Hoàn thiện bản thân (P7: Xây dựng thói quen học tập)

2
7543

Nếu chúng ta không có thói quen nào thì chắc là tệ lắm vì cái gì cũng phải nghĩ ngợi quyết định. Mở cửa, đóng cửa, đi cầu thang như thế nào, đi về bằng đường nào, muốn xe rẽ sang phải thì phải như thế nào,…Thói quen giúp chúng ta tiết kiệm rất nhiều năng lượng.

Trong vô vàn các thói quen trong bộ thói quen của chúng ta có những thói quen tốt và những thói quen xấu. Hình thành thói quen tốt và loại bỏ hoặc sửa đổi thói quen xấu là việc cần phải làm. Việc này nó cũng như là sửa đoạn mã lập trình thay vì chỉ sửa kết quả. Bạn sửa một lần đoạn mã bạn sẽ cho kết quả đúng ở mọi lần còn nếu chỉ sửa kết quả thì chỉ được lần đó mà thôi.

Hãy thử tưởng tượng có một ngày thay vì mắt bạn phải căng ra và luôn luôn trong đầu căng thẳng với suy nghĩ “phải học hỏi” thì giờ đây việc học đến một cách tự nhiên như hơi thở.

 

Cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin của trí não

Các giác quan của chúng ta tiếp nhận tất cả các thông tin từ môi trường xung quanh trong khả năng của chúng nhưng chỉ những thông tin nào được chúng ta chú ý mới được ghi nhận.

Ví dụ bạn có thể nghe thấy mọi âm thanh xung quanh nhưng bạn chỉ biết có âm thanh nào đó khi chú tâm vào âm thanh đó. Bạn có thể nhìn thấy mọi thứ trong nhà ga nhưng chỉ những thứ bạn để ý vào bạn mới phát hiện ra có sự tồn tại của nó và nó được bạn ghi nhớ. Bạn có thể để ý bảng vé tàu, bảng giờ tàu nhưng chắc chắn không biết và không nhớ tới một người đi ngay trước mặt bạn (trừ khi họ rất đặc biệt khiến bạn chú ý)

Chỉ những thứ bạn quan tâm bạn mới ghi nhận sự tồn tại của nó.

hoan thien ban than p6- tiep nhan thong tin

 

Nếu bạn quan tâm tới tin tức cướp của giết người thì đương nhiên bạn sẽ thích đọc những tin tức đó. Nếu bạn làm kiến trúc sư bạn có thể quan sát, đánh giá kiến trúc của các tòa nhà trên đường đi. Nếu bạn là người nhạc sỹ bạn có thể chú tâm tới một người đang đánh đàn, có thể nhận xét người đánh đàn có hay không.

Thông thường con người ta quan tâm tới những thứ thuộc về lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn và sở thích của họ.

Như vậy chúng ta có hai điều phải nghĩ:

1. Chúng ta tiếp nhận thông tin gì?

2. Chúng ta đang xử lý thông tin như thế nào?

—-

1. Bạn đang tiếp nhận thông tin gì?

Xã hội có 8 tỷ người nên hàng ngày có rất rất nhiều thông tin được hình thành. Cho dù cố gắng tối đa bạn cũng chỉ có thể tiếp nhận một phần vô cùng nhỏ. Do vậy bạn phải rất chọn lọc trong tiếp nhận thông tin bằng cách trả lời câu hỏi sau:

– Bạn quyết định chỉ quan tâm tới loại thông tin gì? Loại thông tin có ích cho con đường đi tới mục tiêu của bạn thì lựa chọn.

– Bạn quyết định lấy thông tin từ đâu? Từ mạng xã hội, cổng thông tin, diễn đàn, web chuyên ngành, sách báo, ti vi, đài đóm,….

 

2. Bạn đang xử lý thông tin như thế nào?

Đa phần các thông tin chúng ta tiếp nhận sẽ lưu ở bộ nhớ tạm và nếu không có biện pháp gì chuyển sang vùng nhớ dài hạn thì sẽ được quên đi. Cho dù một sự kiện được mô tả rất dài nhưng bạn sẽ chỉ nhớ một vài ý chính mà thôi. Nếu bạn chỉ cố gắng đọc thật nhiều sách mà không rút ra được cái gì sau khi đọc thì chỉ một tháng sau là bạn quên tiệt nội dung cuốn sách muốn nói gì.

 

Thói quen học hỏi được hình thành tại bước này. Khi nhìn một sự kiện, một hiện tượng bạn phải đặt ra câu hỏi và đi tìm lời giải đáp cho mình

Tại sao lại có sự kiện đó? Bản chất của sự kiện đó là gì? Sự kiện đó sẽ dẫn tới điều gì? Liệu rủi ro đó có thể phòng tránh được không? Liệu có cách nào khác để thực hiện được hiệu quả hơn không? Liệu sự kiện đó có thực sự diễn ra như mô tả không?

Ví dụ một bài viết trên vnexpress: “Tổng tài sản khối ngân hàng vốn nhà nước giảm 6.500 tỷ đồng“. Bạn có thể đọc rồi quên nó nhưng nếu bạn đặt ra các câu hỏi và tìm câu trả lời bạn sẽ học được một thứ gì đó và cái bạn nhớ là thông tin đã qua xử lý chứ không phải thông tin thô.

Tại sao lại giảm? Tại sao lại tăng? Nếu giảm thì điều gì xảy ra? Nếu tăng thì điều gì xảy ra?

