Hoàn thiện bản thân (P6: Hiểu đúng về đam mê để không mắc sai lầm)

9
12284

Khi đi phỏng vấn xin việc thể nào cũng có câu hỏi “Bạn đam mê cái gì?”. Mong muốn của nhà tuyển dụng là ứng viên trả lời đam mê của họ phù hợp với công việc ứng tuyển. Nhà tuyển dụng cho rằng con người thường theo đuổi đam mê tới cùng bất chấp khó khăn. Ứng viên cũng đủ thông minh để biết rằng phải nói ra đam mê của họ tương ứng với công việc.

Nếu phải trả lời câu hỏi “Đam mê của bạn là gì?” thực sự là để trả lời được cũng không đơn giản. Đam mê là cái mình thích hay mong muốn đạt được nhưng nó còn ở cấp độ cao hơn. Ví dụ nói “Tôi đam mê nấu ăn”  sẽ thấy hơn so với “Tôi thích nấu ăn”. Vì đam mê tôi có thể bất chấp nhiều khó khăn còn “thích” thì nghe rất nhẹ nhàng, có thể có hoặc không cũng chẳng sao.

Đam mê vẽ tranh, đam mê bơi lội, đam mê trồng trọt, đam mê chăn nuôi, đam mê thiết kế, đam mê chinh phục các đỉnh cao, ….Túm lại có bao nhiêu việc trên đời thì có bấy nhiêu đam mê, kể cả công việc mang lại tiền lẫn không mang lại tiền.

Công việc hay phong cách làm việc

Lấy một ví dụ để ta hiểu được bản chất của đam mê:

“Đam mê kinh doanh” có phải là một đam mê không? Có vẻ không đúng lắm.

Kinh doanh là một khái niệm bao gồm rất nhiều thứ, có thể là:

– Kiếm nhiều tiền.

– Chủ động, tự do.

– Có nhiều thách thức

– Có thể áp dụng nhiều lĩnh vực.

…..

Thực ra bạn thích một trong những thứ trên vì vậy bạn đam mê việc Kinh doanh. Ví dụ bạn thích được chủ động không bị bó buộc, mà đặc tính này là một trong những đặc điểm của “Kinh doanh”, nhưng vấn đề là cũng có rất nhiều công việc có thể mang cho bạn thứ đó ví dụ như viết văn, bảo vệ, lái taxi,……

Bạn có thể thích kiếm nhiều tiền nhưng cũng có rất nhiều việc có thể kiếm nhiều tiền chứ không nhất thiết phải là kinh doanh ví dụ như là một kỹ sư lập trình giỏi, nhà thiết kế, một chuyên gia kỹ thuật giỏi,….Kinh doanh (làm nv kinh doanh hay tự doanh) không phải là con đường duy nhất để có nhiều tiền.

Như vậy chúng ta phải hiểu phong cách làm việc chúng ta yêu thích. Có rất nhiều việc có thể thỏa mãn phong cách làm việc của bạn để bạn lựa chọn. Nếu bạn gắn đam mê của mình với một công việc cụ thể thì tự bó hẹp mình.

Làm sao biết phong cách làm việc mình yêu thích?

Phong cách mà bạn cảm thấy thoải mái nhất chính là phong cách bạn yêu thích.

Các môn thể thao có thể tách làm hai nhóm. Nhóm đơn độc và nhóm đội nhóm:

Nhóm đơn độc là các môn thể thao bạn chỉ cần một mình cũng có thể thực hiện được như bơi lội, chạy bộ, đi bộ, thiền..

Nhóm đội nhóm là các môn thể thao bạn không thể chơi một mình như bóng đá, bóng bàn, cầu lông, khiêu vũ,…

Những người hướng nội thường chọn các môn thể thao thuộc nhóm đơn độc. Họ có thể chơi lúc nào họ thích, họ không bị lệ thuộc vào ai để có thể chơi được, họ có thể yên tĩnh suy nghĩ.

Những người hướng ngoại thường chọn các môn đội nhóm vì nó làm thỏa mãn mong muốn được giao tiếp của họ. Họ thích được trò chuyện, giao lưu, phối hợp,….

Không ai ép buộc ta phải chơi thể thao nên khi ta chọn một môn nào đó chắc chắn là do ta cảm thấy thoải mái khi tham gia.

