, hoặc là phải chấp nhận ở mức hài hòa.

2.Chi phí của một thứ là cái bạn phải từ bỏ để có được thứ đó (chi phí cơ hội)

  • Mỗi quyết định của con người đều là sự cân nhắc giữa chi phí và lợi ích. Chi phí được đo bằng giá bạn phải bỏ ra để có được, nghiên cứu bài chi phí cơ hội.

3. Con người duy lý suy nghĩ tại điểm cận biên

  • Khi quyết định một cái gì đó thì con người so sánh giữa lợi ích được nhận thêm và chi phí phải bỏ ra thêm. Ví dụ sau một chầu bóng đá anh em có thể quyết định việc đi uống bia rất dễ dàng. Cốc đầu tiên cũng là dễ vì lợi ích thì thấy rõ mà thiệt hại thì chưa thấy đâu. Càng về sau số cốc tăng lên thì chi phí ngày càng sát với lợi ích có thêm rồi tới mức mà mọi người bắt đầu suy nghĩ có nên uống tiếp không. Nghiên cứu thêm tại bài Hành vi của người tiêu dùng.

4. Con người phản ứng với các kích thích

  • Mỗi quyết định của chính phủ đều gây ra các phản ứng của người phải chịu sự quyết định. Chính phủ phải lường trước các phản ứng trước khi thi hành một chính sách nào đó.

5. Thương mại làm các bên đều có lợi

  • Trao đổi giúp mỗi người, mỗi doanh nghiệp, mỗi chính phủ tập trung vào làm cái họ giỏi nhất và dùng nó để đổi lấy những thứ cần thiết khác mà họ không làm giỏi. Nhờ vậy mà lợi ích các bên đều tăng lên. Nghiên cứu loạt bài về Thương mại quốc tế.

6. Thị trường luôn là phương thức tốt để tổ chức hoạt động kinh tế

  • Giá trị mỗi người, mỗi DN tạo ra được định giá bởi thị trường. Mỗi người không cần hoạt động vì người khác, họ hoạt động vì chính họ nhưng lại mang lại lợi ích tổng thể cho những người khác. Nghiên cứu bài thị trường cạnh tranh hoàn hảo, không hoàn hảo, độc quyền,…

7. Đôi khi chính phủ có thể cải thiện được kết quả vận hành của thị trường

  • Đôi khi thị trường không vận hành được tốt nhất gây ra các thất bại thị trường. Chính phủ tác động để cho thất bại thị trường không xảy ra. Nghiên cứu bài thất bại của thị trường.

8. Mức sống của một quốc gia phụ thuộc vào năng lực sản xuất hàng hóa và dịch vụ của nước đó

9. Giá cả tăng khi chính phủ in quá nhiều tiền

10. Chính phủ phải đối mặt trong ngắn hạn giữa lạm phát và thất nghiệp

Tài liệu đọc thêm:

Comments

comments

4 COMMENTS

  1. A giúp e câu này nha
    Giá hàng hóa trung gian được tính vào gdp khi nó đc đưa vào hàng tồn kho và đc tiêu thụ vào năm sau. Đ hay S?
    Đáp án là Đ nhưg e nghĩ là hàng hóa trung gian thì chỉ để sản xuất tiếp chứ ko thể tiêu thụ đc.
    E cảm ơn

    • Câu này đúng rồi em vì kết thúc 31/12 thì người ta sẽ phải thống kê hàng thành phẩm, bán thành phẩm, nguyên vật liệu trong kho. Hàng trung gian đó cũng coi như là bán thành phẩm hoặc nguyên vật liệu nên nó được tính vào GDP.

  2. Chú ơi giải thích hộ cháu ở cái bảng dữ liệu cuối trang sao cháu tính lạm phát theo chỉ số điều chỉnh GDP và tính theo Chỉ số CPI lại ra kết quả không giống nhau chú giải thích giùm cháu ạ?

Leave a Reply to dungiso Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here