Có nên học cao học ?

29
34666

Vơi tư cách là thể loại chăm học, bao gồm cả tự học và đến lớp; xin mạn phép làm một entry để trả lời cho câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc đó là nên hay không nên học trình độ thạc sỹ.

Trước hết, các cụ nhà ta đã bảo là có học có khôn; nên ở đời học được thêm cái gì là bổ thêm cái đấy. Vấn đề chỉ còn là cái gì cũng có chi phí cơ hội và cũng có thời điểm của nó. Việc bạn quyết định học cao học khi 23 tuổi khác với khi 30 và càng khác khi 40. Mỗi thời điểm, mỗi đặc điểm, mỗi tham vọng đều có thể dẫn tới quyết định nên hay không nên.

1.Sai lầm phổ biến

Một người có năng lực là người có thể hoàn thành các công việc được giao với chất lượng cao. Năng lực được đo đếm bởi 3 yếu tố: 1. Kiến thức; 2.Kỹ năng và 3.Thái độ.

Đôi khi chúng ta nghe nói tới “Kinh nghiệm”, nhưng kinh nghiệm chỉ là nguyên nhân còn kết quả là phải thể hiện của 3 yếu tố trên. Người tuyển dụng đánh giá một người có 10 năm kinh nghiệm hơn một người có 5 năm kinh nghiệm hoặc chưa có năm kinh nghiệm nào là vì số năm kinh nghiệm là một “dấu hiệu” cho biết rằng ứng viên đã tích lũy được cho mình Kiến thức, kỹ năng, thái độ hơn là những người ít năm kinh nghiệm hơn.

Ta thấy một thực tế là số năm kinh nghiệm không đồng nghĩa với việc tăng tiến của 3 yếu tố trên. Nếu như nhà tuyển dụng có thể đo đếm được 3 yếu tố một cách chính xác thì họ sẽ không đòi hỏi ứng viên phải có nhiều năm kinh nghiệm nữa.

 

kien thuc-ky nang
Mỗi người là tập hợp của 3 yếu tố ở các cấp độ khác nhau. Yếu tố Thái độ có tác dụng tại giai đoạn bắt đầu, những lúc khó khăn. Kiến thức và Kỹ năng đóng vai trò quyết định cho hiệu quả của công việc.

Nhưng một người chưa bao giờ lái xe (kinh nghiệm) liệu có kỹ năng lái xe không? Tất nhiên là không, cùng lắm anh ta chỉ có kiến thức về ô tô. Ngược lại, nếu như một người lái xe chỉ chăm chăm vào lái xe mà không tìm hiểu kiến thức về ô tô thì mãi mãi anh chỉ là người lái xe; khi có hỏng hóc thì tới garage. Một người có kỹ năng, kiến thức lái xe nhưng anh ta không thích lái xe thì năng lực anh ta có chẳng để làm gì.

 

Chúng ta có các sai lầm phổ biến sau:

(1). Giao việc thì làm

Khi được giao việc chúng ta chỉ chuyên vào làm cho xong việc đó. Khi kết thúc công việc chúng ta thu được kỹ năng làm công việc đó. Số lần lặp lại nhiều sẽ giúp làm tăng dần kỹ năng tới mức nhắm mắt cũng làm được. Tới một lúc nào đó thì ta sẽ không thu được thêm kỹ năng nữa

kien thuc - Ky nang 2

Sai lầm trong trường hợp này là thường ta chỉ cố gắng vừa đủ để hoàn thành công việc ở mức trung bình. Không cố gắng kết quả về sau càng ngày càng tốt hơn mà chỉ áp dụng những hiểu biết của lần làm cũ làm ra kết quả như cũ.

Khi cố gắng làm tốt hơn một công việc cũ người làm sẽ phải tìm hiểu các kiến thức xung quanh công việc đó, suy nghĩ cách làm mới,…. do vậy họ sẽ mở mang tri thức hơn.

(2). Nặng về hàn lâm

Nhóm người này chứa rất nhiều kiến thức nhưng lại bỏ bê phần kỹ năng. Đặc trưng của nhóm này là chăm học, chăm đọc nhưng lại không ứng dụng những thứ đã học, đã đọc.

Kiến thức là một bể vô tận, có dành cả đời cũng không học hết được. Mũi khoan có đầu nhọn nên nó mới xuyên được gỗ, đất,.. nếu tiết diện mũi khoan lớn thì chẳng khoan được cái gì.

Ở thái cực ngược lại, chúng ta cũng mắc sai lầm là chỉ cố gắng thu lượm kiến thức từ công việc thực tế trong khi có rất nhiều thứ người ta đã viết thành sách. Điều này khiến chúng ta va phải các sai lầm mà những người khác đã gặp phải và cố gắng tìm giải pháp cho những vấn đề đã có giải pháp.

(3). Chỉ có thái độ tốt

Thái độ là tiêu chí quan trọng nhất trong 3 tiêu chí. Nhưng nếu chỉ có thái độ tốt mà không trau dồi kiến thức, kỹ năng thì mãi mãi cũng không khá lên được. Người ta bảo Nhiệt tình + Ngu dốt = Phá hoại là vì vậy. Thà không làm còn hơn là cố gắng làm tốt nhất với một cách làm sai.

 

(4) Nghĩ đơn giản về yêu cầu của công việc

Bạn sẽ nhận ra là từ 2008 tới nay năm nào chúng ta cũng kêu là năm nay khó làm ăn hơn năm trước. Xu hướng khó khăn hơn là xu hướng tất yếu. Trước đây một đồng cỏ rộng có 10 con bò ăn, nay cũng cái đồng cỏ đó nhưng số bò đã lên tới nghìn con. Bò càng đông thì kiếm cỏ ngày càng khó.

Tôi nhận thấy thực ra chúng ta rất hiếm khi ở tình huống là năng lực cao hơn so với đòi hỏi công việc. Vì khi năng lực cao hơn ta sẽ được giao nhiều công việc khó khăn hơn khiến ta phải luôn ở trong trạng thái nỗ lực để có thể hoàn thành.

kien thuc - ky nang 3

Nhưng ngay cả với một công việc cụ thể chúng ta thấy là nó cũng khó dần lên chứ chưa bàn tới việc thêm công việc mới khó hơn. Ví dụ trước đây một nhân viên môi giới nhà đất hoàn thành một hợp đồng dễ dàng hơn rất nhiều so với hiện nay. Nếu loại trừ yếu tố do suy thoái thì ta thấy là do khách hàng ngày càng hiểu biết hơn và số người môi giới ngày càng đông hơn.