Con người chúng ta có thể tách ra làm hai nhóm lớn, Nhóm hướng nội và Nhóm hướng ngoại. Nhóm hướng ngoại có xu hướng nhìn ra bên ngoài, thích giao tiếp, thích được làm việc với nhiều người, họ cảm thấy thoải mái trong giao tiếp. Người hướng nội có xu hướng nhìn vào trong, họ nghĩ nhiều, nói ít và không thích giao tiếp.

Hai loại người này có thể thành công trong những lĩnh vực trái ngược hẳn với tính cách họ. Một người hướng nội ngại giao tiếp vẫn có thể trở thành lãnh đạo giỏi quản lý nhiều người hoặc trở thành một người bán hàng giỏi. Một người hướng ngoại ngại ngồi yên một chỗ vẫn có thể thành công trong công việc mang tính kỹ thuật đặc thù. Việc phân loại chỉ giúp cho ta có cái nhìn tương đối về con người mình mà thôi, nó không bó hẹp hướng đi nghề nghiệp của bạn.

Bạn có thể tự trả lời các câu hỏi phía dưới để biết Phong cách mà mình yêu thích bằng cách quan sát các hành vi của chính mình. Chú ý phải là quan sát hành vi nếu không bạn sẽ rất dễ trả lời theo hướng là cái bạn đang mong muốn (có nghĩa là cái bạn không thực sự đang có).

1. Bạn thực sự thích tự chủ trong công việc?

Thực tế nhìn lại trải nghiệm trong quá khứ, trong lúc làm việc bạn có thích tự quyết mọi việc hay là phải có người khác hướng dẫn từng bước? Thông thường con người thích được tự chủ đối với công việc anh ta tự tin và muốn được hướng dẫn khi anh ta cảm thấy thiếu tự tin. Tỷ trọng bạn ở vế nào chính là phong cách của bạn: Tự chủ hoặc Luôn muốn được chỉ bảo.

Những công việc tự doanh, làm chủ một mô hình kinh doanh,…đòi hỏi tính tự chủ rất cao + sự cô độc. Nếu bạn thiên về thích là một thành phần của đội nhóm, phải có người ở trên hướng dẫn mới cảm thấy yên tâm thì bạn không phù hợp với việc tự doanh hay làm chủ DN. Nếu bạn tự doanh chỉ một thời gian ngắn bạn sẽ cảm thấy mất phương hướng và muốn quay lại làm thuê (để có người hướng dẫn).

Trong một công ty càng lên cao thì sẽ càng tự chủ nhưng lại đi kèm với trách nhiệm cao. Vị trí phù hợp với bạn là vị trí cân bằng giữa tự chủ và bó buộc, nơi bạn cảm thấy thoải mái.

2. Bạn thực sự thích tự do trong sử dụng thời gian hay không?

Đang đi làm quần quật cả tuần đương nhiên ai trong chúng ta cũng muốn nghỉ vài ngày, đó là việc bình thường. Nhưng giả sử giờ sáng bạn không phải tới công ty nữa, bạn toàn quyền sử dụng thời gian trong cả ngày thì bạn có thể thích nghi được không?

Những người hướng nội có xu hướng thích tự mình quyết định được tự do sử dụng thời gian theo ý mình. Những người hướng ngoại có xu hướng muốn tiêu dùng thời gian cùng với người khác. Sự thừa thãi thời gian có thể gây ra tâm trạng mất phướng hướng vì không biết phải làm gì trong khi sự bí bách về thời gian gây ra stress.

3. Bạn thích làm một mình hay phải phối hợp nhiều người?

Bạn thoải mái nhất khi làm một mình hay làm với nhiều người? Có người cảm thấy rất thoải mái khi giữa đám đông ngay cả khi họ là trung tâm của đám đông. Những người khác thì cảm thấy bứt dứt mỗi khi phải giao tiếp với một ai đó; họ chỉ thích được làm việc một mình.

Khi bạn chọn việc phù hợp với phong cách mình yêu thích thì bạn sẽ cảm thấy thoải mái nhất và dễ phát triển nghề nghiệp hơn. Nếu như bạn ngại giao tiếp nhưng phải gọi điện cho khách hàng mua bảo hiểm thì quả là khó khăn; trong khi những người không ngại họ không gặp khó khăn đó đáng kể.

