Xác suất để ta là ta bây giờ vô cùng nhỏ, nhỏ còn hơn cả xác suất để trúng vietlot, ấy thế mà nó đã xảy ra, ta là ta bây giờ. Vì xác suất xảy ra vô cùng nhỏ nên ai rảnh rỗi tí đều sẽ thắc mắc là chắc mỗi người phải có một sứ mệnh nào đó trong cuộc đời chứ? Kiểu như trả lương 1 trăm triệu mỗi tháng nhưng lại không nói rõ phải làm gì, cứ để ta tự đoán, tự làm,.. Trả lương cao mà không phải làm gì cũng áy náy.

Ta là ai, ta từ đâu tới, ta đi về đâu là các câu hỏi từ khi con người có của ăn của để, thừa cơm thì bắt đầu rảnh rỗi ngồi suy tư tới. Thực tế là chẳng có ai trả lời nổi,cuộc đời cứ vẫn tiếp diễn cuộc đời, cũng giống như con gà, cho dù con gà có đặt ra câu hỏi nó sinh ra làm gì đi chăng nữa thì khi đủ cân nó cũng vào nồi.

Mọi thứ quanh ta đều tồn tại có lý do; xe để đi, tivi để xem phim, ô để che nắng,…Ngay cả trong thế giới động vật thì mỗi loài cũng đảm nhận một vị trí nào đó trong chuỗi thức ăn mà nếu mất đi sẽ khiến cho chuỗi thức ăn đó bị ảnh hưởng có thể chết cả chuỗi. Vậy chẳng nhẽ chúng ta chẳng có lý do gì, không có mục đích gì trong cuộc đời mà tạo hóa phải mất rất nhiều công sức để tạo ra?

Trong quá khứ, mục đích tồn tại của con người khá đơn giản đó là “tiếp nối nòi giống”, để làm được điều đó họ cố gắng kiếm ăn và trốn thoát khỏi kẻ thù. Khi con người đông lên, đủ ăn và an toàn không còn quá khó để đạt tới,  thì chúng ta mới gặp phải thảm cảnh là mất đi lý do tồn tại từ thời tổ tiên.

Trong phóng sự về đám tang Hồ Chủ Tịch năm 1969 có đoạn “Bác hồ là lẽ sống của người dân cả nước”. Còn Bác Hồ phát biểu mộc mạc là “Người dân ai cũng có ruộng cày, ai cũng có cơm ăn áo mặc”, lẽ sống của Người là vì dân, vì nước.

Bác Hồ có một mục đích rất rõ ràng là “Dân có ruộng cày” mà muốn vậy thì phải giải phóng dân tộc, phải làm chủ đất nước. Người dân cũng muốn có cuộc sống tốt hơn và họ thấy giải phóng dân tộc là con đường duy nhất vì vậy hy sinh để giải phóng dân tộc là mục tiêu của họ. Lý do của lãnh đạo và người dân đồng nhất tạo ra một dân tộc đoàn kết mà mỗi người trong số đó sẵn sàng đổ máu, hay mất cả mạng sống để cố gắng đạt được.

Thời chiến tranh, “lẽ sống” rất rõ ràng vì hoặc ta tự nhận thức hoặc hệ thống tuyên truyền giúp ta nhận thức ra điều đó. Chúng ta chọn lẽ sống đó hoặc chẳng có lẽ sống gì cả; không có nhiều lựa chọn. Tôi dám cá rằng rất nhiều anh bộ đội khi kết thúc chiến tranh về nhà cảm thấy mình lạc lõng với thời bình. Thời chiến họ có mục đích rất rõ ràng, mục đích đó lại rất tạo cảm hứng. Họ luyện tập, tấn công, rút lui,….để nhằm tới mục tiêu đó. Thời bình không có một mục tiêu nào đủ tầm để so với mục tiêu đó, mặc dù không còn nguy hiểm tới tính mạng nữa nhưng cảm thấy cuộc sống không “chất” bằng hồi đó.