Sai lầm ở đây là ta chủ quan nghĩ rằng công việc nó vẫn luôn luôn là như thế và vì vậy không cố gắng gia tăng năng lực của mình, điều này làm cho chất lượng công việc ngày một giảm dần tới mức không thể chấp nhận.

 

2. Học cao học là gì?

hoc van theo trinh do 222222222Theo phân cấp thì người học xong trình độ Trung cấp, Cao đẳng có khả năng làm việc mà người khác giao; một công việc cụ thể rõ ràng từng bước; trả lời câu hỏi là “làm thế nào?”

Người học xong đại học trả lời được câu hỏi “làm gì?”. Cử nhân, kỹ sư có khả năng tự tổ chức công việc của mình, người quản lý chỉ cần giao mục tiêu mà không cần phải nêu rõ các bước  cụ thể.

Người học xong trình độ Thạc sĩ trả lời được câu hỏi “Tại sao?”. Tại sao nên làm việc này, tại sao nên làm việc kia. Theo lý thuyết thì người đạt trình độ này có khả năng tổ chức quản lý công việc của người khác.
Người đạt trình độ tiến sỹ thì hiểu nguyên lý vận động của sự vật hiện tượng; có thể dự đoán một việc gì sẽ xảy ra hay không thể xảy ra. Vì vậy, họ có thể đảm nhận chức vụ dẫn dắt doanh nghiệp.

Phan luong hs sv

Một nhà tuyển dụng có thể đánh giá trình độ của một người thông qua cách anh ta đánh giá về một hiện tượng sự việc. Cùng một hiện tượng; với các trình độ khác nhau ta sẽ đánh giá khác nhau từ đó hành động khác nhau.

Như vậy là trình độ học vấn có gắn liền với chức vụ; chức vụ thì gắn với thu nhập vì vậy mà xét về lý thuyết thì thu nhập sẽ cao hơn khi học vấn cao hơn.

Đó là lý thuyết, còn thực tế Cao học là để tích lũy kiến thức chứ không phải kỹ năng. Kỹ năng có được là do làm một công việc cụ thể mà không phải ngồi ở giảng đường nghe giảng là có kỹ năng.

Nếu một người đã có kỹ năng nhưng anh ta không hiểu sâu về nó, không hiểu quy luật vận động thì việc học sẽ giúp anh ta bổ sung kiến thức còn trống khiến cho năng lực tăng tiến thấy rõ. Vì vậy mà yêu cầu của học cao học trước đây là phải có một số năm kinh nghiệm nhất định thì mới được học. Ngày nay do thiếu hụt nguồn cung mà các trường tự hạ tiêu chuẩn đầu vào giống như ngân hàng cho vay dưới chuẩn vậy.

 

3. Từ biết tới muốn thực hiện:

Tại sao bạn lại muốn làm việc gì đó? ví dụ tại sao bạn lại muốn có một cái ô tô; tại sao bạn lại muốn đi học lái xe? Vì nó giúp  giải quyết một nhu cầu nào đó của chúng ta. Nhu cầu đó có thể hiện hữu ngay như việc có ô tô sẽ giúp cho việc đi lại; nhu cầu có thể là kỳ vọng của người ta về việc sẽ dùng nó trong tương lai một lúc nào đó giống như học lái xe.

Người ta muốn học cao học khi muốn giữ vững vị trí hiện tại, muốn được thăng chức, muốn thu nhập cao hơn, muốn tiếp thu tri thức của nhân loại nhiều hơn. Những nhu cầu này hoàn toàn chính đáng và hợp lý. Nếu như việc có bằng cao học sẽ giúp đạt mục đích của mình thì nên cân nhắc (nhưng phải hiểu rất chuẩn về vai trò của cái bằng đó thay vì chỉ “nghĩ” rằng “có thể” là cần)

Nếu như nhu cầu của bạn hiện hữu giống như việc đi lại thì việc học sẽ giúp ích ngay nhưng nếu như nhu cầu của bạn là kỳ vọng lúc nào đó trong tương lai thì cần phải xem xét lại vì kiến thức thay đổi rất nhanh, nếu bạn không ứng dụng và phát triển ngay cái đang học thì bạn sẽ quên ngay những thứ đã học. Nếu bạn học vì không biết phải làm gì; học được cái nào tốt thêm cái đó thì học sẽ rất lãng phí.

4. Cái giá phải trả

Chúng ta phải chấp nhận một chi phí gọi là chi phí cơ hội khi quyết định Học hay Không học.

Chi phí cơ hội của việc quyết định học:

Khi học chúng ta sẽ phải dành thời gian và tâm sức cho việc học ít nhất 2 năm. Việc tập trung vào việc học sẽ khiến bạn không tìm được một công việc nào có triển vọng cả nếu như bạn đang thất nghiệp, bạn cũng khó thăng tiến hay kiếm được tiền trong giai đoạn này khi mà công sức bạn dành cho làm việc không tập trung được như trước.

Nếu vừa ra trường và quyết định học ngay rất không nên, vì kiếm việc làm là ưu tiên hàng đầu khi mới ra trường. Giai đoạn vài năm sau ra trường là giai đoạn của tích lũy kỹ năng chứ không phải là tích lũy thêm kiến thức. Lượng kiến thức bạn có từ học đại học đã không tiêu hóa hết, học thêm chẳng để làm gì.

Tìm việc giai đoạn mới ra trường khó gấp rất nhiều lần so với việc sau 3 năm nên nếu không dành nguồn lực đủ thì ta không thể kiếm việc được. “Kiếm được việc” sẽ củng cố sự “tự tin” của bản thân; khi có bàn đạp thì mới bắt đầu nghĩ tới các nấc thang tiếp theo.

Biểu đồ dưới thể hiện chu kỳ công việc nói chung của tất cả chúng ta. Khi mới bắt đầu nhận việc chúng ta phải rất nỗ lực vì cái gì cũng mới với chúng ta. Lúc này người quản lý giao cho bạn ít việc hơn chuẩn của vị trí đó nhưng cũng khiến bạn tướt mồ hôi rồi.

chu ky cong viec

Cùng với thời gian năng suất của bạn tăng dần nhờ vào đường cong kinh nghiệm. Cùng lúc đó thì khối lượng công việc cũng tăng theo nhưng việc tăng của khối lượng công việc không sát với năng lực đảm nhận công việc tăng dần của bạn.