4. Bạn thích giàu có bất chấp khó khăn hay vừa đủ mà không áp lực?

Sự hy sinh tỷ lệ thuận với thu nhập kiếm được. Trong quá khứ bạn có thường xuyên từ bỏ những thứ mình muốn để hướng tới một mục đích xa hơn không. Ví dụ như phải đi công tác dài ngày, phải làm việc cho một dự án với áp lực cao liên tục trong nhiều ngày,..

Tiền thì ai cũng thích nhiều nhưng không phải ai cũng muốn hy sinh để có nhiều tiền. Họ chỉ mong muốn cân bằng giữa việc kiếm tiền và những mục tiêu khác.

5. Bạn thích có nhiều khó khăn để vượt qua nhằm khẳng định mình hay không?

Có người thích cuộc sống êm đềm, ít thử thách. Nhưng cũng có những người luôn muốn cuộc sống sôi động đầy thử thách. Sẽ rất vất và cho một người ưa sự thanh bình làm một công việc có nhiều những thay đổi bất chợt. Nhưng bảo một người ưa sự sôi nổi lại làm công việc nhàm chán thì cũng không được.

6. Bạn thích làm việc trí óc hay làm việc chân tay?

Những người ngại nghĩ thì thích làm việc chân tay, lặp đi lặp lại thì càng tốt. Ngược lại, có những người chăm nghĩ, chăm tìm tòi sáng tạo, …Thượng tế (nếu có) rất là buồn cười, anh ta ban cho mỗi người những đặc điểm khác nhau vì vậy xã hội rất đa dạng. Nếu bạn là người ưa tìm tòi sáng tạo mà làm công việc không đòi hỏi thì đương nhiên bạn sẽ rất chán.

 

Mỗi công việc sẽ có những đặc điểm riêng của nó. Nếu phong cách của bạn gần nhất với đặc điểm công việc đó thì bạn sẽ dễ giỏi và cũng dễ cảm thấy thoải mái khi làm công việc đó hơn.

Ngoài phong cách còn là kết quả nữa

Phong cách là quá trình còn kết quả cũng là một nội hàm của đam mê. Muốn nấu những món ăn ngon để mọi người phải trầm trồ. Muốn mình là người chạy nhanh nhất, leo núi cao nhất, có trang trại lớn nhất, có công ty lớn nhất, có cửa hàng đẹp nhất, làm người ngèo bớt ngèo, tìm ra phương thuộc chữa bệnh nan y, tạo ra cây giống mới, sáng tạo ra một thứ mới mẻ,…

Cũng như phong cách, cái bạn mong muốn là sau kết quả chứ không phải bản thân kết quả. Ví dụ như món ăn ngon không phải là kết quả cuối cùng, kết quả cuối cùng là cảm giác của người thưởng thức món ăn đó. Bạn hướng tới cảm giác đó chứ không phải là món ăn.

Muốn là người bơi nhanh nhất để làm gì? vì mọi người sẽ thán phục, trầm trồ, tôn trọng,.. tên anh được ghi vào lịch sử môn bơi lội.

Muốn có trang trại to để làm gì? để có được nhiều tiền, để mọi người phải khen ngợi,..

Muốn người ngèo bớt ngèo để làm gì? Muốn vẽ bức tranh đẹp để làm gì? Muốn có những tác phẩm văn học để đời để làm gì? Muốn đi khắp mọi nơi để làm gì?

Nếu bạn cắm đinh trong đầu là phải có bức tranh đẹp, phải có món ăn ngon, phải bơi 200m trong 30 giây,….thì bạn sẽ giới hạn mình trong những thứ đó thôi. Nghĩ rộng ra bạn sẽ thấy là có nhiều con đường khác để đi nữa.

Theo đuổi đam mê khi nào?

Bạn có thực sự giỏi nấu ăn không để theo đuổi đam mê nấu ăn?

Bạn có đủ kiên trì để theo đuổi đam mê mở trang trại?

Bạn có viết tốt không để mà theo đuổi nghiệp văn chương?

Bạn có đủ giỏi để có thể mở một sự nghiệp kinh doanh riêng?

Bạn có duy trì được cuộc sống gia đình để theo đuổi một công việc không ra tiền ít nhất trong vài năm tới?