Điều này cũng giống hệt với việc khi ta theo đuổi một dự án nào đó thời gian dài và bỗng hôm qua nó kết thúc; hôm nay ta thấy hụt hẫng và không biết mình phải làm gì tiếp theo. Khi đi làm, chúng ta biết mình phải làm gì hàng ngày do cấp trên giao cộng với mô tả công việc tại vị trí đó. Khi về hưu, bỗng không ai giao mục tiêu, ta bỗng thấy mình không biết phải làm gì cho hết thời gian còn lại của cuộc đời. Những người tự doanh cũng dễ bị rơi vào trạng thái không biết phải làm gì vì không có ai giao và kiểm soát việc đạt mục tiêu. Tồn tại một mục đích sống rất quan trọng, nó làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa thay vì vô định mất phương hướng.

Thời cha ông ta có hy sinh thật đấy nhưng vì có lý tưởng nên cuộc sống có ý nghĩa. Ngày nay sống trong thời bình nhưng mỗi ngày trôi qua không thể hoành tráng bằng cha ông ta được. Những mục tiêu về chức vụ, tiền bạc, vợ đẹp, con khôn,..không đủ gây cảm hứng để mỗi ngày ta sống trở nên có ý nghĩa. Nhìn chẳng đâu xa, chỉ cần so sánh giữa thời trẻ trâu của chúng ta và bọn trẻ con bây giờ là đã thấy đẳng cấp khác hẳn nhau rồi.

Việc Trung Quốc kéo dàn khoan tới biển Việt Nam không phải vì vài cái giếng dầu ở đó mà để cho lòng dân của hơn tỷ người đó hướng về một kẻ thù, mối lo chung. Khi họ cùng quan tâm tới lợi ích đất nước đang bị xâm phạm thì họ sẽ quên đi các mâu thuẫn vụn vặt trong nội bộ họ. Ta thấy các lãnh đạo Nga, Mỹ, Triều Tiên thường rất hay dùng cách này; họ hướng người dân tới một mục tiêu ở bên ngoài đất nước. Lãnh đạo doanh nghiệp lớn cũng hay làm vậy, họ chỉ đích danh đối thủ mà công ty mình cần vượt qua, lúc đó nhân viên chỉ nghĩ tới việc vượt đối thủ, thay vì họ nghĩ tới việc đánh nhau để vượt qua nhau.

Càng ngày chúng ta sẽ càng thấy khó khăn trong tìm một mục tiêu đủ tạo cảm hứng cho mỗi ngày tồn tại của chúng ta. Vì không có mục tiêu nên cảm thấy cuộc sống thiếu đi ý nghĩa, giống như kẻ lạc đường, đi lung tung mà không biết mình đang đi đâu.

Entry này tập hợp một số quan điểm về lẽ sống; chọn cái nào là tùy thuộc vào mỗi người. Điểm chung bạn cần nhớ là chỉ cần mục tiêu tạo cảm hứng cho mỗi ngày sống là đủ; càng tạo nhiều cảm hứng thì càng là mục tiêu tốt.

1.Lẽ sống theo quan điểm của người đã thành công

Trong bài phát biểu của Mark ZuckerBerg nói về mục đích sống, Mark có nói việc đi tìm mục đích sống là rất quan trọng với mỗi con người. Mark có gợi ý về những việc to tát mà chúng ta có thể làm như chống biến đổi khí hậu, chống bất bình đẳng,..với tinh thần không sợ thất bại,…Nếu bạn không là người khởi sướng thì hãy là người đi theo để thực hiện những thứ to tát đó.

Mark nói tới 2 ý quan trọng đó là “Giúp người khác tìm ra mục đích sống của họ” và “Bắt đầu từ một dự án nào đó có ý nghĩa lớn lao”. Mark nhấn mạnh rằng mục đích của Dự án (ví dụ facebook) không phải có sẵn ngay từ đầu mà được hình thành trong quá trình thực hiện. Bạn không nên đợi rõ ràng mục đích rồi mới bắt tay vào thực hiện mà hãy bắt đầu rồi thì mục đích sẽ rõ ràng hơn.

Mark là người “đã thành công” mà người “đã thành công” thì nói cái gì cũng đúng cả. Một cái cây cổ thụ đã sống tới 100 tuổi, nó có chắc chắn rằng tại sao nó sống được tới 100 tuổi không? Không, nó nghĩ rằng do thời tiết thuận lợi, nó chịu khó sống vui vẻ,….nhưng thực tế không phải; những điều đó chỉ một phần thôi. Nó không biết rằng chính phủ đã khoanh cái khu rừng nó sống thành khu bảo tồn cấp quốc gia, nó không nhắc tới việc con người đã cố gắng cứu nó khỏi đàn mối năm nó 60 tuồi, nó không đề cập tới con khỉ đã ị đúng vào gốc cây khi nó 3 tháng tuổi. Người “đã thành công” không biết hết được lý do cho sự thành công, không ý thức được hết tầm quan trọng của các sự kiện và đôi khi là đã quên nó rồi.