Tuy nhiên khoảng lệch này diễn ra không lâu vì khối lượng cv thì luôn có xu hướng tăng trong khi năng suất lao động của bạn lúc đầu thì tăng nhanh dần đều nhưng khi tới B thì việc tăng bắt đầu chậm lại. Tới một lúc nào đó bạn sẽ tới điểm C khi mà khối lượng việc phải làm bằng với năng lực.

Như vậy lý tưởng là bạn để việc học trong khoảng thời gian xung quanh điểm B. Lúc này bạn có thời gian rảnh, thêm việc học không làm ảnh hưởng tới chất lượng và khối lượng công việc bạn đang làm.

Nếu bạn bắt đầu trước A hoặc sau C thì đều không ổn cả vì ngay cả khi chưa học gì bạn cũng đã còn không đù thời gian.

 

Chi phí cơ hội của việc quyết định Không học

Chúng ta phải hiểu là việc học giống như là một dự án đầu tư. Chi phí trước mắt bạn sẽ phải bỏ ra nhưng bạn sẽ thu lợi trong tương lai.

Không học có rủi ro là sẽ không tăng được thu nhập ở dài hạn, không giữ được vị trí, không tìm được cv ưng ý. Dù sao học cao học cũng sẽ khiến bạn trả lời được câu hỏi “Tại sao phải làm việc A mà không phải làm việc B?”. Điều này giúp cho năng suất lao động của bạn tăng lên nhanh hơn so với việc bạn không học. Một người có sẵn kinh nghiệm làm việc; học cao học đúng vào chủ đề thiết thực với công việc hiện làm thì lợi ích không gì bằng.

Chỉ số vượt khó AQ (P4: 5 cấp độ tạo dựng thói quen)

Vấn đề lớn hiện nay là trong con mắt nhà tuyển dụng thì Thạc sĩ hay Tiến sỹ không gắn liền với chất lượng nhân lực. Nhiều khả năng bạn còn bị trừ điểm nếu như có bằng cấp này. Trong thực tế thì việc dạy trình độ này cũng có nhiều vấn đề nên không thực sự mang lại kết quả theo trình độ quy ước. Như vậy cả thực chất và hình thức thì bằng thạc sỹ hiện nay không thực sự cuốn hút.

Việc học rất đa dạng, bạn có thể theo nhiều cách khác nhau để đạt được mục tiêu tri thức. Việc học thạc sỹ cũng chỉ là một trong những cách. Tôi cho rằng nếu như bạn đang có cơ hội trong chu kỳ công việc của mình (xung quanh điểm B) thì nên đi học; còn nếu không thì không nên cho đến khi có đủ điều kiện.

 Là một nhà tuyển dụng, đã tuyển dụng và làm việc với nhiều thạc sỹ tôi thấy là những người này có một điểm chung là rất dở dang. Cao thì không với tới mà thấp thì không chấp nhận, quản lý rất khó. Vì vậy đối với tôi ứng viên có bằng càng cao thì càng phải cảnh giác, xem năng lực của họ có đúng là đang ở trình độ bằng cấp đó không hay có một khoảng cách xa.
Có nên du học:

Du học mang lại hai ưu điểm chính:

– Ngoại ngữ

– Nền giáo dục tốt hơn định hướng tới khả năng tự nghiên cứu, phát huy tính sáng tạo của học sinh.

Nhược điểm của học ở nước ngoài:

– Kinh doanh tại Việt Nam có đặc thù riêng. Thứ nhất Việt Nam là nước đang phát triển trong khi các nước du học thường là các nước phát triển, có rất nhiều khác biệt. Thứ hai Việt Nam là nước đang phát triển có đặc thù riêng, việc du học có thể khiến người học có một nhận thức mà họ sẽ gặp khó khăn nếu làm việc tại Việt Nam.

Tùy vào đặc điểm và nhu cầu của mỗi người mà có thể phù hợp hoặc không phù hợp. Nếu bạn du học chỉ lấp đầy thời gian mà không có một lý do đúng thì nó sẽ tiêu tốn của gia đình bạn nhều tiền và nhiều thời gian.

Tương tự như học cao học trong nước, nếu bạn đi học tiếp đại học hay cao học tại nước ngoài ngay khi mới tốt nghiệp đại học mà chưa có vài năm kinh nghiệm làm việc thực tế thì bạn vô cùng ít cơ hội khi mất thêm 2 tới 4 năm nữa ở nước ngoài. Bạn phải rất giỏi để làm việc, định cư ở nước ngoài. Ngoại ngữ giờ ngày càng trở nên kém quan trọng, nó chỉ là một công cụ giống như kỹ năng sử dụng máy tính mà thôi.

7 nguyên nhân dẫn tới nghỉ việc

Comments

comments

29 COMMENTS

  1. Hi anh dũng,

    E có 1 vài điều còn thắc mắc sau khi đọc xong bài của anh, e mong có đc sự giúp đỡ từ phía anh ạ.

    E chưa rõ được thực sự thì sự khác biệt giữa chương trình đại học, cử nhân và tiến sĩ nằm ở chỗ nào?

    Cá nhân e nghĩ, học đại học là học kiến thức cơ bản và nền tảng
    Học cao học là học áp dụng và học kiến thức chuyên sâu
    Học tiến sĩ là học để đi sáng tạo ra kiến thức hoặc phát triển kiến thức từ A lên A+++

    Vậy nếu để thành doanh nhân, e có cần học hết tiến sĩ?
    Vậy nếu để thành chuyên gia, e có cần học thạc sĩ hay tiến sĩ?
    Vì e nghĩ học đại học họ dạy quá rộng nhưng lại không sâu, nếu e k học cao học sao e có thể thành chuyên gia được vì chuyên gia là đi sâu, đâu có phải biết tất cả mọi thứ đâu mà chỉ biết về những thứ ở trong lĩnh vực mà họ theo đuổi phải không ạ?

    E cũng có nhiều chỗ chưa rõ vì hiện e đang học đại học ở nước ngoài, e thấy kiến thức chương trình đại học rất rộng, học 1 môn là bằng 80-85-90% khối lượng 1 quyển sách của môn đó đc giảng dạy bằng tiếng anh
    Em không biết với lượng kiến thức như này, tại sao nhiều anh chị nói rằng học 100% mà chỉ dùng có 20%?
    Liệu có phải bởi vì các anh chị đấy lười học và nguỵ biện và nói nthe hay vì sự thực là học quá nhiều mà dùng quá ít hay vì lý do gì ạ?

