Hoàn thiện bản thân (P4: Tạo động lực)

12
11208

Chỉnh sửa 27/8/2019

Entry ở phần 2 có đề cập là trước khi ta bắt tay vào làm việc gì ta phải dành thời gian để tạo động lực nhằm thực hiện hoạt động đó. Động lực là trả lời của các câu hỏi sau:

1. Tại sao bạn phải làm việc đó?

2. Bạn sẵn sàng trả giá bao nhiêu để đạt được điều đó?

Entry này giúp bạn khơi dậy động lực để hoàn thiện bản thân:

Cảm hứng từ mục đích sống.

Khi mới ra trường thực sự tôi chỉ có mong muốn kiếm được việc làm, điều kiện của việc làm là đúng cái chuyên ngành mình học. Nói thật là năm 1997 khi nộp vào ngành “Thông tin học” tôi cũng cóc hiểu cái ngành đó dạy cái gì vì hồi đó máy tính tại Việt Nam cũng chưa có gì; tôi nhớ phải tới tận gần năm ra trường 2001 gì đó thì mới xuất hiện internet với yahoo messenger huyền thoại. Hồi đó lần đầu nhìn cái trang web cua MSN thấy choáng ngợp, sao mà đẹp thế; giờ vẫn nhớ cảm giác đó.

Rồi thì cuộc sống đưa đẩy, mình cứ tận dụng tốt các cơ hội có được, dẫn tôi tới cái công việc chỉ có liên quan tí chút tới ngành học. Nhưng giờ khi phỏng vấn ứng viên tôi cũng vẫn cứ hỏi câu “Bạn có mục tiêu cho 3 năm tới là gì không?” hoặc cao cấp hơn là câu “Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?” hoặc nghe cao siêu hơn “Bạn có đam mê gì không?”

Những câu hỏi đó không dễ trả lời, nhưng nếu bạn trả lời thì nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong cuộc sống.

Chúng ta có thể trả lời thực sự TA MUỐN GÌ thông qua khung sau:

hoan thien ban than-p4 minh muon gi

Những cái bạn muốn xoay quanh ba trục:

1. Vật chất: tiền bạc, sự an toàn

2. Tinh thần: được người khác tôn trọng, được làm cái gì mình thích

3. Gia đình: thực ra bao trùm nó là xã hội nhưng Gia đình sẽ gần gũi với ta hơn.

Mỗi người trong chúng ta đều có mức độ khác nhau tạo ra các hình lập phương có điểm D khác nhau. (tham khảo thêm tháp nhu cầu Maslow)

1. Làm sao để thỏa mãn nhu cầu vật chất?

Vật chất là tiền, tiền sẽ mua hàng hóa và dịch vụ. Bạn có các cách để có được tiền như sau:

– Tài sản thừa kế: Nếu bố mẹ bạn để lại cho bạn khoảng 20 tỷ thì tiền lãi ngân hàng cũng đủ sống thoải mái cả đời.

– Tự doanh: Tự trồng trọt chăn nuôi, tự mở cửa hàng kinh doanh cá thể, tự mở doanh nghiệp.

– Làm thuê: làm thuê nhận lương cho một công ty nào đó.

( Tham khảo bài Chiến lược Tài chính cá nhân, một bài viết cực kỳ đầy đủ liên quan tới tài chính cá nhân)

Chúng ta tạo ra giá trị cho người khác và người khác trả lại cho ta một giá trị tương đương hoặc quy đổi nó ra tiền. Cho dù bạn làm thuê, tự doanh, chủ doanh nghiệp hay nhà đầu tư thì cũng đều theo nguyên tắc này cả.

Tiêu chí nào quyết định mức độ thu nhập của bạn?

Nó phụ thuộc vào khả năng tạo ra giá trị của bạn. Giá trị càng cao thì phần trả lại càng cao. Muốn tạo ra giá trị cao thì phải có năng lực, phải dành thời gian để thực hiện. Bạn tạo ra giá trị 100 đ thì cho dù làm thuê thì người ta cũng trả cho bạn 20 đồng. Nếu bạn tự doanh thì được ăn cả 100 đồng nhưng khi thất bại thì cũng mất nhiều hơn. Giá trị này là giá trị trao đổi mà không chỉ là giá trị sử dụng nên nó cũng phụ thuộc vào cung cầu nữa.