Người “vĩ đại” thực ra sinh ra đã mang trong mình những yếu tố để khiến anh ta vĩ đại rồi. Anh ta chỉ phải cố gắng kiên trì là sẽ trở thành vĩ đại.

Một con người sinh ra với tố chất bình thường nếu chỉ dựa vào thời cuộc, vào ý chí,…thì rất khó có thể làm thứ vĩ đại. Nếu mình bình thường, cơ sở gia đình chẳng đáng kể mà lại đặt mục tiêu lớn quá thì xác suất thất bại rất cao. Đành rằng trong quá trình nỗ lực tới mục tiêu, người đó cảm thấy đầy hứng khởi nhưng cố mãi mà không có kết quả thì cũng chán.

Nếu bạn là Phạm Nhật Vượng, bạn có quyền thành lập hãng bay VinAir, nếu trong túi bạn chỉ có 100.000.000đ thì tốt nhất nên đặt ra các mục đích tương ứng với nó.

Nếu bạn không chắc mình có phải người “vĩ đại” hay không thì hoặc thử sức mình khởi xướng một dự án nhỏ hoặc theo chân những người khởi xướng các dự án mà bạn yêu thích.

2. Lẽ sống theo quan điểm của những người gặp nghịch cảnh

Có một người, anh ta từ lúc biết nghĩ đã đau đáu với câu hỏi “mình sống vì cái gì?”, đi nửa đời người anh ta vẫn không hiểu lý do tồn tại của mình, càng cố gắng tìm hiểu thì anh ta lại càng thấy bế tắc. Và rồi anh ta bị một bệnh hiểm nghèo, lúc này anh ta chỉ mong được sống mà lại phải sống khỏe. Anh ta chợt ngộ ra là mục đích sống của anh ta chính là cuộc sống, đó là giúp chính mình tiếp tục sống để có thể nhìn con mình lớn lên, lấy vợ và sinh con. Anh ta đã mất nửa đời người sống trong bồn chồn để đi tìm cái mà anh ta đang có.

Ngày 2/4 là ngày tự kỷ thế giới, hỏi 100 ông bố bà mẹ có con tự kỷ bạn sẽ thấy họ trả lời rất rõ ràng là mục đích sống của họ là giúp con họ sống như một người bình thường. Mục đích sống của tất cả những người gặp nghịch cảnh là giúp chính họ và người thân của họ có thể sống giống như người bình thường.

Tương tự hỏi những bà mẹ của một gia đình rất nghèo về mục đích sống của bà thì chắc bà sẽ cười bạn gãy mũi. Mục đích sống của bà mẹ là giúp con cái được sống và học tập giống như những người bình thường khác. Hôm nay đủ ăn, tháng này đủ tiền đóng học cho con đó là mục đích sống và bà rất hăng say thực hiện mục đích đó bằng cách mà bà cho là phù hợp. Việc lập gia đình, có con cái giúp cho con người có mục đích sống hơn; một người không lập gia đình thường vào tuổi 30, 40 sẽ cảm thấy rất hoang mang.

Thường trong nghịch cảnh, con người lại tìm được mục đích sống của đời mình. Bạn thấy rằng là người bình thường cũng đã là tuyệt vời với rất nhiều người rồi. Bạn hãy gìn giữ, chăm sóc những gì mình đang có vì đó là cái mà nhiều người đang ao ước. Nếu cuộc sống bạn vô vị thì thực ra là bạn không chịu khó đi tìm gia vị để cho nó mặn hơn; gia vị có sẵn quanh ta, cái mất tiền, cái không mất tiền; nếu bạn ít tiền thì hãy tìm gia vị ít tiền; nếu nhiều tiền thì tìm gia vị nhiều tiền. Hãy làm cuộc sống của bạn thật đậm đà, khiến cho mỗi giây phút trôi qua thật chất.