    So với chương trình cao đẳng e học lúc trước là thực sự chương trình đại học chất lượng hơn rất nhiều
    E thấy nhiệm vụ của giáo viên là giảng giải cho học sinh hiểu bài để họ có thể hiểu về kiến thức đó và sau khi ra khỏi trường học, họ có thể sử dụng sử hiểu đó để ra các công ty đi làm và biến kiến thức thành kỹ năng, còn chuyện học sinh làm được hay k làm được, nhà trường k chịu trách nhiệm

    Học cao đẳng ở nơi em học nó chỉ như kiểu học sơ qua, nó chỉ bằng 1/4 hoặc thậm chí là 1/5 chương trình đại học
    Chương trình đại học yêu cầu em phải trả giá gấp 3-4 lần
    Học cũng áp lực gấp 3-4 lần

    Tiếng anh của em chỉ ở mức 6.0, liệu có phải vì tiếng anh của em không tốt mà em học gặp nhiều trở ngại?
    Tại sao có nhiều bạn học ít mà điểm GPA lại trên 90% được?
    Tại sao e học nhiều mà điểm GPA của em chỉ ở mức 65%?
    Có phải vì tiếng anh của em không tốt nên e không thể có được kết quả tốt ạ?

    Liệu học cao học có học khó hơn, nhiều trả giá hơn, nhiều thời gian hơn, nhiều bài tập hơn, nhiều kiến thức hơn là học đại học hay nó chỉ là 1 cái bằng mang tính chất cho nó ha oai?
    Anh có nói về chi phí cơ hội, e cũng kbiet liệu đi học cao học có phải là 1 điều đúng đắn sau khi e có 2-3 năm kinh nghiệm làm việc với 2 bằng đại học là khoảng 6 năm học liên tục?

    Liệu có phải học cao học là họ dạy cho em toàn những điều là kinh nghiệm của những người đã đi trước trong lĩnh vực đấy để e học xong là e dùng là có kết quả ngay hay chỉ học thêm kiến thức và giống hệt kiến thức đại học còn chuyện ứng dụng thành công hay không thì là chuyện của người học còn nhà trường k quan tâm ạ

    E cũng có sự phân vân giữa học thạc sĩ về marketing hay MBA chuyên ngành marketing hay học luôn cả 2
    Vì cá nhân e nghĩ học MBA là cao cấp hơn chương trình thạc sĩ chuyên ngành
    MBA chỉ dành riêng cho cấp quản lý cao và những người có nhu cầu lên làm CMO, CEO, CFO…
    Anh nghĩ sao về điều này ạ?

    Liệu các trường dạy có dạy kiến thức khác nhau cho cùng 1 môn tên giống nhau?
    E thấy 1 số trường dạy có môn consumer behaviour cho chương trình thạc sĩ, vậy các trường khác cũng dạy môn consumer behaviour ở chương trình thạc sĩ, nthe là họ dều dạy kiến thức giống nhau hay mỗi trường sẽ dạy cho em môn đó theo những kiến thức khác nhau ạ

    E có dự định qua Canada hoặc mỹ học tiếp 1 bằng đại học nữa vì tương lai e sẽ là doanh nhân và em cũng muốn thực tập ở 1 trong 2 đất nước đó (hiện giờ e đang học chương trình đại học marketing rồi ạ)

    Lúc ban đầu e cũng nghĩ học 2-3 bằng thạc sĩ vào để cho nó giỏi, giờ e thấy chưa chắc học thạc sĩ đã cần thiết, thầy giáo e cũng khuyên học xong đại học ra đi làm 2-3 năm rồi học lên thạc sĩ mới có giá trị, nếu không chỉ là tưởng tượng.
    E chưa hiểu “tưởng tượng” ở đây có nghĩa là gì?

    E kbiet liệu kiến thức ở chương trình thạc sĩ có cao siêu hay sâu rộng gấp 10 lần dưới chương trình đại học không hay chỉ là 1 thứ giống nhau và đc giảng theo nhiều cách khác nhau hoặc bài tập nhiều hơn và 1 điều gì đó hơn?

    Anh phân tích về kỹ năng là ok đấy ạ
    E học chương trình đại học ở đây 100% là kiến thức, có cái project cũng chỉ là tập trận giả
    Đa số chỉ là viết luận và đọc và tìm cách nhớ kiến thức và thể hiện mình đã có thể phân tích và giảng giải kiến thức đấy lại cho giáo viên xem để có điểm cao

    E nghĩ tnay anh ạ
    Học ở trường học là học kiến thức
    Ra thị trường đi làm là có thêm kinh nghiệm và biến kiến thức thành kỹ năng

    Cá nhân e muốn học thêm 1 bằng đại học nữa là 2 bằng đại học vì hiện e học marketing và bằng thứ 2 e học là 1 chuyên ngành khác vì e nghĩ marketing chỉ là 1 trong các kỹ năng của doanh nhân, e nghĩ nó là 1 công cụ
    Nó không phải là 1 ngành kinh doanh để e theo đuổi vì trong 10 ngành kinh doanh tạo ra nhiều triệu phú và tỷ phú nhất có ngành nào ghi là ngành marketing đâu ạ nhưng marketing thì lại dùng cho toàn bộ tất cả các ngành đó và cả các ngành khác
    Chả có 1 ngành kinh doanh nào mà không có sự xuất hiện của marketing và bán hàng

    E chưa rõ đc sự khác biệt giữa chất lượng và hình thức giáo dục ở mỹ và canada anh ạ
    E kbiet là trong những năm tháng anh đi học thì anh học ở nước nào ạ?
    E muốn tìm 1 quốc gia học mà họ đan xen giữa lý thuyết và thực hành và họ chú trọng việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cho sinh viên 1 cách hoàn hảo đó anh, chứ nếu chỉ học và cứ học kiến thức thì nthe cũng k phải điều e muốn ạ

    E thấy ở canada e có cơ hội ở lại làm việc nhiều hơn và tiền lương cũng xứng đáng với giá trị người đi làm công đưa ra anh ạ

    Trong nhiều năm anh đi học và đi làm, anh thấy yếu tố nào quyết định sinh viên đạt điểm GPA 4.0 và yếu tố nào quyết định người đã tốt nghiệp có thể xin đc việc làm đúng chuyên môn của mình 100% ạ?