Tạo 100 đồng ở làm thuê sẽ dễ hơn tạo 100 đồng ở tự doanh. Làm thuê bạn không cần lo quản trị, một số nguồn lực người khác quản lý giúp bạn, cũng chẳng cần vốn, làm sai thì không phải trả giá. Tự doanh thì phải chịu trách nhiệm tất tần tật và nhận giá trị thông qua người làm thuê. Cái gì cũng có cái giá của nó.

kien thuc-ky nangNăng lực bao gồm 1. Kiến thức; 2. Kỹ năng và 3. Thái độ. Tổ hợp 3 yếu tố này sẽ tạo lên khả năng tạo ra giá trị. Có những việc rất coi trọng yếu tố thái độ, ví dụ như những công việc đòi hỏi sự trung thực. Có những công việc lại chỉ đòi hỏi quen tay mà không cần quá nhiều kiến thức, kỹ năng….Thu nhập sẽ tuân theo quy luật cung cầu lao động.

Đó là một lý do ta phải tự hoàn thiện chính mình liên tục. Chỉ cần đứng nghỉ một chút thôi là đòi hỏi công việc sẽ vượt qua năng lực, bạn sẽ bị đuối không theo kịp.

2. Làm sao để thỏa mãn nhu cầu tinh thần

Người ta tôn trọng bạn vì bạn có gì đó hơn họ nhiều. Ở một trình độ nhất định bạn mới có thể tự thỏa mãn được cái mình thích.

Ví dụ như bạn rất thích đá bóng, nguồn lực cần thiết chỉ là sắp xếp đủ thời gian. Do năng suất lao động thấp cộng với kỹ năng quản lý thời gian kém bạn sẽ có câu cửa miệng “Tôi không có đủ thời gian để làm điều đó.”

Bạn có thể bù khú với bạn bè ngay cả khi bạn rất ngèo vì vậy nhu cầu này tương đối độc lập với nhu cầu vật chất. Một số nhu cầu tinh thần cao cấp hơn lại đòi hỏi yếu tố vật chất ví dụ như đi du lịch, gôn, đánh bạc,…

Bạn phải nhớ rằng cái bạn thích phụ thuộc vào trình độ của bạn, trình độ càng cao thì sở thích càng đúng đắn. Những thứ bạn thích bây giờ ngày mai bạn sẽ nhận ra là đó thực sự không phải cái bạn thực sự thích. Sở thích sẽ thay đổi dần theo thời gian do yếu tố tuổi tác và trình độ thay đổi.

Khi nhận thức được cái mình thích thì bạn phải có trình độ để thỏa mãn ý thích đó. Bạn có thể thích leo lên đỉnh phanxipan nhưng sức khỏe không cho phép. Bạn có thể thích đi về cội nguồn của đạo phật nhưng không có tiền.

Nếu trình độ bạn không gia tăng thì mọi thứ không có gì thay đổi.

Tham khảo bài viết liên quan tới hạnh phúc để hiểu hơn tiêu chí này.

3. Làm sao để thỏa mãn yếu tố gia đình

Gia đình là nơi bạn dành rất nhiều thời gian, là nơi bạn nghỉ ngơi sau mỗi cuộc chiến, mục tiêu ban đầu của bạn là tìm người yêu. Sau đó là có một gia đình nhỏ. Sau đó là có một đứa con, sau đó là có đứa thứ hai. Gia đình bạn được an toàn và luôn vui vẻ.

Nếu bạn độc thân không có vợ chồng con cái thì mọi thứ khá đơn giản. Bạn không cần dành quá nhiều thời gian cho gia đình (vì cũng chỉ có bố mẹ anh em). Bạn cũng không phải lo kiếm quá nhiều tiền để nuôi sống gia đình; những người có gia đình sẽ hiểu điều này, chi phí để duy trì một gia đình nhỏ thôi cũng rất nhiều tiền.