Tôi hy vọng rằng chúng ta tìm được mục đích sống giản dị ngay tại lúc bình thường; không phải đợi cuộc đời ném cho bạn một hòn đá tảng vào đầu thì bạn mới ngộ ra, để cố gắng trở lại … mốc bình thường.

3. Những con người hoang dã

Tôi mới đọc xong cuốn sách “Hoang dã”. Cuốn sách nói về một người phụ nữ cảm thấy bế tắc trong cuộc sống khi mẹ mất và mới bỏ chồng. Trong lúc chẳng biết mình muốn gì cô quyết định đi bộ trên đường mòn Pacific Crest Trail (PCT) dài 1.770km (các bạn có thể search google để biết con đường này)

Điều này rất ngớ ngẩn đối với những người có một lịch trình lặp đi lặp lại như chúng ta; hoặc lên giảng đường, hoặc đi làm mỗi ngày.

Trước đó cô chỉ như người bình thường như chúng ta, hơi sống buông thả nhưng cơ bản là giống chúng ta những người không đi nổi 5000 bước chân mỗi ngày.

3 tháng mặc dù trải qua nhiều khó khăn và đôi lúc chán nản nhưng cô có một mục đích sống rất rõ (trong 3 tháng đó) là phải hoàn thành con đường.

Sau khi đọc xong, tôi nghĩ rằng: thực ra ta không cần phải có một mục tiêu cả đời người (mục đích sống) vì điều đó là quá khó khăn. Chúng ta ai cũng chỉ sống có đúng một lần; chúng ta không sống nhiều lần để mà rút kinh nghiệm vì vậy những gì phía trước ta không thể lường được. Những gì ta mong muốn trở thành như một doanh nhân tạo dựng một doanh nghiệp trường tồn, có thể thay đổi thế giới nhờ một phát minh nào đó,….thực ra đó là do ta đoán và bị ảnh hưởng bới sách vở thôi. Cho dù ta có làm được những điều đó thì chắc gì đó là đúng.

Sau khi hoàn thành chuyến đi bộ 3 tháng đó cô gái lại có một mục tiêu là viết ra cuốn sách “Hoang dã”; Trước chuyến đi bộ cô làm sao biết được là việc tiếp theo mình sẽ viết sách? Chúng ta có thể giống như cô gái, cứ tiến về phía trước và thu thập dần kiến thức, kỹ năng thông qua những trải nghiệm hàng ngày (hành trang). Chúng ta đặt ra mục tiêu cho mỗi chặng, khi kết thúc chặng tự mục tiêu cho chặng mới sẽ đến.

Trong chạy bộ cũng vậy, những mục tiêu mà mỗi người chạy bộ đặt ra rất khác nhau nhưng điểm chung là ai ai lúc nào cũng có một mục tiêu nào đó. Năm nay tôi sẽ hoàn thành cự ly 100 km và đôi lúc tôi cũng thấy lo lắng là sau khi hoàn thành mục tiêu đó thì mục tiêu mới sẽ là gì. Không có một mục tiêu đủ thách thức thì mỗi buổi chạy sẽ mất đi ý nghĩa vì ta chẳng biết chạy hàng ngày như vậy để làm gì nữa; sức khỏe là hệ quả phụ chứ không phải mục tiêu. Mục đích “để có được sức khỏe” không đủ tạo cảm hứng cho tập luyện cường độ cao. Điều này cũng giống như đi làm vì tiền; tự bản thân tiền không đủ tạo cảm hứng trong công việc. Bạn mà đi làm vì tiền thì cũng chỉ là anh runner nhàng nhàng với mục tiêu tập để có sức khỏe.

Tôi nghĩ rằng càng ngày chúng ta sẽ càng khó dứt khỏi hiện tại để làm một cái gì đó to tát. Ta có một đường đời gần như giống nhau, đi học, đi làm, về hưu, bệnh tật và chết. Những thứ lặp đi lặp lại diễn ra hàng ngày trên khắp thế giới ở trường học, ở chỗ làm, ngoài đường. Cá nhân tôi gần như không thể nhớ nổi một mốc nào đó trong quá khứ vì ngày nào cũng giống ngày nào cả; chỉ có thể nhớ được cac sự kiện lớn thôi. Vậy con người sống 100 năm làm gì khi mà các năm đều giống hệt nhau?