Trong quá trình đọc bài có thể gặp một số khái niệm bạn không biết thì bạn phải tìm câu trả lời: Thế nào là vốn điều lệ ngân hàng, tổng tài sản ngân hàng? Ngân hàng thương mại cổ phần là gì, ngân hàng liên danh là gì? có mấy loại hình thức ngân hàng? Thế nào là tỷ lệ an toàn vốn?..

Bạn có thể hỏi giáo sư google, sẽ ngay lập tức có câu trả lời, đó là cách khai thác sức mạnh của internet.

Ngay cả khi trên đường từ chỗ làm về nhà bạn cũng có thể học hỏi được ối thứ nếu chịu khó đặt ra câu hỏi và trả lời.

Tại sao chỗ này hay xảy ra tắc đường? vụ tắc đường này sẽ gây thiệt hại như thế nào? Có cách nào để không xảy ra tắc đường được không? Có cách nào khiến dòng xe cộ đi nhanh hơn không? Tại sao thứ hai lại hay tắc đường hơn thứ ba? Liệu con đường này đã là nhanh nhất?

 

Ở công ty bạn có thể đặt ra câu hỏi Làm sao để tập trung hơn? làm sao để làm việc hiệu quả hơn? làm sao để phối hợp giữa các bộ phận được tốt hơn? Cách làm này có thể cải tiến được nữa không? Công việc được giao này có cần phải thực hiện không? nếu không thực hiện thì sao? Có cách nào hay hơn là cách làm theo hướng dẫn?

Tóm lại bạn phải hình thành thói quen đặt câu hỏi mọi lúc mọi nơi đặc biệt là các vấn đề mà bạn quyết định đặt trọng tâm vào đó.

Bản chất của Hoàn thiện bản thân là chúng ta cố gắng biến chúng ta trở nên tốt hơn, thích nghi hơn so với ngày hôm qua. Ta không so sánh với anh A hay anh B mà ta so sánh với chính ta. Nếu ta không thay đổi cách làm thì đương nhiên sẽ nhận được cùng một kết quả vì vậy chúng ta phải luôn tâm niệm rằng Cách làm này không phải là tốt nhất, phải có cách nào đó tốt hơn mà ta phải tìm ra.

Lặp đi lặp lại một hành động, một cách nghĩ thì sẽ hình thành lên thói quen tương ứng.

 

Người Việt nam ta rất giỏi trả lời câu hỏi “Còn cách nào nữa không?”. Ví dụ khi đọc một loạt các quy định về làm cái gì đó như đăng ký nhà đất, xin giấy phép xây dựng, quy trình thăm khám bệnh, mua vé xem bóng đá,…chúng ta mặc định hiểu là phải có cách đi tắt đón đầu.

Một hệ thống máy móc có quy trình vận hành do nhà sản xuất đưa ra. Người công nhân chỉ mất vài ngày làm theo quy trình là sau đó bắt đầu nghĩ có thể rút ngắn công đoạn này, công đoạn kia để đỡ mất công hơn hay không.

Người công nhân xây dựng hoặc lau chùi khi làm việc trên cao phải đội mũ bảo hiểm, đeo dây bảo hiểm và phải chú ý xung quanh khi thao tác. Nhưng nếu chỉ có lau mỗi cái kính mà phải mất công đeo dây bảo hiểm thì tốn công quá vì vậy thôi chẳng cần.

Những cách nào khác của người Việt Nam thường hướng tới làm sao tiện cho bản thân mình và thường rất thiếu tầm nhìn, khái niệm chung gọi là khôn lỏi. Vì vậy ta không có cải tiến lớn mà chỉ có cải tiến rất nhỏ. Hôm kia xem trên ti vi có phóng sự về một gia đình 3 đời theo nghề thợ rèn. Vấn đề là con người thay đổi nhưng phương pháp rèn không hề thay đổi trong suốt 3 đời đó vẫn là cái bễ, vẫn cái búa đập lên đập xuống.

Cái lồng đèn ông sao khi sinh ra như thế nào thì sau vài chục năm bây giờ vẫn hình dáng ấy, chất liệu ấy. Cái chợ truyền thống nghìn năm trước như thế nào thì bây giờ vẫn thế; nếu có xây dựng lại cho sạch sẽ hơn thì chẳng ai vào bán, chợ truyền thống là cứ phải lụp xụp, nhớp nháp, bẩn thỉu, chen lấn thì mới đông người mua.

“Cách nào khác” mà chúng ta hướng tới phải có sự giúp sức của năng lực thì mới phát huy được hiệu quả. Nếu thiếu hiểu biết thì ta có thể có những cách làm sai mà ta không biết.

Comments

comments

2 COMMENTS

  1. Tóm lại là: tâm ở đâu thì ta ở đó, ta tiếp nhận thông tin thì phải có mục tiêu, thông tin ấy mới ở dạng tiềm năng, nó có giá trị khi ta áp dụng vào việc có giá trị, và muốn có được thông tin ta để dùng thì phải nhớ, muốn nhớ thì phải cho nó ở dạng lâu dài, muốn cho lâu dài thì phải biết hỏi và trả lời và thi thoảng xem lại.kakaka

  2. Chỗ “Cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin của trí não” a viết có cùng tư tưởng với phần “7 bài học sáng nghiệp, đoạn thầy Lư Thực kể chuyện nhà buôn và nhà côn trùng học” của Tam@Quốc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here