Gia đình là một xã hội thu nhỏ rất phức tạp. Nó đòi hỏi được cung cấp tài chính và cũng đòi hỏi bạn phải dành sức của mình để chăm lo về mặt tinh thần. Có nhiều việc có thể giải quyết bằng tiền nhưng với gia đình nhiều việc nhiều tiền cũng không giải quyết nổi.

Tại sao bạn phải đi học đại học? Vì bạn sẽ có nhiều khả năng kiếm được ông chồng hoặc bà vợ cũng có bằng tương ứng. Nếu bạn có bằng cao đẳng mà nhất là con trai thì vợ cứ từ cao đẳng đổ xuống. Cho dù giáo dục của ta còn nhiều vấn đề nhưng chắc chắn trình độ học vấn khác nhau thì cư xử cũng khác nhau

Bạn sẽ phải dự đoán và xử lý ngay lập tức các mối bất hòa vừa mới nhen nhóm. Bạn phải dạy  con cái học, sau này nó lớn lên nó sẽ tôn trọng bạn hơn khi bạn giỏi. Nếu bạn có ham muốn hoàn thiện bản thân thì bạn sẽ truyền được cho con bạn ý chí đó. Nếu bạn không có thì con bạn cũng sẽ không có.

3 Yếu tố này đều quan trọng, chẳng ai hạnh phúc trọn vẹn mà thiếu một. Dựa trên 3 tiêu chí này bạn xây dựng cho mình các mục tiêu tương ứng. Ví dụ:

Mục tiêu tài chính:

– Tới 2016 phải dành dụm được 100 triệu; tới 2020 phải có 500 triệu ( Tốt nhất bạn nên đọc bài Chiến lược tài chính cá nhân )

Mục tiêu tinh thần:

– Các mục tiêu về năng lực : có thể đo đếm bằng một vị trí cụ thể như nhân viên key, quản lý cấp trung, quản lý cấp cao hoặc tự làm chủ.

– Các mục tiêu về sức khỏe.

– Các mục tiêu về chơi bời

Mục tiêu gia đình:

– Tới 2016 phải có người yêu

– Tới 2020 phải lập gia đình

 (Tới 2016 được hiểu là kết thúc 2016 bạn sẽ đạt được cái mục tiêu đó)

Bạn phải tính tới việc link giữa các mục tiêu ở mỗi nhóm để tạo ra hình lập phương không lệch lẹo. Lấy ví dụ việc có người yêu hay lập gia đình chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc tích lũy thu nhập của bạn do phải chi ra nhiều hơn. Hoặc khi có con do chi tiêu sẽ nhiều hơn nên bạn phải có một khoản tích lũy vào đúng thời điểm đó.

Cuộc sống không phải là một cuộc dạo chơi dành cho những kẻ khờ. Mỗi người chúng ta đang mải miết đi trên con đường, ai khỏe thì đi nhanh, ai chậm thì bị bỏ lại; có thể trên đường đi bạn giúp người này người kia và cũng nhận được những sự trợ giúp nhưng gốc rễ thành công hay không vẫn là từ chính bản thân. Cảm giác thỏa mãn với những gì đang có nếu hiểu theo kiểu “chẳng cần làm gì thêm nữa” là bạn đang thiếu ham muốn hoàn thiện bản thân. Có nghĩa bạn đang đứng yên trên con đường và nhìn người khác vượt qua mình.

Khi bạn đứng yên thì bạn sẽ mất dần những gì bạn đang có chứ không đơn giản là không nhận được những gì mình muốn.

Nếu mỗi ngày của bạn là một ngày phải chiến đấu và chịu đựng thì bạn sẽ sớm bỏ cuộc. Mỗi ngày trôi qua phải là một ngày vui. Không hẳn cứ chơi thì mới vui. Tạo ra những thành công nho nhỏ sẽ tạo cho bạn niềm vui.