Rất nhiều người trong chúng ta cứ nhắm mắt, bỏ tất cả để theo đuổi đam mê khi trong người không đủ những năng lực cần thiết. Điều đó là sự tự sát.

Sinh viên mới tốt nghiệp thường ảo tưởng về sức mạnh vì họ chưa ra chiến trường nên là lực lượng rất hay mắc sai lầm này. Theo đuổi đam mê vài năm không đạt được gì vì làm gì có năng lực, quay trở lại làm từ đầu thì cũng dở dang.

Có những bạn còn theo đuổi con đường học lên cao mà không biết để làm gì: kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư.

Cứ đọc tiểu sử của những doanh nhân lớn bạn sẽ thấy là họ đều khởi đầu với vị trí rất thấp và kéo dài trong thời gian dài. Không ai trong họ mới ra trường một vài năm đã có tất cả. Họ có thể chỉ thành công khi 40 thậm chí 50, 60 tuổi. Họ thành công muộn vì tới lúc đó họ mới tích tụ được đủ năng lực cần thiết.

 

Bạn có thích đi máy bay không? Tôi thì không. Cảm giác khó chịu khi cất hạ cánh và cảm giác an toàn bị đe dọa khi ở trên cao tới mấy km. Mặc dù không thích nhưng vẫn phải đi vì phương án thay thế như ô tô thì tốn nhiều thời gian mà cũng chẳng sung sướng hơn.

Nếu phải đi Sài Gòn từ Hà Nội, bạn có thể đi máy bay, ô tô, xe máy, đi bộ, đi tàu thủy. Bạn phải lựa chọn một trong các phương tiện tùy thuộc vào thời gian, tiền và sở thích. Nếu như bạn chỉ đi phương tiện mình thích thì chẳng bao giờ có thể tới Sài gòn đúng yêu cầu được.

Cuộc sống cũng vậy, quan trọng là bạn muốn đi tới đâu. Bạn không cần phải yêu thích phương tiện dùng đi tới đó. Nếu bạn đặt mục tiêu tài chính thì đừng lựa chọn công việc theo ý thích mà lựa chọn công việc giúp bạn đi được tới đích. Bạn không cần phải yêu công việc đang làm, yêu cái công ty bạn đang làm, phải cảm thấy thoải mái khi đi làm.  Nhiều người trong chúng ta lại có lựa chọn ngược lại. Họ lựa chọn phương tiện yêu thích và để nó đi tới đâu thì đi.

Những thứ yêu thích thì thường nhẹ nhàng, dễ dàng, ít thử thách. Những thứ đó thì làm sao có thể đạt tới đích cao đáng kể được. Nếu như một cái gì đó dễ làm, dễ yêu thì có vô số người muốn và vì vậy giá của nó sẽ rất thấp.

 

Kết luận:

Đam mê rất quan trọng nhưng nó chỉ là chất xúc tác. Đam mê không thể là cơ sở của thành công. Chỉ theo đuổi đam mê một cách mù quáng chắc chắn là một sai lầm trừ khi bạn là thiên tài.

Bạn phải có đủ thời gian để tích tụ đủ năng lực cần thiết. Chỉ khi đủ năng lực bạn mới có thể sử dụng được đam mê. Trong hầu hết trường hợp bạn sẽ không thỏa mãn được đam mê trên con đường tích tụ trừ khi đam mê của bạn là hoàn thiện bản thân để mình ngày càng tốt hơn.

Nếu bạn có đam mê một cái gì đó không mang lại tiền kiểu như viết thơ chẳng hạn thì hãy kiếm đủ tiền để về hưu sớm trước khi theo đuổi đam mê toàn thời gian; nếu không hãy làm cả hai một lúc nhưng ưu tiên cho việc kiếm tiền.

Đam mê đến từ đâu?

Con người ta thường đam mê cái họ làm giỏi nhất. Nguyên nhân khi họ làm một cái gì đó xuất sắc hơn bình thường thì mọi người thường trầm trồ thán phục. Được khen ngợi khiến bạn càng lao vào và nhờ vậy lại càng giỏi.

Hồi đi học, nếu bạn giỏi toán dốt văn thì bạn rất thích làm toán, làm toán ngày đêm cũng được. Nhưng đụng tới môn văn thì chỉ vài phút đã thấy chán nản. Vì toán được đầu tư hơn nên bạn càng giỏi, vì văn kém đầu tư hơn mà ngày càng kém.