Chúng ta có dám bỏ công việc, tạm xa gia đình để làm chuyến vòng quanh thế giới hay chỉ đơn giản là đi bộ xuyên Việt (chiều dài có gần 2.000 km)? Chúng ta bị “cảm giác an toàn” và “thói quen” làm cho cuộc sống trở nên nhàm chán. Tôi ước giá mà hồi sinh viên mình có thể sử dụng những ngày hè đó để làm một thử kiểu như vậy thì tốt; hồi đó không ai dẫn dắt mà tiền không có. Còn giờ khi có tiền thì không có thời gian, không dám rời bỏ những thứ vẫn quen thuộc hàng ngày.

Nếu không thể dứt bỏ hoàn toàn thì có thể chọn cách sống chung với nó giống như tôi đang làm, đặt các mục tiêu hoàn thành các giải chạy hàng năm (giải bóng đá, giải cầu lông, giải cờ tướng, giải cờ vua, giả golf, giải đua xe đạp, Iron man 70.1, Judo, gym, boxing,…có rất nhiều những cuộc thi phong trào giúp làm mốc để bạn đặt mục tiêu). Một mục tiêu ngoài cơm áo gạo tiền giúp cuộc sống trở nên có ý nghĩa, vì ta biết rằng ta đang hướng tới một mục tiêu thách thức.

Trong đời, chúng ta nên đặt các mục tiêu mà tạo sự hứng khởi cho mình. Mục tiêu đó chỉ cần đủ sức gây hứng khởi là được, cho dù nó có chẳng là gì so với người khác thì mặc kệ họ. Mục tiêu sinh ra là để tạo sự hứng khởi sau đó mới tới thành quả khi đạt mục tiêu đó.

Chúng ta có một tập hợp các mục tiêu gây hứng khởi thay vì cố gắng tìm ra mục tiêu cả đời người. Có người đã nói mục đich sống là sống có mục đích, chỉ cần lúc nào bạn cũng có ít nhất một mục đích nào đó là đủ.

Hôm qua trên group chạy có bạn đăng về câu chuyện của Patty Wilson, mình xin trích dẫn lại:

Patty Wilson là một cô bé được chẩn đoán động kinh từ nhỏ, cô có cha là Jim Wilson thường xuyên tập luyện chạy bộ vào buổi sáng. Một ngày Patty nói với cha rằng cô rất muốn tập luyện cùng cha nhưng e ngại những cơn động kinh bất chợt sẽ ảnh hưởng đến chạy bộ. Cha cô trả lời rằng “Nếu con bị thì cha đã biết cần phải làm gì rồi nên đừng sợ, chúng ta cùng bắt đầu chạy”… và họ cùng nhau chạy bộ mỗi ngày. Điều kỳ diệu là cô bé đã không lên cơn trong quá trình chạy bộ.

Đến một ngày Patty nói với cha rằng cô muốn phá kỷ lục thế giới quãng đường chạy dài nhất của nữ và cha cô đã tra cứu cuốn kỷ lục Guiness: khoảng cách xa nhất mà có người phụ nữ đã từng chạy là 80 dặm. Thời điểm đó Patty bắt đầu vào trung học và cô tuyên bố: Con sẽ chạy từ Orange County tới San Francisco (khoảng 400 dặm) “năm thứ hai, con sẽ chạy tới Portland, Oregon (khoảng hơn 1500 dặm) “năm thứ 3, con sẽ chạy tới St. Louis” (khoảng 2000 dặm) “năm cuối, con sẽ chạy tới Nhà Trắng” (khoảng hơn 3000 dặm).

Cô ý đã thực hiện đúng những gì mình đã đề ra với chuyến 3000 dặm từ tây sang đông vào năm thứ 3 kết thúc với cú bắt tay với tổng thống. Đã có rất rất nhiều những đau đớn vì việc đó là việc mà ngay cả những người chạy chuyên nghiệp cũng còn nản. Cô đã tạo cảm hứng cho rất nhiều người và tạo quỹ mở 19 trung tâm chữa bệnh động kinh. Nếu cuốn sách này xuất bản tiếng Việt thì chắc chắn mình sẽ tìm đọc.