Định lượng như thế nào là đúng

Bạn phải phát biểu rõ cái mình muốn, nếu phát biểu mục tiêu của bạn chỉ là “làm giàu” và ” được hạnh phúc” thì đó không phải mục tiêu.

hoan thien ban than-p4 dinh luong cai minh muon

Trục tọa độ được chia ra thành các mức. Bạn đặt ra các mục tiêu lớn trong kế hoạch dài hạn, mục tiêu trung bình trong kế hoạch trung hạn và mục tiêu nhỏ trong kế hoạch ngắn hạn. Ví dụ:

Tới 2016 sẽ có tích lũy 50 triệu. Tới 2018 là 300tr và tới 2020 là 800 tr.

Nếu bạn đang có 0 đồng và bạn muốn tới 2016 phải có 800tr thì đó là mục tiêu bất khả thi.

Nếu bạn ước tới 2016  có 10tr thì đó là mục tiêu quá dễ đạt được.

Một mục tiêu trong khả năng thực hiện nhưng phải nỗ lực một chút mới có được ấy là mục tiêu đúng. Càng sớm đặt mục tiêu bạn càng đỡ bị ép mục tiêu sau này. Ví dụ tới 2020 mà lúc đó bạn vẫn có 0 đồng trong khi tới 2022 bạn phải có 800 tr thì bạn sẽ ép mình phải đạt được với rất rất nhiều nỗ lực.

Tương tự đối với yếu tố tinh thần và gia đình. Để làm cho tinh thần thoải mái kể ra cũng không khó lắm. Ví như sở thích của tôi là bơi, viết blog với đọc sách thì tôi có thể thỏa mãn nó hàng ngày vào bất cứ lúc nào. Nếu sở thích của bạn là đánh gôn hay đá bóng thì hơi phức tạp một chút nhưng cũng có thể thực hiện được.

Các mục tiêu tinh thần lớn như được người khác tôn trọng, được làm những thứ mình thích thì có thể định lượng thông qua câu hỏi “Bạn muốn người khác tôn trọng bạn ở mức độ nào và người ta tôn trọng bạn bởi cái gì?”

Hy vọng bạn có thể tạo cho mình một động lực đủ lớn thông qua entry này.

Làm rõ yếu tố được làm cái mình thích.

Hãy thử ngồi tử tế ngay ngắn và liệt kê ra những thứ bạn thích làm. Nếu trước đây bạn chưa từng làm điều này thì bạn sẽ thấy ngạc nhiên rằng bây giờ bạn mới biết mình thích gì.

Trong những thứ bạn thích có những thứ bạn có thể thỏa mãn một cách dễ dàng ví dụ như đi dạo trên đường thanh niên, đi bộ vòng quanh hồ, đi uống cafe, xem bộ phim yêu thích, rủ đứa bạn chuyện phiếm,… đó là những sở thích trước mắt. Có những sở thích dài hạn hơn như bạn thích vẽ tranh và làm nghề vẽ tranh, bạn thích được làm ông chủ trang trại, thích đi xe máy xuyên chiều dài đất nước, thích được một mình trên đảo vắng.

Những sở thích dài hạn đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ càng về sức khỏe, tài chính, thời gian. Chính vì vậy đối với trục Tinh thần bạn vẫn có thể đặt ra các mục tiêu cho riêng mình.

Các mục tiêu là những con chuột. Khi bạn đuổi theo con chuột và bắt được nó, không những bạn có con chuột mà bạn còn có thêm sức khỏe và kinh nghiệm. Khi các mục tiêu trong đời đạt được thì bạn cũng đã tự hoàn thiện chính mình. Hoàn thiện chính mình là kết quả của việc đạt mục tiêu và nó cũng là nguyên nhân để bạn có thể đạt mục tiêu

Vòng luẩn quẩn

Có một quy luật tâm lý là khi người ta yếu một cái gì đó thì người ta luôn cố gắng giấu nó đi thậm chí là thể hiện nó một cách ngược lại. Khi bạn dốt bạn lại cố gắng tỏ ra bạn giỏi, khi bạn người thiếu nhiệt tình thì bạn lại tỏ ra là người nhiệt tình, khi sức khỏe yếu bạn lại tỏ ra là mình khỏe, khi bạn nghèo thì bạn cố tỏ ra là mình giàu.