Nếu bạn không biết mình có đam mê gì thì chắc chắn là ở bạn chưa có gì nổi trổi gọi là giỏi, để khiến người xung quanh phải thán phục.

Lầm tưởng mình làm giỏi một thứ gì đó rồi gán cho đó là đam mê của mình là một sai lầm. Không giỏi mà đam mê lại càng sai lầm vì nó chắc dẫn tới chẳng cái gì ra hồn cả. Làm giỏi sau đó sinh đam mê sẽ khiến bạn ngày càng giỏi hơn.

Trừ khi bạn có năng khiếu còn hầu hết trường hợp còn lại đòi hỏi phải đầu tư mọi nguồn lực mà bạn có mới để một mặt nào đó của bạn nổi trội hơn người khác.

Đam mê mà không ra tiền thì sao?

Bỗng trong tài khoản của bạn có 20 tỷ xuất hiện. Bạn không cần phải đi làm vì tiền nữa thì ngày mai bạn có đi làm nữa không?

Khi không phải đi làm vì tiền ta sẽ làm theo bản năng để thỏa mãn bản năng. Sau khi thỏa mãn bản năng chán chê bạn sẽ làm cái bạn thích. Và đa phần cái bạn thích đó chỉ có chi tiền chứ không có thu tiền.

Giờ bạn không có đồng nào trong tài khoản. Bạn vẫn theo đuổi những thứ đó, những thứ không ra tiền. Bạn có thể tồn tại được không khi không có tiền? Nhiều người thích làm thơ, đi du lịch khắp nơi, xây nhà tình nghĩa, chăm sóc người neo đơn,….trong khi chính mình và gia đình mình còn chạy cơm từng bữa.

Đó cũng chính là lý do rất nhiều người thành công với đam mê khi đã rất già. Khi họ có đủ tiền để không phải nghĩ tới tiền thì họ bắt đầu làm cái mình thích. Lúc đó họ cũng đã có đủ kỹ năng cần thiết, đủ hiểu biết để không theo đuổi những thứ phù phiếm. Xác suất thành công của họ rất cao. Điều này đôi khi gây ra sự ảo tưởng ở người trẻ theo kiểu cứ theo đuổi đam mê đi, thành công sẽ tới với bạn.

Đam mê và cảm xúc

Đam mê chắc chắn là phải dính tới cảm xúc rồi. Khi ta đam mê cái gì đó ví dụ như đánh điện tử, ta hăng say quên hết thời gian, mọi giác quan của ta tập trung vào trò chơi ta không nghe thấy gì nhìn thấy gì bên ngoài nữa.

Cảm xúc của chúng ta yếu hơn là chúng ta tưởng. Bạn có thể kiểm chứng điều này khi tham gia các khóa đào tạo của Bán hàng đa cấp.  Những người ở dưới khóc lóc hô vang quyết tâm phải làm giàu, phải chứng tỏ được mình, phải đạt được mục tiêu. Các khóa học dạy làm giàu cũng tương tự, ai ai cũng hô vang quyết tâm nhưng khi về thì quyết tâm cứ xẹp dần đi.

Đam mê sinh ra cảm xúc hoặc ngược lại cảm xúc sinh ra đam mê. Nếu người ta bảo bạn là cái này, cái kia hay lắm hãy đam mê đi, chắc chắn bạn sẽ dùng lý trí để suy xét. Nhưng nếu người ta điều khiển cảm xúc của bạn để bạn hướng tới cái đó thì bạn sẽ đam mê nó mà không dùng lý trí suy xét.

Điều khiển cảm xúc rất dễ. Nếu bạn xem một đoạn video clip rất cảm động, lúc đó bạn chỉ muốn khóc, đó là lúc cảm xúc chi phối bạn. Nếu bạn vừa chạy 1000m, đầu óc hoàn toàn tỉnh táo, đó là lúc lý trí chi phối bạn.