Nếu cô bé không đặt mục tiêu và thực hiện mục tiêu đó thì có lẽ cuộc đời cô sẽ trôi qua giống như những đứa trẻ bị động kinh khác. Nó đã giúp cho cuộc sống hàng ngày của cô bé trở nên có ý nghĩa nhờ một MỤC TIÊU LỚN. Những mục tiêu lớn đòi hỏi ý chí phấn đấu luôn tạo cảm hứng không chỉ cho chính người trong cuộc mà còn cho tất cả chúng ta. Rất nhiều tấm gương vượt khó, vượt nghịch cảnh, thể hiện ý chí cao…. mà mỗi khi đọc tới lại khiến chúng ta ngập tràn cảm xúc cảm phục.

4. Tạo ra những thứ thực sự xuất sắc tồn tại lâu dài theo thời gian

Từ khi Michael Jacson mất đi, có rất nhiều ca sĩ cover lại bài hát và điệu nhảy của Michael nhưng không ai có thể xuất sắc bằng Michael. Michael làm ra những video clip, những bài hát xuất sắc, trường tồn theo thời gian.

“Đắc Nhân tâm” của Dale Carnegie, “7 thói quen của người thành đạt” của Stephen Covey, “Lược sử thời gian” của Stephen Hawking, “Think and grow rich” của Napoleon Hill,….là những cuốn sách cũng mang tính trường tồn mà rất khó có thể có một cuốn sách nào có thể thay thế được trong tương lai.

Bạn có thể dành 1 năm để làm một video clip nào đó một cách xuất sắc tới mức mà bất cứ ai khi nhìn thấy nó đều phải nản vì không thể làm hay bằng được. Thậm chí đơn giản là một bài viết về một chủ đề nào đó; bài viết có chủ đề không cũ theo thời gian; bạn có thể dành nhiều tháng để hoàn thành miễn là nó phải xuất sắc tới mức mà không ai có thể làm tốt hơn.

Đa phần chúng ta muốn nhận được thành quả càng sớm càng tốt; kiểu như gieo hạt ớt ngày hôm nay và mong ngày mai sẽ có ớt ăn. Chúng ta muốn tăng lương sau 2 tháng, thăng chức sau 1 năm, sáu múi sau 10 ngày tập, ….Rõ là điều đó bất hợp lý cũng như việc gieo hạt và mong có quả ăn ngay. Vì đa phần mọi người đều vậy nên bạn chỉ cần làm khác đi là sẽ có một sản phẩm xuất sắc.

Rất nhiều dự án bạn có thể làm xuất sắc chỉ cần đổ thời gian vào (kiên trì và kiên trì).  Người giỏi sẽ mất ít thời gian hơn nhưng họ không dám bỏ nhiều thời gian như bạn. Bạn có thể phân ra theo nhóm : Cá nhân, Gia Đình và Công việc; ví dụ như:

  • Đọc và review nhiều cuốn sách, truyện nhất (bằng video hoặc bài viết). Thậm chí chỉ cần bạn review một cách xuất sắc một cuốn sách dày cộp kiểu như “Thức tỉnh mục đích sống” cũng đủ rồi.
  • Dọn dẹp một thảm cỏ đầy rác trong nhiều ngày.
  • Đi bộ xuyên Đông Nam Á
  • Trở thành một người yêu xuất sắc trong con mắt đối tác.
  • Sống và trải nghiêm cùng con cái (sống thực sự nhé, không phải chỉ dưới vai trò những ông bố bà mẹ)
  • Làm thật xuất sắc một đầu việc nào đó mà không ai trước đó và cả sau này có thể làm tốt hơn. (Ví dụ như làm một bộ audio cho một cuốn sách nào đó mà chưa ai làm hoặc đã làm nhưng chất lượng kém)
  • Sử dụng thời gian chất tới từng mili giây.
  • Tạo ra một món ăn xuất sắc tới mức mà cứ nhắc tới nó là phải nhắc tới bạn. Nếu làm được vậy thì bạn nên mở cửa hàng bán món ăn đó.
  • Làm một nghề nào đó tới mức xuất sắc mà ai cũng muốn tìm tới bạn như sửa xe, độ xe, đóng đồ nội thất, may quần áo, vệ sinh nhà cửa,….