Hành vi này xuất phát từ suy nghĩ mặc cảm về những điểm yếu của mình. Nhưng bạn thử nhìn xem Người giàu có bao giờ cố tỏ ra là mình giàu không? Người giỏi có bao giờ cố gắng tỏ ra là người giỏi? Người nhiệt tình cố gắng tỏ ra là mình nhiệt tình?

Khi bạn càng tỏ ra là mình trái lại so với thực tế thì bạn lại càng lộ ra các điểm yếu của bạn và thứ hai là bạn sẽ không có cơ hội để cải thiện điểm yếu của mình. Nếu đụng vào vấn đề gì bạn cũng bảo là mình biết thì chẳng ai đi hướng dẫn bạn làm gì.

Chúng ta cũng có xu hướng đem điểm yếu của ta so sánh với điểm mạnh của người rồi ghen ghét họ. Người nghèo thì ghét người giàu, người dốt thì ghét người giỏi, người xấu thì ghét người xinh,…Nếu bạn đã ghét một cái gì đó thì bạn sẽ tự đẩy nó ra xa; lại lâm vào cái vòng luẩn quẩn.

Vì vậy muốn làm một cái gì đó trở nên tốt hơn thì đầu tiên bạn phải chấp nhận hiện thực đã. Không ai trách mắng bạn khi bạn thể hiện rằng mình thiếu hiểu biết một lĩnh vực nào đó. Người ta chỉ ghét bạn khi bạn không biết nhưng cứ cố tỏ ra là mình biết.

Comments

comments

12 COMMENTS

  1. Cám ơn bài viết của anh.
    Trong bài viết có đồ thị về 3 yếu tố Vật chất, Tinh thần, Gia đình, nhưng em chưa rõ nhìn trên đồ thị như vậy thì mình có thể rút ra được điều gì ạ? Nhìn thế nào để có thể điều chỉnh để cân bằng 3 yếu tố? hay tăng giảm mặt nào đó thì sẽ ảnh hưởng đến 2 mặt còn lại thế nào?

    • Dear em,
      Biểu đồ mang tính định tính thôi em ạ; nhằm thể hiện rằng mọi thứ đều có sự đánh đổi. Khi em quá coi trọng công việc em sẽ xem nhẹ yếu tố gia đình và cá nhân. Tương tự với các yếu tố khác.
      ở mỗi tuổi sẽ phải ưu tiên một thứ gì đó. Ví dụ:
      Khi chưa lập gia đình (thường là trước 28 tuổi đối với nam và 24 đối với nữ) thì thời gian dành cho gia đình ko cần nhiều. Lúc đó phải tập trung nguồn lực để làm tốt hai yếu tố kia; tránh ở trạng thái cảm giác thừa thời gian không biết làm gì.
      Khi có gia đình thì cũng phải phân chia ra theo giai đoạn. Trước khi có con, sau khi có con; bản thân trong giai đoạn có con thì thời gian bắt buộc phải dành cho gia đình cũng khác nhau (rõ ràng là tùy hoàn cảnh mỗi người). Tốt nhât là lúc có con ta đã có một vị trí công việc vững chắc (nhờ tập trung nguồn lực trước đó khiến năng suất lao động cao), nhờ vậy thời gian dành cho công việc sẽ giảm xuống .
      yếu tố cá nhân anh nghĩ là một khoản nguồn lực dự phòng; về cơ bản có thể tăng giảm mà không ảnh hướng quá nhiều tới kết quả. Ví dụ khi chưa có gia đình em có thể dành 2 tiếng để tập thể dục; khi có gia đình em dành 1 tiếng mà cũng không ảnh hưởng lắm tới kết quả. Hoặc em có thể cắt giảm thời gian đàn đúm bạn bè đi để dành cho gia đình.
      VD

  2. Anh ơi, anh viết sách đi, sách của anh đảm bảo sẽ dễ đọc, và giúp nhiều người tiếp cận được kiến thức nền tảng, giúp nâng tầm nhận thức một cách có hệ thống. Đây là điều rất thiếu ở thế hệ trẻ VN bây giờ, thích ăn xổi, và mất gốc rất nhiều.