Miễn cái gì có thể làm cho bạn rất hưng phấn hoặc rất thương cảm thì đều có thể mang ra dùng được. Một câu truyện cảm động, một gương vượt khó làm giàu, một đứa bé bất hạnh, một vụ tai nạn thảm khốc,…Nói tới đây tôi lại nhớ tới hình ảnh những thi thể cháy đen trong một vụ cháy mà anh lính cứu hỏa đã chìa ra cho chúng tôi xem khi tới đào tạo về Phòng cháy chữa cháy; kết quả sau đó là ai cũng mua một bình cứu hỏa mà ngàn năm không dùng tới (giờ vẫn đang phủ đầy mạng nhện ở nhà tôi mà nếu có mang ra dùng chắc không dùng được)

Giả sử bạn không tin có ma; bạn cứ thử ngồi cùng với một vài người bạn. Người bạn nào cũng tin chắc rằng có ma và họ đã từng nghe kể lại hoặc trực tiếp chứng kiến. Bạn sẽ bắt đầu tin rằng đúng là có ma thật. Rời khỏi nhóm đó một thời gian bạn lại khôi phục lại trạng thái không tin rằng có ma.

Vì vậy tìm kiếm đam mê phải trong trạng thái có lý trí.

Trong cuộc sống đôi khi kẻ liều là kẻ thắng. Bất chấp mọi thứ, thấy rằng phải làm thì lao vào làm. Khi con người tin rằng một cái gì đó là có thật thì thực tế sẽ diễn ra đúng như vậy ở hầu hết trường hợp. Chính vì vậy tại sao một người vô cùng đam mê vẫn có thể thành công miễn là anh ta có thể học hỏi trên con đường đi. Nhưng nếu anh ta không có khả năng học hỏi hoặc học quá chậm thì thất bại là cầm chắc.

Đọc thêm:

 

Đam mê và tư duy tích cực, tư duy tiêu cực

Có một thực tế rằng suy nghĩ của ta sẽ điều chỉnh hoàn cảnh. Bạn tin rằng bạn có một bệnh gì thì cơ thể sẽ đáp ứng điều đó giúp bạn. Nếu bạn tin rằng bạn có thể giàu có thì bạn sẽ giàu có, bạn tin rằng bạn mãi mãi ngèo thì bạn sẽ mãi mãi ngèo. Bạn tin thế nào cũng đúng cả.

Đam mê chắc chắn phải gắn với tư duy tích cực, có nghĩa là giữ trong một sự lạc quan, tin chắc vào một lúc nào đó sẽ thành công. Bạn càng tiếp xúc với người tiêu cực, bi quan thì niềm đam mê của bạn càng sụt giảm. Thế nên mạng lưới quan hệ trong xã hội này rất quan trọng nhưng quan trọng là phải là chất lượng chứ không phải số lượng.

 

Đam mê và Khát vọng

Về bản chất hai khái niệm này giống nhau nhưng Khát vọng thường hướng tới một mục tiêu còn Đam mê thường hướng tới tiến trình. Ví dụ: ” Tôi có đam mê nấu ăn” và “tôi có khát vọng làm một món ăn độc nhất vô nhị, cả thế giới trầm trồ thán phục”. Không ai nói là “Tôi có khát vọng nấu ăn”.

“Tôi có khát vọng làm giàu” nghe chuẩn xác hơn là “tôi đam mê làm giàu”

“Tôi có khát vọng đất nước Việt Nam trở nên giàu mạnh” nghe đúng hơn là “Tôi có niềm đam mê biến Việt Nam trở thành giàu mạnh”

Comments

comments

9 COMMENTS

  1. Ôi. Cuộc đời em mà gặp được những kiến thức của anh sớm hơn thì nó chết với em

  2. Rất hay,thuyết phục, logic, em đọc blog a bữa giờ giờ mới comment:))
    Anh có họ hàng với tony Buổi sáng k ạ hehe

  3. Thầy có nhận đệ tử không ạ? em rất tâm đắc với lối tư duy của tác giả, rất mong được gặp mặt và hợp tác với Thầy <3

  4. Bài viết rất hay. Cảm ơn tác giả rất nhiều.
    ”Nếu bạn không biết mình có đam mê gì thì chắc chắn là ở bạn chưa có gì nổi trội gọi là giỏi, để khiến người xung quanh phải thán phục”

  5. Tôi rất tâm đắc với bài viết này. Tôi muốn học hỏi thêm người viết được không

Leave a Reply to Minh Trang Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here