Ngồi một lúc thì không nghĩ ra cái gì xuất sắc để làm đâu; chúng ta cần va chạm trải nghiệm để cuối cùng chọn ra một thứ làm lâu dài. Sản phẩm đó cần gắn với sở thích, thế mạnh của ta. Sản phẩm xuất sắc đó không mang lại tiền cũng chẳng sao, để lại một di sản nào đó mới là mong mỏi của mỗi người. Trên con đường bạn tiến tới sản phẩm xuất sắc đó bạn sẽ tràn đầy hứng khởi, và đó là mục đích cho sự tồn tại của mục đích sống.

5. Lẽ sống theo quan điểm tôn giáo 

Mỗi cuộc sống của con người cùng lắm là 100 năm trong khi trái đất đã tồn tại vài trăm triệu năm và vũ trụ thì cả tỉ năm. Chúng ta chỉ nháy lên một cái rồi biến mất không sủi bọt; 100 năm nữa thì tất cả 8 tỷ người đang sống hiện tại đều đã bị thay thế hoàn toàn bởi 8 tỷ người mới. Cái này khỏi phải chứng minh vì vậy từ khi con người có ý thức họ đã đau đáu cho các câu hỏi triết học “Ta là ai, ta từ đâu tới, ta sẽ đi về đâu và ta sống để làm gì?”.

Chúng ta không thể vượt ra khỏi vòng tròn suy nghĩ của chúng ta; phải cần có một ai đó không phải chúng ta, tiến hóa hơn chúng ta mới có thể trả lời cho câu hỏi của chúng ta. Các vị thần linh chính là những người vượt lên trên chúng ta; chúng ta tạo ra … họ để họ trả lời các câu hỏi của chính chúng ta đầy sức thuyết phục. Về việc ta từ đâu tới, ta sẽ đi về đâu, mục đích sống của ta là gì, ta nên làm gì mới phải,…vân vân và mây mây.

Và bằng lập luận đơn giản ta cũng hiểu rằng những vị thần linh đó bản chất chỉ là phát ngôn viên của chính suy nghĩ của chúng ta mà thôi. Chúng ta cần sự luân hồi để đảm bảo rằng ta tiếp tục tồn tại sau khi chết đi. Chúng ta cần “Nghiệp” để giải thích cho những người gieo nhân ác/nhân thiện mà không nhận được trái đắng/trái ngọt ở hiện tại. Chúng ta cần quy luật “cho đi” để giải thích cho những hành động ở hiện tại. Túm lại là mọi lý thuyết của tôn giáo ta đều thấy nó hợp lý cả, để trả lời một thắc mắc nào đó của chính ta. Nên nếu bạn có yêu một tôn giáo nào đó thì cũng hợp lẽ tự nhiên thôi.

Những nhà sư tu tập theo đạo phật có mục tiêu là giác ngộ, giải thoát để được vào cõi niết bàn, thoát khỏi luân hồi. Họ coi đời sống ở hiện tại là u mê giống như con người khi ngủ mơ vậy; muốn thoát khỏi u mê thì phải thức dậy; từ chuyên môn gọi là “thức tỉnh”. Để làm điều đó họ phải từ bỏ tham sân si, phải cạo đầu để thật khác biệt với người thường, phải sống khắc khổ; túm lại họ dành cuộc sống ở hiện tại (và vô số cuộc sống trong quá khứ) để mong chờ tới niết bàn khi chết.

Các cuốn sách tôn giáo nói về chủ đề này thì rất nhiều và có vẻ như đây là chủ đề phức tạp nên nó phải trình bày dưới dạng mà không ai hiểu nổi. Có hẳn một cuốn sách rất dày tên gọi là “Thức tỉnh mục đích sống”; đừng hy vọng tìm được mục đích sống sau khi đọc xong cuốn sách đó. Hoặc cũng có thể cứ đọc nhưng tới khi về già sắp xuống lỗ rồi bạn mới có thể ngộ ra những gì mà cuốn sách nói.

Chúng ta, người phàm, nếu không muốn tu chuyên nghiệp thì có thể sống theo các nguyên tắc phật giáo. Hành động cụ thể đó là cho đi, khi cho đi bạn sẽ thấy mình “người” hơn, làm một cái gì đó mà không phải vì lợi ích bản thân. Tất nhiên bằng cách nào đó thì một người cho đi càng nhiều sẽ càng nhận được nhiều. Lẽ sống của bạn lúc này là giúp đỡ người khác; làm những dự án giúp những người xung quanh sống tốt hơn.