    Liệu anh có thể cho em thêm lời khuyên về những việc này?

    E chân thành cảm ơn anh nhiều ạ
    E chúc anh và gia đình có được sức khoẻ tốt nhất giữa đại dịch!

  2. Hiện tại e mới ra trường: Lúc mới ra e xác định không theo ngành học trên trường. Và có biết đến khóa học cao học về chuyên ngành khác và thấy khá hứng thú và e đăng ký dự thi rồi đỗ. Trong khoảng thời gian chờ báo kết quả đỗ, e có đi thực tập về chuyên ngành khác (đều thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin) và giờ e phân vân. Không biết nên đi học cao học hay dành thời gian để nâng cao kiến thức về chuyên ngành e thực tập (e có ý định theo nó đến khi học xong cao học) hay cả hai, như vậy có ôm đồm nhiều thứ quá không. E muốn đi học để có nhiều cơ hội hơn, nhưng k biết giờ theo cả hai thì có hỏng hết k.

    • Dear em;
      anh em có trao đổi với nhau rồi. Tuy nhiên vì nhiều bạn hỏi nên anh tóm tắt lại về nguyên tắc lựa chọn.
      Việc chúng ta quyết định một lựa chọn nào đó bên cạnh phân tích lợi ích và chi phí, còn có một yếu tố quan trọng là mức độ khan hiếm của cơ hội.
      Cơ hội học cao học không phải là một cơ hội khan hiếm; lúc nào em cần học thì cơ hội sẽ vẫn ở đó đợi em. Các trường có xu hướng dễ đầu vào vì họ cũng là kinh doanh giáo dục; có học viên mới có học phí từ đó có lợi nhuận.
      Cơ hội đề vào làm một cty nào đó lại rất khan hiếm bởi số người ứng tuyển luôn nhiều hơn so với số lượng tuyển dụng đối với sinh viên mới ra trường. Nếu em đã có cơ hội được nhận vào thì nên chớp lấy cơ hội.
      Việc học cao học ngay khi mới ra trường hiệu quả sẽ kém hơn so với đi làm 2 năm rồi mới đi học cao học bởi 2 năm đó sẽ giúp em hiểu mình cần phải học gì khi học cao học. Còn giờ chưa hiểu cần gì thì học cao học cũng chỉ là học đại học lần 2 mà thôi.
      VD

  3. Chào ah!
    Em là cô sinh viên năm 2 nghành chăn nuôi- thú y. Mặc dù mới là năm hai nhưng em luôn tìm tòi vạch ra những dự định cho tương lai. Không biết ở cái tuổi này suy nghĩ có được đúng đắn hay không? Em luôn dặt ra câu hỏi phải làm như thế nào? tại sao? nên hay không? Dự định sau 2 năm nữa ra trường em tính sẽ học nên Cao Học, rồi tiến sĩ để được ở lại làm giảng viên của trường hoặc được sang nước ngoài nghiên cứu làm việc hay lựa chọn cuối cùng của e là đi làm luôn. Mà hiện tại em chỉ biết cố gắng học và học, trong khi kinh nghiệm chưa có gì, mà gia đình em cũng không đủ khá giả. Em không biết học cao học có được thêm kiến thức gì không hay cũng chỉ mung lung như học đại để rồi lãng phí thời gian+ chi phí. Hay cứ học để thăng tiến dần dần. Em đang rất mơ hồ ….. ah có thể tư vấn giúp e được không ạ? em cảm ơn ah!

    • Dear em;
      Nghề nghiệp em học sẽ theo 3 con đường chính:
      1. Học rất giỏi để được giữ lại làm giảng viên.
      2. Làm ở các viện nghiên cứu
      3. Tự mình mở doanh nghiệp chăn nuôi
      4. Lam trong một trang trại chăn nuôi

      Nếu em xác định theo con đường học thuật thì phải xác định mình có cạnh tranh được với người khác không. Ví dụ như hiện tại em có phải là người trong nhóm giỏi nhất khoa hay không, có thích làm nghề dạy học không, có thực sự thích làm nghiên cứu về ngành chăn nuôi – thú y này không.

      Con đường thứ 4 là gần như chắc chắn đối với nghề của em. Làm cho các doanh nghiệp như Vinamilk, Thtruemilk, ….Làm trong mô hình này em sẽ phải sống trong trang trại xa trung tâm có thể rất chuyên nghiệp nhưng khá đều đều. ví dụ: https://www.vinamilk.com.vn/vi/co-hoi-nghe-nghiep/126/57/ky-su-chan-nuoi-thu-y

      Con đường thứ 3 là khi em đã tích lũy được một số vốn cũng như kinh nghiệm nhất định.

      Như vậy em thấy 4 con đường có 4 môi trường sống và làm việc khác nhau. Em thấy mình phù hợp với môi trường nào thì theo môi trường đó.

      anh V.D

      • DẠ..em cảm ơn ah nhiều ạ
        Em thấy mk chưa thật nổi bật, nhưng e cảm thấy thích cv nghiên cứu tại e thích làm việc độc lập hơn . ah xem liệu có ổn hơn ko ạ… ( cao học theo hướng nghiên cứu ạ )

        • Nếu em thấy thích là được; tới lúc em học xong đại học suy nghĩ lại vẫn chưa muộn là có nên học cao học không mà. Giờ mình học có định hướng vẫn hơn là không có định hướng rõ ràng.
          Chúc em thành công !
          anh VD

  4. Cám ơn anh Dũng. Bài viết của anh rất hay và có nhiều tâm huyết trong đó. Nó giúp em nhận ra được mình chưa nên học cao học trong thời điểm này. Anh Dũng hãy tiếp tục viết nhiều bài khác chia sẻ cho mọi người nhé.

  5. chào bạn!
    mình muốn bạn tư vấn giúp vì thật sự là giờ mình rất lúng túng không biết nên học hay không nên học.
    mình đã có gia đình và một cháu nhỏ được 3 tuổi, mình là công chức cấp xã đã được 6 năm, chồng mình là Chỉ huy phó của Ban chỉ huy Quân sự xã.
    Công việc là vậy nhưng hiện tại mình có một khoản nợ với mình là Khổng lồ 300 triệu. lương hàng tháng chỉ đủ để trả lãi và chi tiêu, không có phần dư.
    Chồng mình thì không muốn cho mình đi học vì nghĩ là tốn kém, còn mình thì nghĩ tới muốn thăng tiến trong công việc vì mình đã từng có thời gian 5 năm làm Phó chủ tịch xã và mình mới có 30 tuổi.
    mình thật sự muốn bạn phân tích và cho mình một lời khuyên!
    trân trọng!