    • Đúng đó là thế mạnh của anh nhưng cái gì cũng phải cần thời gian mới được 🙁 Thời gian rất khan hiếm, phải chọn việc để làm thôi; không hy vọng có thể làm tốt mọi thứ.
      vd

  3. Theo em hiểu được thì lực đẩy chúng ta đến mục đính là lực khiến chúng ta tránh khỏi (đẩy) chúng ta ra xa khỏi những điều ta không muốn, khiến ta có thêm động lực. Ví dụ: ta muốn có sức khoẻ thì động lực kéo là lợi ích của sự khoẻ mạnh mang lại cho chúng ta, còn động lực đẩy là phải thoát khỏi tình trạng yếu ớt gầy gò. Hai loại động lực này dẫn chúng ta có nhiều động lực thực hiện mục tiêu hơn.

    • Dear em;
      Thực ra lực đẩy và lực kéo là anh so sánh từ khái niệm trong marketing. Trong marketing có hai cách để sản phẩm tới tay khách hàng:
      Lực kéo: Chúng ta thuyết phục khách hàng thông qua quảng cáo, PR, khuyến mại. Khách hàng sau đó mua sản phẩm từ đại lý hoặc từ chính chúng ta. Tóm lại lực kéo tác động vào khách hàng trực tiếp.
      Lực đẩy: Chúng ta thuyết phục đại lý bán hàng của chúng ta. Đại lý có động lực để thuyết phục khách hàng mua hàng. Tóm lại lực đẩy lấy đại lý (trung gian) làm đối tượng tác động.

      Hai phương thức này chỉ là 2 cách để cùng đạt tới mục tiêu. Lực kéo thì co vẻ chủ động hơn còn lực đẩy thì ta bị lệ thuộc vào đại lý, Ta cứ đẩy ra nhưng không biết kết quả tới đâu, không nhận được được kết quả phản hồi ngay lập tức.

      Đây là khái niệm anh tự đặt ra chứ trong lý thuyết chính thống về động lực thì không có tách bạch như vậy. Mỗi người hiểu một cách cũng không sao. Quay lại ví dụ của em về sức khỏe:
      – Lực kéo có nghĩa là em có một mục tiêu sức khỏe rõ ràng như cân nặng, khối lượng chạy, khối lượng bơi, khối lượng đẩy tạ,….Từ mục tiêu này em lên kế hoạch để tiến tới.
      – Lực đẩy tác dụng hơn khi em không có mục tiêu rõ ràng mà chỉ biết là hôm nay mình cần khỏe hơn hôm qua, năm nay mình cần khỏe hơn năm trước,…

      Lực kéo dùng mục tiêu làm trọng; lực đẩy dùng sức khỏe hiện tại làm trọng.

      Cảm ơn em đã chia sẻ ý kiến.
      anh V.D

  4. Tôi vẫn chưa hiểu lắm về khái niệm Lực đẩy. Trong khi mục tiêu là lực kéo ta luôn hướng về phía trước thì lực đẩy được xem như là lực tự hoàn thiện bản thân, nó được ví như động cơ xe. Như vậy lực đẩy xuất phát từ đâu? làm cách nào để tạo ra lực đẩy ta về phía trước?

    • Anh nói đúng, tôi đã sửa lại chỗ đó. Lực đẩy là những thứ xuất phát từ chính chúng ta. Lực kéo là những ngoại lực từ bên ngoài, ví dụ như ai đó cố gắng hướng dẫn thúc đẩy chúng ta.

      Do vậy mục tiêu do chúng ta đặt ra và chúng ta tự cố gắng hướng tới là lực đẩy. Nhưng mục tiêu do người khác đặt ra, thúc ép ta phải đạt thì lại là ngoại lực.
      thanks.

Leave a Reply to dungiso Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here