Những người giàu có thường nhận thức rất rõ về sự cho đi vì họ thấy rằng của cải không trường tồn theo thời gian. Bạn có một mảnh đất 10.000 mét ở cạnh hồ gươm, điều gì đảm bảo là 50 năm hay 200 năm nữa nó vẫn là của con cháu bạn? Biết đâu 200 năm nữa con người đã phải di cư khỏi trái đất rồi và việc sở hữu mảnh đất ở đó chẳng có giá trị gì hoặc chỉ cần thay đổi thể chế chính trị, nhà nước có thể xung công mảnh đất đó. Và thực ra điều đó có thực sự quan trọng không khi mà bạn đã không còn nhận thức từ rất lâu trước đó rồi?

“Cho đi” không nhất thiết cần phải giàu có mới có thể làm được. Bạn có sức khỏe, thời gian, khối óc; bạn sẽ làm được ối thứ miễn là đừng để lợi ích cá nhân bó hẹp mình. Cách đây đôi năm tôi thấy trên tivi có phát chương trình về việc người dân kêu ca về đống rác ở gần đó. Họ ca cẩm rằng chính quyền đã không dọn nó đi để khiến họ phải nhiều năm qua chịu đựng mùi hôi thối từ đống rác. Mà cái đống rác đó có to tát gì đâu, chỉ cần những người quanh đó cùng nhau dọn dẹp không quá 2 ngày là xong. Nhưng vì ai cũng chỉ nghĩ nếu mình dọn mình sẽ bị thiệt nên chẳng ai dọn trong khi họ có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Chỉ cần vài người trong số đó ném bỏ lợi ích cá nhân mà đứng lên dọn dẹp thì sẽ có rất nhiều người làm theo.

 

Tóm lại, tôi nghĩ rằng Mục đích sống có hai ích lợi, nếu ta xác định được:

  • Giúp ta đạt được một cái gì đó lớn lao. Thay vì đi lòng vòng, ta đi thẳng tới đó khi phát biểu ra sớm.
  • Giúp cuộc sống của ta có ý nghĩa, giúp mỗi ngày trôi qua có ý nghĩa. Vì ta ý thức được rằng ta đang làm một thứ mà thứ đó giúp ta đạt một mục đích tạo hứng khởi trong tương lai

Nếu một mục đích sống giúp ta đạt được cả hai thì thật tuyệt vời. Nhưng nói thật là đặt mục tiêu đời người là không thể làm được. Ta chỉ có thể đặt mục tiêu theo khoảng thời gian cùng lắm tới 3 năm là nhiều. Còn không đặt được dài thì bạn chỉ cần tâm niệm là mục tiêu phải tạo cảm hứng là đủ, đủ để bạn thấy mỗi ngày trôi qua có ý nghĩa.

Rốt cục thì sống có mục đích cũng không đơn giản.

Comments

comments

8 COMMENTS

  1. Bài viết ở trang này là 1 sự dung hòa của nhiều cuốn sách dài lê thê và những bài viết ngắn gọn thiếu chiều sâu.
    Độ dài vừa phải, nội dung sâu sắc, lý lẽ thuyết phục và dẫn chứng đa dạng. Đó là những đặc điểm về bài viết của tác giả.
    Lối viết, kiến thức của tác giả là tuyệt vời nhất so với các quyển sách và các trang khác mà tôi biết cho đến lúc này.
    Một lần nữa xin cảm ơn tác giả rất nhiều vì sự tâm huyết và trình độ kiến thức!

  2. thanks bài viết. mình cũng đang trong giai đoạn lẩn quẩn không biết sống làm gì và cho ai.

  3. Tôi đã đọc tất cả các bài viết ở web này, rất thú vị và bổ ích. Mong anh tiếp tục chia sẻ.Chân thành cảm ơn.

    • Hay. Cảm ơn anh đã chia xẻ. Đúng. Đọc cuốn “Thức tỉnh mục đích sống” có cảm nhận như mình nghi ngờ mọi thứ, rất khó nắm bắt được, dường như có sự “đỗ vỡ” sau khi đọc xong.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here