    • Dear bạn,

      Muốn quyết theo phương án nào phụ thuộc vào phân tích lợi ích và chi phí của mỗi phương án.
      Về mặt chi phí: Học cao học mất khoảng 2,5 năm, có thể phải học các môn bổ sung trước đó nếu khác chuyên ngành đại học. Nếu bạn ở xa mà gần đó không có chỗ cao học thì sẽ tốn khá nhiều chi phí đi lại, ăn ở. Về chi phí chắc chắn bạn sẽ ước lượng được tổng chi phí.

      Về phía chồng bạn thì nếu mình ở vị trí anh ta mình cũng phản đối vì ngoài chi phí còn tốn kém về mặt thời gian nữa, xao nhãng chăm sóc gia đình,..Việc phản đối của anh ta là hết sức bình thường, mọi ông chồng đều sẽ làm thế, bạn chỉ nên coi đó như một ý kiến tham khảo thôi, không phải cái quyết định nên hay không nên.

      Xét về lợi ích thì hệ thống thăng tiến trong nhà nước vẫn coi trọng bằng cấp. Bạn đã có kinh nghiệm thực tế 5 năm nếu học thêm cao học thì ngoài bằng cấp thì năng lực thực sự sẽ tăng lên do mình có thể kết hợp giữa lý thuyết và thực tế. Nếu như bạn nhìn thấy cơ hội thăng tiến nếu như có bằng thạc sỹ thì nên học nhằm tạo ra một bước đột phá trong sự nghiệp. Nếu như thấy mù mờ, hệ thống thăng tiến con ông cháu cha,…thì thôi.

      Học cao học như một khoản đầu tư; giúp bạn kiếm nhiều tiền hơn trong tương lai vì vậy số nợ cũng chỉ nên coi như là một yếu tố bất lợi thôi.

      chúc bạn có được quyết định sáng suốt.

      • Dear bạn !
        Với Công việc hiện tại của bạn là Phó Chủ tịch xã và có 5 năm kinh nghiệm thì nên theo học Th.si Nghành Quản lý Kinh Tế phù hợp với những người đang làm việc trong Môi trường Nhà nước. Hiện nay tôi đang học theo th.s QTKD và cùng khóa có các Anh/ chị và các em trẻ đang học Ngành QLKT làm việc tại các cơ quan NN
        Nếu bạn có cơ hội sáng thăng tiến thì đầu tư học th.s nhé

        Chúc bạn gặp may mắn

  6. Con cảm ơn chú rất nhiều. Những lúc thế này, con vào blog của chú là tìm được ánh sáng. Chúc chú có nhiều sức khỏe.

    Con, Phụng./.

  7. Theo ý kiến tôi việc học hoặc không học cao học, tiến sỹ phụ thuộc nhu cầu có cần cho công việc đang làm hay không. Nếu bạn làm việc ở khối học thuật-academic (giảng viên cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu) hoặc quan chức (authorities) thì đó là điều kiện để thăng tiến trong nghề nghề nghiệp (academic), để lên chức lên quyền (authorities). Nếu làm khối doanh nghiệp thì học những thứ này nhiều khi chỉ làm bạn tốn thời gian, tiền bạc (khi đó chỉ nên học một số chứng chỉ tự chọn cần cho công việc đặc biệt là dân kỹ thuật chuyển sang quản lý doanh nghiệp). Tuy nhiên nếu là doanh nghiệp nhà nước và chỉ đơn thuần làm kỹ thuật theo tôi nên học cao học. Thường những người thuộc đối tượng này khi về hưu hay được mời tham gia một số dự án của các doanh nghiệp mình có chuyên môn sâu. Khi được mời làm cố vấn nếu có bằng cao học tiếng nói của người đó sẽ có trọng lượng hơn khi tham gia phân tích dự án. Tôi có hai người bạn.
    Một người bằng tự học (đọc sách, báo chuyên ngành) trong kỳ thi đại học năm 1970 (năm đầu tiên áp dụng kỳ thì này ở Miền Bắc Việt Nam) làm hết toàn bộ đề thi toán, đặc biệt bài toán hình học, bài khó nhất thì anh ấy làm đầu tiền. Tất nhiên bài thi môn toán anh đạt điểm tối đa. Điều này đã khiến các cán bộ coi thi vô cùng ngạc nhiên. Anh bạn tôi năm nào cũng được phần thưởng của của Bác Hồ gửi tặng các học sinh đặc biệt xuất sắc (lúc đó chỉ là một cuốn sổ tay nhỏ 13x19cm có ký tên Người ở trang đầu). Tuy nhiên do quy hoạch của nhà nước anh học ngành học thư viện. Khóa lớp 10 của tôi, có một số người khá thành đạt: có người thành hiệu trưởng một trường đại học hàng đầu ở phía bắc, tiến sỹ khoa học tuy vậy các vị này khi nói đến anh đều ngả mũ ngước chào vì trí tuệ. Rồi cuộc đời trôi qua nhiều năm với công việc sự vụ, cơm áo gạo tiền. Khi về hưu dù có học thêm một số chứng chỉ, học thêm bằng 2 IT đi làm thêm công việc IT. Phần mềm quản lý anh viết được một công ty đa quốc gia mua để áp dụng tại Việt Nam. Anh vẫn cảm thấy tiếc vì mình chưa có bằng cao học.
    Một người khác kém hơn anh bạn ban đầu (tuy nhiên cả 2 đều là thủ khoa năm lớp 10 trong kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 toàn tỉnh, nay cấp 3 gọi là trung học). Bạn tôi làm kỹ thuật cả đời. Bằng tự học và tích lũy chuyên môn, đã được mời tham gia đồng tác giả một cuốn giáo trình dùng giảng dạy đại học và sau đại học ở một trường đại học hàng đầu cả nước. Trong chuyên môn cả lý thuyết, lẫn thực hành nhiều tiến sỹ chưa bằng anh ấy (theo nhận xét của các đồng nghiệp). Cũng như người bạn trên đều thấy tiếc vì không học cao học.
    Đây là ý kiến cá nhân tôi, xin mạo muội lên tiếng. Các bạn đừng cười cho tôi là một người già lẩm cẩm nhé.

  8. Cám ơn anh dungiso,
    Bài viết cũng như các comments của anh đã giúp em nhiều.
    Em cũng đã đắn đo giữa việc học và việc làm. Em rất thích học và luôn muốn đi học nhưng giờ em hiểu rằng, việc học cũng cần đúng thời điểm và hoàn cảnh sao cho nó phát huy hiệu quả nhất (không phải là học để lấy bằng mà học thật sự, học để phục vụ công việc)

  9. hiện tại em đang xem xét về quyết định có nên học cao học hay ko.
    em là một sinh viên ngành kỹ thuật xây dựng học liên thông từ CD lên DH và giờ thì em đang xem xét với quyết định học cao học này. năm nay em 23 tuổi và đang chờ tốt nghiệp DH. tuy vậy em cũng đi làm đúng chuyên ngành được một năm tính cho đến ngày chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp DH thì em xin nghỉ tập trung vào việc học. thời gian vừa đi học và đi làm trang trải cuộc sống và nó ảnh hưởng đến việc học của em, kết quả học tập là ko khởi sắc. chính vì biết điều đó nên em đã và đang đi học anh văn với mong muốn có một công việc tốt. hiện tại thì trình độ tiếng anh của em tốt hơn trc, có thể hiểu giao tiếp khá, đích đến cuối năm của em sẽ là IELTS 6.5 trở lên và Em tin mình làm được. gần thời điểm đó cũng là ngày em tốt nghiệp và sau đó đến tháng 11 sẽ có đợt tuyển sinh cao học . ( em hoàn toàn tự tin rằng nếu mình đi thi thì sẽ đậu vì môn thi chỉ gồm có ( toán , 1 môn chuyên ngành và tiếng anh). nhìn lại nhà em ko có điều kiện nên nếu quyết định đi học em sẽ phải có công việc trong vòng một vài tháng tới để vừa làm vừa học. xin vui lòng cho em xin lời khuyên – xin cám ơn anh/chị.

    • Hi em;
      Em sẽ rất khó có được một lời khuyên chính xác từ người khác vì mặc dù người ngoài có cái nhìn khách quan hơn nhưng họ không thể như em, hiểu mình đang ở đâu, mình có gì trong tay và mình muốn gì.
      Anh nghiệm ra từ anh thôi. Thời điềm mới nghĩ tới học cao học, anh vẽ ra rất nhiều các lý do nên học cao học. Lúc đó nếu ai khuyên anh là không nên học chắc là anh phải phản đối gay gắt lắm. Lúc đó anh còn có ý niệm rằng những người không học cao học là không chịu khó học hỏi.

      6 tháng sau; khi đã học đủ 15 môn bổ sung cộng chuyên ngành thì anh quyết định không học cao học nữa. Lúc đó anh thấy đủ các lý do để không nên học cao học.

      Lúc trước anh cho rằng học cao học để mở rộng tương lai, thì nay anh cho rằng nó chẳng có ích gì vì nội dung học cao học không có gì là cao cấp so với tên gọi của nó, nhà tuyển dụng không đánh giá cao.

      Lúc trước anh cho rằng mình phải tranh thủ học sớm vì càng để lâu càng ngại học, thì nay anh cho rằng mình sẽ lãng phí thời gian bên vợ con, không thể làm tốt công việc hiện tại,…

      Lúc trước anh cho rằng học cao học sẽ giúp cho năng lực bản thân được nâng cao nhờ kiến thức pha trộn với kinh nghiệm mình đang có, thì nay anh nhận ra rằng nó cũng chỉ ở một mức độ nào đó. Giữa lý thuyết nhà trường dạy và thực tế diễn ra cách quá xa nhau.

      Anh viết ra đây không phải để bảo em không nên học cao học. Học hay không học phải tự em nhận thức được ra. Thời gian là tiền mà 2 năm thì cũng không phải là ít, đủ để em phải nghiêm túc xem xét và quyết định. Cái này không thể làm theo phong trào được.

      anh V.D

  10. Em từng đọc công thức trong sách ” bí mật tay trắng thành triệu phú – adam koo” : Lợi nhuận = giá trị x thời gian x quy mô. Tức khi ta dành nhiều thời gian để tạo ra thật nhiều giá trị to tát bằng làm công việc yêu thích + biết mở rộng quy mô. ta sẽ thu được lợi nhuận tối đa. Em cơ duyên học Nhân sự, làm được bập bẹ gần 1 năm, nhưng thật sự không thích, làm dâu trăm họ, khá nhàng nhưng toàn công việc tạo ra giá trị thấp,…không thích, ít nghiên cứu, mất gốc tiếng anh => em k thể làm ở cty lớn để có thu nhập cao. Đó là lý do em chông chênh việc lựa chọn cao học. Thường người ta chọn cao học để nâng cao kiến thức, em thì chẳng biết mình về đâu…

    • Hi em,
      Anh có nghe Audio cuốn “Bí mật tay trắng thành triệu phú” nên cũng may mắn là có thể trả lời câu hỏi của em:

      Bất cứ công việc nào cũng có thể áp dụng yếu tố quy mô em ạ. Ví dụ:

      – Một ca sỹ nếu đi hát thì mỗi buổi có thể thu được 100 đồng. Anh ta áp dụng yếu tố quy mô khi thu đĩa và bán ra thị trường. Anh ta cũng có thể nhờ các kênh phát hành âm thanh số như Itune. Tương tự với các nghề sáng tác nghệ thuật khác như nhà văn, họa sĩ, nhà thiết kế thời trang,…
      – Một kế toán thuế làm cho một công ty mỗi tháng thu được 3tr đồng. Anh ta áp dụng quy mô bằng cách làm báo cáo thuế cho các công ty nhỏ khác; cao cấp hơn là nhận tư vấn thuế giúp giải quyết các khó khăn của các công ty. Thậm chí mở hẳn một công ty chuyên về dịch vụ tư vấn thuế cho các công ty.
      – Một lao công thay vì làm ở một công ty cả ngày thì nhận làm ở nhiều công ty khác nhau và chủ động phân bổ thời gian hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí mở hẳn một công ty chuyên về vệ sinh.
      – Một vị giám đốc thay vì mở một công ty thương mại bình thường thì có thể mở công ty tư vấn chuyên đi tư vấn cho các công ty khác về chiến lược kinh doanh, về nhân sự, về marketing,…

      Nhu cầu phát sinh quy mô xuất phát từ việc khách hàng ngày càng muốn trả ít tiền hơn trong khi vẫn nhận giá trị nhiều hơn. Thay vì anh ta thuê một cô kế toán thuế làm vài cái hóa đơn một tháng thì anh ta thuê ngoài trong vài ngày. Thay vì đi xem nhạc thì mua đĩa nhạc, tải nhạc trên mạng. Thay vì có hẳn bộ phận vệ sinh thì thuê một công ty chuyên về vệ sinh. Thay vì tuyển dụng hẳn một chuyên gia cao cấp về thì chỉ thuê anh ta làm cho một việc cụ thể nào đó.

      Để áp dụng được quy mô đòi hỏi chúng ta phải có một sự chuyên môn hóa cao đủ để giải quyết các vấn đề của khách hàng. Càng chuyên môn hóa thì giá trị anh tạo ra cho khách hàng sẽ càng cao nhờ vậy quy mô sẽ rộng hơn và số tiền trên mỗi đơn vị cũng nhiều hơn. Trong các nguồn lực của công ty bao gồm Nhân sự, Tài chính, công cụ dụng cụ thì con người là quan trọng nhất. Bộ phận nhân sự xây dựng và thực hiện Chiến lược nhân sự của công ty. Và quan điểm của anh là Nhân sự chính là vị trí có thể học hỏi được nhiều nhất vì anh ta va chạm với mọi vị trí của công ty. Làm nghề nhân sự cũng có thể áp dụng được quy mô; khi em đủ giỏi thì tự các ý tưởng mở rộng quy mô sẽ đến với em.

      Túm lại, em phải lựa chọn cho mình một nghề nào đó ví dụ như nhân sự, tìm cách yêu thích nó thông qua kỹ năng tự tạo động lực cho bản thân. Sau đó học hỏi để làm sao em trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Khi đã là chuyên gia em sẽ có ý tưởng cho việc áp dụng quy mô.

      Còn về tiếng anh thì anh cho là quan trọng nhưng không phải là chìa khóa để giải quyết vấn đề của em. Cao học càng không phải là chìa khóa, tất nhiên cuộc đời phía trước rất khó đóan định, biết đâu giữa việc học cao học và một cơ hội nào đó phía trước của em sẽ gặp nhau nhờ vậy mang lại thành công cho em.
      anh V.D

  11. Em đang có nhu cầu học cao học vì nhiều lý do. Em không biết mình nên học thạc sĩ MBA hay thạc sĩ tài chính. Xem qua các chương trình MBA thì gần như em đã học hết….vì trước đó đã học chuyên ngành quản lý nguồn nhân lực từ đh kinh tế TPHCM. Cơ mà em lại không thích làm nhân sự sau 1 khoảng thời gian đi làm..Vậy nên nhờ thầy tư vấn giúp em.
    Em không lựa chọn được con đường đi cho riêng mình…

    • Nếu chỉ quan tâm tới cái bằng thì lựa chọn chương trình nào dễ học nhất. Nếu học để lấy kiến thức thực sự thì học những cái gì đang và sẽ làm; lúc đó học mới có hiệu quả. Như vậy em sẽ phải lựa chọn cho mình công việc sẽ làm trước khi lựa chọn học cao học theo chuyên ngành nào.

    • Thi Nguyễn tìm đọc cuốn Nhà giả kim, Tony buổi sang trên đường băng nhé.7 thói quen của bạn trẻ thành đạt, 7 thói quen của nguoi thành đạt. Mình ngày trẻ đã có bao ước mơ nhưng rồi cơm áo gạo tiền con mọn (mình là nữ) nó làm mình quên đi cả những ước mơ của mình. Đến khi cơm áo gạo tiền không còn là vấn đề khiến mình phải hao tổn quá nhiều sức lực nữa thì mình thấy trống rỗng. Con ngoan khỏe, chồng yêu thương, một mái ấm đầy đủ vật chat tinh thần mà không thấy vui, một công việc nhàn nhã thu nhập tốt vậy lúc nào cũng phải tự nhắc mình “mình đang có một cuộc song không có gì chê trách đừng có nghĩ ngợi linh tinh vậy là sướng lắm rồi” nhưng mà thực sự cái sự chán nản nó cứ luẩn quẩn bám lấy mình. Thật may vì chả nghĩ ra gì nên hay vào facebook và thấy được hai cô bạn làm báo giới thiệu về 2 cuốn sách trên trên fb của họ. Sẵn có thời gian nên mình mua về đọc, đọc rồi thấy tuyệt quá. Và rồi thấu hiểu được vì năng lực bản thân, vì cuộc song mình đi ngày xa những đam mê, sở thích bản thân, xa đến mức chả biết quay lại thế nào và không hiểu tại sao mình lại rơi vào tâm trạng này cho đến khi may mắn đọc được những cuốn sách trên. Ngày xưa mình đã mơ ước được làm bác sỹ tâm lý, được làm hướng dẫn viên du lịch, được làm tiếp viên hang không, được làm cô giáo mầm non vậy mà hiện tại mình lại đang làm quản trị mang (giờ đang viết cho bạn mình phải cười nhạt bản thân mình luôn) rồi niềm yêu thích khi sinh trẻ là sinh viên của mình là thể thao, du lịch, đọc sách cũng gần như không được thực hiện khi mình làm mẹ với chẳng có tí kinh nghiệm hay ai chỉ dẫn nào, lâu không đọc đến mức đến khi có thời gian rảnh chẳng nghĩ ra là nên đọc cái gì… Giờ thì mình tìm được con đường đi cho mình đến 80 tuổi rồi ^^ và luc nào cũng thấy hạnh phúc và bận bịu một cách hạnh phúc. Chúc bạn sớm tìm ra con đường cho mình, mình đã mất 6 năm trong tình trạng như bạn, hy vọng bạn ko bị lãng phí nhiều thế

      • Cảm ơn những chia sẻ của chị Lyly. Em có cùng suy nghĩ như chị, em 29 tuổi, chưa lập gia đình nhưng đã nghĩ như chị, sự nhàm chán thật sự đáng sợ.

Leave a Reply to vân Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here